Ngày 18/08/2023, Hội nghị Thượng đỉnh ba bên Mỹ – Nhật – Hàn được tổ chức tại khu nghỉ dưỡng dành cho tổng thống ở Trại David dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Joe Biden với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Theo nhận định của Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cho rằng, việc tăng cường hợp tác ba bên thông qua hội nghị thượng đỉnh lần này “sẽ là một trong những cột mốc chính trị, ngoại giao quan trọng nhất và thể hiện một sự thay đổi chiến lược trong khu vực”[1]. Mặc dù, có thể lạc quan về sự gia tăng hợp tác trong liên kết chiến lược Mỹ – Nhật – Hàn, nhưng điều này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về sự cân bằng cán cân lực lượng ở Đông Á trong tương lai.
Tiềm năng phát triển quan hệ ba bên Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc
Thực tiễn hòa giải Nhật Bản – Hàn Quốc
Trong suốt chiều dài lịch sử, quan hệ song phương Nhật – Hàn luôn xảy ra căng thẳng, mâu thuẫn mà tâm điểm là vấn đề bồi thường cho những lao động ở bán đảo Triều Tiên bị Nhật Bản lạm dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Vào năm 1965, Nhật Bản và Hàn Quốc đã cùng ký kết “Thỏa thuận yêu sách Hàn Quốc-Nhật Bản” nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhật Bản cam kết đã trả 300 triệu USD viện trợ miễn phí và 200 triệu USD cho phía Hàn Quốc vay, bao gồm cả tiền bồi thường cho người lao động [2]. Tuy nhiên, phía Seoul không đồng ý và cho rằng những nạn nhân còn sống sót sau chiến tranh vẫn chưa được nhận bồi thường, số tiền trong thỏa thuận đó chỉ “bồi thường cho các nạn nhân đã chết trước năm 1945”[3]. Phía Nhật Bản không chấp thuận yêu cầu bồi thường và cho rằng họ không còn bất kỳ nghĩa vụ nào đối với Hàn Quốc.
Để đáp trả lại, Nhật Bản thắt chặt việc xuất nhập khẩu với Hàn Quốc đối với các mặt hàng điện tử. Còn Hàn Quốc tuyên bố rằng “Thỏa thuận an ninh chung và thông tin quân sự” giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đã không còn hiệu lực[4]. Mặc dù có phương án và biện pháp nhằm gỡ rối những bế tắc trong quan hệ nhưng hai quốc gia này chưa tìm được tiếng nói chung.
Vào năm 2022, kể từ khi Yoon Suk – yeol chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, phía Hàn Quốc đã có những động thái nhằm xoa dịu mối quan hệ vốn đang căng thẳng. Phía Seoul đã đưa ra tuyên bố áp dụng một phương án thỏa hiệp thay thế chính trị[5], không yêu cầu phía Nhật Bản bồi thường và xin lỗi. Điều này đã vấp phải làn sóng phản đối và chỉ trích đến từ bộ phận không nhỏ người dân trong nước, nhưng đây là bước đi cần thiết để Nhật Bản – Hàn Quốc cải thiện quan hệ và hợp tác chung với Mỹ trong tình hình thế giới đang có nhiều thay đổi theo chiều hướng xấu đi.
Tuy nhiên, Nhật Bản không đặt nhiều niềm tin vào tương lai quan hệ giữa hai nước. Tokyo lo lắng về sự thay đổi chính trị ở Seoul trong tương lai, bởi rằng một bộ phận không nhỏ trong xã hội và chính trị bất đồng với động thái ngoại giao của Tổng thống Yoon Suk – yeol với Nhật Bản, coi đó là “nhục nhã”. “Mặc dù các nhà lãnh đạo đã nhiều lần hứa hẹn về mối quan hệ hướng tới tương lai giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng mỗi khi chế độ Hàn Quốc thay đổi, quá trình đảo ngược sẽ lặp lại… Nếu Hàn Quốc thay đổi thái độ, chúng ta kiên quyết không đáp ứng và coi họ là đối thủ” – Cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe viết trong hồi ký của mình.
Quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc trong hơn một năm gần đây có dấu hiệu tích cực và nối lại quan hệ nhanh chóng. Phía Washington đánh giá cao về quan hệ Nhật – Hàn và cùng thắt chặt hơn nữa mối quan hệ tam giác chiến lược về an ninh – quân sự. Tương lai cho một khối liên minh quân sự mới ở khu vực Đông Á được rộng mở phía trước. Tuy nhiên, vẫn là quá sớm khi nói về việc một liên minh quân sự giữa ba bên Mỹ – Nhật – Hàn được thành lập.
Khả năng nâng cấp quan hệ ba bên từ Hội nghị Thượng đỉnh tháng 8/2023
Trong nhiều bài báo, cả 3 bên Mỹ – Nhật – Hàn đều tỏ ra lạc quan về kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra vào ngày 18/8. Trong buổi phỏng vấn với Hãng thông tấn Jiji vào ngày 02/08, Đại sự quán Mỹ tại Nhật Bản, Rahm Emanuel cho biết, việc tăng cường hợp tác ba bên thông qua hội nghị thượng đỉnh lần này “sẽ là một trong những cột mốc chính trị, ngoại giao quan trọng nhất và thể hiện một sự thay đổi chiến lược trong khu vực”[6]. Washington đang ngày càng nỗ lực lôi kéo Seoul và Tokyo cùng thiết lập một liên minh quân sự mới. Đây là một bước đi mới của chính quyền Biden nhằm củng cố khối liên minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bên cạnh QUAD và AUKUS[7].
Trên thực tế, khả năng nâng cấp quan hệ tam giác chiến lược tại Thượng đỉnh 3 bên Mỹ – Nhật – Hàn còn nhiều điều phải cân nhắc.
Như đã nói ở trên về thực tiễn hòa giải Nhật – Hàn, mặc dù hai quốc gia này đã nối lại quan hệ và có những hành động tích cực trong hợp tác chung về quân sự, quốc phòng, nhưng mối quan hệ này bị đặt ra nghi vấn lớn về sự bền vững của nó. Nhật Bản luôn lo lắng về sự thay đổi trong chính sách từ phía Hàn Quốc. Còn nội bộ Hàn Quốc vẫn đang chịu sự chi phối lớn từ tư tưởng bài Nhật trong văn hoá cũng như chính trị. Khả năng nâng cấp quan hệ tam giác chiến lược 3 bên phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc mà ở đây, Mỹ đóng vai trò cầu nối nhằm gắn kết chặt hơn quan hệ giữa 3 quốc gia lại với nhau.
Về chiến lược với Trung Quốc, mỗi quốc gia đều có chiến lược khác nhau. Nếu như Mỹ và Nhật Bản đều coi Trung Quốc là một trong những thách thức an ninh đối với khu vực và thế giới, thức hiện chiến lược mang tính răn đe, đối đầu và ngăn chặn sự vươn lên của nước này, Hàn Quốc có chiến lược khác, đặt Trung Quốc trong một mối quan hệ “lành mạnh và chín chắn hơn” trên cơ sở “tôn trọng và có qua có lại”[8] và tin tưởng cơ hội hợp tác với quốc gia này. Bởi Hàn Quốc vẫn có nhiều lợi ích với quốc gia láng giềng về mặt kinh tế, thương mại và văn hoá.
Theo Liu Lin, vẫn còn một chặng đường dài phía trước để mối quan hệ ba bên Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc được nâng cấp thành một liên minh ba bên. Bởi bản thân mỗi quốc gia đều có chiến lược riêng, thiếu sự đồng nhất. Trong bài phân tích của mình, Liu Lin đưa ra quan điểm rằng, Hàn Quốc là một nhân tố có ảnh hưởng lớn tới khả năng nâng cấp quan hệ tam giác chiến lược ba bên. Washington có thể gây sức ép lên Seoul thay đổi chiến lược, nhưng điều đó dù vô tình hay hữu ý có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ đồng minh của Mỹ với Hàn Quốc, và gây cản trở lớn với liên kết chiến lược Mỹ – Nhật – Hàn.
Động lực từ phía Nhà Trắng
Quay lại về thời kì đầu của Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã thành lập ra NATO, một liên minh quân sự lớn mạnh ở châu Âu để làm đối trọng trực tiếp với Liên Xô hay Warsaw. Ở khu vực Đông Á trong cùng khoảng thời gian đó, Mỹ đã lập ra một liên minh quân sự khác là SEATO (Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á), và đối trọng chính là Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nói cách khác, những tổ chức này được sinh ra với một mục tiêu chung duy nhất: ngăn chặn làn sóng đỏ.
Tuy nhiên, không hoạt động bền vững và hiệu quả như NATO, SEATO bị đặt nhiều nghi vấn về tính hiệu quả của liên minh này, khi sự can dự của những quốc gia thành viên trong cuộc chiến tranh Việt Nam không nhiều. Thay vào đó, người Mỹ vẫn là lực lượng hiện diện chủ yếu trên chiến trường. Nguyên nhân do tổ chức này không đặt ra một cam kết bảo vệ lẫn nhau tuyệt đối hay tổ chức cơ cấu lực lượng theo kiểu Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thay vào đó, họ chỉ quy định phải tổ chức tham vấn lẫn nhau trong trường hợp xảy ra hành động xâm lược chống lại một bên ký kết hoặc một bên tham gia nghị định thư trước khi bất kỳ hành động phối hợp nào được tiến hành[9]. Việc không có một thỏa thuận bắt buộc các nước thành viên trong tổ chức đã khiến cho SEATO suy yếu và đánh mất vai trò liên minh quân sự của mình. Sau khi chiến tranh tại Việt Nam kết thúc, tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á SEATO giải thể vào 30/06/1977.
Sự tan rã của SEATO đã để lại một khoảng trống lớn trong chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ. Khu vực Đông Á không có một tổ chức hay liên minh quân sự nào có tính răn đe giống như ở châu Âu. Điều này có thể giải thích rằng đây là thời gian Mỹ và Trung Quốc đang trong tiến trình giảng hòa với nhau nhằm chống lại “kẻ thù chung khác” là Liên Xô và Việt Nam[10].
Sang đến thế kỉ XXI, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến, sự tan rã của Liên Xô, ra đời của nước Nga hậu Xô viết và đặc biệt là việc Trung Quốc sau thời kì mở cửa đã vươn lên, trở thành một cường quốc cạnh tranh với Mỹ trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Triều Tiên và Nga đã và đang tiếp tục trở thành một thách thức an ninh với Washington, với việc phóng tên lửa thử nghiệm của Triều Tiên, chiến tranh Nga – Ukraine tại châu Âu cùng sự hiện diện của Moscow tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã và đang tạo ra những thách thức mới cho Mỹ và đồng minh.
Washington đang tham vọng lập ra một liên minh quân sự mới ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhưng họ chưa thể thực hiện hoàn chỉnh và nhanh chóng như hồi Chiến tranh Lạnh. Thay vào đó, Mỹ lập ra các liên minh tiểu đa phương như nhóm Đối thoại Tứ giác An ninh (QUAD) và Thoả thuận tàu ngầm hạt nhân Mỹ – Anh – Úc (AUKUS). Tuy nhiên, thoả thuận AUKUS mới được thành lập, vẫn chưa có hành động thực tế đủ mạnh, vẫn cần ít nhất 5 năm nữa mới đủ sức răn đe trực tiếp, và cam kết này mang tính phòng thủ vòng ngoài ở khu vực. Washington cần một liên minh quân sự khác có thể răn đe trực tiếp đến Trung Quốc, Triều Tiên và Nga ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Vậy liệu có đồng minh nào hoàn hảo hơn là Nhật Bản và Hàn Quốc, khi đây là hai đồng minh lớn của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có thể trực tiếp răn đe đến nhóm đối thủ trên và một tiềm lực vô cùng mạnh. Washington đang nỗ lực thiết lập cái được gọi là “NATO hoá”[11], thành lập một liên minh quân sự trong chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của mình.
Tiềm lực quân sự của bộ ba Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc hiện nay
Theo báo cáo mới từ Tổ chức phân tích quốc phòng Global Firepower[12], trong xếp hạng 145 quốc gia có sức mạnh quân sự thế giới năm 2023, cả ba nước Mỹ – Nhật – Hàn đều xếp trong top 10 với vị trí lần lượt là Mỹ xếp thứ nhất, Hàn Quốc xếp thứ sáu và Nhật Bản xếp thứ tám. Về tổng thể, cả ba đều có quy mô quân số lớn, trang thiết bị, phương tiện quân sự hiện đại, có trình độ tác chiến và mức chi ngân sách cho quốc phòng rất lớn.
Quân đội Mỹ với tư cách là một trong những quân đội mạnh nhất trên thế giới, không chỉ có một lực lượng hùng hậu cùng các trang thiết bị, cơ sở vật chất và phương tiện quân sự tiên tiến, mà còn là khả năng điều động quân đội rộng khắp trên các châu lục và đại dương trên toàn cầu. Theo báo cáo vào năm 2021 của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), quân đội Mỹ có 1.328.000 quân nhân tại ngũ và 744.950 quân nhân dự bị. Năng lực tác chiến của quân đội Mỹ được cải thiện qua các cuộc chiến tranh và tập trận chung với đồng minh. Hiện tại, trên khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Mỹ ngày càng tăng cường sự hiện diện của mình với hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ), tập đoàn tác chiến hải quân mạnh nhất của Washington, được biên chế thành 3 hạm đội lớn là Hạm đội 3, Hạm đội 5 và Hạm đội 7. Quân số cao nhất của hạm đội khoảng 230.000 quân nhân (gồm hơn 90.000 lính hải quân đánh bộ), 230 tàu chiến và 1.600 máy bay các loại. Trong đó, tàu chiến thường gồm: 6 tàu sân bay, 10 tàu ngầm tên lửa hạt nhân chiến lược, 26 tàu ngầm tấn công động lực hạt nhân, 12 tàu tuần dương tên lửa, 28 tàu khu trục tên lửa, 15 tàu hộ vệ tên lửa, 19 tàu tác chiến thủy/bộ, 6 tàu quét lôi, 4 tàu tuần tiễu, 100 tàu đảm bảo hậu cần và vận tải …[13]
Hàn Quốc trong những năm gần đây trở thành một trong những nhà thầu quân sự lớn trên thế giới, với những sản phẩm quân sự được nhiều quốc gia[14] sử dụng như pháo tự hành K9 Thunder, xe tăng chủ lực K2 Black Panther, … Đồng thời, tự chủ sản xuất được vũ khí cá nhân, tàu chiến, máy bay cùng nhiều trang thiết bị, cơ sở vật chất khác. Điều này cho thấy năng lực quốc phòng đáng kể của Hàn Quốc. Theo đề án cải cách từ tháng 11/2005, Hàn Quốc thực hiện cắt giảm số lượng lớn lực lượng lục quân và tăng cường cho hải quân, không quân, tiến tới mục tiêu có cơ cấu hợp lý, tinh nhuệ, hiệu quả, trang bị hiện đại, khả năng chiến đấu cao[15]. Hiện tại, lực lượng hải quân nước này đang duy trì khoảng 70.000 quân nhân tại ngũ trong đó 29.000 là lính thủy đánh bộ; khoảng 150 tàu chiến và 70 máy bay các loại. Vào cuối tháng 4/2023, hải quân Hàn Quốc đã tiếp nhận thêm một tàu tàu ngầm diesel-điện sản xuất trong nước, giúp tăng cường sức mạnh hải quân cho nước này, răn đe trực tiếp đến Triều Tiên và Trung Quốc.
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đang có những động thái tăng cường sức mạnh quân sự lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Mặc dù quy định hạn chế trong hiến pháp vẫn chưa được dỡ bỏ, nhưng quốc gia này đang sở hữu một lực lượng quân sự đáng nể. Xét theo chiến tranh quy ước, Nhật Bản thua thiệt hơn các quốc gia khác khi không có quân số đông (khoảng 247.000 quân nhân tại ngũ) hay nguồn hậu cần tốt, do những hạn chế từ tài nguyên thiên nhiên của quốc gia. Theo tờ The Japan Times đưa tin, Nhật Bản xem xét trang bị 1.000 tên lửa hành trình tầm xa với phạm vi bắn từ 200 – 1.000km, trang bị cho các đơn vị tên lửa và tăng cường cho các hoạt động quân sự ở các đảo phía Tây Nam nước này. Nhờ được đặt dưới ô bảo hộ hạt nhân của Mỹ, Nhật Bản đang trang bị mẫu máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35, sở hữu nhiều tàu khu trục, chiến hạm, chiến đấu cơ, xe tăng và các phương tiện chiến đấu khác[16]
Điều chỉnh chiến lược của ba nước Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc
Đối với Mỹ
Vào năm 2022, nước Mỹ đã công bố Chiến lược Quốc phòng An ninh năm 2022. Mặc dù bị trì hoãn nhiều lần, nhưng động thái này đã cho thấy Washington đã nhận thấy mối nguy hiểm thực sự đối với họ là ai. Chiến lược Quốc phòng năm 2022 phần lớn được tiếp nối từ Chiến lược Quốc phòng năm 2018, vốn xoay trục cơ bản từ việc chủ yếu chống lại những kẻ cực đoan sang tập trung trước tiên vào các cuộc chiến tiềm tàng với các đối thủ cạnh tranh gần ngang hàng nhưng có vũ khí hạt nhân[17]. Chiến lược mà người Mỹ đang theo đuổi là quan điểm “răn đe kết hợp” tức là sử dụng sức mạnh tổng hợp: quân sự, áp lực kinh tế và chính trị, cùng các liên minh mạnh mẽ – để ngăn chặn các đối tượng tấn công. Chiến lược này đã được đề cập bởi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong bài phát biểu tại Singapore vào tháng 7/2021 và được phát triển thành định hướng chiến lược chủ đạo của Mỹ. Với việc chiến lược “răn đe kết hợp” được sử dụng cho thấy Washington hiểu rằng dựa vào sức mạnh quân sự để ngăn ngừa kẻ thù tấn công không còn hiệu quả và cần một cách tiếp cận mới từ chiến lược quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, các nước đồng minh là một nhân tố quan trọng trong chiến lược mới của quốc gia này và là yếu tố chủ chốt trong thế trận phòng thủ của Mỹ. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực hàn gắn lại quan hệ với các đồng minh – vốn bị rạn nứt dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump.
Về chiến lược an ninh quốc gia, Washington nhấn mạnh Trung Quốc là thách thức hàng đầu đối với lợi ích an ninh quốc gia trong khi Nga vẫn là mối đe dọa “cấp tính”. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, thách thức từ Trung Quốc dẫn đến việc Washington phải tăng cường khả năng phòng thủ trên tất cả khía cạnh, đặc biệt là không gian và không gian mạng.
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương là trọng tâm trong Chiến lược Quốc phòng, An ninh quốc gia của Mỹ. Washington gia tăng sự hiện diện quân sự, nâng cao năng lực và phối hợp với các đồng minh, đối tác, củng cố khả năng hiệp đồng tác chiến. Một trong những bước đi đáng chú ý của Chính quyền Tổng thống Joe Biden tại khu vực là việc khôi phục các thoả thuận quân sự với Philippines, duy trì một lực lượng lớn tại 2 căn cứ Subic và Clark; tham gia các cuộc tập trận chung cùng đồng minh, đối tác tại khu vực. Theo thống kê, số lượng các cuộc tập trận chung với đồng minh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có gia tăng trong năm 2022, nhất là khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan có dấu hiệu nóng lên[18]; hỗ trợ nâng cao năng lực quân sự cho các đồng minh, đối tác thông qua các chương trình đào tạo, hợp tác phát triển công nghệ tàu ngầm, vũ khí siêu thanh trong khuôn khổ các thỏa thuận đã ký, điển hình là Thỏa thuận đối tác an ninh ba bên, gồm: Australia, Anh, Mỹ (AUKUS) và các thương vụ bán trang thiết bị, phương tiện quân sự, …
Đối với Nhật Bản
Vào ngày 28/7/2023, Nhật Bản công bố Sách trắng Quốc phòng (Defence of Japan 2023) theo như thông lệ hàng năm, nhưng có sự thay đổi về chiến lược, đồng thời thể hiện tham vọng của nước này.
Trong một thập kỷ vừa qua, Nhật Bản đang đối diện với tình trạng an ninh nghiêm trọng và phức tạp nhất từ sau chiến tranh thế giới thứ hai khi các quốc gia láng giềng với nước này đã và đang mở rộng lực lượng quân sự, các cuộc tập trận chung cũng như các vụ phóng thử tên lửa.
Trung Quốc là “thách thức chiến lược lớn nhất”. Hành động quân sự của Nga tại Ukraine là một “sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế”. Bắc Triều Tiên là một “mối đe dọa tiềm tàng”. Và Nhật Bản cần tăng cường “cơ bản” quân đội của mình, hợp tác chặt chẽ hơn với các nước như Hàn Quốc để duy trì ổn định khu vực.[19]
Nhật Bản đã thay đổi lập trường đối với Trung Quốc, cho thấy tình trạng căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia, sự lo ngại về lập trường quyết đoán của Bắc Kinh và một nguy cơ tiềm tàng đối với sự ổn định của khu vực. Theo nhà báo Geetha Pillai nhận định rằng, Sách trắng Quốc phòng có khả năng đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong quan hệ quốc tế và lập trường mới của nước này có thể ảnh hưởng đến chính sách của các nước khác đối với Trung Quốc, có khả năng định hình cục diện địa chính trị trong khu vực[20].
Chiến lược mà Nhật Bản nên theo đuổi là tăng cường khả năng tự phản ứng và thắt chặt hơn nữa hợp tác với đồng minh[21]. Để đối phó với những mối nguy hiểm tiềm tàng đến nền an ninh, Tokyo nên củng cố khả năng phòng thủ, tập trung vào khả năng của đối thủ và cách họ tiến hành chiến tranh cũng như chủ động thích nghi với những cách thức chiến tranh mới[22]. Việc tăng cường khả năng tự phản ứng và phòng thủ đã cho thấy Nhật Bản muốn đạt đến mục tiêu xây dựng quân đội và sức mạnh quốc gia, được trao “trách nhiệm chính” trong việc chống lại một cuộc xâm lược [23], nhằm giảm sự phụ thuộc vào Mỹ trong các hoạt động quân sự, đồng thời tăng cường cấu trúc phòng thủ quốc gia riêng của Nhật Bản và khả năng răn đe, ứng phó của liên minh Mỹ – Nhật.
Nhật Bản tăng cường hợp tác với đồng minh và thúc đẩy quá trình hiểu biết lẫn nhau, xây dựng lòng tin với các nước đối tác và tăng cường quốc phòng song phương cũng như đa phương quan hệ[24]. Trong những năm gần đây, nước này thường xuyên tham gia các cuộc hội đàm giữa các quốc gia đồng minh Mỹ, Úc; các cuộc tập trận đa phương và kí kết các thỏa thuận an ninh Nhật – Mỹ là nền tảng cho an ninh của Nhật Bản, thúc đẩy cải thiện khả năng tương tác và năng lực ứng phó chung giữa Nhật Bản và Mỹ.
Tuy nhiên, để hiện thực hoá chiến lược này, Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản đã chỉ ra rõ cần mở rộng chi tiêu cho quốc phòng lên 2% GDP. Trong vòng 5 năm tới, chi tiêu quốc phòng sẽ cần 43.500 tỷ Yên (tương đương 322,2 tỷ USD) nhằm hiện thực hóa chiến lược và đảm bảo an ninh quốc phòng, hậu cần, phát triển những lĩnh vực chủ chốt hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không, máy bay không người lái, chi phí bảo trì, sửa chữa thiết bị quân sự, tăng cường cơ sở vật chất, nghiên cứu quốc phòng, …
Đối với Hàn Quốc
Vào ngày 07/06/2023, chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol đã công bố Chiến lược An ninh quốc gia, trong đó nhấn mạnh sự phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là mối đe dọa cấp bách nhất đối với Seoul. Nếu Mỹ coi Trung Quốc là một thách thức an ninh đối với sự ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thì Hàn Quốc lại coi Triều Tiên là thách thức an ninh “cấp bách nhất”. Điều này cũng dễ hiểu khi trong thời gian gần đây, quốc gia anh em ở phía Bắc luôn tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa và sự thay đổi diện mạo mới của quân đội Triều Tiên trong cuộc duyệt binh hôm 27/07 vừa rồi đã gây cho Hàn Quốc nhiều lo ngại.
Chiến lược an ninh quốc gia mới nhấn mạnh đến “tầm quan trọng hơn bao giờ hết” trong việc tăng cường năng lực phòng thủ của quân đội nước này và củng cố thế trận phòng thủ chung với Mỹ. Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng có biện pháp hoà bình với kế hoạch “tạo ra một môi trường chiến lược” nhằm khuyến khích Triều Tiên tham gia đàm phán, thông qua cách tiếp cận 3D: Deterrence (răn đe), dissuation (can ngăn), dialogue (đối thoại)[25].
Dẫu vậy, Hàn Quốc không coi Trung Quốc là một nhân tố “thách thức” nền an ninh của quốc gia mà đặt đất nước láng giềng này trong một mối quan hệ “lành mạnh và chín chắn hơn” trên cơ sở “tôn trọng và có qua có lại”. Bởi Hàn Quốc vẫn còn nhiều quyền lợi về kinh tế, thương mại và văn hoá gắn chặt với Trung Quốc.
Trong mối quan hệ với đồng minh, “nhu cầu cấp bách” được Chiến lược an ninh quốc gia chỉ ra là việc nối lại quan hệ với Nhật Bản, và trên thực tế, điều này đã được thực hiện khi mối quan hệ Nhật – Hàn đã có dấu hiện bình thường, các cuộc gặp gỡ và đàm phán của nguyên thủ hai quốc gia được nối lại. Quan hệ Nhật – Hàn đang trở thành “mối quan hệ hợp tác hướng tới tương lai” trong bối cảnh hợp tác an ninh 3 bên giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản ngày càng trở nên quan trọng trong tình hình hiện nay. Theo tờ The Korea Herald bình luận, “Chiến lược an ninh quốc gia mới tập trung vào việc củng cố liên minh Mỹ-Hàn, tăng cường hợp tác an ninh Mỹ-Hàn-Nhật và thúc đẩy bình thường hóa mối quan hệ liên Triều dựa trên các nguyên tắc. Chiến lược mới cũng không đề cập tới việc tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên và thỏa thuận hòa bình-vốn được chính quyền tiền nhiệm Moon Jae-in xem là những bước đi quan trọng trong lộ trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”
Và chiến lược an ninh quốc gia mới của Hàn Quốc đã thể hiện tham vọng của mình, đặt mục tiêu trở thành “quốc gia quan trọng toàn cầu”, khẳng định Seoul sẽ nỗ lực đóng góp và hợp tác quốc tế để “bảo vệ những giá trị phổ quát, duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và các nguyên tắc”, dẫn đầu trong nỗ lực ứng phó với các thách thức toàn cầu như dịch bệnh, nghèo đói, mù chữ, khoảng cách số, ô nhiễm môi trường.
Tiềm lực của các đối thủ chính Trung Quốc, Nga và Triều Tiên
Vào hôm 27/07/2023, Bình Nhưỡng đã tổ chức một cuộc duyệt binh quy mô lớn nhằm kỉ niệm 70 năm ngày ký kết hiệp định đình chiến giữa hai miền bán đảo Triều Tiên. Nhưng sự chú ý năm nay không chỉ tập trung vào những đổi mới trong quân đội mà còn có cả sự xuất hiện của những vị khách đặc biệt, hai phái đoàn cấp cao từ Trung Quốc và Nga, do Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Lý Hồng Trung dẫn đầu. Buổi lễ duyệt binh này, Bình Nhưỡng không chỉ phô trương về tiềm lực quân sự, quốc phòng mà truyền tải thông điệp đến Mỹ và phương Tây về sự hiện diện của Nga và Trung Quốc, những đồng minh của Triều Tiên trong tình trạng ngày càng căng thẳng tại khu vực này.
Về tiềm lực của Triều Tiên, sức mạnh của quốc gia này đang ngày càng phát triển, đặc biệt là năng lực đáng kể của lực lượng tên lửa chiến lược. Phạm vi tấn công của các tên lửa này kéo dài đến lãnh thổ Nhật Bản, với khả năng bay ở độ cao, tốc độ siêu thanh và có quỹ đạo bay phức tạp làm gây nhiễu, vượt mặt các hệ thống phòng thủ khác nhau.
Xét theo năng lực chiến tranh quy ước, Triều Tiên có quy mô quân số lớn thứ 4 trên thế giới, với gần 1,3 triệu quân nhân thường trực, chiếm khoảng 5% tổng dân số và hơn 600.000 quân dự bị và theo tính toán của bộ Ngoại giao Mỹ. Bình Nhưỡng đã dành trung bình 4 tỷ USD/năm cho quân đội từ năm 2009-2019, chiếm gần 1/4 GDP của Triều Tiên. Theo báo cáo năm 2021 của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Anh), quân đội Triều Tiên có khoảng 550 máy bay có khả năng chiến đấu, 290 trực thăng, 400 tàu chiến, 280 tàu đổ bộ, 70 tàu ngầm, 4.000 xe tăng, 2.500 xe bọc thép và 5.500 bệ phóng tên lửa[26]. Dẫu vậy, năng lực chiến đấu thực tế của Triều Tiên vẫn còn đang bị đặt ra nhiều nghi vấn, do những gì phần lớn quốc gia này phô trương đều là năng lực chiến đấu bằng tên lửa và chưa thực sự trải qua bằng một cuộc chiến tranh hay một cuộc tập trận chung.
Khác với Triều Tiên, năng lực và tiềm lực quân sự của Nga và Trung Quốc luôn đứng top đầu thế giới. Trong bản báo cáo của Global Firepower, Nga và Trung Quốc lần lượt xếp thứ hai và ba về sức mạnh quân sự, chỉ xếp sau Mỹ.
Trong Sách Trắng Quốc phòng của Nhật Bản đã chỉ ra sức mạnh của Trung Quốc đã được tăng cường cả về chất và lượng, bao gồm cả lực lượng hạt nhân và tên lửa. Với tiềm lực kinh tế lớn mạnh của mình, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã gấp 4,8 lần Nhật Bản và có lực lượng trên không và trên biển hiện đại lớn hơn nhiều. Chính quyền Bắc Kinh đặt mục tiêu “cơ bản hoàn thành hiện đại hoá quốc phòng và quân sự vào năm 2035”, “xây dựng lực lượng mang tầm cỡ quốc tế” vào giữa thế kỷ này[27]. Ngoài ra, báo cáo cũng dự báo đến năm 2035, Trung Quốc sở hữu 1.500 đầu đạn hạt nhân và cùng với tiềm lực ngày càng phát triển, đây là nhân tố sẽ gia tăng căng thẳng và là mối đe doạ đối an ninh trong khu vực. Lầu Năm Góc cũng thừa nhận trong báo cáo rằng Trung Quốc là “đối thủ duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ” để tạo ra thách thức lâu dài đối với Mỹ.[28]
Hiện tại quân số của Trung Quốc đang đứng đầu thế giới với 2.000.000 quân nhân tại ngũ, 7.000 – 8.000 xe tăng các loại, 3.300 máy bay các loại, gần 800 tàu chiến và một số lượng lớn pháo binh, tên lửa, trang thiết bị và phương tiện chiến đấu khác[29].
Nga là một trường hợp duy nhất trong các quốc gia được nhắc đến trong bài viết này đang có chiến tranh với một quốc gia khác. “Chiến dịch quân sự đặc biệt” (theo cách gọi của Moscow) tại Ukraine đã cho thấy tiềm lực quân sự của nước Nga lớn mạnh như thế nào, khi nước này có thể tiến hành một cuộc chiến tranh dài hơi. Mặc dù quân đội gặp rất nhiều tổn thất tại khu vực giao chiến với phần nhiều binh lính thiệt mạng và phương tiện mặt đất bị phá huỷ, nhưng lực lượng quân sự nước này vẫn còn mạnh và hùng hậu.
Dẫu vậy, theo nhiều đánh giá của chuyên gia, lực lượng quân sự Nga vẫn còn hạn chế về lực lượng hải quân, và được giải thích là do địa lí của đất nước không phù hợp cho các hoạt động hải quân diễn ra mạnh như Mỹ hay Anh. Hiện tại, Lực lượng Hải quân Nga ước tính hiện có khoảng 142.000 sĩ quan và thủy thủ được chia vào 4 hạm đội: Hạm đội Baltic; Hạm đội Thái Bình Dương; Hạm đội Phương Bắc và Hạm đội Biển Đen.
Nga dù đang dồn lực lượng tại chiến trường Ukraine và khu vực châu Âu, nhưng vùng Viễn Đông, giáp với khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Nga vẫn có một lực lượng không nhỏ. Vào ngày 27/06/2023, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã tiến vào phía nam biển Philippines để thực hiện các nhiệm vụ trong khuôn khổ hải trình tầm xa. Trích dẫn đội ngũ báo chí của Hạm đội Thái Bình Dương Nga, Interfax cho biết các thủy thủ đoàn sẽ tiến hành các cuộc diễn tập “nhằm thể hiện sự hiện diện của hải quân” ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương [30]. Phía Nga xem hoạt động này “như một phần của việc tăng cường các quan hệ đối tác”. Và sự hiện diện của hải quân Nga tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể coi là dấu hiệu trở lại của Moscow. Đồng thời, các hoạt động ngoại giao gần đây của Nga tại Việt Nam, Trung Quốc và Triều Tiên cho thấy trong thời gian tới, khả năng hiện diện của Moscow tại khu vực ngày càng nhiều và sẽ trở thành một trong những nhân tố đối trọng lại với quan hệ Mỹ – Nhật – Hàn.
Cán cân lực lượng tại khu vực Đông Bắc Á trong tương lai
Trong thời gian gần đây, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung và khu vực Đông Á nói riêng đang ngày càng trở thành một điểm nóng của thế giới trong quan hệ quốc tế và an ninh thế giới. Sự phát triển của quân đội Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình, hàng loạt vụ thử tên lửa của Triều Tiên, chiến tranh Nga – Ukraine và sự hiện diện của Nga tại vùng Viễn Đông được coi là những thách thức an ninh với Mỹ – Nhật – Hàn. Và ba quốc gia này đã có những động thái nhằm duy trì lại cán cân lực lượng và sức mạnh tổng thể tại khu vực Đông Á. Trong ngày 18/08 tới đây, với Hội nghị Thượng đỉnh ba bên Mỹ – Nhật – Hàn diễn ra tại Trại David được coi là một bước chiến lược nhằm tăng cường, thắt chặt quan hệ các nước đồng minh với nhau, đồng thời phô trương sức mạnh tổng thể của liên minh này.
Trong tương lai gần, liên kết chiến lược Mỹ – Nhật – Hàn chưa thực sự gây mất cân bằng cán cân lực lượng tại khu vực Đông Bắc Á, bởi những vấn đề nằm trong mối quan hệ của ba quốc gia này. Tiến trình xây dựng khối liên kết chiến lược Đông Bắc Á và việc xây dựng một liên minh quân sự tương tự như NATO ở châu Âu là một chặng đường dài, đòi hỏi các bên đạt được một tiếng nói chung trong nhiều vấn đề. Bản thân mỗi quốc gia này không muốn bị ràng buộc trong các cam kết, thỏa thuận quân sự mà luôn muốn tìm một giải phương án, giải pháp khác mang tính hòa bình. Đồng thời, Washington không còn một sức mạnh lớn có thể áp đảo lại đồng minh để ép buộc họ tham gia các cam kết quân sự, hợp tác mang tính ràng buộc cao.
Ngoài ra, bản thân ba quốc gia, Trung Quốc, Nga và Triều Tiên chưa thực sự liên kết với nhau thành một liên minh thống nhất hay có cam kết cụ thể nào về quân sự có thể tạo ra mối nguy tiềm tàng đến an ninh khu vực. Nhưng với sự hiện diện của phái đoàn Nga và Trung Quốc tại lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh Triều Tiên ở Bình Nhưỡng, đánh dấu một tương lai không xa về tính khả thi của khối liên minh quân sự giữa Nga, Trung Quốc và Triều Tiên. Nhìn chung, vẫn cần có thêm thời gian cùng những nỗ lực đặc biệt của các bên trong tương lai, những chuyển biến mới trong cán cân lực lượng khu vực Đông Bắc Á mới có thể được bộc lộ một cách rõ ràng./.
Tác giả: Việt Hoàng
Mọi phản hồi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tham khảo:
[1] “Hội nghị Thượng đỉnh Nhật-Mỹ-Hàn đánh dấu “bước chuyển chiến lược”” (2023), PV/VOV-Tokyo, https://vov.vn/the-gioi/hoi-nghi-thuong-dinh-nhat-my-han-danh-dau-buoc-chuyen-chien-luoc-post1036843.vov
[2] Hoàng Hải (dịch, 2023) “Quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc: Kẻ thù cũ có thể hòa giải?”, Nghiên cứu chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/quan-he-nhat-ban-han-quoc-ke-thu-cu-co-the-hoa-giai/
[3] Hoàng Hải (dịch, 2023), tlđd
[4] Hoàng Hải (dịch, 2023), tlđd
[5] Hoàng Hải (dịch, 2023), tlđd
[6] “Hội nghị Thượng đỉnh Nhật-Mỹ-Hàn đánh dấu “bước chuyển chiến lược”” (2023), PV/VOV-Tokyo, https://vov.vn/the-gioi/hoi-nghi-thuong-dinh-nhat-my-han-danh-dau-buoc-chuyen-chien-luoc-post1036843.vov
[7] Liu Lin, (2023) “Realities will prevent planned security link among US, Japan, S.Korea from working smoothly”, Global Times, https://www.globaltimes.cn/page/202308/1295908.shtml
[8] Hoàng Vũ (2023), “Hàn Quốc đặt mục tiêu trở thành “quốc gia quan trọng toàn cầu””, Quân đội nhân dân, https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/han-quoc-dat-muc-tieu-tro-thanh-quoc-gia-quan-trong-toan-cau-731061
[9] Nguyễn Ngọc Tường Ngân, “08/09/1954: SEATO được thành lập”, Nghiên cứu quốc tế, https://nghiencuuquocte.org/2015/09/08/seato-duoc-thanh-lap/
[10] Trong giai đoạn từ năm 1978 đến năm 1989 , ở Việt Nam diễn ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam với Polpot và chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979.
[11] Wan Hengyi (2023), “US-led ‘strategic cooperation’ with Japan, S.Korea NATO-izes Asia, further aggravating regional situation: experts”, Global Times, https://www.globaltimes.cn/page/202308/1295776.shtml?id=11
[12] Gia Minh (2023), “Global Firepower xếp hạng sức mạnh quân sự 2023: Mỹ đứng đầu, Việt Nam thứ 19”, Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/global-firepower-xep-hang-suc-manh-quan-su-2023-my-dung-dau-viet-nam-thu-19-20230528112747401.htm
[13] Nguyên Phong (2020), “Quy mô khổng lồ của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ”, Vietnamnet, https://vietnamnet.vn/quy-mo-khong-lo-cua-ham-doi-thai-binh-duong-my-661251.html
[14] Hiện tại, Hàn Quốc, Phần Lan, Ấn Độ, Đan Mạch, Ba Lan, Úc, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kì, Estonia và Ukraine là những quốc gia đang sử dụng pháo tự hành K9 Thunder. Còn K2 Black Panther được Thổ Nhĩ Kì và Ba Lan đặt hàng và sử dụng.
[15] “Sức mạnh chiến đấu của quân đội Hàn Quốc”, Soha, https://vietnamnet.vn/suc-manh-chien-dau-cua-quan-doi-han-quoc-664958.html
[16] Hoàng Đình, “Nhật Bản trên hành trình tăng cường sức mạnh quân sự”, Thanh niên, https://thanhnien.vn/nhat-ban-tren-hanh-trinh-tang-cuong-suc-manh-quan-su-1851533185.htm
[17] Tuyết Minh (2022), “Chiến lược quốc phòng, an ninh của Mỹ có gì mới?”, Báo Đà Nẵng, https://baodanang.vn/channel/5408/202211/chien-luoc-quoc-phong-an-ninh-cua-my-co-gi-moi-3928902/index.htm
[18] Tính đến tháng 7/2022, Mỹ và Nhật Bản đã tổ chức được 51 cuộc tập trận song phương. Ngoài ra, nước này còn nối lại cuộc tập trận bắn đạn thật Ulchi-Freedom Shield với Hàn Quốc sau 04 năm gián đoạn. Nguồn: Mỹ Châu (2022), “Một số nét chính về chiến lược quốc phòng mới của Mỹ”, http://m.tapchiqptd.vn/vi/quoc-phong-quan-su-nuoc-ngoai/mot-so-net-chinh-ve-chien-luoc-quoc-phong-moi-cua-my-19614.html
[19] Bill Gertz (2023), “Threat from China prompts major military buildup by Japan, including long-range strike weapons”, The Washington Times, https://www.washingtontimes.com/news/2023/jul/28/threat-china-prompts-major-military-buildup-japan-/
[20] Geetha Pillai (2023), “Japan’s Defense White Paper: China Identified as an Unprecedented challenge”, BNN, https://bnn.network/world/japan/japans-defense-white-paper-china-identified-as-an-unprecedented-challenge/
[21] Phạm Quang Phúc (2023), “Bước tiến mới trong chiến lược quốc phòng đầy tham vọng của Nhật Bản”, Nghiên cứu chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/buoc-tien-moi-trong-chien-luoc-quoc-phong-day-tham-vong-cua-nhat-ban/
[22] Phạm Quang Phúc (2023), tlđd
[23] Phạm Quang Phúc (2023), tlđd
[24] Phạm Quang Phúc (2023), tlđd
[25] Hoàng Vũ (2023), “Hàn Quốc đặt mục tiêu trở thành “quốc gia quan trọng toàn cầu””, Quân đội nhân dân, https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/han-quoc-dat-muc-tieu-tro-thanh-quoc-gia-quan-trong-toan-cau-731061
[26] Bảo Huy (2022), “Sức mạnh quân sự Triều Tiên”, Vietnamnet, https://vietnamnet.vn/suc-manh-quan-su-cua-trieu-tien-2076763.html
[27] Phạm Quang Phúc (2023), “Bước tiến mới trong chiến lược quốc phòng đầy tham vọng của Nhật Bản”, Nghiên cứu chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/buoc-tien-moi-trong-chien-luoc-quoc-phong-day-tham-vong-cua-nhat-ban/
[28] Vũ Hoàng (2022), “Quân đội Trung Quốc chuyển mình dưới thời ông Tập”, VNExpress, https://vnexpress.net/quan-doi-trung-quoc-chuyen-minh-duoi-thoi-ong-tap-4519079.html
[29] Trí Văn (2022), ““Soi” sức mạnh quân sự của Trung Quốc”, https://baocantho.com.vn/-soi-suc-manh-quan-su-cua-trung-quoc-a149071.html
[30] Nguyên Hạnh (2023), “Hạm đội Thái Bình Dương Nga tiến vào biển Philippines”, Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/ham-doi-thai-binh-duong-nga-tien-vao-bien-philippines-20230627114653277.htm