Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) được đánh giá là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất và tham vọng nhất trong lịch sử nhân loại; được coi là “giấc mộng” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phản ánh tầm nhìn của Trung Quốc cũng như cá nhân ông Tập về “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”. Nhân kỷ niệm 10 năm Sáng kiến, Trung Quốc đã tổ chức Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba (BRF -3) trong hai ngày 17 và 18/10/2023 với sự tham của hơn 4.000 đại diện đến từ 151 quốc gia và 41 tổ chức quốc tế. Trong đó, có 23 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ tham dự Diễn đàn như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly, Thủ tướng Pakistan Anwaar ul Haq Kakar, các nhà lãnh đạo từ Sri Lanka, Cộng hòa Congo và Nigeria. Tuy nhiên, đại diện của các nước châu Âu hầu như đều vắng mặt tại Diễn đàn lần này.
Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba được đánh giá là hoạt động ngoại giao trong nước quan trọng nhất trong năm 2023 của Trung Quốc, là dịp để Trung Quốc nêu bật các thành công và đóng góp của mình vào sự phát triển của các nước tham gia Sáng kiến, đặc biệt trong việc tăng cường kết nối giữa Trung Quốc và các quốc gia từ châu Á sang châu Âu trên 5 phương diện là chính sách, kết cấu hạ tầng, thương mại, tài chính và kết nối con người, cũng như các nỗ lực tăng cường cơ sở hạ tầng cứng, cơ sở hạ tầng mềm và quan hệ văn hóa của Trung Quốc với các nước. Đây cũng là dịp quan trọng để Trung Quốc và các bên cùng nhau thảo luận về các thành tựu hợp tác, đúc rút các kinh nghiệm trong khuôn khổ Sáng kiết suốt thập kỷ qua, đồng thời còn là cơ hội để nhìn nhận và tìm hướng giải quyết cho những thiếu sót và vấn đề còn tồn tại của BRI, từ đó vạch ra lộ trình, phương hướng hợp tác trong tương lai nhằm tiếp tục xây dựng BRI chất lượng cao sau một thập kỷ biến Sáng kiến này từ “tầm nhìn thành hiện thực, từ ý tưởng thành hành động thực tế”.
MỘT SỐ NỘI DUNG CHÍNH CỦA DIỄN ĐÀN
Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba (BRF-3) với chủ đề “Hợp tác chất lượng cao Vành đai và Con đường, chung tay vì phát triển và thịnh vượng chung” đã tập trung thảo luận, tổng kết những thành tựu đạt được trong 10 năm qua, trao đổi triển vọng, phương hướng hợp tác trong tương lai.
Diễn đàn bao gồm: (1) 03 phiên họp cấp cao do các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc chủ trì được tổ chức đồng thời về các chủ đề: Kết nối trong một nền kinh tế toàn cầu mở, Con đường tơ lụa xanh hài hòa với thiên nhiên, Kinh tế số động lực mới của tăng trưởng. (2) 06 Diễn đàn chuyên đề do các Bộ trưởng của Trung Quốc chủ trì, thảo luận về kết nối thương mại, giao lưu nhân dân, giao lưu học giả, con đường tơ lụa sách, hợp tác địa phương, hợp tác biển… Các đại biểu cũng đã thảo luận về các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến với chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của bối cảnh kinh tế thế giới hiện tại.
Phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ: Trong 10 năm qua, hợp tác Vành đai và Con đường đã phát triển từ kế hoạch chi tiết thành những dự án thực tế; hợp tác quốc tế BRI đã phát triển nhanh chóng và mang lại nhiều kết quả hiệu quả; nhiều dự án lớn và các chương trình lấy con người làm trung tâm đã được triển khai. Ông Tập nhấn mạnh, trong một thập kỷ, các hợp tác BRI đã kéo dài từ lục địa Á-Âu đến châu Phi và Mỹ Latinh, từ quy hoạch vĩ mô sang các dự án cụ thể, từ kết nối cứng sang kết nối mềm. Hơn 150 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế đã ký các văn bản hợp tác BRI, 03 Diễn đàn cấp cao đã được tổ chức và hơn 20 nền tảng hợp tác đa phương trên các lĩnh vực đã được thiết lập. BRI đã tạo nên một mạng lưới kết nối toàn cầu được dẫn dắt bởi các hành lang kinh tế, bao phủ đất liền, biển cả, không gian và Internet, thúc đẩy sự lưu thông hàng hóa, vốn, công nghệ và con người. Thông qua BRI, “cánh cửa giữa Trung Quốc với thế giới bên ngoài sẽ ngày càng rộng mở, các khu vực nội địa sẽ từ chuyển “hậu phương” thành “tiền tuyến”, các vùng ven biển sẽ mở cửa và phát triển ở mức độ cao hơn, thị trường Trung Quốc sẽ gắn kết chặt chẽ hơn với thị trường thế giới. Đáng chú ý, ông Tập khẳng định “BRI sẽ không tham gia vào các cuộc đối đầu ý thức hệ, các trò chơi địa chính trị hay đối đầu chính trị theo nhóm, phản đối ép buộc kinh tế cũng như tách rời chuỗi cung ứng. Ông Tập khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng cùng với các bên làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác hợp tác trong BRI, thúc đẩy việc chung tay xây dựng “Vành đai và Con đường” bước sang một giai đoạn mới phát triển chất lượng cao, nỗ lực không ngừng để hiện thực hóa công cuộc hiện đại hóa của các nước trên thế giới.
Cũng trong bài phát biểu này, ông Tập nhấn mạnh: (1) 03 nguyên tắc để hợp tác Sáng kiến Vành đai và Con đường trong thời gian tới bao gồm cùng lên kế hoạch, cùng phát triển và cùng hưởng thành quả; (2) Đề xuất 08 hành động của Trung Quốc nhằm hỗ trợ xây dựng “Vành đai và Con đường” chất lượng cao gồm thiết lập mạng lưới kết nối đa chiều, hỗ trợ xây dựng nền kinh tế thế giới mở, thực hiện hợp tác thiết thực, thúc đẩy phát triển xanh, đẩy mạnh đổi mới khoa học và công nghệ, tăng cường giao lưu nhân dân, thúc đẩy “hợp tác liêm chính” Vành đai và Con đường, củng cố thể chế hợp tác Vành đai và Con đường.
Tại Diễn đàn, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev; Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez; Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed… và nhiều đại biểu đã có các bài phát biểu, trong đó đánh giá cao những thành tựu và đóng góp quan trọng của BRI trong 10 năm qua với hàng loạt dự án và chương trình hợp tác trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng, kinh tế số, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, …
Tại cuộc họp báo ngày 18/10/2023 của Diễn đàn BRF-3, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định, BRF-3 “đánh dấu một cột mốc quan trọng khác trong quá trình cùng nhau xây dựng Vành đai và Con đường” và đây là một Diễn đàn “hết sức thành công”, giúp mở ra giai đoạn mới của hợp tác Vành đai và Con đường chất lượng cao, từ đó giúp “tạo ra nhiều cơ hội mới hơn nữa cho nền kinh tế toàn cầu và trở thành một lợi ích cho toàn cầu”. Ngoại trưởng Vương Nghị cũng cho biết kết quả quan trọng mà Diễn đàn đã đạt được bao gồm: (1) Thu hút sự tham gia của đại diện từ 151 quốc gia và 41 tổ chức quốc tế; (2) Đạt được tổng cộng 458 kết quả thiết thực, lớn hơn đáng kể so với thành tích của BRF-2, trong đó một số sáng kiến và thỏa thuận hợp tác đã được nhất trí, bao gồm cải thiện khả năng kết nối, phát triển xanh, nền kinh tế kỹ thuật số và các nguyên tắc cấp cao để xây dựng tính liêm chính trong Sáng kiến Vành đai và Con đường; (3) Trung Quốc sẽ thực hiện Nguyên tắc đầu tư xanh cho Vành đai và Con đường, đồng thời cung cấp 100.000 cơ hội đào tạo cho các nước đối tác vào năm 2030; (4) Trung Quốc sẽ thực hiện 1.000 dự án hỗ trợ sinh kế quy mô nhỏ và tăng cường hợp tác giáo dục nghề nghiệp thông qua Hội thảo Luban và các sáng kiến khác; (5) Các thỏa thuận hợp tác trị giá 97,2 tỷ chủ yếu trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch, trí tuệ nhân tạo, dược phẩm sinh học, dịch vụ tài chính, nông nghiệp hiện đại, vận tải đường sắt… đã được ký kết tại Hội nghị Doanh nhân được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn.
Ngày 18/10/2023, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố Danh sách cụ thể 369 sản phẩm hợp tác thực tế của BRF-3, trong đó có: (1) 32 văn kiện hợp tác song phương; (2) 10 văn kiện hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực; (3) 17 nền tảng hợp tác song phương và dự án hoặc cơ chế do phía Trung Quốc triển khai; (4) 03 đề án mang tính thể chế do phía Trung Quốc đề xuất liên quan đến các khoản tài chính của Sáng kiến; (5) 24 dự án hợp tác; (6) 21 dự án về sinh kế cho người dân và kết nối con người; (7) 31 Báo cáo nghiên cứu về BRI và Sách Trắng.
MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ VỀ DIỄN ĐÀN BRF-3
Một là, trong một thập kỷ qua, BRI đã phát triển một cách nhanh chóng cả về mức độ phức tạp về mặt địa lý và lĩnh vực hợp tác. Ngày 10/10/2023, ngay trước thềm diễn ra Diễn đàn BRF-3, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố thông tin Sách Trắng “Chung tay xây dựng BRI: Thực tiễn quan trọng trong xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại”, trong đó trình bày một cách có hệ thống nguồn gốc lịch sử, tầm nhìn, khái niệm, lộ trình thực hiện, thành tựu thực tiễn và ý nghĩa của việc xây dựng BRI, nhấn mạnh vai trò mang tính biểu tượng của “dự án thế kỷ”, đồng thời giới thiệu một cách toàn diện những thành công trong khuôn khổ BRI trong một thập kỷ qua. Theo số liệu công bố trong Sách Trắng, từ năm 2013 đến năm 2022, tổng khối lượng xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và các nước trong BRI đạt 19,1 nghìn tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 6,4%; tổng số vốn đầu tư hai chiều tích lũy giữa Trung Quốc và các quốc gia đối tác BRI đã vượt 380 tỷ USD. Tính đến cuối tháng 6/2023, Trung Quốc đã ký hơn 200 văn kiện hợp tác về xây dựng chung “Vành đai và Con đường” với hơn 150 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế ở tất cả các châu lục, tạo thành một mạng lưới rộng lớn. 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã nhất trí đưa BRI vào nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, Sách Trắng không đề cập đến các vấn đề mà phương Tây thường phản đối ở các dự án BRI như “ngoại giao bẫy nợ”, tham nhũng, ô nhiễm môi trường, hủy hoại sinh thái hay áp đặt “quyền lực mềm” và vấn đề an ninh…
Các chuyên gia đánh giá, việc Trung Quốc công bố Sách Trắng BRI ngay trước thềm Diễn đàn BRF-3 là cách để Bắc Kinh giải quyết các chỉ trích của phương Tây và điều này đã được gói gọn trong câu “BRI cam kết hợp tác cởi mở, xanh và rõ ràng hướng tới phát triển toàn diện và bền vững”.
Hai là, mặc dù BRF-3 là một diễn đàn có ý nghĩa quan trọng vì được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 10 năm Sáng kiến và 04 năm sau đại dịch Covid-19 nhưng số lượng đại biểu là nguyên thủ quốc gia hoặc lãnh đạo chính phủ tham dự lại ít hơn hai diễn đàn trước đó. Tại BRF-1 năm 2017 có 29 nguyên thủ quốc gia và BRF-2 năm 2019 có tới 37 nguyên thủ quốc gia tham dự. Số lượng các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ tham dự BRF-3 (23) phần nào cho thấy “sự nhiệt tình” của các nước đối với BRI đã suy giảm khi mà nhiều dự án lớn có vấn đề, trong khi các quốc gia tham gia Sáng kiến khó có thể gánh nợ thêm được nữa vì đã bị ảnh hưởng khá nặng bởi đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế do xung đột, chiến tranh Nga – Ukraine… Hơn nữa, việc các nhà lãnh đạo châu Âu vắng mặt tại BRF-3 cũng là vấn đề đáng chú ý. BRF-1 và BRF -2 lần lượt có tới 10 và 11 nguyên thủ quốc gia hoặc lãnh đạo chính phủ từ các nước châu Âu nhưng BRF-3 năm nay chỉ có 03 nhà lãnh đạo châu Âu là Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Belarus, Séc, Hy Lạp, Italia và Thụy Sĩ đều đã cử các nhà lãnh đạo hàng đầu tham dự cả BRF-1 và BRF-2 nhưng đã không tham gia BRF-3 năm nay. Tuy nhiên, Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) đánh giá, việc Tổng thống Putin tham dự cả BRF-1, BRF-2 cũng như thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Trung Quốc để tham gia BRF-3 kể từ khi Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt giữ ông là một minh chứng rõ nét cho sự liên kết ngày càng tăng giữa Bắc Kinh và Moscow.
Ba là, BRF-3 phản ánh các nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc trong việc chuyển hướng sang Nam bán cầu bao gồm cả châu Phi và châu Mỹ Latin nhằm tạo đối trọng với trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu. Khu vực Nam bán cầu vẫn là nơi có số lượng các nước tham dự BRI khá lớn và đây cũng là khu vực nhận được tỷ trọng đầu tư lớn của Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến BRI.
Bốn là, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang đứng trước các thách thức nghiêm trọng bao gồm sự phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19 không như mong đợi, nợ công của các chính quyền địa phương tăng cao bắt nguồn từ khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, sự cạnh tranh chiến lược với Mỹ ngày càng gay gắt đã thúc đẩy Bắc Kinh cần cần một diễn đàn quan trọng để định hướng thập kỷ thứ hai của BRI. Diễn đàn BRF-3 là dịp để Trung Quốc công khai với thế giới về những bước chuyển và một giai đoạn mới của BRI vốn đã được định hình dần trong thời gian qua. Hiện nay các dự án BRI đang chuyển hướng từ việc tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD – nhưng thường lãng phí – sang các dự án nhỏ nhưng mang lại lợi nhuận tốt hơn, chẳng hạn như các dự án liên quan đến năng lượng tái tạo và công nghệ kỹ thuật số. Năm 2021, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi ưu tiên các dự án “nhỏ và đẹp”, đồng thời cam kết Trung Quốc sẽ không xây dựng bất kỳ dự án nhiệt điện than mới nào ở nước ngoài.
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TƯƠNG LAI CỦA SÁNG KIẾN “VÀNH ĐAI VÀ CON ĐƯỜNG”
Các chuyên gia quốc tế và các nhà quan sát đánh giá, mặc dù thời gian gần đây các dự án lớn về cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng nhưng Sáng kiến này sẽ không “sụp đổ” mà tiếp tục phát triển, ít nhất là cho đến khi Chủ tịch Tập Cận Bình – “kiến trúc sư trưởng” của Sáng kiến vẫn còn tại vị. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc kỳ vọng, bước sang một giai đoạn hợp tác mới, BRI sẽ tiếp tục tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế thế giới, mang lại cơ hội phát triển chung cho các quốc gia tham gia Sáng kiến cũng như chính Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đang nỗ lực đưa hợp tác Vành đai và Con đường lên một giai đoạn phát triển mới có chất lượng cao hơn và trình độ cao hơn, từ đó thúc đẩy quá trình hiện đại hóa của tất cả các quốc gia. Trung Quốc dự kiến, trong 5 năm tới (2024-2028), khối lượng xuất nhập khẩu thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ của nước này dự kiến sẽ đạt hơn 32.000 tỷ USD và 5.000 tỷ USD. Ngân hàng Thế giới ước tính đến năm 2030, các khoản đầu tư liên quan đến BRI có thể giúp 7,6 triệu người thoát khỏi tình trạng nghèo cùng cực và 32 triệu người thoát khỏi tình trạng nghèo vừa phải.
Thông qua Diễn đàn BRF-3, có thể thấy một số định hướng phát triển trong thời gian tới của các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến BRI của Trung Quốc như sau:
Một là, tập trung vào các dự án “nhỏ và đẹp”: Sau một thời gian mở rộng về quy mô, BRI đang có những điều chỉnh khi các khoản đầu tư bắt đầu giảm xuống, trong đó các dự án ở châu Phi đã giảm cả về số lượng và giá trị của các khoản vay. Theo Trung tâm Chính sách Phát triển toàn cầu của Đại học Boston, kể từ những năm trước đại dịch 2017 – 2019 đến giai đoạn hậu đại dịch 2020 – 2022, mức cho vay trung bình đã giảm 37% từ 213,03 triệu USD xuống còn 135,15 triệu USD. Trong khi đó, các khoản cho vay đã giảm từ 184 xuống còn 32 trong thời kỳ hậu đại dịch. Trong một phát biểu mới đây khi công bố Sách Trắng về BRI, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Quách Đình Đình nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ “tập trung thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại trong BRI ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất hơn”. Bắc Kinh cũng sẽ bồi dưỡng những động lực tăng trưởng kinh tế mới, phối hợp thúc đẩy các dự án trọng điểm và dự án “nhỏ và đẹp”.
“Nhỏ và đẹp” là một khái niệm mới dùng để chỉ các khoản đầu tư mới của Trung Quốc mang quy mô nhỏ hơn nhưng mục tiêu rõ ràng hơn. Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ có chọn lọc hơn trong các dự án BRI và có thể sẽ tập trung vào các quốc gia có tầm quan trọng hơn. Hơn nữa, các dự án cũng sẽ “xanh hơn”, thu gọn hơn, có mục tiêu rõ ràng hơn và tiết kiệm chi phí hơn, bao gồm các dự án ít rủi ro hơn.
Tuy nhiên, Christoph Nedopil – Giám đốc Viện Châu Á tại Đại học Griffith, Australia tin rằng, Trung Quốc vẫn sẽ thực hiện một số dự án lớn, bao gồm cả những dự án có tầm nhìn xa như đường sắt và các dự án về ống dẫn dầu và khí đốt.
Hai là, tập trung vào các dự án về khoa học và công nghệ: Khoa học và công nghệ là những mục tiêu chính trong trong các kế hoạch mới mà Trung Quốc công bố tại BRF-3. Các nhà phân tích đánh giá, động thái này của Trung Quốc nhằm đối phó với các hạn chế công nghệ ngày càng lớn từ Mỹ và phương Tây. Những phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn cho thấy tầm nhìn của ông về BRI trong thời gian tới sẽ giúp Trung Quốc vượt qua các thách thức và mở ra con đường để đạt được tham vọng về công nghệ và đổi mới. Ông Tập nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “thúc đẩy đổi mới khoa học và công nghệ” thông qua hợp tác với các đối tác Vành đai Con đường khác. Đáng chú ý, trong kế hoạch mới đề cập đến tầm nhìn tương lai về BRI với 8 điểm chính có việc “khai thác thị trường và nhân tài của các nước liên quan để giúp thúc đẩy tiến bộ công nghệ của chính Trung Quốc”. Ông Tập cũng cam kết hợp tác với các nước khác để xây dựng các phòng thí nghiệm thúc đẩy phát triển khoa học và nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI); đồng thời bày tỏ mong muốn thúc đẩy sự phát triển an toàn của AI và tổ chức hội nghị thượng đỉnh khoa học Vành đai và Con đường.
Một nhà khoa học giấu tên từ Viện Khoa học Trung Quốc cho biết, những công nghệ tiên tiến mà Trung Quốc mong muốn phát triển nhất hiện nay không thể đạt được thông qua BRI, tuy nhiên, kế hoạch hành động mới của ông Tập có thể giúp vượt qua những thách thức hiện tại.
Ba là, tập trung vào khu vực Nam bán cầu nhằm tạo đối trọng với Mỹ: Hiện nay, nhu cầu tài trợ cho các siêu dự án của Trung Quốc có thể đã giảm nhưng BRI vẫn là một công cụ ngày càng quan trọng để Trung Quốc tận dụng trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng gay gắt. Trung Quốc kỳ vọng khu vực Nam Bán cầu sẽ giúp nước này tạo dựng đối trọng với trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu. Phần lớn nội dung Sách Trắng mà Trung Quốc công bố vừa qua có thể được coi là đề cập đến khu vực Nam bán cầu. Tại cuộc gặp bên lề BRF-3 với Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali, ông Tập đã nhắc lại tầm quan trọng của việc “thúc đẩy tình đoàn kết Nam-Nam”, đồng thời tuyên bố rằng hai nước nên “ủng hộ mạnh mẽ lẫn nhau trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của nhau” và những mối quan tâm lớn”.
Bốn là, về các khoản đầu tư và tài chính của BRI: Ông Tùng Lượng – Phó chủ nghiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết, nước này sẽ “cùng với các quốc gia liên quan không ngừng cải thiện hệ thống đầu tư và tài chính dài hạn, ổn định, bền vững và có thể kiểm soát rủi ro”, đồng thời “tích cực đổi mới các mô hình đầu tư và tài trợ, mở rộng các kênh đầu tư và tài trợ, kiện toàn hệ thống bảo đảm vốn ổn định, minh bạch và chất lượng cao”. Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng thêm nguồn tài chính cho BRI thông qua 03 đề án mang tính thể chế mà đã được đề xuất tại BRF-3 bao gồm: (1) Ngân hàng Phát triển Trung Quốc sẽ thiết lập cơ chế tài trợ trị giá 350 tỷ nhân dân tệ cho hợp tác Vành đai và Con đường; (2) Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc sẽ thiết lập cơ chế tài trợ trị giá 350 tỷ nhân dân tệ cho hợp tác Vành đai và Con đường; (3) Quỹ Con đường Tơ lụa sẽ được bơm thêm 80 tỷ nhân dân tệ để hỗ trợ các dự án BRI trên cơ sở các nguyên tắc thị trường và thương mại.
Năm là, về một số định hướng cụ thể của BRI: Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư tài chính và nguồn lực để triển khai các dự án trong khuôn khổ BRI theo kế hoạch và định hướng mới, trong đó: (1) Tăng tốc phát triển các tuyến đường sắt Trung Quốc – châu Âu và xây dựng Hành lang Vận tải Quốc tế xuyên Caspian, cùng các bên thiết lập một kênh hậu cần mới giữa lục địa Á-Âu dưới sự hỗ trợ của vận tải đường sắt và đường cao tốc kết nối trực tiếp, cũng như đẩy nhanh kết nối các tuyến đường trên bộ, trên biển và trên không. (2) Thành lập khu thí điểm hợp tác “Con đường tơ lụa thương mại điện tử”, đàm phán các hiệp định thương mại tự do và hiệp định bảo hộ đầu tư với nhiều quốc gia hơn; loại bỏ toàn diện các hạn chế về tiếp cận đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất; thúc đẩy hơn nữa việc mở cửa dịch vụ thương mại và đầu tư xuyên biên giới ở mức độ cao. (3) Thúc đẩy các dự án liên quan đến khí hậu, ngừng xây dựng các nhà máy điện than ở nước ngoài và khuyến khích các dự án liên quan đến chuyển đổi xanh. (4) Triển khai kế hoạch thành lập liên minh du lịch “Con đường tơ lụa” để thúc đẩy trao đổi văn hóa, hợp tác với các tổ chức quốc tế, truyền thông, tổ chức tư vấn và các nền tảng văn hóa để thúc đẩy và cải thiện việc xây dựng thể chế của nền tảng Vành đai Con đường. (5) Thúc đẩy triển khai Sáng kiến quản trị trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu nhằm thúc đẩy “sự phát triển lành mạnh, trật tự và an toàn của AI trên toàn cầu”. (6) Tăng cường xây dựng các nền tảng hợp tác đa phương với các nước khác dọc theo “Vành đai và Con đường” về năng lượng, thuế, tài chính, phát triển xanh, giảm thiểu thiên tai, chống tham nhũng, tổ chức nghiên cứu, truyền thông và văn hóa… (7) Tổ chức “Hội chợ thương mại kỹ thuật số toàn cầu hàng năm, đồng thời tiếp tục tổ chức Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế BRI và thành lập Ban Thư ký Diễn đàn.
TRIỂN VỌNG HỢP TÁC CỦA VIỆT NAM TRONG KHUÔN KHỔ BRI
Ngày 12/11/2017, nhân dịp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Bản ghi nhớ về thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với Sáng kiến Vành đai và Con đường. Hiện, hai bên đang tiếp tục thảo luận các nội dung để cụ thể hóa bản ghi nhớ này bởi dư địa hợp tác giữa hai nước là rất lớn. Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt hơn 175 tỷ USD, tăng 5,47% và Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ, sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong 9 tháng đầu năm nay, đầu tư của Trung Quốc đạt gần 2,1 tỷ USD với 478 dự án, là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)lớn thứ hai tại Việt Nam, sau Singapore. Trung Quốc duy trì vị trí thứ 6 trên 144 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với hơn 4.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt hơn 26 tỷ USD.
Năm 2023 là năm kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Trung Quốc và việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự BRF-3 nhân kỷ niệm 10 năm Sáng kiến này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, trên bình diện đa phương, việc Chủ tịch nước tham dự BRF-3 góp phần củng cố xu thế tăng cường liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và toàn cầu hóa có biểu hiện chững lại. Đây là dịp để Chủ tịch nước trao đổi với các nhà lãnh đạo và đại diện các nước, tổ chức quốc tế về các động lực mới của quá trình phục hồi kinh tế mỗi nước nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo số, nông nghiệp hiện đại, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp; qua đó góp phần củng cố xu thế tăng cường liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, đặc biệt khi Việt Nam là một quốc gia có độ mở kinh tế lớn. Trên bình diện song phương, cuộc gặp giữa Chủ tịch nước với lãnh đạo chủ chốt Trung Quốc góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị, duy trì đà quan hệ cũng như tạo ra những cơ hội hợp tác mới giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trong thời gian tới, Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bền vững, cân bằng hơn; tăng cường hợp tác liên kết về hạ tầng, đặc biệt trong khuôn khổ các kết nối “Hai Hành lang, một Vành đai” và “Một Vành đai, một Con đường” và có nhiều dư địa để triển khai các hoạt động hợp tác trên cơ sở 03 đề xuất của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đưa ra tại Diễn đàn BRF-3 liên quan đến hợp tác về kinh tế số, dựa trên 03 trụ cột: (1) Hợp tác về thể chế số để xây dựng các quy định phù hợp, bảo đảm sự thông suốt, an toàn, bảo mật dữ liệu; tạo môi trường kinh doanh thân thiện; phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, bảo đảm an toàn, an ninh và chủ quyền quốc gia, cần tính đến trình độ phát triển, đặc thù của các quốc gia, bảo đảm cân bằng lợi ích, bình đẳng cho các bên. (2) Hợp tác về hạ tầng số để bảo đảm và nâng cao năng lực tham gia của các nước vào nền kinh tế số toàn cầu. (3) Hợp tác nhân lực số để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mới, hiện đại; thúc đẩy các dự án chuyển giao tri thức và công nghệ.
Có thể thấy, Việt Nam nằm trong phạm vi địa lý của Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc và có nhu cầu lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng, có thể được hưởng lợi từ Sáng kiến này. Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng, thông qua BRI, Việt Nam có thể nhận thêm nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông, gia tăng năng lực phục vụ và phát triển kinh tế, nhất là kinh tế số – động lực tăng trưởng của kinh tế trong bối cảnh hiện nay; đồng thời tận dụng cơ hội này tăng trao đổi thương mại đầu tư, gắn kết với các nước Đông Nam Á. Việc tham gia BRI cũng có thể mang lại những tiềm năng du lịch lớn hơn cho Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, những lợi ích và thách thức Việt Nam có thể đối mặt một khi tham gia BRI vẫn cần được xem xét kỹ lưỡng.
Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba là hoạt động ngoại giao quan trọng nhất của Trung Quốc trong năm 2023 và là sự kiện trọng đại nhất Trung Quốc kỷ niệm 10 năm Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Diễn đàn là chỉ dấu cho thấy những định hướng cũng như bước chuyển của Trung Quốc đối với sự phát triển của Sáng kiến mang tầm vóc thời đại Tập Cận Bình trong thập kỷ thứ hai. Trong thời gian tới, các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” sẽ ít tập trung hơn vào các dự có quy mô lớn về cơ sở hạ tầng đường sắt, bến cảng và sân bay mà sẽ chú trọng hơn đến các dự án “nhỏ và đẹp”, nhất là trong các lĩnh vực kết nối kỹ thuật số, thiết lập tiêu chuẩn, các khóa đào tạo và mối quan hệ giữa con người với con người. Các dự án này sẽ được thu gọn hơn, có mục tiêu rõ ràng hơn và tiết kiệm chi phí hơn, bao gồm các dự án ít rủi ro hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai, Con đường” trong tương lai sẽ ít vấn đề hơn, ít gây hậu quả hơn bởi đây vẫn là một công cụ quan trọng giúp Trung Quốc nâng cao sức mạnh và ảnh hưởng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt với Mỹ.
Trong suốt một thập kỷ qua, Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã hứng chịu không ít chỉ trích, nhất là các hoạt động cho vay của các công ty Trung Quốc và một số lợi ích mơ hồ mà các quốc gia đối tác BRI nhận được. Tuy nhiên, xét về tổng thể, Trung Quốc đã nhận được các lợi ích to lớn từ Sáng kiến mang tầm vóc thế kỷ này, chủ yếu là việc mở rộng ảnh hưởng và “quyền lực mềm” trên phạm vi toàn cầu, không chỉ ở các dự án cơ sở hạ tầng cảng, đường sắt mà chính là thái độ của nhiều quốc gia ở Nam bán cầu với Trung Quốc. Ngày nay, không gian, thời gian và bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới và khu vực đã giúp BRI như hòa vào chung tầm nhìn toàn cầu lớn hơn, mang tính thời đại hơn của Trung Quốc được gói gọn trong các ý tưởng của Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, Sáng kiến An ninh Toàn cầu và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu lần lượt được công bố thời gian qua và điều này cũng đã được thể hiện rõ trong Sách Trắng thứ hai về BRI được công bố trước Diễn đàn BRF-3 với tựa đề “Cộng đồng toàn cầu về tương lai chung: Các đề xuất và hành động của Trung Quốc”. Trung Quốc hiện đang tự coi mình là một lựa chọn thay thế cho Mỹ và phương Tây trong việc thiết lập các chuẩn mực cho “trật tự thế giới đa cực, công bằng hơn” và Sáng kiến “Vành đai và Con đường” vẫn là công cụ được họ lựa chọn cho mục đích này.
Tác giả: Nguyên Long
Bản quyền nội dung bài viết thuộc về tác giả và Nghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
1. Felix K. Chang, China’s belt and road initiative: politics over economics, 19/9/2023, Foreign Policy Research Institute, https://www.fpri.org/article/2023/09/chinas-belt-and-road-initiative-politics-over-economics/
2. Wang Ziteng, 2023 Beijing Int’l Media Forum explores mutual learning among civilizations, 15/10/2023, china.org.cn, http://www.china.org.cn/china/2023-10/15/content_116747305.htm
3. The Diplomat, China’s 3rd belt and road forum finally gets a date, 10/2023, https://thediplomat.com/2023/10/chinas-3rd-belt-and-road-forum-finally-gets-a-date/
4. Riyaz ul Khaliq, World leaders converging on China for Belt and Road forum, 16/10/2023, Anadolu Ajansı, https://www.aa.com.tr/en/asia-pacific/world-leaders-converging-on-china-for-belt-and-road-forum/3022199
5. Tân hoa xã, (BRF2023) China Focus: What to expect at 3rd Belt and Road Forum for Int’l Cooperation, 16/10/2023, https://english.news.cn/20231016/1d1408039c49460990fd2af27bb9f124/c.html
6. Dewey Sim, Belt and road forum ‘a showcase’ for China’s growing global influence, 16/10/2023, South China Morning Post, https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3238087/belt-and-road-forum-showcase-chinas-growing-global-influence
7. David Sacks, China’s Belt and Road Initiative Enters Its Second Decade: Which Leaders Went to Beijing to Celebrate with Xi Jinping?, 17/10/2023, Council on Foreign Relations, https://www.cfr.org/blog/chinas-belt-and-road-initiative-enters-its-second-decade-which-leaders-went-beijing-celebrate
8. China Daily, Chinese FM hails fruitful results of 3rd BRF, 19/10/2023, https://www.chinadaily.com.cn/a/202310/19/WS6530912aa31090682a5e975b.html
9. Manoj Joshi, The third Belt and Road Forum: China stakes out new vision for the global future, 20/10/2023, Observer Research Foundation, https://www.orfonline.org/expert-speak/the-third-belt-and-road-forum/
10. C.K. Tan, Belt and Road Forum shows China recalibrating after 10 years, 19/10/2023, Nikkei Asia, https://asia.nikkei.com/Spotlight/Belt-and-Road/Belt-and-Road-Forum-shows-China-recalibrating-after-10-years
11. China Daily, 3rd BRI forum provides milestone results, 20/10/2023, https://www.chinadaily.com.cn/a/202310/20/WS6531b044a31090682a5e9997_7.html
12. The Diplomat, Which world leaders came to China’s 3rd belt and road, 10/2023, https://thediplomat.com/2023/10/which-world-leaders-came-to-chinas-3rd-belt-and-road-forum/
13. Bộ Ngoại giao Trung Quốc, List of Practical Cooperation Deliverables of The Third Belt and Road Forum for International Cooperation, 18/10/2023, https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/202310/t20231020_11164541.html
14. Lili Pike, The Belt and Road Ahead, 19/10/2023, Foreign Policy, https://foreignpolicy.com/2023/10/19/china-xi-jinping-putin-bri-debt/