Đại hội XX diễn ra từ ngày 16 đến 22/10/2022 đã đề xuất tầm nhìn lớn, mang tính chiến lược và những bước đi cụ thể, nhằm đưa Trung Quốc đến mục tiêu cơ bản là hoàn thành hiện đại hóa vào năm 2035 và trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp vào giữa thế kỷ XXI. Những kết quả của Đại hội XX tạo dấu ấn lớn trong hành trình Đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn dắt đất nước bước vào chặng đường phát triển mới.
Một nội dung quan trọng trong kỳ Đại hội XX là việc xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc biển. Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh “xây dựng cường quốc biển là nhiệm vụ chiến lược trọng yếu nhằm đạt được sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Quốc”. Báo cáo của Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã triển khai chiến lược “phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển, đẩy nhanh xây dựng cường quốc biển”, coi việc xây dựng cường quốc biển là nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, hoạt động của lực lượng dân quân biển Trung Quốc tại Biển Đông sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của các quốc gia trong khu vực và quốc tế. Dưới đây là phân tích về hoạt động của lực lượng này trên khu vực Biển Đông từ sau Đại hội XX đến nay.
Lực lượng dân quân biển Trung Quốc
Lực lượng dân quân – ngư dân có vũ trang của Trung Quốc – hay còn được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ gọi chính thức là Dân quân Biển thuộc Lực lượng Vũ trang Nhân dân (PAFMM) – đóng vai trò chủ đạo trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm áp đặt tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. PAFMM là lực lượng ngư dân có vũ trang được chính phủ Trung Quốc bảo trợ, chưa rõ quân số, nằm dưới sự chỉ huy và kiểm soát trực tiếp của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA). Lực lượng này đã tồn tại trong nhiều thập niên và hỗ trợ lực lượng Hải cảnh Trung Quốc (CCG) và Hải quân Trung Quốc (PLAN) trong việc triển khai các hoạt động trong khu vực.
PAFMM đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thiết lập sự hiện diện trên thực tế của Trung Quốc ở khu vực đang có tranh chấp – qua đó thay đổi thực tế trên biển – nhằm thách thức khả năng kiểm soát các khu vực tranh chấp của các quốc gia tham gia tranh chấp khác. Hình thái tác chiến “vùng xám” kinh điển này được thiết kế để “không đánh mà thắng” thông qua việc áp đảo kẻ thù bằng tàu cá số lượng lớn có hỗ trợ từ phía sau bởi lực lượng hải cảnh hoặc có thể là cả tàu chiến hải quân, tùy thuộc vào tình huống, theo đội hình các vòng tròn đồng tâm ngày càng tăng cường.
Lực lượng này được tạo thành từ hai nhóm chính. Một là đội tàu chuyên nghiệp gồm ít nhất 100 chiếc tàu chuyên dụng mang hình dáng tàu cá. Hạm đội còn lại, được gọi là “Hạm đội xương sống Trường Sa” (SBFV), là một nhóm lớn hơn gồm các tàu đánh cá thực tế hoạt động ngoài các cảng trên khắp Hải Nam và Quảng Đông, và đã được đưa vào phái bộ của Trung Quốc.
Đội tàu chuyên nghiệp bao gồm những chiếc thuyền mạnh hơn với trang thiết bị tốt hơn, thường ở cấp độ quân sự. Chúng thường được nhìn thấy trên các nền tảng theo dõi vệ tinh vây quanh các địa điểm tranh chấp.
SBFV khó phát hiện hơn và thường có máy phát vệ tinh cấp thấp hơn hoặc không có thiết bị nào cả. Một số đã được nâng cấp về cấu trúc và công nghệ.
Trung Quốc coi lực lượng dân quân biển là một phần thiết yếu của sức mạnh biển, giúp họ theo đuổi lợi ích hàng hải ở vùng biển tranh chấp. Lực lượng dân quân biển thực hiện ba nhiệm vụ khác nhau trong chiến lược bảo vệ quyền hàng hải của Trung Quốc: (1) Lực lượng này tích cực trong các tranh chấp về các thực thể lãnh thổ cũng như các tranh chấp về phạm vi khu vực pháp lý; (2) Lực lượng này điều chỉnh các hoạt động nước ngoài – đặc biệt là các hoạt động quân sự – trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền; (3) Lực lượng chịu trách nhiệm phản ứng trước các Hoạt động Tự do Hàng hải (FONOP). Trong khi hai nhiệm vụ đầu tiên chủ yếu nhắm vào các nước láng giềng như Brunei, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng như các lợi ích xung đột của họ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, nhiệm vụ thứ ba chủ yếu nhằm đối phó với Mỹ.
Các hoạt động triển khai của lực lượng dân quân biển trên Biển Đông sau Đại hội XX đến nay
Sau Đại hội XX vào tháng 10/2022, nhằm thực hiện mục tiêu trở thành cường quốc biển của mình, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động của lực lượng dân quân biển tại Biển Đông. Điều này đã và đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Các hoạt động đáng chú ý bao gồm:
Đầu tiên, Trung Quốc tiếp tục tăng cường hiện diện và thực hiện hoạt động tuần tra thường xuyên. Lực lượng dân quân biển Trung Quốc thường xuyên hiện diện ở các khu vực tranh chấp như quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Bãi Cỏ Mây và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước khác.
Phân tích hình ảnh vệ tinh từ năm qua cho thấy hàng trăm tàu dân quân Trung Quốc tiếp tục hoạt động hàng ngày ở quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, lực lượng dân quân còn tiếp tục tập trung đông đảo xung quanh các rạn san hô Whitsun và Hughes ở Union Banks (Tiếng Việt: Cụm Sinh Tồn – nằm ở phía Đông Bắc Trường Sa) và duy trì sự hiện diện liên tục tại các thực thể quan trọng khác, chẳng hạn như Đảo Thị Tứ do Philippines chiếm đóng.
Ngày càng có nhiều tàu dân quân tham gia vào các vụ va chạm và căng thẳng với Philippines tại Bãi cạn Second Thomas, và sự phối hợp chặt chẽ của họ với Cảnh sát biển Trung Quốc đã được ghi lại rõ ràng bằng các bức ảnh và video được đăng tải trên các phương tiện truyền thông chính thống.
Dự án Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đã tiến hành một nghiên cứu về hình ảnh vệ tinh vào năm 2023 về 9 địa điểm ở Biển Đông được các tàu dân quân Trung Quốc thường xuyên lui tới. Nghiên cứu tập trung vào hai hạm đội dân quân của Trung Quốc: Các tàu chuyên dụng của Hạm đội dân quân chuyên nghiệp hoạt động ở tỉnh Hải Nam và “Hạm đội xương sống Trường Sa” gồm các tàu buôn, cả hai đều hoạt động trong vùng biển tranh chấp để hỗ trợ cho các yêu sách chính thức của Trung Quốc.
Nghiên cứu cho thấy vào năm 2023, trung bình có 195 tàu dân quân mỗi ngày tại các địa điểm nghiên cứu, tăng 35% so với số lượng tàu dân quân được AMTI quan sát trong 12 tháng 2021-2022. Báo cáo nhấn mạnh rằng trước mùa hè năm 2023, có rất ít tàu ở vùng biển gần Đá Vành Khăn và việc tập trung 180 tàu dân quân Trung Quốc bắt đầu vào tháng 7, điều này cũng được báo cáo của chính phủ Philippines xác nhận.
Hay vào giữa tháng 5 năm 2024, các tàu đánh cá Trung Quốc bắt đầu tràn vào bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Một số đã trôi dạt quanh rạn san hô trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines một thời gian. Tuy nhiên, các tàu Trung Quốc không phải là tàu đánh cá thông thường và chúng không đến đó để đánh cá. Họ ở đó để chống lại một đội tàu viện trợ của Philippines nhằm cung cấp hàng tiếp tế cho ngư dân gần bãi cạn tranh chấp. Cuối cùng, đội cứu trợ đã quay trở lại trước khi đến được bãi cạn.
Có thể thấy, bãi cạn này chỉ là một trong nhiều địa điểm đã chứng kiến những cuộc đụng độ nguy hiểm giữa Trung Quốc và các quốc gia tranh chấp khác. Căng thẳng đã leo thang khiến Biển Đông trở thành điểm nóng tiềm tàng ở một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất về mặt chiến lược và kinh tế trên thế giới.
Thứ hai, lực lượng này còn hỗ trợ các tàu hải cảnh và hải quân. Nói cách khác, dân quân biển thường hoạt động song song với các tàu hải cảnh, tạo ra một lớp “bảo vệ” ban đầu, giúp tránh leo thang quân sự và hạn chế sự can thiệp từ các quốc gia khác.
Tháng 2 năm 2024, theo dữ liệu từ chuyên trang theo dõi hàng hải Marine Traffic, tàu hải cảnh 5901 của Trung Quốc ngày 20 tháng 2 đã bật hệ thống nhận dạng tự động (AIS) tại vị trí gần bãi Tư Chính và tiến hành tuần tra tại khu vực trong nhiều ngày.
Liên quan thông tin Trung Quốc điều tàu hải cảnh hoạt động tại bãi Tư Chính của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã lên tiếng phản đối tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền ở bãi ngầm Tư Chính, bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh bãi ngầm Tư Chính là một phần của thềm lục địa Việt Nam và được xác lập hoàn toàn phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982.
Trong một diễn biến khác, AMTI đã công bố báo cáo mới về hoạt động của tàu dân binh Trung Quốc ở Biển Đông vào ngày 28 tháng 2 năm 2024. Theo đó, AMTI dẫn nguồn hình ảnh vệ tinh của Planet Labs cho thấy trong năm 2023, tàu dân binh Trung Quốc thường xuyên lui tới 9 thực thể ở quần đảo Trường Sa. Hình ảnh được cập nhật trung bình 4 lần mỗi tháng tại mỗi thực thể để từ đó so sánh dữ liệu hình ảnh nhằm thống kê. Hiện nay, tàu dân binh của Trung Quốc còn có những tàu dài 36 m, nhưng nghiên cứu trên chỉ tính toán các tàu dài từ 45 – 65 m.
Những năm qua, tàu dân dân quân là một trong 3 lực lượng mà Trung Quốc sử dụng để tạo dựng “vùng xám” nhằm tăng cường kiểm soát ở Biển Đông. Hai lực lượng còn lại hỗ trợ cho tàu dân binh là tàu hải cảnh và tàu quân sự của Trung Quốc.
Các tàu dân binh đã nhiều lần đâm đụng, thậm chí đâm chìm tàu cá của các nước trong khu vực. Những hành động này là hoạt động dân sự chứ không phải tàu quân sự. Qua đó, Bắc Kinh đã tránh được những leo thang quân sự căng thẳng để từng bước kiểm soát Biển Đông.
Thứ ba, trong những năm gần đây, lực lượng dân quân biển và các tàu cá thương mại của Trung Quốc được nhận những khoản trợ cấp nhất định nhằm hoạt động trong “những vùng biển được chỉ định đặc biệt” và các khoản trợ cấp khác cho việc xây dựng và tân trang các tàu dân quân chuyên nghiệp, các thiết bị liên lạc và định vị, cũng như hoạt động huấn luyện các cựu quân nhân phục vụ trên nhựng con tàu này.
“Các hoạt động của họ được chính phủ Trung Quốc tài trợ thông qua các khoản trợ cấp, khuyến khích các chủ thể địa phương xây dựng các tàu phù hợp với những đặc điểm kỹ thuật quân sự và hoạt động ở những vùng biển tranh chấp, sẵn sàng hỗ trợ lực lượng hải quân của Trung Quốc khi cần thiết”, báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho hay.
Những hoạt động này “là minh chứng rõ ràng cho thấy phần lớn tàu cá của Trung Quốc trong những vùng biển tranh chấp ở Biển Đông không hoạt động như một nhân tố thương mại độc lập mà thay vào đó được chính phủ Trung Quốc chi trả để thực hiện những nghĩa vụ nhằm đảm bảo hoàn thành các mục tiêu về chính trị và an ninh quốc gia”.
Vai trò của lực lượng dân quân biển Trung Quốc trong chiến thuật “vùng xám” ở Biển Đông
Chiến thuật vùng xám của Trung Quốc tại Biển Đông nhằm duy trì sự hiện diện và kiểm soát mà không vượt qua ngưỡng chiến tranh. Lực lượng dân quân biển là công cụ đắc lực trong chiến thuật này, vì hoạt động của họ thường không mang tính quân sự rõ ràng, gây khó khăn cho các nước khác trong việc phản ứng.
Đầu tiên, lực lượng dân quân biển đóng vai trò là lực lượng tiền tuyến trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khẳng định quyền kiểm soát phi pháp các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông và cản trở các hoạt động hợp pháp của các nước láng giềng tại Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của họ.
Đặc biệt, dưới thời Tập Cận Bình, lực lượng dân quân biển trở thành lực lượng tiên phong cho chiến lược ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông. Khả năng triển khai tàu tuần duyên và tàu dân quân tới các đảo nhân tạo của Trung Quốc, cách đảo Hải Nam gần 1.300 km đã thay đổi mạnh mẽ sự cân bằng lực lượng trên Biển Đông. Một nghiên cứu viễn thám trong 6 tháng của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) và Sáng kiến Hàng hải Skylight của Vulcan năm 2018 đã tiết lộ, các tàu cá của Trung Quốc, phần lớn trong số đó có thể là lực lượng dân quân biển, đã trở thành nhóm tàu lớn nhất hoạt động ở quần đảo Trường Sa. Những tàu này đã tập hợp chủ yếu ở Đá Vành Khăn và Đá Subi (ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Năm 2017, trong khi các cơ sở hạ tầng trên những đảo này vẫn đang được xây dựng phi pháp, có khoảng hơn 100 tàu của Trung Quốc hiện diện cùng lúc, tháng 8/2018, con số này đã lên tới 300. Những con tàu này có chiều dài trung bình khoảng 50 mét và nặng khoảng 550 tấn, lớn hơn nhiều so với các tàu cá của những nước láng giềng và là một minh chứng cho thấy tốc độ hiện đại hóa nhanh chóng của Trung Quốc. Theo CSIS, các tàu cá của Trung Quốc không tham gia nhiều vào hoạt động đánh bắt cá mà thường tập trung quanh các đảo mà các bên khác tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa.
Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, Dân quân Hàng hải và lực lượng bảo vệ bờ biển được triển khai thường xuyên hơn PLAN trong các hoạt động khẳng định chủ quyền hàng hải.
Thứ hai, có thể nói lực lượng quân dân biển Trung Quốc là “công cụ đắc lực” trong chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc vì sự mập mờ, không rõ ràng trong ý đồ và mục đích của ngư dân Trung Quốc, làm hạn chế leo thang căng thẳng tại những vùng tranh chấp và gây khó khăn cho các quốc gia khác trong việc phản ứng trước những hành động phi lý của tàu cá Trung Quốc triển khai tại Biển Đông.
Về bản chất mập mờ, không chính danh. Các văn bản chính thức về an ninh, quốc phòng của Trung Quốc không hề đề cập cụm từ “dân quân biển”, như Điều lệ Công tác Dân binh năm 2011, Luật Quốc phòng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1997 hay phiên bản Luật Quốc phòng mới nhất năm 2020.
Sách trắng Quốc phòng đầu tiên của Trung Quốc năm 1998 và phiên bản mới nhất năm 2019 cũng không đề cập tới dân binh biển, dù đều nhắc tới dân binh. Trung Quốc cũng công khai tuyên bố không sở hữu dân binh biển. Cụ thể, trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tháng 4/2016, trả lời câu hỏi của phóng viên liệu Trung Quốc sử dụng lực lượng tàu cá để thúc đẩy yêu sách biển, Người phát ngôn Lục Khảng cho hay không có cơ sở có bình luận như vậy.
Vào tháng 3/2021, khi Philippines cáo buộc Trung Quốc triển khai dân binh biển ở Đá Ba Đầu, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines tuyên bố, “Các tàu cá Trung Quốc đang trú ẩn do biển động. Không tồn tại lực lượng dân binh biển ở Trung Quốc”.
Bên cạnh thiếu đi tính chính danh, lực lượng đã đi vào hành động và hiện diện trong ít nhất 08 vụ va chạm với các nước ở Biển Đông kể từ năm 2009. Cụ thể là sự kiện tàu Impeccable 2009; Vụ đối đầu Bãi cạn Scarborough năm 2012; Vụ việc “HD-981” năm 2014; Bao vây Thị tứ năm 2018; Tàu Hải Dương Địa chất 8 xâm phạm Bãi tư chính năm 2019; Tập trung số lượng lớn tàu ở Đá Ba đầu năm 2021; hăm dọa tàu nghiên cứu M/V DA BFAR của Philippines năm 2022; Ngăn chặn tàu tiếp tế Philippines ở Bãi Cỏ Mây năm 2023.
Và quan trọng nhất, dân quân biển Trung Quốc đang thực thi yêu sách “đường đứt đoạn” được coi là quá mức, không có cơ sở pháp lý. Tòa trọng tài trong vụ kiện Philippines – Trung Quốc ở Biển Đông năm 2016 đã bác bỏ các yêu sách quyền lịch sử, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển bên trong “đường đứt đoạn”.
Cuối cùng, lực lượng dân quân biển Trung Quốc đóng vai trò như một công cụ gây áp lực lên các quốc gia khác, buộc họ phải nhượng bộ trước những yêu sách phi lý của Trung Quốc.
Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng của RAND Corp nhận định, “chiến thuật vùng xám” cổ điển này được Trung Quốc vạch ra để “đạt được mục đích mà không cần tốn một viên đạn nào với việc áp đảo tàu cá của các nước khác”. Trong những năm qua, Trung Quốc đã bồi lấp thêm hơn 1.300 hecta đất trên 7 thực thể mà nước này chiếm giữ trái phép ở Biển Đông, xây dựng đường băng, cảng, nhà chứa máy bay và triển khai thiết bị liên lạc tại các khu vực này.
Nhìn từ góc độ chiến thuật, các tàu cá này tạo ra hàng trăm chướng ngại mà đối với các quốc gia cạnh tranh với Trung Quốc, chẳng hạn như Hải quân Mỹ, cần phải đối phó.
“Tàu cá Trung Quốc thể hiện mối đe dọa gây rối nhiều hơn là mối đe dọa tấn công. Được triển khai với số lượng hạn chế, các tàu này có thể ngăn chặn khả năng tàu chiến của nước khác tiến hành chiến tranh chống ngầm hoặc thực hiện hoạt động tác chiến từ trên không bằng máy bay trực thăng”, nhà nghiên cứu Shuxian Luo của Đại học Johns Hopkins và nhà nghiên cứu Jonathan Panter của Đại học Columbia cho biết.
Andrew S.Erickson, chuyên gia tại Đại học chiến tranh hàng hải của Mỹ nhận định, trong trường hợp đụng độ xảy ra, những con tàu này có thể tấn công tàu dân sự hoặc tàu cảnh sát biển của nước khác. Ngược lại, đối với các tàu nước ngoài có năng lực mạnh mẽ, chúng sẽ trở thành “vũ khí của kẻ yếu”, tức là lấy tình trạng dân sự làm lá chắn buộc phía bên kia phải chịu hậu quả về mặt ngoại giao hoặc phục vụ cho mục đích tuyên truyền. Vì chúng không phải là tàu quân sự nên Trung Quốc chắc chắn sẽ ngụy biện rằng, bất cứ hành động nào của hải quân hoặc lực lượng hải cảnh nước ngoài nhằm đối phó với những con tàu này sẽ là một cuộc tấn công vào dân thường của Trung Quốc.
Xét về mặt thành công, lực lượng dân quân biển có thể được xem là một bộ phận tinh vi, giúp Trung Quốc duy trì sự hiện diện tại các khu vực tranh chấp mà không cần đến sự can thiệp quân sự trực tiếp, giảm thiểu rủi ro xung đột với các quốc gia khác. Đồng thời, lực lượng này cũng đã thành công trong việc mở rộng và củng cố các vị trí của chính quyền Trung Quốc tại Biển Đông.
Các hạm đội thuộc lực lường này liên tục tiến hành các hành trình xâm nhập qua các vùng đặc quyền kinh tế của nước ngoài, phong tỏa các rạn san hô và đảo đang tranh chấp, đồng thời liên tục đâm hoặc sử dụng vòi rồng vào các tàu khác trong các hoạt động nguy hiểm, bao gồm cả đối đầu với Hải quân Hoa Kỳ. Các tàu dân quân thường đi bè cùng nhau để tạo ra nguy cơ va chạm và cản trở việc tiếp cận, hoặc cắm trại tại một rạn san hô trong nhiều tháng, tăng cường sự hiện diện thực tế của Trung Quốc trong khu vực mà sự hiện diện đó là chìa khóa để kiểm soát một địa điểm.
Xét về mặt hạn chế, cả chiến thuật “vùng xám” và các hoạt động của dân quân biển đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, làm tổn hại đến hình ảnh của Trung Quốc. Theo CSIS, các tàu dân quân đang hoạt động của Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm Luật Biển quốc tế. Cùng với tàu tuần duyên Trung Quốc, tàu của lực lượng dân quân biển đã hoạt động không an toàn và gây ra những rủi ro đụng độ nhằm cưỡng ép các tàu của nước ngoài. Nhiều hoạt động của lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã vi phạm rõ ràng Các quy định quốc tế về ngăn chặn va chạm trên biển (COLREGS) năm 1972.
Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc cũng thường xuyên can thiệp vào các hoạt động đánh bắt cá, khai thác dưới biển cùng các hoạt động hợp pháp khác của các nước Đông Nam Á trong EEZ và thềm lục địa của họ. Hành vi này đã vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) cũng như tập quán quốc tế. Đây cũng là hành vi vi phạm các điều khoản trong UNCLOS, quy định trách nhiệm của quốc gia mà tàu mang cờ nhằm đảm bảo các tàu thuyền của họ hoạt động an toàn trên biển và tránh đụng độ.
Bên cạnh đó, các hành động quấy rối, khiêu khích của dân quân biển Trung Quốc có thể dẫn đến các vụ đụng độ vũ trang, gây ra hậu quả khó lường. CSIS nhận định, nếu lực lượng dân quân biển Trung Quốc tiến hành những bước đi vượt quá giới hạn và sử dụng vũ lực nhằm vào các bên khác, cũng như ủng hộ các lực lượng của chính phủ Trung Quốc trong những chiến dịch quân sự trong tương lai, điều này sẽ có thể tiềm ẩn những nguy cơ khó lường.
“Việc sử dụng lực lượng dân quân biển núp bóng dưới danh nghĩa các tàu cá cũng như sử dụng các công nghệ lưỡng dụng (phục vụ cho cả mục đích quân sự và dân sự) làm gia tăng nguy cơ xảy ra các sự cố và leo thang căng thẳng”.
“Đây là một sự kết hợp vô cùng nguy hiểm. Trung Quốc càng gia tăng tần suất triển khai lực lượng dân quân biển thì khả năng chạm trán với giữa lực lượng này với tàu của các nước khác ngày càng cao và điều đó có thể dẫn đến những sự cố nằm ngoài tầm kiểm soát”, các chuyên gia Luo và Panter cho biết.
Các nước khác đã nói gì về lực lượng dân quân biển của Trung Quốc?
Các chính phủ và tổ chức trên thế giới đã nhiều lần lên án hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm cả các hoạt động liên quan đến dân quân biển. Mỹ, đồng minh hiệp ước của Philippines, đã nhiều lần cáo buộc lực lượng dân quân vi phạm luật pháp quốc tế “để thực thi các yêu sách hàng hải mở rộng và bất hợp pháp của mình”. Philippines, mục tiêu của hoạt động dân quân gần đây nhất, cho biết họ “sẽ không bị ngăn cản trong việc theo đuổi các hoạt động chính đáng và hợp pháp trong các vùng biển của chúng tôi”.
Theo chuyên gia về Biển Đông Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), Philippines đang đẩy lùi nhiều hơn trước đây. “Về phía Philippines, họ không thấy bất kỳ lựa chọn nào khác,” ông nói. Poling cho biết thêm, Mỹ chưa thực sự phản ứng trước sự phản kháng trong khu vực mà thay vào đó đang “thúc đẩy Philippines và các nước láng giềng khác thành lập liên minh chống Trung Quốc”.
Dự báo xu hướng phát triển của lực lượng dân quân biển Trung Quốc tại Biển Đông
Thứ nhất, với tham vọng trở thành cường quốc biển trong tương lai gần, lực lượng hải quân Trung Quốc rất có thể sẽ tiếp tục tăng cường quy mô và tần suất hiện diện cho đến khi đạt mục tiêu về chủ quyền tại các vùng biển tranh chấp.
Những thành công trong quá khứ cho thấy rằng Trung Quốc có khả năng đạt được tất cả các mục tiêu nhằm củng cố sức mạnh hàng hải của mình vào khoảng giữa năm 2020 và 2030. Những thiếu sót trong lực lượng cảnh sát biển, dân quân biển và ngành đánh cá có thể sẽ được khắc phục vào khoảng năm 2025. Các chuyên gia Trung Quốc ước tính rằng các mục tiêu hàng hải thương mại sẽ hoàn thành vào khoảng năm 2030.
Điều này cho thấy Trung Quốc dường như quyết tâm nâng cao quy mô giá trị tàu thuyền trong ngành đóng tàu. Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2023 đã công nhận số tàu chiến của Trung Quốc đã vượt Mỹ, dự đoán con số này sẽ lên tới 435 chiếc trước 2030 (tăng lên so với dự đoán năm 2021 là 425 tàu chiến); Mỹ cũng khẳng định Trung Quốc có đội cảnh sát biển lớn nhất thế giới và đội dân quân ở cỡ lớn, đặc biệt là trong các vùng biển gần. Trung Quốc sẽ có lợi thế ngày càng tăng về số lượng ở Tây Thái Bình Dương trong khi dần dần thu hẹp khoảng cách về chất.
Thứ hai, dân quân biển sẽ không chỉ hoạt động tập trung ở các khu vực đang tranh chấp hiện tại, mà còn có thể mở rộng phạm vi hoạt động ra các vùng biển xa hơn, bao gồm cả các khu vực đặc quyền kinh tế của các nước khác. Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường hiện diện quân sự trên phạm vi toàn thế giới. Đáng chú ý, sự hiện diện của tàu chiến Trung Quốc tại căn cứ hải quân Ream ở Campuchia đã gây ra không ít lo ngại về việc Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân đối với các nước trong khu vực, cũng như Mỹ. Tuy nhiên, việc Trung Quốc thể hiện tham vọng thiết lập thêm các căn cứ không chỉ giới hạn ở trường hợp cụ thể này. Dựa trên đánh giá của viện nghiên cứu có trụ sở tại Hoa Kỳ, AidData, được viết bởi Alex Wooley, Sheng Zhang, Rory Fedorochko và Sarina Patterson, Hambantota ở Sri Lanka, Bata ở Guinea Xích đạo và Gwadar ở Pakistan là ba địa điểm có khả năng thành lập căn cứ hải quân Trung Quốc nhất trong khoảng thời gian từ năm 2025 đến năm 2030.
Bên cạnh đó, dân quân biển Trung Quốc cũng sẽ tăng cường hợp tác với các lực lượng khác, cụ thể là phối hợp chặt chẽ hơn với hải cảnh, hải quân để thực hiện các nhiệm vụ được giao, tạo thành một lực lượng tổng hợp gây sức ép lên các nước khác, tiếp tục củng cố chiến thuật vùng xám của mình.
Thứ ba, nhằm tiếp tục thúc đẩy hiện đại hóa quốc phòng và quân đội, lực lượng dân quân biển của Trung Quốc có nhiều khả năng được trang bị thêm các công nghệ mới nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động tình báo, thu thập thông tin và khả năng giám sát, quản lý. Dân quân biển sẽ được đào tạo bài bản hơn về các kỹ năng quân sự, hải dương học, pháp luật biển, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, một số tàu dân quân biển có thể được trang bị vũ khí hiện đại hơn, biến chúng thành một lực lượng bán quân sự.
Tác động đến Việt Nam
Các hoạt động của lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã và đang tạo ra sức ép lớn đối với Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, đặc biệt là tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đầu tiên, việc xuất hiện một số lượng tàu dân quân biển Trung Quốc tại các khu vực giáp ranh và tranh chấp với Việt Nam nhằm quấy rối tàu cá đia phương và nghiêm trọng hơn là xâm phạm đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây ra những tổn thất về người và của đối với ngư dân Việt Nam nói riêng, và đối với chủ quyền biển đảo của Việt Nam nói chung.
Chắc hẳn, chúng ta không thể nào quên được việc Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam vào năm 2014. Không những thế, Trung Quốc còn thường xuyên duy trì trên 100 tàu, trong đó có nhiều tàu chiến cỡ lớn và máy bay quân sự, chủ động đâm va tàu thực thi pháp luật của Việt Nam trên một phạm vi rộng lớn hàng chục hải lý xung quanh vị trí giàn khoan Hải Dương 981.
Suốt từ đầu tháng 7/2019 đến nay, Trung Quốc liên tục có những động thái đi quá giới hạn như: Đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 và các tàu hộ tống vào hoạt động trái phép ở khu vực gần bãi Tư Chính (2019); Đưa hàng trăm tàu xâm nhập phạm vi lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (2021); Đưa tàu Hướng Dương Hồng 10 cùng các tàu hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (2023). Như vậy, Trung Quốc đã không ít lần vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam biển Đông vì đây là những vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS.
Thứ hai, các tàu dân quân của Trung Quốc gây khó khăn trong việc đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam, cản trở các hoạt động khảo sát dầu khí của Việt Nam, từ đó ảnh hưởng đến các hoạt động buôn bán, thương mại, và đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam.
Minh chứng cho điều này, Trung Quốc còn nhiều lần đơn phương áp đặt các lệnh cấm đánh cá ở biển Đông. Trong hai năm 2009 và 2010, Trung Quốc kéo dài lệnh cấm đánh bắt lên 3 tháng, từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 8, mùa đánh bắt cao điểm của ngư dân Việt Nam.
Hay gần đây, hội Thủy sản Việt Nam cho biết, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc tiếp tục ban hành Lệnh cấm đánh bắt cá thường niên trên Biển Đông, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 5 năm 2024 đến ngày 16 tháng 8 năm 2024, bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là lệnh cấm đơn phương và phi lý của Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, các quyền và lợi ích của biển, đảo Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế như UNCLOS hay DOC.
Những lệnh cấm bắt cá trên Biển Đông từ phía Trung Quốc có thể sẻ cản trở hoạt động bình thường của tàu cá và ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng đánh bắt trên biển, gia tăng nguy cơ đụng độ giữa tàu cá của ngư dân Việt Nam với lực lượng “dân binh” Trung Quốc, gây ảnh hưởng xấu cho nghề cá và sinh kế của ngư dân Việt Nam.
Thứ ba, tình hình trên Biển Đông làm ảnh hưởng đến hoạt động đối ngoại, gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, gây khó khăn cho việc hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực khác.
Việt Nam đã có những phản ứng nghiêm túc và cứng rắn. Về mặt ngoại giao, Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố với cộng đồng quốc tế rằng, Việt Nam phản đối hành động của Trung Quốc, thể hiện rõ quan điểm của Chính phủ Việt Nam. Về phía nhà nước, Việt Nam cũng đã có công hàm gửi cho người đồng cấp Trung Quốc phản đối về hành động đưa tàu Hải Dương 8 đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Gần đây, Việt Nam tiếp tục lên tiếng phản đối tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động gần bãi Tư Chính. Lập trường của Việt Nam với bãi ngầm Tư Chính là nhất quán và đã được khẳng định nhiều lần. “Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập hoàn toàn hợp pháp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982”, người phát ngôn nói.
Ngày 9 tháng 3 năm 2024, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Philippines ở khu vực Bãi Cỏ Mây, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết: Việt Nam rất quan ngại về căng thẳng gần đây ở Biển Đông, có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
Dư luận quốc tế cho rằng, phản ứng của Việt Nam trước vấn đề Biển Đông là đúng mức, nghiêm túc, đủ mức độ cứng rắn và không có thái độ kích động. Có thể thấy, tình hình trên Biển Đông là một vấn đề nan giải, khi Việt Nam phải đối mặt với người anh em láng giềng của mình. Việc này đòi hỏi Việt Nam có cần đường lối đối ngoại sáng suốt, vừa cứng vừa mềm, để làm sao vừa khẳng định chủ quyền biển đảo trước cộng đồng quốc tế, vừa duy trì được mối quan hệ hữu nghị và tránh leo thang căng thẳng với Trung Quốc.
Một số khuyến nghị cho Việt Nam
Đầu tiên, Việt Nam cần chú trọng tăng cường hoạt động đối ngoại, đặc biệt chú trọng đến quan hệ với Trung Quốc.
Việt Nam đã và đang làm rất tốt trong công cuộc xây dựng và giữ gìn các mối quan hệ hợp tác hiện có, duy trì được trạng thái ổn định và hòa bình thông qua đàm phán, đồng thời tôn trọng luật pháp quốc tế và tranh thủ được sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế.
“Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới, là hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm nay, có tác động to lớn đối với xu thế phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời gian dài tiếp theo”, theo chia sẻ của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Thông qua những chuyến công du cấp cao, Việt Nam có thể củng cố nền tảng tin cậy chính trị, tăng cường định hướng cho sự phát triển của quan hệ song phương trong giải đoạn mới. Bên cạnh đó, thông qua trao đổi trên tinh thần thẳng thắn, chân thành, thực chất về vấn đề biên giới lãnh thổ, cùng nhau xử lý thỏa đáng những vấn đề tồn tại, kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển, không để vấn đề trên biển ảnh hưởng đến đà phát triển lành mạnh của quan hệ hai Đảng, hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.
Đối với việc tăng cường hợp tác quốc tế, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường hợp tác với các quốc gia trong khu vực và ngoài khu vực, đặc biệt ASEAN và Liên hợp quốc trong việc giám sát và phản ứng trước các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông. Điều này có thể giúp Việt Nam nâng cao uy tín trên trường quốc tế với hình ảnh của một quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Thứ hai, Việt Nam cần nâng cao năng lực phòng vệ biển đảo, bao gồm cả việc đào tạo các sĩ quan, thủy thủ, kiểm ngư viên có trình độ chuyên môn cao, trang bị vũ khí hiện đại cho Hải đội nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trước sự phát triển của tình hình và nhiệm vụ trong thời kỳ mới, việc xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại không chỉ nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của đội quân chiến đấu mà còn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất.
Các lực lượng hoạt động trên biển, nòng cốt là Hải quân cần thường xuyên chăm lo xây dựng các tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, lấy nhân tố con người là quyết định, vũ khí trang bị là quan trọng; đồng thời duy trì sẵn sàng chiến đấu, nắm chắc tình hình trên các vùng biển, nhất là vùng biển trọng điểm, nhạy cảm, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường huấn luyện làm chủ và phát huy hiệu quả trang bị, nâng cao khả năng tuần tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn các hoạt động kinh tế biển. Khi có tình huống, cần tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về phương châm, đối sách, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo xử lý; phát huy sức mạnh tổng hợp; kết hợp giữa đấu tranh trên thực địa với đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý; tổ chức, chỉ huy, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng; kiên quyết, khôn khéo bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển.
Cuối cùng, trước những diễn biến mau lẹ, khó lường của tình hình thế giới, khu vực và trên Biển Đông, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải nâng cao cảnh giác, chủ động nắm chắc, dự báo chính xác mọi động thái, ngăn ngừa nguy cơ xung đột từ sớm, từ xa, kiên quyết không để mất dù là một sải biển, một tấc đảo.
Trước bối cảnh toàn cầu hóa, muốn bảo vệ chủ quyền biển, đảo, chúng ta phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường và phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nêu cao tính chính nghĩa, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế, “kiên quyết, kiên trì đấu tranh”, tăng cường hợp tác quốc tế, “tạo sự đan xen lợi ích”, “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.
Trong đó, việc nâng cao năng lực phòng vệ biển đảo là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự đầu tư lớn. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ cấp bách và cần được ưu tiên hàng đầu để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần sự chung tay của toàn dân, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước, cũng như sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Tác giả: Nguyệt Hằng
Bài viết đã lược bỏ các tài liệu được trích dẫn, các quan điểm đưa ra trong bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]