Với việc cuộc xung đột Nga-Ukraine diễn ra vô cùng căng thẳng, sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Nga đang khiến Hoa Kỳ và các đồng minh NATO thêm phần lo ngại. Bắc Kinh không chỉ giúp Moscow tránh được các lệnh trừng phạt của phương Tây, mà còn cung cấp một lượng lớn các hàng hóa lưỡng dụng (các hàng hóa có thể được sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự) như chip máy tính và các linh kiện máy móc giúp quốc gia này duy trì sức mạnh. Trong bối cảnh việc xây dựng nguồn lực quân sự của Ukraine đang gặp nhiều khó khăn, các hoạt động thương mại giữa Nga và Trung Quốc trở thành một mối đe dọa ngày càng tăng đối với các quốc gia Châu Âu, đặc biệt là các quốc gia sát với biên giới Kyiv. Bên cạnh việc chống lưng cho Nga, Bắc Kinh cũng đang đặt ra những thách thức nghiệm trong đối với các ngành công nghiệp cốt lõi của Châu Âu nói riêng và an ninh toàn kinh tế Châu Âu nói chung bằng chính sách “sản xuất dư thừa” của mình (sản xuất nhiều hàng hóa hơn mức cần thiết rồi bán phá giá ở các thị trường nước ngoài) để xuất khẩu xe điện (EV) và các tấm pin năng lượng mặt trời tại thị trường này với giá rẻ.
Đứng trước những vấn đề này, phản ứng của Châu Âu vẫn còn tương đối yếu ớt. Liên minh Châu Âu đã đưa mười công ty của Trung Quốc vào danh sách trừng phạt do liên quan tới việc hỗ trợ Nga trong cuộc chiến tại Ukraine – một hành động mà thậm chí Bắc Kinh còn không bận tâm để trả đũa. Trong chuyến thăm tới Bắc Kinh vào đầu năm nay, mặc dù Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề nghị lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dừng việc xuất khẩu các hàng hóa lưỡng dụng, nhưng ngay sau đó, Putin đã có cuộc gặp riêng với Tập và ký kết nhiều thỏa thuận thương mại, quốc phòng Nga-Trung, bao gồm cả các cuộc tập trận quân sự mở rộng. Về kinh tế, những chính sách công nghiệp của Châu Âu và việc áp đặt mức thuế hiện tại đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là không đủ để ngăn chặn làn sóng xe điện giá rẻ của Bắc Kinh hiện đang tràn ngập khắp lục địa. Những biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ nhất chống lại Bắc Kinh cho đến nay đều chỉ đến từ Washington. Tuy nhiên, Châu Âu không thể để vấn đề này cho một mình Hoa Kỳ xử lý được nữa. Cuộc chiến ở Ukraine sẽ không thể kết thúc theo các điều khoản mà Kyiv mong muốn nếu như Nga vẫn nhận được sự hỗ trợ từ Trung Quốc, và Châu Âu cũng không thể duy trì sự thịnh vượng của mình nếu Trung Quốc có thể phá hỏng toàn bộ nền kinh tế công nghiệp của Châu Âu. Các quốc gia EU cần chứng minh rằng họ có đủ khả năng để chống lại những mối đe dọa tới từ Bắc Kinh.
Đội quân “Made in China” của Nga
Tác động của Trung Quốc đối với cuộc chiến ở Ukraine có thể là một trong những mối đe dọa bị bỏ qua nhiều nhất đối với an ninh Châu Âu. Châu Âu cần ngưng ảo tưởng rằng Bắc Kinh là quốc gia trung lập trong cuộc chiến. Vào tháng 4 năm nay, các quan chức NATO ước tính rằng số lượng binh lính của quân đội Nga đã tăng 15% kể từ cuộc xung đột với Ukraine năm 2022. Phần lớn việc tăng trưởng này là nhờ vào sự hỗ trợ của Bắc Kinh khi báo cáo của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế đã ước tính rằng khoảng 90% hàng nhập khẩu giúp Nga duy trì cuộc chiến là đến từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đã tăng cường quan hệ quân sự với Moscow và các đồng minh thân cận của nước này. Vào tháng 7 năm nay, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đã tham gia các cuộc tập trận với Belarus, đánh dấu việc quân đội Trung Quốc lần đầu tiên đến gần với biên giới Châu Âu của NATO. Lực lượng không quân của Nga và Trung Quốc cũng đã sử dụng máy bay ném bom chiến lược trong một cuộc tập trận chung gần Alaska, khiến Hoa Kỳ và Canada phải điều máy bay chiến đấu để cảnh cáo. Trong vấn đề ngoại giao, Bắc Kinh đã thay đổi lập trường của mình về Ukraine, từ chối tham gia hội nghị thượng đỉnh về hòa bình được tổ chức tại Thụy Sĩ vào tháng 6 với lý do Nga không tham dự. Thay vào đó, các quan chức Trung Quốc đã cùng với Brazil thúc đẩy một kế hoạch hòa bình sáu điểm của riêng mình nhưng không đề cập đến vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, kêu gọi chấm dứt xung đột theo hướng cho phép Nga giữ lại những vùng lãnh thổ đã chiếm đóng.
Hiện tại, Bắc Kinh vẫn tiếp tục tuân thủ các giới hạn trong việc hỗ trợ quân sự cho Nga với việc không viện trợ các thiết bị quân sự gây chết người. Tuy nhiên, điều này đang dần trở nên vô nghĩa khi Trung Quốc cung cấp cho Nga một lượng lớn hàng hóa lưỡng dụng, cũng như các bộ phận và linh kiện quan trọng mà Moscow cần cho cuộc chiến ở Ukraine. Với những nỗ lực của Hoa Kỳ khi tuyên bố sẽ xem xét trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc vì vận chuyển các mặt hàng này, Bắc Kinh đã cam kết sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu máy bay không người lái lưỡng dụng của mình. Tuy nhiên, theo Bloomberg đưa tin, Trung Quốc và Nga đang cùng nhau phát triển một loại máy bay tấn công không người lái mới, tương tự như máy bay không người lái Shahed của Iran, một dự án đưa Bắc Kinh tiến gần hơn đến ngưỡng viện trợ hàng hóa gây chết người.
Sự suy thoái trong các ngành công nghiệp của Châu Âu
Trong khi nguồn cung hàng hóa lưỡng dụng của Trung Quốc giúp duy trì cuộc chiến tranh của Nga, Bắc Kinh cũng đang đe dọa sự thịnh vượng của Châu Âu thông qua các chính sách công nghiệp của mình. Hiện tại, tình trạng dư thừa công suất trong ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc đang gây ra rủi ro rất lớn cho Châu Âu, bởi ngành công nghiệp này đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy việc làm của người dân Châu Âu. Tuy nhiên, phản ứng của Châu Âu trước làn sóng xe điện giá rẻ từ Trung Quốc vẫn ở mức khá thấp so với các quốc gia khác như Canada và Hoa Kỳ. Thêm vào đó, ngành công nghiệp pin mặt trời mới của Châu Âu gần đây cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh thị trường trước sự sản xuất dư thừa của Trung Quốc thông qua hành vi ăn cắp công nghệ kết hợp với các khoản trợ cấp của chính phủ.
Nhiều ý kiến cho rằng việc Trung Quốc sản xuất hàng loạt các tấm pin mặt trời, xe điện và xe hybrid cắm điện giá rẻ đã phần nào thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu, nhất là trong bối cảnh Châu Âu phải chuyển sang xe không phát thải vào năm 2035. Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô lại vô cùng quan trọng và mang tính chiến lược rất lớn đối với Châu Âu khi chiếm trực tiếp hơn 10% tỷ lệ việc làm trong ngành sản xuất tại sáu quốc gia thành viên EU, 7% GDP và 8,5% việc làm trong ngành sản xuất của EU.
Thêm vào đó, Châu Âu chưa từng chứng kiến bất kỳ một mối đe dọa sản xuất nào có quy mô lớn như Trung Quốc. Nếu không có các chiến lược phòng thủ và tấn công kỹ lưỡng, cũng như xử lý khéo léo việc các công ty Đức đang phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc (thị trường lớn nhất của ba “ông lớn” ô tô Đức BMW, Mercedes, and Volkswagen), thì ngành sản xuất ô tô của Châu Âu sẽ bị tàn phá nặng nề. Các nhà sản xuất ô tô Đức đang phản đối mạnh mẽ sự can thiệp của chính sách Châu Âu với Bắc Kinh bởi họ đang thống lĩnh thị trường này, đặc biệt là trong phân khúc xe sang, và cũng đang phụ thuộc nhiều vào công nghệ xe điện của quốc gia tỷ dân, bao gồm phần mềm, thiết bị điện tử và pin. Tuy nhiên, trên thực tế, các công ty Đức đang rơi vào thế bất lợi trong cuộc cạnh tranh hiện nay, bằng chứng là việc Volkswagen đã phải giảm giá mạnh phân khúc xe sang của mình để cạnh tranh với các thương hiệu quốc nội, và khả năng cao sẽ phải nhường sự thống trị trong lĩnh vực xe điện cho các công ty Trung Quốc.
Tháng 8 năm nay, Ủy ban Châu Âu đã sửa đổi và hạ mức thuế sơ bộ tháng 6 đối với một số nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Trung Quốc, với mức thuế khác nhau tùy theo nhà sản xuất và cao nhất là 46,3% áp dụng cho các công ty không hợp tác với EU điều tra về vấn đề trợ cấp. Mặc dù thấp hơn nhiều so với dự đoán, nhưng các mức thuế này có khả năng sẽ được các nhà lãnh đạo Châu Âu chấp thuận vào tháng 11 tới đây. Dẫu vậy, các chuyên gia lo ngại rằng điều này vẫn sẽ không đủ để ngăn chặn làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc và sự đầu tư của Bắc Kinh vào sản xuất tại Châu Âu. Năm 2023, xe điện và xe hybrid của Trung Quốc đã chiếm 37% tổng số xe nhập khẩu vào Châu Âu và các thương hiệu hàng đầu của Trung Quốc hiện đang cạnh tranh để thay thế các công ty ô tô hàng đầu Châu Âu. Các cơ quan quản lý Châu Âu cần phải cảnh giác với các nỗ lực của Trung Quốc nhằm lách luật bằng cách thiết lập các dây chuyền lắp ráp “bộ kit” xe điện Châu Âu cho những chiếc ô tô được sản xuất tại Trung Quốc. Ngoài thị trường xe điện, Trung Quốc hiện nay vẫn đang đẩy mạnh xuất khẩu ô tô có động cơ đốt trong trên quy mô toàn cầu, với khoảng ba phần tư số ô tô xuất khẩu năm 2023 là dòng xe chạy bằng xăng.
Kết luận
Với việc hậu thuẫn cho Nga trong cuộc chiến tại Ukraine và dần chiếm lĩnh thị trường sản xuất ô tô, Trung Quốc hiện đang trở thành mối đe dọa ngày một lớn đối với an ninh và sự thịnh vượng của Châu Âu. Một cách tiếp cận từ từ và chậm rãi với Bắc Kinh như hiện nay sẽ khiến Châu Âu sẽ phải gánh chịu hậu quả vô cùng nặng nề. Thêm vào đó, với việc Tổng thống Donald Trump có khả năng sẽ trở lại Nhà Trắng, EU cần phải nhanh chóng xử lý Trung Quốc thay vì sử dụng quốc gia này như một “tấm bia đỡ đạn” nhằm chống lại các chính sách thương mại bảo hộ hung hăng của Hoa Kỳ. Nếu không thực hiện được, sẽ rất khó để có thể thuyết phục chính quyền Trump duy trì sự hỗ trợ cho Ukraine và cho an ninh của toàn Châu Âu. Do đó, Châu Âu cần phải hành động càng sớm càng tốt để đảm bảo những lợi ích cốt lõi của bản thân.
Lược dịch: Trần Anh Khôi
Các tác giả:
Liana Fix là Nghiên cứu viên Châu Âu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại
Heidi Crebo-Rediker là Nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Địa kinh tế Greenberg tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của các tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]