BBT - Sự hiện diện của NATO tại châu Á thông qua cửa ngõ Nhật Bản đang cho thấy một mối quan tâm mới của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Trong quá khứ, tổ chức này đã đóng góp một vai trò then chốt trong cuộc đua chiến lược giữa Mỹ và Nga (trước đó là Liên Xô). Với việc tham gia sâu hơn vào cục diện châu Á nói riêng và cục diện khu vực "liên đại dương" nói chung, mục đích chiến lược của NATO thực sự là gì? Vai trò và tác động của tổ chức này đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ được thể hiện như thế nào? Loạt bài viết "NATO xoay trục sang châu Á" với Phần 1: Khả năng và thực tiễn của quá trình xây dựng lực lượng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng Phần 2: Tác động và hệ quả đối với cấu trúc an ninh mới của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ góp phần đưa ra một góc nhìn cho những vấn đề hóc búa, có tính thời sự cao này.
Sự hình thành và mở rộng của NATO
NATO (North Atlantic Treaty Organization) – Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, là một liên minh quân sự và chính trị được thành lập vào năm 1949 nhằm đối phó với Liên Xô. 12 thành viên sáng lập của NATO vào năm 1949 gồm: Mỹ, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Ý, Iceland, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha và Vương quốc Anh. NATO ngày càng mở rộng về thành viên và phạm vi hoạt động. Dù được thành lập để đối phó với Liên Xô, đến năm 1991 khi Liên Xô sụp đổ, Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO vẫn không tan rã và tiếp tục phát triển. Tính đến nay, số thành viên của NATO đã tăng từ 12 lên 31 quốc gia thông qua 9 vòng mở rộng.
Năm 1952, NATO mở rộng lần đầu tiên ở phía Nam Biển Đen, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên NATO thông qua lần mở rộng đầu tiên của liên minh.
Năm 1955, Tây Đức gia nhập NATO. Đáp lại, Liên Xô và bảy quốc gia ở Đông Âu thành lập Hiệp ước Warszawa gồm tám quốc gia. Khi nước Đức thống nhất vào năm 1990, Đông Đức cũ cũng được chào đón vào NATO.
Năm 1982, Tây Ban Nha trở thành thành viên thứ 16 của NATO.
Năm 1991, Liên Xô sụp đổ và Hiệp ước Warszawa bị giải thể. Năm 1994, Phần Lan và Thụy Điển tham gia chương trình Đối tác vì Hòa bình của NATO. Năm 1995, họ gia nhập Liên minh châu Âu, nhưng vẫn không liên kết quân sự.
Năm 1999, không còn bị ràng buộc bởi Hiệp ước Warszawa, ba cựu thành viên Hiệp ước Warszawa: Cộng hòa Séc, Hungary và Ba Lan gia nhập NATO
Năm 2001, sau vụ tấn công 11/9 vào Mỹ, điều 5 trong hiệp ước NATO về nguyên tắc chính của phòng thủ tập thể lần đầu tiên được kích hoạt. Điều 5 quy định: nếu bất kỳ thành viên nào của liên minh bị tấn công, nó sẽ được coi là một cuộc tấn công vào tất cả các thành viên.
Năm 2004, sự mở rộng lớn nhất của NATO cho đến nay khi bảy quốc gia trở thành thành viên: Bulgaria, Romania, Slovakia, Slovenia, Estonia, Latvia và Litva. Trong đó, Estonia, Latvia và Litva là những nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã tham gia Liên minh.
Năm 2008, các nước NATO hoan nghênh nguyện vọng gia nhập liên minh của Ukraine và Georgia, khiến Nga tức giận. Vào tháng 8, Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến ngắn với Gruzia về các khu vực ly khai Nam Ossetia và Abkhazia, mà Moscow công nhận là các quốc gia độc lập.
Năm 2009, Croatia và Albania trở thành thành viên NATO.
Năm 2017, Montenegro gia nhập NATO.
Năm 2020, Bắc Macedonia trở thành thành viên thứ 30 của NATO.
Năm 2022, Thụy Điển và Phần Lan tìm hiểu khả năng trở thành thành viên NATO sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra.
Năm 2023, Phần Lan trở thành thành viên mới nhất của Liên minh vào ngày 4/4. Ngoài ra, Hiện tại, đang có 4 quốc gia tuyên bố nguyện vọng trở thành thành viên của NATO là: Bosnia và Herzegovina, Georgia, Thụy Điển và Ukraine.
Chính sách mở cửa của NATO được dựa trên Điều 10 của hiệp ước tạo điều kiện để nâng số lượng thành viên của Liên minh. Thứ trưởng Ngoại giao dưới thời Clinton, Strobe Talbott, đã đưa ra ba lý do nổi bật cho quyết định chấp nhận thành viên mới của NATO là: tiếp tục tăng cường cho an ninh tập thể, củng cố các thể chế dân chủ thông qua việc khuyến khích thành viên, và thúc đẩy giải pháp hòa bình giữa các thành viên mới cũng như thành viên trong tương lai.
Kế hoạch xoay trục về châu Á của NATO
Xoay trục sang châu Á của NATO là ý tưởng cho rằng liên minh này cần tăng cường can dự và hợp tác với các quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (CA-TBD), nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc và các hành động khiêu khích từ Triều Tiên. Chiến lược xoay trục sang châu Á của NATO một phần được truyền cảm hứng từ việc Mỹ chuyển hướng sang châu Á, vốn được cựu Tổng thống Barack Obama công bố vào năm 2011 như một cách tái cân bằng chính sách đối ngoại và tư thế quân sự của Mỹ đối với khu vực. Karl-Heinz Kamp – Cựu giám đốc nhiên cứu của Đại học Quốc phòng NATO ở Rome, cho rằng NATO nên xoay trục sang châu Á – không phải với tư cách là một người chơi quân sự, mà là một liên minh của các nền dân chủ có nhiều điều để cung cấp cho các quốc gia cùng chí hướng trong khu CA-TBD. Nhưng nhìn chung, việc xoay trục của NATO về châu Á chủ yếu là tập trung vào Trung Quốc.
Đối với Mỹ, Trung Quốc là thách thức chiến lược đối với quyền bá chủ toàn cầu của Mỹ, sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối đe dọa của Mỹ trên tất cả các khía cạnh, bao gồm cả quân sự và an ninh phi truyền thống như ngoại giao, an ninh mạng, kinh tế, tầm ảnh hưởng… Đối với các quốc gia châu Âu trong NATO, Trung Quốc không phải là mối đe dọa quân sự thông thường có thể so sánh với Nga. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đang ngày càng lo ngại về các mối de dọa phi truyền thống như như hoạt động thương mại – đầu tư, an ninh mạng.
Các nhà lãnh đạo NATO đã tập trung tại London vào tháng 12/2019, Tổng thư ký Jens Stoltenberg đã kêu gọi liên minh này cần thích ứng đối với một thách thức mới là Trung Quốc. “Chúng ta phải giải quyết thực tế là Trung Quốc đang tiến đến gần chúng ta hơn” ở Châu Phi, Bắc Cực, Châu Âu và cả trong không gian mạng. Các đồng minh lần đầu tiên đã đề cập đến Trung Quốc trong tuyên bố của NATO rằng “ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc mang lại những cơ hội và cả thách thức” mà NATO cần cùng nhau giải quyết với tư cách là một liên minh.
Hai năm sau, tháng 6/2021, các nhà lãnh đạo NATO tiếp tục gặp nhau tại Brussels. Lần đầu tiên trong một thông cáo của NATO, việc xây dựng quân đội của Trung Quốc được coi là một thách thức mang tính hệ thống đối với an ninh liên minh. Tổng Thư ký NATO Stoltenberg cho biết NATO không coi Trung Quốc là đối thủ nhưng Trung Quốc đặt ra một số thách thức đối với lợi ích, giá trị và an ninh của liên minh này. Ông cũng cho rằng việc hợp tác với Trung Quốc trở nên quan trọng hơn vì Bắc Kinh đang đầu tư vào sự tiến bộ quân sự như tên lửa tầm xa với đầu đạn hạt nhân[1].
Tháng 4/2022, NATO đã tuyên bố rằng họ sẽ bắt đầu tham gia vào khu vực CA-TBD cả về lý luận lẫn thực tiễn trong bối cảnh ảnh hưởng và sự ép buộc ngày càng tăng của Bắc Kinh. Phát biểu sau cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao NATO vào ngày 7 tháng 4, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết tác động toàn cầu của cuộc xung đột Ukraine đã thúc đẩy tổ chức này lần đầu tiên tăng cường can dự với các đối tác châu Á-Thái Bình Dương.
Thực tiễn xoay trục về châu Á của NATO
Trung Quốc lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình nghị sự của NATO năm 2019, nhưng chỉ mới là sự xuất hiện để đối phó với áp lực từ chính quyền Trump. Tại cuộc họp của các ngoại trưởng ở Washington, Ngoại trưởng Mỹ ở thời điểm đó là Mike Pompeo đã kêu gọi các đồng minh NATO thích ứng với sự cạnh tranh chiến lược của Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và 5G. Các ngoại trưởng NATO cuối cùng đã đồng ý khởi xướng một đánh giá tập thể về những tác động an ninh do sự trỗi dậy của Trung Quốc đối với liên minh xuyên Đại Tây Dương. Một tháng sau tại cuộc họp ở Phần Lan, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo tiếp tục có bài phát biểu gay gắt về các hoạt động của Trung Quốc ở Bắc cực, nhấn mạnh các rủi ro an ninh đối với châu Âu do cả Trung Quốc và Nga gây ra. NATO cũng bắt đầu có những hành động để tăng cường quan hệ hợp tác của mình với các đối tác ở CA-TBD. Tháng 8/2019, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã thăm chính thức Úc và New Zealand.
Những thách thức an ninh nhiều mặt do Trung Quốc đặt ra đã thúc đẩy một khái niệm chiến lược được gọi là NATO 2030 rằng NATO sẽ phải dành nhiều thời gian, nguồn lực và hành động đối với những thách thức an ninh gây ra bởi Trung Quốc. Chương trình nghị sự 2030 của NATO đã đưa ra lý do cần phải tăng cường quan hệ đối với các đối tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (ÂĐD-TBD) là để cùng nhau giải quyết các vấn đề an ninh và thách thức toàn cầu, cũng như bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. NATO cùng các đối tác ở ÂĐD-TBD đã đồng ý đẩy mạnh đối thoại chính trị cũng như hợp tác thiết thực trong một số lĩnh vực, bao gồm không gian mạng, công nghệ mới và chống lại thông tin sai lệch. Vì những thách thức toàn cầu đòi hỏi các giải pháp toàn cầu, họ cũng đã nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn với nhau trong các lĩnh vực khác như an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu và khả năng phục hồi.
Mặc dù NATO đã mở rộng quan hệ đối tác ngoài khu vực Châu Âu – Đại Tây Dương từ lâu, tuy nhiên, kể từ 2016 – bắt đầu nhiệm kỳ của Cựu Tổng thống Trump, NATO đã ngày càng tham gia nhiều hơn về mặt chính trị đối với các đối tác của mình ở khu vực ÂĐD-TBD. Tháng 12/2016, NATO đã tổ chức cuộc họp chính thức đầu tiên với bốn “đối tác” Châu Á-Thái Bình Dương (Nhật, Hàn, Úc, New Zealand) tại Brussels. NATO trở nên đặc biệt tích cực tham gia vào khu vực này kể từ sau cuộc xung đột Nga – Ukraine. Tháng 6 năm 2022, lần đầu tiên các lãnh đạo Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc đã được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Madrid. Sau đó NATO đã công bố tài liệu “Khái niệm chiến lược”, lần đầu tiên NATO liệt kê Trung Quốc là một trong những ưu tiên chiến lược của tổ chức này. NATO lập luận rằng Bắc Kinh đặt ra “những thách thức mang tính hệ thống” đối với an ninh châu Âu-Đại Tây Dương, nhưng Nga vẫn là “mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của các đồng minh”.
Ngày 25/1/2023, NATO đã đưa ra sáng kiến mang tên “Tương lai ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”[2] nhằm góp phần thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác của NATO với các đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sáng kiến này được phát triển thông qua Chương trình Khoa học vì Hòa bình và An ninh (SPS) của NATO và sẽ bao gồm một loạt các cuộc thảo luận giữa các chuyên gia từ Bỉ, Úc, Pháp, Nhật trong hai năm tới.
Cuối tháng 1/2023, Tổng Thư ký NATO – Stoltenberg đã có chuyến thăm đến Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm tăng cường với các đồng minh tai Đông Á. Tháng 3/2023, phái đoàn quân sự từ Bộ phận Hợp tác An ninh (CS) của NATO do Giám đốc Bộ phận – Trung tướng Francesco Diella dẫn đầu đã tới thăm Úc và New Zealand để gặp gỡ các đại diện chính trị và quân sự cấp cao nhằm thảo luận về các mối quan hệ đối tác hiện tại cũng như các cơ hội thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn trong tương lai. Phái đoàn này cũng đã đến thăm Nhật Bản vào tháng 4/2023 với cùng mục đích.
NATO cũng đang bắt tay vào một bước quan trọng để thiết lập sự hiện diện của mình ở khu vực CA-TBD bằng cách lên kế hoạch mở một văn phòng liên lạc tại Châu Á. Nikkei Asia đã đưa tin rằng NATO sẽ mở văn phòng liên lạc đầu tiên ở Châu Á tại Nhật Bản, văn phòng liên lạc sẽ cho phép liên minh quân sự làm việc với Nhật Bản và các đối tác khác trong khu vực, bao gồm New Zealand, Úc, Hàn Quốc, khi Trung Quốc nổi lên như một thách thức. Kurt Volker, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO và là thành viên ưu tú tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu (CEPA), cho rằng việc liên minh quân sự mở văn phòng liên lạc ở Tokyo “là một bước tiến tự nhiên trong mối quan hệ của NATO với Nhật Bản, cũng như các nước khác”[3]. Động thái chiến lược này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tham vấn thường xuyên giữa NATO, Nhật Bản và các đối tác quan trọng trong khu vực, thừa nhận những thách thức mới nổi do Trung Quốc đặt ra bên cạnh trọng tâm truyền thống của NATO đối với Nga.
Đại sứ Đan Mạch tại Nhật Bản, Peter Taksoe-Jensen, đóng vai trò trung gian giữa Tokyo và NATO, đã nhấn mạnh rằng việc thành lập văn phòng liên lạc nhằm chống lại ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc và ngăn cản nước này nổi lên như một đối thủ đáng gờm của các cường quốc phương Tây.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã lên tiếng loại trừ tư cách thành viên của Nhật Bản trong NATO, ông cũng chia sẻ về việc thành lập văn phòng tại Tokyo rằng “Tôi thực sự chưa nghe bất kỳ xác nhận cuối cùng nào, nhưng chúng tôi đang làm việc theo hướng đó”[4].
Trước diễn biến này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích việc di chuyển văn phòng liên lạc mới ở Tokyo, rằng “Việc NATO tiếp tục mở rộng về phía đông ở châu Á-Thái Bình Dương, can thiệp vào các vấn đề khu vực, âm mưu phá hoại hòa bình và ổn định khu vực”[5].
NATO đã gửi lời mời lãnh đạo các quốc gia Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc tới tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO sẽ được tổ chức tại Litva vào ngày 11,12 tháng 7. Đây là năm thứ hai liên tiếp các nhà lãnh đạo của 4 quốc gia được gọi là AP4 hay các đối tác CA-TBD của NATO nhận được lời mời tham dự hội nghị thượng đỉnh. Điều này là minh chứng mạnh mẽ cho sự xoay trục của NATO đối với an ninh của khu vực ÂĐD-TBD và đặc biệt là chống lại mối đe dọa Trung Quốc.
Bên cạnh tăng cường hợp tác chung, NATO cũng thúc đẩy quan hệ riêng lẻ với các đối tác CA-TBD thông qua việc phát triển các chương trình Hợp tác Đối tác riêng lẻ theo từng quốc gia mà nổi bật là các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Trong đó, các hoạt động sẽ tập trung vào các chủ đề như phòng thủ an ninh mạng, không phổ biến vũ khí hạt nhân, sẵn sàng phản ứng với các vấn đề dân sự, hòa bình và an ninh[6].
Đối với Nhật Bản
NATO và Nhật Bản đã tăng cường cam kết với tư cách là đối tác chia sẻ các giá trị và mối đe dọa chung, về sự hợp tác quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc – Nga có thể gây bất ổn cho khu vực, bao gồm các cuộc tập trận xung quanh lãnh hải Nhật Bản.
Trong chuyến thăm hồi tháng 1 tới Nhật Bản của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida thông báo rằng Nhật Bản có kế hoạch thường xuyên tham dự các cuộc họp cấp cao và các cuộc họp bộ trưởng quốc phòng trong khuôn khổ NATO để thúc đẩy liên lạc chặt chẽ hơn giữa Nhật Bản và Liên minh này. Thông qua chuyến thăm, Nhật Bản và NATO đã đồng ý tăng cường quan hệ đối tác để đối phó với “những thay đổi xác định kỷ nguyên”. Hai bên đã cam kết tăng cường quan hệ để giải quyết các thách thức an ninh chung, hợp tác thiết thực bao gồm các lĩnh vực như an ninh hàng hải, phòng thủ mạng và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Tại cuộc họp Ngoại trưởng NATO tại Brussels tháng 4/2023, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết rằng ông hoan nghênh sự tham gia ngày ngày tăng của các quốc gia thành viên NATO trong khu vực ÂĐD-TBD, nơi Trung Quốc đang ngày càng trở nên hung hăng về quân sự[7]. Cả NATO và Nhật Bản cũng có ý định ký kết Chương trình hợp tác được điều chỉnh riêng (ITPP) trước Hội nghị Thượng đỉnh NATO vào ngày 11 – 12 tháng 7 tại Vilnius, Litva.
Đối với Hàn Quốc
NATO – Hàn Quốc đã tham gia đối thoại và hợp tác từ năm 2005. Hàn Quốc là một trong số các quốc gia bên ngoài khu vực Châu Âu – Đại Tây Dương – thường được gọi là “đối tác toàn cầu” – mà NATO đang phát triển quan hệ. Hàn Quốc và NATO đã thường xuyên tổ chức các cuộc họp Tham vấn chính sách cấp cao kể từ năm 2008. Các cuộc họp thường niên này là cơ hội tốt để hai bên chia sẻ các mối quan tâm chiến lược và tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Sau khi Tổng thống Hàn Quốc Suk Yeol Yoon tham gia Hội nghị Thượng đỉnh NATO tháng 6/2022 ở Madrid, Hàn Quốc cũng đã chính thức thành lập phái đoàn đại điện thường trực tại NATO là Đại sứ quán Hàn Quốc tại Bỉ. Đây là một bước quan trọng để tăng cường hợp tác giữa NATO với Hàn Quốc.
Tháng 1/2023, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg đã đến thăm Hàn Quốc để thảo luận về những thách thức an ninh chung và cách tăng cường quan hệ đối tác của NATO với Seoul. Ông Stoltenberg đã thảo luận với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol về vai trò có thể có của NATO trong việc ngăn cản Triều Tiên từ tham vọng hạt nhân ngày càng tăng sau số vụ thử tên lửa đạn đạo chưa từng có trong năm 2022.
Đối với Úc
NATO và Úc đã tham gia đối thoại và hợp tác từ năm 2005, hai bên đã tuyên bố cam kết tăng cường hợp tác trong một tuyên bố chính trị năm 2012. Hợp tác giữa hai bên được củng cố bỏi đối thoại chính trị cấp cao thường xuyên, trong đó nổi bật là Đối thoại chiến lược song phương hằng năm. Úc là một đối tác quan trọng của NATO ngoài khu vực châu Âu – Đại Tây Dương.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức đến Úc tháng 8/2019, Tổng Thư ký NATO đã gặp Thủ tướng Úc Scott Morrison, Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds, đồng thời ký thỏa thuận hợp tác mới giữa NATO – Úc với Bộ trưởng Reynolds trên tàu HMAS Hobart[8]. Tháng 11/2019, NATO và đại sứ không gian mạng của Úc, Tiến sĩ Tobias Feakin, đã cùng nhau thảo luận về các mối đe dọa an ninh mạng đang phát triển và các đối phó với vấn đề này trong cuộc họp của Ủy Ban Phòng thủ Không gian mạng diễn ra tại Trụ Sở NATO[9].
Ngoại trưởng Úc Marise Payne đã tuyên bố rằng Úc sẽ hợp tác với NATO để giúp tổ chức này chống lại các mối đe dọa hỗn hợp và thông tin sai lệch, đồng thời củng cố sự ủng hộ của Úc đối với NATO. Payne cho biết vào ngày 7/4/2022 rằng Úc sẽ hợp tác với Trung tâm Truyền thông Chiến lược Xuất sắc của NATO (SCCE) để hiểu sâu hơn về những hiểu biết sâu sắc của Úc về các thách thức an ninh và liên lạc chiến lược mà NATO[10], các đồng minh NATO và các đối tác đang phải đối mặt. Ông cho biết Úc sẽ cung cấp cho Trung tâm một cái nhìn rõ ràng về các động lực địa chiến lược ở ÂĐD-TBD và những tác động của nó đối với NATO.
Đối với New Zealand
NATO cùng New Zealand đã tham gia đối thoại và hợp tác từ năm 2001. Kể từ năm 2012, hợp tác giữa hai bên được tiến hành thông qua Chương trình Hợp tác và Đối tác Cá nhân. Hai bên đã và đang cùng nhau thúc đẩy hợp tác, phát triển năng lực của nhau thông qua tham gia vào các hoạt động, tập trận, đào tạo, trao đổi thông tin, nhân sự và chia sẻ kinh nghiệm, cũng như tham gia vào việc phát triển các tiêu chuẩn, hợp tác khoa học – công nghệ.
Tháng 3/2023, phái đoàn quân sự NATO đã đến thăm New Zealand. Người đứng đầu phái đoàn cho biết NATO “quyết tâm làm sâu sắc và tăng cường hợp tác với các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Một tháng sau, Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta đã tham dự cuộc họp Ngoại trưởng NATO thường niên tại Brussels – cùng với các đối tác từ Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Cũng trong tháng 4/2023, người đứng đầu Đơn vị hoạch định chính sách của NATO trong văn phòng Tổng Thư ký NATO bà Benedetta Berti cũng đã đến thăm Wellington. Tất cả đều cho thấy nỗ lực của NATO trong việc mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực như New Zealand.
Ngoài ra, NATO còn có một số “đối tác toàn cầu” khác ở Châu Á bao gồm: Afghanistan, Iraq, Mông Cổ, Pakistan.
NATO chủ động thúc đẩy đối thoại – hợp tác với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề
NATO cũng đang thúc đẩy đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về quy tắc phác thảo việc sử dụng có trách nhiệm trí tuệ nhân tạo và các công nghệ đột phá khác trong lĩnh vực quân sự. Các quan chức từ hơn 60 chính phủ bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc đã gặp nhau vào tháng 2 tại The Hague để thảo luận về hậu quả đạo đức và pháp lý của việc sử dụng AI trong quân đội.
Đánh giá kế hoạch và thực tiễn các hoạt động xoay trục của NATO
Nhìn chung, kế hoạch xoay trục của NATO về châu Á chưa thực sự rõ ràng, các bước triển khai cũng chỉ mới tập trung vào nâng cao mối quan hệ hợp tác nói chung đến 4 đối tác chính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Những dấu ấn mà NATO tạo ra trong thời gian qua ở CA-TBD chưa thực sự sâu sắc và có nhiều ý nghĩa. NATO cần cụ thể hóa kế hoạch của mình để tiếp cận hiệu quả hơn đến khu vực.
Mặc dù NATO từ lâu đã có truyền thống chống lại Liên bang Nga cũng như Liên Xô (trước đây), nhưng NATO không phải một lực lượng có tiền lệ ở Ấn Dộ Dương – Thái Bình Dương. Mục tiêu ban đầu của NATO là đối phó với Liên Xô và tập trung vào phòng thủ tập thể ở Bắc Đại Tây Dương, việc NATO quay trục về Châu Á vì Trung Quốc không thực sự tạo ra sự đồng thuận giữa các đồng minh. Trong khi Mỹ có định hướng rõ ràng với Trung Quốc, một số quốc gia châu Âu như Pháp, Đức dưới sự chi phối của mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc cho rằng quốc gia Đông Á này ít liên quan đến Bắc Đại Tây Dương và NATO không nên phản ứng thái quá. Bên cạnh đó, NATO là tổ chức quân sự, tuy nhiên vấn đề giữa họ và Trung Quốc không chỉ là quân sự, trong khi đó khả năng quân sự của châu Âu không thực sự quá tốt để mở rộng phạm vi hoạt động sang khu vực Châu Á. Đặc biệt hơn, trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine, cả Mỹ và châu Âu đều đang cố gắng giúp Kiev sớm kết thúc chiến sự với kết quả có lợi. Những điều này đã góp phần làm quá trình xoay trục của NATO không thực sự nổi bật.
Ngoài ra, trong 4 đối tác chiến lược của NATO ở CA-TBD, Nhật Bản và Hàn Quốc có mối quan hệ không mấy tốt đẹp. Đây sẽ là một sự cản trở đối với quá trình hợp tác trong tương lai giữa 2 quốc gia khi nói về các vấn đề quốc phòng. Tina Park, Phó Chủ tịch Hiệp hội NATO Canada nhận định rằng: “Mặc dù ý tưởng có các đối tác châu Á là rất thực tế và rất tích cực đối với NATO, nhưng thực tế việc đưa các quốc gia đối tác này lại với nhau để phù hợp với các mục tiêu chiến lược của NATO sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng”[11].
Và mặc dù Mỹ hoan nghênh sự tham gia của một số cường quốc châu Âu như Anh, Pháp ở Biển Đông, nhưng cho đến nay, chưa có sự hiện diện quân sự trực tiếp của NATO tại khu vực lân cận Trung Quốc. Thay vào đó, sự tập trung của NATO vào Trung Quốc chủ yếu đặt vào các mối đe dọa phi truyền thống. Nếu chỉ tính đến cấp độ quốc gia, Mỹ là đồng minh quân sự của nhiều quốc gia CA-TBD như Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Úc… và có các hoạt động tập trận quân sự với các quốc gia này. Ở mức độ cao hơn có thể kể đến AUKUS với sự tham gia ba bên Mỹ – Anh – Úc về hợp tác chia sẻ tàu ngầm hạt nhân. Tuy nhiên, chưa có sự hợp tác rõ ràng về quân sự ở cấp độ toàn liên minh NATO và các đối tác ở CA-TBD.
Triển vọng quá trình xoay trục về châu Á của NATO
Anders Corr, người sáng lập Corr Analytics và là Chủ biên của Tạp chí Political Rick, đã chia sẻ với The Epoch Times rằng NATO đang tìm cách củng cố liên minh của mình: “Vì Trung Quốc và Nga đã liên kết với nhau để tạo ra một trục tấn công, cùng với Iran và Triều Tiên”. Ông cũng dự đoán rằng: “cuối cùng chúng ta sẽ thấy Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Philippines gia nhập NATO hoặc một hệ thống liên minh tương đương”.[12]
Rõ ràng NATO không thể mở rộng phạm vi phòng thủ chung sang khu vực CA-TBD. NATO là hiệp ước tập trung vào “Bắc Đại Tây Dương”, liên minh này khó có thể kết nạp thành viên ở ngoài khu vực này hay thực hiện cam kết phòng thủ chung với các nước châu Á ở cấp độ liên minh. Các quốc gia CA-TBD khó có thể chính thức gia nhập NATO do vị trí địa lý. Tuy nhiên, NATO đang “nỗ lực lớn” để đưa các đối tác chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand trở thành một phần của mình – có thể coi là “NATO+”.
Marta Dassù – Giám đốc cấp cao về các vấn đề châu Âu tại Viện ASPEN đã từng đưa ra quan điểm của mình về việc liệu NATO đã sẵn sàng đối phó với Trung Quốc hay chưa rằng: NATO đã sẵn sàng coi Trung Quốc là một thách thức an ninh, tuy nhiên NATO có vẻ chưa sẵn sàng tham gia quân sự ở khu vực CA-TBD. “NATO sẽ không biến thành một liên minh lấy Trung Quốc làm trung tâm”.[13] Thay vào đó, Tổng thống Joe Biden đang đề xuất một thỏa thuận xuyên Đại Tây Dương mới: NATO, với cam kết mới của Mỹ, sẽ tập trung chủ yếu vào châu Âu và phòng thủ tập thể – và ở đây Nga vẫn là mối đe dọa quân sự chính đối với liên minh. Đồng thời, các đồng minh châu Âu sẽ ủng hộ Washington kiềm chế Trung Quốc, trước hết là về mặt ngoại giao và kinh tế.
NATO cũng có thể mở rộng ảnh hưởng an ninh của mình đồng thời kiềm chế Trung Quốc thông qua nỗ lực của từng thành viên trong khối và không cần đến sự hiện diện trực tiếp ở cấp độ liên minh. Sự hiện diện của NATO trong khu vực CA-TBD có thể “kiềm chế Trung Quốc” nhưng cũng có thể dẫn đến tình hình phức tạp và căng thẳng hơn về mặt quân sự trong khu vực, làm gia tăng áp lực an ninh đối với các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực. Nếu NATO tiếp cận Trung Quốc theo hướng đẩy mạnh quan hệ đối tác giữa các thành viên và các nước đồng minh tại CA-TBD, đây có thể là một hướng đi hiệu quả hơn vì nó phù hợp hơn với hoàn cảnh của từng thành viên NATO, cũng như hạn chế được quan ngại từ các quốc gia khác trong khu vực. “Vai trò của từng mắt xích trong khu vực được gia tăng có thể giúp NATO thực hiện mục tiêu kiềm chế Trung Quốc mà không cần sự hiện diện trực tiếp”[14].
Còn tiếp…
Tác giả: Thi Thi
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]
[1] Drozdiak Natalia (2023), “NATO to seek engagement with China over ‘responsible use’ of military AI”, The Japan Times, https://www.japantimes.co.jp/news/2023/04/19/world/nato-china-responsible-ai-use/
[2] NATO (2023), NATO launches new cooperation initiative with experts from partners in the Indo-Pacific region, https://www.nato.int/cps/en/natohq/news_211244.htm
[3] Isabel Van Brugen (2023), “NATO pivots to Asia as China threat grows (2023)”, Newsweek, https://www.newsweek.com/nato-japan-asia-liaison-office-tokyo-china-threat-1799658
[4] Jesse Johnson (2023), “NATO planning to open office in Tokyo, Japan’s envoy to U.S. says”, The Japan Times, https://www.japantimes.co.jp/news/2023/05/10/national/politics-diplomacy/japan-nato-office/
[5] Reuters (2023), “China urges ‘high vigilance’ over NATO expansion in Asia”, https://www.reuters.com/world/china-urges-high-vigilance-over-nato-expansion-asia-2023-05-04/
[6] NATO (2023), “Relations with partners in the Indo-Pacific region” https://www.nato.int/cps/en/natohq/topics_183254.htm
[7] The Japan Times (2023), “Japan welcomes increased NATO involvement in Indo-Pacific region”, https://www.japantimes.co.jp/news/2023/04/06/national/hayashi-nato-involvement/
[8] NATO (2019), “NATO Secretary General concludes visit to Australia and New Zealand”, https://www.nato.int/cps/en/natohq/news_168375.htm.
[9] NATO (2019), “NATO and Australia discuss cyber defence cooperation”, https://www.nato.int/cps/en/natohq/news_171364.htm?.
[10] Victoria Kelly-Clark (2022), “NATO to Engage in Asia-Pacific to Counter China”, The Epoch Times, https://www.theepochtimes.com/nato-to-engage-in-asia-pacifc-to-counter-china_4390703.html?
[11] Murray Brewster (2021), “Why NATO’s tentative pivot to the Asia-Pacific may be a hard sell”, CBC News, https://www.cbc.ca/news/politics/nato-china-russia-g7-australia-japan-korea-india-1.6068195
[12] Jenny Li and Lynn Xu (2023), “NATO Looking to Asia to Build a Defensive Alliance to Deter Communist China: Experts”, The Epoch Times, : https://www.theepochtimes.com/nato-looking-to-asia-to-build-a-defensive-alliance-to-deter-communist-china-experts_5323225.html?
[13] Judy Dempsey (2021), “Is NATO Ready for China?”, Carnegie Europe, https://carnegieeurope.eu/strategiceurope/84798
[14] Trường Đặng (2023), “NATO “xoay trục” đối đầu Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương?”, Diễn đàn Doanh nghiệp, https://diendandoanhnghiep.vn/nato-xoay-truc-doi-dau-trung-quoc-o-chau-a-thai-binh-duong-241661.html