Mới đây, Lee Jae-myung, lãnh đạo Đảng Dân chủ Hàn Quốc, đảng đối lập lớn nhất Hàn Quốc đã bị tấn công và bị thương khi đang tham dự một sự kiện. Những hành vi bạo lực chính trị cực đoan như vậy không phải là hiếm ở Hàn Quốc. Có nhiều tổng thống và chính trị gia Hàn Quốc từng bị tấn công hoặc đe dọa ám sát, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tổng thống Hàn Quốc được gọi là "nghề nghiệp nguy hiểm nhất" trên thế giới. Trong những năm gần đây, hiện tượng chính trị bạo lực này cũng như sự lan rộng của trào lưu "fandom hóa", "chính trị thanh trừ" và "chính trị thù địch" trong xã hội Hàn Quốc đã đe dọa nghiêm trọng đến sự đoàn kết quốc gia và ổn định xã hội của Hàn Quốc.
Ngày 02/01/2024, Ông Lee Jae-myung, lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập lớn nhất Hàn Quốc, bị tấn công khi đang tham dự một sự kiện ở Busan, phải nhập viện trong tình trạng bị thương ở cổ, kẻ tấn công đã bị bắt ngay tại chỗ. Mới đây, Cơ quan Cảnh sát Hàn Quốc đã công bố kết quả điều tra thu thập chứng cứ, xác nhận hung thủ không có thân phận đảng phái chính trị. Kết quả này về cơ bản phù hợp với hầu hết các dự đoán rằng sự kiện này là một sự kiện độc lập. Theo lời khai của thủ phạm, động cơ mưu sát là “bị trói buộc bởi niềm tin chính trị méo mó”. Mục đích là để ngăn cản Lee Jae-myung được bầu làm tổng thống và ngăn cản Lee Jae-myung bầu ra một thế lực nhất định trong cuộc bầu cử quốc hội. Tạm thời vẫn chưa phát hiện ra mối liên hệ và kẻ chủ mưu đứng sau vụ việc.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ngày 04/01 đã mô tả vụ việc là một “vụ tấn công khủng bố”. Ông Lee Jae Myung phát biểu khi xuất viện vào ngày 10/01, hy vọng vụ tấn công sẽ là chất xúc tác để chấm dứt “thù địch chính trị” ở Hàn Quốc.
Những hành vi bạo lực chính trị cực đoan như “đâm cổ họng” không có gì lạ ở Hàn Quốc. Có nhiều tổng thống và chính trị gia Hàn Quốc từng bị tấn công hoặc đe dọa ám sát. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tổng thống Hàn Quốc được gọi là “nghề nghiệp nguy hiểm nhất” trên thế giới. Trong những năm gần đây, hiện tượng chính trị bạo lực này cũng như sự lan rộng của trào lưu “fandom hóa”, “chính trị thanh trừ” và “chính trị thù địch” trong xã hội Hàn Quốc, đã đe dọa nghiêm trọng đến sự đoàn kết quốc gia và ổn định xã hội của Hàn Quốc.
“0,73% chênh lệch” ám chỉ khủng hoảng
Nhìn lại cuộc bầu cử tổng thống lần trước của Hàn Quốc, tức là cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 20, Lee Jae-myung đã thua cuộc với chỉ 0,73% số phiếu bầu. Cuộc bầu cử này trở thành cuộc bầu cử có số phiếu chênh lệch thấp nhất trong lịch sử Hiến pháp Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng gọi cuộc bầu cử này là “cuộc bầu cử cả đôi bên đều thua cuộc”, “cuộc bầu cử tổng thống không được lòng dân”.
Đối mặt với bối cảnh chính trị “phân hóa” đồng đều như vậy, sau khi được bầu làm Tổng thống, Yoon Suk-yeol cũng từng đề xuất “tuân theo ý nguyện của người dân, thúc đẩy đoàn kết chính trị”. Nhưng bất kể là từ kết quả cuộc thăm dò dư luận hay từ hiện trạng tranh chấp Đảng phái hiện nay ở Hàn Quốc, chính trị Hàn Quốc càng ngày càng xa rời “đoàn kết”, sự phân cực chính trị ngày càng gia tăng.
Theo một cuộc thăm dò mới nhất được công bố bởi Gallup Hàn Quốc, Yoon Suk-yeol nhận được 33% sự ủng hộ và 59% đánh giá tiêu cực. Mặc dù “0,73% chênh lệch” chỉ là kết quả của cuộc bầu cử tổng thống, nhưng lại là một phần thu nhỏ của tình hình chính trị Hàn Quốc, nơi đã bắt đầu một cuộc khủng hoảng mới.
Xung đột đảng phái và chính trị phân cực ở Hàn Quốc
Cho dù đó là bạo lực chính trị và bê bối chính trị thường xuyên xảy ra trong nền chính trị Hàn Quốc hay “chính trị phân cực” hiện đang bị chỉ trích trong xã hội Hàn Quốc, thì cũng đều ẩn dấu văn hóa chính trị đặc biệt của Hàn Quốc cũng như sự phát triển của nền chính trị dân chủ Hàn Quốc cho đến ngày nay.
Sự tranh giành quyền lực của các đảng phái, thậm chí ngay trong nội bộ các đảng đã trở thành nguyên nhân chủ yếu, tạo ra cục diện hỗn loạn trên chính trường Hàn Quốc. Bất kể là phe bảo thủ hay phe tiến bộ (tiến bộ và bảo thủ có ý nghĩa cụ thể, khác với việc nhấn mạnh thay đổi chung hay nhấn mạnh tiêu chuẩn phân chia truyền thống. Tiêu chuẩn phân chia tiến bộ và bảo thủ của Hàn Quốc bắt đầu từ trước và sau năm 2000, đều dựa trên thái độ đối với Triều Tiên và đối với Mỹ, “thân Triều xa Mỹ” là tiến bộ, “xa Triều thân Mỹ” là bảo thủ). Nội bộ chính đảng Hàn Quốc do sự khác biệt về quan niệm chính trị thường chia tách hoặc đổi tên, rất ít đảng phái chính trị tồn tại lâu dài.
Trong số đó, các nhà lãnh đạo đảng hay lãnh đạo chính trị là những nhân vật chủ chốt trong các tranh chấp phe phái. Sự thành bại của họ ảnh hưởng rất lớn đến bản thân chính đảng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Hàn Quốc thường xuyên “thanh trừ chính trị”. Các phe đối lập có thể thông qua thanh trừ cá nhân, tạo ra đòn “tấn công chính xác” cho chính đảng đối phương. Phương pháp này không chỉ chi phí thấp mà còn được chứng minh là rất hiệu quả. Tuy nhiên, nó cũng làm nảy sinh một mô hình đối nghịch cực đoan “thù địch chính trị” ở Hàn Quốc.
Với văn hóa bầu cử này, chính trị Hàn Quốc dần dần đi vào cục diện lấy “thắng cử” là mục đích chính. Trong các cuộc bầu cử cạnh tranh khốc liệt, các phe phái thường tập trung vào việc tìm kiếm và tấn công điểm yếu, “lịch sử đen” của nhau. Lợi dụng cảm xúc của người dân để giành được nhiều phiếu bầu hơn là đưa ra các chính sách mang lại phúc lợi cũng như đáp ứng các yêu cầu đa dạng của người dân. Hơn nữa, khi cuộc bầu cử đến gần, các phe phái còn lợi dụng mâu thuẫn xã hội để lôi kéo cử tri. Điều này cũng dẫn đến sự lan rộng của thù địch xã hội (đối địch thế hệ, đối địch giới tính, đối địch tầng lớp..). Cứ khi nào diễn ra bầu cử, Hàn Quốc dường như lại bắt đầu phơi bày một loạt các bê bối. Cuộc bầu cử không phải vấn đề chính sách của đảng nào làm vừa lòng người dân hơn mà là đảng nào ít bê bối hơn.
Chủ nghĩa khu vực sâu sắc là một đặc trưng nổi bật của chính trị Hàn Quốc. Sự đối lập chính trị và ác cảm giữa các khu vực chủ yếu được phản ánh ở “Vùng Honam” (thường chỉ khu vực phía Tây Nam của Hàn Quốc bao gồm Gwangju, tỉnh Bắc Jeolla và tỉnh Nam Jeolla); “Vùng Yeongnam” (thường chỉ Busan, Daegu, Ulsan, tỉnh Bắc Kyungsang, khu vực phía Đông Nam của Hàn Quốc bao gồm tỉnh Nam Kyungsang). Đây là những khu vực bỏ phiếu truyền thống của phe cấp tiến và bảo thủ. Địa hình chính trị phức tạp cũng đã trở thành một phần quan trọng trong văn hóa chính trị của Hàn Quốc. Đặc biệt, địa điểm xảy ra vụ tấn công của Lee Jae-myung ở Busan cũng rất tinh vi, khiến nhiều người suy đoán về động cơ của vụ mưu sát.
Chính trị thân tín, khiến cho chính trị Hàn Quốc càng thêm hỗn loạn. Quyền lực của Tổng thống Hàn Quốc rất lớn. Một mặt nguyên nhân là việc duy trì sự cân bằng chính trị mong manh trong nước và cân bằng ngoại giao đòi hỏi phải có một nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Nhưng điều này cũng dần dần nảy sinh chính trị thân tín, chính trị tiền và quyền. Hàn Quốc quy định nhiệm kỳ Tổng thống 5 năm, không được tái nhiệm để chặn đứng khả năng xuất hiện độc tài. Nhưng điều này cũng không thay đổi một sự thật, đó là Tổng thống Hàn Quốc sau khi lên nắm quyền thường bổ nhiệm những người thân cận vào các vị trí chủ chốt để củng cố quyền lực. Chính loại truyền thống chính trị thân tín này khiến cho các bê bối “thân nhân can dự chính trị” có thể xảy ra.
Việc “fandom hóa” chính trị là một hiện tượng chính trị lan rộng nhanh chóng ở Hàn Quốc trong những năm gần đây. Những người ủng hộ nhân vật chính trị nhất định hình thành một nhóm fan hâm mộ nào đó. Nhận thức và hành vi của những nhóm fan này đều cực kỳ giống với mô hình “fandom”. Cách làm tương đối cực đoan bao gồm sử dụng “tài liệu đen” đầy ác ý nhằm làm mất thiện cảm và bôi nhọ đối thủ cạnh tranh. Hoặc họ đến từ phe đối địch, trở nên bạo lực, thậm chí đánh mất đi lý trí. Đặc biệt là trong thời đại truyền thông xã hội, trên không gian mạng, không khí đối nghịch lan rộng nhanh hơn, phạm vi lan truyền cũng lớn hơn.
Lấy cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye làm ví dụ, Park Geun Hye bị bỏ tù vì vụ án thân tín can thiệp chính trị và nhận hối lộ. Khi sinh nhật lần thứ 70 của bà trong tù, những người ủng hộ đã giăng biểu ngữ chúc mừng sinh nhật bà. Chủ trương ủng hộ việc hủy bỏ luận tội Park Geun-hye là nhóm cực đoan nhất trong số những người ủng hộ Park Geun-hye. Những năm gần đây nhóm này cũng trở thành đối tượng nghiên cứu điển hình nhất về “chính trị đường phố” của Hàn Quốc.
Ông Lee Jae-myung đã tích lũy được một lượng lớn người hâm mộ nhờ tham gia các chương trình tạp kỹ trước đó. Nền tảng trực tuyến “Cộng đồng Jae Myung” được hình thành sau thất bại của cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc lần thứ 20 đã vượt quá 200.000 thành viên trong vòng 30 ngày. Tháng 5 năm 2022, Lee Jae-myung cũng tổ chức một buổi họp mặt người hâm mộ dành cho những người ủng hộ “cộng đồng Jae Myung”. Những người ủng hộ Lee Jae-myung coi cộng đồng này như một “nơi trú ẩn”, nhưng nó đã ngừng kết nạp thêm thành viên mới. Một số nhà phân tích cho rằng điều này nhằm ngăn chặn những người ủng hộ các đảng phái chính trị khác trà trộn vào.
Văn hóa fan hâm mộ cực kỳ thịnh hành ở Hàn Quốc. Việc xuất hiện hiện tượng thần tượng hóa nhân vật chính trị cũng không phải là điều bất ngờ, mà loại chính trị “fandom hóa” này cũng tồn tại khả năng bị các thế lực đứng sau lợi dụng.
Các phương pháp đấu tranh chính trị cực đoan đã trở thành quả bom hẹn giờ ở Hàn Quốc. Do quyền lực của Tổng thống rất lớn, biện pháp phản kháng đấu tranh chính trị cho người dân Hàn Quốc lựa chọn có hạn. Một trong những biểu hiện chủ yếu của nó là tiến hành phản kháng bằng hành vi cực đoan. Vì vậy, bên ngoài thường thấy Hàn Quốc từ các trường hợp cấp cơ sở đến lãnh đạo chính trị bày tỏ sự bất mãn bằng cách cạo trọc, tuyệt thực, chặt ngón tay, thậm chí tự thiêu, tự sát. Năm 2023, cuộc tuyệt thực “vô thời hạn” của ông Lee Jae-myung phản đối việc Nhật Bản xả nước ô nhiễm hạt nhân kéo dài hơn 20 ngày cho đến khi ông nhập viện để điều trị. Trước đó, hai cựu Tổng thống là Kim Dae-jung và Moon Jae-in cũng đã tiến hành các cuộc biểu tình chính trị bằng cách tuyệt thực.
Từ phân cực chính trị đến phân cực cảm xúc
Các học giả Hàn Quốc chỉ ra rằng chính trị Hàn Quốc đã vượt ra ngoài sự phân cực về các giá trị tư tưởng và bắt đầu trải qua sự phân cực về cảm xúc. Vụ ám sát Lee Jae-myung đã tiết lộ thực trạng xã hội Hàn Quốc. Đồng thời cuộc khủng hoảng ẩn dưới vỏ bọc chính trị dân chủ Hàn Quốc đã bị vạch trần toàn bộ.
Thứ nhất, mâu thuẫn giữa chính phủ và phe đối lập ngày càng gia tăng, xuất hiện sự phân cực chính trị. Người dân có quan điểm cực đoan khác biệt về các vấn đề chính trị. Các phe phái khác nhau đã chuyển từ vai trò kiềm chế lẫn nhau trước đây sang vai trò thù địch, đối kháng toàn diện. Chính trị đối lập đã được hình thành trên mọi lĩnh vực. Sự thỏa hiệp và hợp tác dường như bị chính trị Hàn Quốc gạt ra ngoài các lựa chọn và biến mất.
Thứ hai, dư luận đang vô cùng bất mãn với xã hội Hàn Quốc ngày nay. Sự rạn nứt trong xã hội Hàn Quốc ngày càng gia tăng và sự bất mãn của người dân đối với hiện trạng xã hội ngày càng trở nên rõ ràng. Chỉ số hạnh phúc thấp, tỷ lệ sinh thấp, tỷ lệ kết hôn thấp, tỷ lệ tự tử cao, tỷ lệ nhập cư và tỷ lệ thất nghiệp cao. Hiện trạng xã hội “ba cao ba thấp” phản ánh sự chia rẽ trong xã hội Hàn Quốc và tạo ra mảnh đất “thù địch chính trị” ở Hàn Quốc. Trong một xã hội bị chia cắt bởi nền chính trị phân cực, nhu cầu đa dạng của các nhóm khác nhau từ lâu đã không được đáp ứng bằng các chính sách. Các biểu hiện cảm xúc, cực đoan đã trở thành một cách để trút bỏ sự bất mãn tích lũy từ lâu.
Thứ ba, những lỗ hổng an ninh xã hội của Hàn Quốc một lần nữa lộ diện. Các nhà lãnh đạo chính trị Hàn Quốc đã bị ám sát không chỉ một hoặc hai lần, nhưng hiện tại không có cách nào hiệu quả hơn để ngăn chặn hoàn toàn những hành vi như vậy. Hơn 50 cảnh sát đã được triển khai tại hiện trường vào ngày Lee Jae Myung bị mưu sát nhưng họ vẫn không ngăn chặn được sự việc xảy ra. Trong thời gian diễn ra tổng tuyển cử, vì sự an toàn các ứng cử viên của mỗi đảng, Hàn Quốc thành lập lực lượng bảo vệ ứng cử viên cho đến khi kết thúc tổng tuyển cử. Nhưng trong thời gian không bầu cử, Hàn Quốc không thể cung cấp sự bảo vệ cấp Tổng thống cho tất cả các chính trị gia từ cơ quan Cảnh sát Quốc gia. Trong vụ tấn công Lee Jae Myung, hung thủ chính là lợi dụng lỗ hổng an ninh này, giả thành fan hâm mộ làm cho cảnh sát buông lỏng cảnh giác, mới dẫn đến vụ việc xảy ra.
Một cuộc cạnh tranh bầu cử mới đang diễn ra
Vào tháng 4 năm nay, Hàn Quốc sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội. Lee Jun-seok, cựu lãnh đạo Đảng Quyền lực Quốc dân cầm quyền Hàn Quốc, đã từ chức rút khỏi đảng vào tháng 12 năm ngoái và tuyên bố sẽ “tự mình đứng lên”. Mới đây, đảng Dân chủ đối lập lớn nhất Hàn Quốc có nhiều thành viên liên tục tuyên bố rút khỏi Đảng, chuyển sang đảng mới do cựu Thủ lĩnh Đảng Dân chủ Lee Nak-yeon thành lập sau khi rút khỏi Đảng. Lee Nak-yeon và Lee Jun-seok có thể phối hợp hình thành “Liên minh Nak-Jun” hay không sẽ có tác động không nhỏ đến bản đồ chính trị và cục diện bầu cử của Hàn Quốc.
Lee Nak-yeon từng giữ chức Thủ tướng trong Chính phủ Moon Jae-in và tham gia vào cuộc bầu cử sơ bộ của đảng cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2021. Ông đã thua Lee Jae-myung, thống đốc tỉnh Gyeonggi lúc bấy giờ trong cuộc cạnh tranh đề cử ứng cử viên. Theo truyền thông Hàn Quốc, mối quan hệ giữa hai người không hề hòa hợp. Tháng trước, Lee Nak-yeon đã yêu cầu Lee Jae-myung từ chức lãnh đạo Đảng Dân chủ, nhưng đã bị từ chối.
Trước khi chính thức bước vào cuộc chiến bầu cử, các đảng phái chính trị Hàn Quốc lại bắt đầu một đợt tập hợp cũng như chia rẽ mới. Điều này một lần nữa khẳng định tính phức tạp, nghiêm trọng của cuộc đối đầu trên chính trường Hàn Quốc. Xã hội Hàn Quốc cũng cảm thấy lo ngại về chính trị Hàn Quốc chưa bao giờ bị phân cực sâu sắc như vậy. Một số học giả Hàn Quốc chỉ ra rằng dân chủ dựa trên sự thỏa hiệp giữa giới tinh hoa chính trị là khái niệm về “Cộng hòa thứ sáu” của Hàn Quốc. Cuộc bầu cử này có thể là bước khởi đầu cho một sự thay đổi căn bản trong “thể chế năm 1987” của Hàn Quốc.
Để giành được nhiều phiếu bầu hơn, các đảng phái chính trị Hàn Quốc sẽ tập trung đưa ra các chính sách trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới. Hai phe chính trị lớn là tiến bộ và bảo thủ cũng sẽ xung đột với nhau trên nhiều lĩnh vực hơn, xung đột cũ và mới ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Trong số đó, vấn đề sinh kế của người dân có thể là lĩnh vực căng thẳng chính trong cuộc bầu cử. Cuộc hỗn chiến giữa hai đảng rất có thể sẽ dẫn đến cục diện phức tạp hơn, không loại trừ khả năng bạo lực cực đoan lại xuất hiện.
Hiện nay, tình hình quốc tế ngày càng bất ổn. Trong bối cảnh chính trường hỗn loạn, Hàn Quốc phải đối mặt với thách thức kép không xác định ở cả trong và ngoài nước. Cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 04/2024 chắc chắn sẽ là một cuộc “đánh giá giữa nhiệm kỳ” đối với Chính phủ Yoon Suk-yeol. Kết quả bầu cử rất quan trọng đối với tất cả các bên trong chính trường Hàn Quốc, và liệu “0,73% chênh lệch” có tái diễn hay không sẽ trở thành tâm điểm của sự chú ý./.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Vu Uyển Oánh là Phó chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Đại học Sơn Đông.