Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ngày một gay gắt, vị trí của Đông Nam Á lại càng nổi lên như một tâm điểm địa chiến lược của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Kể từ khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ hai đã dần từ bỏ cách tiếp cận đa phương mang tính thể chế hóa thời người tiền nhiệm Biden để theo đuổi đường lối song phương linh hoạt, thực dụng hơn. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, cường độ các cuộc tập trận, cùng với các hoạt động huấn luyện quân sự mà Mỹ triển khai tăng lên đáng kể so với giai đoạn trước liệu đã phần nào hé lộ một “chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới” của Washington. Và những động thái này đang báo hiệu điều gì sẽ diễn ra sắp tới về cách Trump 2.0 tái định hình lại cam kết với liên minh cùng ảnh hưởng và thế lực của Mỹ tại Đông Nam Á?
Tổng quan về tập trận của Mỹ tại Đông Nam Á
Trong nửa đầu năm 2025, các lực lượng thuộc Hải–Lục–Không quân Mỹ đã liên tục được điều động đến Đông Nam Á để tham gia các hoạt động quân sự trong đó đa phần thuộc chương trình huấn luyện chéo thường niên. Tính đến hết tháng 6/2025, Mỹ đã tham gia ít nhất 5 cuộc tập trận quy mô lớn tại khu vực, đồng thời thực hiện nhiều đợt tập huấn quân sự. Hành động này được nhiều nhà phân tích đánh giá đã thể hiện tầm nhìn về việc tăng cường sức mạnh răn đe, đẩy mạnh hoạt động quân sự đa quốc gia và điều chỉnh các ưu tiên an ninh khu vực dưới nhiệm kỳ hai của Tổng thống Donald Trump.
Nổi bật trong đó là cuộc tập trận Balikatan 2025 diễn ra tại Philippines từ ngày 21/4 đến 9/5. Đây là cuộc tập trận quân sự thường niên quy mô nhất của Mỹ trong khu vực. Với số lượng binh sĩ được huy động lên đến hơn 14.000 người đến chủ yếu từ Mỹ, Philippines cùng 16 quốc gia quan sát viên. Cùng với đó, nội dung huấn luyện lần này bao gồm đa dạng kịch bản chiến tranh đảo, tái chiếm lãnh thổ đồng thời tiến hành thử nghiệm hệ thống tên lửa NMESIS. Điều này cho thấy tính chất thực chiến cao, đồng thời thể hiện một bước đi nhằm truyền tải thông điệp về năng lực vũ khí tầm xa của Mỹ. Trung tướng James Glynn, Tư lệnh Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ tại Thái Bình Dương, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Balikatan 2025 là “một khoản đầu tư quan trọng cho an ninh chung của chúng ta”, khẳng định cam kết của Mỹ với đồng minh trong việc bảo vệ khu vực “Tự do và Rộng mở”.
Bên cạnh đó, cuộc tập trận Cobra Gold 2025 tại Thái Lan, tổ chức từ ngày 25/2 đến 7/3 cũng có sức ảnh hưởng lớn không kém với sự tham gia của hơn 8.200 quân nhân đến từ 30 quốc gia. Nội dung diễn tập được nâng cấp, tập trung vào các hoạt động liên quan đến đổ bộ hải quân, phòng thủ tên lửa, tác chiến chống ngầm. Sự thay đổi về nội dung tập trận cho thấy mục tiêu trong việc nâng cao khả năng sẵn sàng tác chiến thực tế.
Ngoài các lịch trình đa phương, Washington cũng chỉ huy một số cuộc tập trận song phương như Valiant Mark 2025 giữa Lực lượng Vũ trang Singapore (SAF) và Thủy quân lục chiến Mỹ, diễn ra tại cơ sở huấn luyện đô thị mới của SAF (SAFTI City). Đại diện nước chủ nhà, Chuẩn tướng Singapore Anand Sathi Kumar nhận định rằng: “việc đưa vào các nhiệm vụ tác chiến đô thị mới và công nghệ không người lái trong huấn luyện khẳng định quyết tâm và cam kết chung trong việc tăng cường khả năng tương tác và mối quan hệ đối tác chiến lược sâu sắc”.
Bên cạnh các cuộc tập trận quân sự, Mỹ cũng đang gia tăng triển khai các hoạt động huấn luyện chiến thuật linh hoạt tại nhiều quốc gia ASEAN. Dù có quy mô nhỏ hơn, nhưng những hoạt động này có tính cơ động cao, được triển khai nhằm tăng cường khả năng hành cũng như củng cố sự hiện diện quân sự ngắn hạn của Mỹ. Các chương trình như Trao đổi chăm sóc thương vong trong chiến đấu tại Philippines đã củng cố quan hệ đối tác và nâng cao khả năng cứu chữa trong điều kiện xung đột căng thẳng. Tương tự, cuộc diễn tập Tiger Balm 2025 tại Singapore tích hợp các hoạt động tác chiến đô thị và trao đổi chuyên sâu về kỹ thuật chống thiết bị nổ tự chế, phòng vệ hóa học, sinh học, phóng xạ. Đáng chú ý Việt Nam cũng góp mặt trong chuỗi hoạt động quân sự của Mỹ khi cùng tham gia chương trình Huấn luyện an ninh hàng hải đa quốc gia diễn ra vào giữa tháng 1/2025 tại đảo Mindanao cùng Lực lượng Tuần duyên, lực lượng thực thi pháp luật của Indonesia, Philippines. Sự tham gia của Việt Nam chỉ tập trung ở cấp độ tuần tra chung tuy nhiên, điều này phản ánh một chiến lược cân bằng giữa việc mở rộng hợp tác và duy trì cân bằng chiến lược trong môi trường hiện đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các cường quốc.

Nhìn chung, hoạt động tập trận quân sự trong nửa đầu năm 2025 cho thấy một sự chuyển dịch trong chiến lược của Mỹ, thể hiện rõ mục tiêu nâng cao khả năng răn đe và gửi đi thông điệp sẵn sàng cho các tình huống xung đột cường độ cao. Số lượng các cuộc tập trận quy mô từ vừa đến lớn do Mỹ triển khai tại Đông Nam Á đã tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2023, đạt trung bình gần một cuộc mỗi tháng theo ước tính của Marine Corps Times, Army Recognition, Naval News. Xu hướng này được thể hiện rõ qua việc giảm các hoạt động giao lưu mang tính nhân đạo để tập trung vào huấn luyện chiến đấu thực tế. Ví dụ, trong suốt thời gian triển khai tập trận Cobra Gold 2025, các hoạt động huấn luyện chiến đấu đã chiếm phần lớn thời lượng, trong khi các buổi tập huấn cứu trợ duy trì ở mức độ hạn chế hơn. Điều này phản ánh rõ định hướng chiến lược mới của Mỹ nhằm nâng cao khả năng răn đe thực tế.
Phản ứng khu vực trước việc Mỹ gia tăng tập trận tại Đông Nam Á
Như đã thống kê ở trên, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025 đã ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng cả về tần suất và mức độ quân sự hóa trong các cuộc tập trận của Mỹ tại Đông Nam Á. Động thái này đã ngay lập dẫn đến phản ứng mạnh mẽ từ các bên liên quan, đặc biệt là Trung Quốc và ASEAN.
Đối với Trung Quốc, trước sức ép không chỉ về mặt kinh tế mà còn gia tăng về hiện diện quân sự mà Mỹ đang tạo ra đẩy Trung Quốc vào thế phải thể hiện lập trường phản đối quyết liệt trên nhiều mặt trận. Bắc Kinh đồng loạt triển khai phản pháo lại các hành động gây sức ép của Washington từ kênh ngoại giao, truyền thông nhà nước đến các hành động thực địa cụ thể.
Trên phương diện ngoại giao, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 9/5/2025 đã đưa ra tuyên bố rằng các cuộc tập trận giữa Mỹ và Philippines là một “mối đe dọa nghiêm trọng đối với ổn định khu vực”. Đồng thời, Trung Quốc cũng chỉ trích Mỹ đang lợi dụng vấn đề Đài Loan và Biển Đông để quân sự hóa Đông Nam Á. Đây đã là lần thứ ba chỉ trong vòng sáu tháng, Bắc Kinh buộc phải sử dụng những phát ngôn mạnh mẽ như vậy nhằm bày tỏ quan ngại sâu sắc về mặt chiến lược.
Trên các phương tiện truyền thông chính thống, tiếng nói chung của báo giới như Nhật báo Trung Quốc hay Thời báo Hoàn Cầu liên tục đưa ra bình luận phê phán Mỹ trong các bài xã luận sắc bén, nhấn mạnh rằng Washington đang kích động chia rẽ khu vực, cố tình biến Philippines thành mục tiêu tấn công tiềm năng nếu xung đột nổ ra. Song song đó, chiến dịch truyền thông của Bắc Kinh còn khéo léo xây dựng hình ảnh Trung Quốc như một đối tác hòa bình và phát triển, nhằm đối lập với nhận thức về vai trò can thiệp quân sự của Mỹ.
Chưa dừng ở các tuyên bố truyền thông, Trung Quốc còn triển khai các biện pháp quân sự tương tự trên thực địa nhằm gửi đi thông điệp chiến lược rõ ràng. Trong thời gian Mỹ bận rộn với cuộc tập trận Balikatan 2025, Bắc Kinh đã điều động tàu sân bay Sơn Đông cùng đội hình tàu hộ tống đến Biển Đông, đồng thời tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật gần eo biển Đài Loan và bãi cạn Scarborough trong tháng 4 và 5/2025. Ngoài ra, Bắc Kinh còn tiếp tục áp dụng chiến thuật vùng xám bằng việc triển khai tàu dân quân biển ngăn cản hoạt động của phía Philippines, cũng như gia tăng những vụ chạm trán giữa máy bay Trung Quốc và máy bay trinh sát Mỹ. Đây là biểu hiện rõ ràng của chiến lược kết hợp đa tầng nhằm gây sức ép cả trên mọi phương diện từ đấu ngôn luận, quan ngại ngoại giao và răn đe thực địa.
Không chỉ có phản ứng từ Trung Quốc, trong bối cảnh gia tăng sự hiện diện quân sự từ Mỹ, ASEAN cũng đã đưa ra những tín hiệu cho thấy tính chất không đơn giản của vấn đề. Tuy nhiên, những quan điểm này không đồng nhất mà phản ánh rõ sự phân hóa giữa các quốc gia thành viên. Trong các tuyên bố chính thức, hầu hết các nước ASEAN vẫn duy trì diễn ngôn thận trọng nhằm duy trì cân bằng chiến lược giữa các hành động của Mỹ vừa để tránh gây ra leo thang khi Trung Quốc phản ứng lại.
Cụ thể, Philippines với vai trò là quốc gia chủ nhà cho cuộc tập trận Balikatan 2025 đã khẳng định rằng sự kiện này là một sáng kiến nâng cao năng lực quốc phòng mà không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào thể hiện nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng với Bắc Kinh. Phía Việt Nam tiếp tục duy trì quan điểm trung dung, tự chủ trong lĩnh vực quốc phòng bằng cách giới hạn phạm vi khi tham gia vào các hoạt động tuần tra với Mỹ. Ngược lại, Singapore nhấn mạnh vai trò hợp tác quân sự với Mỹ như một yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo tự do hàng hải một lợi ích cốt lõi với nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào giao thương qua đường biển.
Mặc dù các tuyên bố chính trị trong nội khối ASEAN chẳng hạn như lời kêu gọi tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hồi tháng 5/2025 của Ngoại trưởng Malaysia về việc không để ASEAN bị chia rẽ bởi cạnh tranh nước lớn đã nhấn mạnh sự cần thiết củng cố đoàn kết, nhưng thực tế cho thấy tổ chức này vẫn thiếu một cơ chế điều phối hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng. Việc các quốc gia thành viên hành động dựa trên lợi ích riêng biệt và mức độ phụ thuộc chiến lược khác nhau đã làm rạn nứt khả năng xây dựng đồng thuận tập thể. Trong bối cảnh đó, các cuộc tập trận được dẫn dắt bởi Mỹ không chỉ là biểu hiện cho xu thế tái cấu trúc an ninh khu vực mà còn được xem như phép thử khả năng cân bằng chiến lược của từng quốc gia thành viên cũng như năng lực tự chủ chiến lược của ASEAN trước áp lực cạnh tranh Mỹ – Trung đang tăng mạnh.
Những gợi mở về một chiến lược Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương mới của Mỹ
Sự điều chỉnh về cách tiếp cận so với thời “Trump 1.0”
Các cuộc tập trận quân sự của Mỹ tại Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2025 đã cho thấy sự dịch chuyển trong chiến lược ứng phó với thách thức an ninh dưới thời Tổng thống Donald Trump nhiệm kỳ hai. Mặc dù, chính quyền Trump 2.0 không thay đổi mục tiêu đặt cạnh tranh với Trung Quốc tại Ấn Độ Dương Thái Bình Dương lên thứ tự ưu tiên cao nhất. Thế nhưng, Trump 2.0 lại có một cách tiếp cận khác hơn so với Trump 1.0 của gần một thập kỷ qua. Qua lần Đối thoại Shangri-La lần thứ 22 vừa qua, chính quyền Trump 2.0 đã công khai thúc đẩy một phương thức tập hợp lực lượng mới mang tính tập trung vào diễn biến trên thực địa và có mục tiêu răn đe cụ thể hơn so với nhiệm kỳ đầu. Các khí tài tác chiến chiến thuật có phạm vi tấn công xa như hệ thống HIMARS, NMESIS hay Typhon được triển khai dày đặc hơn trong các cuộc tập trận gần đây, cùng với đó các nội dung huấn luyện chiến đấu đi cùng với các tình huống tác chiến đổ bộ và kiểm soát đảo được tăng cường.

Điều này cho thấy nhiều khả năng sự hiện diện của Mỹ tại Đông Nam Á sẽ bao gồm cả việc thiết lập đồn trú trên các đảo gần Biển Đông. Mục tiêu không chỉ là thể hiện cam kết với đồng minh, mà còn kiểm nghiệm năng lực trong bối cảnh xung đột tiềm tàng. Minh chứng là cuộc tập trận Balikatan 2025. Một đối chiếu với Balikatan của năm 2017 dưới thời Trump 1.0 diễn ra với mục tiêu phục vụ hậu cần và cứu trợ nhân đạo, thì Balikatan 2025 diễn ra với quy mô lớn nhất, có nội dung hỏa lực thực tế và sự tham gia của nhiều đối tác ngoài khu vực. Đây là một bước chuyển từ “phòng ngừa rủi ro” sang “thiết lập thế răn đe”, phản ánh sự thay đổi không chỉ trong cách tiếp cận tập trận quân sự mới mà còn ở tư duy phủ đầu của dàn quan chức an ninh diều hâu tại Nhà Trắng.
Tóm lại, tập trận quân sự tại Đông Nam Á dưới thời Trump 2.0 đã trở thành một công cụ chiến lược có định hướng rõ ràng với mục tiêu răn đe thực chất, phục vụ việc tái định hình cán cân quân sự tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đây là sự khác biệt so với nhiệm kỳ Trump 1.0 và cho thấy sự hình thành một chiến lược với sự hiện diện quân sự và năng lực hành động được ưu tiên hơn các mô hình liên minh truyền thống.
Một chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương 2.0 đang hình thành?
Trước và trong Đối thoại Shangri-La năm nay, tân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã có hai bài phát biểu quan trọng đánh dấu tuyên bố chính sách đầu tiên của Trump 2.0 đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bài phát biểu của ông Hegseth dường như hé lộ một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn của Mỹ đối với cấu trúc an ninh khu vực. Hiện chính quyền Trump vẫn đang rất bận rộn để xử lý các điểm nóng xung đột tuy nhiên trong tương lai có thể vào năm 2026, một văn bản Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở 2.0 (FOIP 2.0) có thể sẽ được ra đời. Tuy nhiên, một số trụ cột của chiến lược mới này sẽ có sự thay đổi đáng kể thể hiện sự chuyển đổi trong cách Mỹ định hình vai trò và hiện diện tại khu vực. Chính quyền Trump 2.0 dự kiến duy trì nguyên tắc “Hòa bình dựa trên sức mạnh”, đồng thời giảm cam kết sâu rộng với các cơ chế đa phương hoặc tiểu đa phương, tập trung đẩy mạnh quan hệ song phương với từng đối tác quan trọng.
Thứ nhất, chiến lược FOIP 2.0 vẫn nhằm thu hẹp không gian hành động của Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh nước này đang gia tăng hoạt động quân sự và chính trị tại các khu vực như Biển Đông và eo biển Đài Loan. Để thực hiện mục tiêu này, Mỹ có sự điều chỉnh về phương pháp liên minh nhằm tăng cường năng lực chiến đấu với các đối tác chủ chốt. Trong khi các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) trước đây chỉ mang tính biểu dương sức mạnh và tạo áp lực chính trị, thì dưới thời Trump 2.0, Mỹ giảm dần các hoạt động biểu tượng, thay vào đó tập trung phát triển năng lực tác chiến và khả năng triển khai nhanh chóng, sẵn sàng cho các kịch bản thực chiến. Điển hình là các cuộc tập trận quy mô lớn, có tính thực chiến cao như Balikatan 2025 tại Philippines, thể hiện sự chuẩn bị cho các tình huống xung đột có thể xảy ra. Đồng thời, việc triển khai và huấn luyện binh sĩ Philippines sử dụng hệ thống tên lửa tầm trung Typhon từ năm 2024 đã góp phần xây dựng năng lực phòng thủ chặt chẽ, nâng cao khả năng răn đe.
Thứ hai, bên cạnh các cuộc tập trận truyền thống, FOIP 2.0 dự kiến mở rộng hình thức hiện diện quân sự bằng các biện pháp linh hoạt hơn. Một trong những dự tính quan trọng là triển khai hiện diện lực lượng quân sự ngắn hạn thay vì xây dựng căn cứ cố định. Mỹ sẽ thiết lập chu kỳ hiện diện quân sự luân phiên tại các địa điểm trọng yếu, cách thức này sẽ kiểm soát nguồn lực tài chính, giảm thiểu nguy cơ đối đầu chính trị và duy trì khả năng phản ứng nhanh. Các hoạt động huấn luyện chiến thuật linh hoạt và trao đổi chuyên sâu như chương trình Trao đổi chăm sóc thương vong trong chiến đấu tại Philippines hay tập trận Tiger Balm 2025 tại Singapore đã cho thấy hình thức triển khai này đã được thiết kế nhằm tăng cường hiện diện ngắn hạn.
Thứ ba, FOIP 2.0 sẽ không theo đuổi một hệ thống liên minh chính trị ràng buộc mà hướng tới đối tác linh hoạt hơn, các quốc gia đối tác sẽ hợp tác dựa trên từng lĩnh vực cụ thể và mức độ cam kết linh hoạt. Mô hình này cho phép Mỹ điều chỉnh nhanh chóng theo tình hình chính trị và an ninh của từng nước, đồng thời giảm được gánh nặng pháp lý và chính trị đi kèm như liên minh truyền thống. Phương pháp này vừa bảo vệ lợi ích chiến lược của Mỹ, vừa khuyến khích đối tác phải tự điều chỉnh năng lực. Cụ thể, FOIP 2.0 tập trung tăng cường huấn luyện và chuyển giao công nghệ quốc phòng cho các đối tác tiềm năng thông qua các sáng kiến như FMS (chương trình bán vũ khí có điều kiện) và EDA (chuyển giao vũ khí dư thừa). Các công cụ này không chỉ nâng cao năng lực quốc phòng cho các bên đối tác mà còn tạo ra sự phụ thuộc lâu dài về công nghệ và chiến thuật từ đó củng cố ảnh hưởng hiệu quả hơn. Ngoài ra, có thể kể đến các biện pháp kinh tế như thuế quan được sử dụng nhằm buộc các quốc gia trong khu vực phải chọn phe hướng về Mỹ.
Tổng thể, dưới thời Trump 2.0 chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hướng đến mức độ gắn kết chặt chẽ hơn với tình hình thực tiễn khu vực. Chính quyền Tổng thống Trump nhấn mạnh vai trò của năng lực quân sự và khả năng phô diễn sức mạnh nhằm duy trì ổn định và ngăn ngừa xung đột các động thái của Mỹ hiện nay tập trung tăng cường răn đe nhằm ngăn chặn Trung Quốc thay đổi hiện trạng khu vực, đặc biệt qua việc sử dụng vũ lực.
Dự báo tình hình khu vực thời gian tới
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Đông Nam Á chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong các cuộc tập trận quân sự do Mỹ chủ trì, phản ánh rõ rệt chiến lược tiếp cận khu vực dưới thời Trump 2.0. Các hoạt động như tập trận Balikatan tại Philippines, Cobra Gold tại Thái Lan, Mỹ cho thấy không chỉ phát triển về quy mô mà còn nhấn mạnh sử dụng vũ khí hiện đại, huấn luyện đa miền còn có sự hiện diện của đối tác như Nhật Bản và Úc.
Đối với cục diện cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung thời gian tới sẽ ngày càng trở lên căng thẳng. Không khí tại Đối thoại Shangri-La cuối tháng 5 vừa qua đã lột tả được những mâu thuẫn mà hai bên cố đùn đẩy cho nhau. Trung Quốc cho rằng Mỹ đang dồn ép nhiều hơn, can thiệp nhiều hơn vào các vấn đề nội bộ. Trong khi đó, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã mạnh mẽ xác nhận rằng “mối đe dọa từ Trung Quốc là rất thực và có thể xảy ra bất kỳ lúc nào,” đồng thời kêu gọi các nước tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP để xây dựng nền “hòa bình thông qua sức mạnh”. Phát biểu này đã tạo ra làn sóng đối thoại mới, nhấn mạnh một chiến lược theo hướng răn đe chủ động đánh dấu sự thay đổi rõ nét so với “trật tự dựa trên luật lệ” được chính quyền Biden ưu tiên từ 2021 tới 2024.
Trước bối cảnh này, các quốc gia Đông Nam Á đang đứng trước ba kịch bản dự báo khả năng diễn biến sắp tới:
Một là, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng tại khu vực Biển Đông, trở thành trọng tâm đối đầu trong giai đoạn nửa cuối năm 2025. Hậu Shangri-La, Trung Quốc đã triển khai các đợt tuần tra cường độ cao ở sườn phía nam Philippines, đồng thời phát đi cảnh báo cứng rắn tới Manila về việc không để Washington lợi dụng lãnh thổ để chống lại Bắc Kinh. Đáp lại, Mỹ được dự đoán sẽ tăng cường tần suất cũng như quy mô các cuộc tập trận tại Philippines, Thái Lan và Singapore, không chỉ để nâng cao năng lực tương tác tác chiến, mà còn nhằm thiết lập một vành đai răn đe chiến lược bao quanh Trung Quốc từ hướng tây Thái Bình Dương. Trong kịch bản này, Biển Đông sẽ không chỉ là không gian tranh chấp hàng hải mà trở thành nơi cả hai cường quốc thi triển năng lực hiện diện và phát tín hiệu chiến lược tới các nước trong khu vực.
Hai là, khả năng xuất hiện cấu trúc hóa cơ chế tiểu đa phương mới. Việc Mỹ có thể thúc đẩy thành lập một khung hợp tác “mini Quad” tại ASEAN tập trung vào Nhật Bản, Úc với các nước giáp Biển Đông như Việt Nam, Malaysia, Singapore. Đây sẽ là nỗ lực làm đối trọng với cấu trúc quân sự của Trung Quốc ở khu vực. Tính hệ thống của các cuộc tập trận từ đầu năm 2025 đến nay cho thấy Washington đang âm thầm thiết lập song song một vành đai kiềm tỏa chiến lược trên biển và trục kiểm soát tuyến thông thương tạo bức tường bao quanh vùng biển phía Nam của Trung Quốc trải dài từ phía bắc Luzon của Philippines đến eo biển Malacca, đi qua các điểm chiến lược như biển Sulu, eo Singapore và vịnh Thái Lan. Mỹ muốn bảo đảm rằng trong bất kỳ tình huống xung đột nào, các tuyến đường từ Malacca đến Guam và Darwin vẫn nằm trong vùng tác chiến của đồng minh.

Ba là, chiến lược của chính quyền Trump 2.0 thể hiện rõ xu hướng gia tăng tính “động” trong triển khai hiện diện quân sự, thông qua mô hình tiền đồn linh hoạt và luân phiên. Khác với tư duy cố định của giai đoạn trước, hiện nay Mỹ ưu tiên giảm thiểu chi phí cố định bằng cách triển khai lực lượng luân phiên theo chu kỳ ngắn hạn, tại các vị trí có vị trí chiến lược. Các đảo nhỏ của Philippines, vùng duyên hải Thái Lan hay cơ sở hậu cần tại Singapore đang trở thành những mắt xích trong hệ thống hiện diện linh hoạt này. Mô hình luân chuyển bán cố định này cho phép Mỹ triển khai nhanh các hệ thống vũ khí hiện đại tại những địa điểm tiền tiêu gần Biển Đông mà không cần thiết lập căn cứ thường trực, ngoài ra còn đặt ra tiền lệ để tạo dựng quyền hiện diện hợp pháp trong các cuộc khủng hoảng tiềm tàng.
Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam
Sự thay đổi cách tiếp cận của Mỹ với Đông Nam Á dưới thời Trump 2.0 với xu hướng đặt trọng tâm là gia tăng hiện diện quân sự đã và đang đặt ra một loạt vấn đề chiến lược quan trọng cho Việt Nam. Trong bối cảnh khu vực ngày càng trở thành tâm điểm của cạnh tranh Mỹ – Trung, Việt Nam không thể đứng ngoài lề mà buộc phải nhận diện rõ các cơ hội và thách thức đang nổi lên, từ đó xây dựng những điều chỉnh chính sách hợp lý, giữ vững nguyên tắc độc lập tự chủ nhưng không bị cô lập về an ninh.
Về cơ hội, sự hiện diện ngày càng rõ nét và có chiều sâu của Mỹ thông qua các cuộc tập trận mở ra không gian để một số lực lượng chuyên trách của Việt Nam có thể tham gia chọn lọc vào các hoạt động huấn luyện chung hoặc nâng cấp năng lực tác chiến phi truyền thống như giải cứu con tin, chống khủng bố, cướp biển, cứu hộ cứu nạn…Đây là điều đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hiện đại hóa quốc phòng nhưng vẫn đảm bảo giữ vững nguyên tắc “bốn không”. Bên cạnh đó, việc Mỹ theo đuổi mô hình hợp tác song phương linh hoạt giúp Việt Nam có dư địa lớn hơn để hợp tác mà không bị ràng buộc bởi các điều kiện về chính trị những vấn đề vốn nhạy cảm. Đồng thời, việc các đối tác như Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc tham gia hỗ trợ huấn luyện cũng mang đến cơ hội cụ thể trong việc đa dạng hóa nguồn tiếp cận chuyển giao công nghệ quốc phòng mới và giảm sự phụ thuộc vào một số đối tác truyền thống.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra cũng không nhỏ. Trước hết là nguy cơ Việt Nam bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh chiến lược nếu các cuộc tập trận hay sự hiện diện quân sự của Mỹ tiến gần đến vùng biển đang xảy ra tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Phía Trung Quốc trước tình hình đó chắc chắn sẽ có phản ứng. Bởi Bắc Kinh ngày càng có xu hướng xem sự hiện diện của Mỹ tại Đông Nam Á là mối đe dọa trực tiếp, sự góp mặt của Hà Nội trong một số chương trình huấn luyện có thể bị diễn giải sai từ đó tạo ra bất đồng không đáng có. Một thách thức khác nằm ở chỗ, mô hình hiện diện bán cố định của Mỹ sẽ đặt ra bài toán chính trị – pháp lý phức tạp. Làm sao để Việt Nam tham gia được vào các mạng lưới hợp tác chiến thuật, nhưng vẫn bảo vệ nguyên tắc không để nước ngoài sử dụng lãnh thổ làm căn cứ quân sự? Đây là khó khăn đòi hỏi Việt Nam cần phải khéo léo về pháp lý, vô cùng thận trọng trong ngôn ngữ ngoại giao.
Tổng kết lại, sự hình thành của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới dưới thời Trump 2.0 với cấu trúc an ninh trung tâm đặt tại Đông Nam Á là một xu hướng khó đảo ngược. Đối với Việt Nam, đứng trước làn sóng chiến lược này cần phải giữ vững nguyên tắc nhưng không cứng nhắc mà linh hoạt, chủ động định hình tiếng nói, vai trò thông qua ASEAN. Chỉ khi như vậy, Việt Nam mới vừa tranh thủ cơ hội nâng cao năng lực phòng vệ, vừa thận trọng tránh bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc./.
Tác giả: Nguyễn Duy Khánh và Phạm Quang Hiền
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của các tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
Chen Jimin (2023), “Đánh giá chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ,” Nghiên cứu Chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/danh-gia-chien-luoc-an-do-duong-thai-binh-duong-cua-my/.
Ngân Mai Hoàng (2025), “Trump 2.0 và Biển Đông: Ổn định chiến lược, điều chỉnh chiến thuật,” Nghiên cứu Biển Đông, https://nghiencuubiendong.vn/trump-20-va-bien-dong-on-dinh-chien-luoc-dieu-chinh-chien-thuat.56689.anews.
Indo-Pacific Defense Forum (2025), “Quân nhân Philippines và Hoa Kỳ cùng rà soát quy trình chăm sóc thương vong trong chiến đấu trong khuôn khổ chương trình trao đổi y tế kéo dài hai tuần,” Indo-Pacific Defense Forum, https://ipdefenseforum.com/vi/2025/06/quan-nhan-philippines-va-hoa-ky-cung-ra-soat-quy-trinh-cham-soc-thuong-vong-trong-chien-dau-trong-khuon-kho-chuong-trinh-trao-doi-y-te-keo-dai-hai-tuan/.
Indo-Pacific Defense Forum (2025), “Tập trận Balikatan 2025 cho thấy huấn luyện quân sự ngày càng phức tạp trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương,” Indo-Pacific Defense Forum, https://ipdefenseforum.com/vi/2025/05/tap-tran-balikatan-2025-cho-thay-huan-luyen-quan-su-ngay-cang-phuc-tap-trong-khu-vuc-an-do-duong-thai-binh-duong/.
Indo-Pacific Defense Forum (2025), “Cuộc tập trận Salaknib giữa Philippines và Hoa Kỳ tăng cường khả năng sẵn sàng phòng thủ,” Indo-Pacific Defense Forum, https://ipdefenseforum.com/vi/2025/04/cuoc-tap-tran-salaknib-giua-philippines-va-hoa-ky-tang-cuong-kha-nang-san-sang-phong-thu/.
Indo-Pacific Defense Forum (2025), “Tập trận Valiant Mark 2025: Biểu tượng của quan hệ đối tác an ninh vững chắc giữa Singapore và Hoa Kỳ,” Indo-Pacific Defense Forum, https://ipdefenseforum.com/vi/2025/04/tap-tran-valiant-mark-2025-bieu-tuong-cua-quan-he-doi-tac-an-ninh-vung-chac-giua-singapore-va-hoa-ky/.
Indo-Pacific Defense Forum (2025), “Khóa huấn luyện đa quốc gia tăng cường hợp tác an ninh giữa Indonesia, Philippines, Hoa Kỳ và Việt Nam,” Indo-Pacific Defense Forum, https://ipdefenseforum.com/vi/2025/01/khoa-huan-luyen-da-quoc-gia-tang-cuong-hop-tac-an-ninh-giua-indonesia-philippines-hoa-ky-va-viet-nam/.
The Daily Signal (2025), “The U.S. and Philippine Alliance on Display: Balikatan 2025,” The Daily Signal, https://www.dailysignal.com/2025/06/17/the-u-s-and-philippine-alliance-on-display-balikatan-2025/.
U.S. Indo-Pacific Command (2025), “Exercise Balikatan 2025 Kicks Off with Opening Ceremony Highlighting Ironclad Alliance,” U.S. Indo-Pacific Command, https://www.cpf.navy.mil/Newsroom/News/Article/4161805/exercise-balikatan-2025-kicks-off-with-opening-ceremony-highlighting-ironclad-a/.
U.S. Army (2025), “Opening Ceremony Kicks Off 44th Iteration of Cobra Gold,” U.S. Army, https://www.army.mil/article/283325/opening_ceremony_kicks_off_44th_iteration_of_cobra_gold.
U.S. Navy (2025), “U.S., Republic of Singapore Navies Deepen Partnership Through Exercise Pacific Griffin 2025,” U.S. Navy, https://www.navy.mil/Press-Office/News-Stories/display-news/Article/4218496/us-republic-of-singapore-navies-deepen-partnership-through-exercise-pacific-gri/.
Army Recognition (2025), “AMPHIBEX Military Exercise Enhances U.S.-Asian Armed Forces’ Interoperability Amid Regional Tensions,” Army Recognition, https://armyrecognition.com/news/army-news/2025/amphibex-military-exercise-enhances-u-s-asian-armed-forces-interoperability-amid-regional-tensions.
Army Recognition (2025), “AMPHIBEX Military Exercise Enhances U.S.-Asian Armed Forces’ Interoperability Amid Regional Tensions,” Army Recognition, https://armyrecognition.com/news/army-news/2025/amphibex-military-exercise-enhances-u-s-asian-armed-forces-interoperability-amid-regional-tensions.
I Marine Expeditionary Force (2024), “Marine Rotational Force – Southeast Asia Begins Third Annual Deployment,” I Marine Expeditionary Force, https://www.imef.marines.mil/Media-Room/Press-Releases/Announcement/Article/3923310/marine-rotational-force-southeast-asia-begins-third-annual-deployment/.
U.S. Indo-Pacific Command (2025), “MRF-SEA Marines Play Key Role in Exercise Cobra Gold 2025 in Thailand,” U.S. Indo-Pacific Command, https://www.pacom.mil/Media/NEWS/News-Article-View/Article/4124203/mrf-sea-marines-play-key-role-in-exercise-cobra-gold-2025-in-thailand/.
U.S. Indo-Pacific Command (2025), “Philippines, U.S. Conclude Exercise Balikatan 25,” U.S. Indo-Pacific Command, https://www.pacom.mil/Media/NEWS/News-Article-View/Article/4180743/philippines-us-conclude-exercise-balikatan-25/.
Manila Bulletin (2025), “China hits US, PH drills as ‘detrimental’ to regional stability,” Manila Bulletin, https://mb.com.ph/2025/4/22/china-hits-us-ph-drills-as-detrimental-to-regional-stability.
Reuters (2025), “China flexes military muscle with East Asian naval activity, sources say,” Reuters, https://www.reuters.com/world/china/china-flexes-military-muscle-with-east-asian-naval-activity-sources-say-2025-05-28/.
Manila Bulletin (2025), “China hits US, PH drills as ‘detrimental’ to regional stability,” Manila Bulletin, https://mb.com.ph/2025/4/22/china-hits-us-ph-drills-as-detrimental-to-regional-stability.
Peoples Dispatch (2025), “China warns repeated US-led military exercises in the region could cause arms race and destabilization,” Peoples Dispatch, https://peoplesdispatch.org/2025/04/23/china-warns-repeated-us-led-military-exercises-in-the-region-could-cause-arms-race-and-destabilization/.
Paul McLeary (2025), “Hegseth warns Asia allies that China threat is ‘imminent’”, Politico. https://www.politico.com/news/2025/05/30/hegseth-warns-asia-allies-that-china-threat-is-imminent-00378700
Reuters (2025), “China’s military conducts patrols in South China Sea, warns Philippines”. https://www.reuters.com/world/china/chinas-military-conducts-patrols-south-china-sea-warns-philippines-2025-06-15