Ngày 11/4/2024 (theo giờ Washington), Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã có cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên lần đầu tiên tại thủ đô Washington (Mỹ). Hội nghị nhằm củng cố quan hệ 3 nước thông qua các chương trình hợp tác sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, đồng thời là nỗ lực để thúc đẩy sự xích lại gần nhau hơn giữa Mỹ và các đồng minh trong khu vực, nơi mà các nước này cho rằng đang phải đối mặt với “sự hung hăng của Trung Quốc và các hành động khiêu khích hạt nhân từ Triều Tiên”. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre trong một tuyên bố trước đó ngày 8/4/2024 cho biết Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên của các nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật-Philippines là cơ hội để làm nổi bật “mối quan hệ kinh tế đang phát triển, cam kết vững chắc và kiên quyết đối với các giá trị dân chủ và tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Kết quả chính của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Nhật – Philippines
Hội nghị đã thảo luận nhiều khía cạnh quan trọng và cấp thiết, trong đó tập trung chủ yếu về các lĩnh vực: hợp tác kinh tế, các giá trị cơ bản chung về tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền và pháp quyền, tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế.
Thúc đẩy hợp tác kinh tế
Ba quốc gia tuyên bố quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lâu dài, bao trùm và khả năng phục hồi ở 3 quốc gia và rộng lớn hơn là khu vực ADD-TBD. Mỹ, Nhật và Philippines đang theo đuổi các dự án kinh tế thúc đẩy các mục tiêu: phát triển kinh tế trên diện rộng và bền vững, đầu tư vào chuỗi cung ứng linh hoạt, đáng tin cậy và đa dạng. Trong đó, 3 nước ủng hộ sự tiến bộ của Khuôn khổ Kinh tế ADD-TBD vì sự Thịnh vượng (IPEF) nhằm nâng cao khả năng phục hồi, tính bền vững, tính toán diện, tăng trưởng kinh tế, sự công bằng và khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế của 3 nước và toàn khu vực, đồng thời cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai ổn định các dự án hợp tác kinh tế đang diễn ra và trong tương lai nhằm hướng Philippines trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao và hơn thế nữa. Hội nghị thượng đỉnh cũng tập trung vào việc thúc đẩy và tăng cường hợp tác kinh tế với Nhật Bản, Philippines và Mỹ, tìm cách chuyển hướng chuỗi cung ứng chính của họ khỏi Trung Quốc và giảm thiểu quan hệ kinh tế tổng thể với cường quốc kinh tế khu vực này.
Các quan chức cho biết các nước sẽ đầu tư mới vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Philippines nhằm cải thiện những cơ sở hạ tầng “có tác động cao”. Tại hội nghị thượng đỉnh, ba nhà lãnh đạo đã khởi động “Hành lang kinh tế Luzon” – được đặt tên theo hòn đảo lớn nhất Philippines – nhằm hỗ trợ kết nối giữa Vịnh Subic, Clark, Manila và Batangas thông qua việc xây dựng cảng, đường sắt, cơ sở năng lượng sạch và chuỗi cung ứng chất bán dẫn”[1]. Trong đó, Subic và Clark trước đây là căn cứ quân sự của Mỹ. Ông Biden đã yêu cầu Quốc hội cấp thêm 128 triệu USD cho các dự án cơ sở hạ tầng tại các căn cứ của Philippines.[2] Ba nước cũng thỏa thuận hợp tác về viễn thông khi phát triển mạng truy cập vô tuyến (RAN) mở thế hệ tiếp theo ở Philippines để tăng cường kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.
Hợp tác vì hòa bình và an ninh
Tuyên bố Tầm nhìn chung của lãnh đạo ba quốc gia[3] sau cuộc gặp gỡ khẳng định cam kết vững chắc của 3 quốc gia đối với tự do hàng hải, hàng không và tầm quan trọng của việc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế của họ phù hợp với luật pháp quốc tế, như được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Đồng thời các nhà lãnh đạo cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về hành vi nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông, Eo biển Đài Loan, Biển Hoa Đông. Ba nhà lãnh đạo cũng khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan và kêu gọi giải pháp hòa bình cho quan hệ hai bờ eo biển.
Từ đó, ba quốc gia cam kết làm sâu sắc các sáng kiến hợp tác để hỗ trợ một khu vực ADD-TBD tự do và rộng mở. 3 nước cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển tương ứng của họ sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau ở ADD-TBD và tổ chức các cuộc tập trận chung, đối thoại hàng hải cũng như các hoạt động hàng hải khác để nâng cao khả năng tương tác, nâng cao an ninh và an toàn hàng hải. Đồng thời, Mỹ, Nhật Bản và Philippines có kế hoạch mở rộng đào tạo và hỗ trợ thực thi pháp luật hàng hải trong khu vực, để xây dựng năng lực và giải quyết các vấn đề đe dọa do tội phạm xuyên quốc gia, đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và các thách thức hàng hải khác. Ngoài ra, ba nước cam kết tăng cường phối hợp sâu rộng để thúc đẩy nhận thức về lĩnh vực hàng hải, tăng cường hợp tác về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.
Quan trọng, 3 quốc gia thống nhất quyết tâm thúc đẩy hợp tác quốc phòng ba bên, bao gồm thông qua huấn luyện hải quân kết hợp và các cuộc tập trận giữa ba nước cũng như các đối tác bổ sung, và bằng cách phối hợp hỗ trợ giữa Mỹ và Nhật Bản cho các ưu tiên hiện đại hóa quốc phòng của Philippines. Ông Biden khẳng định: “chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các mục tiêu hiện đại hóa của quân đội Philippines”. Tuyên bố Tầm nhìn chung cũng cho biết 3 quốc gia có kế hoạch tiến hành một hoạt động huấn luyện hàng hải xung quanh Nhật Bản vào năm 2025.
Theo Reuters, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh, các cựu đại sứ tại Nhật Bản, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Bill Hagerty và Thượng nghị sĩ Dân chủ Tim Kaine, đã cùng nhau giới thiệu một dự luật. Dự luật cho phép viện trợ 2,5 tỷ USD tài chính quân sự nước ngoài (FMF) cho Philippines hàng năm trong 5 năm cho đến năm 2029[4]. Theo văn phòng của tướng Hagerty, các lĩnh vực hỗ trợ viện trợ cho Philippines bao gồm tuần tra ven biển, tàu ngầm, hệ thống phòng không tích hợp, an ninh hàng hải và giám sát trinh sát.
Ngoài ra, 3 quốc gia cũng khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và lên án mạnh mẽ các mối đe dọa leo thang của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Bối cảnh của Hội nghị Thượng đỉnh
Mỹ đã tăng cường xây dựng quan hệ đối tác, đặc biệt là ở ADD-TBD, để thiết lập một lực lượng đối trọng và sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Chỉ trong 3 năm qua, Mỹ đã củng cố quan hệ song phương với Nhật Bản, Philippines, Singapore và Việt Nam, đồng thời thúc đẩy các hợp tác tập thể giữa các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc, Australia và Anh, và giờ đây là Nhật Bản và Philippines. Các nhà phân tích cho rằng đây là một chiến lược không chỉ phản ánh mục tiêu ngoại giao của Mỹ mà còn phản ánh sự cảnh giác ngày càng tăng đối với Trung Quốc ở khu vực “sân nhà”. Evan Resnick, chuyên gia cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) nhận định rằng: “Điều này sẽ không xảy ra nếu tất cả các quốc gia như Philippines, Nhật Bản và một số quốc gia ở Đông Nam Á khác, hoàn hoàn không lo lắng về các hành vi của Trung Quốc”.[5]
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Philippines, Nhật Bản và Mỹ được tổ chức trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng bành trướng ở Biển Đông và có các hành động cưỡng ép chống lại Philippines.
Căng thẳng Philippines – Trung Quốc đã trở nên gay gắt trong thời gian gần đây, các tàu Philippines và Trung Quốc đã có một loạt các cuộc đụng độ ở gần bãi Cỏ Mây (Thuộc quần đảo Trường Sa), bao gồm việc sử dụng vòi rồng và trao đổi bằng lời nói căng thẳng. Cho đến nay, các hành động khiêu khích của Trung Quốc chưa phải là loại tấn công có thể kích hoạt hiệp ước phòng thủ quân sự giữa Mỹ và Philippines ký kết vào năm 1951. Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Tim Kaine nhấn mạnh “tăng cường hợp tác với Philippines là rất quan trọng vào thời điểm mối đe dọa từ Trung Quốc, đang gia tăng”.
Ngoài tranh chấp về Quần đảo Senkaku / Điếu Ngư với Trung Quốc, Nhật Bản cũng đang đối mặt với những thách thức từ Bắc Kinh liên quan đến khu vực các đảo do Nhật Bản kiểm soát gần Đài Loan khi các tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc thường xuyên đi gần vào các đảo này.
Trong khi đó, ngày 24/2/2022, Nga phát động tấn công Ukraine, đến nay cuộc xung đột đã kéo dài hơn 2 năm nhưng vẫn chưa có dấu hiệu ngừng chiến. Sự kiện này làm dấy lên nỗi lo sợ tiềm ẩn trong nhiều quốc gia châu Á rằng việc Nga tấn công Ukraine sẽ khuyến khích Trung Quốc làm theo ở eo biển Đài Loan, Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Mặc dù các quan chức của 3 nước đều khẳng định Hội nghị thượng đỉnh này “không nhằm mục đích chống lại bất kỳ quốc gia nào” mà tập trung vào việc làm sâu sắc quan hệ kinh tế và an ninh giữa Manila, Washington và Tokyo, trên thực tế, Trung Quốc đóng vai trò chính thúc đẩy 3 quốc gia phải nâng cao năng lực kinh tế và an ninh của mình. James D.J. Brown, Phó Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Temple ở Tokyo nói rằng “mối đe dọa từ Trung Quốc đã thực sự thúc đẩy ba nước này xích lại gần nhau”[7].
Và mặc dù đây là Hội nghị thượng đỉnh 3 bên chính thức lần đầu tiên, ba nước đã tăng cường tương tác lẫn nhau từ trước đó.
Tháng 2/2023, Mỹ và Philippines đã công bố kế hoạch mở rộng dấu chân chiến lược của Mỹ ở nước này, với quyền tiếp cận 4 căn cứ quân sự của Philippines, khi cả hai đồng minh này tìm cách ngăn chặn các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc đối với Đài Loan và Biển Đông. Năm 2023, các cố vấn an ninh quốc gia của ba nước cũng đã gặp nhau một lần vào tháng 6 tại Tokyo và lần tiếp theo trực tuyến vào tháng 12, nhằm thiết lập khuôn khổ chung cho hợp tác ba bên Washington – Tokyo – Manila. Tháng 9 năm ngoái tại Jakarta, Indonesia, Tổng thống Marcos, Thủ tướng Kishida và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng gặp gỡ lẫn nhau, tạo tiền đề cho cuộc gặp gỡ chính thức ở Washington. Mối quan hệ hợp tác an ninh giữa Nhật Bản và Philippines cũng ngày càng thân thiết, năm ngoái, trong chuyến thăm Nhật Bản và gặp Thủ tướng Fumio Kishida của Tổng thống Marcos vào tháng 2, hai nhà lãnh đạo đã ký một thỏa thuận phòng thủ nhằm thúc đẩy hợp tác quân sự tại hai quốc đảo. Thỏa thuận này cho phép binh sĩ Nhật Bản hoạt động tại Philippines về hỗ trợ nhân đạo và các tính huống bất ngờ liên quan đến thiên tai, là bước đầu tiên hướng tới các hợp tác phòng thủ rộng lớn hơn giữa hai nước. Tháng 6/2023, lực lượng quân sự Mỹ, Philippines và Nhật Bản đã tổ chức cuộc tập trận hải quân đầu tiên tại Biển Đông. Gần đây, ngay trước Hội nghị thượng đỉnh, ba quốc gia, cùng với Australia đã tiến hành một cuộc tập trận hải quân bốn nước ở Biển Đông (Philippines gọi là biển Tây Philippines), nơi căng thẳng Bắc Kinh – Manila đang diễn ra.
Với Mỹ, Nhật Bản và Philippines vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương của Mỹ, giúp Mỹ nhanh chóng triển khai binh sĩ, vũ khí, khí tài trong khu vực. Mỹ có 23 căn cứ quân sự ở Nhật Bản và có 9 căn cứ quân sự ở Philippines, bao gồm 4 căn cứ mới mà Philippines đồng ý hồi năm ngoái. Ba quốc gia có thể bổ sung cho nhau về những lợi thế, bao gồm vị trí, sức mạnh quân sự, lợi ích kinh tế và nhất là đảm bảo an ninh chiến lược cho nhau, điều này thúc đẩy Mỹ, Nhật Bản và Philippines xích lại gần nhau và gắn kết để cùng bảo vệ lợi ích quốc gia trước mối đe dọa chung là Trung Quốc. Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng chia sẻ rằng “Mỹ, Nhật Bản và Philippines là ba nền dân chủ hàng hải liên kết chặt chẽ với các mục tiêu và lợi ích chiến lược ngày càng hội tụ”.
Đánh giá kết quả đạt được của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Nhật – Philippines lần đầu tiên
Theo GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật), hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nhật – Philippines có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh dấu một bước ngoặt trong hợp tác nhằm đẩy lùi nỗ lực của Trung Quốc vốn đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng ở Biển Đông. Hội nghị đã đảm bảo rằng chương trình nghị sự về an ninh khu vực được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của ba nhà lãnh đạo.
Ba bên đạt nhiều thỏa thuận về sự hỗ trợ của Mỹ và Nhật Bản đối với nền kinh tế Philippines, nhưng giá trị quan trọng nhất của sự kiện lần này là tính biểu tượng của hội nghị thượng đỉnh 3 bên đầu tiên giữa 3 đồng minh[8]. Trong thời điểm hiện tại, không chắc chắn rằng việc củng cố quan hệ giữa 3 quốc gia sẽ kiến tạo một giải pháp ngắn hạn cho các hành động khiêu khích của Bắc Kinh đối với các tàu Philippines ở Biển Đông hay không, nhưng cuộc gặp gỡ giữa ba nhà lãnh đạo gửi đi thông điệp đến Trung Quốc về sự đoàn kết mạnh mẽ về ngoại giao và quân sự giữa 3 đồng minh. Ông Gregory Poling (Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á – Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ) đánh giá hội nghị thượng đỉnh 3 bên Mỹ – Nhật – Philippines mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng.
Với việc Nhật Bản và Mỹ tăng cường quan hệ an ninh tương ứng với Philippines, ba nước đã nỗ lực đưa nhau đến gần hơn với hợp tác an ninh ba bên sâu sắc, toàn diện và xây dựng những gì có thể được coi là năng lực tập thể để giải quyết các mối quan tâm an ninh khu vực chung. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida mô tả đây là một sự hợp tác nhiều lớp cần thiết để củng cố một trật tự quốc tế cởi mở và dựa trên luật lệ. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. mô tả đây là một quan hệ đối tác, được tạo ra không phải vì thuận tiện hay nhanh chóng mà là một sự tiến triển tự nhiên của mối quan hệ sâu sắc và hợp tác mạnh mẽ giữa ba quốc gia được liên kết bởi sự tôn trọng sâu sắc đối với dân chủ, quản trị tốt và pháp quyền. Tổng thống Biden coi thỏa thuận ba bên là một phương tiện để tối ưu hóa các thỏa thuận an ninh trong hệ thống trung tâm và nan hoa của các liên minh mà Mỹ hình thành riêng biệt với Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan bắt đầu từ năm 1950[9]. Trong một tuyên bố, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan khẳng định “Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng việc đầu tư vào các liên minh và quan hệ đối tác trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mang lại lợi ích cho người dân Mỹ, giúp chúng tôi an toàn hơn và cạnh tranh hơn trên trường quốc tế”[10].
Ba nước đã gửi đi tín hiệu rằng nhiều cuộc họp như vậy sẽ được diễn ra trong nhiều năm tới, đồng thời các cuộc tập trận giữa 3 bên hoặc cùng với các đối tác khác nữa cũng sẽ được diễn ra nhiều hơn. Ông Rana Mitter, giáo sư tại Trường Chính phủ Harvard Kennedy nói rằng “triển vọng của các cuộc tập trận hải quân trong tương lai – có khả năng gần Philippines – sẽ là một trong những thông điệp mạnh mẽ nhất mà 3 nước có thể gửi đi[11].
Tuy nhiên, sau Hội nghị Thượng đỉnh, không có sự tuyên bố nào về việc thành lập Liên minh chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines. Tuyên bố về tầm nhìn chung của ba nhà lãnh đạo đã không đề cập đến việc mối quan hệ đối tác an ninh ba bên JAPHUS sẽ hình thành như thế nào về thể chế, điều được Tổng thống Philippines đề cập năm ngoái trong chuyến du công đến Nhật Bản gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida. Từ đó, mối quan hệ ba bên này trên thực tế hiện tại có thể sẽ trở thành một mạng lưới an ninh lỏng lẻo thay vì một thỏa thuận chính thức và được tiêu chuẩn hóa.
Lý do cho việc này có thể là do ở thời điểm hiện tại, Washington, Tokyo và Manila vẫn cần thêm thời gian để thảo luận các vấn đề thực tế về phối hợp liên minh, tầm nhìn chiến lược chung, khả năng tương tác của các lực lượng vũ trang tương ứng và quan trọng nhất là làm thế nào để tam giác an ninh của họ có thể được vận hành tốt khi đối mặt với đe dọa ngày càng lớn của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Hơn nữa, một thỏa thuận an ninh ba bên có thể sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ về mặt lập pháp và thậm chí cả những thách thức pháp lý từ Đảng đối lập tại các quốc gia. Cựu Tổng thống Philippines Duterte đã cáo buộc Mỹ gây căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông, chỉ trích ông Marcos làm theo yêu cầu của Mỹ, và chỉ ra rằng nếu ông giành lại vị trí, ông sẽ hủy bỏ quyết định của Marcos cho phép người Mỹ tiếp cận nhiều hơn với các căn cứ quân sự của nước này[12]. Những bình luận của cựu tổng thống cho thấy sự rạn nứt ngày càng sâu sắc với chính quyền đương nhiệm, có nguy cơ chia rẽ hơn nữa liên minh cầm quyền về tương lai của liên minh ba bên.
Dựa trên mối quan hệ hợp tác hiện tại, dù khả năng quân sự của Mỹ và các nước đối tác có được nâng cấp, mạng lưới quan hệ mà Mỹ đang cố gắng thiết lập không hoàn toàn tạo ra một hệ thống phòng thủ chung nếu xung đột nổ ra trong khu vực. Kevin Chen, nhà nghiên cứu tại RSIS cho rằng “mặc dù mối quan hệ ngày càng phát triển, các liên minh của Mỹ ở ADD-TBD không có mức độ thể chế hóa như họ có với các đồng minh NATO, chẳng hạn như cấu trúc chỉ huy hoặc kế hoạch cho các kịch bản cụ thể”[13]. Trong khi đó, Theo ông Rana Mitter, giáo sư tại Trường Chính phủ Harvard Kennedy, về lâu dài, Nhật Bản và Philippines mong muốn thiết lập một liên minh với nhau mà có thể tồn tại ngay cả khi Mỹ thu hẹp quy mô can dự của mình nếu cựu Tổng thống Donald J.Trump giành được nhiệm kỳ thứ hai[14].
Tuy nhiên, thoả thuận an ninh ba bên chính thức vẫn có thể đạt được trong tương lai khi 3 quốc gia vẫn giữ nguyên tinh thần đoàn kết và sự tích cực tìm giải pháp. Tổng thống Philippines cũng lưu ý rằng “cuộc gặp thượng đỉnh này có thể chỉ là sự khởi đầu”[15], và tuyên bố Tầm nhìn chung sau Hội nghị được kết thúc bằng “Một chương mới giữa ba quốc gia chúng ta bắt đầu từ hôm nay”.
Tác động
Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên giữa ba lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Philippines dù chưa đạt được một liên minh chính thức, những kết quả và cam kết của nó đặt nền tảng cho sự phối hợp hợp tác sâu rộng hơn giữa ba quốc gia trong tương lai, trong đó chú trọng đến an ninh hàng hải tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, chắc chắn sẽ tạo ra những tác động trực tiếp đến khu vực này trong đó có Việt Nam. Cuộc họp có thể khởi động một cấu trúc an ninh mới cho ADD-TBD, trong đó mang lại vai trò lớn hơn cho Nhật Bản và Philippines. Tổng thống Marcos đã khẳng định trong cuộc họp báo ở Washington sau hội nghị thượng đỉnh rằng “Tôi nghĩ thỏa thuận ba bên là cực kỳ quan trọng, nó sẽ thay đổi sự năng động mà chúng ta thấy trong khu vực, ở ASEAN, ở châu Á, và xung quanh Biển Đông”. Trong khi cam kết sẽ tổ chức các cuộc tập trận đa phương ở Biển Đông trong thời gian tới, điều này có thể tiếp tục khẳng định quyền tự do đi lại qua vùng biển quốc tế mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền, từ đó làm yếu đi những yêu sách phi pháp của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Ngoài Nhật Bản và Philippines, các khuôn khổ đa phương nhỏ được Mỹ tăng cường với sự tham gia của Hàn Quốc, Australia… đang thiết lập một hệ thống mới mà ông Robert Ward, chủ tịch Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) gọi là “latticework” – các liên minh xung quanh Trung Quốc thay vì một hệ thống “Hub and Spoke” – trung tâm và nan hoa, tức quan hệ song phương giữa một loạt đối tác với trung tâm từ Washington. Đây không phải là một liên minh chính thức, nhưng nó là một quan hệ đối tác ở mức cao, các mạng lưới hợp tác đa tầng hoạt động riêng biệt và phối hợp với nhau để gia tăng sự ổn định sự khu vực trong khi hạn chế các sự ràng buộc pháp lý. Cuộc họp 3 bên này diễn ra vào một thời điểm rất quan trọng, khi Philippines đang phải chịu áp lực ngày càng tăng ở Trung Quốc. Cuộc họp là sự ủng hộ mạnh mẽ, đoàn kết và quyết tâm của Tổng thống Biden cũng như Thủ tướng Kishida đối với Manila trong thời điểm khó khăn này. Tiến sĩ Naoko Aoki, nhà khoa học chính trị tại tổ chức tư vấn chính sách toàn cầu RAND Corporation nói “ý tưởng ở đây đối với ba nước là báo hiệu cho Trung Quốc rằng họ không thể tiếp tục các chính sách gây hấn ở Biển Đông”[16]. Cố vấn Nhà Trắng về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Mira Rapp-Hooper cho rằng cuộc họp cũng cho thấy một tầm nhìn chung về một Biển Đông được điều chỉnh bởi pháp luật quốc tế.
Tuy nhiên, nỗ lực xây dựng quan hệ đối tác của Mỹ, trong đó hợp tác an ninh chặt chẽ hơn giữa Mỹ – Nhật – Philippines có thể tạo ra làn gió ngược, làm gia tăng thêm căng thẳng địa chính trị trong khu vực, tạo ra các mối đe dọa về hòa bình và an ninh khu vực. Một liên minh chính thức được thành lập sẽ đặt ra thách thức lớn hơn với Trung Quốc, vì Nhật Bản và Philippines có vị trí địa lý vô cùng quan trọng trong việc vươn ra thế giới của Bắc Kinh. Evan Resnick, thành viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) nói rằng “các quốc gia thường tham chiến vì họ cảm thấy rằng họ bị bao vây, và sự sống còn của họ đang gặp nguy hiểm, vì vậy, nếu Trung Quốc cảm thấy như họ đang bị gian lận bởi ý thức ngăn chặn ngày càng mạnh mẽ này… Họ sẽ thực sự sợ hãi. Điều đó có thể dễ dàng châm ngòi cho một cuộc chiến tranh.”[17] Đồng quan điểm, ông Richard Javad Heydarian, Giáo sư địa chính trị tại ĐH Bách khoa Philippines cũng chia sẻ rằng những diễn biến từ Washington và các đồng minh có thể khiến Trung Quốc cảm thấy đang bị “bao vây chiến lược” và Bắc Kinh sẽ không ngồi yên[18]. Từ đó, đặt sự hòa bình, ổn định của khu vực Đông Nam Á và Đông Á nói riêng và Châu Á nói chung vào nguy cơ chiến tranh khốc liệt, với sự tham gia của nhiều bên, trong đó sẽ bao gồm các lực lượng quân sự hàng đầu thế giới.
Sự tham gia của Mỹ cũng có thể gây chia rẽ nội bộ ASEAN và vai trò trung tâm mà các quốc gia này đang thúc đẩy tại khu vực ADD-TBD, từ đó ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế và an ninh của các quốc gia khác trong việc đàm phán, giải quyết các vấn đề bất đồng quan điểm. Sự hậu thuẫn từ các quốc gia lớn cho một số quốc gia sẽ khiến các nước còn lại bị mất lợi thế dù lợi ích của họ là hợp pháp so với Luật pháp quốc tế. Ví dụ, Trung Quốc và Philippines đang xảy ra căng thẳng tại Bãi Cỏ Mây, cần lưu ý rằng, Bãi Cỏ Mây thuộc Quần đảo Trường Sa và cũng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tức thuộc chủ quyền của Việt Nam, sự ủng hộ của Mỹ dành cho Philippines trước Trung Quốc cũng đồng thời xâm phạm đến chủ quyền của Việt Nam. Lü Xiang, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã cảnh báo Philippines cần phải rõ ràng rằng một khi họ quyết tâm trở thành một quốc gia kéo các yếu tố rủi ro bên ngoài vào châu Á Thái Bình Dương, thì nước này sẽ trở thành một ngoại lệ trong ASEAN, mà trong mọi trường hợp, quan hệ ASEAN-Trung Quốc là có lợi nhất cho nền kinh tế Philippines[19]. “Kết quả cuối cùng sẽ không phải là một nền hòa bình ổn định mà là sự chia rẽ địa chính trị ngày càng sâu sắc giữa một bên là mạng lưới đồng minh của Mỹ và một bên là Trung Quốc, Triều Tiên và Nga” – theo Tiến sĩ Mike Mochizuki, Đại Học George Washington (Mỹ)[20].
Theo Thời báo Hoàn cầu (Global Times), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, với việc làm sâu sắc thêm liên minh quân sự ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines, và khuôn khổ đa phương nhỏ nói trên giữa Mỹ và các đồng minh châu Á-Thái Bình Dương, Washington đang tiến một bước gần hơn đến việc xây dựng một NATO thu nhỏ ở châu Á-Thái Bình Dương, ông Da Zhigang, giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tại Học viện Khoa học Xã hội tỉnh Hắc Long Giang nói: “Đây không chỉ là một sự khiêu khích nghiêm trọng đối với Trung Quốc, mà còn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh khu vực”[21]. Chuyên gia James Park tại Viện Nghiên cứu Quincy (Mỹ) cũng cho rằng nếu Washington và các đồng minh tiếp tục tăng cường hoạt động quân sự trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông và gần Đài Loan, Bắc Kinh có thể coi đây là một mối đe dọa[22].
Sự phản đối của Trung Quốc là điều dễ hiểu khi Hội nghị liên tục gửi đi thông điệp về một “Trung Quốc hung hăng” tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết Trung Quốc “kiên quyết phản đối các nước liên quan thao túng chính trị khối, và kiên quyết phản đối bất kỳ hành vi nào kích động hoặc đặt kế hoạch đối lập, và làm tổn hại đến an ninh và lợi ích chiến lược của các nước khác”. Nhật Bản và Philippines “không nên mời phe đối lập vào khu vực, càng không nên tham gia vào hợp tác ba bên với cái giá phải trả là làm tổn hại đến lợi ích của một quốc gia khác”./.
Tác giả: Thi Thi
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Arlette Saenz and Kayla Tausche, , Visits from Japanese and Filipino leaders highlight Biden’s efforts to blunt China’s aggression, CNN, https://edition.cnn.com/2024/04/09/politics/joe-biden-japan-philippines-visits/index.html?iid=cnn_buildContentRecirc_end_recirc
[2] Reuters, “US, Japan, Philippines trilateral deal to change dynamic in South China Sea, Marcos says”, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/us-japan-philippines-trilateral-deal-change-dynamic-south-china-sea-marcos-says-2024-04-13/
[3] White House, “Joint Vision Statement from the Leaders of Japan, the Philippines, and the United States”, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2024/04/11/joint-vision-statement-from-the-leaders-of-japan-the-philippines-and-the-united-states/
[4] DW, US, Japan, “Philippines hold summit amid China threat”, https://www.dw.com/en/us-japan-philippines-hold-summit-amid-china-threat/a-68792952
[5] Chad De Guzman, Why the U.S. Is Building Out Partnerships in the Indo-Pacific—and How It Could Backfire, Times, https://time.com/6965720/us-japan-philippines-trilateral-summit-china-alliances-strategy/
[6] Alan Robles, Raissa Robles, South China Sea: Philippines, US, Japan to step up maritime cooperation to deter Beijing’s, South China Morning Post, https://www.scmp.com/week-asia/politics/article/3258875/south-china-sea-philippines-us-japan-step-maritime-cooperation-deter-beijings-aggression
[7] Brad Lendon, China concerns bring new unity to once-turbulent US-Japan-Philippines relationship ahead of major White House summit, CNN, https://edition.cnn.com/2024/04/08/asia/us-japan-philippines-summit-advance-analysis-intl-hnk/index.html
[8] Hoàng Đình, Chương mới cho liên minh Mỹ – Nhật – Philippines, Báo Thanh Niên, https://thanhnien.vn/chuong-moi-cho-lien-minh-my-nhat-philippines-185240412215618448.amp
[9] Renato Cruz De Castro, Pondering evolving form of trilateral PH-US-Japan partnership: Formal security alliance or loose security network?, Philstar Global, https://www.philstar.com/news-commentary/2024/04/13/2347407/pondering-evolving-form-trilateral-ph-us-japan-partnership-formal-security-alliance-or-loose-security-network
[10] Arlette Saenz and Kayla Tausche, , Visits from Japanese and Filipino leaders highlight Biden’s efforts to blunt China’s aggression, CNN, https://edition.cnn.com/2024/04/09/politics/joe-biden-japan-philippines-visits/index.html?iid=cnn_buildContentRecirc_end_recirc
[11] Michael D. Shear, Biden Aims to Project United Front Against China at White House Summit, The New York Times, https://www.nytimes.com/2024/04/11/us/politics/biden-japan-philippines-summit.html
[12] Andreo Calonzo, Ex-Philippine Leader Duterte Rails Against President Marcos and the U.S. in Chinese Media, Times, https://time.com/6966214/rodrigo-duterte-philipipines-south-china-sea-us-marcos/
[13] Chad De Guzman, Why the U.S. Is Building Out Partnerships in the Indo-Pacific—and How It Could Backfire, Times, https://time.com/6965720/us-japan-philippines-trilateral-summit-china-alliances-strategy/
[14] Michael D. Shear, Biden Aims to Project United Front Against China at White House Summit, The New York Times, https://www.nytimes.com/2024/04/11/us/politics/biden-japan-philippines-summit.html
[15] Renato Cruz De Castro, Pondering evolving form of trilateral PH-US-Japan partnership: Formal security alliance or loose security network?, Philstar Global, https://www.philstar.com/news-commentary/2024/04/13/2347407/pondering-evolving-form-trilateral-ph-us-japan-partnership-formal-security-alliance-or-loose-security-network
[16] Calvin Yang, Will trilateral cooperation among US, Japan and Philippines blunt China’s assertiveness in the region?, CNA, https://www.channelnewsasia.com/world/trilateral-summit-white-house-united-states-japan-philippines-biden-kishida-marcos-china-south-china-sea-territorial-disputes-4260781
[17] Chad De Guzman, Why the U.S. Is Building Out Partnerships in the Indo-Pacific—and How It Could Backfire, Times, https://time.com/6965720/us-japan-philippines-trilateral-summit-china-alliances-strategy/
[18] Thảo Vy, Vĩnh Khang, Thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Philippines: Tầm nhìn chung đột phá, Báo điện tử Pháp Luật TP HCM, https://plo.vn/thuong-dinh-my-nhat-philippines-tam-nhin-chung-dot-pha-post785253.html
[19] Global Times, “China blasts US-Japan-Philippines summit, lodges representations”, https://www.globaltimes.cn/page/202404/1310515.shtml
[20] Thảo Vy, Vĩnh Khang, Thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Philippines: Tầm nhìn chung đột phá, Báo điện tử Pháp Luật TP HCM, https://plo.vn/thuong-dinh-my-nhat-philippines-tam-nhin-chung-dot-pha-post785253.html
[21] Global Times, “China blasts US-Japan-Philippines summit, lodges representations”, https://www.globaltimes.cn/page/202404/1310515.shtml
[22] Thảo Vy, Vĩnh Khang, Thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Philippines: Tầm nhìn chung đột phá, Báo điện tử Pháp Luật TP HCM, https://plo.vn/thuong-dinh-my-nhat-philippines-tam-nhin-chung-dot-pha-post785253.html