Cục diện chính trị quốc tế trở nên rất căng thẳng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại miền đông Ukraine (ngày 24/02/2022). Ngay sau quyết định mang tính lịch sử của người đứng đầu Điện Kremlin, Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đã đẩy mạnh hỗ trợ tài chính, cung cấp vũ khí và trang bị chiến đấu cho Ukraine; đồng thời mở rộng thêm nhiều lệnh trừng phạt ở hầu khắp các lĩnh vực đối với các cá nhân, tổ chức của Nga nhằm làm tê liệt và phá hủy nền kinh tế nước này. Song thực tế lại cho thấy kịch bản đối nghịch. Mặc dù xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine sắp bước sang năm thứ ba với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Nhưng đến hiện tại, kinh tế nước này vẫn đang cho thấy những tín hiệu phục hồi và phát triển tương đối ổn định bất chấp những khó khăn trong không gian hậu Covid, xung đột hay các lệnh trừng phạt từ Mỹ và đồng minh phương Tây. Nghiên cứu này sẽ tập trung phân tích thực trạng, triển vọng kinh tế và phương pháp hóa giải khó khăn do các lệnh trừng phạt kinh tế của Nga, từ đó đưa ra một số gợi ý tham khảo hữu ích cho quá trình xây dựng hoàn thiện mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Năm 2024 là năm tiếp tục chứng kiến những bất ổn và xung đột xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới do mâu thuẫn về địa chính trị – kinh tế gia tăng. Ở khu vực Trung đông, vụ tấn công vào Israel bằng UAV và tên lửa của Iran đã đẩy căng thẳng giữa Israel với Hamas, Hezbollah và Iran lên một nấc thang mới. Diễn biến tại khu vực này đang thu hút sự quan tâm và phản ứng mạnh mẽ từ nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước lớn. Giới quan sát quốc tế nhận định nếu những hành động gây hấn và trả đũa của các nước tiếp tục leo thang, có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện lan rộng ở Trung Đông. Trong khi đó ở châu Âu, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn, thậm chí còn gia tăng mức độ quyết liệt bởi các bên liên quan đều kiên định với những điều kiện chấm dứt khủng hoảng mà bên kia không thể chấp nhận được. Mới đây, việc Mỹ và nước đồng minh phương Tây cho phép quân đội Ukraine sử dụng vũ khí mà họ viện trợ để tấn công vào các mục tiêu quân sự, cơ sở hạ tầng quan trọng trong lãnh thổ Nga là “giọt nước tràn ly” làm cho tình hình xung đột thêm phần phức tạp, cũng như làm gia tăng khả năng đối đầu trực tiếp giữa Nga và khối quân sự NATO. Đó là lo ngại có cơ sở khi trong tháng 8 vừa qua, quân đội Ukraine đã thực hiện cuộc tấn công chiến lược vào tỉnh Kursk bên trong lãnh thổ Nga khiến cho khả năng đạt được thỏa thuận đàm phán hòa bình, hòa giải xung đột giữa hai bên tiếp tục đi vào bế tắc. Trước những diễn biến đó, trong cuộc họp báo ở thủ đô Moskva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo rằng các cuộc đàm phán giữa nước này và Ukraine có thể ngày càng khó khăn hơn theo thời gian[1]. Nếu kịch bản xung đột kéo dài xảy ra, chắc chắn sẽ gây tác động tiêu cực rất lớn tới vấn đề hòa bình – an ninh tại nhiều khu vực; an ninh lương thực và an ninh năng lượng trên phạm vi toàn cầu; khủng hoảng nhân đạo cùng với nhiều hệ lụy khó đoán định khác.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tưởng chừng như thuần túy thách thức ấy vẫn có những điểm sáng tăng trưởng kinh tế mà giới nghiên cứu cần lưu ý để lý giải thực trạng, nguyên nhân và tìm kiếm giải pháp đúng hướng cho tương lai. Đơn cử là trường hợp Liên bang Nga, bất chấp xung đột leo thang với Ukraine và các lệnh trừng phạt từ Mỹ, đồng minh phương Tây; kinh tế Nga hiện vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định và trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP). Cụ thể, trong các năm 2022 và 2023, RIA Novosti (một hãng thông tấn thuộc sở hữu nhà nước của Nga) đã công bố báo cáo về GDP tính theo PPP của nước này lần lượt đạt 6 nghìn tỷ USD năm 2022 và 6,45 nghìn tỷ USD năm 2023. Kết quả này giúp cho Nga tiếp tục giữ vị trí thứ 4 trên thế giới sau Trung Quốc (35 nghìn tỷ USD), Mỹ (27,4 nghìn tỷ USD) và Ấn Độ (14,6 nghìn tỷ USD)[2]. Nhìn theo hướng tích cực, kinh tế Nga đang thách thức mọi dự báo của các chuyên gia phương Tây khi không những không sụp đổ mà còn trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất và lớn nhất châu Âu[3]. Chính vì vậy, các nghiên cứu lý giải nguyên nhân giúp kinh tế Nga vượt qua khó khăn do xung đột và cơn bão “trừng phạt” đang được rất nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, trong đó có Việt Nam để tiếp thu kinh nghiệm ứng phó hiệu quả trong trường hợp nền kinh tế phải đối mặt với khủng hoảng do xung đột hay các vấn đề toàn cầu cấp bách khác.
Thực trạng kinh tế Nga những năm gần đây
Kinh tế Nga trước khi thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt”
Tính từ thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, lây lan và mở rộng phạm vi phá hoại đối với toàn bộ đời sống kinh tế – xã hội thế giới năm 2019, kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Nga nói riêng đã phải đương đầu với rất nhiều khó khăn. Theo số liệu công bố của Cơ quan thống kê Nga Rosstat, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này chỉ đạt 109.300 tỷ Rub năm 2019 (tương đương 1.700 tỷ USD). Cũng trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nga là 1,3%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 2,5% năm 2018 và ở dưới mức dự báo 1,4% do Chính phủ đưa ra[4]. Trong hai năm tiếp theo trước khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” được tiến hành (2020-2021), kinh tế Nga cũng tương đối ảm đạm do phải chịu sức ép lớn từ đại dịch Covid-19. Trong thời gian này, các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội để đối phó với dịch bệnh khiến cho các hoạt động sản xuất kinh doanh ở cả trong nước và trên thế giới giảm đáng kể. Chính sự suy giảm sản xuất đã dẫn đến nhu cầu sử dụng dầu và các năng lượng khác giảm chưa từng có. Đáng nói, Nga là một trong số các quốc gia xuất khẩu dầu và khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới, nguồn doanh thu đến từ dầu mỏ và khí đốt chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của nước này. Chính vì vậy, giá dầu thế giới giảm trong thời gian dịch bệnh bùng phát đã giáng một đòn mạnh mẽ vào kinh tế xuất khẩu năng lượng của Nga. Cụ thể, những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã khiến cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga sụt giảm 3,1% vào năm 2020, đây thậm chí được đánh giá là mức giảm mạnh nhất trong 11 năm qua theo ước tính do Cơ quan thống kê quốc gia Nga (Rosstat) công bố[5]. Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá kinh tế vĩ mô của Cơ quan xếp hạng quốc gia (NRA) tại Nga cũng chỉ ra rằng, thiệt hại kinh tế do đại dịch có thể lên tới 17,9 nghìn tỷ RUB và 15,5 triệu người có thể rơi vào cảnh thất nghiệp[6]. Bước sang năm 2021, không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, kinh tế Nga cũng đối diện với khủng hoảng do đại dịch và lạm phát. Các biến thể mới của Covid-19 đã xuất hiện tại nhiều nơi trên thế giới với tốc độ lây lan nhanh gây nguy hại lớn đến sức khỏe cộng đồng; nó khiến cho tình hình lao động, việc làm và sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn; đáng chú ý là tỷ lệ lạm phát gia tăng đáng báo động trên phạm vi toàn cầu.
BẢNG 1: Tỷ lệ lạm phát tại một số quốc gia và mục tiêu lạm phát của Chính phủ
những năm (2019-2021)[7]
Quốc gia | 2019 | 2020 | 2021 | Mục tiêu của Chính phủ |
Brazil | 4,3 | 4,5 | 10 | 3,5 |
Anh | 1,3 | 0,8 | 4,8 | 2,0 |
Đức | 1,5 | -0,3 | 5,3 | 2,0 |
Ấn Độ | 7,4 | 4,6 | 5,6 | 4,0 |
Italia | 0,5 | -0,2 | 3,9 | 2,0 |
Canada | 2,3 | 0,7 | 4,8 | 2,0 |
Trung Quốc | 4,4 | 0,3 | 1,4 | 3,0 |
Mexico | 2,8 | 3,2 | 7,4 | 3,0 |
Ba Lan | 3,2 | 2,3 | 8,7 | 2,5 |
Liên bang Nga | 3,0 | 4,9 | 8,4 | 4,0 |
Hoa Kỳ | 2,3 | 1,4 | 7,0 | 2,0 |
Thổ Nhĩ Kỳ | 11,8 | 14,6 | 36,0 | 5,0 |
Pháp | 1,4 | -0,0 | 2,8 | 2,0 |
Chi lê | 3 | 3,0 | 7,2 | 3,0 |
Nhật Bản | 0,8 | -1,2 | 0,8 | 2,0 |
Nguồn: International Monetary Fund[8]; Росстат[9]; Bank of India[10]; The State Council The People’s Republic of China[11]; Bank of Japan[12]; Central Bank of Brazil[13]; Banco Central Chile[14]; Central Bank of Turkey; Bank of England[15]; South Africa Reserve Bank[16]
Theo dõi số liệu Bảng 1 về tỉ lệ lạm phát tại một số quốc gia và mục tiêu của Chính phủ nhằm giữ ổn định chỉ số lạm phát (2019-2021) có thể thấy; ở hầu hết các quốc gia trong 3 năm ứng phó với đại dịch Covid-19 đều chứng kiến tình trạng lạm phát gia tăng nhanh chóng khó kiểm soát. Về cơ bản, sự can thiệp của Chính phủ vào đời sống kinh tế để thực hiện mục tiêu lạm phát đều chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Trong trường hợp Liên bang Nga, chỉ số lạm phát tại nước này đã liên tục tăng cao từ 3,0% năm 2019 lên 4,9% năm 2020 và 8,4% năm 2021; trong khi đó mục tiêu của Chính phủ là giữ tỷ lệ lạm phát ở mức 4,0%. Những diễn biến này trước mắt chưa thể ngay lập tức đẩy nền kinh tế vào bờ vực khủng hoảng, suy thái; tuy nhiên, suy cho cùng lạm phát tăng cao là dấu hiệu rõ ràng của việc mất cân đối trong cơ cấu nền kinh tế. Dẫu vậy, năm 2021 vẫn được đánh giá là năm đón nhận khá nhiều tín hiệu tích cực đối với kinh tế nước này. Tính đến cuối tháng 10 năm 2021, mặc dù tỷ lệ lạm phát của Nga đạt mức 7,5% (so với mức mục tiêu 4% đưa ra)[17], tuy nhiên nền kinh tế nước này về cơ bản vẫn duy trì mức tăng trưởng và phục hồi mạnh mẽ, thậm chí chỉ số tăng trưởng năm 2021 đã đạt mức trước khi đại dịch bùng phát.
Bảng 2: Tăng trưởng GDP (%) của một số quốc gia giai đoạn 2019–2021[18]
Quốc gia |
2019 | 2020 | 2021 | 2021/2019 |
Úc | 1,9 | -2,4 | 3,5 | 1,1 |
Argentina | -2 | -9,9 | 7,5 | -3,1 |
Brazil | 1,4 | -4,1 | 5,2 | 1,0 |
Anh | 1,4 | -9,8 | 6,8 | -3,7 |
Đức | 1,1 | -4,6 | 3,1 | -1,6 |
Ấn Độ | 4,0 | -7,3 | 9,5 | 1,6 |
Italia | 0,3 | -8,9 | 5,8 | -3,6 |
Canada | 1,9 | -5,3 | 5,7 | 0,1 |
Trung Quốc | 6,0 | 2,3 | 8,0 | 10,5 |
Malaysia | 4,4 | -5,6 | 3,5 | -2,3 |
Mexico | -0,2 | -8,3 | 6,2 | -2,6 |
Ba Lan | 4,7 | -2,7 | 5,1 | 2,3 |
Liên bang Nga | 2,0 | -3,0 | 4,7 | 1,6 |
Hoa Kỳ | 2,3 | -3,4 | 6,0 | 2,4 |
Thổ Nhĩ Kỳ | 0,9 | 1,8 | 9,0 | 10,9 |
Pháp |
1,8 | -8,0 | 6,3 | -2,2 |
Chi Lê | 1 | -5,8 | 11 | 4,5 |
Nam Phi | 0,1 | -6,4 | 5,0 | -1,8 |
Nhật Bản | 0,0 | -4,6 | 2,4 |
-2,3 |
Nguồn: International Monetary Fund; World Economic Outlook Database, 10/2021
Dựa trên số liệu Bảng 2 và công bố của Cơ quan Thống kê Quốc gia Nga Rosstat, GDP của Nga đã tăng lên 4,7% trong năm 2021, đây là mức tăng nhanh nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 đến nay. Con số này thậm chí cao hơn so với mức dự báo 4,5% trong một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Bloomberg (một tập đoàn chuyên cung cấp tin tức, thông tin tài chính toàn cầu)[19]. Bên cạnh đó, thị trường lao động tại Nga cũng đang được phục hồi và tỷ lệ thất nghiệp giảm đều đặn trong thời gian này. Năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp đã đạt mức 4,3% vào cuối năm và lực lượng lao động tăng thêm 1,7 triệu người. Con số này cũng giúp gia tăng vị trí việc làm lên (khoảng 25%) và tỷ lệ số người thất nghiệp trên vị trí việc làm giảm xuống còn 1,7 thấp hơn nhiều so với cùng chỉ số năm 2019 và năm 2020 lần lượt là 1,9 và 2,95[20]. Những dấu hiệu đó cho thấy tăng trưởng kinh tế đã bắt đầu trở lại và thu nhập thực tế khả dụng của người dân cũng bắt đầu tăng lên. Giải thích điều này, giới nghiên cứu cho rằng, đó là hiệu quả mang lại từ các biện pháp kích thích sản xuất kinh tế nội địa phục vụ cho chiến dịch quân sự cũng như sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau khi đẩy lùi Covid-19, giá năng lượng tăng trở lại…, đây được cho là những yếu tố góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Nga.
Kinh tế Nga trong thời gian thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt”
Mặc dù kết thúc 2021 với nhiều điểm sáng tăng trưởng kinh tế nhanh hơn so với mức dự báo, song năm 2022 lại đặt Nga đứng trước nguy cơ suy thái kinh tế nghiêm trọng khi một số quốc gia phát triển đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này. Đáng chú ý là việc đóng băng tài sản dự trữ quốc tế của Ngân hàng Nga, loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế, hạn chế nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc từ Nga, xuất khẩu công nghệ sang Nga và một số biện pháp cứng rắn khác. Đó là hành động của Mỹ, đồng minh phương Tây và một số quốc gia không thân thiện (theo cách hiểu của Moskva) nhằm phản đối hành động quân sự của Nga tại miền đông Ukraine. Cụ thể vào sáng ngày 22 tháng 4 năm 2022 theo giờ Việt Nam, Hãng Thông tấn TASS của Nga đưa tin, phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định thực hiện “Chiến dịch quân sự đặc biệt” tại hai nhà nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở vùng Donbass thuộc miền Đông Ukraine. Tuyên bố trên được ông Putin đưa ra nhằm đáp lại lời đề nghị hỗ trợ quân sự của lãnh đạo hai nước cộng hòa tự xưng nêu trên. Ngay sau khi quyết định can thiệp quân sự của Tổng thống Putin có hiệu lực, Mỹ và phương Tây đã tăng cường các lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có đối với Nga. Mặc dù Chính phủ Nga đã tích lũy được nguồn dự trữ vào khoảng hơn 630 tỷ USD (562 tỷ Euro)[21], song sự cô lập ngày càng tăng về tài chính và chính trị do Mỹ và các đồng minh phương Tây đứng đầu sẽ tiếp tục gây ra nhiều hậu quả nặng nề cho nền kinh tế nước này khi mà các lệnh trừng phạt chưa được tháo gỡ.
Kinh tế Nga năm 2022 tương đối biến động. Một mặt, Nga tiếp tục theo đuổi mục tiêu phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, mặt khác phải cải cách, điều chỉnh cơ chế nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt trong lĩnh vực tài chính, kinh tế[22]. Trong những tháng đầu năm, về cơ bản kinh tế Nga vẫn duy trì được sự ổn định, thậm chí có triển vọng tăng trưởng do nhu cầu tăng cường sản xuất nội địa để phục vụ cho chiến dịch quân sự gia tăng… Tuy nhiên, những thay đổi về điều kiện chính trị và kinh tế có phần bất lợi sau đó do (các biện pháp trừng phạt chưa từng có đã hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp Nga vào thị trường tài chính, hàng hóa, dịch vụ và công nghệ toàn cầu), dẫn đến sự gián đoạn và gây khó khăn lớn cho mô hình phục hồi kinh tế sau dịch Covid. Có thể kể đến như việc GDP trong quý 2 năm 2022 giảm tới 4,1%, tiêu dùng hộ gia đình cũng giảm xuống mức -5,5% do lạm phát khiến giá của nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng cao[23]. Trong không gian kinh tế quốc tế, các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và các nước đồng minh đã cản trở đáng kể hoạt động vận tải, hoạt động xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu của Nga. Đồng thời, việc hàng loạt các công ty và doanh nghiệp nước ngoài rút lui khỏi thị trường Nga đã khiến cho nền kinh tế nước này chịu nhiều tổn thất lớn, nhất là đối với các lĩnh vực chưa thể tự chủ, còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, vốn và công nghệ nước ngoài. Quý 3 cùng năm, nước này tiếp tục chứng kiến nhiều diễn biến khó lường đối với nền kinh tế. Trong khi lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp quốc phòng tăng trưởng nhanh chóng thì hoạt động thương mại lại sụt giảm nghiêm trọng tới -22,6%, doanh thu vận tải hàng hóa cũng giảm -5,5%, điều này làm thay đổi đáng kể trong chuỗi vận tải – logistics làm thay đổi giá vận chuyển và ảnh hưởng không nhỏ tới sức mua của người dân (Quan sát BẢNG 3).
BẢNG 3: Một số chỉ số kinh tế vĩ mô chính giai đoạn (2021-2022)[24]
|
2021 | 2022 | ||||||||
Năm | Báo cáo theo quý | Năm | Báo cáo theo quý | |||||||
I | II | III | IV | I | II | III | IV | |||
Chỉ số phát triển kinh tế bên trong |
||||||||||
GDP | 105,6 | 99,7 | 110,5 | 104,0 | 105,0 | 97,9 | 103,5 | 95,9 | 96,3 | 99,9 |
Sản lượng kinh tế | 105,9 | 100,1 | 113,1 | 104,7 | 106,1 | 98,7 | 104,5 | 96,3 | 97,3 | 96,9 |
Công nghiệp | 106,4 | 99,7 | 111,1 | 107,1 | 107,9 | 99,4 | 105,1 | 97,4 | 98,8 | 97,0 |
Nông nghiệp | 99,6 | 100,3 | 100,1 | 94,6 | 107,1 | 110,2 | 105,4 | 108,4 | 112,7 | 109,4 |
Xây dựng | 107,0 | 104,4 | 111,0 | 104,0 | 108,2 | 105,2 | 103,9 | 103,6 | 105,2 | 106,9 |
Giao thông vận tải | 105,6 | 100,5 | 110,2 | 107,0 | 104,8 | 97,4 | 104,2 | 97,0 | 94,6 | 94,4 |
Thương mại bán lẻ | 107,8 | 99,2 | 124,3 | 105,9 | 104,7 | 93,3 | 103,5 | 90,2 | 90,6 | 90,5 |
Dịch vụ công | 116,7 | 96,8 | 153,2 | 116,4 | 112,6 | 103,2 | 107,8 | 100,0 | 101,3 | 101,6 |
Thương mại bán buôn | 105,9 | 104,9 | 116,9 | 102,0 | 102,1 | 88,5 | 103,3 | 84,8 | 77,6 | 81,0 |
Chỉ số phát triển kinh tế bên ngoài |
||||||||||
Cán cân thương mại | 221,9 | 93,4 | 238,2 | 314,2 | 319,9 | 166,0 | 307,7 | 263,9 | 138,4 | 73,8 |
Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ | 144,2 | 101,6 | 158,5 | 163,0 | 158,5 | 114,2 | 160,4 | 127,6 | 104,0 | 84,6 |
Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ | 124,6 | 104,6 | 140,9 | 132,5 | 123,0 | 91,0 | 112,6 | 76,6 | 87,5 | 90,9 |
Tỷ giá hối đoái đồng Rub/Đôla Mỹ | 73,6 | 74,34 | 74,2 | 73,47 | 72,59 | 67,5 | 84,73 | 66,01 | 59,40 | 62,3 |
Giá dầu (Đôla Mỹ/Thùng) | 69,1 | 60,0 | 67,2 | 71,2 | 78,2 | 77,5 | 90,5 | 80,6 | 76,2 | 63,2 |
Nguồn: Росстат; ЦБ РФ.
Các số liệu trên cũng cho thấy sự mất cân đối sâu sắc trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau ở Nga. Đơn cử là trường hợp doanh thu từ thương mại bán lẻ giảm 9,4% so với quý 3 năm 2021. Điều này xuất phát từ những thay đổi trong hành vi tiêu dùng của người dân, thu nhập thực tế giảm cộng với tình trạng lạm phát gia tăng khiến cho giá sản phẩm vượt ngưỡng thông thường làm giảm đáng kể sức mua của người dân. Đồng thời, hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu cũng gặp nhiều khó khăn, khiến cho cho cán cân thương mại liên tiếp sụt giảm trong 3 quý cuối năm 2022 (từ 263,9 xuống 138,4 và 73,8). Song nhìn chung trong 3 quý cuối năm 2022, mặc dù tiếp tục nhận thêm nhiều lệnh trừng phạt mới từ Mỹ và đồng minh phương Tây, nhưng về cơ bản các thành phần kinh tế chính trong Nga vẫn cố gắng duy trì mức tăng trưởng và không ngừng cải cách nhằm thích ứng để tạo ra đột biến, mặc dù còn khó khăn và thiếu cân đối ở một số lĩnh vực khác nhau. Có thể liệt kê một số điểm sáng trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng đạt mức tăng trưởng khá ổn định. Bên cạnh đó, mặc dù bị hạn chế khá nhiều về vận tải quốc tế, tuy nhiên tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trong quý 2 và 3 của năm 2022 vẫn đạt mức 127,6 và 104,0 trước khi suy giảm xuống còn 84,6 vào quý 4 năm 2022. Đáng chú ý, là việc tỷ giá hối đoái giữa đồng Rub nội tệ của Nga so với đồng Đô la Mỹ liên tục giảm trong năm 2022 giúp cho đồng tiền của nước này gia tăng giá trị đáng kể khi được sử dụng trong các giao dịch quốc tế; điều này có ý nghĩa rất lớn khi Nga thực hiện chính sách xuất khẩu dầu bằng đồng Rub. Khi chiến sự nổ ra, đồng Rub của Nga giảm khoảng 85% so với đồng USD và giải pháp này đã giúp cho đồng Rub hồi phục, tăng trở lại trong thời gian ngắn.
Năm 2023, kinh tế Nga đã chứng tỏ khả năng thích ứng đáng kể trước các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và các nước đồng minh phương Tây. GDP của nước này bất ngờ đạt mức tăng trưởng 3,6%, cao hơn đáng kể so với dự báo; và cũng trong năm này, tỷ lệ thất nghiệp trung bình hằng năm ghi nhận ở mức 3,2%, mức thấp nhất kể từ năm 1992. Trước những diễn biến có lợi đó, tân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Andrey Belousov – người từng xuất thân là một chuyên gia kinh tế khẳng định rằng, Nga đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới nếu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng bền vững ít nhất 2% mỗi năm và tăng tốc dần lên 3%[25]. Trong một bài phát biểu tại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, Thủ tướng Chính phủ Mikhail Mishustin đã báo cáo về những kết quả đạt được trong năm 2023 với những con số hết sức ấn tượng[26]: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 3,6%. Tiếp theo, là sản xuất công nghiệp tăng 3,5%. Tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 3%. Đầu tư cũng tăng kỷ lục lên 10%. Thu ngân sách liên bang tăng gần 5%. Mức tăng trưởng ngành xây dựng đạt 8%. Tuổi thọ trung bình được cải thiện hơn mức trước dịch COVID-19. 50% dân số được kiểm tra sức khỏe định kỳ miễn phí...
Đánh giá chính sách kinh tế thời chiến và đối sách với các lệnh cấm vận, trừng phạt từ Mỹ và đồng minh phương Tây của Nga hiện nay
Những kết quả kinh tế tích cực trong năm 2024
Năm 2024, thế giới chứng kiến sự kiện chính trị quan trọng diễn ra ở Nga, đó là việc ông Putin tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ 5. Trong bầu cử lần này có một số nội dung cần lưu ý như: Bầu cử diễn ra trong thời điểm chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở miền đông Ukraine vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Đây là năm đầu tiên hệ thống bỏ phiếu trực tuyến từ xa được áp dụng. Tiếp theo là về mặt thời gian nắm quyền, Hiến pháp ban đầu quy định rằng Tổng thống chỉ có thể phục vụ hai nhiệm kỳ 4 năm, tuy nhiên Hiến pháp sửa đổi năm 2008 đã kéo dài nhiệm kỳ tổng thống lên 6 năm và tới năm 2020, Hiến pháp sửa đổi quy định không tính đến số lượng nhiệm kỳ mà Tổng thống đã đảm nhiệm tính đến thời điểm những nội dung sửa đổi Hiến pháp có hiệu lực[27]. Dựa trên những sửa đổi mới này, trong trường hợp thuận lợi ông Putin có thể duy trì quyền lực của mình tới năm 2036.
Về kinh tế, bất chấp sự cản trở và phong tỏa từ bên ngoài khi nhận thêm hàng hoạt lệnh trừng phạt mới bởi Mỹ và các đồng minh phương Tây, kinh tế Nga vẫn đứng vững trong năm 2024. Đến hiện tại, hàng nghìn lệnh trừng phạt đã được Mỹ và các đồng minh kích hoạt để “phá hoại” kinh tế Nga, buộc nước này phải chấm dứt chiến dịch quân sự đang theo đuổi ở Ukraine. Tuy nhiên, hiệu quả mong đợi vẫn chưa trông thấy. Kinh tế Nga hiện vẫn duy trì tăng trưởng ổn định và thậm chí còn vượt xa tốc độ tăng trưởng trung bình toàn cầu. Cơ quan thống kê Liên bang Nga (Rosstat) vừa qua tiếp tục công bố thêm nhiều báo cáo có lợi cho triển vọng kinh tế Nga năm 2024. Cụ thể, kinh tế nước này đã tăng trưởng đầy ấn tượng trong quý đầu tiên với tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I tăng 5,4%, các chỉ số khác như doanh thu bán lẻ cũng tăng tmạnh mẽ (tăng 10,5%), sản xuất nói chung (tăng 8,8%), xây dựng (tăng 3,5%)[28]. Căn cứ vào những bằng chứng thực tế đó, phát biểu trong cuộc họp của Chính phủ về các vấn đề kinh tế hôm 12/07/2024, Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Mikhail Mishustin nhận định, kinh tế Nga sẽ tăng trưởng với tốc độ cao hơn đáng kể so với dự báo. Điều này đã bổ sung thêm cho tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng nền kinh tế Nga hiện đã đứng thứ tư trên thế giới và nó cũng là bước khởi đầu thuận lợi cần thiết cho mục tiêu đưa Nga vào “Top 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới” năm 2030.
Đối sách hạn chế ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt kinh tế
Kinh tế Nga duy trì được sự ổn định và tiếp tục tăng trưởng cho đến nay dựa vào nhiều yếu chủ quan và khách quan có lợi khác nhau. Song trong đó, sự điều tiết, quản lý và các phương pháp “lách” trừng phạt hiệu quả của nhà nước được đánh giá là động lực chủ yếu. Để làm rõ về vấn đề này có thể điểm qua một số nội dung tiêu biểu sau:
Đầu tiên, ngay khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các nước phương Tây đã tiến hành phong tỏa khoảng 300 tỷ USD dự trữ vàng và ngoại hối của Nga, chủ yếu ở EU. Không chỉ phương Tây, chính quyền Ukraine cũng lựa chọn tịch thu tài sản của các cá nhân, tổ chức Nga ngay sau khi quân đội nước này tiến vào lãnh thổ của mình. Nhằm đáp trả lại cuộc chiến kinh tế phi luật lệ này, Nga cũng tiến hành tịch thu tài sản của các nước phương Tây để bù đắp những thiệt hại do tài sản bị phong tỏa ở bên ngoài. Theo ước tính của Nga, có khoảng hơn 288 tỷ USD là tài sản của phương Tây đang ở nước này. Vì vậy, về mặt lý thuyết, Nga có thể bù đắp được thiệt hại tài sản nói trên.
Tiếp theo, cần nhắc đến việc hàng loạt các công ty nước ngoài rút lui khỏi thị trường Nga. Khi xung đột với Ukraine nổ ra, rất nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đã tuyên bố kế hoạch ngưng hoạt động và có thể đưa sản xuất ra khỏi thị trường Nga. Đó là khó khăn lớn cần giải quyết để tránh tình trạng khủng hoảng sản xuất kinh doanh trong nước khi một số doanh nghiệp nước ngoài thậm chí chiếm chủ yếu thị phần tiêu dùng trong Nga ở một số lĩnh vực. Đối phó với điều này, Chính phủ Nga đã yêu cầu các công ty nước ngoài khi thanh lý tài sản tại Nga buộc phải chiết khấu 50% giá bán. Theo thống kê của hãng tin Reuters nếu buộc phải rời khỏi thị trường Nga để tránh lệnh trừng phạt từ phương Tây sẽ khiến các công ty nước ngoài chịu tổn thất lên đến hơn 107 tỷ USD[29]. Các công ty nước ngoài giờ đây bị mắc kẹt giữa việc hứng chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây hoặc bị quốc hữu hóa tài sản từ Chính phủ Nga.
Ngoài ra, cũng cần thiết phải quan tâm tới các lệnh trừng phạt liên quan đến xuất nhập khẩu dầu mỏ khí đốt. Các lệnh này bao gồm việc giới hạn giá dầu và cấm vận chuyển dầu bằng đường biển nhằm mục tiêu cắt giảm doanh thu xuất khẩu chính của Nga và ngăn chặn việc tài trợ cho các hoạt động quân sự của nước này. Song những nỗ lực đó đã không thành công. Để đối phó, Nga đã chuyển hướng hoạt động buôn bán năng lượng sang Trung Quốc và Ấn Độ bằng cách đưa ra các ưu đãi giảm giá. Nhờ đó, việc xuất khẩu năng lượng và duy trì nguồn doanh thu từ năng lượng của Nga vẫn đảm bảo tạo động lực cho kinh tế nước này tăng trưởng, tránh được tác động kinh tế nghiêm trọng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Đồng thời thông qua kênh dầu mỏ, khí đốt Nga cũng có cơ hội thúc đẩy sự phục hồi và lớn mạnh trở lại của đồng Rub nội tệ khi thường xuyên đặt nó vào trong các giao dịch thương mại dầu mỏ quốc tế với các đối tác. Việc bán dầu với giá ưu đãi giúp Nga tiếp tục nhận lượng lớn các đơn đặt hàng, điều này buộc các đối tác dầu mỏ của Nga phải tăng cường dự trữ ngoại hối bằng đồng Rub để có thể mua hàng. Điều đó đã giúp cho đồng tiền của Nga không bị trượt giá thê thảm giống như thời điểm đối mặt với đại dịch và giá dầu toàn cầu giảm trong quá khứ. Bổ sung cho những lỗ hổng trong trừng phạt xuất khẩu dầu của Nga, các nước phương Tây đồng thời cấm các công ty xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga sử dụng các cảng của khối để chuyển khí đốt giữa các tàu chở dầu lớn và các tàu nhỏ hơn dành cho các nước thứ ba. Tuy nhiên điều đó đã được hóa giải khi về mặt dầu mỏ và khi đốt, từ khi xung đột Ukraine nổ ra, Nga đã chuyển hướng hoàn toàn tất cả hàng xuất khẩu từ châu Âu sang các thị trường khác, chủ yếu là thị trường Trung Quốc và Ấn Độ.
Cuối cùng Nga đã làm tốt khi lựa chọn khắc phục lâu dài vấn đề bằng cách sử dụng các cơ chế hợp tác đa phương tiêu biểu như Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS). Ban đầu BRICS có năm thành viên bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi. Mới đây, tổ chức này cũng kết nạp thêm nhiều thành viên khác. Mặc dù mới đây xuất hiện tuyên bố tạm ngưng kết nạp thành viên, song theo dự kiến BRICS sẽ có thêm nhiều thành viên khác trong tương lai. Hiện nay, BRICS đang nỗ lực nhằm đưa ra giải pháp thay thế cho các hệ thống tài chính và chính trị truyền thống do phương Tây lãnh đạo và thể hiện vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ quyền của các nước đang phát triển trên thế giới của mình. Thông qua các cơ chế hợp tác đa phương sâu rộng này có thể giúp Nga tăng cường phối hợp với các thành viên khác để cùng hướng tới giải pháp ứng phó hiệu quả trước những thách thức đối với an ninh, ổn định của khu vực và quốc tế.
Dự báo kinh tế Nga trong năm 2025
Dựa trên những diễn biến tích cực hiện tại, kinh tế Nga nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng năm 2025. Tuy nhiên cũng không thể loại trừ những yếu tố bất lợi có thể xảy ra và nó sẽ ảnh hưởng rất lớn. Chính vì vậy cần tập trung vào những điều này.
Hình 1.
Biểu đồ thể hiện tỷ lệ thất nghiệp của người từ 15 tuổi trở lên
(tính theo % trong lực lượng lao động)
Nguồn: ЦМАКП[30]
Quan sát Hình 1 về tỷ lệ thất nghiệp đối với lao động tính từ tháng 02/2020 đến 04/2024, là tình trạng đáng báo động trong thị trường việc làm của Nga ít nhất là trong năm 2025. Điều này đã được cảnh báo từ trước khi Bộ trưởng Lao động Anton Kotykov cho hay tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động đang diễn ra nghiêm trọng trong các lĩnh vực sản xuất, xây dựng và vận tải,… Tình trạng này hoàn toàn có khả năng xảy ra trong năm tới nếu không kịp thời khắc phục khi mà làn song di cư vẫn còn diễn ra và việc thu hút lao động nước ngoài vào Nga cũng gặp nhiều khó khăn.
Hình 2.
Tổng cầu việc làm trong nền kinh tế (triệu việc làm)
Nguồn: ЦМАКП[31]
Tiếp theo, số liệu Hình 2 sẽ bổ sung thêm cho những lo ngại đã phân tích tại Hình 1. Tổng cầu việc làm tiếp tục có xu hướng tăng khi mà lượng lao động sụt giảm sẽ làm mất cân đối cơ cấu lao động – việc làm. Tình trạng thiếu lao động kéo dài có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp không thể sản xuất khối lượng hàng hóa và dịch vụ cần thiết, điều này khiến tốc độ tăng trưởng GDP giảm và đẩy nhanh lạm phát. Nhìn lại những tác động tiêu cực của cuộc lạm phát phi mã trong năm 2022 diễn ra chủ yếu ở EU và Nga. Ban đầu, nó xuất phát từ tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng khi nhiều mặt hàng quan trọng trở nên khan hiếm sau một loạt các lệnh trừng phạt của EU, trong đó năng lượng và lương thực được đánh giá là hai lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các lệnh trừng phạt kinh tế khiến cho tỷ lệ lạm phát gia tăng mạnh trong nhiều tháng với giá lương thực thực phẩm tăng chóng mặt đã khiến cho nhiều lao động người Nga có thu nhập thấp và không có nhiều tiền tiết kiệm rơi vào tình trạng khó khăn. Bắt buộc Chính phủ phải sử dụng nhiều biện pháp can thiệp khó khăn khi vừa phải bình ổn giá để người tiêu dùng có khả năng tiếp cận xong mặt khác cũng phải bảo vệ để kích thích doanh nghiệp sản xuất.
Hình 3.
Biểu đồ thể hiện chỉ số thu nhập, chi phí và thặng dư ( – thâm hụt)
trong ngân sách theo (% GDP)
Nguồn: ЦМАКП[32]
Cuối cùng, kết hợp những phân tích tại Hình 1, Hình 2 và số liệu được cung cấp tại Hình 3 để thấy kinh tế Nga có thể tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025 nhưng danh giới với khủng hoảng rất cần lưu tâm. Mặc dù nguồn thu ngân sách khá ổn định từ 2018 đến quý I/2024 tuy nhiên, các khoản chi ngân sách khổng lồ, đặc biệt là chi tiêu cho mục đích quốc phòng tăng cao khiến cho thâm hụt ngân sách ở mức tương đối cao. Để ứng phó với tình trạng thiếu lao động trầm trọng, các doanh nghiệp Nga buộc phải tăng lương nhằm tìm kiếm nguồn lao động mới. Tuy nhiên, tiền lương thực tế tăng cộng với chi tiêu mạnh tay của Chính phủ lại trở thành nguyên nhân khiến lạm phát tăng.
Gợi ý tham khảo cho Việt Nam
Từ kết quả phân tích thực trạng, triển vọng kinh tế thời chiến và phương pháp đối phó với các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây của Nga có thể cung cấp một số hàm ý thiết thực cho công cuộc xây dựng hoàn thiện mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam như sau:
Đầu tiên, cần khẳng định mặc dù các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đã gây ra tổn thất đáng kể cho Nga, nhưng nhờ những chính sách can thiệp, điều chỉnh và quản lý thích ứng linh hoạt hiệu quả của nhà nước đã giúp Nga tiếp tục duy trì ổn định nền kinh tế và tăng trưởng. Qua đó nhắc nhở Việt Nam cần giữ vững và kiên định với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản về con đường phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong trường hợp Việt Nam, đây là vấn đề có tính nguyên tắc và là nhân tố quyết định nhất bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của kinh tế thị trường, cũng như toàn bộ sự nghiệp phát triển của đất nước. Thực tế ở một số nước cho thấy, chỉ cần một chút mơ hồ, buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng là lập tức tạo điều kiện cho các thế lực thù địch dấn tới phá rã sự lãnh đạo của Đảng, cướp chính quyền, đưa đất nước đi con đường khác[33].
Tiếp theo, nhiều nhà phân tích nhận định, tăng trưởng kinh tế ổn định của Nga trong bối cảnh đối mặt nhiều thách thức là nhờ Moscow chuyển hướng kịp thời sang các thị trường ở châu Phi, Trung Đông và châu Á. Điều này hàm ý minh chứng cho sự đúng đắn trong chủ trương đổi mới về đối ngoại và hội nhập quốc tế mà Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo ở Việt Nam. Cụ thể, Đảng nghiên cứu học tập để kế thừa thành tựu, kinh nghiệm và bài học từ các nhiệm kỳ trước để xây dựng thắng lợi đường lối đối ngoại với phương châm chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, toàn diện, sâu rộng; góp phần giúp cho vị thế quốc gia của Việt Nam ngày càng được nâng cao hơn nữa trên trường quốc tế. Việc chủ động và tích cực tham gia vào quá trình xây dựng các nguyên tắc, chuẩn mực trong các thể chế song phương, đa phương trong khu vực và trên thế giới, xử lý đúng đắn các mối quan hệ giữa các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện sẽ giúp Việt Nam nhận được sự tín nhiệm và ủng hộ các lợi ích chính đáng từ cộng đồng quốc tế.
Ngoài ra, việc Nga tham gia sáng lập khối BRICS gồm các nền kinh tế mới nổi lớn với mục tiêu nhằm thách thức quyền bá chủ kinh tế của tập thể phương Tây cũng đặt ra nhiều gợi mở sâu sắc cho Đảng và Nhà nước Việt Nam. Hiện nay, BRICS đã thiết lập các lộ trình và thể chế hợp tác để đảm bảo khả năng chịu áp lực của các thành viên khi bên thứ ba gây tổn hại cho nền kinh tế của họ. Điều đó khá quan trọng giúp Nga giảm thiểu tác động tiêu cực từ bão trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Từ đó nhắc nhở việc chủ động kiến tạo và vận dụng nguồn lực đa phương từ Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như các định chế kinh tế quan trọng khác ở Đông Nam Á và trên thế giới chắc chắn sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, tăng cường vị thế trong giải quyết các vấn đề quốc tế thời gian tới. Vấn đề này cần hết sức lưu ý để thực hiện kiên định những nguyên tắc đối ngoại trong bối cảnh khu vực ngày một nóng hơn do sự cạnh tranh của các nước lớn, Việt Nam nhất thiết phải chủ động để tránh bị rơi vào tình thế bắt buộc phải chọn phe./.
Tác giả: Nguyễn Văn Nhu
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Thông tấn xã Việt Nam (2024), “Nga cảnh báo việc đàm phán với Ukraine ngày càng khó khăn”, Báo điện tử Thông tấn xã Việt Nam, https://www.vietnamplus.vn/nga-canh-bao-viec-dam-phan-voi-ukraine-ngay-cang-kho-khan-post973724.vnp, truy cập ngày 30/08/2024.
[2] Minh Phương (2024), “Kinh tế Nga tăng trưởng bất chấp xung đột: Nga càng đánh, càng mạnh?”, Báo Dân trí, https://dantri.com.vn/the-gioi/kinh-te-nga-tang-truong-bat-chap-xung-dot-nga-cang-danh-cang-manh-20240603164134440.htm, truy cập ngày 31/08/2024.
[3] Song Minh (2024), “Tổng thống Putin tuyên bố kinh tế Nga lớn nhất châu Âu”, Báo Lao động, https://laodong.vn/the-gioi/tong-thong-putin-tuyen-bo-kinh-te-nga-lon-nhat-chau-au-1301021.ldo, truy cập ngày 01/09/2024.
[4] Thông tấn xã Việt Nam (2020), “Kinh tế Nga tăng trưởng chậm trong năm 2019”, Báo điện tử VTV, https://vtv.vn/kinh-te/kinh-te-nga-tang-truong-cham-trong-nam-2019-20200204010542468.htm, truy cập ngày 02/09/2024.
[5] Thương Nguyệt (2021), “Kinh tế Nga suy giảm mạnh nhất trong 11 năm”, Báo Hà Nội mới, https://hanoimoi.vn/kinh-te-nga-suy-giam-manh-nhat-trong-11-nam-494025.html, truy cập ngày 04/09/2024.
[6] Quế Anh (2020), “Nga thiệt hại kinh tế khoảng 247 tỷ USD do Covid-19”, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính,https://qlg.mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM175511, truy cập ngày 04/09/2024.
[7] [Под науч. ред. д-ра экон. наук Кудрина А.Л., д-ра экон. наук Мау В.А., д-ра экон. наук Радыгина А.Д., д-ра экон. наук Синельникова-Мурылева С.Г.] (2022), “Российская экономика в 2021 году. Тенденции и перспективы”, (Вып. 43) /; Ин-т Гайдара. – Москва: Изд-во Ин-та Гайдара, 2022. C. 11-12.
[8] URL: https://data.imf.org/regular.aspx?key=61015894
[9] URL: https://rosstat.gov.ru/storage/mediabank/239_29-12-2021
[10] URL: https://pib.gov.in/PressReleaseIframePage.aspx?PRID=1789391
[11] URL: http://english.www.gov.cn/archive/statistics/202112/09/content_WS61b173eac6d09c94e48a1fea
[12] URL: https://www.stat.go.jp/english/data/cpi/1581-z.html
[13] URL: https://biblioteca.ibge.gov.br/index.php/biblioteca-catalogo?view=detalhes&id=7236
[14] URL: https://www.bcentral.cl/en/web/banco-central/areas/monetary-politics
[15] URL: https://www.ons.gov.uk/economy/inflationandpriceindices/bulletins/consumerpriceinflation/
[16] URL: http://www.statssa.gov.za/?p=15080
[17] Holly Ellyatt (2021), “5 charts show Russia’s economic highs and lows under Putin”, CNBC – Europe Economy, https://www.cnbc.com/2021/10/11/russias-economy-under-president-putin-in-charts.html, truy cập ngày 05/09/2024.
[18] [Под науч. ред. д-ра экон. наук Кудрина А.Л., д-ра экон. наук Мау В.А., д-ра экон. наук Радыгина А.Д., д-ра экон. наук Синельникова-Мурылева С.Г.] (2022), “Российская экономика в 2021 году. Тенденции и перспективы”, (Вып. 43) /; Ин-т Гайдара. – Москва: Изд-во Ин-та Гайдара, 2022. C. 10-11.
[19] Nguyễn Thanh Lan – TS. Nguyễn Thanh Hương (2021), “Kinh tế Nga năm 2021 và những thách thức trong năm 2022”, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/gop-y-du-thao-cac-van-kien-trinh-dai-hoi-xiii-cua-dang/-/2018/825080/view_content, truy cập 05/09/2024.
[20] Всемирный банк (2021), “Доклад об экономике России”, Декабрь 2021 г. С. 4.
[21] Jake Cordell (2022), “Russia’s Economy on the brink of crisis after Ukraine attack”, https://www.themoscowtimes.com/2022/02/24/russias-economy-on-the-brink-of-crisis-after-ukraine-attack-a76555, truy cập 06/09/2024.
[22] Мау В.А. (2022), “Экономическая политика в условиях пандемии”, Вопросы экономики. № 3. С. 5–28.
[23] [Под науч. ред. д-ра экон. наук Кудрина А.Л., д-ра экон. наук Мау В.А., д-ра экон. наук Радыгина А.Д., д-ра экон. Наук Синельникова-Мурылева С.Г.] (2023), “Российская экономика в 2022 году. Тенденции и перспективы”, (Вып. 44) /; Ин-т Гайдара. – Москва: Изд-во Ин-та Гайдара, 2023, C. 171.
[24] [Под науч. ред. д-ра экон. наук Кудрина А.Л., д-ра экон. наук Мау В.А., д-ра экон. наук Радыгина А.Д., д-ра экон. Наук Синельникова-Мурылева С.Г.] (2023), “Российская экономика в 2022 году. Тенденции и перспективы”, (Вып. 44) /; Ин-т Гайдара. – Москва: Изд-во Ин-та Гайдара, 2023, C. 172.
[25] Hà Phương (2024), “Kinh tế Nga tiếp tục tăng trưởng ấn tượng”, Báo Quân đội Nhân dân, https://s.net.vn/G2UT, truy cập ngày 07/09/2024.
[26] Tâm Hằng (2024), “Kinh tế Nga với những con số đáng kinh ngạc trong năm 2023”, Báo VietNamplus.vn, https://www.vietnamplus.vn/kinh-te-nga-voi-nhung-con-so-dang-kinh-ngac-trong-nam-2023-post938400.vnp, truy cập ngày 07/09/2024.
[27] Minh Khôi (2024), “Những điều cần biết về bầu cử tổng thống Nga 2024”, Báo Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-bau-cu-tong-thong-nga-2024-20240314125729293.htm, truy cập ngày 07/09/2024.
[28] Hà Lan (2024), “Kinh tế Nga tăng trưởng ấn tượng trong quý I-2024”, Báo Quân đội Nhân dân, https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/kinh-te-nga-tang-truong-an-tuong-trong-quy-i-2024-777728, truy cập ngày 07/09/2024.
[29] Diệu Linh (2024), “Các công ty nước ngoài rút khỏi Nga chịu thiệt hại gần 107 tỷ USD”, Báo VietNamplus, https://www.vietnamplus.vn/cac-cong-ty-nuoc-ngoai-rut-khoi-nga-chiu-thiet-hai-gan-107-ty-usd-post937316.vnp, truy cập ngày 10/09/2024.
[30] Центр Макроэкономического Анализа и Краткосрочного Прогнозирования (2024), “Тренды российской экономики”, http://www.forecast.ru/_ARCHIVE/SocMon/2024/Mon042024.pdf, Апрель 2024 года, Москва 2024.
[31] Центр Макроэкономического Анализа и Краткосрочного Прогнозирования (2024), “Тренды российской экономики”, http://www.forecast.ru/_ARCHIVE/SocMon/2024/Mon042024.pdf, Апрель 2024 года, Москва 2024.
[32] Центр Макроэкономического Анализа и Краткосрочного Прогнозирования (2024), “Тренды российской экономики”, http://www.forecast.ru/_ARCHIVE/SocMon/2024/Mon042024.pdf, Апрель 2024 года, Москва 2024.
[33] Nguyễn Phú Trọng (2007), “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển”, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/2081/kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia—quan-niem-va-giai-phap-phat-trien.aspx, truy cập ngày 12/09/2024.