Một điều cấm kỵ đã bị phạm phải ở châu Âu, chỉ cách đây vài tháng, việc các nhà lãnh đạo châu Âu đề xuất gửi quân đội tới Ukraine là điều không ai có thể ngờ tới. Tuy nhiên, vào ngày 26/2/2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết việc triển khai lực lượng châu Âu tới Ukraine là một khả năng không thể “loại trừ”. Kể từ đó, các quan chức châu Âu khác cũng ủng hộ lời phát biểu này. Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan và Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan đều cho rằng lực lượng của nước họ có thể sẽ đến Ukraine. Những bình luận này, kết hợp với sự ủng hộ hiện có đối với các biện pháp như vậy ở các nước vùng Baltic cho thấy rằng ngày càng có nhiều quốc gia sẵn sàng chỉ đạo sự can thiệp của châu Âu vào cuộc xung đột.
Những bình luận gây sốc này ngày càng gây ra nhiều quan điểm trái chiều bởi động lực cuộc xung đột đang thay đổi. Cuộc tranh luận tại Quốc hội Mỹ về việc gửi viện trợ quân sự cho Ukraine đã thất bại. Một gói viện trợ mới cuối cùng đã được phê duyệt, nhưng trước đó, những tháng ngày lưỡng lự của Washington đã khiến người châu Âu mất tinh thần và khiến Moscow hy vọng rằng quyết tâm hỗ trợ Kyiv của phương Tây đang rạn nứt. Các lực lượng Nga, được hỗ trợ bởi trang thiết bị từ Trung Quốc, Iran và Triều Tiên đã lợi dụng khoảng trống trong sự hỗ trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine bằng cách đẩy mạnh các cuộc tấn công vào dân thường và cơ sở hạ tầng phi quân sự. Đầu tháng 4, biết Ukraine sắp hết đạn phòng không, Nga đã tiến hành vụ tấn công bằng tên lửa phá hủy nhà máy điện lớn nhất vùng Kyiv. Trước đó vào tháng 3, lực lượng Nga đã nhắm vào đập thủy điện ở Dnipro và các cơ sở điện khác xung quanh Kherson, làm suy yếu ngành công nghiệp Ukraine và khiến nền kinh tế nước này phụ thuộc nhiều hơn vào lưới điện châu Âu. Thiệt hại thêm đối với cơ sở hạ tầng quan trọng, nhà máy điện hạt nhân và đất nông nghiệp sẽ làm tăng đáng kể chi phí tái thiết mà các đối tác của Ukraine ở phương Tây có thể sẽ phải gánh chịu phần lớn chi phí.
Khi các lực lượng Nga tăng tốc tiến quân, khả năng họ có thể xuyên thủng tuyến phòng thủ của Ukraine dọc theo mặt trận phía đông và thách thức sự kiểm soát của Ukraine đối với Kharkiv hoặc thậm chí Kyiv. Điều này sẽ khiến châu Âu phải đối mặt với mối đe dọa an ninh mà họ không thể bỏ qua. Chiến thắng của Nga ở Ukraine sẽ minh chứng cho niềm tin của Tổng thống Vladimir Putin vào điểm yếu cố hữu của phương Tây. Nó sẽ cho phép Điện Kremlin luôn đặt nước Nga trong trạng thái sẵn sàng cho chiến tranh. Đây là một cách tiếp cận chinh phục, cách tiếp cận của toàn xã hội mà các nước châu Âu không thể sánh kịp. Không có lý do gì để mong đợi ông Putin sẽ dừng lại ở Ukraine. Ông gọi sự tan rã của Liên Xô là “thảm họa địa chính trị lớn nhất” của thế kỷ XX. Ông cũng đồng thời than thở rằng “hàng chục triệu đồng bào và đồng hương của chúng ta đã thấy mình ở bên ngoài lãnh thổ Nga”. Các quốc gia vùng Baltic đang gặp nguy hiểm, Ba Lan cũng vậy: năm ngoái, cựu thủ tướng Nga và người trung thành với Tổng thống Putin, ông Dmitri Medvedev đã mô tả vùng Baltic là các tỉnh “của chúng tôi” (có nghĩa là của Nga) và Ba Lan là “tạm thời bị chiếm đóng” (có nghĩa là của NATO).
Bằng cách đe dọa gửi quân đến chiến trường Ukraine, các nước châu Âu đang cố gắng can thiệp vào tình hình đáng lo ngại hiện nay. Tuy nhiên, để thực sự thay đổi kết quả ở Ukraine, các nước châu Âu phải làm nhiều hơn là chỉ nói về việc triển khai quân. Nếu Mỹ tiếp tục trì hoãn viện trợ và đặc biệt là nếu nước này bầu Donald Trump (người đã cam kết chấm dứt xung đột ở Ukraine trong vòng 24 giờ, có lẽ bằng cách cho phép Putin giữ những lợi ích của mình) làm tổng thống vào tháng 11, châu Âu sẽ bị ảnh hưởng. “Hậu vệ” duy nhất của Ukraine là các nhà lãnh đạo châu Âu không thể để cho tình trạng rối loạn chính trị của Mỹ chi phối an ninh châu Âu. Họ phải nghiêm túc xem xét việc triển khai quân tới Ukraine để hỗ trợ và huấn luyện hậu cần, bảo vệ biên giới và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine, hoặc thậm chí để bảo vệ các thành phố của Ukraine. Họ phải nói rõ với Nga rằng châu Âu sẵn sàng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Ukraine. Chấp nhận thực tế thảm khốc của tình hình ở Ukraine và giải quyết nó ngay bây giờ sẽ tốt hơn là để ngỏ cánh cửa cho Nga đẩy nhanh bước chân đế quốc của mình.
Tình thế thay đổi
Ý tưởng triển khai quân đội châu Âu tới Ukraine hiển nhiên đã gây ra những ý kiến phản đối. Điện Kremlin phẫn nộ trước những tuyên bố gần đây của Tổng thống Macron và những người khác cũng cảnh báo về chiến tranh, có thể là chiến tranh hạt nhân đối với toàn bộ châu Âu. Washington và Berlin cũng phản ứng quyết liệt. Cả Đức và Mỹ đều hạn chế nghiêm ngặt viện trợ mà họ dành cho Ukraine trong suốt cuộc xung đột, họ cho rằng Nga có thể thực hiện tốt lời đe dọa leo thang của mình. Đồng thời, họ chỉ trích gay gắt các quốc gia châu Âu có tư tưởng diều hâu vì họ coi đó là những hành động khiêu khích không cần thiết.
Sự phản đối như vậy không làm giảm đi những lợi ích mà của châu Âu ở Ukraine. Việc Berlin, Moscow và Washington đều phản ứng mạnh mẽ cho thấy tại sao cuộc thảo luận này lại quan trọng đến vậy. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã chứng minh rằng có thể thoát ra khỏi cuộc tranh luận leo thang một chiều, cho đến khi nó có lợi cho Nga. Trong mô hình trước đó, Moscow đã đe dọa leo thang, còn Berlin và Washington đã đáp lại bằng những lời nói và hành động nhằm giảm leo thang – một động lực ngăn cản cả Đức và Mỹ gửi các hệ thống tên lửa tiên tiến hơn mà Ukraine rất cần. Giờ đây, các nước châu Âu đang đưa ra những lời đe dọa và Nga đang tỏ ra vô cùng khó chịu.
Quá nhiều chính trị gia và học giả ở Mỹ cũng như Châu Âu lặp lại quan điểm của Tổng thống Putin bằng cách cảnh báo rằng bất kỳ hình thức can thiệp từ bên ngoài nào vào Ukraine sẽ dẫn đến Chiến tranh thế giới lần thứ ba. Trên thực tế, việc gửi quân đội châu Âu sẽ là một phản ứng bình thường đối với một cuộc xung đột giống như hiện tại. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã phá vỡ cán cân quyền lực trong khu vực và châu Âu có lợi ích sống còn trong việc điều chỉnh sự mất cân bằng này. Cách rõ ràng để làm điều này là viện trợ cho quân đội Ukraine mà một lần nữa có thể bị Mỹ bỏ rơi, đồng thời nguồn viện trợ tốt nhất sẽ là binh lính châu Âu. Trừ khi tình hình chính trị ở Mỹ thay đổi, Ukraine sẽ cần các nguồn hỗ trợ thay thế để tiếp tục cuộc xung đột và châu Âu đương nhiên là đứng ra ủng hộ.
Gửi quân đội tới
Các lực lượng châu Âu có thể thực hiện các hoạt động quân sự hoặc phi quân sự để giảm bớt một số áp lực lên Ukraine. Các nhiệm vụ hoàn toàn không phải là tham gia chiến đấu trực tiếp sẽ dễ dàng được chấp thuận bởi hầu hết các quốc gia châu Âu. Các lực lượng châu Âu có thể hỗ trợ Ukraine thực hiện các chức năng hậu cần, chẳng hạn như bảo trì và sửa chữa các phương tiện chiến đấu. Bằng cách ở lại phía tây sông Dnieper, một rào cản tự nhiên bảo vệ phần lớn Ukraine khỏi những bước tiến của Nga. Các lực lượng châu Âu sẽ chứng minh rằng họ không đến đó để giết lính Nga, ngăn chặn lời buộc tội không thể tránh khỏi của Nga về hành động “xâm phạm” của châu Âu. Một số phương tiện của Ukraine đã được gửi đến Đức, Ba Lan và Romania để sửa chữa đáng kể, nhưng việc thực hiện nhiệm vụ này gần mặt trận hơn sẽ đẩy nhanh quá trình, giảm thời gian thiết bị không được sử dụng trong chiến đấu và giải phóng thêm lực lượng Ukraine cho nhiệm vụ chiến đấu… Các cố vấn quân sự của Pháp, Ba Lan và châu Âu khác cũng có thể cung cấp chương trình huấn luyện sát thương và phi sát thương ở Ukraine để chuyên nghiệp hóa hơn nữa quân đội nước này. Nếu là việc huy động bổ sung giúp mở rộng quân đội Ukraine trong năm tới, điều này có vẻ có khả năng xảy ra. Điều này sẽ tăng cường năng lực đào tạo tân binh bên trong Ukraine và sẽ đặc biệt hữu ích với nước này.
Tất nhiên, các lực lượng châu Âu có thể làm được nhiều việc hơn ngoài việc sửa chữa và huấn luyện. Hình thức hạn chế tới mức thấp nhất các nhiệm vụ chiến đấu ở chiến trường có thể vẫn ở bên bờ phía tây sông Dnieper và mang tính chất phòng thủ. Một nhiệm vụ như vậy có thể liên quan đến việc tăng cường khả năng phòng không của Ukraine trong khu vực này bằng cách triển khai nhân sự, cung cấp thiết bị hoặc thậm chí nắm quyền chỉ huy và kiểm soát hệ thống phòng không của Ukraine. Rủi ro leo thang sẽ ở mức tối thiểu vì các lực lượng châu Âu sẽ có rất ít cơ hội tiêu diệt các phi công quân sự Nga phóng đạn vào Ukraine từ không phận Belarus và Nga. Nhưng điều này sẽ giúp bắn hạ tên lửa hành trình và máy bay không người lái. Khi làm như vậy, các khẩu đội phòng không do châu Âu dẫn đầu sẽ giải phóng thêm quân Ukraine để bảo vệ các lực lượng gần tiền tuyến, đồng thời làm nản lòng những nỗ lực của Nga nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng và khiến người dân Ukraine sợ hãi phải đầu hàng. Các lực lượng châu Âu cũng có thể thực hiện các nhiệm vụ phòng thủ và nhân đạo khác, chẳng hạn như rà phá bom mìn và phá hủy bom mìn chưa nổ của Nga. Việc đảm nhận những công việc như vậy từ nhân viên Ukraine sẽ giúp bảo vệ dân thường và hỗ trợ việc phục hồi kinh tế của Ukraine vì những người nông dân hiện đang phải vật lộn để trồng và thu hoạch cây trồng trên những cánh đồng đầy mìn và các loại đạn chưa nổ khác.
Việc gửi quân đội châu Âu là một phản ứng bình thường đối với một cuộc xung đột tương tự cuộc xung đột này
Một vai trò chiến đấu khác là nhiệm vụ phòng không, có thể sẽ không giao chiến với lực lượng Nga mà sẽ liên quan đến việc tuần tra các khu vực biên giới Ukraine, nơi mà quân đội Nga không được phép triển khai. Chẳng hạn như bờ Biển Đen và biên giới với Belarus và Transnistria (một khu vực ly khai ở Moldova đang được kiểm soát bởi lực lượng Nga). Việc bảo vệ hai bên sườn này sẽ giúp hơn 20.000 quân Ukraine (và vũ khí, đạn dược mà họ mang theo) có thể thoải mái chiến đấu trên tiền tuyến. Nó cũng sẽ làm giảm khả năng mở một mặt trận mới dọc theo các biên giới này. Đó là vì Nga gần như chắc chắn sẽ tìm cách tránh mở rộng chiến tranh bằng cách tấn công các đội quân châu Âu khác. Các lực lượng châu Âu cũng có thể giúp đảm bảo an ninh cho ba cảng Biển Đen còn lại của Ukraine, vốn rất quan trọng đối với cả nền kinh tế Ukraine và an ninh lương thực toàn cầu, đồng thời tiếp thêm quân cho Ukraine. Bất kỳ hoạt động nào của châu Âu ở Ukraine cũng sẽ mang theo sức nặng tinh thần. Sự hiện diện của quân đội châu Âu sẽ nâng cao tinh thần của người dân Ukraine và trấn an họ rằng tương lai của đất nước họ nằm ở châu Âu.
Cuối cùng, châu Âu cần xem xét “sứ mệnh” tác chiến trực tiếp giúp bảo vệ lãnh thổ Ukraine ở phía tây sông Dnieper. Ngoài việc giảm bớt gánh nặng cho quân đội Ukraine ở những khu vực này, sự hiện diện của quân đội châu Âu sẽ khiến lực lượng Nga khó có thể vượt sông, điều này giúp bảo vệ phần lớn Ukraine khỏi bị ảnh hưởng. Một mục tiêu tiềm năng của Nga là Odessa, cảng chính của Ukraine. Đây là nơi vận chuyển phần lớn hàng xuất khẩu của nước này. Nếu quân đội Nga tiếp cận thành phố, các lực lượng châu Âu ở khu vực lân cận sẽ có quyền tự vệ bằng cách bắn vào những người lính đang tiến tới. Những điều này có thể giúp ngăn chặn một cuộc tấn công của Nga. Hơn nữa, với vị trí chiến lược của Odessa, Moscow có thể bóp nghẹt nền kinh tế Ukraine và tạo điều kiện cho các lực lượng Nga sẵn sàng cho một chiến dịch khác của họ, có thể là ở Moldova. Moscow sẽ cố gắng coi bất kỳ phản ứng nào đối với chiến dịch của họ là sự gây hấn của châu Âu, Tuy nhiên chính họ có thể sẽ phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ sự leo thang nào.
Tình thế của Putin
Nguy cơ việc triển khai binh sĩ châu Âu tới Ukraine dưới bất kỳ hình thức nào sẽ làm leo thang xung đột đang bị thổi phồng quá mức. Nga có rất ít cơ hội để mở rộng quy mô các cuộc tấn công thông thường, ngoại trừ việc triển khai vũ khí sinh học hoặc hóa học. Họ đã mất hơn 90% quân đội trước chiến tranh, với hàng trăm nghìn người thương vong. Hàng chục nghìn phương tiện chiến đấu bị phá hủy và phần lớn các hệ thống vũ khí tiên tiến nhất của họ đã được sử dụng trong các cuộc tấn công vào Ukraine. Các lệnh trừng phạt đã khiến việc sản xuất vũ khí của Nga trở nên khó khăn và tốn kém hơn, đồng thời việc triển khai quân tới Ukraine khiến Nga chỉ còn đủ lực lượng để bảo vệ phần còn lại của đường biên giới dài của mình chứ chưa nói đến việc tiến hành một chiến dịch quan trọng chống lại các quốc gia châu Âu khác. Vào tháng 1/2022, quân đội Nga được nhiều người coi là chỉ đứng sau Quân đội Mỹ. Còn ở thời điểm hiện tại, thậm chí họ còn không phải là đội quân hùng mạnh nhất đang hiện diện ở Ukraine. Nhưng nếu các nhà lãnh đạo châu Âu để Nga giành chiến thắng ở Ukraine, ông Putin có thể sẽ tiếp tục đưa ra các mối đe dọa hạt nhân cho phép ông đe dọa và chinh phục nhiều quốc gia hơn mà không dè chừng đúng mức trước các phản ứng quân sự của châu Âu.
Câu hỏi nghiêm túc là liệu Nga có thực sự sử dụng vũ khí hạt nhân nếu lực lượng châu Âu tiến vào Ukraine hay không. Có thể cho rằng, đây đã là một điểm cần tranh luận vì các lực lượng hoạt động đặc biệt từ các nước phương Tây hiện đang hoạt động bên trong Ukraine. Moscow thường xuyên sử dụng những lời lẽ cứng rắn đối với các thành viên NATO, nhưng cho đến nay họ vẫn chỉ đe dọa và không có những động thái đáng kể. Họ tránh tiếp xúc với các lực lượng của NATO và thay vào đó họ tập trung vào các nước láng giềng bên ngoài liên minh, như Georgia và Ukraine để họ có thể xoay sở một cách an toàn. Tổng thống Putin đã đe dọa tấn công Ba Lan, Romania và các nước vùng Baltic vào năm 2014, và trong vài năm tiếp theo, ông đe dọa sẽ hành động cụ thể đối với Phần Lan và Thụy Điển vì gia nhập NATO. Na Uy để tiếp đón thêm quân đội Mỹ, Ba Lan và Romania và “bất kỳ quốc gia châu Âu nào” cho phép triển khai tên lửa của Mỹ trên đất của họ đã xây dựng các cơ sở phòng thủ tên lửa đạn đạo. Trong một thập kỷ rưỡi qua, Điện Kremlin đã đe dọa hoặc tổ chức các cuộc tập trận mô phỏng việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Đan Mạch, Ba Lan, Thụy Điển, Ukraine, Vương quốc Anh, các nước vùng Baltic, Liên minh châu Âu nói chung và các nước khác, tất nhiên là cả NATO và Mỹ. Ở một thời điểm nào đó, các nhà lãnh đạo châu Âu phải phớt lờ lời đe dọa của ông Putin, vốn chỉ là lời tuyên truyền dựa trên quan điểm vô căn cứ rằng NATO muốn tấn công hoặc xâm lược Nga.
Sự xuất hiện của lực lượng châu Âu tại Ukraine sẽ làm thay đổi tính toán của Putin
Cuối cùng, phương Tây cho rằng, Nga không đủ khả năng để chiến đấu với nhiều nước châu Âu cùng một lúc, chứ đừng nói đến việc bắt đầu một cuộc chiến tranh hạt nhân. Điều đáng chú ý là các quốc gia có nhiều khả năng trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công hạt nhân nhất là những quốc gia giáp biên giới với Nga. Các nước đó bao gồm Ba Lan và các nước vùng Baltic cũng có thể sẽ là những quốc gia ít lo ngại nhất về viễn cảnh đó nhưng họ có thể lo ngại một cách chính đáng về hoạt động của một quân đội được tái thiết của Nga phấn chấn sau khi đã thành công ở Ukraine. Châu Âu giàu có hơn Nga nhiều, công nghệ tiên tiến hơn và có dân số đông hơn nhiều so với Nga. Moscow biết rằng họ không thể giành chiến thắng bằng cách khiêu khích toàn bộ lục địa và tìm cách tránh sự can thiệp quân sự của Mỹ, điều rất có thể sẽ xảy ra nếu lực lượng Nga tấn công một quốc gia NATO và kích hoạt Điều 5 trong hiến chương của liên minh này.
Thay vào đó, Nga đang đặt gần như hoàn toàn hy vọng vào chiến thắng trong trường hợp châu Âu coi Ukraine là một quốc gia tách biệt khỏi phần còn lại của lục địa. Cho đến nay, hy vọng của nó đã thành hiện thực. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã dung túng cho các đợt tấn công vào Ukraine mà lẽ ra sẽ gây ra phản ứng thống nhất của châu Âu nếu chúng xảy ra ở bất kỳ quốc gia thành viên nào thuộc NATO hoặc EU. Thái độ này đã cho phép Nga leo thang cuộc chiến ở Ukraine, thậm chí cảm thấy an tâm khi biết rằng phần còn lại của châu Âu sẽ giữ khoảng cách với chiến trường.
Sự xuất hiện của lực lượng châu Âu tại Ukraine sẽ thay đổi tính toán đó. Moscow sẽ phải đối mặt với khả năng sự leo thang ở châu Âu có thể khiến cuộc chiến trở nên bất lợi đối với Nga. Hơn nữa, một phản ứng của châu Âu có thể sẽ đánh vào ý chí tuyên truyền của Nga rằng sự can thiệp của các nước NATO vào Ukraine chỉ là một mưu đồ của Mỹ nhằm làm suy yếu Nga. Câu chuyện cho rằng NATO là kẻ xâm lược trong cuộc chiến này đã phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới và việc chống lại điều đó có thể giúp châu Âu cô lập Moscow hơn nữa cả về ngoại giao và kinh tế. Đồng thời, bởi vì các lực lượng châu Âu sẽ hoạt động bên ngoài khuôn khổ NATO và lãnh thổ NATO, bất kỳ thương vong nào cũng sẽ không gây ra phản ứng theo Điều 5 và lôi kéo Mỹ tham gia. Đối thủ của Nga sẽ không phải là NATO mà là liên minh các nước châu Âu đang tìm cách cân bằng trước một chủ nghĩa đế quốc Nga trần trụi.
Ukraine đang làm những gì tốt nhất có thể, nhưng nước này cần sự giúp đỡ, sự giúp đỡ mà các nước châu Âu có khả năng và ngày càng sẵn lòng thực hiện. Thay vì buộc Nga leo thang, sự hiện diện của quân đội châu Âu sẽ có nhiều khả năng ngăn chặn xung đột lan rộng và ngăn ngừa thiệt hại thêm cho nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của Ukraine. Các nhà lãnh đạo châu Âu không cần phải tuân theo mệnh lệnh của một nước Mỹ ngày càng không đáng tin cậy về cách thức tiến hành cuộc chiến ở Ukraine, họ có thể và nên tự quyết định một cách tốt nhất để đảm bảo tự do và an ninh cho lục địa này. Châu Âu phải làm những gì cần thiết để bảo vệ tương lai của chính mình và điều đó bắt đầu bằng việc đảm bảo Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến này./.
Biên dịch: Duy Hưng
Các tác giả:
Alex Crowther là thành viên cấp cao của Chương trình An ninh và Quốc phòng xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu và là Đại tá Quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu.
Jahara Matisek là Giáo sư công tác tại Trường Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ, Nghiên cứu viên tại Trung tâm Sáng kiến Phục hồi Châu Âu và là Trung tá trong Lực lượng Không quân Hoa Kỳ.
Phillips P. O’brien là Hiệu trưởng Trường Quan hệ Quốc tế và Giáo sư Nghiên cứu Chiến lược tại Đại học St. Andrews.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của các tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]