Tóm tắt: Xung đột giữa Nga và Ukraine đã bước sang năm thứ tư, tiếp tục là vấn đề địa chính trị nóng bỏng nhất toàn cầu. Trong năm 2024, chiến sự giữa Nga và Ukraine diễn biến căng thẳng với nhiều cuộc đụng độ khốc liệt trên các khu vực trọng yếu. Các bước leo thang mới khiến các bên khó có khả năng đạt được một giải pháp hoà bình trong dài hạn
Diễn biến xung đột Nga-Ukraine hiện nay
Trong năm 2024, quân đội Nga đã đạt được nhiều tiến bộ rõ rệt trên chiến trường Donbass so với năm 2023. Một sự kiện mang tính bước ngoặt đã diễn ra vào tháng 2, khi Nga giành quyền kiểm soát thành phố Avdeevka, một cứ điểm kiên cố và là trung tâm pháo kích của Ukraine vào các mục tiêu phía bắc Donetsk. Thắng lợi này không chỉ cho phép mở rộng các hướng tiến công của Nga mà còn củng cố mục tiêu kiểm soát toàn bộ khu vực Donetsk. Đây là một bước tiến chiến lược của Nga kể từ khi kiểm soát được thành phố Bakhmut vào năm trước. Sự thất thủ của Avdeevka là dấu hiệu cho thấy lực lượng Nga vẫn nắm giữ thế chủ động trên chiến trường, đặc biệt sau khi chiến dịch phản công của Ukraine không đạt được hầu hết các mục tiêu đề ra.
Trong những tháng tiếp theo, lực lượng vũ trang Ukraine đối mặt với áp lực ngày càng lớn và buộc phải rút lui ở nhiều chiến tuyến quan trọng khi quân Nga giành được nhiều lợi thế ở các địa bàn như Kurakhovo, Chasov Yar, Dzerzhinsk, Velikaya Novoselka, Ugledar, Selidovo, và Pokrovsk (Krasnoarmeysk). Không chỉ tận dụng ưu thế trên bộ, quân đội Nga còn đẩy mạnh việc sử dụng các vũ khí chính xác và máy bay không người lái để tấn công vào các tổ hợp công nghiệp quân sự, sân bay, kho vũ khí, kho nhiên liệu cũng như các điểm triển khai quân lực của lực lượng vũ trang Ukraine và lực lượng lính đánh thuê nước ngoài ở các khu vực như Odessa, Kharkov, Khmelnitsky, Dnepropetrovsk, Kherson, Zaporozhye và Krivoy Rog.
Trong một nỗ lực để xoay chuyển tình thế, vào ngày 6 tháng 8 năm 2024, quân đội Ukraine bất ngờ mở chiến dịch tấn công vào khu vực Kursk, một tỉnh biên giới phía tây của Nga. Cuộc tấn công vào Kursk của quân đội Ukraine trở thành thách thức lớn nhất đối với Nga trong năm 2024, đánh dấu lần đầu tiên một lực lượng quân sự nước ngoài tấn công vào lãnh thổ nước này kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, gây chấn động cả trong nước lẫn quốc tế. Bằng hành động này, Ukraine không chỉ thách thức khả năng phòng thủ của Nga mà còn là dịp để củng cố niềm tin từ các đồng minh phương Tây về năng lực chiến đấu của mình.
Theo các nhà quan sát, cuộc tấn công của Ukraine vào Kursk nhằm hai mục tiêu chính: chiếm đóng nhà máy điện hạt nhân của tỉnh này và gây sức ép để buộc Nga giảm cường độ các cuộc tiến công ở Donbass. Chiến dịch được Ukraine chuẩn bị kỹ lưỡng, với sự tham gia của lữ đoàn cơ giới số 47 tinh nhuệ, trang bị khí tài hiện đại từ phương Tây. Mặc dù vậy, chiến dịch này không đạt được kết quả như mong đợi. Lực lượng vũ trang Ukraine đã không thể tiếp cận được nhà máy điện hạt nhân ở Kursk. Quân đội Nga, sau khoảng thời gian bất ngờ ban đầu, đã tổ chức phản công và giành lại hơn một nửa lãnh thổ mà lúc đầu quân Ukraine đã chiếm được. Kết cục, cuộc tấn công của Ukraine đã thất bại hoàn toàn, buộc họ phải quay trở lại mặt trận phía đông nhằm củng cố phòng tuyến tại Donbass. Tuy nhiên, chiến dịch này cũng đã khiến chính quyền Nga phải tái phân bổ lực lượng và chịu những áp lực dư luận đáng kể.
Trong năm 2024, Ukraine tiếp tục nhận được nguồn viện trợ lớn từ phương Tây để duy trì chiến đấu với Nga, với tổng viện trợ đã vượt mức 40 tỷ USD. Đặc biệt, giữa tháng 11, Mỹ và đồng minh quyết định cho phép Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS của Mỹ) và các loại tên lửa hành trình (Storm Shadow của Anh và SCALP của Pháp) để tấn công tầm xa vào sâu bên trong lãnh thổ Nga. Ngày 19 tháng 11 năm 2024, Ukraine đã triển khai sử dụng các vũ khí này để tấn công các mục tiêu quân sự của Nga ở khu vực Bryansk, sâu trong lãnh thổ Nga, tạo ra một bước leo thang mới trong cuộc chiến. Hành động này không chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực mà còn thách thức trực tiếp chiến lược của Nga mà còn đẩy xung đột vào tình thế nguy hiểm hơn.
Việc Ukraine được phép sử dụng các loại tên lửa tầm xa để tấn công các mục tiêu quân sự sâu trong lãnh thổ Nga trên thực tế khó có khả năng thay đổi cục diện trên chiến trường, vốn đang nghiêng về phía Nga. Trước đó, Mỹ và phương Tây đã cung cấp cho Ukraine nhiều loại tên lửa khác nhau để tấn công các mục tiêu quân sự của Nga tại Crimea, biển Đen và vùng Donbass, song hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của Nga đã hoạt động hiệu quả, hạn chế đáng kể sức tấn công của Ukraine. Vấn đề ở đây là Nga nhìn nhận động thái này của Mỹ và phương Tây đồng nghĩa với việc các nước này đang tham gia trực tiếp vào cuộc chiến chống lại Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng cảnh báo, Nga sẽ đưa ra các quyết định tương ứng với các mối đe dọa mà nước này phải đối mặt.
Theo đó, phản ứng trước tiên của lãnh đạo Nga là tăng cường năng lực răn đe hạt nhân của quốc gia. Tổng thống Putin đã ký phê duyệt học thuyết hạt nhân sửa đổi, trong đó cho phép Nga sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công từ một quốc gia phi hạt nhân được hỗ trợ bởi một quốc gia hạt nhân. Tiếp theo, Nga lần đầu sử dụng tên lửa đạn đạo siêu thanh Oreshkin để tấn công nhanh chóng và chính xác vào các mục tiêu ở miền trung Ukraine. Hành động này một phần nhằm phô diễn sức mạnh quân sự, đồng thời gửi thông điệp cứng rắn đến các lực lượng đối địch. Bên cạnh đó, Nga cũng tiến hành thiết lập tổ hợp tên lửa này trên lãnh thổ Belarus, nhằm đáp trả trực tiếp việc Mỹ và Đức triển khai các hệ thống tên lửa tầm trung ở châu Âu. Đáng chú ý, Nga còn thúc đẩy hình thành một liên minh quân sự không chính thức với Triều Tiên thông qua Hiệp định đối tác chiến lược toàn diện, bao gồm điều khoản tương trợ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công. Trên cơ sở thoả thuận, Triều Tiên đã gửi một số lượng đáng kể quân lực tới Nga, tham gia một số hoạt động quân sự tại Vladivostok và Kursk. Những động thái này của Nga không chỉ làm tăng thêm căng thẳng với Mỹ và các đồng minh mà còn khiến tình hình Đông Âu trở nên phức tạp hơn.
Tính toán chiến lược của các bên
– Đối với Nga
Nga thực hiện chiến lược cứng rắn, không nhượng bộ trong cuộc xung đột tại Ukraine, kiên quyết loại trừ bất kỳ “thoả thuận ngừng bắn” nào để tránh việc các nước phương Tây tận dụng thời gian để khôi phục và nâng cao năng lực chiến đấu cho lực lượng vũ trang Ukraine. Như Ngoại trưởng Sergei Lavrov nhấn mạnh, Nga không tìm kiếm một thoả thuận ngừng bắn mang tính hình thức hay mơ hồ, mà cần một thoả thuận pháp lý rõ ràng, có khả năng đảm bảo an ninh cho Nga cũng như bảo vệ các lợi ích hợp pháp của các quốc gia láng giềng. Trong bối cảnh đó, Nga quyết tâm đạt được hai mục tiêu cốt lõi: “phi quân sự hoá” và “phi phát xít hoá” Ukraine, nhằm thiết lập “một hệ thống an ninh bình đẳng và không thể chia cắt ở châu Âu”.
Để đạt được các mục tiêu đặt ra, Nga nhận thấy cần phải nâng cao hơn nữa năng lực quốc phòng và tái cấu trúc nội bộ quân đội. Nổi bật là việc bổ nhiệm ông Andrei Belousov – một chính trị gia và nhà kinh tế có kinh nghiệm quản lý kinh tế nhà nước thay thế ông Sergei Shoigu giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Việc này được xem là bước đi quan trọng trong nỗ lực cải tổ hệ thống quân sự và để thích nghi với những yêu cầu mới của thời cuộc. Đồng thời, Nga cũng triển khai các biện pháp thanh lọc, xử lý nghiêm minh các quan chức quân sự cấp cao bị cáo buộc tham nhũng hoặc làm suy yếu năng lực quân đội. Song song với cải tổ tổ chức, Nga quyết định tăng cường ngân sách quốc phòng, nâng mức chi tiêu từ 10.800 tỷ rub (115 tỷ USD) năm 2024 lên 13.500 tỷ USD (145 tỷ USD) năm 2025, tương đương với 32% tổng ngân sách quốc gia. Động thái này phải ánh quyết tâm của Nga trong việc duy trì ưu thế quân sự, đặc biệt trong bối cảnh xung đột kéo dài và đang ngày càng leo thang.
Tại cuộc họp mở rộng tháng 12 với sự tham gia của Tổng thống Vladimir Putin, Hội đồng Bộ Quốc phòng Nga đã xác định các ưu tiên quân sự của quốc gia cho năm 2025, bao gồm: 1) phát triển và nâng cao năng lực của lực lượng hạt nhân chiến lược, cũng như đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng hạt nhân phi chiến lược; 2) sử dụng vũ khí siêu thanh nhằm đối phó với việc Mỹ triển khai tên lửa tầm trung ở châu Âu và khu vực châu Á-Thái Bình Dương; 3) tăng cường công tác huấn luyện quân đội; 4) phát triển các loại vũ khí và trang thiết bị đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong chiến đấu; 5) hiện đại hoá hệ thống trao đổi và bảo mật thông tin dựa trên nền tảng các thiết bị di động; 6) tăng cường sản xuất các hệ thống robot và các loại máy bay không người lái, phát triển công nghệ AI phục vụ cho chiến đấu; 7) mở rộng hợp tác quốc phòng và kỹ thuật quân sự với các đồng minh và đối tác.
– Đối với Ukraine
Khi chiến sự với Nga đang tiếp tục leo thang, chính quyền Ukraine đã đưa ra một loạt các quyết định quan trọng nhằm củng cố năng lực quốc phòng và duy trì sự ổn định nội bộ. Trong bối cảnh xung đột ngày càng căng thẳng, Ukraine thắt chặt luật huy động và quyết định huỷ bỏ cuộc bầu cử tổng thống cho đến khi tình trạng thiết quân luật kết thúc. Đó là một động thái nhằm nỗ lực duy trì ý chí chống Nga của chính quyền Kiev cũng như để tập trung toàn bộ nguồn lực cho cuộc chiến theo ý muốn của Zelensky, đồng thời tránh tình trạng bất ổn chính trị trong thời điểm nhạy cảm này.
Một trong những thách thức lớn mà Ukraine đang phải đối mặt là tình trạng thiếu hụt lực lượng quân đội. Điều này đã khiến giới lãnh đạo Ukraine phải xem xét khả năng giảm độ tuổi nhập ngũ từ 25 xuống 18, nhằm tăng cường số lượng quân nhân tham gia vào cuộc chiến. Điều này sẽ có tác động lớn đến xã hội Ukraine, đặc biệt trong việc huy động một lượng lớn thanh niên tham gia quân đội.
Để ứng phó với các cuộc tấn công của Nga, quân đội Ukraine đang tập trung vào việc củng cố các tuyến phòng thủ hiện tại, đồng thời nâng cao sức mạnh nhờ những viện trợ quân sự từ Mỹ và các quốc gia NATO. Các loại vũ khí hiện đại, đặc biệt là các hệ thống tên lửa và phương tiện chiến đấu có khả năng tấn công chính xác, đang được cung cấp cho Ukraine nhằm gây khó khăn cho quân đội Nga trong việc duy trì hoặc mở rộng các hướng tiến công. Sự hỗ trợ từ Mỹ và phương Tây là rất quan trọng đối với Ukraine, nhưng tình hình hiện tại tiềm ẩn nhiều bất ổn. Dù chính quyền Mỹ dưới thời Biden đang tích cực hỗ trợ Ukraine, song sự thay đổi sang chính quyền Donald Trump đã khiến tình hình thay đổi đáng kể. “Trump 2.0” đã có những động thái tìm cách thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình hoặc giảm bớt sự can dự quân sự của Mỹ vào cuộc xung đột, điều này sẽ khiến Ukraine phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc duy trì sự ủng hộ quân sự quốc tế. Việc thiếu sự hỗ trợ đồng đều và bền vững từ Mỹ và các đồng minh phương Tây có thể làm suy giảm khả năng kháng cự của Ukraine trước sự tấn công của quân đội Nga.
– Đối với Mỹ và phương Tây
Quyết định của chính quyền Tổng thống Joe Biden về việc gỡ bỏ lệnh hạn chế, cho phép Ukraine mở rộng phạm vi sử dụng tên lửa tầm xa vào sâu trong nội địa Nga, đã được đưa ra chỉ hai tháng trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ. Động thái này phản ánh một tính toán chiến lược phức tạp: vừa nhằm duy trì áp lực lên Nga, vừa tạo ràng buộc cho chính quyền kế nhiệm của ông Donald Trump, khiến họ khó có thể rút khỏi cuộc xung đột ở Đông Âu. Đồng thời, đây cũng là cách để chính quyền ông Biden tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với an ninh châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh các đồng minh NATO chưa thể đảm nhận hoàn toàn trách nhiệm.
Trong giai đoạn chuyển giao quyền lực ở Mỹ, tính khó lường của Tổng thống Donald Trump càng làm gia tăng sự phức tạp trong việc dự đoán các bước đi tiếp theo của Mỹ. Mặc dù Trump đã có những động thái để hiện thực hóa các tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng ông có thể nhanh chóng chấm dứt xung đột ở Đông Âu, nhưng các phân tích cho thấy quan điểm chung của lưỡng đảng của Mỹ về Nga là đều coi Nga như đối thủ chiến lược, bất kể chính quyền nào lên nắm quyền. Việc Trump chưa xác định kế hoạch gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời thể hiện thái độ thờ ơ với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong các cuộc gặp ngoại giao gần đây, càng làm tăng sự bất định về chính sách của Mỹ.
Hiện đội ngũ của Trump chưa đưa ra chiến lược chính thức cho việc giải quyết xung đột Nga-Ukraine. Tuy nhiên, theo Phó Tổng thống J.D. Vance, một “kế hoạch hòa bình” tiềm năng của Trump có thể bao gồm việc đảm bảo sự trung lập của Ukraine, ngăn cản nước này gia nhập NATO hoặc các tổ chức đồng minh khác. Nếu kế hoạch này được triển khai, có khả năng Trump sẽ sử dụng chiến lược “gây sức ép tối đa” để buộc Ukraine nhượng bộ trước Nga nhằm đổi lấy hòa bình. Tuy nhiên, nếu kế hoạch hòa bình này không đáp ứng được lợi ích của cả Nga lẫn Ukraine, xung đột có thể kéo dài, làm tăng nguy cơ bất ổn ở khu vực Đông Âu.
Việc chính quyền mới của Mỹ ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO song tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine vẫn được coi một thách thức an ninh lớn đối với Nga, bởi điều này đi ngược với mục tiêu chiến lược của Nga trong việc phi quân sự hóa Ukraine. Mặt khác, nếu Mỹ ép buộc Ukraine chấp nhận các điều khoản bất lợi, chính quyền Ukraine có thể quyết định tiếp tục chiến đấu mà không dựa vào viện trợ từ Mỹ, bằng cách tận dụng hỗ trợ từ các đối tác châu Âu. Thực tế dưới thời ông Biden cho thấy, dù có những chậm trễ trong việc cung cấp vũ khí, cuộc chiến vẫn tiếp diễn nhờ nỗ lực tự thân của Ukraine và sự hỗ trợ từ châu Âu.
Trong trường hợp Mỹ cắt giảm viện trợ tài chính, quân sự hoàn toàn cho Ukraine, Mỹ sẽ buộc các đồng minh châu Âu chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn. Tuy nhiên, động thái này có thể dẫn đến sự chia rẽ trong NATO, khi các quốc gia châu Âu, vốn đang chịu áp lực kinh tế từ suy thoái toàn cầu, có thể giảm hỗ trợ cho Ukraine. Các nước châu Âu phụ thuộc nhiều vào năng lượng và thương mại với Nga sẽ đối mặt với khó khăn trong việc tìm kiếm giải pháp thay thế, do đó sẽ làm gia tăng mâu thuẫn nội bộ trong khu vực.
Nhìn chung, trong năm 2024, chiến sự giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang với những cuộc đụng độ khốc liệt trên các khu vực trọng yếu. Tình hình hiện tại cho thấy khó có thể đạt được một giải pháp hoà bình ổn định trong ngắn hạn. Nga tiếp tục theo đuổi chiến lược cứng rắn với mục tiêu dài hạn là “phi quân sự hoá” và “phi phát xít hoá” Ukraine. Trong khi đó, Ukraine tập trung mọi nguồn lực để bảo vệ lãnh thổ và duy trì ổn định nội bộ. Về phía Mỹ và phương Tây, sự hỗ trợ quân sự cho Ukraine là yếu tố then chốt trong việc tổ chức kiềm chế Nga, song việc Trump lên cầm quyền có thể thay đổi đáng kể cách tiếp cận của chính quyền Mỹ đối với xung đột ở Đông Âu và quan hệ tương tác với các đồng minh EU và NATO./.
Tác giả: Đinh Giang
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
1. Thu Hằng (2024), “Toàn cảnh xung đột Nga-Ukraine khi kết thúc năm 2024: các mặt trận rực lửa”, https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/toan-canh-xung-dot-ngaukraine-khi-ket-thuc-nam-2024-cac-mat-tran-ruc-lua-20241224161129399.htm, truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2024.
2. Лавров С. (2024), “Перемирие – это путь в никуда. Нам нужны окончательные юридические договоренности”, https://russiancouncil.ru/analytics-and-comments/comments/peremirie-eto-put-v-nikuda-nam-nuzhny-okonchatelnye-yuridicheskie-dogovorennosti/, truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2024.