Xung đột tại Cộng hòa dân chủ Congo (CHDC Congo) đang phát triển thành một làn sóng domino, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh khu vực Hồ Lớn. Sự liên kết chặt chẽ giữa các quốc gia khiến bất kỳ vấn đề nào phát sinh tại CHDC Congo đều nhanh chóng lan rộng, kéo theo hàng loạt hệ lụy cho các quốc gia xung quanh. Dù xung đột nhỏ lẻ cũng có thể tạo làn sóng to quét đi sự an ninh khu vực.
Bối cảnh lịch sử
Hiện tại, thế giới đang trải qua nhiều cuộc xung đột lớn nhỏ, không chỉ có những vùng đất chiến lược, mà những khu vực ít sự quan tâm cũng đang diễn ra xung đột. Nằm tại khu vực Hồ Lớn Châu Phi, tại thung lũng Rift của vùng Đông Phi có bốn quốc gia đang gánh chịu hệ lụy của Nội chiến Rwanda kéo dài hơn 30 năm qua gồm: Cộng hòa dân chủ Congo (CHDC Congo), Rwanda, Uganda và Burundi mà nặng nề hơn hết là CHDC Congo với những diễn biến khó lường bởi sự nổi dậy mạnh mẽ của hàng trăm phiến quân tại khu vực biên giới phía Đông.
Xét về lịch sử của xung đột, cuộc xung đột này là hệ lụy kéo dài từ Nội chiến Rwanda 1994, xung đột giữa 2 tộc người Tutsi và Hutu vì mâu thuẫn tầng lớp xã hội, gây thiệt mạng hơn 2 triệu người trong vòng 100 ngày. Sau cuộc chiến, người Hutu chiến thắng giành quyền kiểm soát Rwanda, người Tutsi thua cuộc tháo chạy đến nhiều quốc gia láng giềng như Uganda, Burundi, nhưng đáng kể là khu vực vùng núi Kivu, biên giới CHDC Congo giáp với Rwanda, vấn nạn người di cư ồ ạt, chủ nghĩa dân tộc dâng cao khiến những hành động cực đoan manh nha trở lại trên diện rộng.
Những mâu thuẫn kéo dài trong lịch sử, kết hợp với vấn đề chia rẻ sắc tộc vốn có ở từng quốc gia, các tổ chức quốc tế lưỡng lự trong việc cung cấp viện trợ, di cư cưỡng bức – gánh nặng tị nạn, chính quyền yếu kém tham nhũng, phạm vi hoạt động của nhóm phiến quân phía Đông, cách quá xa thủ đô – cơ quan đầu não CHDC Congo ở phía Đông quá xa,… các yếu tố thời đại kết hợp nguồn tài nguyên Colban (giúp phát triển các động cơ điện) phong phú đã khiến cho xung đột kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh con người.

Có hàng trăm nhóm phiến quân lớn nhỏ hiện đang hoạt động tại CHDC Congo, gây chú ý đáng kể nhất trong thời gian gần đây là nhóm Phong trào 23 tháng 3 (M23) bao gồm các chiến binh Tutsi, tuyên bố đấu tranh cho quyền lợi của nhóm thiểu số Tutsi tại CHDC Congo, được cho là Rwanda và Uganda hậu thuẫn, xuất hiện lần đầu vào năm 2012, nổi dậy mạnh mẽ vào 11/2021, đến tháng 1/2025, chính thức kiểm soát được thủ phủ Goma tỉnh Bắc Kivu, một thành phố quan trọng nằm sát sườn Rwanda.
Ngoài ra, có hàng trăm nhóm phiến quân khác đang hoạt động có liên quan đến Rwanda và cả Uganda đang khai thác các nguồn lợi tài nguyên của khu vực, buôn lậu trái phép và thu nguồn lợi nhuận to lớn từ đây. Cộng đồng quốc tế cho rằng đây là cuộc chiến ủy nhiệm của Rwanda và Uganda tại CHDC Congo nhằm đoạt được nguồn khoáng sản giàu có tại khu vực này. Lợi dụng sự hỗn loạn mà làm giàu cho chính quốc bởi Rwanda và Uganda đã có lịch sử cạnh tranh chiếm đoạt tài nguyên tại CHDC Congo.
Các nhóm vũ trang đáng chú ý
Lực lượng Dân chủ Giải phóng Rwanda (FDLR): FDLR hiện đang hoạt động ở miền đông Congo và tỉnh Katanga với ước tính khoảng 2.000 chiến binh. Nhiệm vụ chính thức của FDLR là gây áp lực quân sự lên chính phủ Rwanda để mở một “cuộc đối thoại giữa các nhóm Rwanda”.
Lực lượng Dân chủ Đồng minh (ADF): ADF là một nhóm phiến quân Uganda có trụ sở dọc theo dãy núi Rwenzori ở miền đông Congo với số lượng hiện có khoảng 500 chiến binh. Hầu hết các thành viên của nó là những người theo đạo Hồi muốn thiết lập luật Sharia ở Uganda.
Đội quân kháng chiến của Chúa (LRA): LRA là một nhóm phiến quân Uganda hiện có trụ sở dọc theo các khu vực biên giới phía bắc Congo cũng như phía đông Cộng hòa Trung Phi. Nhóm được thành lập bởi các thành viên của bộ tộc Acholi ở miền Bắc Uganda.
Lực lượng giải phóng dân tộc (FNL): FNL là một nhóm nổi dậy Burundi ban đầu được thành lập vào năm 1985 với tư cách là cánh quân sự của nhóm nổi dậy do người Hutu lãnh đạo. Có thông tin cho rằng, PALIPEHUTU (FNL) đang liên minh với Mai Mai Yakutumba và FDLR ở Nam Kivu.
Dân quân Mai-Mai: Hiện tại có sáu nhóm dân quân Mai-Mai hoạt động tại Kivu gồm: Mai-Mai Yakutumba, Raia Mutomboki, Mai-Mai Nyakiliba, Mai-Mai Fujo, Mai-Mai Kirikicho và Resistance Nationale Congolaise (Eastern Congo Initiative, 2020).
Xung đột căng thẳng tại khu vực biên giới
Tính đến thời điểm hiên tại, bên cạnh 6.000 quân M23 ước tính, hiện có khoảng 4.000 lực lượng Rwanda hiện diện tại CHDC Congo. Nhờ lực lượng hẫu thuẫn, M23 đã chiếm được thủ phủ Goma (21/01/2025), thị trấn Bukavu (16/02/2025) và xa hơn về phía Tây là thị trấn Walikale, một mỏ khoáng sản chiến lược (19/3/2025).
Dẫn nguồn tin từ chính phủ CHDC Congo, tình hình nhân đạo tại CHDC Congo đang trở nên nghiêm trọng với hơn 500.000 người phải di dời và ít nhất 7.000 người thiệt mạng ở phía Đông kể từ tháng 01/2025. Các bệnh viện đang bị quá tải với số lượng thương vong, chủ yếu là dân thường, trong khi các cửa hàng và doanh nghiệp bị cướp phá. Ngoài ra, chính quyền phiến quân còn ép buộc người dân kể cả phụ nữ mang thai và trẻ em khai thác khoáng sản, tạo ra gánh nặng cho cộng đồng. Goma và Bukavu đang trong tình trạng cướp bóc, thiếu ngân hàng và tiền mặt, dẫn đến việc người dân không thể mua thực phẩm. Các cuộc xung đột đã làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực, với 3.000 tấn thực phẩm bị cướp và chuỗi cung ứng bị gián đoạn, gây ra giá cả tăng vọt và thiếu hụt hàng hóa trên thị trường (Ngutjinazo 2025).
Hiện tại, mỗi khu vực lại có các nhóm vũ trang đóng quân chồng chéo lên lãnh thổ của nhau, thủ phủ Goma của Bắc Kivu có sự diện hiện của các lực lượng như Lực lượng vũ trang CHDC Congo, nhóm M23, quân đội Rwanda; tại thị trấn Bukavu và Walikale nơi M23 vừa chiếm đóng lại có phiến quân và quân đội Burundi khiến tình hình Bắc Kivu như quả bom nổ chậm. Nhận thấy nguy cơ đánh chiếm nhanh chóng về phía Đông của nhóm M23 với hai thành phố lớn nhất ở miền đông Cộng hòa Dân chủ Congo, dấy lên sự lo ngại của chính phủ về việc liệu M23 có tiến vào thủ đô hay không và cuộc chiến sẽ còn lan rộng đến mức nào.
Các tổ chức quốc tế lên tiếng cáo buộc Rwanda và Uganda hậu thuẫn cho nhóm M23 nhưng hai quốc gia luôn kiên quyết phủ nhận. Với tình hình hiện tại, e rằng “giấy khó gói được lửa” khi các chuyên gia đã tìm ra được bằng chứng đối với lượng hàng xuất khẩu của cả Rwanda và Uganda đều được buôn lậu từ các nhóm khai thác lậu khoáng sản ở biên giới CHDC Congo. Nhờ vào khai thác trái phép tại CHDC Congo, vàng đã trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của cả hai nước, chiếm khoảng 48% tổng giá trị xuất khẩu của Uganda và 31% tổng giá trị xuất khẩu của Rwanda vào năm 2022 (trong khi CHDC Congo là một trong những nước trữ lượng vàng lớn nhất thế giới khoảng 150 triệu ounce, trái lại, Uganda và Rwanda lần lượt chỉ 3 triệu và 600.000 ounce) (Reliefweb, 2025).
Tháng 2/2022, Tòa án Công lý Quốc tế đã ra phán quyết Uganda trả 325 triệu USD cho CHDC Congo vì vai trò của nước này trong các cuộc xung đột, bao gồm việc cướp bóc vàng và kim cương. Mặc dù Rwanda và Uganda phủ nhận các cáo buộc này, nhưng sự gia tăng xuất khẩu tài nguyên từ hai nước cho thấy một mối liên hệ rõ ràng với tài nguyên được khai thác bất hợp pháp từ CHDC Congo. Mô hình buôn lậu này không chỉ ảnh hưởng đến CHDC Congo mà còn phản ánh sự cạnh tranh giữa Rwanda và Uganda trong việc trở thành cửa ngõ chính cho tài nguyên quý giá này ra thế giới.
Xu hướng domino lan rộng khắp khu vực Hồ Lớn do di cư tị nạn
Các cuộc xung đột tại châu Phi luôn là mồi lửa gây ra hiệu ứng domino lan rộng ra cả khu vực mà điển hình là xung đột tại khu vực Hồ Lớn với bốn quốc gia: CHDC Congo, Rwanda, Uganda và Burundi. Bản chất của xung đột cũng đã thay đổi trong thời gian, các cuộc nội chiến truyền thống phần lớn được thay thế bằng các cuộc xung đột phi nhà nước, bao gồm cả việc nhắm mục tiêu vào dân thường thông qua các cuộc tấn công khủng bố. Các cuộc xung đột có thể có tác động lan tỏa gián tiếp bằng cách hoạt động kinh tế suy thoái (do sự bất ổn gia tăng hoặc gián đoạn thương mại) hoặc bằng cách tạo ra những căng thẳng xã hội (do làn sóng người tị nạn lớn) ở các vùng lân cận các quốc gia.
Theo dữ liệu của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp quốc (UNHCR), Uganda là quốc gia tiếp nhận người tị nạn cao nhất châu Phi. Năm 2024, dòng người tị nạn đổ vào Uganda lên đến 558 nghìn người và Burundi với 107 nghìn người. Dòng người tị nạn di cư không ngừng và không được kiểm soát nhằm tránh xa những tâm điểm xung đột; nhưng chính hành động này lại là động cơ của xung đột, gây gia tăng xung đột tại các khu vực tị nạn, từ đó tạo ra khủng hoảng và xung đột kéo dài trên khắp khu vực và lục địa Phi.
Không chỉ những cáo buộc hậu thuẫn từ tổ chức quốc tế, các quốc gia còn cáo buộc song phương lẫn nhau, rõ nhất là giữa Rwanda với Uganda, Rwanda với Burundi kiến cho cấu trúc kinh tế – chính trị thay đổi. Năm 2015, Burundi đơn phương đóng cửa biên giới với Rwanda khi nước này nhân cơ hội tình hình bầu cử mà ủng hộ nhóm biểu tình cực đoan gây nên sự kiện bầu cử đẫm máu nhất tại Burundi; đến 2022, chính phủ Burunđi đã mở cửa biên giới, nhưng với cáo buộc Burundi đưa quân sang CHDC Congo hỗ trợ chống lại M23 thì mối quan hệ giữa Burundi và Rwanda lại bị chững lại, tiếp tục đóng cửa biên giới lần 2 vào ngày 11/02/2024 (The DW Global Media Forum, 2024). Về phía Uganda, chính quyền nước này đã đơn phương đóng cửa biên giới với Rwanda vào 2/2019 và chỉ mới mở lại vào 1/2022 vì cuộc chạy đua khai thác tài nguyên tại CHDC Congo (Paul Nantulya, 2019). Sự liên kết khu vực giữa Rwanda, Uganda, Burundi và CHDC Congo đang diễn biến phức tạp, đặc biệt khi mới đây Rwanda cáo buộc CHDC Congo và Burundi hợp tác với các lực lượng phiến quân khác nhằm chống đối M23. Mối liên hệ giữa các quốc gia và tình hình hiện tại có thể dẫn đến nguy cơ leo thang giao tranh và mở rộng xung đột khu vực.
Quá trình viện trợ và thúc đẩy hòa bình
Vai trò của cộng đồng quốc tế, như Liên Hợp Quốc, Mỹ, EU và Nam Phi, trong việc giải quyết xung đột tại vùng Hồ Lớn châu Phi được đánh giá là chưa hiệu quả. Các chính phủ chưa dành đủ sự quan tâm cho các quốc gia trong khu vực này. Cộng đồng quốc tế ngó lơ và trì trệ trong việc đưa ra quyết định vào thời điểm vàng của xung đột, dẫn đến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải di cư do hậu quả của chiến tranh kéo dài. Trong khi các tổ chức chính phủ và phi chính phủ tại châu Phi có phần tích cực hơn, họ vẫn gặp khó khăn do thiếu kinh nghiệm, tiếng nói và lực lượng, nên chưa thể giải quyết triệt để vấn đề.
Triển vọng thúc đẩy hòa bình ở khu vực vấp phải những quan điểm khác nhau về cuộc xung đột, với một bên coi đây là cuộc chiến cướp bóc khoáng sản và bên còn lại xem như cuộc chiến giải phóng. Sự bổ nhiệm của ba cựu lãnh đạo từ Ethiopia, Kenya và Nigeria bởi Cộng đồng Phát triển Nam Phi (SADC) và Cộng đồng Đông Phi (EAC) có thể mang lại hy vọng cho các cuộc đàm phán, nhưng cần có một cơ sở vững chắc để tiến hành. Việc Mỹ trừng phạt một bộ trưởng Rwanda và Anh đình chỉ viện trợ cho Rwanda cho thấy sự can thiệp từ cộng đồng quốc tế, tuy nhiên, nếu không có cam kết mạnh mẽ từ các bên liên quan, việc đạt được hòa bình sẽ vẫn là thách thức lớn.
Mới đây, vào ngày 18/3/2025, Tổng thống CHDC Congo đã gặp người đồng cấp Rwanda tại Qatar để đàm phán chấm dứt xung đột hiện tại, cuộc họp được tổ chức sau khi thủ lĩnh M23 từ chối tham gia đàm phán tại Angola vào cùng ngày. Cả CHDC Congo và Rwanda đã tái khẳng định cam kết đối với lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện. Tuy nhiên, tuyên bố chung không chỉ rõ cách thức thực hiện hoặc giám sát lệnh ngừng bắn này. Đánh giá cho thấy sự có mặt của Tổng thống Rwanda như kế hoạch thay thế cho thủ lĩnh M23 tuyên bố không tham dự vào trước đó.
Đề xuất
Để lặp lại hòa bình tại CHDC Congo, vai trò của cộng đồng quốc tế được đánh giá cực kỳ quan trọng, là cơ hội duy nhất để tái tham gia vào khu vực, thể hiện cam kết đối với các tiến trình hòa bình ở châu Phi và xây dựng lại uy tín với các đối tác quốc gia ở Trung, Đông và Nam Phi. Đặc biệt, cộng đồng quốc tế nên hỗ trợ các nỗ lực khu vực nhằm khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của CHDC Congo và giải quyết các vấn đề an ninh của nước này.
Các quốc gia châu Phi nên tăng cường các chính sách “ngoại giao động”, mở rộng mối quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia trên thế giới, từ đó học tập sự vươn mình của các quốc gia từ có chiến tranh trong lịch sử, tận dụng nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế từ đó nâng cao năng lực kinh tế và tiếng nói chính trị.
Cộng đồng Phát triển Nam Phi (SADC) và Cộng đồng Đông Phi (EAC) cần gia tăng cơ chế tài phán hợp lý để có thể trực tiếp ảnh hưởng đến tình hình xung đột mà vẫn tuân thủ theo luật quốc tế. Điều này không chỉ giúp củng cố quyền lực và vai trò của các tổ chức này trong việc duy trì hòa bình và an ninh khu vực, mà còn góp phần xây dựng một hệ thống pháp lý đồng bộ, tạo điều kiện cho các bên liên quan giải quyết bất đồng một cách hiệu quả. Hơn nữa, việc này cũng sẽ thúc đẩy sự tin tưởng giữa các quốc gia thành viên, từ đó tạo ra một môi trường chính trị ổn định hơn trong khu vực.
Có thể nhận thấy cuộc xung đột kéo dài tại các quốc gia thuộc khu vực Hồ Lớn chủ yếu là hệ lụy của cuộc xung đột năm 1994 kết hợp với nguồn tài nguyên CHDC Congo. CHDC Congo có nguồn tài nguyên dồi dào nhưng chính phủ có những hạn chế về quản lý và điều hành. Lợi dụng yếu điểm đó, các nhóm phiến quân và các quốc gia láng giềng đẩy mạnh khai thác và gây nhiều cuộc giao tranh tại khu vực biên giới. Một mồi lửa nhỏ đến từ việc khai thác trái phép tài nguyên trái phép đã kéo theo một chuỗi sự kiện domino lan rộng khắp các quốc gia láng giềng và kéo dài cho đến tận ngày nay. Ngoài sự tranh chấp về tài nguyên thiên nhiên, chính quyền độc tài tại các quốc gia và sự can thiệp của các chủ thế dù là hỗ trợ hay âm thầm khai thác đều kéo theo những hệ lụy khiến cho tình trạng xung đột trầm trọng hơn./.
Tác giả: Lê Khánh Hạ
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Trích dẫn
1. Euronews. 2025. “DR Congo and Rwanda Presidents Meet in Qatar for Peace Talks.” Euronews, March 19, 2025. https://www.euronews.com/2025/03/19/dr-congo-and-rwanda-presidents-meet-in-qatar-for-peace-talks
2. Huon, Patricia. 2025. “After the Fall of Goma and Bukavu, Where Is DR Congo’s M23 War Headed?” The New Humanitarian, March 20, 2025. https://www.thenewhumanitarian.org/analysis/2025/03/20/after-fall-goma-and-bukavu-where-dr-congos-m23-war-headed
3. Lawal, Shola. 2025. “Rwanda-CHDC CONGO Tension: Have Rebels Taken Control of Congolese City? What Next?” Al Jazeera, January 28, 2025. https://www.aljazeera.com/news/2025/1/27/rwanda-CHDC Congo-tension-have-rebels-taken-control-of-congolese-city-what-next
4. Eastern Congo Initiative. (2020, May 28). History of the conflict – Eastern Congo Initiative. https://www.easterncongo.org/about-CHDC Congo/history-of-the-conflict/
Ngutjinazo, Okeri. 2025. “DR Congo Conflict: Life Under M23 Rebel Control.” Dw.Com, February 27, 2025. https://www.dw.com/en/dr-congo-conflict-life-under-m23-rebel-control/a-71756710
5. “The (New) M23 Offensive on Goma: Why This Long-lasting Conflict Is Not Only About Minerals and What Are Its Implications? – Q&A – Democratic Republic of the Congo.” n.d. ReliefWeb. https://reliefweb.int/report/democratic-republic-congo/new-m23-offensive-goma-why-long-lasting-conflict-not-only-about-minerals-and-what-are-its-implications-qa
6. Nantulya, Paul. 2019. “Escalating Tensions Between Uganda and Rwanda Raise Fear of War – Africa Center.” Africa Center. July 7, 2019. https://africacenter.org/spotlight/escalating-tensions-between-uganda-and-rwanda-raise-fear-of-war/
7. Krippahl, Cristina, and Isaac Kaledzi. 2024. “Burundi-Rwanda Tensions Rise Amid Border Reclosure.” Dw.Com, January 17, 2024. https://www.dw.com/en/burundi-rwanda-tensions-rise-amid-border-reclosure/a-68009909
Link ảnh: https://www.aljazeera.com/wp-content/uploads/2021/11/000_9RK9DE.jpg?