BBT - Sự hiện diện của NATO tại châu Á thông qua cửa ngõ Nhật Bản đang cho thấy một mối quan tâm mới của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Trong quá khứ, tổ chức này đã đóng góp một vai trò then chốt trong cuộc đua chiến lược giữa Mỹ và Nga (trước đó là Liên Xô). Với việc tham gia sâu hơn vào cục diện châu Á nói riêng và cục diện khu vực "liên đại dương" nói chung, mục đích chiến lược của NATO thực sự là gì? Vai trò và tác động của tổ chức này đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ được thể hiện như thế nào? Loạt bài viết "NATO xoay trục sang châu Á" với Phần 1: Khả năng và thực tiễn của quá trình xây dựng lực lượng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng Phần 2: Tác động và hệ quả đối với cấu trúc an ninh mới của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ góp phần đưa ra một góc nhìn cho những vấn đề hóc búa, có tính thời sự cao này.
NATO (North Atlantic Treaty Organization) – Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã và đang cố gắng tham gia sâu rộng hơn vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương thông qua việc tăng cường hợp tác với các đối tác “cùng chí hướng” là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Chiến lược xoay trục về châu Á của NATO không chỉ có tác động đến sự ổn định của khu vực châu Á, mà còn ảnh hưởng đến chính Mỹ và châu Âu cùng những cơ chế khác trong khu vực như ASEAN,…
Tác động của chiến lược xoay trục về châu Á của NATO
Thứ nhất, mở rộng hợp tác – tăng cường an ninh: việc NATO tăng cường sự hiện diện ở châu Á – Thái Bình Dương và hợp tác với các đối tác chiến lược ở khu vực sẽ tạo điều kiện cho việc thiết lập các cơ chế chia sẻ thông tin và xây dựng năng lực để giải quyết các thách thức an ninh chung, chẳng hạn như an ninh hàng hải hoặc an ninh mạng. NATO đã nhấn mạnh rằng trọng tâm của họ là duy trì ổn định và an ninh trong khu vực chứ không phải khiêu khích Trung Quốc. Chiến lược “NATO toàn cầu” không chỉ là sự mở rộng thành viên của liên minh, mà còn mở rộng mối quan tâm an ninh của nó. Khái niệm an ninh của NATO ngày càng trở nên phổ biến, được tích hợp các vấn đề an ninh phi truyền thống và an ninh truyền thống. NATO đã vượt qua khu vực châu Âu – Đại Tây Dương và mở rộng sự can thiệp của mình trải rộng trên toàn thế giới dưới nhiều hình thức khác nhau, quá trình chuyển đổi của NATO nhấn mạnh tầm nhìn toàn cầu, củng cố các khía cạnh chính trị, xây dựng quan hệ đối tác, cam kết xây dựng chính NATO thành một tổ chức chính trị và an ninh toàn cầu. Như vậy, sự xoay trục của NATO về châu Á sẽ góp phần tăng cường an ninh khu vực cũng như toàn cầu thông qua hợp tác và chia sẻ.
Thứ hai, nâng cao động lực an ninh và cân bằng cán cân quyền lực trong khu vực. Sự hiện diện trực tiếp hoặc gián tiếp của NATO xung quanh Trung Quốc chắc chắn sẽ có ý nghĩa trong việc kiềm chế các hành động khiêu khích, bá quyền của Trung Quốc trên biển bao gồm cả Biển Đông và Biển Hoa Đông. Sự thay đổi của NATO đã phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng của NATO đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc với thái độ ngày càng cứng rắn. NATO tham gia vào CA-TBD có thể đối trọng với ảnh hưởng chính trị, kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Những can thiệp của NATO tại châu Á sẽ thúc đẩy quá trình quốc tế hóa các vấn đề Đài Loan, Biển Đông.
Thứ ba, tăng cường khái niệm an ninh phi truyền thống. Những nỗ lực của NATO ở châu Á chưa tập trung nhiều về các vấn đề an ninh truyền thống là sức mạnh quân sự. Thay vào đó, NATO đã thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác với các đối tác “cùng chí hướng” của mình trong các vấn đề an ninh hiện đại như an ninh mạng, an toàn – an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu… điều này góp phần củng cố và phổ biến khái niệm an ninh phi truyền thống trong khu vực châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung. Bằng cách thúc đẩy khái niệm an ninh phi truyền thống, NATO cũng tạo ra cơ chế hợp tác quốc tế để giảm thiểu rủi ro, ngăn ngừa xung đột và thúc đẩy phát triển bền vững. Nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu, chia sẻ kiến thức và nỗ lực chung trong các lĩnh vực như nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và điều phối chính sách. Nắm bắt khái niệm an ninh phi truyền thống khuyến khích các quốc gia hợp tác với nhau, chia sẻ thông tin và tập hợp các nguồn lực để giải quyết các thách thức chung.
Thứ tư, xoay trục sang châu Á có thể dẫn đến chia rẽ trong chính NATO. Các quốc gia thành viên có quan điểm khác nhau về mức độ tham gia của NATO ở châu Á. Trong khi Mỹ coi Trung Quốc là thách thức lớn nhất và cố gắng kiềm chế Bắc Kinh trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh. Châu Âu có cách nhìn khác về Trung Quốc, quốc gia Đông Á này đã trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của EU. Với châu Âu, Trung Quốc chưa phải là một mối đe dọa, họ chỉ là “đối thủ mang tính hệ thống”. Một số quốc gia như Pháp hay Đức bày tỏ quan điểm rằng, Trung Quốc và an ninh của Bắc Đại Tây Dương không có nhiều liên hệ và đưa ra ý kiến rằng NATO không nên phản ứng thái quá. Tuy nhiên, theo quan điểm chung: Trung Quốc có thể không phải là một mối đe dọa ngay lập tức đòi hỏi các quyết định khẩn cấp, nhưng nó đặt ra một thách thức chiến lược lâu dài trong những thập kỷ tới. Sự khác biệt quan điểm trong liên minh có thể làm suy yếu sự gắn kết và có khả năng cản trở việc ra quyết định tập thể.
Thứ năm, ảnh hưởng đến các định chế khác trong khu vực:
Sự hiện diện của NATO có thể tạo ra những động lực cũng như tương tác mới giữa liên minh này và các định chế khác trong khu vực, trong đó có ASEAN.
ASEAN là tổ chức cốt lõi ở Đông Nam Á. Một mặt, nhiều chuyên gia cho rằng sự tham gia ngày càng tăng của NATO có thể tạo cơ hội cho ASEAN củng cố vai trò là một đối tác quan trọng trong việc giải quyết các thách thức an ninh và thúc đẩy hợp tác khu vực. ASEAN có thể tăng cường hợp tác phát triển các sáng kiến xây dựng năng lực và các nền tảng đối thoại để thúc đẩy sự hiểu biết, hợp tác lẫn nhau. Với sự tham gia của NATO ở châu Á, cùng các chủ thể khu vực khác, ASEAN có thể tăng cuờng vai trò trung tâm của mình thông qua kết nối, tạo cơ hội đối thoại và đàm phán các vấn đề liên quan đến an ninh khu vực, bao gồm chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, bất đồng trên Biển Đông hay các vấn đề an ninh phi truyền thống khác như chia sẻ thông tin an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu… Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ vai trò trung tâm và quyền tự chủ chiến lược của ASEAN, đồng thời mong muốn tổ chức này đóng góp quan trọng cho hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực. Điều đó sẽ thuận lợi hơn khi ASEAN thực hiện vai trò trung tâm của mình.
Tuy nhiên, sự tham gia của NATO cũng sẽ tạo ra nguy cơ làm giảm vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực ÂĐD-TBD. Sự xuất hiện thêm của một khối liên minh mạnh mẽ trong khu vực sẽ có thể làm mờ nhạt vai trò của các định chế nhỏ hơn. Tại đối thoại Shangri-La vừa qua, các nước Đông Nam Á như Indonesia, Singapore đã lên tiếng rằng họ ghét việc chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc. Các nước châu Á chia sẻ mong muốn chung là tuân thủ độc lập chiến lược và duy trì hòa bình, ổn định khu vực.
Đối với Trung Quốc
Sự chuyển hướng của NATO sang Trung Quốc tạo ra thêm áp lực địa chính trị, an ninh cho nước này, trong đó nổi bật là vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Sự chuyển đổi này là một quá trình năng động mà Trung Quốc khó ảnh hưởng và kiểm soát được. Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc nhấn mạnh, Đài Loan là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và cảnh báo mọi sự can thiệp của nước ngoài vào vấn đề này. Sự tham gia của NATO sẽ thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Đài Loan, đi ngược lại với mong muốn của Trung Quốc.
Phản ứng lại việc NATO thông báo mở văn phòng liên lạc tại Tokyo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng rằng “NATO liên tục mở rộng về phía Đông ở châu Á – Thái Bình Dương, can thiệp vào các vấn đề khu vực, nỗ lực phá hủy hòa bình và ổn định khu vực, thúc đẩy đối đầu khối đòi hỏi sự cảnh giác cao từ các nước trong khu vực”[1].
Sự xoay trục của NATO chắc chắn sẽ làm cho Trung Quốc và Nga ngày càng thân thiết hơn. Hiện tại, dưới áp lực về cô lập chính trính trị – kinh tế của Mỹ và Phương Tây, Moskva và Bắc Kinh đã trở nên thân thiết hơn bao giờ hết. Từ trước tới nay, NATO luôn coi Nga là đối thủ truyền thống, nay có thêm thách thức mang tính hệ thống là Trung Quốc. Dù có sự khác biệt trong cách tiếp cận, mục tiêu chung của NATO đối với hai quốc gia này vẫn là kìm hãm và đối đầu. Dưới sự xúc tác của NATO, Nga và Trung Quốc càng có thêm lý do để tăng cường mối quan hệ, đặc biệt là trong hợp tác an ninh – quân sự. Nga và Trung Quốc vốn có mối quan hệ hợp tác quốc phòng thân thiết, Trung Quốc từng là khách hàng chính của Tổ hợp công nghiệp – quân sự Nga (MIC), hai nước cũng là đối tác chiến lược trong tổ chức Hợp tác Thượng Hải SCO và thường xuyên tham gia các cuộc tập trận chung. Tháng 12/2022, các tàu chiến Nga đã tham gia cùng các tàu và máy bay Trung Quốc trong cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài một tuần ở biển Hoa Đông. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng Nga và Trung Quốc có thể bắt tay tạo ra liên minh đối trọng với NATO và Mỹ.
Ngoài Nga, Trung Quốc cũng có những đối tác khác để mở rộng hợp tác. SCO và Sáng kiến Vành đai Con Đường trở thành công cụ đắc lực để Trung Quốc mở rộng mối quan hệ. Tháng 2/2023, Tổng thống Iran đã có chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên đến Trung Quốc trong hơn 20 năm qua nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Đối với Triều Tiên
Sự hiện diện của NATO ở châu Á có thể ảnh hưởng đến nhận thức của Triều Tiên về môi trường an ninh và có khả năng ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của nước này. Các phản ứng của Triều Tiên có thể khác nhau, từ việc gia tăng các hành động khiêu khích để thể hiện sự thách thức hoặc điều chỉnh các tính toán chiến lược do những thay đổi trong bối cảnh an ninh khu vực.
Những cam kết hợp tác của NATO đối với các quốc gia đối tác cũng có thể góp phần kiềm chế hành động của Triều Tiên. Các thành viên NATO và đối tác đã tích cực tham gia vào các kế hoạch không phổ biến vũ khí hạt nhân, thúc đẩy một môi trường an ninh lành mạnh, hợp tác cùng phát triển. Tuy nhiên, cũng chính sự xuất hiện của NATO ở châu Á sẽ tạo áp lực đe dọa đến an ninh và cách phản ứng của Bình Nhưỡng. Đầu năm 2023, lãnh đạo Triều Tiên ông Kim Jong-un đã kêu gọi gia tăng kho vũ khí hạt nhân của mình, xây dụng bệ phóng tên lửa di dộng siêu lớn có thể tấn công bất cứ điểm nào của Hàn Quốc. Một báo cáo của Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc (KIDA) chỉ ra rằng kế hoạch của ông Kim có thể sẽ làm tăng đầu đạn hạt nhân lên 300 trong những năm tới. Con số này sẽ vượt qua các quốc gia hạt nhân lâu đời khác như Anh, Pháp. Ngày 15/6 vừa qua, Tờ Tehran Times của Iran đã chỉ trích ý tưởng của Mỹ về việc mở rộng NATO sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương[2], rằng kế hoạch của Mỹ nhằm tạo ra một bản sao của NATO ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương chắc chắn sẽ thất bại vì nó mang lại sự bất ổn cho khu vực và quyết định đảm bảo an ninh của họ bằng cách làm việc cùng nhau.
Hệ lụy của chiến lược xoay trục về châu Á của NATO
Thứ nhất, làm gia căng thẳng khu vực: Việc NATO xoay trục sang châu Á có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng NATO – Trung Quốc cũng như Mỹ – Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia cho rằng, sự mở rộng của NATO đã dẫn đến các phản ứng dây chuyền đối với tình hình khu vực và thế giới, trong đó có cuộc xung đột Nga – Ukraine. Ông Từ Tú Quân của Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng: “Khi NATO mở rộng về phía Đông và thậm chí mở rộng toàn cầu, mô hình thế giới sẽ tăng tốc theo hướng không có lợi cho hòa bình và phát triển, do đó làm tăng sự bất ổn, không chắc chắn và mất an ninh của cộng đồng quốc tế”[3].
Thứ hai, gián tiếp tạo ra cuộc chạy đua vũ trang và nguy cơ quân sự hóa trong khu vực. Sự hiện diện của nhiều bên, nhất là lực lượng quân đội của các nước tiên tiến sẽ làm phức tạp tình hình biển Đông. Sự xoay trục của NATO về châu Á có thể hình thành một mô hình thế giới tăng tốc tư duy Chiến tranh Lạnh. Mặc dù giai đoạn căng thẳng đó đã kết thúc, NATO với tư cách là một phần tham gia chính của Chiến tranh Lạnh tồn tại và phát triển đến hiện tại, vẫn giữ bản thân liên minh một phần tư duy đối đầu kiểu cũ. Trong tương lai, khi NATO tiếp cận thành công khu vực châu Á – Thái Bình Dương, NATO chắc chắn sẽ đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình. Cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ Derek Chollet đã bày tỏ hy vọng về sự hợp tác an ninh ba bên mạnh mẽ hơn giữa Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản: “Có rất nhiều điều chúng ta có thể làm cùng nhau, cho dù đó là các cuộc tập trận quân sự hay hợp tác về các vấn đề như sức khỏe toàn cầu”[4]. Đây là dấu hiệu cho thấy, quyền lực cứng là một phần không thể tách rời trong chiến lược an ninh của NATO. Nhưng bất kể có hay không sự hiện diện quân sự, thì sự tham gia nói chung của NATO ở châu Á cũng thúc đẩy Trung Quốc tăng cường phát triển quân sự.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Trung Quốc hiện có ngân sách quân sự cao thứ hai sau Mỹ và có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cũng ngày càng được gia tăng. Năm 2021, Trung Quốc đã tuyên bố tăng ngân sách quốc phòng 6.8%[5]. Bắc Kinh cũng đang tăng cường dự trữ hạt nhân của mình và phát triển các tên lửa cũng như tàu chiến tiên tiến hơn. Ngoài ra, Trung Quốc đã tăng cường tần suất tham gia các cuộc tập trận quân sự với Nga được tiến hành tại sân sau của NATO, hoặc các cuộc tập trận ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Từ năm 2018 đến nay, Nga và Trung Quốc đã cùng tham gia hơn 30 cuộc tập trận chung, bao gồm cả song phương và đa phương trong khuôn khổ đối tác SCO hoặc các nước láng giềng.[6]
Tháng 9/2021, hợp tác quốc phòng giữa Úc, Anh và Mỹ được thành lập, với mục đích tăng cường khả năng phòng thủ, đẩy nhanh hội nhập công nghệ và mở rộng năng lực công nghiệp của cả ba quốc gia. Một trong những trụ cột chính của AUKUS là hỗ trợ Australia mua tàu ngầm hạt nhân. 18 tháng kể từ khi ba nước ký Hiệp ước An ninh, Mỹ, Anh và Úc đã công bố chi tiết về kế hoạch cung cấp tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân vào đầu những năm 2030. Tờ The Guardian đưa tin Úc đã tiết lộ kế hoạch mua hạm đội 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, trị giá khoảng 368 tỷ USD từ nay đến giữa những năm 2050[7]. Các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân do Australia chế tạo, được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng để bắn tên lửa hành trình, sẽ được đưa vào sử dụng vào đầu những năm 2040.
Cuối năm 2022, Nhật Bản cũng đã thay đổi chiến lược an ninh quốc gia và tăng chi tiêu quốc phòng của nước này lên mức 2% GDP vào năm 2027.
Sự tham gia của NATO vào châu Á có thể đẩy nhanh hơn nữa quá trình “tăng chi tiêu quốc phòng” của các quốc gia trong khu vực. Những điều này tạo ra áp lực an ninh và gia tăng thách thức đối với các nước khác trong khu vực, đặc biệt là các quốc gia nhỏ hơn và có sự bất đồng về các vấn đề biển đảo với Trung Quốc như Việt Nam, Philippines, Malaysia… Từ đây, nó sẽ gián tiếp thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang nhằm tăng cường quyền lực cứng của các nước, cùng với nguy cơ quân sự hóa vùng biển Đông và biển Hoa Đông.
Việt Nam ở đâu trong chiến lược này?
Trong phạm vi tiếp cận của NATO ở châu Á – Thái Bình Dương nói chung và xung quanh Trung Quốc nói riêng, Việt Nam có vị trí địa lý quan trọng và mối quan hệ “đặc biệt” với Trung Quốc, mà chắc chắn NATO sẽ cố gắng tìm cách giao tiếp với Hà Nội. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để hợp tác tăng cường an ninh của mình thông qua hợp tác chia sẻ thông tin, tăng cường an ninh hàng hải, an ninh mạng và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác như biến đổi khí hậu… Đồng thời, phát huy vị thế chủ nhà, tích cực kết nối, thúc đẩy đối thoại giữa các bên, làm nâng cao hình ảnh, uy tín của Việt Nam, thu hút và tận dụng sức mạnh, sự ủng hộ của thế giới để đề xuất các phương án có lợi cho mình. Tuy nhiên Việt Nam cũng phải cẩn thận, cảnh giác trước những lời “mật ngọt”, không để rơi vào tình trạng chọn bên. Tiếp tục giữ vững chính sách quốc phòng “bốn không” là “không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.
Rõ ràng, những hành động của bất kỳ bên nào tại Biển Đông, không kể là Trung Quốc, Mỹ, hay NATO đều tác động sâu sắc đến môi trường hòa bình ổn định trong khu vực, từ đó ảnh hưởng đến an ninh chính trị và kinh tế của Việt Nam. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, việc đảm bảo môi trường ổn định, an ninh để phát triển đất nước là một trong những mục tiêu được ưu tiên hàng đầu. Khi các nước xung quanh chạy đua vũ trang sẽ làm gia tăng áp lực đối với Việt Nam, do đó, Việt Nam cần bình tĩnh trước các vấn đề, chủ động tìm hiểu, dự tính các khả năng, chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đối mặt với những bất ngờ. Trước hết, Việt Nam cần tiếp tục tập trung vào việc phát triển năng lực quốc gia trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia mạnh, tạo điều kiện phản ứng tốt hơn trước các thách thức cũng như hạn chế các rủi ro. Tiềm lực kinh tế mạnh sẽ cho phép Việt Nam đầu tư vào quốc phòng nhiều hơn, không bị yếu thế trước các thế lực thù địch. Cùng với đó, Việt Nam cũng cần tiếp tục lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế, giữ vững hòa bình, ổn định tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Việt Nam cần tận dụng lợi thế về vị trí địa – chiến lược quan trọng này để thúc đẩy quan hệ với các nước lớn, tạo ra thế nước này đối trọng nước khác, duy trì hợp tác cân bằng./.
Tác giả: Thi Thi
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]
[1] U.S.News and World Report (2023), “China Urges ‘High Vigilance’ Over NATO Expansion in Asia”, https://www.usnews.com/news/world/articles/2023-05-04/china-urges-high-vigilance-over-nato-expansion-in-asia
[2] Xinhuanet (2023), U.S. “Asian NATO” plan doomed to failure: Iranian paper https://english.news.cn/20230616/0583ebf7b8924308b0bc2508707d4d97/c.html
[3] 徐秀军 (2022), 北约扩张的进程、动因及可能影响, 中国社会科学院世界经济与政治研究所, http://iwep.cssn.cn/xscg/xscg_sp/202208/t20220806_5469869.shtml
[4] Hyonhee Shin (2022), U.S. Envoy Sees ‘Consequential Shift’ in NATO, Asia Ties Amid China Challenges, https://www.usnews.com/news/top-news/articles/2022-07-11/u-s-envoy-sees-consequential-shift-in-nato-asia-ties-amid-china-challenges..
[5] Hoàng Phạm (2021), “So sánh sức mạnh quân sự Mỹ-Trung Quốc: Ai mạnh hơn?”, Báo điện tử VOV, https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/phan-tich/so-sanh-suc-manh-quan-su-my-trung-quoc-ai-manh-hon-873209.vov
[6] ChinaPower Project, “How Deep Are China-Russia Military Ties?” https://chinapower.csis.org/china-russia-military-cooperation-arms-sales-exercises/
[7] Daniel Hurst and Julian Borger (2023), “Aukus: nuclear submarines deal will cost Australia up to $368bn”, The Guardian, https://www.theguardian.com/world/2023/mar/14/aukus-nuclear-submarines-australia-commits-substantial-funds-into-expanding-us-shipbuilding-capacity
8 Murray Brewster (2021), “Why NATO’s tentative pivot to the Asia-Pacific may be a hard sell”, CBC News. https://www.cbc.ca/news/politics/nato-china-russia-g7-australia-japan-korea-india-1.6068195
9 Pierre Morcos (2021), NATO’s Pivot to China: A Challenging Path, CSIS, https://www.csis.org/analysis/natos-pivot-china-challenging-path
10 陈积敏 (2023), “北约亚太转向的动因与前景”, 中美聚焦, 08.2.2023, http://cn.chinausfocus.com/m/42770.html