Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một yếu tố quyết định trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về quyền lực công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh chiến lược quân sự của các quốc gia lớn. Trong thế kỷ 21, AI không chỉ là một công cụ hỗ trợ mà còn được xem như “vùng đất trung tâm” của quyền lực công nghệ, nơi mà những quốc gia kịp thời nắm bắt và kiểm soát sẽ có lợi thế vượt trội. Mỹ, với vai trò là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, đã nhận thức rõ tầm quan trọng này và không ngừng điều chỉnh chiến lược AI quân sự của mình để duy trì vị thế cạnh tranh. Sắc lệnh toàn diện về AI được Tổng thống Joe Biden ký vào tháng 10 năm 2023 đã khẳng định tham vọng của Mỹ trong việc tiên phong quản lý và phát triển AI, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng. Sự chuyển mình này được dự báo sẽ không chỉ có tác động lớn đến sức mạnh quân sự của Mỹ mà còn đặt ra những thách thức địa chính trị to lớn cho các quốc gia khác trên toàn cầu.
AI – “vùng đất trung tâm” của quyền lực công nghệ thời đại số
Nếu trong thế kỷ 20, lập luận của Halford Mackinder chỉ ra rằng nắm giữ “vùng đất trung tâm” (heartland) là chìa khóa để thống trị thế giới, thì ở thế kỷ 21 nơi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra như vũ bão, Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng có thể được xem như “heartland” của thời đại số, rằng bất cứ quốc gia nào kịp thời nắm bắt và kiểm soát AI sẽ có được quyền lực công nghệ vượt trội hơn cả để duy trì ưu thế trước các đối thủ khác. Tư duy này dường như khá trùng khớp với cách Mỹ định hình vai trò của AI trong cán cân quyền lực quốc tế và sắc lệnh toàn diện đầu tiên về AI được Tổng thống Joe Biden ký ngày 30/10/2023 càng thể hiện rõ ràng hơn tham vọng đi trước đón đầu, tiên phong quản trị và kiểm soát cho bằng được thứ công cụ số uy lực này của Mỹ. Một trong những lĩnh vực trọng điểm trong chính sách AI của Mỹ chính là quân sự – quốc phòng với những khoản đầu tư sớm nhất và lớn nhất được dành cho phát triển, thử nghiệm và triển khai các ứng dụng AI trong tình báo, giám sát và trinh sát, chỉ huy và kiểm soát cũng như cho các hệ thống vũ khí mới. Trong gần một thập kỉ trở lại đây, Mỹ liên tục đẩy mạnh thử nghiệm và tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực quân sự nhằm khai thác khả năng xử lý thông tin vượt trội của AI, giúp rút ngắn thời gian phân tích và ra quyết định chỉ huy, tạo lợi thế cho lực lượng tác chiến Mỹ trên chiến trường. Thực trạng phát triển này đòi hỏi cần phải có một chiến lược tổng thể hơn để định hướng, thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi số sâu rộng của quân đội Hoa Kỳ. “Chiến lược về Dữ liệu, Phân tích và Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo” (Sau đây gọi tắt là “Chiến lược AI quân sự mới”) ra đời vào ngày 02/11/2023 – 5 năm sau khi Lầu Năm Góc công bố Chiến lược quốc phòng 2018 – dựa trên sự điều chỉnh và tích hợp của các chiến lược trước đây bao gồm “Bản tóm tắt Chiến lược Trí tuệ nhân tạo của Bộ Quốc phòng (2018)”, “Chiến lược Hiện đại hóa kỹ thuật số của Bộ Quốc phòng” và “Chiến lược Dữ liệu của Bộ Quốc phòng”. Chiến lược này đánh dấu lần cập nhật và điều chỉnh có hệ thống đầu tiên về chiến lược AI quân sự của Hoa Kỳ kể từ năm 2018 – một sự kiện mang tính bước ngoặt trong tiến trình chuyển đổi số của quân đội Mỹ, được kì vọng sẽ trở thành kim chỉ nam cho việc phát triển và tích hợp AI vào nền quốc phòng Xứ cờ hoa. Không chỉ góp phần gia tăng sức mạnh, hỗ trợ khả năng cạnh tranh của cường quốc quân sự số 1 thế giới trong cuộc đua quyền lực với các nước lớn khác, việc điều chỉnh chiến lược AI quân sự của Mỹ còn được dự báo sẽ làm gia tăng các cuộc chạy đua “vũ khí hóa” trí tuệ nhân tạo, ảnh hưởng sâu sắc đến môi trường an ninh quốc tế, đặc biệt là quá trình tập hợp lực lượng toàn cầu, làm thay đổi phạm vi ảnh hưởng của các cường quốc, từ đó mang lại những thách thức địa chính trị gay gắt đối với từng khu vực và trên toàn cầu.
Những điều chỉnh lớn trong chiến lược AI quân sự của Mỹ
Chiến lược AI quân sự mới của Mỹ so với “Bản tóm tắt Chiến lược Trí tuệ nhân tạo của Bộ Quốc phòng (2018)” – sau đây gọi là Chiến lược 2018 có những thay đổi đáng kể như sau:
Xác định Trung Quốc là “đối thủ chiến lược” số 1 trong lĩnh vực AI quân sự
Chiến lược AI quân sự mới của Mỹ đã có sự thay đổi lớn trong việc định vị vai trò chiến lược của Trung Quốc trong lĩnh vực AI quân sự. Trong Chiến lược (2018), Bộ Quốc phòng Mỹ xem cả Trung Quốc và Nga là các “đối thủ cạnh tranh” (competitors) và “đối thủ chính” (adversaries) điển hình trong ứng dụng AI quân sự . Tuy nhiên, trước sự gia tăng đáng kể về năng lực tổng hợp của Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng, cùng với việc Mỹ nâng tầm AI lên thành một công cụ địa chính trị, nhận thức của Bộ Quốc phòng Mỹ về Trung Quốc đã trở nên rõ ràng hơn. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong bài phát biểu của mình tại một hội nghị quốc tế do Ủy ban An ninh Quốc gia về Trí tuệ nhân tạo tổ chức đã chỉ ra: “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nói rõ rằng họ dự định sẽ thống trị toàn cầu về AI vào năm 2030. Bắc Kinh đã nói về việc sử dụng AI cho một loạt các nhiệm vụ, từ giám sát cho đến tấn công mạng đến vũ khí tự động. Và trong lĩnh vực AI, cũng như nhiều lĩnh vực khác, chúng tôi hiểu rằng Trung Quốc đang đặt ra một thách thức ngày càng gia tăng với Mỹ. Chúng tôi sẽ cạnh tranh để giành chiến thắng, nhưng chúng tôi sẽ làm điều đó một cách đúng đắn .” Tư duy này được cụ thể hóa hơn trong Chiến lược An ninh quốc gia 2022, xác định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược trọng yếu nhất” (most consequential strategic competitor) vừa có ý định định hình lại trật tự quốc tế, vừa ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để làm điều đó trong khi Nga chỉ được coi là “mối đe dọa nghiêm trọng” (acute threat) . Đến Chiến lược Khoa học và Công nghệ Quốc phòng 2023, Mỹ tiếp tục nhấn mạnh rằng Trung Quốc là đối thủ chiến lược lớn nhất . Chiến lược AI mới của Bộ Quốc phòng Mỹ khuếch trương quan điểm này, bỏ qua Nga và nhìn nhận Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” (strategic competitor) duy nhất của Mỹ trong lĩnh vực AI quân sự. Theo đó, Mỹ cho rằng Trung Quốc đã thể hiện rõ ý định sử dụng AI để giành lợi thế quân sự, điều này đặt ra những thách thức trực tiếp đối với an ninh quốc gia Mỹ và buộc Bộ Quốc phòng nước này phải nhanh chóng phát triển năng lực AI để duy trì và tăng cường khả năng răn đe đối với Trung Quốc và các đối thủ chiến lược khác.
Lần đầu đề xuất “Tháp nhu cầu” phát triển AI
Các “kiến trúc sư” của Chiến lược AI quân sự mới đã lần đầu tiên xây dựng một cấu trúc nhu cầu về trí tuệ nhân tạo mang tính hệ thống trong các lĩnh vực dữ liệu, phân tích và ứng dụng AI, cung cấp định hướng, sự hỗ trợ then chốt cho quá trình nâng cao năng lực AI nói chung của quân đội Mỹ. Cấu trúc nhu cầu về trí tuệ nhân tạo này có thể được mô tả là một “kim tự tháp” với 3 tầng có quan hệ gắn bó chặt chẽ , trong đó đáy của kim tự tháp – nền tảng của nhu cầu phát triển trí tuệ nhân tạo quân sự của Mỹ là nhu cầu về “dữ liệu chất lượng cao” (quality data). Chỉ khi phá bỏ “đảo dữ liệu” – các rào cản cô lập dữ liệu, cải thiện khả năng thu thập và xử lý dữ liệu, quân đội mới có thể nâng cao độ chính xác và chiều sâu của các phân tích trí tuệ nhân tạo, từ đó cải thiện khả năng ra quyết định của hệ thống trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động tác chiến. Tầng kế tiếp của tháp nhấn mạnh vào nhu cầu về “phân tích và số liệu sâu sắc” (insightful analytics and metrics). Các phân tích và chỉ số có chiều sâu khi được xây dựng trên nền tảng dữ liệu chất lượng cao sẽ tạo thành cơ sở, hình dung trực quan cần thiết để các nhà lãnh đạo Bộ Quốc phòng nhận thức sâu hơn về các lĩnh vực quan trọng cũng như các biến số then chốt ảnh hưởng đến kết quả trong các lĩnh vực đó. Cuối cùng, chiến lược đặt nhu cầu về “trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm” (responsible AI) ở đỉnh kim tự tháp, cho thấy Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ theo đuổi việc phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo an toàn, trên cơ sở đáp ứng nhu cầu về dữ liệu chất lượng cao và phân tích sâu sắc, để đưa trí tuệ nhân tạo đạt đến trạng thái “đáng tin cậy” cuối cùng, phục vụ mục tiêu hiện đại hóa khả năng quản lý và tác chiến của Bộ Quốc phòng Mỹ. Đỉnh kim tự tháp này còn phản ánh hướng phát triển lâu dài trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của quân đội Mỹ. Bên cạnh đó, sự ổn định của cấu trúc kim tự tháp phân cấp nhu cầu trí tuệ nhân tạo này phụ thuộc vào một loạt các mục tiêu chiến lược đóng vai trò như “bộ kích hoạt” (enablers), chẳng hạn như mục tiêu cải thiện quản lý dữ liệu cơ bản, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái, tăng cường đào tạo nhân tài, v.v., tất cả cùng góp phần thúc đẩy ứng dụng AI ngày càng sâu rộng trong quân sự.
Đặt trọng tâm vào vai trò hỗ trợ của dữ liệu đối với AI quân sự
Trong khía cạnh hỗ trợ chiến lược, Chiến lược AI quân sự mới đã nâng mức độ coi trọng vai trò của dữ liệu chất lượng lên một tầm cao chưa từng có. Trong Chiến lược (2018), dữ liệu chỉ được xem là một trong nhiều yếu tố bổ trợ cho các năng lực AI trọng yếu như nâng cao nhận thức tình huống và ra quyết định, thực hiện bảo trì dự đoán và cung ứng, v.v. Khi vai trò của dữ liệu đối với hiệu quả hoạt động của trí tuệ nhân tạo ngày càng rõ ràng hơn, Chiến lược Dữ liệu Bộ Quốc phòng (2020) đã nhấn mạnh rằng các tập dữ liệu dùng để huấn luyện trí tuệ nhân tạo và mô hình thuật toán sẽ ngày càng trở thành “tài sản số quý giá nhất” của Bộ Quốc phòng . Chiến lược An ninh Quốc gia 2022 chỉ ra rằng các hoạt động của quân đội Mỹ ngày càng phụ thuộc vào công nghệ dựa trên dữ liệu và sự tích hợp từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, vì vậy Bộ Quốc phòng sẽ thực hiện cải cách thể chế để tích hợp công tác dữ liệu, phần mềm và trí tuệ nhân tạo, đồng thời đẩy nhanh việc cung cấp các năng lực này cho lực lượng tác chiến. Trên cơ sở những nhận thức và hành động chiến lược này, Chiến lược AI quân sự mới đã đặc biệt nhấn mạnh vai trò hỗ trợ của dữ liệu đối với sự phát triển AI quân sự. Dữ liệu chất lượng cao được coi là nền tảng và yếu tố then chốt để thực hiện cấu trúc phân cấp nhu cầu về trí tuệ nhân tạo dạng kim tự tháp như đã trình bày bên trên. Chiến lược đặt mục tiêu trọng điểm hàng đầu là cải thiện năng lực quản lý dữ liệu cơ bản, nâng cao chất lượng và tính khả dụng của dữ liệu Bộ Quốc phòng, đồng thời sáng tạo đề xuất coi “dữ liệu như một sản phẩm” nhằm thúc đẩy chia sẻ và sử dụng chung dữ liệu, phá vỡ các “hòn đảo dữ liệu”. Bên cạnh đó, Chiến lược cũng đồng thời quy định trong phụ lục các tiêu chuẩn và khuôn khổ mà dữ liệu chất lượng cao cần phải đáp ứng như: có thể nhìn thấy, truy cập, hiểu được, liên kết, đáng tin cậy, có khả năng tương tác và an toàn (VAULTIS). Trong các báo cáo, chiến lược và sắc lệnh hành chính có liên quan đến trí tuệ nhân tạo được công bố trên trang web của chính phủ và Bộ Quốc phòng Mỹ, từ khóa “dữ liệu” (data) luôn xuất hiện trong top những từ khóa có tần suất xuất hiện cao nhất, thậm chí trong Chiến lược AI quân sự mới của Mỹ, từ khóa này còn xuất hiện nhiều hơn cả từ khóa “trí tuệ nhân tạo”. Điều này phần nào cho thấy rằng phiên bản mới của chiến lược trí tuệ nhân tạo quân sự của Mỹ đã có đưa mức độ chú trọng đến dữ liệu lên một tầm cao chưa từng có.
Tăng cường hợp tác sâu rộng với các đồng minh và đối tác trong lĩnh vực AI quân sự
Trong khía cạnh hợp tác chiến lược, Chiến lược AI quân sự mới cho rằng trong môi trường chiến lược với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quân sự, Bộ Quốc phòng Mỹ “không thể thành công một mình” mà cần phải hợp tác sâu rộng và hiệu quả với các đồng minh và đối tác để cùng nhau đối phó với những thách thức an ninh quốc gia phức tạp trong thập kỷ quyết định tới. Trên cơ sở của nhận thức này, Chiến lược lần đầu đề xuất “đầu tư vào cơ sở hạ tầng liên bang có khả năng tương tác”, nhằm tăng cường hợp tác quốc tế về cơ sở hạ tầng AI trong khi thúc đẩy “xây dựng hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo”. Vào tháng 7 năm 2024, Bộ Quốc phòng Mỹ và Bộ Quốc phòng Singapore đã ký biên bản ghi nhớ, nhằm tăng cường hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực dữ liệu, phân tích và trí tuệ nhân tạo, tập trung vào chất lượng dữ liệu, phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm và quản lý nhân tài . Động thái này tưởng chừng như có lợi cho việc thúc đẩy trao đổi và hợp tác quốc tế về công nghệ trí tuệ nhân tạo nhưng nếu xem xét kĩ phạm vi hợp tác, không khó nhận ra đối tượng hướng tới của sáng kiến hợp tác này chủ yếu là các nước đồng minh thân cận của Mỹ trong khi các đối thủ giả định như Trung Quốc sẽ bị loại trừ. Về bản chất, có thể coi hành động này của Mỹ là biểu hiện của xu hướng tập hợp lực lượng trong lĩnh vực công nghệ, cụ thể là xây dựng một nhóm nhỏ cường quốc công nghệ cao dẫn dắt công nghệ trí tuệ nhân tạo toàn cầu thông qua hình thức liên kết “tiểu đa phương” hoặc “giả đa phương”.
Tác động của việc Mỹ công bố điều chỉnh chiến lược AI quân sự
Có thể nói, việc ban hành Chiến lược về AI quân sự mới sẽ giúp Mỹ đẩy nhanh tiến trình trí tuệ hóa và chuyển đổi số trong quân đội, thúc đẩy việc triển khai Chiến lược Phản đòn thứ ba của nước này. Ở cấp độ quốc tế, sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ cũng sẽ làm gia tăng các cuộc chạy đua vũ trang trí tuệ nhân tạo, ảnh hưởng sâu sắc và có tiềm năng thay đổi hoàn toàn môi trường an ninh quốc tế và không gian sinh tồn của các quốc gia.
Thúc đẩy phát triển trí tuệ hóa quân sự của Mỹ, đẩy nhanh triển khai Chiến lược Phản đòn thứ ba
Việc ban hành Chiến lược AI quân sự mới sẽ dẫn dắt quá trình chuyển đổi số và trí tuệ hóa quân đội Mỹ. Hiện nay, quân đội xứ cờ hoa đã triển khai nhiều dự án nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, trong đó tiêu biểu có dự án Maven – tập trung phát triển công nghệ tự động nhận diện và khóa mục tiêu vị trí bệ phóng tên lửa và tàu mặt nước; dự án Palantir – tích hợp các chức năng thu thập tình báo, ra quyết định tác chiến, chỉ huy kiểm soát và thông tin liên lạc; và hệ thống Stormbreaker – với khả năng tự động lập kế hoạch chiến đấu, đề xuất các kịch bản tác chiến đa miền ở cấp độ chiến dịch, và kiểm tra, diễn tập các phương án này. Với vai trò là kim chỉ nam của tiến trình trí tuệ hóa quân đội Mỹ, Chiến lược AI quân sự mới không chỉ lần đầu cung cấp tháp nhu cầu AI mà còn đưa ra sáu sáng kiến chiến lược quan trọng. Đặc biệt, Chiến lược nhấn mạnh phương pháp linh hoạt (Agile Approach) trong nghiên cứu và ứng dụng AI, góp phần cải thiện năng lực xử lý thông tin tình báo của quân đội Mỹ, phát triển trang thiết bị thông minh, cùng như hệ thống hậu cần và chỉ huy – điều khiển thông minh.
Ngoài ra, Chiến lược AI quân sự mới cũng được cho sẽ thúc đẩy nhanh chóng việc thực hiện Chiến lược Phản đòn thứ ba. Theo tạp chí The Week, Chiến lược Phản đòn thứ nhất ra đời từ thập niên 1950 nhằm đối phó với thế mạnh của Liên Xô trong mảng bộ binh quy ước bằng những dòng vũ khí hạt nhân chi phí thấp. Chiến lược Phản đòn thứ hai được thai nghén vào thập niên 1980 bao gồm các kế hoạch đẩy mạnh phát triển công nghệ mới đột phá để bù đắp sự thua sút về quân số so với Liên Xô. Với chiến lược Phản đòn thứ ba, Lầu Năm Góc tìm cách duy trì ưu thế quân sự toàn cầu với ngân sách eo hẹp hơn trước sự vươn lên của các bên khác, trong đó coi trí thông minh nhân tạo và tự động hóa là trụ cột quan trọng nhằm hỗ trợ quá trình ra quyết định của con người trong điều kiện tác chiến với khối lượng dữ liệu khổng lồ. Sự hợp tác giữa người và máy, hay còn gọi là “mô hình nhân mã”, vì vậy, được xem là “chén thánh” công nghệ cao của kế hoạch mà Lầu Năm Góc đang triển khai để đối đầu với những tiến bộ trong lĩnh vực quân sự ở Nga, Trung Quốc, duy trì ưu thế quân sự của Mỹ. Lấy ví dụ về năng lực tình báo trong chiến tranh, việc thu thập và phân tích thông tin tình báo là nền tảng và yếu tố then chốt để giành quyền chủ động trong tác chiến liên hợp của quân đội. Nghiên cứu cho thấy giới tình báo Mỹ, bao gồm cả hệ thống tình báo quốc phòng, đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về số lượng, tốc độ thu thập, tính đa dạng và độ chính xác của dữ liệu . Chiến lược AI quân sự mới chỉ ra yêu cầu “cải thiện quản lý dữ liệu cơ bản”, “sử dụng năng lực dữ liệu, phân tích và trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ tác chiến liên hợp”. Biện pháp này khi áp dụng vào phân tích tình báo sẽ hướng dẫn quân đội Mỹ ứng dụng AI một cách hiệu quả để thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu thông minh, tích hợp và phản hồi dữ liệu phức tạp, từ đó nâng cao đáng kể năng lực thu thập và phân tích tình báo của quân đội trong tác chiến liên hợp, tạo ưu thế vượt trội so với đối thủ cạnh tranh.
Thúc đẩy chủ quyền hóa AI, gia tăng các cuộc chạy đua vũ trang AI
Một mặt, Chiến lược AI quân sự mới nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu thập, quản lý và sử dụng nguồn dữ liệu, từ đó làm gia tăng các cuộc tranh giành nguồn dữ liệu toàn cầu, thúc đẩy xu hướng chủ quyền hóa trí tuệ nhân tạo. Khái niệm “chủ quyền trí tuệ nhân tạo” (Sovereign AI) được đề xuất bởi Jensen Huang, nhà sáng lập công ty NVIDIA, ám chỉ việc mỗi quốc gia cần phải xây dựng và kiểm soát cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo của riêng mình, trong đó bao gồm cơ sở hạ tầng vật lý và cơ sở hạ tầng dữ liệu, khẳng định quyền sở hữu của mỗi nước đối với dữ liệu và thông tin tình báo được tạo ra từ cơ sở hạ tầng đó . Khi AI bước vào giai đoạn học sâu và công nghệ mã nguồn mở, ngày càng nhiều quốc gia định vị dữ liệu là “tài nguyên chiến lược”. Chiến lược AI quân sự mới của Mỹ coi việc thu thập, lưu trữ và quản lý nguồn dữ liệu chất lượng cao là một trong những mục tiêu quan trọng nhất, điều này cũng có nghĩa là Mỹ sẽ tăng cường kiểm soát và sử dụng nguồn dữ liệu toàn cầu. Điều chỉnh chiến lược này có nguy cơ sẽ gây ra xung đột, tranh giành tài nguyên dữ liệu trên phạm vi toàn thế giới, làm gia tăng xu hướng chủ quyền hóa AI, và gây chia rẽ các quốc gia trong quá trình phát triển và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Mặt khác, việc Mỹ lấy AI làm trung tâm để thúc đẩy chuyển đổi số và trí tuệ hóa quân đội cũng làm gia tăng cuộc đua vũ trang AI trên toàn cầu. Trong những năm gần đây, quân đội Mỹ đẩy nhanh việc áp dụng AI trong lĩnh vực quân sự, gây tác động lớn đến môi trường kiểm soát vũ khí quốc tế. Tháng 8/2023, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố kế hoạch “Replicator”, dự định trong 18-24 tháng tới sẽ triển khai hàng nghìn hệ thống vũ khí tự chủ trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Tháng 9/2023, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố sẽ xây dựng một phòng thí nghiệm chiến đấu trí tuệ nhân tạo “BRAVO” ở khu vực châu Âu và Ấn Độ – Thái Bình Dương, chuyển công nghệ trí tuệ nhân tạo từ nghiên cứu thử nghiệm sang thực nghiệm tác chiến. Tháng 7/2024, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Mark Milley dự đoán rằng đến năm 2039, một phần ba quân đội Mỹ sẽ là robot. Trong kỷ nguyên cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư, quân đội có khả năng phát triển và ứng dụng các chương trình trí tuệ nhân tạo tiên tiến hơn trên chiến trường sẽ có ưu thế vượt trội so với đối thủ. Trong bối cảnh Mỹ tích cực tăng cường cạnh tranh nước lớn và thúc đẩy quân sự hóa trí tuệ nhân tạo kể từ năm 2017, ngày càng nhiều quốc gia bắt đầu xây dựng chiến lược phát triển AI quân sự của riêng mình. Không khó để dự đoán, việc Chiến lược AI quân sự mới của Mỹ được ban hành sẽ kích thích hơn nữa các quốc gia khác trên thế giới tăng tốc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ này, từ đó nguy cơ xung đột ngoài ý muốn và đối đầu quân sự giữa các cường quốc sẽ tiếp tục leo thang.
Cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng trở nên sâu sắc
Việc Mỹ ban hành Chiến lược AI quân sự mới chắc chắn cũng sẽ làm gia tăng cạnh tranh chiến lược toàn diện Mỹ-Trung nói chung và cuộc cân não về trí tuệ nhân tạo quân sự giữa Mỹ với “đối thủ chiến lược duy nhất” nói riêng. Những tư duy phần nào mang màu sắc Chiến tranh Lạnh được phản ánh thông qua chiến lược này đã định hướng cho một loạt các hành động của Mỹ nhằm đối trọng và hạn chế sự vươn lên của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng. Ngày 29/3/2024, chính quyền Biden đã sửa đổi quy định để siết chặt hơn các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo và các công cụ liên quan đối với Trung Quốc . Tháng 5/2024, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua đề xuất xây dựng một khung áp đặt kiểm soát xuất khẩu đối với các mô hình trí tuệ nhân tạo để ngăn công nghệ Mỹ rơi vào tay “các tác nhân xấu nước ngoài”. Đồng thời, Mỹ cũng đang cân nhắc áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn, gây áp lực lên các công ty của Nhật Bản và Hà Lan để hạn chế hơn nữa hoạt động mua bán chip với Trung Quốc. Các học giả Trung Quốc nhận định rằng trong tương lai, một số quốc gia sẽ thận trọng hơn khi tiếp xúc với Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo do tâm lý vừa dè chừng vừa bị thu hút bởi công nghệ tân tiến của Mỹ, khiến Trung Quốc gặp nhiều trở ngại hơn trong việc tìm kiếm hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Dự báo xu hướng phát triển AI quân sự của Mỹ trong tương lai
Trước sự gia tăng sức mạnh công nghệ và quân sự của các đối thủ như Trung Quốc, Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục có những động thái, chiến lược để duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực AI quân sự của mình. Trước hết, Mỹ có khả năng sẽ đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các hệ thống AI có năng lực học hỏi và thích ứng tự động trên chiến trường. Thay vì chỉ dựa vào các thuật toán được lập trình sẵn, các hệ thống mới sẽ có khả năng học nhanh trong thời gian thực và tương tác đa miền. Các hệ thống AI sẽ tích hợp chặt chẽ hơn giữa các lĩnh vực trên không, trên bộ, dưới nước và không gian mạng, nhằm tạo ra các chiến lược tác chiến toàn diện hơn. Bên cạnh đó, Mỹ có thể tăng cường đầu tư vào việc phát triển AI phòng thủ trong chiến tranh thông tin nhằm nhận diện và ngăn chặn các cuộc tấn công mạng, thông tin giả mạo (deepfake) và chiến dịch gây nhiễu thông tin. Với sự gia tăng về số lượng và độ tinh vi của các cuộc tấn công mạng đến từ đối thủ, các giải pháp áp dụng AI trong chiến tranh thông tin của Mỹ trong tương lai có thể hướng tới việc nâng cao khả năng phát hiện tự động đối tượng giả mạo, bảo vệ mạng lưới quân sự trước các cuộc tấn công mã độc và tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) trên quy mô lớn. Không những vậy, nghiên cứu về công nghệ phòng thủ chiến lược của AI nhằm chống lại vũ khí siêu thanh và UAV cũng sẽ nhận được sự quan tâm của Lầu Năm Góc, trong bối cảnh gia tăng các cuộc tấn công bằng UAV từ Nga và các thử nghiệm vũ khí siêu thanh tiên tiến của Trung Quốc. Trong ứng dụng này, thuật toán AI có thể được quân đội Mỹ sử dụng để phân tích dữ liệu hình ảnh và radar nhằm phát hiện và theo dõi UAV tàng hình ở cự ly xa, cũng như dự đoán quỹ đạo để tăng cường khả năng phòng thủ trước các hệ thống tên lửa siêu thanh.
Hiện nay, Tổng thống đắc cử Donald Trump đang tiếp tục hoàn thiện nội các của mình trong khi tiếp nhận chuyển giao quyền lực từ chính quyền Biden. Sự trở lại Phòng Bầu dục của Trump vào tháng 1 năm sau chắc chắn cũng sẽ có nhiều ảnh hưởng tới sự phát triển AI quân sự hiện nay của Mỹ. Dù là một nhân tố khó đoán định trong chính giới Mỹ song dựa trên những chính sách ở nhiệm kì trước, có thể dự đoán rằng Trump 2.0 vẫn sẽ đặt khẩu hiệu “nước Mỹ là trên hết” làm tôn chỉ và nhiều khả năng sẽ giữ các tiếp cận thực dụng của mình, kể cả với lĩnh vực công nghiệp cuộc phòng. Tân tổng thống đã từng công khai ủng hộ các biện pháp mạnh mẽ để duy trì ưu thế quân sự vượt trội của Mỹ, vì thế khi trở lại, một mặt, Trump sẽ tái thiết cuộc chơi về đầu tư công nghệ quốc phòng, trong đó ưu tiên hợp tác công tư để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ AI nói chung và AI trong quân sự nói riêng, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến khả năng tác chiến trực tiếp và phòng thủ. Mặt khác, Trump cũng có thể hành động thông qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vượt xa các hạn chế hiện tại của Biden nhằm bảo vệ công nghệ nhạy cảm của Mỹ trước sự tiếp cận của Trung Quốc. Tất cả những nỗ lực trên đều nhằm mục tiêu tiếp tục duy trì vị thế cường quốc công nghệ và tính tiên phong trong lĩnh vực AI quân sự của Mỹ, từ đó sẽ không chỉ thay đổi bộ mặt cuộc đua AI toàn cầu mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới môi trường an ninh quốc tế. Điều chỉnh chiến lược của Mỹ đặt ra cho các quốc gia thách thức phải có những kế hoạch hành động để “hòa vào” với làn sóng AI đang ngày càng dâng cao thay vì để “cuốn theo” cuộc chơi của các nước lớn.
Tác giả: Lương Hoàng Dương
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
1. “3 cường quốc quân sự trong bảng xếp hạng của Global Firepower | baotintuc.vn”. Truy cập 10 Tháng Chạp 2024. https://baotintuc.vn/quan-su/my-nga-va-trung-quoc-la-3-cuong-quoc-quan-su-trong-bang-xep-hang-cua-global-firepower-20240116124022507.htm.
2. “2022-NATIONAL-DEFENSE-STRATEGY-NPR-MDR.pdf”. Truy cập 10 Tháng Chạp 2024. https://media.defense.gov/2022/Oct/27/2003103845/-1/-1/1/2022-NATIONAL-DEFENSE-STRATEGY-NPR-MDR.pdf.
3. “2023 Data, Analytics, and Artificial Intelligence Adoption Strategy”, không ngày.
4. “2023 National Defense Science & Technology Strategy”, 2023.
5. “AI arms race: US to deploy $1.5bn to compete with China – Nikkei Asia”. Truy cập 10 Tháng Chạp 2024. https://asia.nikkei.com/Politics/AI-arms-race-US-to-deploy-1.5bn-to-compete-with-China.
6. Blackburn, R Alan. “Summary of the 2018 Department of Defense Artificial Intelligence Strategy”, 2018.
7. “Mỹ siết chặt quy định xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc | baotintuc.vn”. Truy cập 11 Tháng Chạp 2024. https://baotintuc.vn/the-gioi/my-siet-chat-quy-dinh-xuat-khau-chip-ai-sang-trung-quoc-20240330132256539.htm.
8. Norquist, David L. “DOD Data Strategy”.
9. Reuters. “Nvidia CEO Huang Says Countries Must Build Sovereign AI Infrastructure”. 12 Tháng Hai 2024, sec Technology. https://www.reuters.com/technology/nvidia-ceo-huang-says-countries-must-build-sovereign-ai-infrastructure-2024-02-12/.
10. “Tổng thống Mỹ ban hành sắc lệnh về trí tuệ nhân tạo | Báo Đại biểu Nhân dân”. Truy cập 10 Tháng Chạp 2024. https://daibieunhandan.vn/tong-thong-my-ban-hanh-sac-lenh-ve-tri-tue-nhan-tao-post348172.html.
11. U.S. Department of Defense. “United States and Singapore Sign SOI to Strengthen Data, Analytics and Artificial Intellig”. Truy cập 10 Tháng Chạp 2024. https://www.defense.gov/News/Releases/Release/Article/3839100/united-states-and-singapore-sign-soi-to-strengthen-data-analytics-and-artificia/
12. Weinbaum, Cortney, và John N T Shanahan. “Intelligence in a Data-Driven Age”.