Những bất đồng cùng những lời cáo buộc các bên vi phạm các điều khoản của hiệp ước New START giữa Mỹ và Nga đã bắt đầu từ tháng 8/2022, kéo dài sang năm 2023 cho đến ngày 21/2/2023, trong thông điệp liên bang Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố đình chỉ tham gia Hiệp ước New START. Đây là hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược cuối cùng giữa hai cường quốc và nó được đưa ra trong một bối cảnh khu vực và quốc tế đang có nhiều diễn biến hết sức nguy hiểm, cuộc xung đột tại Ukraine vẫn đang diễn ra ở thế giằng co và chưa có bên nào giành được ưu thế quyết định, gây ra đe doạ tới an ninh cho châu Âu nói riêng cũng như toàn thế giới nói chung.
Lịch sử của các hiệp ước START và New START
Trong thời kì Chiến tranh Lạnh, cuộc chạy đua hạt nhân quá mức giữa 2 siêu cường lúc đó là Mỹ và Liên Xô đã đẩy thế giới bên bờ vực của sự diệt vọng nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân và chính cuộc chạy đua chiến lược này cũng đã làm suy yếu sức mạnh của 2 siêu cường lúc bấy giờ. Và với cùng chung một mục đích củng cố lại vị thế siêu cường của hai nước, đồng thời giảm thiểu khả năng đe doạ của kho vũ khí hạt nhân, hai bên đã bắt đầu đàm phán và đi đến kí kết hiệp định “Hạn chế vũ khí chiến lược” (SALT). Hiệp ước SALT- 1 được kí kết vào tháng 5/1972, sau đó là Hiệp ước “Cắt giảm vũ khí chiến lược” (START-I) được kí kết vào năm 1991 giữa Tổng thống Mỹ George Bush và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga là nước kế thừa kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô, do vậy Mỹ và Liên Xô phải tiến hành đàm phán một hiệp ước mới, Hiệp ước START-II, xong hiệp ước này nhanh chóng bị khai tử do Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước Hạn chế hệ thống phòng thủ tên lửa (ABM) vào năm 2001. Để lấp đầy khoảng trống này, ngày 24/5/2002 hai bên đã kí Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (SORT), mặc dù trải qua quá trình dài thoả thuận và đàm phán nhưng không đi vào thực tiễn, Hiệp ước New START ra đời thực chất là thay thế cho START-I và SORT được kí kết vào năm 2011 giữa Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Barack Obama và Tổng thống Nga Dimity Mevedev.
Bối cảnh ra quyết định và phản ứng của các bên
Bối cảnh ra quyết định
Một loạt hành động ngăn cản các hoạt động thanh sát, kiểm tra và những tuyên bố có phần gay gắt giữa quan chức của cả hai nước bắt đầu từ tháng 8 năm 2022[1], quyết định được đưa ra sau khoảng một tháng Nga tiếp tục trì hoãn và huỷ bỏ các hoạt động thanh sát các kho vũ khí hạt nhân tại Nga. Đến ngày 21/2 tại buổi phát biểu thông điệp liên bang 2022, tổng thống Vladimir Putin tuyên bố đình chỉ tham gia hiệp ước New START, thời điểm chỉ còn 3 ngày là tròn 1 năm xảy ra cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Cuộc chiến đang ở giai đoạn chiến tranh tiêu hao, giằng co giữa các bên đặc biệt ở khu vực Donbass thuộc miền đông Ukraine và chưa bên nào giành được lợi thế quyết định trên chiến trường. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa Nga và phương Tây cũng như giữa Nga với Mỹ rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh lạnh và như các quan chức của Nga đã tuyên bố là không thể quay trở lại như trước kia nữa. Quan hệ giữa Nga và các nước châu Âu cũng không khá hơn khi châu Âu đã thông qua 9 vòng trừng phạt và đang thảo luận vòng trừng phạt thứ 10 dành cho Moscow. Những chỉ số của các nền kinh tế của các bên liên quan đến cuộc xung đột khả quan hơn các dự báo, GDP của nền kinh tế Nga trong năm 2022 giảm 2,1%[2], trong khi đó nền kinh tế của liên minh châu Âu (EU) tăng trưởng 3,5% trong năm 2022 cao hơn cả Mỹ và Trung Quốc, điều đã không xảy ra kể từ năm 1974[3].
Phản ứng của các bên
Ngay sau khi tuyên bố của tổng thống Nga Putin được đưa ra các nước phương Tây đã có những phản ứng và phát biểu gay gắt nhắm tới ông Putin. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trả lời với giới báo chí rằng “Ông cảm thấy vô cùng đáng tiếc và vô trách nhiệm”. Và tuyên bố sẽ theo dõi những gì Nga thực sự làm và sẵn sàng đàm phán về hạn chế vũ khí chiến lược bất cứ lúc nào với Nga bất cứ điều gì đang diễn ra trên thế giới hoặc trong mối quan hệ giữa hai nước[4]. Tham dự một cuộc họp báo được tổ chức tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu: “Nhiều vũ khí hạt nhân hơn và ít kiểm soát vũ khí hơn khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn”[5]. Liên hợp quốc cũng ngay lập tức có những phát ứng trước quyết định của chính quyền Moscow khi kêu gọi Nga quay trở lại hiệp ước hạt nhân New START và thực hiện đầy đủ hiệp ước này, cảnh báo thế giới không có kiểm soát vũ khí hạt nhân còn nguy hiểm hơn nhiều. Người phát ngôn của Tổng thư kí Liên hợp quốc cho rằng “New START và các hiệp ước song phương về cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược giữa hai nước đã mang lại an ninh không chỉ cho Nga và Mỹ mà còn cho toàn bộ cộng đồng quốc tế”[6]
Nguyên nhân của quyết định đình chỉ tham gia Hiệp ước New START
Nguyên nhân chủ quan
Nguyên nhân cho quyết định đình chỉ tham gia hiệp ước New START được tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra tại thông điệp liên bang bởi Mỹ và phương Tây đang cố tìm cách gây thất bại chiến lược cho Nga. Cụ thể hơn tổng thống Nga cho rằng Mỹ và NATO đã triển khai các căn cứ quân sự và các phòng thí nghiệm sinh học ở sát biên giới với Nga, dúng túng cho chủ nghĩa phát xít mới ở Ukraine mà không quan tâm gì đến hậu quả, miễn là điều đó có thể làm suy yếu nước Nga bằng cách tạo ra các điểm nóng về bất ổn và xung đột bên cạnh biên giới Nga. Tổng thống Putin cũng cho rằng một mặt NATO yêu cầu Nga thực hiện đầy đủ Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mặt khác lại đang trực tiếp liên quan đến các nỗ lực của chế độ Kiev (Kiev’s regime, nguyên văn câu nói của ông Putin) nhằm tấn công các căn cứ chiến lược của nước Nga nhằm mục đích duy nhất là làm suy yếu nước Nga, điều đó là hết sức vô lí. Thêm nữa, phía Mỹ cũng không cho phép nước Nga tiến hành các cuộc kiểm tra toàn diện về vũ khí hạt nhân theo hiệp ước. Ông Putin cũng đề cập rằng Mỹ không phải là nước duy nhất sở hữu vũ khí hạt nhân trong NATO, còn có nước Anh và Pháp và họ đang phát triển kho vũ khí này nhằm chống lại nước Nga và Nga cần hiểu rõ ràng hơn về những gì các nước như Anh, Pháp đang đe doạ nước Nga và cách nước Nga giải thích về kho vũ khí chiến lược của các nước trên trước khi tính đến chuyện quay lại hiệp ước New START. Vì vậy người lãnh đạo điện Kremlin cho rằng ông đang hành động để bảo vệ đất nước, đảm bảo an ninh và sự ổn định chiến lược. Vừa yêu cầu Nga tham gia đầy đủ hiệp ước New START vì một nền an ninh của thế giới trong khi vẫn tiếp tục ủng hộ cuộc chiến tại Ukraine để chống lại Nga, đó là đỉnh cao của sự đạo đức giả và hoài nghi, theo lời tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nguyên nhân khách quan
Các nguyên nhân khách quan là một nhân tố quan trọng cho quyết định của tổng thống Putin, do sự không ngừng gia tăng các khoản viện trợ cả về vũ khí cũng như tài chính của Mỹ và phương Tây dành cho Ukraine trong thời gian gần đây, đặc biệt là những cam kết chuyển giao những vũ khí hạng nặng như xe tăng M1 Abrahams và Leopard 2. Chuyến thăm mới đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden như một thông điệp gửi tới nước Nga rằng Mỹ sẽ không dừng lại dòng tiền và vũ khí viện trợ cho chính quyền Kiev đến khi nào Nga chịu thất bại trên chiến trường. Quyết định này của tổng thống Putin như một lời cảnh báo tới Mỹ và các nước châu Âu trong việc viện trợ cho cho chính quyền Ukraine rằng nếu sự viện trợ vượt quá lằn ranh đỏ thì tình hình sẽ còn nguy hiểm và phức tạp hơn rất nhiều vì hiện tại không còn một hiệp ước ràng buộc vũ khí chiến lược nào giữa các bên liên quan. Ngay từ những ngày đầu cuộc chiến diễn ra đã có những mối nguy rằng Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine nhưng suốt một năm vừa qua những mối đe doạ đó dường như có tác động rất ít tới phương Tây và Ukraine. Khi mà sự chống cự của Ukanie và dòng viện trợ của phương Tây vẫn diễn ra mạnh mẽ, không có dấu hiệu lùi bước, do vậy việc đình chỉ hiệp ước New START có thể xem như là một lời đe doạ mới, có sức nặng hơn và khó lường hơn của Nga dành cho Ukraine và phương Tây.
Hậu quả và rủi ro của quyết định đình chỉ tham gia Hiệp ước New START của Nga
Hậu quả về ngoại giao
Việc Nga đình chỉ thực hiện hiệp ước New START đã chấm dứt một trong những phương thức đối thoại song phương hiếm hoi còn sót lại giữa hai quốc gia nhằm hạn chế những tính toán sai lầm của các bên kể từ sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra. Quyết định trên tạo ra tình thế hết sức nguy hiểm tại châu Âu khi không còn kênh liên lạc trực tiếp nào giữa các bên để đàm phán khi khủng hoảng xảy ra làm gia tăng đáng kể rủi ro về an ninh hạt nhân.
Mặc dù Nga tuyên bố chỉ tạm đình chỉ chứ không chính thức rời khỏi hiệp ước New START nhưng việc nối lại các cuộc kiểm tra hay các cuộc họp thậm chí là đàm phán cho một hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân mới là vô cùng khó khăn trong tương lai. Lí do quan trọng nhất là sự ngờ vực, thiếu lòng tin từ cả hai phía Nga và Mỹ. Quyết định đình chỉ này cũng là một tin xấu gây khó khăn cho những nỗ lực trong việc mở ra các cuộc đàm phán hoà bình tại cuộc xung đột tại Ukraine làm sâu sắc thêm những bất đồng, mâu thuẫn giữa các bên. Từ đó dẫn tới cơ hội để các bên ngồi vào bàn đàm phán hòa bình sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả trên chiến trường, gia tăng thêm mức độ tàn khốc và khốc liệt của cuộc chiến đã kéo dài sang năm thứ hai tại Ukraine.
Hậu quả và rủi ro về an ninh
Quyết định của tổng thống Nga Putin chắc chắn sẽ gây ra mối lo ngại rất lớn cho an ninh của châu Âu nói riêng và an ninh toàn cầu nói chung. Nguy cơ Nga sẽ thực hiện những hành động vượt giới hạn của hiệp ước New START tăng cao khi Nga không còn phải tuân thủ các điều khoản trong hiệp ước này nữa. Điều này có lợi cho Nga khi cuộc chiến ở Ukraine đang ở trong giai đoạn chiến tranh tiêu hao và Nga cần một lượng lớn các vũ khí như UAV, tên lửa, đạn pháo v..v việc thoát khỏi các giới hạn của New START có thể giúp Nga tăng cường dây chuyền sản xuất hàng loạt các loại vũ khí cung cấp cho chiến trường, từ đó gia tăng thêm mức độ tàn khốc, nguy hiểm và khó lường của cuộc chiến.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nhân ngày bảo vệ tổ quốc 23/2 chỉ hai ngày sau quyết định đình chị tham gia hiệp ước New START rằng nước Nga sẽ tiếp túc củng cố bộ ba răn đe hạt nhân bao gồm các hệ thống tên lửa chiến lược trên đất điền, trên biển và trên không. Ông Putin nêu rõ“ Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp các thiết bị tiên tiến cho quân đội của mình, bao gồm các hệ thống tấn công mới, thiết bị trinh sát và liên lạc, máy bay không người lái và hệ thống pháo”[7]. Những chủng loại vũ khí được tổng thống Nga nêu tên trong tuyên bố đều thuộc những vũ khí chủ lực đóng vai trò quan trọng mà quân đội Nga đang sử dụng tại chiến trường Ukraine. Qua đó có thể thấy quyết tâm của chính quyền Moscow trong việc dành thế chủ động chiến lược tại chiến trường và cũng ủng hộ vững chắc thêm những luận điểm mà nhiều chuyên gia quân sự quốc tế cho rằng Nga sẽ mở một cuộc tấn công quy mô lớn tại Ukraine vào mùa xuân này. Những động thái tuyên bố tăng cường bộ ba kho vũ khí hạt nhân răn đe chiến lược ngay sau khi đình chỉ hiệp ước New START chỉ sau có hai ngày gây ra lo ngại liệu sẽ lại diễn ra một cuộc chạy đua vũ trang nữa trong thế kỉ 21? Theo Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stokholm (SIPRI), Mỹ và Nga hiện đang sở hữu 90% số lượng đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới, trong đó Nga sở hữu 5977 đầu đạn hạt nhân và Mỹ sở hữu 5428 đầu đạn[8]. Việc xuất hiện cơ hội cho các bên có thể ngồi lại và đám phán một hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược mới có thể kéo dài rất nhiều năm. Và trong khoảng thời gian đó khi không còn điều gì ràng buộc thì quốc gia đang nắm giữ kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới sẽ có quyền hợp pháp để phát triển các chủng loại vũ khí chiến lược, để đối phó với mối nguy cơ đó các nước châu Âu và Mỹ nói riêng và các nước trên toàn thế giới nói chung cũng sẽ có áp lực phải tăng cường năng lực vũ trang của nước mình trước những mối đe doạ mới từ đó lôi kéo cả thế giới vào một cuộc chạy đua vũ trang có quy mô khủng khiếp hơn, nguy hiểm hơn, khó lường hơn nhiều so với thời kì chiến tranh lạnh. Tuy nhiên nhiều khả năng Nga sẽ chịu thất bại nếu xảy ra cuộc chạy đua vũ trang mới xảy ra là khá cao khi khoảng cách về năng lực kinh tế và công nghệ của Mỹ tạo khoảng cách quá xa so với nước Nga, vốn đã chịu ảnh hưởng rất nhiều do cuộc xung đột với Ukraine.
Thông báo đình chỉ tham gia hiệp ước New START của Nga được xem như là một tin tốt đối với Trung quốc khi nước này cũng sở hữu vũ khí hạt nhân và thường khá kín tiếng về quy mô và chất lượng về kho vũ khí hạt nhân của mình. Thông tin này giúp chính quyền Bắc Kinh giải toả áp lực phải tham gia các hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân sau này. Thêm nữa, theo Alexander Gabuev, chuyên viên cao cấp tại Carnegie Endowment for international peace, việc Moscow đình chỉ New START có thể là một món quà cho chính phủ Mỹ và cơ quan an ninh quốc gia, những người coi hiệp ước này đã là một tài liệu lỗi thời ngăn cản những phản ứng thích hợp của Mỹ trước mối đe doạ ngày càng tăng từ Trung Quốc. Theo Lầu năm góc, đến năm 2035, Bắc Kinh có kế hoạch tăng gấp ba lần số lượng đầu đạn hạt nhân lên 1.500, gần với mức trần do New START đặt ra cho Nga và Mỹ[9].
Tác giả: Phạm Quang Phúc
Chú thích
1: Bill Chappell, (2023), “ What happens now after Russia suspends the last nucler arms treaty with the U.S?”, NPR, https://www.npr.org/2023/02/22/1158529106/nuclear-treaty-new-start-putin
2:Vân Khanh – Nguyễn Hữu Ân, (2021), “Thăng trầm hiệp ước New START”, Tạp chí quốc phòng toàn dân, http://tapchiqptd.vn/vi/quoc-phong-quan-su-nuoc-ngoai/thang-tram-hiep-uoc-new-start/16721.html
3:Oscar Gutierrez, (2023), “The world returns to an era of nuclear angst”, English. Elpais, https://english.elpais.com/international/2023-02-27/the-world-returns-to-an-era-of-nuclear-angst.html
4:Kông Anh, (2023), “Rủi ro hạt nhân tăng cao khi Nga đình chỉ hiệp ước New START”, Báo mới, https://baomoi.com/rui-ro-hat-nhan-tang-cao-khi-nga-dinh-chi-hiep-uoc-new-start/c/45108125.epi
5:Elena Teslova, (2023), “ Putin says Russia to focus on strengthening nuclear triad”, AA.com, https://www.aa.com.tr/en/politics/putin-says-russia-to-focus-on-strengthening-nuclear-triad/2829253#
6: “Secretary Antony J.Blinken remarks to the Press”, state.gov, https://www.state.gov/secretary-antony-j-blinken-remarks-to-the-press-7/
7: “NATO’s Stolenberg: World more dangerous with Russia suspending START treaty”, (2023), Reuters, https://www.reuters.com/world/europe/natos-stoltenberg-world-more-dangerous-with-russia-suspending-start-treaty-2023-02-21/
8: Servet Gunerigok, (2023), “UN urges Russia to return to New START nuclera treaty”, AA.com, https://www.aa.com.tr/en/world/un-urges-russia-to-return-to-new-start-nuclear-treaty/2827318
9: Alexander Gabuev, (2023), “Is Russia shooting itself in the foot by suspending the New START Treaty”, Carnegie Endowment for international peace, https://carnegieendowment.org/politika/89131
10: Heather Williams, (2023), “Russia Suspends New START and Increases Nuclear Risks”, CSIS.org, https://www.csis.org/analysis/russia-suspends-new-start-and-increases-nuclear-risks
11: “Presidential Address to Federal Assembly”, (2023), kremlin.en, http://en.kremlin.ru/events/president/news/70565
12: Phiên An, (2023), “Kinh tế châu Âu tăng trưởng nhanh hơn Mỹ”, Vnexpress, https://vnexpress.net/kinh-te-chau-au-tang-nhanh-hon-my-4565570.html