Được coi là quốc gia bị cô lập nhất trên thế giới, Triều Tiên từ lâu đã bị thế giới phương Tây coi như một mối đe dọa an ninh khu vực và toàn cầu, đặc biệt thông qua chương trình phát triển tên lửa của mình. Dù nền kinh tế của Triều Tiên vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng nước này vẫn ưu tiên đầu tư tài lực đáng kể vào chương trình tên lửa như một biện pháp răn đe. Một số nhà quan sát tin rằng chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên chỉ đơn giản là một cách thương lượng để đảm bảo sự công nhận hoặc viện trợ kinh tế lớn hơn. Tuy nhiên, với các cuộc thử nghiệm ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Ngoài ra, cũng do tính thiếu minh bạch của chương trình và sự khó đoán từ các quyết định của lãnh đạo nước này, bất kỳ động thái tại bán đảo Triều Tiên luôn thu hút được sự quan tâm của quốc tế.
Vậy, chương trình tên lửa của Triều Tiên đã có quá trình phát triển như thế nào? Và liệu tên lửa có còn được coi là con át chủ bài trên bán đảo Triều Tiên trong tương lai?
Lịch sử ban đầu
Khởi phát của chương trình phát triển tên lửa của nước này bắt nguồn từ cuộc cạnh tranh của các cường quốc trong Chiến tranh Lạnh, khi Trung Quốc và Liên Xô đã có những động thái nhất định nhằm hỗ trợ vũ khí cho Triều Tiên. Trong suốt thập niên 1960 tới 1970, Triều Tiên được Liên Xô cung cấp tên lửa đất đối không và hệ thống pháo phản lực (artillery rocket), đồng thời nhân sự Triều Tiên cũng được đào tạo để vận hành và chế tạo các bệ phóng tên lửa. Khi đó, Trung Quốc không chỉ giúp đỡ Triều Tiên trang bị hệ thống phòng thủ bờ biển như tên lửa chống hạm, mà còn chuyển giao một số công nghệ của mình cho Bình Nhưỡng.[1]
Nhận được những giúp đỡ ban đầu, Triều Tiên quyết định chính thức tự phát triển tên lửa đạn đạo vào năm 1965 bằng việc thành lập Học viện Quân sự Hamhung. Trong giai đoạn 1967 – 1971, chi tiêu dành cho quốc phòng của nước này tăng nhanh và chiếm 30% tổng ngân sách của cả nước. [2] Triều Tiên đẩy mạnh tiềm lực quân sự bản địa do nhiều lý do, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là lo ngại mối quan hệ căng thẳng giữa Liên Xô và Trung Quốc có thể làm giảm các cam kết bảo vệ của hai nước này đối với Triều Tiên trước một cuộc chiến tiềm tàng.
Chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên dần có những thành tựu rõ rệt kể từ năm 1976, khi nước này sở hữu tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud-B của Liên Xô. Mặc dù Liên Xô từ chối viện trợ Scud-B cho Triều Tiên, nhưng Triều Tiên đã mua lại một số mẫu tên lửa này thông qua Ai Cập.[3] Nhờ áp dụng “kỹ nghệ đảo ngược”, nghĩa là dựa theo quy trình tháo dỡ để học hỏi, Triều Tiên đã chế tạo tên lửa bản địa đầu tiên của mình Hwasong-5 vào năm 1984. Năng lực tên lửa của Triều Tiên từ đó đã tiến bộ đáng kể trong những thập kỷ kế tiếp. Triều Tiên thành công phát triển tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung vào những năm 1980 và 1990. Cho đến nay, nước này còn phát triển và thử nghiệm các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa với mục tiêu nhắm tới các phần lãnh thổ ở bên kia bán cầu. Tỷ lệ phóng thành công của các vụ thử cũng được cải thiện theo thời gian. Trước năm 1994, tỷ lệ thành công chỉ khoảng 50%, nhưng tỷ lệ này tăng lên khoảng 78% từ năm 1994 đến năm 2011 và tỷ lệ này tiếp tục tăng lên 85% từ năm 2011 đến năm 2023.[4]
Chương trình phát triển tên lửa dưới thời Kim Jong-un
Theo quan sát từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản[5], Triều Tiên đã có tổng cộng 170 cuộc phóng thử nghiệm tên lửa kể từ sau khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền cho tới tháng 8/2023. Con số này cao hơn gấp 10 lần so với thời kỳ cầm quyền của cha ông, Kim Jong-il (16 cuộc thử), cho dù ông Kim Jong-un mới chỉ lãnh đạo đất nước 12 năm. Mặc dù nước này có thời gian ngắn tạm ngừng thử các loại tên lửa vào năm 2018 trong lúc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ dưới thời ông Donald Trump, nhưng Triều Tiên đã tiếp tục thử nghiệm và đạt đỉnh điểm với 59 vụ vào chỉ riêng năm 2022.
Tổng hợp của Bộ Quốc phòng Nhật Bản về các cuộc thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên với phân chia về loại tên lửa, giai đoạn 1998-2023. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nhật Bản (2023)
Tuy nhiên dữ liệu về các vụ phóng thử nghiệm tên lửa không có sự đồng nhất giữa những bên quan sát. Điều này là do Triều Tiên chỉ công bố các vụ phóng tên lửa tiên tiến mới và thành công, trong khi các số liệu khác được ghi nhận từ quan sát của tình báo Mỹ, Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Phần lớn các vụ này có thể là những thử nghiệm ít quan trọng, hoặc là những vụ thử thất bại mà Triều Tiên không muốn công bố, hay có thể là những vụ thử bí mật mà Triều Tiên cố gắng che giấu khỏi sự quan sát của quốc tế.
Theo dữ liệu khác từ nhóm nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin (CNS), từ 2012 tới tháng 4/2023, Triều Tiên đã phóng 214 trên tổng số 245 vụ thử nghiệm tên lửa (chiếm 87%) kể từ lần đầu phóng tên lửa Hwasong-5 vào năm 1984. Dữ liệu này cũng cho thấy Triều Tiên phóng nhiều vụ thử nghiệm nhất, với 69 vụ, vào năm 2022. Có ý kiến cho rằng các vụ phóng này không nhằm phục vụ mục đích thử nghiệm để phát triển các loại tên lửa mới, mà là để thăm dò thái độ của chính phủ mới ở Seoul.[6]
Các cuộc thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên được phân chia theo tên lửa, giai đoạn 1984-2023.
Nguồn: Tác giả tổng hợp theo nguồn của CNS (2023)
Triều Tiên phát triển song hành tên lửa cùng vũ khí hạt nhân
Ngay từ đầu, Triều Tiên xác định việc phát triển tên lửa đạn đạo sẽ song hành cùng chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân. Nhờ vậy có thể tăng khả năng răn đe đối với các mối đe dọa từ nước ngoài, đặc biệt là từ Hàn Quốc và Mỹ. Việc sở hữu vũ khí hạt nhân được coi là biện pháp hiệu quả nhất để chống lại những quốc gia có tiềm lực quốc phòng mạnh hơn, và quan trọng nhất, theo giới bình luận thì mục tiêu cuối cùng là nhằm duy trì chế độ hiện tại ở Bình Nhưỡng.[7]
Nhận thức được tầm quan trọng của vũ khí hạt nhân đối với sự tồn tại của mình, Triều Tiên đã bắt đầu chương trình phát triển vũ khí hạt nhân ngay từ những năm 1950 với sự giúp đỡ ít ỏi từ phía Liên Xô. Sau khi Trung Quốc thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân vào năm 1964, Triều Tiên cũng đã đề nghị Trung Quốc hỗ trợ phát triển chương trình hạt nhân của họ. Tuy nhiên, Trung Quốc đã từ chối yêu cầu này với lý do một quốc gia nhỏ như Triều Tiên không cần thiết phải sở hữu vũ khí hạt nhân.[8] Năm 1977, Triều Tiên ký hiệp ước thanh sát với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và tham gia Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) vào năm 1985. Một mặt, đây có thể là một nỗ lực mà Triều Tiên muốn giảm bớt căng thẳng ngoại giao và cải thiện hình ảnh của mình như một quốc gia có trách nhiệm trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Mặt khác, lý do chính khiến Triều Tiên tham gia NPT là để đổi lấy công nghệ hạt nhân của Liên Xô.[9] Năm 2003, Triều Tiên rút khỏi NPT và sau đó lần đầu tiên thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân vào tháng 10/2006. Theo thống kê, Triều Tiên đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân tổng cộng sáu lần, với lần cuối vào năm 2017. Trong đó, Triều Tiên đã thử hạt nhân bốn lần dưới thời ông Kim Jong-un.
Trong lúc vừa phát triển các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung, nước này tiếp tục gia tăng kho vũ khí hạt nhân của mình. Tới năm 2023, Triều Tiên ước tính có khoảng 30 đầu đạn hạt nhân và có khả năng sở hữu số lượng vật liệu phân hạch (như dự trữ plutoni và urani) đáng kể để sản xuất 40 tới 50 đầu đạn. [10][11] Một ước tính khác của Hàn Quốc cho rằng hiện nay Triều Tiên đã sở hữu hơn 100 đầu đạn hạn nhân và Bình Nhưỡng có thể có từ 151-242 đầu đạn (tùy theo kịch bản sản xuất 12-18 đầu đạn/năm) vào năm 2027.[12] Cũng trong năm 2023, ông Kim Jong-un tiếp tục kêu gọi gia tăng sản xuất vũ khí hạt nhân trong giai đoạn sắp tới.[13]
Các loại tên lửa của Triều Tiên có gì đáng sợ?
Hiện nay, Triều Tiên đang sở hữu một trong những kho vũ khí tên lửa đa dạng nhất trên thế giới với khoảng trên dưới 30 loại khác nhau. Nếu không kể một số ít các loại tên lửa phòng thủ và những loại tên lửa thứ yếu, phần lớn các loại tên lửa chiến thuật đều do Triều Tiên tự phát triển và sản xuất. Tên lửa của nước này không chỉ gây khó khăn đối với hệ thống phòng không của các quốc gia láng giềng như Hàn Quốc và Nhật Bản, mà tầm bắn của chúng được tin rằng còn có thể vươn tới tận Mỹ và châu Âu. Với việc làm chủ được công nghệ tên lửa và vũ khí hủy diệt hàng loạt, Triều Tiên luôn thể hiện tham vọng trở thành một cường quốc hạt nhân. Điều này được thể hiện qua việc Triều Tiên liên tục thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, đồng thời tuyên bố không bao giờ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Vậy, Triều Tiên đang sở hữu những loại tên lửa nào? Và chúng có thể hỗ trợ gì đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân để răn đe các quốc gia đối đầu?
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM)
Trong các vụ thử từ năm 2012 tới 2023, các loại tên lửa tầm ngắn luôn được ưu tiên trong các cuộc thử nghiệm. Với hơn 100 lần thử và chỉ 2 lần thất bại, tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên cho thấy một độ tin cậy cao và luôn sẵn sàng được đưa vào tác chiến. Trước năm 2017, các loại tên lửa đời cũ gồm Scud B, Scub C và KN-02 là loại được thử nghiệm nhiều nhất; nhưng từ năm 2018 trở về sau, các loại tên lửa chiến thuật mới như KN-23, KN-24 và KN-25 đã dần thay thế và được kỳ vọng trở thành trụ cột chính của lực lượng tên lửa nước này. Nếu so sánh các thông số kỹ thuật của các tên lửa mới với Scud và KN-02, có thể thấy rõ độ chính xác đã được cải thiện hơn rất nhiều nhờ sử dụng hệ thống vệ tinh dẫn đường. Các tên lửa này chắc chắn còn được hỗ trợ tốt nếu Triều Tiên vận hành hiệu quả các vệ tinh quân sự mới được đưa lên quỹ đạo của mình.[14] Chỉ số CEP (Circular error probable) dùng để xác định sai số mục tiêu cho thấy các loại tên lửa mới có độ chính xác từ 35-90m, trong khi các loại cũ có CEP từ 200-1000m. Với các cải tiến này, Triều Tiên hoàn toàn có thể tăng khả năng đe dọa của mình đối với hệ thống phòng thủ ngày càng được nâng cấp của Hàn Quốc.[15]
Một số loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn chiến lược của Triều Tiên
Tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM)
Phạm vi tầm bắn của tên lửa đạn đạo tầm trung vào khoảng 2.000km, đồng nghĩa với việc toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản có thể bị đe dọa bởi loại tên lửa này. Từ 2012 tới 2023, Triều Tiên mới phóng thử nghiệm 9 vụ, trong đó chỉ có 2 vụ thất bại. Điều đáng chú ý là tên lửa Pukguksong-2 phát triển từ năm 2016 không những có thể trang bị đầu đạn thông thường, mà còn có thể sử dụng đầu đạn hạt nhân. Tên lửa này còn có thể được phóng từ các xe mang phóng tự hành (Transporter erector launcher – TEL), khiến cho đối thủ khó có khả năng phát hiện và đánh chặn.[18]
Tên lửa đạn đạo tầm trung của Triều Tiên
Tên lửa đạn đạo tầm xa (IRBM)
Với tầm phóng khoảng 4.000km, loại tên lửa này có thể tấn công tới lãnh thổ của Mỹ tại Thái Bình Dương là Guam. Trước mắt, tính tin cậy của loại tên lửa này vẫn còn gây tranh cãi vì tới hiện nay, tỷ lệ thành công trong các vụ phóng thử nghiệm là không cao. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc đánh giá hiện tại quá trình phát triển loại tên lửa này, đặc biệt là tên lửa siêu thanh, mới dừng ở giai đoạn ban đầu và sẽ cần một khoảng thời gian đáng kể để có thể triển khai chiến đấu.[19]
Tên lửa đạn đạo tầm xa của Triều Tiên
Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM)
Theo giới quan sát, Triều Tiên có tổng cộng bảy tên lửa thuộc loại này. Có ba tên lửa hiện không còn thông tin về các thử nghiệm là Taepodong-2, KN-08 (Hwasong-12) và KN-14; trong khi bốn tên lửa đang được phát triển những năm gần đây là Hwasong-14, Hwasong-15, Hwasong-17 và Hwasong-18. Tầm phóng của các loại tên lửa liên lục địa giao động từ 10.400 tới 15.000km, nghĩa là toàn bộ lãnh thổ của Mỹ và đồng minh bị đặt dưới cảnh báo. Số lượng vụ thử thành công của loại này trong những năm qua cũng rất cao ở mức 10/11 lần, với duy nhất một vụ thử thất bại của tên lửa Hwasong-17 vào năm 2022.
Đặc biệt trong năm 2023, Triều Tiên lần đầu tiên lộ diện tên lửa mới Hwasong-18 của mình trong một cuộc duyệt binh. Sau đó, nước này đã phóng thử nghiệm tên lửa được coi là “mạnh nhất” của mình với ba lần thành công trong năm.[20] Theo đánh giá, tên lửa này hoàn toàn có khả năng đạt tầm phóng hơn 15.000km. Loại tên lửa này đánh dấu một bước tiến đáng kể trong năng lực răn đe chiến lược của Quân đội Nhân dân Triều Tiên, nâng cao hiệu quả khả năng trả đũa hạt nhân và định hình chiến lược tấn công của nước này.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên
Tất nhiên đây mới chỉ là số liệu mà Triều Tiên công bố và giới quan sát ghi nhận. Năng lực phát triển tên lửa hiện nay của Triều Tiên vẫn còn nhiều ẩn số.
Tương lai bất định: Chương trình tên lửa của Triều Tiên sau khi tuyên bố Hàn Quốc là kẻ thù
Mới đây, ông Kim đã kêu gọi quốc hội Triều Tiên sửa đổi bản hiến pháp hiện thời với cảnh báo về một cuộc chiến tiềm tàng trong tương lai. Ông Kim nhấn mạnh tới sự bất khả thi trong việc thống nhất bán đảo “một cách hòa bình” và cáo buộc Seoul đang tìm cách khiến cho chế độ tại Bình Nhưỡng sụp đổ bằng cách thống nhất. Vì vậy, ông Kim cho rằng Triều Tiên cần sửa đổi hiến pháp để coi Hàn Quốc là “kẻ thù chính” và “không đổi”. Do vậy, Triều Tiên nên chuẩn bị cho một kế hoạch “chiếm đóng, chinh phục và giành lại hoàn toàn Hàn Quốc trong trường hợp xảy ra chiến tranh”.[24]
Ngay trước khi ông Kim tuyên bố một ngày, Triều Tiên đã công bố thử nghiệm thành công tên lửa nhiên liệu rắn mới được trang bị đầu đạn siêu thanh. Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA), cơ quan phát ngôn chính thức của Triều Tiên về các vụ thử tên lửa, cho hay vụ phóng là một phần trong hoạt động phát triển vũ khí thường xuyên của nước này và không ảnh hưởng đến an ninh của các nước láng giềng. Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul nhận định: “Vụ phóng này không chỉ là một cuộc thử nghiệm, mà còn là một hành động khiêu khích nhằm thách thức Mỹ và đồng minh, trong lúc sự chú ý của thế giới đang tập trung vào khu vực Trung Đông”. Nhiều nhà phân tích khác thì cho rằng việc coi Hàn Quốc là một quốc gia riêng biệt có thể giúp Triều Tiên biện minh cho việc sử dụng vũ khí hạt nhận chống Seoul trong tương lai.[25] Ở một khía cạnh đỡ tiêu cực hơn, Triều Tiêu có thể chỉ đang cố gắng buộc Washington phải thỏa thuận trực tiếp để gỡ bỏ các lệnh trừng phạt, cũng như củng cố vị thế hạt nhân của mình.[26]
Nếu nhìn nhận động thái này về mặt kỹ thuật, việc Triều Tiên áp dụng thành công công nghệ tên lửa nhiên liệu rắn trang bị đầu đạn siêu thanh là một thành tựu quan trọng, thể hiện sự phát triển vượt bậc của nước này trong những năm gần đây. Trước đây, tất cả các loại tên lửa của Triều Tiên đều sử dụng nhiên liệu lỏng, có thời gian chuẩn bị phóng lâu, dễ bị phát hiện và đánh chặn. Tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn có thời gian chuẩn bị phóng ngắn hơn, tính cơ động cao và dễ che giấu hơn, khiến chúng trở nên khó bị phát hiện và ngăn chặn hơn. Ngoài ra, vũ khí siêu thanh sẽ đặt ra một thách rất lớn đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa trong khu vực vì tốc độ và khả năng cơ động của chúng.
Tiếp đó, Triều Tiên đã phóng ba lần tên lửa trong chưa đầy một tuần vào tuần cuối của tháng 1. Đây là tên lửa mới được phát triển với tên gọi Pulhwasal-3-31 và thuộc loại tên lửa phóng từ tàu ngầm (SLCM). Tại một trong những lần phóng này, ông Kim nhắc lại mục tiêu xây dựng lực lượng hải quân được trang bị vũ khí hạt nhân để chống lại những gì ông mô tả là mối đe dọa ngày càng tăng từ bên ngoài. Hiện chưa rõ liệu tên lửa hành trình được bắn từ tàu ngầm hay từ sà lan thử nghiệm dưới nước. Quân đội Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên có thể đã phóng đại sự thành công của mình và cho rằng Triều Tiên sẽ cần nhiều thời gian và nguồn lực để chế tạo ít nhất một số tàu ngầm có khả năng thực hiện các cuộc tấn công một cách đáng tin cậy.[27]
Có thể thấy, chính phủ Kim Jong-un có khả năng cao sẽ tiếp tục các hành động cứng rắn trong thời gian tới, nhất là sau khi đạt được những tiến bộ trong chương trình tên lửa đạn đạo.[28] Việc hợp tác và bán vũ khí cho Nga sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển công nghệ của Triều Tiên. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng nữa có thể ảnh hưởng đến tình hình bán đảo Triều Tiên là kết quả bầu cử sắp tới của Mỹ và Hàn Quốc. Nếu ông Joe Biden tái cử, căng thẳng có thể leo thang do chính sách tăng cường hợp tác quân sự và chính trị với Hàn Quốc. Tại Hàn Quốc, kết quả bầu cử sẽ ảnh hưởng đến chương trình nghị sự của Tổng thống Yoon Suk-yeol, người vốn có lập trường diều hâu đối với Bình Nhưỡng.[29]
Tác giả: Hoàng Long
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Center for Arms Control and Non-Proliferation (2024). “Fact Sheet: North Korea Missile Test Activity”. https://armscontrolcenter.org/wp-content/uploads/2023/11/North-Korean-Missile-Test-Activity-Fact-Sheet.pdf. Truy cập 23/01/2024.
[2] 통일부 [Ministry of Unification] (2004). “북한개요 [2004 North Korea Summary]”, p. 198.
[3] Daniel A. Pinkston (2008). “The North Korean Ballistic Missile Program”. https://apps.dtic.mil/sti/tr/pdf/ADA477526.pdf. p. 15.
[4] Tham khảo thêm tại https://www.nti.org/analysis/articles/cns-north-korea-missile-test-database/. Truy cập 22/01/2024.
[5] Japan Ministry of Defence (2023). “Recent Missile & Nuclear Development of North Korea”. https://www.mod.go.jp/en/d_act/sec_env/pdf/dprk_d-act.pdf. Truy cập 29/01/2024.
[6] IISS (2022). “North Korea’s missile activity in 2022”. https://www.iiss.org/sv/publications/strategic-comments/2022/north-koreas-missile-activity-in-2022/. Truy cập 26/01/2024.
[7] Japan Ministry of Defence (2023). nt.
[8] Lee Jae-Bong (2009). “US Deployment of Nuclear Weapons in 1950s South Korea &
North Korea’s Nuclear Development: Toward Denuclearization
of the Korean Peninsula”. The Asia-Pacific Journal, Japan Focus. Volume 7, Issue 8, Number 3, Article ID 3053. https://apjjf.org/-Lee-Jae-Bong/3053/article.html.
[9] Columbia Law School (na). “North Korea’s Nuclear Program: A History”. https://kls.law.columbia.edu/content/north-koreas-nuclear-program-history. Truy cập 29/01/2024.
[10] Arms Control (2023). “Nuclear Weapons: Who Has What at a Glance”. https://www.armscontrol.org/factsheets/Nuclearweaponswhohaswhat. Truy cập 21/01/2024.
[11] Hans M. Kristensen and Matt Korda (2022). “Nuclear Notebook: How many nuclear weapons does North Korea have in 2022?”. https://thebulletin.org/premium/2022-09/nuclear-notebook-how-many-nuclear-weapons-does-north-korea-have-in-2022/. Truy cập 27/01/2024.
[12] Yonhap News (2021). “Estimates of North Korea’s nuclear arsenal”. https://en.yna.co.kr/view/GYH20210414000700315. Truy cập 27/01/2024.
[13] Pyongyang Times (2023).“Report on enlarged meeting of Sixth Plenary Meeting of Eighth WPK Central Committee”. https://kcnawatch.org/newstream/1672574939-135131983/report-on-enlarged-meeting-of-sixth-plenary-meeting-of-eighth-wpk-central-committee/. Truy cập 27/01/2024.
[14] Nah Liang Tuang (2023). “North Korea Successfully Launched Its Military Spy Satellite. What Now?”. https://thediplomat.com/2023/11/north-korea-successfully-launched-its-military-spy-satellite-what-now/. Truy cập 01/02/2024.
[15] Stéphane Delory, Antoine Bondaz and Christian Maire (2023). “North Korean Short Range Systems: Military consequences of the development of the KN-23, KN-24 and KN-25”. https://www.nonproliferation.eu/hcoc/north-korean-short-range-systems/.
[16] CSIS (2022). “Missiles of North Korea”. https://missilethreat.csis.org/country/dprk/. Truy cập 30/01/2024.
[17] MDAA (2022). “North Korea”. https://missiledefenseadvocacy.org/missile-threat-and-proliferation/todays-missile-threat/north-korea/. Truy cập 30/01/2024.
[18] CRS (2023). “North Korea’s Nuclear Weapons and Missile Programs”. https://crsreports.congress.gov/product/pdf/IF/IF10472/31.
[19] Reuters (2021). “North Korea joins race for new hypersonic missile with latest test”. https://www.nbcnews.com/news/world/north-korea-joins-race-new-hypersonic-missile-latest-test-n1280294. Truy cập 30/01/2024.
[20] Army Recognition (2024). “HWASONG-18 ICBM”. https://armyrecognition.com/north_korea_korean_army_missile_systems_uk/hwasong-18_icbm_intercontinental_ballistic_missile_data.html. Truy cập 31/01/2024.
[21] Vann H. Van Diepen (2023). “Second Consecutive Flight Test Success Brings North Korea’s Hwasong-18 ICBM Closer to Deployment”. https://www.38north.org/2023/07/second-consecutive-flight-test-success-brings-north-koreas-hwasong-18-icbmcloser-to-deployment/. Truy cập 31/01/2024.
[22] CNBC (2023). “North Korea fires ICBM after condemning U.S. ‘war’ moves”. https://www.cnbc.com/2023/12/18/north-korea-fires-what-appears-to-be-a-long-range-ballistic-missile.html. Truy cập 31/01/2024.
[23] Soo-Hyang Choi and Josh Smith (2023). “North Korea says test launch was latest Hwasong-18 ICBM”. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/north-korea-says-it-test-launched-hwasong-18-icbm-wednesday-yonhap-2023-07-12/. Truy cập 31/01/2024.
[24] Hyunsu Yim (2024). “North Korea’s Kim calls for South to be seen as “primary foe”, warns of war”. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/north-koreas-kim-calls-change-status-south-warns-war-2024-01-15/. Truy cập 29/01/2024.
[25] Al Jazeera (2024). “North Korea says it tested solid-fuel missile with hypersonic warhead”. https://www.aljazeera.com/news/2024/1/15/north-korea-says-it-tested-solid-fuel-missile-with-hypersonic-warhead. Truy cập 01/02/2024.
[26] Kim Tong-Hyung (2024). “South Korea says North Korea fired cruise missiles in 3rd launch of such weapons this month”. https://abcnews.go.com/International/wireStory/south-korea-north-korea-fired-cruise-missiles-3rd-106780530. Truy cập 01/02/2024.
[27] Kim Tong-Hyung (2024). “North Korean cruise missile tests add to country’s provocative start to 2024”. https://apnews.com/article/north-korea-kim-jong-un-missile-tests-fef41e6bec396ae941f337a453c123b2. Truy cập 01/02/2024.
[28] The Guardian (2024). “North Korea fires cruise missiles off east coast, says South Korea”. https://www.theguardian.com/world/2024/jan/28/north-korea-fires-cruise-missiles-off-east-coast-says-south-korea. Truy cập 01/02/2024.
[29] Al Jazeera (2023). “North Korea fires cruise missiles off east coast, says South Korea”. https://www.aljazeera.com/news/2023/12/31/north-korea-to-launch-3-new-satellites-in-2024-as-kim-warns-war-inevitable. Truy cập 01/02/2024.