Từ ngày 11 đến 12 tháng 7, Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm 2023 được tổ chức tại Vilnius, thủ đô của Litva. Hội nghị đã bàn luận một cách toàn diện các về định hướng châu Âu cũng như định hướng châu Á-Thái Bình Dương của NATO. Tuy nhiên, tại nhiều vấn đề cơ bản, các quốc gia thành viên NATO vẫn còn những bất đồng lớn. Liên quan đến những nội dung này, Giáo sư Hoàng Tĩnh của Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải đã có những chia sẻ quan điểm với trang mạng “Quan sát viên”, Nghiên cứu Chiến lược giới thiệu tới quý độc giả các quan điểm đáng chú ý của ông.
THẾ LƯỠNG NAN CỦA NATO VÀ UKRAINE
Cách tiếp cận của Mỹ về vấn đề Ukraine
Trên thực tế, cách tiếp cận của Mỹ không mâu thuẫn. Điều Mỹ phải làm là với chi phí nhỏ nhất, không chỉ làm suy yếu nước Nga ở mức độ lớn nhất mà còn khiến nước Nga phải chịu áp lực rất lớn, đồng thời sử dụng NATO như một gọng kìm, kẹp chặt châu Âu vào cỗ xe chiến đấu của mình. Bằng cách này, cuộc xung đột Ukraine đã trở thành một con bài quan trọng đối với Hoa Kỳ. Chỉ cần cuộc xung đột Nga-Ukraine còn tiếp tục, châu Âu sẽ không cảm thấy an toàn mà còn cảm thấy mối đe dọa lớn từ Nga. Châu Âu không thể tự mình áp chế Nga, chỉ có thể dựa vào NATO, mà NATO lại do Mỹ lãnh đạo.
Do đó, Hoa Kỳ một mặt lợi dụng sự phụ thuộc của châu Âu vào NATO về mặt an ninh, mặt khác thông qua xung đột Nga-Ukraine, liên tục làm suy yếu Nga. Từ đó đạt được hiệu quả “một mũi tên trúng hai đích”.
Nhưng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ cho phép Ukraine gia nhập NATO vào thời điểm này. Bởi vì trong trường hợp này, NATO sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về an ninh của Ukraine. Hiện Ukraine đang bị Nga tấn công, theo quy định của NATO, các quốc gia thành viên trong đó có Mỹ phải trực tiếp tham chiến chống lại Nga để bảo vệ Ukraine. Nga là một cường quốc hạt nhân với khả năng tấn công hạt nhân mạnh mẽ. Một cuộc xung đột trực tiếp với Nga chắc chắn sẽ gây ra mối đe dọa rất lớn đối với an ninh của chính Hoa Kỳ, điều đó không mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine có thể mang lại lợi ích kép cho Mỹ, khiến Nga suy kiệt và củng cố sự phụ thuộc của châu Âu vào NATO. Vì vậy, lập trường của Hoa Kỳ nhìn bề ngoài có vẻ mâu thuẫn nhưng thực tế lại không mâu thuẫn. Điều quan trọng là Mỹ trói chặt được châu Âu và làm suy yếu Nga với chi phí thấp nhất.
NATO và Ukraine có đang gây khó dễ cho nhau?
Vấn đề này phải nhìn từ các lập trường khác nhau sẽ thấy mâu thuẫn giữa họ và mâu thuẫn này có thể kéo dài bao lâu?
Trước hết, xét từ quan điểm của Ukraine, NATO đã đề nghị Ukraine tham gia và Kiev đã sớm nộp đơn vào năm 2008. Mặc dù việc xin gia nhập không thành công do vấp phải sự phản đối của Đức và Pháp, nhưng NATO đã viết một “chi phiếu” nói với Ukraine rằng họ chỉ cần đáp ứng các yêu cầu là có thể tham gia bất cứ lúc nào. Vì vậy, Ukraine đang cố gắng hoàn thành các mục tiêu của NATO. Năm 2014, sau “Cách mạng Maidan”, Ukraine đã hoàn toàn ngả về phương Tây, các lĩnh vực quân sự, quốc phòng, chính trị và kinh tế đều hướng về NATO.
Sau khi Zelensky lên nắm quyền, Ukraine một lần nữa xin gia nhập NATO và NATO cũng đưa ra tín hiệu chấp nhận. Nhưng chính điều này làm Nga cảm thấy bị đe dọa và tiến hành các hoạt động quân sự vào tháng 2 năm ngoái. Từ góc độ của Ukraine, thứ nhất, với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, Ukraine có quyền lợi cũng như ý nguyện gia nhập NATO. Thứ hai, Ukraine không chỉ chiến đấu để bảo vệ đất nước mình mà còn bảo vệ châu Âu và thậm chí là toàn bộ trật tự quốc tế do Mỹ đứng đầu nếu có chiến sự. Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp để NATO tiếp nhận Ukraine. Thứ ba, sau khi gia nhập NATO, Ukraine có thể chính thức nhận được sự bảo hộ trực tiếp của NATO. Các nước thành viên NATO bao gồm cả Mỹ có thể trực tiếp tham chiến và đánh bại Nga. Theo quan điểm của Ukraine, đây cũng là lợi ích cơ bản của NATO và các quốc gia thành viên NATO. Nếu Nga bị đánh bại, châu Âu sẽ không có mối đe dọa an ninh nào nữa, hòa bình được thực hiện một lần cho mãi mãi.
Nhưng NATO có cách nhìn khác. Vào thời điểm đó, NATO đã hoan nghênh Ukraine gia nhập, chủ yếu do Hoa Kỳ đứng đầu với mục đích từng bước trấn áp và răn đe Nga. Nhưng về vấn đề này, các nước lớn ở châu Âu do Đức và Pháp đứng đầu luôn giữ thái độ dè dặt, không muốn Ukraine tham gia. Bởi các nước này biết rằng một khi Ukraine gia nhập NATO, Nga nhất định sẽ đáp trả dữ dội, đe dọa đến an ninh chung của châu Âu.
Tuy nhiên, NATO chịu sự chỉ đạo của Mỹ, và Mỹ đã sử dụng thành công một số quốc gia ở Trung và Đông Âu, chẳng hạn như Ba Lan, Cộng hòa Séc, Litva v.v.. các quốc gia này có sự e ngại về lịch sử, dân tộc và chính trị đối với Nga. Sự e ngại và thù địch Nga của các quốc gia đó không chỉ đến từ lịch sử, mà còn đến từ sự bất đồng các hệ thống văn minh khác nhau, cũng như sự tương phản sức mạnh giữa các quốc gia. Mỹ sử dụng các nước Trung và Đông Âu trong số các thành viên NATO để thúc đẩy Ukraine gia nhập NATO.
Nhưng hiện nay trong bối cảnh chiến tranh, các nước thành viên chủ chốt của NATO do Mỹ đứng đầu đã từ chối cho Ukraine gia nhập. Như đã nói trước đó, nếu Ukraine gia nhập NATO bây giờ, tất cả các quốc gia thành viên đều có nghĩa vụ và trách nhiệm trực tiếp tham chiến, và tất cả các quốc gia thành viên NATO sẽ phải trả giá đắt hơn cho cuộc chiến. Đồng thời, nó sẽ từng bước kích thích, thậm chí buộc Nga phải leo thang chiến lược, phát động chiến tranh hạt nhân. Điều này không có lợi cho Mỹ và các thành viên lớn của NATO.
Ukraine cho rằng xung đột Nga-Ukraine xảy ra, nếu NATO không cho phép Ukraine gia nhập, không cung cấp hỗ trợ, thì một khi Ukraine thua trận sẽ có tác động tiêu cực đến tất cả các quốc gia thành viên NATO. Nếu Ukraine thất bại trong cuộc chiến này, Nga đạt được mục tiêu “phi quân sự hóa”, mối đe dọa từ Nga có thể uy hiếp trực tiếp Tây Âu. Vì Ukraine là một nước lớn nằm ở trung tâm châu Âu, NATO không thể để nó thất bại. Một khi bại trận thì toàn bộ người châu Âu sẽ gặp xui xẻo. Ukraine hiện đang chiến đấu vì tất cả. Vì vậy, NATO phải hỗ trợ đầy đủ. Đây là cách mà Ukraine sử dụng khả năng thất bại và hậu quả có thể xảy ra của mình như một con bài thương lượng để gia nhập NATO.
Nhưng NATO tin rằng họ hoàn toàn ủng hộ Ukraine và nâng Zelensky lên tầm cao của một “đại anh hùng”. Ngoài việc không trực tiếp tham chiến, Ukraine muốn gì sẽ có đó, họ muốn vũ khí cho vũ khí, muốn xe tăng cho xe tăng. Đức, Pháp, Mỹ đều đưa ra tuyên bố sẽ ủng hộ, đánh trong bao lâu sẽ ủng hộ bấy lâu, nhưng Ukraine không thể gia nhập NATO. Điều này sẽ dẫn đến leo thang chiến tranh ngoài tầm kiểm soát, thậm chí có thể nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân gây nguy hiểm cho tất cả nhân loại. Nhưng điều này thực ra rất đạo đức giả. Thái độ của NATO là cho dù chỉ còn lại người lính cuối cùng ở Ukraine, NATO cũng sẽ không trực tiếp tham chiến.
Mặc dù NATO “toàn lực” hỗ trợ Ukraine, muốn có súng đạn thì cho súng đạn, nhưng không cung cấp hỗ trợ trên không, điều này rất nguy hiểm. Về bản chất, nó cho thấy những tính toán nhỏ của Châu Âu và Mỹ đã đạt được thỏa thuận ở một mức độ nhất định. Đó là thông qua xung đột Nga và Ukraine, ít nhất có thể làm suy yếu Nga, để Nga giống như Afghanistan năm đó, không ngừng bị tiêu hao và cuối cùng là sụp đổ.
Đối với NATO mà nói cũng là một canh bạc. Họ đặt cược rằng Ukraine có thể tiếp tục chiến đấu. Và Zelensky đã lợi dụng điều này để “tống tiền” NATO.
Công việc vận động hành lang của ông Zelensky ở châu Âu bao gồm hai mục đích, một mặt đưa ra mức giá (cao nhất), đó là Ukraine gia nhập NATO, bởi vì một khi gia nhập thì mọi hỗ trợ quân sự đều không thành vấn đề. Tất cả các quốc gia thành viên không chỉ phải ủng hộ Ukraine, mà còn phải trực tiếp tham chiến. Mặt khác, ông Zelensky cũng hiểu rằng Ukraine không thể gia nhập NATO vào thời điểm hiện tại, bởi các nhà lãnh đạo hàng đầu của NATO và các quốc gia thành viên lớn đều phản đối. Vì vậy, trên thực tế, Ukraine đang đàm phán với mức giá cao nhất để gia nhập NATO. Nếu NATO không đồng ý thì sẽ cung cấp một số lượng lớn xe tăng đạn pháo, hỗ trợ trên không, v.v. và coi đây như con bài mặc cả.
Vấn đề bất đồng quan điểm giữa các quốc gia thành viên NATO
Xung đột Nga-Ukraine là chủ đề lớn nhất của Hội nghị Thượng đỉnh NATO lần này. Tác giả cho rằng sự bất đồng ý kiến và xung đột giữa các thành viên NATO là khó có thể thu hẹp. Bởi vì sự bất đồng là xung đột cơ bản. Đối với các nước lớn ở Tây Âu (Pháp, Đức,Tây Ban Nha v.v.) không ngoài hai mục đích: một là nếu Mỹ kiên quyết ủng hộ, châu Âu và Mỹ cùng nhau hỗ trợ Ukraine đánh bại Nga. Đây là kết cục tốt đẹp nhất một lần và mãi mãi cho châu Âu. Nhưng nếu chiến tranh bế tắc (và từ đó có nguy cơ leo thang), an ninh châu Âu sẽ luôn bị đe dọa nghiêm trọng. Vì vậy cần phải ngừng bắn và đàm phán hòa bình để kiểm soát các mối đe dọa an ninh. Một trong những mục đích chính mà Đức, Pháp và các quốc gia khác đề xuất tự chủ chiến lược là muốn giành được một số ưu thế nhất định trong cuộc xung đột Ukraine, nhưng Hoa Kỳ không cho phép họ làm như vậy. Hai mục đích của châu Âu chỉ có thể chọn một, hoặc châu Âu và Mỹ hợp tác để đánh bại Nga, hoặc các nước châu Âu tự chủ chiến lược.
Nếu đạt được quyền tự chủ chiến lược, các nước lớn ở châu Âu có thể học hỏi từ “phương thức Normandy” trước chiến tranh. Tức là Đức, Pháp, Ukraine và Nga cùng nhau đàm phán, trong quá trình đàm phán không có Mỹ hay NATO. Kết quả của các cuộc đàm phán là thỏa thuận Minsk năm đó.
Đối với các nước lớn ở châu Âu mà nói, nếu chiến tranh Nga-Ukraine tiếp tục bế tắc, bất luận về chính trị hay kinh tế đều khó có thể bền vững, sẽ bị lao dốc theo. Xét cho cùng, Ukraine nằm ở trung tâm của châu Âu, nếu chiến tranh tiếp diễn kéo dài, vấn đề an ninh của châu Âu sẽ không được đảm bảo trong thời gian dài. Không chỉ tương lai chính trị bị đe dọa lớn mà sự phát triển kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn. bị hạn chế và chịu nhiều thiệt hại. Trước hết, nguồn vốn không những không được tiếp tục đầu tư, thậm chí còn rút vốn tháo chạy ra nước ngoài. Thứ hai, Nga và Ukraine là những nhà cung cấp năng lượng quan trọng ở châu Âu, và việc thiếu hụt tài nguyên có thể trở thành một vấn đề khủng hoảng.
Suy thoái kinh tế tất yếu sẽ kéo theo những vấn đề chính trị, xã hội khó kiểm soát. Chẳng hạn như xã hội Pháp, Đức đang có dấu hiệu “hỗn loạn”. Nhưng Hoa Kỳ có thể hưởng lợi từ đó, và cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến châu Âu (đặc biệt là các nước Tây Âu) càng thấy rõ hơn mục đích thực sự của Hoa Kỳ.
Ngày 31 tháng 5 năm 2022, Biden đăng một bài báo trên tờ New York Times, vạch ra 4 lằn ranh đỏ cho cuộc chiến Nga-Ukraine. Thứ nhất, NATO sẽ không trực tiếp tham gia vào cuộc chiến này. Thứ hai, cuộc chiến này sẽ không bao giờ thay đổi chế độ ở Nga, không cần lật đổ Putin. Thứ ba, Mỹ và NATO sẽ không chủ động tấn công Nga, quân đội Mỹ sẽ không trực tiếp tham chiến. Thứ tư, không khuyến khích và không cho phép Ukraina có khả năng tấn công lãnh thổ Nga.
Bài báo này khiến người Châu Âu hoàn toàn “bối rối”, thậm chí tức giận. Khi Biden đăng bài báo và đưa ra bốn lằn ranh đỏ, hoàn toàn không tham khảo ý kiến với bất kỳ nhà lãnh đạo châu Âu hay đồng minh nào. Đây hoàn toàn là một quyết định đơn phương. Khi đó, bài báo này đã gây xôn xao khắp châu Âu: Làm sao Mỹ có thể làm được điều đó? Thứ nhất, Mỹ đã “dự đoán” chính xác sự bùng nổ của cuộc chiến này và tích cực hỗ trợ Ukraine; Thứ hai, sau khi chiến tranh bùng nổ, Ukraine đã thể hiện ý chí và khả năng kháng cự mạnh mẽ, trong khi hiệu suất của quân đội Nga thấp hơn nhiều so với dự kiến. Cuộc chiến đang diễn ra theo hướng có lợi cho Ukraine; Thứ ba, châu Âu cảm thấy sợ hãi và càng tức giận hơn. Sợ hãi là vì chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ đã phá vỡ hoàn toàn cảm giác an toàn của châu Âu. Hơn nữa, phía bên kia chiến tranh là một cường quốc hạt nhân. Còn tức giận là bởi sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga một quốc gia về chính trị, kinh tế xã hội đều thấp kém về mọi mặt so với châu Âu, và luôn mong muốn “vào châu Âu” lại dám phát động chiến tranh? Loại sợ hãi và tức giận này đã hình thành một cảm xúc rất mạnh mẽ, dẫn đến bầu không khí thù địch chưa từng có giữa Mỹ và Châu Âu vào tháng 3 năm ngoái.
Trong tình thế phải đoàn kết cùng chống kẻ địch như vậy, Mỹ đã phát đi tín hiệu rõ ràng muốn đánh bại Nga. Vào ngày 26 tháng 3 năm 2022, Biden đã có một bài phát biểu công khai tại Warsaw- Ba Lan, tuyên bố rằng mục đích của cuộc chiến này là khiến Putin phải từ chức, “ông ấy nhất định phải đi, không thể để ông ta nắm quyền một lần nữa”. Ngày 24/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin cũng có bài phát biểu tương tự ở Ba Lan, thậm chí còn nói rõ mục đích của cuộc chiến này là làm suy yếu nước Nga cho đến khi nước này không thể dùng biện pháp quân sự để đối xử với nước khác như đã làm với Ukraine. Vào thời điểm đó, đối với thái độ của Mỹ, ấn tượng của Châu Âu là Mỹ nhất định sẽ cùng với Châu Âu để đánh bại Nga hoàn toàn.
Nhưng một tháng sau, vào ngày 31 tháng 5, thái độ của Biden quay ngoắt 180 độ và đề xuất bốn lằn ranh đỏ. Một khi bốn lằn ranh đỏ này được tuyên bố, châu Âu hiểu rằng Mỹ không hề muốn giành chiến thắng trong cuộc chiến. Nó không chỉ không tìm cách thay đổi chế độ ở Nga mà còn không cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga. Mỹ và NATO không trực tiếp tham chiến, làm sao người Ukraine có thể chiến thắng Nga trên đất của mình? Lúc đó châu Âu mới bừng tỉnh nhận ra Mỹ đã thay đổi ý định.
Sự thay đổi chính sách của Mỹ có một bối cảnh lớn. Không lâu sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, cộng đồng chiến lược Mỹ đã nổ ra một cuộc tranh luận lớn về chủ đề “Liệu việc NATO mở rộng về phía đông có phải là “sai lầm chiến lược” hay không?”. Cuộc chiến Nga-Ukraine do NATO mở rộng về phía đông có nhất thiết phải đánh bại Nga không?
Trong cuộc tranh luận, một số nhà tư tưởng chiến lược hàng đầu của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, chẳng hạn như Richard Haass, Henry Kissinger, Charles Kupchan, Steve Walt, Andrew Bacevich, Richard Betts, John Mearsheimer v.v.. và Anne-Marie Slough, giám đốc hoạch định chính sách trong những năm cầm quyền của Clinton đã công khai tuyên bố rằng việc NATO mở rộng về phía đông là một “sai lầm chiến lược” vì hai lý do:
Một là lý do chiến thuật. Muốn đánh bại Nga thì phải chấp nhận nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Nga là một cường quốc hạt nhân và sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị dồn vào chân tường. Không có người chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân vì kết thúc chiến tranh cũng là kết thúc của tất cả chúng ta.
Hai là lý do chiến lược. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Mỹ đã vươn lên vị thế của một siêu cường, nhưng điểm yếu địa chính trị lớn nhất của Mỹ là nằm ở Tân Thế giới và Tân Lục địa. Tình hình lúc đó là toàn bộ lục địa Á-Âu từ Liên Xô đến Trung Quốc, rồi đến Ấn Độ đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo hoặc là quốc gia dân tộc chủ nghĩa do cánh tả lãnh đạo, Mỹ không thể kiểm soát được.
Vì vậy, chiến lược mà Mỹ đặt ra lúc đó là kiểm soát chặt chẽ châu Âu, ít nhất là các nước Tây Âu, để đảm bảo Mỹ có chỗ đứng ở lục địa già. Đồng thời, Mỹ thông qua sự hỗ trợ của các lực lượng Châu Âu để đảm bảo sự thống trị thế giới của mình và cũng có thể thúc đẩy các chuỗi đảo châu Á-Thái Bình Dương như Nhật Bản và Hàn Quốc. Để hiện thực hóa “trọng tâm chiến lược ban đầu” thì phải làm cho các quốc gia này luôn cảm thấy mọi lúc rằng họ không thể giải quyết các mối đe dọa an ninh bằng chính sức mạnh quốc gia của mình và phải dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, mối đe dọa đó là Liên Xô và khối Hiệp ước Warsaw do Liên Xô đứng đầu. Sau khi Liên Xô tan rã, hiệp ước Warsaw biến mất. Nếu Nga bị đánh bại hoàn toàn vào thời điểm này, châu Âu sẽ không còn “các mối đe dọa an ninh ngoài tầm kiểm soát”. Đặc biệt là sau Brexit, các vấn đề của lục địa châu Âu đã trở lại tầm kiểm soát của các cường quốc trên đất liền như Đức và Pháp.
Sau Cách mạng Công nghiệp, thay đổi lớn nhất ở châu Âu là Anh, một cường quốc hàng hải, đã thao túng các công việc của lục địa châu Âu. Mục tiêu chiến lược đầu tiên của các cường quốc hàng hải là hình thành liên minh. Chỉ thông qua liên minh, họ mới có thể kiểm soát các quốc gia lục địa. Brexit đã đẩy nhanh việc giải quyết vấn đề này.
Trọng tâm của chiến lược đối ngoại của các cường quốc trên bộ không phải là thành lập một liên minh, mà là ổn định các khu vực xung quanh, đảm bảo vị trí lãnh đạo của mình. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản khiến Đức và Pháp, đặc biệt là Pháp đề xướng quyền tự chủ chiến lược. Do đó, Hoa Kỳ nhận ra rằng nếu Nga bị đánh bại, châu Âu sẽ không chịu sự kiểm soát và tìm kiếm quyền tự chủ chiến lược. Nếu Mỹ khó kiểm soát lục địa châu Âu, thì quyền bá chủ của nó cũng sẽ bị lung lay.
Chính vì Mỹ chưa quên “trọng tâm chiến lược ban đầu” nên Biden đã đơn phương đăng bài báo trên tờ “New York Times” vào ngày 31 tháng 5, vạch ra 4 lằn ranh đỏ và không muốn chiến thắng trong cuộc chiến này. Bước ngoặt nhanh chóng của Mỹ khiến châu Âu nhận ra rằng Mỹ hoàn toàn không muốn chiến thắng trong cuộc chiến này, mà muốn sử dụng cuộc chiến này để làm suy yếu Nga và kiểm soát châu Âu.
Đây là mâu thuẫn cơ bản giữa Châu Âu và Mỹ và giữa các quốc gia thành viên NATO trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Làm thế nào chiến đấu trong cuộc chiến này? Mục đích cuối cùng là gì? Nếu như không muốn, không thể giành chiến thắng. Nên dựa vào phương thức nào để kết thúc? Làm thế nào để kết thúc?
Đây là mâu thuẫn chính tại hội nghị thượng đỉnh NATO, nhìn bề ngoài có thể che giấu, ít nhất là trước khi kết thúc chiến tranh, Ukraine sẽ không được gia nhập NATO. Đây là lập trường nhất trí của cả Châu Âu và Mỹ. Nhưng câu hỏi tiếp theo là nếu Ukraine không gia nhập NATO thì cuộc chiến sẽ diễn ra như thế nào? Nên làm thế nào để kết thúc? Về điểm này, có một mâu thuẫn cơ bản giữa Châu Âu và Mỹ. Kể từ khi Biden đăng bài báo vào ngày 31 tháng 5 năm ngoái, Pháp và Đức ngày càng đòi hỏi quyền tự chủ chiến lược. Chỉ là hiện tại, Đức tức giận nhưng không dám lên tiếng, do áp lực bên ngoài của Hoa Kỳ và sự chia rẽ chính trị nội bộ. Nước Đức phải tuân theo “sự đúng đắn chính trị” để duy trì sự ổn định cơ bản. Ông Macron đã dám lên tiếng, nhưng sau khi ông ấy lên tiếng, bạo loạn đã nổ ra ở Pháp, mà đằng sau không thể tránh khỏi do sự khuấy động của Mỹ.
Về mặt lợi ích cơ bản lâu dài, việc tiếp tục chiến tranh vô thời hạn là không có lợi cho châu Âu. Hội nghị thượng đỉnh NATO này, nhìn bề ngoài là vấn đề gia nhập NATO của Ukraine, nhưng trên thực tế là mâu thuẫn lớn giữa các quốc gia chủ chốt EU và Mỹ về vấn đề Ukraine.
Hiện tại, các nước lớn ở châu Âu phải đối mặt với một số vấn đề. Thứ nhất, họ bị Mỹ trấn áp nên không dám công khai chống lại Mỹ. Đồng thời, các nước lớn của Châu Âu bị các nước Trung và Đông Âu chèn ép như Litva, Ba Lan, Cộng hòa Séc v.v., sẵn sàng đi theo Mỹ, nội bộ châu Âu tồn tại sự chia rẽ. Thứ hai, các nước Trung Âu và Đông Âu không phù hợp với các nước lớn Tây Âu, và có nhiều vấn đề chính trị và kinh tế trong nước họ, đe dọa sự ổn định xã hội của họ. Do đó, châu Âu rơi vào tình thế khó xử. Biểu hiện cụ thể là xung đột giữa Nga -Ukraine có những xúc cảm mạnh mẽ nhưng không có lập trường thống nhất rõ ràng. Có nhiều yêu cầu nhưng không có chính sách thiết thực. Bị tình thế dẫn dắt nên rất khó chịu và lo lắng, nhưng lại không có sự lựa chọn.
MỸ MUỐN ĐÁNH BẠI TRUNG QUỐC BẰNG CÁCH ĐƯA NƯỚC NÀY VÀO MỘT CUỘC CHIẾN TRANH LẠNH MỚI
Đối với định hướng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hội nghị thượng đỉnh đã nâng cấp quan hệ đối tác giữa NATO và Nhật Bản, công bố ban hành văn kiện mới “Chương trình Hợp tác đáp ứng nhu cầu riêng”(ITPP); Tuy nhiên, do sự phản đối của Pháp, thông cáo chung cuối cùng đã loại bỏ tuyên bố liên quan đến việc “thành lập văn phòng liên lạc ở Tokyo”. NATO có ý đồ gì khi lôi kéo các quốc gia trung lập cũ gia nhập khối? Liệu việc mở rộng các xúc tu của mình sang châu Á-Thái Bình Dương có lan rộng mô hình chống Nga và chống Trung Quốc lấy NATO làm trung tâm?
Sử dụng chiến tranh để lôi kéo, buộc các nước trung lập vào quỹ đạo của Mỹ và NATO?
Nên nói rằng đây là phản ứng bất đắc dĩ của các nước châu Âu đối với xung đột giữa Nga và Ukraine. Trong Chiến tranh Lạnh và sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ luôn muốn đưa Phần Lan, Thụy Điển và các nước khác vào NATO, nhưng các nước này luôn không muốn. Vì sao khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra ý đồ “chiến lược” này mới thành công? Trên thực tế, đây là phản ứng bất đắc dĩ của Phần Lan và Thụy Điển đối với cục diện này.
Cuộc chiến Nga-Ukraine đã khiến Phần Lan và Thụy Điển cảm thấy mối đe dọa thực sự. Cả Phần Lan và Thụy Điển đều có vị trí địa lý gần với Nga và từng bị Liên Xô cũ tấn công trong lịch sử. Nếu Nga kiểm soát Ukraine như cái gọi là vùng đệm chiến lược, áp lực an ninh của họ sẽ tăng lên đáng kể. Dưới áp lực an ninh như vậy, Phần Lan và Thụy Điển đã xin gia nhập NATO để tự bảo vệ mình.
Tuy nhiên, sau khi các quốc gia này gia nhập NATO, một loạt vấn đề chính trị đã được khơi mào. Đầu tiên là sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên quan trọng của NATO, nước này đề xuất nếu Thụy Điển và Phần Lan muốn gia nhập NATO thì phải từ bỏ sự ủng hộ dành cho người Kurd. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, yêu cầu của người Kurd về một quốc gia độc lập là mối quan tâm lớn của họ. Các nước phương Tây đã luôn sử dụng vấn đề người Kurd để công kích Thổ Nhĩ Kỳ “chà đạp” nhân quyền, chèn ép Thổ Nhĩ Kỳ. Sự cản trở của Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc Phần Lan và Thụy Điển phải từ bỏ sự ủng hộ đối với người Kurd. Nhân tiện đề cập điều này đã phơi bày đầy đủ cái gọi là nhân quyền, thực sự cũng là một công cụ trong chính trị quốc tế phương Tây.
Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, còn có một số quốc gia bề ngoài không thể hiện thái độ, thực ra cũng không mấy thiện chí kết nạp thành viên mới. Ví dụ, Na Uy vừa là thành viên của Hội đồng Bắc Cực vừa là một quốc gia NATO. Phần Lan và Thụy Điển cũng là thành viên hội đồng, và một khi gia nhập NATO, ảnh hưởng của Na Uy trong Hội đồng Bắc Cực sẽ suy giảm. Ngoài ra, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan đều là hậu duệ của người Viking và mối quan hệ giữa họ cũng rất phức tạp.
Thứ ba, biến đổi khí hậu và môi trường có liên quan đến sự an toàn của cả nhân loại, và Bắc Cực là một trong những khu vực trọng điểm ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu. Sau khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, cuộc đối đầu giữa NATO và Nga chắc chắn sẽ chính trị hóa các vấn đề ở Bắc Cực, từ đó sẽ gây tổn hại cho sự nghiệp bảo vệ môi trường của Bắc Cực và đe dọa an ninh môi trường của toàn nhân loại.
Cuối cùng là còn một số các quốc gia khác, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan. Do Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, một mặt làm suy giảm ảnh hưởng và giá trị của họ trong NATO, mặt khác lợi ích của việc có các quốc gia trung lập xung quanh họ cũng không còn. Vì vậy, về vấn đề Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, nhìn bề ngoài thì có vẻ không có vấn đề gì, nhưng trên thực tế lại tồn tại mâu thuẫn và phức tạp. Đương nhiên, phản đối lớn nhất đến từ Nga. Khi các nước này gia nhập NATO, cả châu Âu được liên kết với nhau về an ninh, điều này khiến Nga càng bị cô lập, làm trầm trọng thêm sự bất an. Vì vậy, Nga luôn nói rằng họ sẽ trả đũa. Cho dù nước Nga suy yếu và bị cô lập đến đâu thì vẫn là một cường quốc hạt nhân. Nga không an phận, luôn muốn “chiến” đến cùng, liệu NATO có giữ được hòa bình không?
Việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO nhìn bề ngoài có vẻ loại bỏ các mối đe dọa an ninh, nhưng sau khi gia nhập chính thức, liệu có thực sự an toàn? Và toàn bộ châu Âu liệu có an toàn hơn? Có hậu quả nào nghiêm trọng hơn không? Cá nhân tác giả cho rằng khi bất cứ điều gì đi đến cực đoan, nó chắc chắn sẽ đi ngược lại.
Hơn nữa Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO cũng có vẻ là một thắng lợi của NATO. Hai nước này có thể được đảm bảo an ninh nhưng về lâu dài chưa chắc đã là điều tốt, bởi nó sẽ càng làm trầm trọng thêm sự chia rẽ chính trị và kinh tế giữa Nga và châu Âu. Sự chia rẽ như vậy không tốt cho châu Âu. Châu Âu dù hùng mạnh và giàu có đến đâu cũng không thể nuốt chửng Nga. Dù Nga có suy yếu và lạc hậu đến đâu thì cuối cùng vẫn nắm giữ vũ khí hạt nhân. Hình thức cực đoan này rõ ràng không phải là kết quả mà mọi người muốn thấy.
Về khả năng mở rộng NATO sang châu Á – Thái Bình Dương
Khả năng NATO mở rộng sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương dường như là một sự cường điệu và rất khó thực hiện. Có một số lý do dưới đây:
Thứ nhất, các nước lớn ở châu Âu nhận thức rất rõ ràng rằng việc NATO gia nhập châu Á-Thái Bình Dương thực chất là phục vụ lợi ích của Mỹ để áp chế Trung Quốc, điều này không có lợi cho châu Âu. Bản thân EU vẫn đang sa lầy trong vũng lầy Ukraine, nếu tham gia chèn ép Trung Quốc thì chỉ có thể đẩy Trung Quốc về phía Nga, điều này không có lợi cho các nước châu Âu. Cả Scholz và Macron đều công khai tuân thủ nguyên tắc “hai không” trong chính sách đối với Trung Quốc: không đối đầu với Trung Quốc và không “tách rời” khỏi Trung Quốc. Các thành viên châu Âu lớn khác của của NATO như Tây Ban Nha, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không ủng hộ việc NATO gia nhập châu Á-Thái Bình Dương. Trong thông cáo của Hội nghị Thượng đỉnh NATO đã loại bỏ “đề xuất” NATO đặt văn phòng tại Nhật Bản, đây là kết quả của sự phản đối của các nước thành viên chủ chốt này.
Thứ hai, trước việc Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… tham gia “NATO+n”, các nước châu Âu đương nhiên sẽ yêu cầu các nước này cũng phải hỗ trợ Ukraine với NATO, chống chiến tranh Nga-Ukraine. Nói cách khác, nếu bạn muốn nhận được, trước tiên bạn phải cho đi. Ở đây xuất hiện sự mâu thuẫn, chẳng hạn Hàn Quốc ban đầu tuyên bố cung cấp cho Ukraine 500.000 quả đạn pháo, nhưng nhà lãnh đạo Nga tỏ rõ sự không hài lòng với Hàn Quốc và đe dọa cung cấp vũ khí cho Triều Tiên. Hàn Quốc không dám trực tiếp cung cấp vũ khí, mà là cho Mỹ 500.000 quả đạn pháo, sau đó Mỹ cung cấp cho Ukraine để trốn tránh trách nhiệm.
Và thái độ của Nhật Bản cũng không tích cực trong các vấn đề như chiến tranh Ukraine và lệnh trừng phạt chống Nga. Xét cho cùng, dưới sự ép buộc của Hoa Kỳ, Nhật Bản đã phải đối mặt với môi trường an ninh tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, tức là nước này đồng thời là kẻ thù của Trung Quốc và Nga. Trung Quốc và Nga đều là cường quốc hạt nhân cách Nhật Bản một dải nước, nếu đồng thời là kẻ địch của Trung Quốc và Nga thì Nhật Bản sẽ có kết cục tồi tệ.
Về cơ bản, lập trường của Nhật Bản là muốn được bảo vệ nhưng không muốn đóng góp, sợ Nga trả đũa và muốn lôi kéo NATO vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương để đứng về phía Nhật Bản, điều này sẽ không được hoan nghênh. Các nước NATO như Pháp, Đức cũng biết vấn đề này rất quan trọng, nếu NATO tiến vào châu Á-Thái Bình Dương, phản ứng của Trung Quốc sẽ rất kịch liệt. Đối mặt với Nga, NATO đã căng sẵn rồi, nếu hùa theo Mỹ để chèn ép Trung Quốc thì chỉ bị kiềm chế và bị động hơn mà thôi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân căn bản khiến các thành viên chủ chốt của NATO phản đối việc NATO gia nhập châu Á-Thái Bình Dương.
Ngoài ra việc chính phủ của ông Yoon Suk-yeol gia nhập trung tâm nghiên cứu tình báo trực thuộc NATO vốn dĩ là do Mỹ và Nhật Bản chia sẻ tình báo, trong khi Hàn Quốc bị loại trừ, cộng thêm địa vị thấp nhất trong mối quan hệ giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Cho nên hy vọng được gia nhập tổ chức trực thuộc NATO và hợp tác với NATO sẽ nâng cao vị thế quốc tế của chính mình đồng thời nhận được nhiều tài nguyên tình báo hơn. Nhưng tác giả cho rằng Yoon Suk-yeol đã thiển cận khi làm như vậy và sẽ phải trả giá về sau.
Thứ ba, ở châu Á – Thái Bình Dương có một tổ chức quốc tế rất quan trọng: ASEAN, bao gồm 10 quốc gia ở Đông Nam Á. ASEAN rõ ràng phản đối đối đầu ở châu Á-Thái Bình Dương và từ chối chọn bên trong “cuộc cạnh tranh” giữa Trung Quốc và Mỹ. Nếu NATO muốn theo chân Mỹ vào châu Á-Thái Bình Dương và chèn ép Trung Quốc thì rõ ràng điều đó không có lợi cho ASEAN. ASEAN đã bảo lưu ý kiến về Thỏa thuận AUKUS. Nếu NATO đề xuất gia nhập châu Á-Thái Bình Dương, ASEAN sẽ cảm thấy từng bước bị siết chặt hơn nữa.
Cuối cùng, ngay cả Ấn Độ, gần đây dường như đang gây hấn với Mỹ cũng có một thái độ rất tinh tế. Khi Modi theo đuổi chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ để tăng cường sự gắn kết của nhà nước Ấn Độ, đồng thời củng cố quyền lực của chính mình làm cho quan hệ giữa Ấn Độ và toàn bộ “vành đai Hồi giáo” từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Ả Rập Xê Út trở nên căng thẳng. Và nó đã trở thành nguồn đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia Ấn Độ. Đây cũng là lý do cơ bản khiến Modi kiên quyết không tham gia các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, duy trì chính sách “không phải là kẻ địch của Trung Quốc”, tích cực tham gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Xét cho cùng, kể từ khi rút quân khỏi Afghanistan, ảnh hưởng của Mỹ ở “Vành đai Hồi giáo” đã giảm sút. Nếu NATO tiến vào châu Á-Thái Bình Dương, chắc chắn sẽ làm cho mối quan hệ giữa Ấn Độ với Trung Quốc và Nga, cũng như các nước ở Trung Á và Trung Đông trở nên phức tạp hơn, thậm chí xấu đi, và con bài chiến lược của chính Ấn Độ đối với Mỹ và châu Âu. cũng sẽ giảm đáng kể do NATO gia nhập khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đó là lý do tại sao khi Modi đến thăm Hoa Kỳ, ông đã từ chối rõ ràng đề xuất của chính quyền Biden về việc tham gia vào “NATO+1 (Ấn Độ)”.
Tóm lại, từ góc độ ba cấp độ chiến lược lớn, thứ nhất, Châu Âu tự xét mình.Trong nội bộ NATO đang tồn tại những khác biệt rất lớn và nhiều quốc gia thành viên không sẵn sàng gia nhập khu vực châu Á-Thái Bình Dương; thứ hai, sức mạnh và ảnh hưởng quốc gia của Trung Quốc không ngừng được gia tăng. Trung Quốc có khả năng phản công mạnh, sẽ làm phức tạp hóa tình hình, gây bất lợi cho các nước châu Âu; thứ ba, Sự cân bằng chiến lược khu vực xung quanh. Ngoại trừ Trung Quốc, các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chẳng hạn như các nước ASEAN và Ấn Độ, đều không muốn thấy NATO tham gia vào châu Á-Thái Bình Dương. Vì vậy, chuyến đi của NATO đến châu Á-Thái Bình Dương chỉ là phô trương thanh thế, nhằm gây sức ép với Trung Quốc. Điều đó sẽ không thành công. Trung Quốc nên duy trì sự ổn định, đừng để mọi người bị lừa dối và nghĩ rằng đây là sự thật. nhưng thật ra nó khác xa với thực tế.
Liệu có thể hy vọng thoát khỏi cái gọi là mô hình “Chiến tranh Lạnh mới”?
Trước hết, cần nói những đặc điểm quan trọng của Chiến tranh Lạnh. Thứ nhất, Mỹ và Liên Xô hoàn toàn đối đầu về chính trị và tư tưởng, một bên muốn theo đuổi chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tự do, bên kia muốn theo đuổi chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, trắng đen rõ ràng, đối đầu nhau hoàn toàn. Thứ hai, về mặt quân sự, Hoa Kỳ và Liên Xô đã đối đầu quy mô lớn, một bên là Tổ chức Hiệp ước Warsaw, một bên là NATO. Thứ ba, hai bên đã cắt đứt hoàn toàn quan hệ kinh tế, độc lập với nhau, dưới sự dẫn dắt của các hệ tư tưởng hoàn toàn khác nhau, đã tạo ra hai hệ thống kinh tế khác biệt. Với cục diện như vậy đã tạo điều kiện cho Hoa Kỳ và các đồng minh của mình kết hợp các lực lượng chính trị, quân sự và kinh tế để “kiềm chế” Liên Xô.
Trên thực tế, chiến thắng của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Lạnh không phải là chiến thắng quân sự. Bởi vì cho đến nay, Nga vẫn là cường quốc hạt nhân quân sự và vẫn đang đối đầu với Mỹ, nếu không thì cuộc xung đột Nga-Ukraine đã không xảy ra. Nó cũng không phải là một chiến thắng chính trị, bởi vì chủ nghĩa tư bản tự do cũng không thống nhất thế giới. Nếu không thì hệ thống xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc sẽ khó tồn tại đến ngày nay. Chiến thắng của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Lạnh là về kinh tế. Nguyên nhân lớn nhất là Liên Xô kiên định với nền kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa và làm mình ngày càng nhỏ lại. Trong khi Hoa Kỳ kiên định với nền kinh tế thị trường tự do và phát triển mình ngày càng lớn hơn. Cuối cùng đã đè bẹp Liên Xô về mặt kinh tế.
Ngày nay, nếu sử dụng cách diễn đạt mô hình “Chiến tranh Lạnh mới”, sẽ bị Mỹ dẫn dắt và rơi vào khuôn khổ chiến lược do Mỹ đặt ra. Mỹ hy vọng đưa cuộc “cạnh tranh” với Trung Quốc vào khuôn khổ “Chiến tranh Lạnh”, bởi đây là kinh nghiệm thành công duy nhất của Mỹ trong trò chơi quyền lực giữa các cường quốc sau thế chiến II. Tương tự, Mỹ khó áp đảo Trung Quốc về chính trị và quân sự nên muốn áp đảo Trung Quốc về kinh tế, giống như đã từng áp đảo Liên Xô trước đây. Bất luận là “tách rời” hay “giảm thiểu rủi ro”, về bản chất là muốn loại trừ nền kinh tế Trung Quốc khỏi nền kinh tế thế giới, hoặc ít nhất là nền kinh tế của các nước phát triển. Rõ ràng, trừ khi Trung Quốc “hợp tác”, nếu không Mỹ chỉ có thể là mơ tưởng và không thể đạt được mục tiêu này.
Trung Quốc đã tránh đối đầu một cách rõ ràng với Mỹ về ý thức hệ và chính trị. Mỹ đề xuất các giá trị tự do dân chủ, giá trị “phổ quát”, trong khi Trung Quốc chú trọng vào lợi ích chung, ủng hộ một cộng đồng có các giá trị chung của nhân loại bao gồm dân chủ, hòa bình, tự do, công bằng và hạ thấp xung đột ý thức hệ với Hoa Kỳ. Trung Quốc kiên định con đường của riêng mình, kiên định chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc, nhưng không ép buộc các nước khác đi theo con đường của mình, cũng không xuất khẩu hệ tư tưởng và chế độ chính trị của mình.
Trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc và Mỹ giờ đây hoàn toàn ở trong tình trạng “trong bạn có tôi, trong tôi có bạn”. Cho dù đó là chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng hay “móc xích”, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế không được quyết định bởi các chính sách, càng không nói đến chiến lược. Mà được quyết định bởi nền kinh tế thị trường. Sức mạnh của nền kinh tế thị trường theo đuổi ba mục tiêu vĩnh cửu: thứ nhất là theo đuổi phân bổ nguồn lực tối ưu, thứ hai là theo đuổi hiệu quả cao nhất của năng suất và thứ ba là theo đuổi lợi nhuận tối đa. Toàn cầu hóa kinh tế thực chất là kết quả của nền kinh tế thị trường theo đuổi ba mục tiêu trên. Chừng nào chúng ta còn tham gia vào nền kinh tế thị trường, thì việc “tách rời” không thể đạt được. Dưới tác động của kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế thế giới là xu thế chung, và Mỹ nếu muốn “tách rời” sẽ chỉ gây ra những tổn thất thảm khốc cho mình. Đối với các nước phát triển phương Tây, nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa là nền tảng của một quốc gia. Chỉ cần nền kinh tế thị trường luôn được thực hiện, thì năm đó sẽ không bao giờ có chuyện Mỹ và Liên Xô không bao giờ trao đổi kinh tế với nhau, giữ trạng thái độc lập riêng.
Do đó, hiện tượng mang tính biểu tượng lớn nhất của Chiến tranh Lạnh năm đó là đối đầu về ý thức hệ và chính trị, đối đầu quân sự. Về mặt kinh tế hoàn toàn “tách rời” độc lập lẫn nhau, không tồn tại trong “cạnh tranh” Trung-Mỹ ngày nay. Vậy “Chiến tranh Lạnh mới” bắt nguồn từ đâu?
Trên cơ sở đó, tuyên bố bước vào một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới” không những không hợp lý mà còn được Mỹ đưa vào tiết tấu có nhịp điệu. Nếu đi theo tiết tấu và con đường do Mỹ đặt ra, đưa quan hệ Trung-Mỹ vào tình trạng “Chiến tranh Lạnh”. Tức cái gọi là “Chiến tranh Lạnh mới”, Mỹ có thể giống như năm đó, đem các lực lượng chính trị, quân sự và sức mạnh kinh tế của riêng mình làm thành một sợi dây thừng, đoàn kết để chèn ép Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc nhìn rất rõ điều này, Trung Quốc phản đối “tách rời”, thúc đẩy phát triển toàn cầu hóa, thúc đẩy xây dựng cộng đồng nhân loại cùng chung vận mệnh, thúc đẩy xây dựng sáng kiến “Vành đai và Con đường”, v.v. Tất cả đều nhằm liên kết nền kinh tế thế giới xích lại gần nhau hơn. Bằng cách này, rất khó để Mỹ tích hợp các lực lượng chính trị, quân sự và kinh tế để gây áp lực lên Trung Quốc. Trong chuyến thăm Trung Quốc của bà Yellen, bà cũng tuyên bố rằng việc “tách rời” sẽ là một thảm họa. Xét cho cùng, trong toàn cầu hóa kinh tế thế giới ngày nay, nếu muốn duy trì sự ổn định tài chính toàn cầu, Mỹ phải hợp tác với Trung Quốc.
Do đó, tác giả không cho rằng Trung Quốc và Mỹ đã bước vào một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”, và không tồn tại “Chiến tranh Lạnh mới”. Cách nói này bản thân nó đã không được xác lập cho dù Mỹ giữ tư duy Chiến tranh Lạnh. Trung Quốc sẽ không chấp nhận sự “cạnh tranh” do Hoa Kỳ khiêu khích, càng không bị buộc phải theo tiết tấu của Hoa Kỳ và bước vào khuôn khổ chiến lược “Chiến tranh Lạnh mới” của họ đặt ra./.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược.
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]