Bàn cờ địa chính trị thế giới ngày nay đang chứng kiến sự chuyển dịch cán cân sức mạnh từ Tây sang Đông điển hình với sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến cho Mỹ phải khởi động xây dựng một chiến lược để kiềm chế “gã khổng lồ” của phương Đông. Tuy nhiên, còn một quốc gia cũng đang trong quá trình bứt phá để tìm lại huy hoàng từng có là Ấn Độ. Vai trò của Ấn Độ được giới phân tích đánh giá có thể cân bằng lại quyền lực ở châu Á. Do đó, liên minh an ninh ba bên AUKUS do Mỹ dẫn dắt đang nỗ lực mở rộng tìm kiếm tiếng nói thứ tư từ New Delhi nhằm xây dựng trục nối dài từ Washington đến Canberra tạo ra “Bộ Tứ” mới trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đối trọng với Bắc Kinh. Vậy trong tương lai gần triển vọng khả năng tham gia AUKUS của Ấn Độ có tính khả thi đến đâu và nước này sẽ phải đối mặt với những vấn đề nan giải nào?
Xu hướng mở rộng của AUKUS hiện nay
Nối tiếp những thành công của cơ chế Đối thoại Tứ giác An ninh Quad (Mỹ – Ấn Độ – Australia – Nhật Bản), Mỹ và các đồng minh tiếp tục tham vọng mở rộng phạm vi hoạt động, tăng cường thêm sức ảnh hưởng kiểm soát tình hình an ninh ở hai đại dương Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bằng các liên kết tiểu đa phương mới. Được tuyên bố thành lập vào tháng 9/2021, AUKUS là liên minh nhằm tạo ra một đối trọng đối với hai đối tượng Trung Quốc và Nga. AUKUS hoạt động chủ yếu dựa trên hai trụ cột chính: Trụ cột thứ nhất là chia sẻ năng lực hạt nhân cho Australia bằng cách cung cấp các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trụ cột thứ hai là hợp tác phát triển các năng lực quốc phòng tân tiến liên quan tới 8 lĩnh vực gồm: Các năng lực dưới biển, công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo (AI), các năng lực mạng tân tiến, năng lực vũ khí siêu thanh cũng như chống vũ khí siêu thanh, tác chiến điện tử, đổi mới sáng tạo và chia sẻ thông tin[1]. Theo tuyên bố, AUKUS sẽ giúp bảo vệ cam kết chung đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng bằng cách thúc đẩy các quốc gia khác trong khu vực tăng cường khả năng phòng thủ.
Các hoạt động của AUKUS vốn dựa trên những thỏa thuận ngầm giữa các nước, mãi đến tháng 3/2023, ba nước mới chính thức ký thỏa thuận mô tả cách thức vận hành AUKUS. Bỏ qua tính “khép kín” trong quá trình hình thành, AUKUS giờ đây định hướng mở rộng về không gian và thành viên liên minh. Khi thành lập AUKUS, ngoài trụ cột chính là đảm bảo hỗ trợ nguồn cung trang bị tàu ngầm hạt nhân cho Australia, trụ cột thứ hai được đưa ra chính là sự tính toán của ba quốc gia thành viên chủ chốt đối với khả năng mở rộng hợp tác an ninh, quân sự phi hạt nhân với các quốc gia khác. Trong buổi họp báo vào tháng 7/2023, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định: “AUKUS từ lâu đã làm việc cùng nhau về các vấn đề an ninh quốc gia. Khi chúng tôi tiếp tục phát triển AUKUS, cánh cửa rất rộng mở cho các đối tác khác tham gia khi họ thấy phù hợp trong tương lai”[2].
Gần đây, Theo Financial Times ngày 8/4, Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên AUKUS ra tuyên bố chung cho biết sẽ xem xét đưa Nhật Bản vào trụ cột thứ hai nhằm phối hợp về thế mạnh công nghệ của Nhật liên quan tới các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, năng lực dưới biển và vũ khí siêu thanh[3]. Việc xem xét mối quan hệ hợp tác này với Tokyo dựa trên sức mạnh của Nhật Bản và quan hệ đối tác song phương chặt chẽ về quốc phòng từ Quad đến AUKUS. Song Nhật Bản không nằm trong nhóm nước tiềm năng về công nghệ hạt nhân và tàu ngầm do vậy AUKUS đang hướng mở rộng đến mục tiêu Ấn Độ. Cơ sở để liên minh đưa Ấn Độ “vào tầm ngắm” xuất phát từ mối quan hệ mức ổn định với Mỹ và phương Tây, phần vì quốc gia này sở hữu cả thế mạnh về công nghệ, quân sự cũng như tiềm lực hạt nhân phù hợp cho cả 2 trụ cột hoạt động của ẠUKUS.
Ấn Độ và sức hút đặc biệt trong cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc
Ấn Độ sở hữu những điểm mạnh mà hiếm quốc gia nào trong khu vực có được, khiến nước này trở thành “từ khóa” không thể thiếu trong chiến lược của các cường quốc muốn có ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Về sức mạnh tổng hợp, Ấn Độ đã trở thành nước đông dân nhất thế giới, vượt qua Trung Quốc 4 và cạnh tranh trực tiếp với Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba vào năm 2030. Hiện nay, Ấn Độ được đánh giá ở nấc cường quốc về quân sự có sở hữu vũ khí hạt nhân và có lực lượng quân đội mạnh hàng đầu. Vị trí địa lý đặc biệt cùng với sức mạnh đáng kể khiến Ấn Độ trở thành một nhân tố cốt lõi trong sự định hình cấu trúc an ninh khu vực.
Năm 2022, Nhà Trắng chính thức công bố Chiến lược An ninh quốc gia dưới thời Tổng thống J.Biden trong bối cảnh địa chính trị quốc tế có nhiều biến động. Theo đó, Mỹ xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh duy nhất vừa có mục tiêu định hình lại trật tự quốc tế vừa ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để làm điều đó. “Trung Quốc có tham vọng tạo ra một phạm vi ảnh hưởng lớn hơn nữa ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và trở thành cường quốc hàng đầu thế giới đe dọa vai trò trung tâm của Mỹ”[4].
Chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc xác định một trong ba mục tiêu lớn nhấn mạnh vào vai trò của mạng lưới đồng minh Mỹ xây dựng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, gắn kết các nỗ lực của Mỹ với mạng lưới đồng minh và đối tác cùng hành động với mục đích chung vì sự nghiệp chung. Trong đó, chiến lược này đặc biệt nhấn mạnh đến các Hiệp ước và Thỏa thuận giữa Mỹ với Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ (QUAD); giữa Mỹ với Anh và Australia (AUKUS); hoặc giữa Mỹ với Ấn Độ, Israel và UAE (I2-U2)… đồng thời, khẳng định tăng cường mở rộng hợp tác với các nước muốn làm đồng minh của Mỹ trên toàn cầu[5].
Trong sự định hình cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tầm quan trọng của Ấn Độ đến từ vị thế quốc gia và thực tế tiềm lực kinh tế và quân sự của quốc gia này đã gia tăng đáng kể. Về tổng thể, có thể thấy, vai trò của Ấn Độ ngày càng gia tăng có sức hút đặc biệt với Mỹ để tạo lợi thế trong cuộc chạy đua Mỹ – Trung .
Triển vọng tham gia AUKUS của Ấn Độ
Những động lực thúc đẩy Ấn Độ tham gia
Dẫn theo kênh IndiaTV ngày 29/01/2023 trong một diễn biến chính trị tại Anh, Tobias Ellwood Chủ tịch Ủy ban Tuyển chọn quốc phòng của Hạ viện đưa ra đề nghị đưa Ấn Độ vào AUKUS vì tầm quan trọng của Ấn Độ đối với an ninh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương[6].
Mỹ và Anh muốn đưa Ấn Độ vào hiệp ước an ninh nhưng chưa bao giờ được hai bên công bố hoặc đưa ra chính thức. Lời đề nghị trên là tín hiệu rõ ràng nhất ngỏ ý về một khả năng nâng cấp AUKUS của các chiến lược gia phương Tây trên cơ sở nền tảng Ấn Độ đã quen với những cơ chế hợp tác trong vai trò thành viên của Quad.
Dù vậy, điều thúc đẩy khả năng New Delhi xem xét các lời đề nghị từ phía AUKUS đưa ra dựa vào tầm nhìn khu vực và lợi ích chiến lược thực tiễn có thể đạt được. Ấn Độ hiện đang giữ quan điểm về tầm nhìn cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở giống như Mỹ. Theo bình luận của báo South China Morning Post (SCMP), việc gia nhập Đối thoại tứ giác Quad đã đánh dấu sự chuyển hướng quan trọng của chính sách đối ngoại Ấn Độ ra khỏi lập trường không liên kết thời Chiến tranh Lạnh.
Quốc gia Nam Á này trở nên thực dụng hơn khi vừa cạnh tranh vừa hợp tác với phương Tây và tranh thủ kết nối năng lực quốc phòng với Mỹ. Việc Ấn Độ thoát khỏi vị trí trung lập trong vấn đề toàn cầu phần lớn là do ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên khắp châu Á cũng như giữa lúc quan hệ giữa New Delhi – Bắc Kinh căng thẳng. Năm 2017, sau một cuộc xung đột tranh chấp biên giới kéo dài dẫn đến quyết định của New Delhi nối lại hoạt động của Quad với chủ trương thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm[7].
Với những điểm tương đồng về tầm nhìn và lợi ích mà Ấn Độ cùng AUKUS hướng tới trong khu vực có thể trở thành lý do thúc đẩy Ấn Độ cân nhắc tham gia vào liên minh.
Tham gia AUKUS, Ấn Độ được và mất gì?
Cơ hội hiện hữu
Khởi đầu với cơ hội tăng cường năng lực quân sự. Hải quân Ấn Độ hiện đang vận hành một số lượng tàu ngầm già cỗi được đưa vào biên chế từ năm 1986 đến 1991. Ấn Độ trong một thời gian dài đã phải thuê tàu ngầm Akula của Nga trong khi đang tìm cách xây dựng lực lượng tàu ngầm hạt nhân sản xuất trong nước. Dưới những nỗ lực của lực lượng vũ trang Ấn Độ, ngành công nghiệp quốc phòng nước này đã cho ra mắt mẫu tàu ngầm lớp Arihant chạy bằng năng lượng hạt nhân. Điều đó chứng tỏ năng lực tàu ngầm của Ấn Độ nói riêng và lực lượng hải quân nói chung có sự cải thiện song chưa thực sự mang lại ấn tượng.
Thỏa thuận giữa Australia, Anh và Mỹ về chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân đã chọn Australia để cung cấp chứ không phải Ấn Độ cho thấy Ấn Độ không phải ưu tiên hàng đầu dù đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác trước đó. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng Ấn Độ vẫn được hưởng lợi từ AUKUS. Bởi lẽ, trụ cột thứ nhất của AUKUS đã khiến cho dự án mua bán tàu ngầm của Pháp đổ vỡ đây là cơ hội tốt để Ấn Độ tranh thủ kết nối với Paris để tiếp cận với gói phát triển hải quân mạnh mẽ của Pháp giúp giảm đi sự phụ thuộc vào Mỹ, Nga cũng như không phải chia sẻ với Australia.
Tham gia AUKUS tạo ra khả năng phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ thông qua kênh trụ cột thứ 2 – hợp tác phát triển các năng lực quốc phòng tân tiến liên quan tới 8 lĩnh vực gồm: Các năng lực dưới biển, công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo, các năng lực mạng tân tiến, năng lực vũ khí siêu thanh cũng như chống vũ khí siêu thanh. Ông Sinha, cựu tư lệnh hải quân nói rằng “Ấn Độ đã không còn cần đến công nghệ Mỹ. Mọi thứ đã thay đổi rất nhiều kể từ năm 2009. Ấn Độ cần theo đuổi những công nghệ tiên tiến từ một số nước hơn là tiếp tục theo đuổi một nhà bán hàng lớn thuần túy. Bên cạnh đó, một Ấn Độ tự lực cũng sẽ là một đối tác chiến lược tốt hơn trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Nga vẫn là nhà cung cấp hàng đầu của Ấn Độ, chiếm tới 62% các vũ khí khí tài mà New Delhi nhập khẩu, còn Mỹ chỉ đứng thứ 2 với 15%. Năm 2020, các lô vũ khí Ấn Độ mua của Mỹ trị giá 3,5 tỷ USD[8]. Thay vào đó Ấn Độ mở rộng được việc buôn bán quốc phòng với chính thành viên của AUKUS. Ấn Độ và Australia đã tổ chức cuộc đàm phán Chính sách Quốc phòng (DPT) lần thứ 8 vào cuối năm 2023. Phía Ấn Độ nêu bật tiềm năng của ngành công nghiệp quốc phòng nước này với năng lực và khả năng hợp tác với Lực lượng vũ trang Australia trong kế hoạch đóng mới và bảo dưỡng tàu.
Với việc Trung Quốc thường xuyên phô diễn sức mạnh quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Quad đóng vai trò là công cụ đối trọng trực tiếp kiềm tỏa Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, đứng trước ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng mở rộng, các liên minh của phương Tây không dừng lại ở đó. AUKUS được thành lập tập trung đặc biệt vào khía cạnh an ninh của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ấn Độ không chỉ cần thiết đối với Quad mà còn có khả năng giúp AUKUS đạt được các mục tiêu của mình. Tuy nhiên, xét về tương quan sức mạnh với Trung Quốc, Ấn Độ vẫn còn có những điểm yếu. Quy mô nền kinh tế của Trung Quốc lớn gấp gần 5 lần Ấn Độ, GDP Trung Quốc ở mức 14,34 nghìn tỷ USD so với mức 2,87 nghìn tỷ USD năm 2019 và chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc 261 tỷ USD năm 2019 cao hơn nhiều so với hơn 71,1 tỷ USD của Ấn Độ. Để có thể trở thành một nước đối trọng với Trung Quốc, việc rút ngắn khoảng cách về sức mạnh kinh tế và quân sự để cạnh tranh trực tiếp là vấn đề khó nhằn đặt ra đối với Ấn Độ[9].
Trong AUKUS, Mỹ là quốc gia đi tiên phong toàn thế giới về kinh tế và quân sự trong khi Anh và Australia có nhiều kinh nghiệm trong hỗ trợ chính sách tăng cường gây ảnh hưởng của Mỹ đối phó với Trung Quốc. Ấn Độ là một trong những quốc gia phát triển nhất thế giới về mặt năng lượng hạt nhân. AUKUS và Ấn Độ có thể tiến tới hợp tác phát huy sức mạnh của mỗi bên để thúc đẩy chuyển giao hạt nhân, công nghệ mới tạo ra một liên minh vững chắc trong khu vực. Việc chú ý đúng mực đến AUKUS và hợp tác với các cường quốc tầm trung có thể tăng cường vai trò của Ấn Độ và giúp Ấn Độ đạt được các mục tiêu chiến lược của mình.
Thách thức tiềm ẩn
Thách thức đầu tiên khi tham gia vào một liên minh an ninh nằm ở việc phải tuân thủ các văn bản đã ký và nguyên tắc hoạt động của tổ chức đó. Mỹ hiện đang đóng vai trò dẫn dắt một số cơ chế hợp tác an ninh, quốc phòng ở khu vực, châu lục trong đó Mỹ cũng là nhân tố chi phối đến chính sách đối ngoại của các thành viên. Với trường hợp Ấn Độ tham gia vào AUKUS, nước này có khả năng sẽ phải thay đổi một số quan điểm trong đối ngoại. Điều đó ảnh hưởng nhiều đến không chỉ Ấn Độ mà còn những quốc gia khác trong khu vực bị tác động trước sự xuất hiện thường xuyên hơn các lực lượng bên ngoài. Chấp nhận chung tầm nhìn, chung mục tiêu với Mỹ đồng nghĩa với tính tự chủ chiến lược trong quyền tự quyết định bị giảm đi đáng kể.
Châu Âu hiện đang gặp nhiều vấn đề bất cập từ hệ quả của xung đột Nga – Ukraine. Anh cũng phải đối mặt với những thách thức lớn kể từ khi rời EU thậm chí khi AUKUS ra đời đã hình thành mâu thuẫn giữa Anh với Pháp trong các khoản viện trợ hạt nhân cho Australia. Từ đây, nếu xây dựng một trục quan hệ Washington – London – New Delhi – Canberra tạo ra thế liên kết mắt xích ảnh hưởng tác động lẫn nhau, trong trường hợp một mắt xích gặp khủng hoảng sẽ kéo theo những nước trong hệ thống mắt xích đó chưa kể đến cơ chế hoạt động của AUKUS chưa có các tuyên bố hành động chung mà chỉ mang tính ba bên.
AUKUS ra đời với trọng tâm hoạt động chính ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với mục tiêu kiềm tỏa Trung Quốc, cũng có nghĩa rằng nó bao trùm cả khu vực Nam Á. Nếu Ấn Độ tham gia vào AUKUS chắc chắn sẽ nhận lại những phản ứng đáp trả từ hai quốc gia láng giềng không thân thiện là Pakistan và Trung Quốc. Thỏa thuận 3 bên đưa ra nhằm khuyến khích các thành viên tăng cường năng lực hạt nhân của mình trước những thách thức an ninh toàn cầu. Ở trụ cột đầu tiên, nếu Australia có thể được trang bị nhiều hỗ trợ về hạt nhân hơn thì Ấn Độ cũng hoàn toàn có thể. Điều đó tác động lớn đến cán cân quyền lực thông thường giữa Pakistan và Ấn Độ, buộc cả 2 nước phải đánh giá lại học thuyết hạt nhân của mình. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã đưa ra tín hiệu với các nước thù địch rằng New Delhi có thể thay đổi chính sách “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước” được coi như động thái đáp trả mạnh mẽ. Khi điều đó xảy ra, New Delhi có thể kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới tại một Nam Á vốn đang chao đảo bởi vũ khí hạt nhân[10].
Là quốc gia sở hữu đầu đạn hạt nhân nhưng trước sức mạnh vượt trội của Ấn Độ cùng sự hỗ trợ từ phương Tây, Islamabad (thủ đô Pakistan) có thể sẽ buộc phải củng cố quan hệ đồng minh với Trung Quốc trên bàn cờ chiến lược về quốc phòng và an ninh. Trung Quốc có thể tạo ra một thỏa thuận kiểu AUKUS với Pakistan nhằm đối trọng với Ấn Độ. Đô đốc M Amjad Khan Niazi, Tham mưu trưởng Hải quân Pakistan, khẳng định mối quan hệ an ninh hải quân giữa Bắc Kinh và Islamabad trong những năm qua đã được củng cố bởi một loạt hoạt động mua sắm vũ khí, khi Pakistan đang hiện đại hóa khả năng tác chiến hải quân, mua các khinh hạm công nghệ tiên tiến do Trung Quốc sản xuất[11]. Thỏa thuận AUKUS vô tình thúc đẩy xung đột quân sự hóa trong tương lai và các cuộc tranh giành quyền lực lớn ở Ấn Độ Dương.
Tại Thái Bình Dương – khu vực AUKUS hoạt động mạnh mẽ nhất trong đó Đông Nam Á là vùng trọng điểm chiến lược mà Mỹ, Australia trở thành hai nhân tố đóng góp vai trò lớn thực hiện mục tiêu của AUKUS. Tuy nhiên, trong 3 thành viên sáng lập chỉ có Australia có khoảng cách địa lý dễ dàng tiếp cận với Đông Nam Á nhất còn Anh ở quá xa trong khi Mỹ phải tạo ảnh hưởng thông qua hệ thống “chuỗi đảo”. Từ đó, Ấn Độ chính là ứng cử viên tốt nhất cho việc AUKUS thiết lập phạm vi ảnh hưởng toàn diện đến Đông Nam Á. Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã có nhiều hoạt động nhằm tăng cường sự hiện diện của mình ở khu vực Đông Nam Á. Trên thực tế, nếu phát huy thành công cầu nối Ấn Độ – ASEAN tạo thành một khu vực giao thương rộng lớn nối liền hai đại dương sẽ giúp New Delhi đạt được nhiều lợi ích về kinh tế lẫn chính trị. Mặt khác, trước sức mạnh Sáng kiến “Vành đai, Con đường” ở khu vực Đông Nam Á đang tạo áp lực ngày càng lớn đối với Ấn Độ trong việc cạnh tranh ở các thị trường mới nổi, cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy Ấn Độ tích cực đẩy mạnh hợp tác với Đông Nam Á để duy trì lợi ích địa – chính trị của mình. Bên cạnh đó, Ấn Độ thông qua việc mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á để tăng cường tương tác với chiến lược xoay trục châu Á do Mỹ thúc đẩy[12].
Trong trường hợp Ấn Độ tham gia AUKUS và can dự chính trị nhiều vào ASEAN làm ảnh hưởng đến trật tự Đông Nam Á lấy cộng đồng ASEAN làm trung tâm sẽ nhận lại phản ứng không tích cực. Quan hệ với Ấn Độ trong trường hợp đó sẽ bị suy giảm đáng kể. Lý do đến từ quan điểm của mỗi nước ASEAN về AUKUS hoàn toàn khác nhau. 10 thành viên ASEAN đều tranh thủ cả Trung Quốc và Mỹ để phát triển. Do đó, khối này không mong muốn bị can thiệp vào các công việc nội bộ và lo lắng về nguy cơ chạy đua vũ trang. Cựu Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri cảnh báo rằng thỏa thuận AUKUS có thể kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trong khu vực[13].
Kết luận
Khả năng trở thành thành viên thứ tư trong tương lai của Ấn Độ còn khá mơ hồ và thận trọng trong việc thể hiện thái độ với AUKUS trước những phản ứng tiêu cực có thể xảy ra từ các quốc gia xung quanh nhất là Trung Quốc. Đối với New Delhi, điều cấp thiết trước mắt phải đoàn kết với các đối tác của mình hơn chú trọng vào liên minh lợi ích nhóm, đặc biệt là vào thời điểm căng thẳng quốc tế gia tăng. Với tính chất định hướng quân sự hóa của AUKUS, nếu Ấn Độ hợp tác AUKUS sẽ gửi thông điệp cho Trung Quốc rằng nước này đang là mục tiêu trong chiến thuật “răn đe tích hợp” mà Mỹ xây dựng, việc đưa AUKUS đến một quốc gia sát sườn với Trung Quốc sẽ khiến Bắc Kinh cảm thấy bị thách thức nghiêm trọng. Từ đó, những hành động răn đe hoặc trả đũa sẽ làm mâu thuẫn hiện có đẩy lên cao, gia tăng bất ổn và nguy cơ xảy ra xung đột quân sự trong khu vực. Sự hợp tác giữa Ấn Độ và AUKUS cho thấy tham vọng lớn hơn của liên minh không chỉ dừng lại ở 2 trụ cột mà mở rộng hơn sang các lĩnh vực vũ trang quốc phòng khác. Trước nhiều thách thức tiềm ẩn, việc xuất hiện tiếng nói của New Delhi trong AUKUS cần có thêm thời gian. Ấn Độ hiện chú trọng hơn các vấn đề hợp tác đa phương diện trong khuôn khổ Quad sắp tới có thể thành Quad+. Khi đó khả năng củng cố an ninh sẽ được tăng cường với mạng lưới thành viên rộng mở mới thay vì phải tham gia chính thức vào một liên minh chỉ để nhằm vào mục đích tăng cường hạt nhân để chống lại quốc gia khác./.
Tác giả: Phạm Quang Hiền
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Hoàng Vũ (2023), “Gia tăng đáng kể” khả năng AUKUS có thêm thành viên”, Quân đội Nhân dân. https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/gia-tang-dang-ke-kha-nang-aukus-co-them-thanh-vien-748971
[2] Lucy Craymer & Renju Jose (2023), “Blinken says door open for New Zealand to engage on AUKUS”, Reuters. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/blinken-says-door-open-new-zealand-engage-aukus-2023-07-27/
[3] Demetri Sevastopulo (2024), “US, UK and Australia say Japan could join part of Aukus pact”, Financial Times. https://www.ft.com/content/f93e7d2f-5d60-4f77-88f1-96fc61115378
[4][5] Xem pdf tại: White House (2022), “National Security Strategy”. https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2022/10/Biden-Harris-Administrations-National-Security-Strategy-10.2022.pdf
[6] Ajeet Kumar (2023), “UK invites India to join AUKUS agreement. Will India join trilateral security pact?”, INDIA TV News. https://www.indiatvnews.com/news/world/aukus-expansion-uk-invites-india-to-join-trilateral-security-agreement-with-us-australia-japan-will-india-join-aukus-analysis-quad-nato-russia-china-2023-01-31-843661
[7] IISS (2022), “The effect of AUKUS on India’s foreign and defence policies”. https://www.iiss.org/publications/strategic-comments/2022/the-effect-of-aukus-on-indias-foreign-and-defence-policies/
[8] VOV (2021), “Lý do Ấn Độ không phản ứng gay gắt về AUKUS”. https://vov.gov.vn/ly-do-an-do-khong-phan-ung-gay-gat-ve-aukus-dtnew-302689
[9] Caleb Silver (2023), “The Top 25 Economies in the World”, Investopedia. https://www.investopedia.com/insights/worlds-top-economies/
[10][11]Ozer Khalid (2021), “AUKUS intensifies Pak-India rivalry”, Tribune. https://tribune.com.pk/story/2322700/aukus-intensifies-pak-india-rivalry#google_vignette
[12] Chí Thành (2021), “Đông Nam Á trong chiến lược của Ấn Độ , Tạp chí Cộng sản. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/dong-nam-a-trong-chien-luoc-cua-an-do
[13] Vietnamplus (2021), “Ba thách thức liên minh AUKUS đặt ra đối với ASEAN”.https://www.vietnamplus.vn/ba-thach-thuc-lien-minh-aukus-dat-ra-doi-voi-asean-post744652.vnp