Chiến sự giữa Ukraine và Nga đã bước qua cột mốc ngày thứ 500 với tình thế giằng co trên chiến trường. Các nước châu Âu hiện bị đặt dưới áp lực phải cung cấp đầy đủ trang thiết bị cho Ukraine nhằm duy trì tương quan lực lượng với quân Nga, tránh cán cân sức mạnh nghiêng lệch về một bên. Tuy nhiên các kho dự trữ chiến lược trên khắp châu lục vơi dần trong khi năng lực sản xuất không thể đáp ứng tốc độ tiêu hao đã đặt ra nhiều vấn đề cho nền công nghiệp quốc phòng của lục địa già. Ngược dòng lịch sử về thời kì Chiến tranh Lạnh có thể thấy một trong những nguyên nhân là Pháp – một trong những nước trụ cột của châu Âu – không mấy mặn mà với một nền quốc phòng chung châu Âu, thể hiện qua việc kế hoạch thành lập Cộng đồng Phòng thủ Châu Âu (EDC) bị Quốc hội Pháp bác bỏ vào tháng 8 năm 1954. Điều này dẫn tới các quốc gia Tây Âu vào thời điểm đó thay vì có các tổ hợp quốc phòng hợp nhất thì phải mua vũ khí từ đồng minh chính là Mỹ (Liên Xô với trường hợp Đông Âu) hoặc sản xuất nội địa. Tuy nhiên sự phụ thuộc các mặt hàng quốc phòng công nghệ cao (máy bay, xe tăng,…) vào nguồn cung bên ngoài khiến khả năng phát triển công nghệ quân sự của nước mua bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chiến tranh Lạnh kết thúc mở ra thời đại hội nhập, tuy vậy một nền công nghiệp quốc phòng tập trung vẫn không thể trở thành hiện thực do các quốc gia sử dụng điều 296 của Hiệp ước Thành lập Cộng đồng Châu Âu để bảo hộ ngành công nghiệp quốc phòng nội địa[1]. Bước sang đầu thế kỉ 21, yêu cầu công nghệ cho các sản phẩm quốc phòng ngày càng cao trong khi ngân sách cho quốc phòng lại giảm khiến các nước EU khó có thể đảm đương sản xuất các sản phẩm quốc phòng một mình, Liên minh châu Âu mới có tầm nhìn rõ ràng hơn về củng cố ngành công nghiệp này, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu vũ khí ra ngoài biên giới châu Âu.[2]
Hiện nay ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu là một ngành công nghiệp lớn với doanh thu đạt 119 tỷ EURO vào năm 2020.[3] Lĩnh vực này trực tiếp tạo ra công ăn việc làm cho gần nửa triệu lao động và có sự tham gia của 2.500 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các quốc gia hàng đầu trong ngành công nghiệp quốc phòng EU là Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha với nhiều tên tuổi lớn như Airbus, BAE Systems, Leonardo, Saab và Thales. Lĩnh vực này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới do nhu cầu ngày càng tăng về các hệ thống vũ khí tiên tiến và công nghệ cao.
Hướng tới một mô hình tập trung
Việc thiếu hợp tác lĩnh vực quốc phòng dẫn đến sự lãng phí tài nguyên và khả năng cạnh tranh thấp hơn trên thị trường quốc tế. Các quốc gia thành viên EU có xu hướng ưu tiên các công ty trong nước với khoảng 80% thiết bị quốc phòng của họ được mua từ nguồn này.[4] Các quốc gia thường ưu tiên các công ty quốc phòng trong nước thay vì chung tay xây dựng một nền quốc phòng chung khiến lĩnh vực này phân mảnh và thiếu định hướng. Thị trường với quá nhiều các nhà sản xuất riêng rẽ làm cho khả năng sản xuất cùng một loại vũ khí với quy mô lớn trở nên khó khăn. Ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu đang được định hướng để chuyển sang một mô hình tập trung hơn với các công ty lớn hợp tác để phát triển và sản xuất các hệ thống vũ khí mới.
Điều này được thúc đẩy bởi một số yếu tố, đầu tiên là sự gia tăng căng thẳng trong khu vực khi Nga chính thức đưa quân vào Ukraine. Tỷ lệ phần trăm chi tiêu quốc phòng trên GDP của châu Âu được ghi nhận giảm trong giai đoạn 1995-2021 (từ 1,6% GDP năm 1995 xuống 1,3% GDP năm 2021), với tỷ trọng trong tổng chi tiêu giảm từ 3,1% vào năm 1995 xuống 2,5% vào năm 2021. Khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra, chi tiêu cho lĩnh vực quân sự ở lục địa già đã tăng tới 13% trong năm 2022. Đây là mức tăng cao nhất thế giới với các khu vực khác như Trung Đông tăng 3.2%, châu Á và châu Đại Dương là 2.7%, châu Mỹ 0.3%, trong khi châu Phi giảm tới 5.3%.[5] Sự gia tăng này chủ yếu là do chiến sự giữa Nga (tăng lên 86,4 tỷ USD – 4,1% GDP) và Ukraine (44 tỷ USD – 34% GDP) làm hai nước này chi tiêu nhiều hơn cho quân sự và mối quan ngại cuộc chiến này mang lại làm các quốc gia châu Âu khác cũng tăng ngân sách của mình.
Cuộc chiến này làm thay đổi đáng kể tình hình địa chính trị ở châu Âu và khiến các quốc gia EU đẩy mạnh các cuộc đàm phán đang diễn ra về đầu tư và năng lực quốc phòng nhằm bảo vệ mình trước nguy cơ chiến tranh. Vào ngày 11/03/2022 tại Versailles, các thành viên của Hội đồng Châu Âu đã cam kết sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của Châu Âu, tăng ngân sách quốc phòng, thu hẹp các mục tiêu về năng lực và thiếu hụt, tăng cường đổi mới, củng cố và phát triển Cơ sở công nghiệp và Công nghệ quốc phòng của Châu Âu (EDTIB).[6]
Nhu cầu về các hệ thống vũ khí tiên tiến và công nghệ cao cũng thúc đẩy các nỗ lực tập trung hóa nền công nghiệp quốc phòng. Các quốc gia châu Âu nhận ra tầm quan trọng của các Công nghệ Đột phá Mới nổi (EDT) và đưa ra một số sáng kiến và dành nguồn quỹ đáng kể cho nghiên cứu và phát triển EDT.
Cơ quan Quốc phòng Châu Âu (EDA) đặc biệt lưu ý sáu công nghệ đột phá: công nghệ dựa trên lượng tử; trí tuệ nhân tạo (AI); người máy và hệ thống vũ khí tự hành; dữ liệu lớn; hệ thống vũ khí siêu thanh và công nghệ vũ trụ; và vật liệu tiên tiến mới.
Tuy nhiên, để bắt kịp Trung Quốc, Nga và Mỹ trong những lĩnh vực này sẽ là một thách thức khi vào năm 2020, các quốc gia thành viên EDA chỉ chi 2,5 tỷ € cho nghiên cứu & công nghệ, chỉ chiếm 1,2% tổng chi tiêu quốc phòng.[7]
EU cũng đang tăng cường phát triển các công nghệ lưỡng dụng bằng cách liên kết các sáng kiến quân sự và dân sự theo hướng hiệu quả hơn với mục tiêu khai thác tiềm năng quốc phòng của các công nghệ chưa thể phát huy hết tiềm năng hoặc gặp khó khăn về kinh phí. Đề án đổi mới quốc phòng của EU (EUDIS) được xây dựng dựa trên Kế hoạch hành động của EC về sự phối hợp giữa các ngành dân sự, quốc phòng và vũ trụ, sẽ được phân bổ 2 tỷ euro cho lĩnh vực này. EC sẽ tận dụng ngân sách có sẵn từ Quỹ Quốc phòng Châu Âu (1,46 tỷ €), kết hợp với đồng tài trợ từ các quốc gia thành viên (90 triệu €) và cũng dự kiến sẽ tận dụng từ 400 triệu € đến 500 triệu € từ các nguồn khác.[8]
Sự phát triển của các chương trình hợp tác quốc phòng cũng là một nhân tố thúc đẩy sự tập trung hóa trong nền công nghiệp quốc phòng. Chiến lược toàn cầu về chính sách đối ngoại và an ninh của EU đặt ra mục tiêu nâng cao hiệu quả của chính sách an ninh và quốc phòng thông qua tăng cường hợp tác giữa các lực lượng vũ trang của các quốc gia thành viên và quản lý khủng hoảng.
EU đã đưa ra một số sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng chẳng hạn như Đánh giá phối hợp hàng năm về quốc phòng (CARD), Hợp tác cấu trúc thường trực (PESCO) và Quỹ phòng thủ châu Âu (EDF). Các sáng kiến mới như EDIRPA (European Defence Industry Reinforcement through common Procurement Act) được đẩy mạnh nhằm kêu gọi các thành viên tăng cường mua sắm chung các sản phẩm quốc phòng và tăng chi tiêu đầu tư quốc phòng. Các nhà thầu đủ điều kiện tham gia EDIRPA phải được thành lập và có cơ cấu quản lý điều hành tại EU hoặc một quốc gia liên kết (Iceland, Liechtenstein hoặc Na Uy) và không bị kiểm soát bởi một nước thứ ba bên ngoài (nếu có thì phải được đảm bảo bởi thành viên EU). Các nhà thầu cũng phải sử dụng các cơ sở và nguồn lực ở EU hoặc một quốc gia thứ ba có liên quan, ngoại trừ trường hợp các nhà sản xuất EU không có cơ sở hạ tầng liên quan ở EU. Đặc biệt, không được sử dụng quỹ từ EDIRPA để mua linh kiện từ các quốc gia “không tôn trọng quan hệ láng giềng tốt đẹp”.
Tính đến năm 2021, tổng chi tiêu quốc phòng của châu Âu đạt mức cao mới là 214 tỷ euro, đánh dấu mức tăng thêm 6% vào năm 2020 và là năm tăng trưởng thứ bảy liên tiếp. Báo cáo của EDA cho thấy các quốc gia thành viên đang đầu tư nhiều hơn bao giờ hết vào việc mua sắm, nghiên cứu và phát triển thiết bị quốc phòng với mức tăng chi tiêu 16% so với năm 2020, tổng giá trị đạt mức kỷ lục 52 tỷ euro.[9] Năm 2022 Quỹ Quốc phòng Châu Âu (EDF) đầu tư 1,9 tỷ euro vào các dự án phát triển năng lực hợp tác quy mô lớn đồng thời kích thích đổi mới quốc phòng.[10]
Khó khăn và thách thức
Tuy quyết tâm đặt ra là vậy, ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu vẫn gặp nhiều trở ngại để tiến tới một nền sản xuất quốc phòng tập trung hơn.
Vấn đề tài chính
Nhìn chung phân bổ các nguồn lực cho một lĩnh vực vốn bị bỏ ngỏ từ sau chiến tranh lạnh như quân sự ở châu Âu vẫn là một vấn đề đầy nan giải. Cuộc chiến ý thức hệ kết thúc kéo theo các nguồn tiền hàng nghìn tỷ USD dành cho quân sự được chuyển sang cho các lĩnh vực dân sự như y tế, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật,… khiến tỷ trọng ngân sách cho quốc phòng giảm mạnh. Điều này dễ nhận thấy nhất ở Đức, sau khi thống nhất vào năm 1990, tỷ lệ chi tiêu quốc phòng trên GDP đã giảm mạnh từ 2,5% xuống chỉ còn 1,1% vào năm 2005, và nhích nhẹ lên mức 1,3% vào năm 2021[11].
Việc cắt giảm ngân sách quốc phòng trong một thời gian dài làm tổn hại đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của các nước châu Âu trong khi các hoạt động quân sự sau chiến tranh lạnh chủ yếu được triển khai tương đối nhẹ ở nước ngoài như Afghanistan và khu vực Sahel Châu Phi với các đối thủ yếu ớt hơn nhiều. Các chính phủ đang quay trở lại xu hướng sản xuất số lượng lớn vũ khí truyền thống như xe tăng và đạn pháo. Bài học này được rút ra khi chiến trường Ukraine ngốn một lượng đạn dược và thiết bị đáng kinh ngạc và khiến các kho dự trữ trên châu Âu hao hụt nhanh chóng.
Vì vậy với tình hình hiện tại các quốc gia châu Âu sẽ phải chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn, nguồn tiền dành cho phát triển cơ sở hạ tầng, nghiên cứu khoa học, y tế, giáo dục, văn hóa,… sẽ được chuyển bớt lại sang quân đội. Đi kèm đó là các biện pháp nhằm thắt lưng buộc bụng, tăng nguồn thu ngân sách thông qua tăng thuế, nhưng những chính sách này thường không được ủng hộ trong dân chúng khi nhiều cuộc biểu tình lớn đã nổ ra ở Anh và Pháp phản đối cải cách tuổi hưu cũng như đòi tăng lương và cải thiện điều làm việc. Thậm chí Đan Mạch còn lên kế hoạch hủy ngày lễ Store Bededag – một ngày lễ tôn giáo có lịch sử từ thế kỉ XVII – để dành tiền cho chi tiêu quốc phòng khiến giới lãnh đạo công đoàn vô cùng tức giận.
Dẫu vậy, như đã đề cập ở trên, chi tiêu cho quốc phòng của châu Âu đã tăng 13% trong năm 2022, đạt mức 345 tỷ USD. Dù chi tiêu quốc phòng tăng nhưng hợp tác quốc phòng lại không tăng như một báo cáo của EDA kết luận đầy tính ngờ vực về xu hướng này: “Xét về chi tiêu quốc phòng, xu hướng tích cực dường như đang tăng nhanh, phù hợp với thông báo từ phần lớn các quốc gia thành viên. Vẫn còn phải xem liệu các quốc gia thành viên có tuân theo cách tiếp cận phối hợp nhằm đảm bảo hiệu quả và khả năng tương tác cao hơn của các lực lượng vũ trang hay không, đồng thời tránh bị phân mảnh hơn nữa.”[12]
Nhiều vấn đề khác
Thiếu năng lực sản xuất, thiếu lao động chuyên môn, tắc nghẽn chuỗi cung ứng, chi phí tài chính cao và thậm chí các quy định về môi trường đang cản trở nỗ lực tăng sản lượng quốc phòng của lục địa già.[13] Nền công nghiệp này vốn rất phức tạp, không chỉ các nhà máy mới quan trọng, trong đó còn vô vàn các yếu tố như máy móc, hệ thống, phần mềm, nhân công trình độ cao, chuỗi cung ứng, vật liệu chuyên dụng,… tất cả các yếu tố trên đều có tầm quan trọng nhất định để các tổ hợp công nghiệp quốc phòng có thể hoạt động hiệu quả. Có thể mất đến 2 đến 3 năm để khởi động một tổ hợp mới cũng như tái khởi động các dây chuyền đã bị dừng, chưa kể đến chi phí khổng lồ kèm theo. Chẳng hạn với việc khởi động lại sản xuất lựu pháo M777 sẽ cần từ 30 đến 36 tháng theo dự kiến từ BAE Systems.[14] Tương tự thép chuyên dụng cho áo giáp xe tăng sẽ mất từ 8 đến 12 tháng để được giao hàng và thời gian giao hàng cho một số linh kiện điện tử để sản xuất xe tăng có thể lên tới 24 tháng. Thậm chí sản xuất đạn pháo – vốn ít tinh vi hơn các sản phẩm kể trên – cũng gặp nhiều khó khăn khi các vật liệu cần thiết đang trong tình trạng thiếu hụt nặng nề. Bên cạnh đó mục tiêu hướng tới một nền công nghiệp xanh, giảm 55% phát thải vào năm 2030 và phát thải ròng bằng không vào năm 2050 (dự kiến cần tới 28 nghìn tỷ euro đầu tư cho 30 năm tới[15]) khiến cho cả chi tiêu và sản xuất quốc phòng gặp không ít trở ngại.
Hệ quả của việc cắt giảm ngân sách quốc phòng một thời gian dài sau chiến tranh lạnh còn làm làm năng lực sản xuất quốc phòng của châu Âu suy giảm đáng kể. Các hoạt động sản xuất bị thu hẹp do nhu cầu vũ khí nội địa giảm, xuất khẩu nhỏ giọt khiến ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu hiện tại tuy vẫn sản xuất ra được các sản phẩm công nghệ hàng đầu nhưng ở quy mô không lớn.[16] Điều này làm gia tăng phụ thuộc vào vũ khí từ các nhà sản xuất bên ngoài lục địa. Đầu tiên phải kể đến Mỹ khi quốc gia này có truyền thống xuất khẩu vũ khí sang châu Âu lâu đời và cung cấp tới một nửa thiết bị quân sự cho thị trường này. Các nhà thầu quốc phòng khác cũng đang dần chen chân vào thị trường, Ba Lan có hợp đồng trị giá gần 10 tỷ USD mua xe tăng Abrams và máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ, đồng thời cũng đang chi 10 tỷ USD cho trang thiết bị quân sự của Hàn Quốc. Đan Mạch và Hà Lan đang mua vũ khí của Israel và Romania đang đàm phán để mua F-35.[17] Tổng thống Pháp E. Macron thậm chí còn cảnh báo “Khi tôi thấy một số quốc gia tăng chi tiêu quốc phòng để mua ồ ạt các sản phẩm không phải của châu Âu, tôi chỉ nói với họ: Các bạn đang đặt nền móng cho các vấn đề của ngày mai”.[18] Tương tự, Christophe Salomon, phó chủ tịch điều hành của Thales, nhà sản xuất hệ thống radar của SAMP/T, cho biết: “Mỗi khi một radar hoặc một tên lửa được mua bên ngoài châu Âu, nó sẽ làm suy yếu cơ sở công nghiệp của chúng tôi.”[19]
Khu vực tư nhân thường không có đủ khả năng để duy trì các cơ sở sản xuất trừ khi có một tầm nhìn rõ ràng về nhu cầu, việc các nhà thầu quốc phòng mở rộng sản xuất trước khi nhận hợp đồng mang theo những rủi ro đáng kể. Hơn nữa, ngành công nghiệp hiện đang đối mặt với áp lực mở rộng quy mô lớn trong thời điểm phát triển chương trình Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) của Liên minh châu Âu (EU), đồng thời cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài chính, đặc biệt là đối với các công ty quốc phòng nhỏ hơn. Trong tình hình này, nếu cuộc xung đột kết thúc sớm, chính phủ có thể đối mặt với áp lực phải chuyển hướng nguồn lực khan hiếm sang các mục đích khác. Nếu không có cam kết dài hạn từ phía chính phủ, các công ty có thể sẽ do dự trong việc đầu tư quy mô lớn vào các cơ sở sản xuất.
Không chỉ mỗi chuyện vũ khí!
Ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu đã và đang nỗ lực hướng tới quyền tự chủ chiến lược lớn hơn. Điều này có nghĩa là châu Âu đang nỗ lực đóng góp nhiều hơn cho NATO và giải quyết các rủi ro cũng như thách thức về an ninh và quốc phòng toàn cầu. Thuật ngữ “tự chủ chiến lược” đã trải qua nhiều lần mở rộng ra ngoài các mối quan tâm về quốc phòng và an ninh truyền thống để bao gồm một loạt các vấn đề chung như kinh tế, y tế, công nghệ, chuỗi cung ứng,…
Nhìn trên bình diện quốc phòng, chiến sự ở Ukraine từ năm 2022 đã thúc đẩy rất nhiều bước đi tích cực trong lĩnh vực này. Tháng 3 năm 2022, Liên minh Châu Âu đã thông qua kế hoạch “La bàn chiến lược” (Strategic Compass). Đây là một chiến lược về quốc phòng an ninh rất tham vọng với mục tiêu xây dựng trụ cột an ninh cho châu Âu và phát triển năng lực thực hiện các hoạt động quân sự độc lập. Trọng tâm của Kế hoạch là sự thành lập sớm một lực lượng quân sự linh hoạt của Liên minh Châu Âu với khoảng 5.000 quân, bao gồm hải quân, lục quân và không quân, được trang bị các phương tiện hiện đại và có khả năng tham gia vào các chiến dịch trong và ngoài lãnh thổ của Liên minh Châu Âu. EU cũng xác định trọng tâm đầu tư vào tăng cường năng lực và công nghệ tiên tiến nhằm lấp đầy khoảng trống chiến lược và giảm sự phụ thuộc trong công nghệ và sản xuất công nghiệp. Các thành viên sẽ chung tay tìm kiếm các giải pháp chung để phát triển các yếu tố hỗ trợ chiến lược cần thiết và khả năng thế hệ tiếp theo trong các lĩnh vực như hải quân, không quân, không gian và xe tăng chiến đấu; Sử dụng Hợp tác Cấu trúc Thường trực và Quỹ Quốc phòng Châu Âu để phát triển năng lực quân sự tiên tiến và đổi mới công nghệ quốc phòng, cùng với việc thành lập Trung tâm Đổi mới Quốc phòng mới trong Cơ quan Quốc phòng Châu Âu.[20]
Xác định Nga là một mối đe dọa trực tiếp, EU đã hợp tác với Mỹ và NATO để áp đặt biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt về kinh tế, tài chính, quân sự và ngoại giao để chống lại Nga; đồng thời, tăng cường viện trợ vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Ukraine. Cùng với đó, các động thái mở rộng biên giới NATO (Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập) càng làm quan hệ Đông-Tây lao xuống vực thẳm, khiến cục diện thế giới thay đổi mạnh mẽ nhất kể từ hậu chiến tranh lạnh.
Trong khi đó khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Âu đang ngày càng liên kết với nhau, nhưng các thách thức từ Trung Quốc vẫn luôn hiện hữu. Các tiến bộ công nghệ của Trung Quốc đang gây tác động trực tiếp đến an ninh của NATO. Sự trỗi dậy của Huawei trong việc cung cấp hạ tầng viễn thông 5G đã tạo ra các điểm yếu an ninh cho các quốc gia đồng minh. Trong tương lai, công nghệ 6G có thể sẽ được phát triển với khả năng tích hợp trí tuệ nhân tạo, và Trung Quốc có thể sử dụng nó trong chiến lược quân sự-dân sự của mình. Trung Quốc đang tìm cách thống trị trong lĩnh vực C4ISR (Command, Control, Communications, Computers (C4) Intelligence, Surveillance and Reconnaissance (ISR)), hệ thống mạng kỹ thuật số, hậu cần và trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, các đột phá về điện toán lượng tử của Trung Quốc có thể đe dọa các hệ thống mã hóa. Trung Quốc cũng có khả năng triển khai sức mạnh quân sự tới tận Đại Tây Dương trong tương lai.
Sự phụ thuộc của châu Âu vào Trung Quốc trong cơ sở hạ tầng và công nghệ có thể làm suy yếu an ninh. Chính sách hải quân và vũ trụ của Trung Quốc có thể đe dọa nguyên tắc tự do hàng hải và thông tin. Sự đe dọa từ Trung Quốc có thể dẫn đến xung đột ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, gây gián đoạn cho tuyến đường biển và ảnh hưởng đến lợi ích của các đồng minh châu Âu.
Mỹ có thể không có đủ lực lượng để đảm bảo an ninh của châu Âu trong khi đối mặt với Nga, chưa kể nếu phải đối mặt với cả Trung Quốc cùng lúc. Do đó, châu Âu cần định kế hoạch để lấp đầy khoảng trống này. Châu Âu muốn có quyền tự chủ mà không cung cấp đủ nguồn lực quốc phòng, trong khi Mỹ muốn Châu Âu Đóng góp quốc nhiều hơn mà không làm giảm ảnh hưởng chính trị của NATO và Mỹ.[21] Các lãnh đạo phương Tây sẽ cần phải ngồi lại với nhau để tìm lời giải cho phương trình này.
Những khoản tiền khổng lồ được châu Âu dành cho nghiên cứu, nâng cấp, sản xuất sản phẩm quốc phòng nhằm gia tăng khả năng răn đe và ưu thế đang tạo ra một cuộc chạy đua công nghệ. Nhưng liệu sau khi chiến tranh kết thúc, các cam kết vẫn được duy trì hay người ta lại sốt sắng cắt giảm ngân sách quốc phòng như trước kia, ai lại về nhà nấy? Chỉ có thời gian mới trả lời được những nỗ lực này sẽ tạo ra các thành quả như thế nào, nhưng ít nhất đã có thể thấy được đây là lần nghiêm túc nhất từ trước tới này mà người châu Âu nghĩ về các vấn đề an ninh quốc phòng kể từ sau chiến tranh lạnh./.
Tác giả: Vũ Đức Anh
Bản quyền bài viết thuộc về tác giả và Nghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tham khảo:
[1] Nguyên văn khoản (b) điều 296: “Bất kỳ quốc gia thành viên nào cũng có thể thực hiện các biện pháp mà họ cho là cần thiết để bảo vệ các lợi ích thiết yếu về an ninh của mình liên quan đến việc sản xuất hoặc buôn bán vũ khí, đạn dược và vật liệu chiến tranh; các biện pháp đó không được ảnh hưởng xấu đến các điều kiện cạnh tranh trên thị trường chung đối với các sản phẩm không dành cho mục đích quân sự cụ thể”
[2] Johannes Kuschel, “The european defence market: Great challenges – small moves”, section 1.2
[3] “Defence industry”, Fact Sheets on the European Union, European Parliamen, thttps://www.europarl.europa.eu/factsheets/en/sheet/65/defence-industry
[4] “Europe Defense Market Size & Share Analysis – Growth Trends & Forecasts (2023 – 2028), Mordor Intelligence, ”https://www.mordorintelligence.com/industry-reports/europe-defense-market
[5] Nan Tian, Diego Lopes da Silva, Xiao Liang, Lorenzo Scarazzato, Lucie Béraud-Sudreau and Ana Carolina de Oliveira Assis, “Trends in world military expenditure, 2022”, SIPRI, https://www.sipri.org/sites/default/files/2023-04/2304_fs_milex_2022.pdf
[6] “European defence industry reinforcement through common procurement act (EDIRPA)”, Think Tank, European Parliament, https://www.europarl.europa.eu/thinktank/en/document/EPRS_BRI(2023)739294
[7] “Emerging disruptive technologies in defence”, European Parliament, https://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/ATAG/2022/733647/EPRS_ATA%282022%29733647_EN.pdf
[8] “EU seeks to synergise civilian and defence tech, Swiss Core, ”https://www.swisscore.org/eu-seeks-to-synergise-civilian-and-defence-tech/
[9] “European defence spending surpasses €200 billion for first time”, European Defence Agency, https://eda.europa.eu/news-and-events/news/2022/12/08/european-defence-spending-surpasses-200-billion-for-first-time-driven-by-record-defence-investments-in-2021
[10] “Defence: Commission unveils significant actions to contribute to European Defence, boost innovation and address strategic dependencies”, Defence Industry and Space, European Commission, https://defence-industry-space.ec.europa.eu/defence-commission-unveils-significant-actions-contribute-european-defence-boost-innovation-and-2022-02-15_en
[11] “Military expenditure (% of GDP) – Germany”, World Bank, https://data.worldbank.org/indicator/MS.MIL.XPND.GD.ZS?locations=DE
[12] EDA, 2022 Coordinated Annual Review on Defence (CARD) Report (Brussels: EDA, November 2022), https://eda.europa.eu/docs/default-source/eda-publications/2022-card-report.pdf
[13] Bojan Pancevski, “Europe Is Rushing Arms to Ukraine but Running Out of Ammo”, The Wall Street Journal, https://www.wsj.com/articles/europe-is-rushing-arms-to-ukraine-but-running-out-of-ammo-11671707775
[14] “BAE Considers Restarting M777 Production After Ukraine Exploits: Report”, The Defense Post, https://www.thedefensepost.com/2022/10/12/bae-m777-production-ukraine/
[15]Paolo d’Aprile, Hauke Engel, Stefan Helmcke, Solveigh Hieronimus, Tomas Nauclér, Dickon Pinner, Godart van Gendt, “How the European Union could achieve net-zero emissions at net-zero cost”, McKinsey, https://www.mckinsey.com/capabilities/sustainability/our-insights/how-the-european-union-could-achieve-net-zero-emissions-at-net-zero-cost
[16] Tim Lawrenson, Bastian Giegerich, Hannah Aries, “The Guns of Europe: Defence-industrial Challenges in a Time of War”, IISS, https://www.iiss.org/online-analysis/survival-online/2023/06/the-guns-of-europe-defence-industrial-challenges-in-a-time-of-war/
[17] Laura Kayali, Lili Bayer, Joshua Posaner, “Europe’s military buildup: More talk than action”, POLITICO, .https://www.politico.eu/article/europe-military-industry-defense-buildup-war/
[18] French President Emmanuel Macron said at the GLOBSEC conference in Bratislava
[19] Stacy Meichtry, Alistair MacDonald, Noemie Bisserbe, “Europe’s Defense Dilemma: To Buy, or Not to Buy American”, The Wall Street Journal, https://www.wsj.com/articles/europes-defense-dilemma-to-buy-or-not-to-buy-american-1576c2f4
[20] “A Strategic compass for security and defence”, European Union, https://www.eeas.europa.eu/sites/default/files/documents/strategic_compass_en3_web.pdf
[21] Hans Binnendijk, Daniel S. Hamilton, Alexander Vershbow, “Strategic responsibility: Rebalancing European and trans-Atlantic defense”, Brookings, https://www.brookings.edu/articles/strategic-responsibility-rebalancing-european-and-trans-atlantic-defense/