Trong cuộc đọ sức với Israel, Iran không theo đuổi những cuộc đối đầu trực diện và quy mô theo kiểu chính quy – trong bối cảnh Nhà nước Do Thái được Mỹ và phương Tây chống lưng, mà là một chiến lược tiêu hao một cách kiên trì và bài bản, còn được gọi là “luộc ếch từ từ”.
Sau vụ không kích đầy khiêu khích của Israel vào tòa nhà lãnh sự tại Đại sứ quan Iran tại Damascus, thủ đô Syria hồi đầu tháng 4/2024, khiến 7 người thiệt mạng, trong đó có 2 sĩ quan cấp cao của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Tehran đã tung ra đòn đáp trả khi lần đầu tiên tấn công Israel trực tiếp từ lãnh thổ của mình với gần 300 tên lửa, đạn pháo và thiết bị bay không người lái được ghi nhận. Cho dù quy mô của đòn đánh này khá rộng lớn nhưng với việc thông báo trước 72h và ngay lập tức tuyên bố sẽ không tiến hành thêm các biện pháp leo thang bất chấp hiệu quả của đợt tấn công này là không cao (chỉ khiến 1 người bị thương và tác động không đáng kể tới các cơ sở hạ tầng thiết yếu – theo tuyên bố chính thức của Israel và truyền thông phương Tây), câu trả lời của Iran vẫn được đánh giá là khá chừng mực và có kiểm soát.
Nhưng sẽ là sai lầm nếu coi thái độ này là sự yếu đuối của Iran, vì trong cuộc đọ sức với Israel, Iran không theo đuổi những cuộc đối đầu trực diện và quy mô theo kiểu chính quy – trong bối cảnh Nhà nước Do Thái được Mỹ và phương Tây chống lưng, mà là một chiến lược tiêu hao một cách kiên trì và bài bản, còn được gọi là “luộc ếch từ từ”. Trên thực tế cho dù ít tuyên bố hay tung ra những đòn công kích có tiếng vang, Tehran vẫn luôn duy trì một sức ép đều đặn lên Tel Aviv theo phương pháp riêng, chuẩn bị kỹ càng tình thế có thể dẫn tới sự sụp đổ của Israel. Hiệu quả của chiến lược này chính là việc Tel Aviv đã phải tung ra đòn tấn công rất nghiêm trọng xét về mặt luật pháp quốc tế (và do vậy tới nay họ vẫn chưa chính thức nhận trách nhiệm) vào tòa nhà lãnh sự của Đại sứ quán Iran tại Syria, rất có thể với mục đích tạo ra một “bước ngoặt” trong cuộc đối đầu giữa 2 cường quốc thù địch trong khu vực.
Một trong những chiến lược được ưa chuộng và hiệu quả nhất trong chiến tranh bất đối xứng thường được khái quát qua câu chuyện ngụ ngôn quen thuộc về “hiệu ứng luộc ếch”: “nếu đặt một chú ếch vào một cái nồi nông đáy và đun nóng thật chậm trong lò, nó thậm chí còn không nhẩy ngay cả khi nước nóng dần tới nhiệt độ sôi và luộc chín ếch. Quá trình thay đổi nhiệt độ từ từ tới mức chú ếch không ý thức được là mình đang bị luộc tới khi mọi chuyện đã quá muộn”.
Cho dù đây chỉ là một câu chuyện ngụ ngôn, nhưng nó truyền tải một bài học có ý nghĩa và hình ảnh đặc tả vẫn thường được các nhà quân sự và địa chính trị sử dụng để mô tả một “tiến trình dài” nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược.
Ngày nay, Iran và các đồng minh của họ đang sử dụng phương pháp này nhằm đốt nóng, từng bước một, lò lửa Tây Á cho tới khi có thể luộc chín 2 “chú ếch” Mỹ và Israel. Chiến lược đòi hỏi kỷ luật cao và tinh thần kiên nhẫn tới kỳ lạ này chính là phản đề cho mô hình tập trung sức mạnh áp đảo trong ngắn hạn của phương Tây, rất có thể sẽ mang lại chiến thắng cuối cùng cho Iran. Ở đây có thể tìm thấy sự tương đồng với phương châm mà Taliban đã sử dụng: “người Mỹ có đồng hồ, nhưng chúng ta lại có thời gian”.
Về mặt khách quan, rõ ràng thời gian đang đứng về phía Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo và các đồng minh khu vực của họ. Hai ví dụ có liên quan tới nhau dưới đây sẽ cho thấy cách thức IRGC đang “đun dần” nhiệt độ môi trường chính trị khu vực với tính toán như của các nhà khoa học trong phòng thí nghiệm ra sao:
“Chú ếch Mỹ”
Sau khi Hamas (Phong trào Kháng chiến Hồi giáo Palestine) tung ra chiến dịch “bão táp Al-Aqsa” ngày 7/10/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh điều động nhiều tầu hải quân tới Vịnh Persic và Địa Trung Hải để “bảo vệ Israel”.
Ngày 26/11, tầu sân bay USS Eisenhower và thê đội hộ tống đã đi qua eo biển Hormuz và thả neo trong Vịnh Persic bên phía bờ biển Saudi Arabia. Các lực lượng hải quân của nhóm Ansarallah và đồng minh (phong trào nhân dân Yemen, còn thường được gọi là nhóm Houthi theo tên nhà lãnh đạo đã hi sinh của phong trào này), hiện đang kiểm soát một phần rộng lớn lãnh thổ Yemen, ban đầu tấn công vào các tầu của Israel và hải cảng Eilat của nước này với khẩu hiệu đoàn kết với nhân dân Palestine, mà cụ thể hơn là Hamas, với đòn khai hỏa lần đầu được ghi nhận vào ngày 19/10/2023. Cho tới ngày 29/11/2023, Houthi đã gia tăng các đòn tấn công này và đưa vào diện mục tiêu tất cả các tầu đến và rời Eilat, không kể tầu đó mang cờ hay thuộc sở hữu nước nào.
Chuỗi tấn công này đạt đỉnh điểm với tuyên bố ngày 18/12/2024 của Lầu Năm Góc về chiến dịch “Hộ vệ sự thịnh vượng”, với mục tiêu sử dụng nhân lực quân đội Mỹ để bảo vệ lợi ích kinh tế của Israel. Sau đó, tầu sân bay Eisenhower và các tầu hộ vệ đã dịch chuyển từ Vùng Vịnh sang Biển Đỏ và Vịnh Aden, vẫn dưới danh nghĩa bảo vệ nhà nước chiếm đóng Do Thái.
Tuy nhiên, chính việc triển khai các lực lượng hải quân Mỹ tại Biển Đỏ và Vịnh Aden đã khiến chúng bị đặt vào nguy cơ dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công tiềm tàng của Iran hoặc các vũ khí mà Iran cung cấp cho các đồng minh, bao gồm tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái.
Bất chấp những nỗ lực của cả hải quân và không quân Mỹ (USN và USAF), lực lượng Ansarallah vẫn không bị đánh bại. Những cuộc không kích của Mỹ và đồng minh vào Yemen vẫn chưa mang lại hiệu quả mà họ mong muốn, trong khi cường độ và phạm vi của các chiến dịch của lực lượng Yemen ngày càng lan rộng, làm cạn kiệt dần cả khí tài lẫn tinh thần lực lượng viễn chinh Mỹ.
Khác với những gì thường được thấy ở Hollywood, các tầu chiến của Hải quân Mỹ không có kho tên lửa đánh chặn vô tận và thậm chí không thể tự tái nạp đạn trên biển. Còn về vấn đề của binh lính Mỹ, về lâu dài chắc chắn sẽ có sự suy sụp khi mà nhiều người, nếu không muốn nói đa phần quân nhân của lực lưởng hải quân và lính thủy đánh bộ, ngay từ ban đầu đã không mấy quan tâm tới việc chiến đấu cho Israel.
Chỉ mới tháng 3 vừa qua, đại úy hải quân Chris Hill, chỉ huy tầu sân bay USS Eisenhower, đã thẳng thừng tuyên bố: “mọi người cần được nghỉ ngơi, cần được về nhà”. Nhưng cho dù những người lính hải quân, lính thủy đánh bộ và phi công Mỹ này vẫn phải căng mắt và căng sức mỗi ngày để tránh những drone tự sát và tên lửa của Ansarallah với cường độ hàng ngày, thì “chú ếch Mỹ” dường như vẫn cho rằng mình đang thoải mái bơi lặn trong bể jacuzzi tại nhà, với niềm tin rằng sức mạnh vượt trội của hải quân Mỹ rồi cũng sẽ dẹp tan những kẻ quấy rối khó chịu Houthi.
Có thể nói đây là một biện pháp được tính toán kỹ và có sự trợ giúp từ Iran này đã đạt được 2 mục đích: đầu tiên là kéo một nhóm tầu chiến bao gồm cả tầu sân bay ra khỏi Vùng Vịnh và thứ hai, kéo Mỹ ngày càng sâu vào một cái bẫy lớn hơn. Giờ đây “chú ếch Mỹ” đang kẹt tại điểm nóng của Biển Đỏ – Vịnh Aden. Họ sẽ không thể thắng tại đây: hoặc sẽ phải “nhẩy khỏi nồi”, nói cách khác là muối mặt tháo chạy khỏi đây cũng nhưng từng phải rút quân một cách đáng hổ thẹn tại Afghanistan vào năm 2021; hoặc họ ở lại và bị “luộc chín”, nói cách khác là sa lầy và liên tục “chẩy máu” với các thiệt hại về sinh mạng và khí tài.
Trong cả 2 trường hợp này, Iran đều là người thắng cuộc. Liên quan tới khả năng này, một chiến thắng của Iran chắc chắn sẽ được Trung Quốc, Nga và hàng chục nhà nước địch thủ với Mỹ, đặc biệt là tại thế giới đang phát triển, chào đón. Như một người thông thái mang biệt danh Armchair Warrior từng khẳng định trên tài khoản Twitter/X “Iran đã chứng minh, bằng hành động của mình, một quyền kiểm soát linh hoạt đối với các hoạt động của Mỹ”; hay diễn giải một cách khác là “nếu mỗi hành động quân sự mà bạn khởi xướng bạn sẽ nhận lại một phản ứng tương xứng, như vậy bạn có thể kiểm soát được tính chất, địa điểm và nhịp điệu của cuộc xung đột theo cách có lợi cho mình”. Đây rõ ràng là chiến lược mà IRGC đang triển khai một cách thông minh.
“Chú ếch Israel”
Trong khi đó, “chú nhái bén” Israel thậm chí ngay trong một nồi nước đã luôn nóng sẵn, vẫn còn mơ về một “Israel mới”: một quốc gia mới thuần nhất hơn sẽ được tạo ra một khi họ hoàn tất cuộc thanh lọc sắc tộc hiện tại ở Gaza. Họ muốn phát triển nơi từng là mảnh đất cuối cùng mà người Palestine kiểm soát này với những dịnh thự xa hoa dọc theo bãi biển và xen lẫn với những khu định cư mới của người Do Thái – hình thức lấn chiếm đất và trấn áp rất hiệu quả tại Bờ Tây.
Thậm chí các kiến trúc sư của họ có thể đã đang thực hiện các bản vẽ thiết kế. Jared Kushner, chàng rể của cựu tổng thống Mỹ và đương kim ứng cử viên của Đảng Cộng hòa Donald Trump, một người ủng hộ Netanyahu và hưởng lợi từ chính đảng Likud, có thể còn đã chọn địa điểm để thưởng ngoạn tầm nhìn đẹp ra biển từ Gaza.
Tuy nhiên, tới nay quân đội Israel vẫn chưa đánh bại được Hamas – lực lượng đang chiến đấu theo chiến thuật du kích và bất chấp chênh lệch lớn về hỏa lực, vẫn đang gây ra tổn thất đáng kể cho bộ máy quân sự của Israel. Theo ước tính của một số nhà quan sát, Hamas tới nay mới tổn thất khoảng từ 15-20% binh lực sau hơn 5 tháng hứng chịu những đòn tấn công sấm sét từ đủ loại binh chủng Israel. Mặt khác, quân đội chiếm đóng Israel phụ thuộc hoàn toàn và Mỹ và các nước đồng minh châu Âu về khí tài, khi mà năng lực sản xuất trong nước của họ vẫn là hạn chế.
Một con số đáng ngại khác với Israel là tới nay đã có khoảng 500.000 người định cư Do Thái gốc ngoại quốc đã hồi hương, và phần lớn trong số họ được cho là sẽ không trở lại Israel (đúng hơn là lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng). Kể từ ngày 7/10/2023, nghĩa vụ quân sự bắt buộc tại Israel đã không còn đơn giản là “một loại nghĩa vụ an toàn nhưng phiền phức kéo dài 3 năm” mà đã thực sự tiềm ẩn nguy cơ mất mạng, và dĩ nhiên các ông bố bà mẹ Do Thái phải lo lắng cho số mệnh của con cái họ.
Một làn sóng bất tuân nghĩa vụ quân sự đã âm ỉ tại Israel kể từ khi nước này tiến hành xâm lược Liban năm 1982 và giờ đây đang bùng phát trở lại. Nhiều tân binh không chịu tuân lệnh thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm và bị bỏ tù; quy chế miễn nghĩa vụ quân sự cho các gia đình Do Thái giáo dòng siêu chính thống (Haredi) cũng đã hết hạn từ ngày 1/4, và trước việc không còn được biệt đãi chính những người thường mang quan điểm diều hâu nhất này đang đe dọa rời bỏ Israel – đất nước mà sự tồn vong của nó phụ thuộc vào những dòng người Do Thái di cư từ nhiều nước khác về định cư.
Nếu đại diện của nhóm Do Thái giáo dòng siêu chính thống rời bỏ liên minh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, động thái này có thể dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ cực hữu hiện tại. Những căng thẳng nội bộ bên trong xã hội Israel đang ngày càng gia tăng dưới áp lực kinh tế – xã hội và cảm giác thất vọng vì cách thức tiến hành cuộc chiến của Chính phủ.
Nền kinh tế Israel đang lao dốc, đồng shequel liên tục mất giá trước đồng USD, thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ công tăng vọt. Ngày 9/2 vừa qua, hãng xếp hạng Moody’s của Mỹ đã hạ bậc khả tín của nền kinh tế Israel từ A1 xuống A2.
Ngành du lịch Israel đã lâm vào khủng hoảng. Đa phần các hãng hàng không đã ngừng các tuyến bay tới quốc gia Trung Đông này. Các ngành chế tạo và nông nghiệp không ghi nhận bước tăng trưởng nào đáng kể. Khả năng tiếp cận các nguồn cung tài nguyên thiên nhiên và năng lượng của Israel khá hạn chế, khi phụ thuộc vào các tuyến đường bộ qua Jordan và Ai Cập, nguồn dầu mỏ và khí đốt từ Azerbaijan đi qua Thổ Nhĩ Kỳ trước khi cập cảng Haifa.
Về mặt kinh tế, Iran đang làm chính xác những gì Israel đã làm với quốc gia Hồi giao này thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế. Nhưng khác với Israel, Iran có nguồn cung dầu mỏ và khí đốt dồi dào, có hạ tầng nông nghiệp và chế tạo khá vững chắc, và đặc biệt tuyệt đại đa số trong số 85 triệu người dân, với trình độ giáo dục khá cao, của họ không hề có ý định bỏ chạy ra nước ngoài trong những hoàn cảnh khó khăn.
Như vậy, Tehran đang bao vây một cách rất có phương pháp nền kinh tế Israel. Cảng biển Haifa nằm trong số các mục tiêu của Hezbollah (Phong trào kháng chiến Hồi giáo Liban). Nếu Haifa và Eilat bị phong tỏa cùng lúc, Israel chỉ còn có thể dựa vào các tuyến đường bộ để cung ứng lương thực và năng lượng. Tương tự, sân bay quốc tế Ben Gurion và các sân bay khác của Israel có thể trở thành mục tiêu tấn công bất kỳ lúc nào trong tương lai.
Liệu cuộc chơi có thay đổi nhịp độ?
Cuộc không kích của Israel ngày 1/4 vào cơ sở ngoại giao của Iran tại Damascus, được cho là để đáp trả một cuộc tấn công bằng drone từ Irak vào cảng Eilat, rất có thể phản ánh suy luận u ám và nỗi thất vọng của Netanyahu, rằng “cả thế giới đồng lõa chống lại chúng ta”.
Bên cạnh lý do muốn tái tập hợp lực lượng trong nước khi những căng thẳng trong nội bộ Israel như trước cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas đã quay trở lại sau hơn 5 tháng “nghiền nát” Gaza; về mặt đối ngoại, chiến lược của vị Thủ tướng cực hữu của Israel có thể hướng tới việc kích động Iran gấp rút leo thang căng thẳng và tiến hành trả đũa, ví dụ như tấn công vào các cơ sở quân sự của Mỹ trong khu vực, và qua đó lôi kéo “chú Sam” vào tâm vòng xoáy của cuộc chiến Gaza.
Nhưng cho dù Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran đã tung ra đòn đáp trả, vẫn chưa ai có thể chắc chắn liệu Tehran có “cắn câu” hay không. Trước hết, Iran đã bình tĩnh chờ đợi tới hết tháng lễ Ramadan mới tiến hành đáp trả (rõ ràng để duy trì vị thế và uy tín với các lực lượng đồng minh trong “trục kháng chiến” tại Trung Đông, Iran không thể không đáp trả) và tiến hành nó theo một cách mà chính các chuyên gia phương Tây cũng phải thừa nhận là có chừng mực và tính toán kỹ lưỡng.
Rất có thể về lâu về dài, Iran lại quay về với phương thức củng cố vòng kiềm tỏa kinh tế của mình với Israel, hoặc tiến hành đe dọa tấn công quân sự vào những địa điểm chiến lược trên mặt trận này như các hải cảng Eilat, Haifa và sân bay Ben Gurion. Cần chú ý rằng 1 ngày trước vụ tấn công trả đũa bằng tên lửa và drone vào lãnh thổ Israel, IRGC đã bắt giữ gần eo biển Hormuz một tầu thương mại xuất phát từ cảng biển của Israel, một bước đi theo chiến lược răn đe kinh tế. Tehran hiểu rằng nền kinh tế Israel không thể chịu đựng một cuộc chiến kéo dài. Do đó, chiến lược của họ rất có thể theo hướng leo thang từng bước – nói cách khác là đun nóng “chú ếch Israel” một cách hiệu quả – thông qua những hành động phối hợp cùng Hezbollah, Ansarallah (Houthi) và một số đồng minh khác tại Syria và Irak.
Về phần mình, cho dù đã trợ giúp tích cực và kịp thời Israel bắn hạ hầu như toàn bộ số tên lửa và drone tấn công của Iran, Mỹ đã nhanh chóng làm rõ lập trường rằng dù cam kết bảo vệ đồng minh chiến lược của mình tại Trung Đông trước các cuộc tấn công từ bên ngoài, họ sẽ không tham gia vào bất kỳ cuộc tiến công trả đũa của Israel vào lãnh thổ Iran. Rõ ràng cho dù chưa bao giờ che dấu mong muốn loại bỏ chính quyền Hồi giáo tại Tehran, nhưng trong bối cảnh đang căng sức ở nhiều “chiến tuyến” và thái độ bất mãn cao độ của cộng đồng người theo đạo Hồi trước cuộc thảm sát của Israel tại Gaza, Washington có nhiều lý do để e ngại khả năng tình hình tại Trung Đông leo thang thành một cuộc xung đột tầm vóc khu vực và ngoài tầm kiểm soát. Và hơn nữa, ngay trong mối quan hệ với đồng minh thân thiết Tel Aviv, “chú Sam” muốn nắm giữ vai trò người điều khiển cuộc chơi như thường lệ chứ không phải là kẻ bị giật dây.
Vậy liệu Iran có thay đổi chiến lược sử dụng “hiệu ứng luộc ếch” của mình hay không? Điều này trước hết còn phụ thuộc vào các bước đi sắp tới của Israel, với một chính phủ hữu khuynh đang bị cô lập cả trong và ngoài nước, và có khuynh hướng đưa ra các biện pháp cực đoan; còn về mặt chủ động, nhiều khả năng Tehran sẽ không thay đổi chính sách tới nay khá hiệu quả này của họ. Như nhà kinh tế Herbert Stein đã chỉ ra: “điều gì không thể kéo dài vô tận, thì rồi nó sẽ phải dừng lại”. Nếu quả thật Israel vẫn còn cách xa điểm sụp đổ, thì những hành động rất có kỷ luật và được tính toán kỹ lưỡng của IRGC sẽ còn làm gia tăng đều đặn tình trạng căng thẳng và sức ép lên Tel Aviv. Nếu Nhà nước Do Thái không đưa ra đáp án sáng tạo và hiệu quả hơn – mà một bước đi như vậy lại rất có khả năng thổi bùng xung đột ra cả khu vực, thì chiến lược của Iran nhiều khả năng sẽ dẫn tới những hậu quả nặng nề cho xã hội Israel và nền kinh tế của nước này, thậm chí ngay cả khi người dân Israel không ý thức được về nó, giống như “chú ếch” đang bị luộc sôi từ từ./.
Biên tập và chuyển ngữ: Uyển My
Lưu ý: nội dung bài viết đã được bổ sung để phù hợp hơn với những diễn biến mới, nhưng cố gắng không làm thay đổi tinh thần và quan điểm của bài viết gốc – bài viết được đăng trên trang The Cradle.
Tác giả: Tiến sĩ Shivan Mahendrarajah là thành viên của Hiệp hội hoàng gia Sử học của Anh. Ông tốt nghiệp tại Đại học Columbia (Mỹ) và lấy bằng tiến sĩ về Lịch sử Hồi giáo và Trung Đông tại Đại học Cambridge. Ông là nhà nghiên cứu có nhiều bài viết lịch sử và thời sự về các đề tài Hồi giáo, Iran và Afghanistan, Pakistan, các chiến dịch bình định và các phong trào Hồi giáo cực đoan.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]