Ngay trước khi cuộc bầu cử nghị viện châu Âu diễn ra, các nước EU đã cho rằng Nga có những động thái nhằm tăng cường ảnh hưởng, gây chia rẽ trong nội bộ châu Âu. Cuộc bầu cử vừa qua chắc chắn có tác động lớn đối với chính sách an ninh quốc phòng của EU trong nhiệm kỳ 2025-2029 tới, điều được cho là có khả năng định hình lại bối cảnh chính trị ở Brussels nơi các đảng phái truyền thống đang bị thách thức và xu hướng ngày càng nghiêng về phía cánh hữu. Đặc biệt kết quả cuộc bầu cử cũng được cho là sẽ có tác động lớn đến tình hình cuộc chiến Ukraine.
Các hoạt động của Nga
Vào tháng 3, EU rúng động vì một vụ bê bối được cho là do ảnh hưởng của Nga. Các quan chức hàng đầu châu Âu cho biết, Moscow dùng lượng lớn tiền mặt để mua chuộc các quan chức đảng đối lập tại một số quốc gia EU như Pháp, Đức, Hà Lan, Ba Lan và Hungary với mong muốn sự hiện diện đông đảo của các nghị sĩ thân Nga trong bộ máy nghị viện – cơ quan được cho là sẽ có tác động lớn lên chính sách an ninh quốc phòng của EU trong giai đoạn 5 năm tới. Cụ thể hơn, dù chưa có bằng chứng chính thức nào được đưa ra nhưng theo nguồn tin tình báo từ Séc, Petr Bystron – một thành viên cấp cao của Đảng cực hữu Đức AfD và đồng thời là ứng cử viên hàng đầu cho một ghế trong Nghị viện châu Âu tới đây đã bị buộc tội nhận 25,000 euro từ một mạng lưới tuyên truyền của Nga.
Ngoài ra, nhiều quan chức và các nhà lập pháp khác cũng được cho là đã nhận tiền để thúc đẩy quan điểm thân Nga thông trang mạng tuyên truyền có tên là “Tiếng nói châu Âu” (tiếng Anh: Voice of Europe) có trụ sở tại Prague – thủ đô Cộng hoà Séc. Cơ quan tình báo EU cáo buộc Viktor Medvedchuk, một chính trị gia và doanh nhân người Ukraine thân Nga, đã bí mật tài trợ cho hoạt động cho các các hoạt động gây ảnh hưởng của trang này nhằm phát tán những thông tin gây chia rẽ nội bộ trong EU thông qua việc tuyên truyền và tổ chức các cuộc biểu tình ôn hoà. Những người tham gia biểu tình thuộc các đảng cực hữu theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu và tham gia nhằm phản đối các chính sách đối ngoại của EU đối với Nga cũng như làn sóng Thoả thuận Xanh (tiếng Anh: the Green Deal). Vụ việc lần này gợi lại những lo ngại về tham nhũng và sự can thiệp của nước ngoài gây ra bởi vụ bê bối tham nhũng Qatargate làm rung chuyển Nghị viện Châu Âu chưa đầy hai năm trước.[1]
EU cũng khẳng định về việc Moscow sử dụng mạng xã hội để phát tán những thông tin sai lệch nhằm tác động đến kết quả bầu cử. Vào tháng 1, chính phủ Đức cho biết họ đã phát hiện ra một chiến dịch nhằm phát tán thông tin sai lệch của Nga trên X, trước đây là Twitter. Và cũng theo một báo cáo mới đây của Văn phòng Liên bang Đức, chỉ riêng tại Đức đã có tới hơn 50.000 tài khoản ảo được Nga sử dụng trên X để phát tán hơn một triệu tweets thông qua các tài khoản giả mạo này. Việc phát tán những thông tin sai lệch như thế này đã gây ra rất nhiều mâu thuẫn trong nội bộ châu Âu, chẳng hạn như việc EU tập trung viện trợ cho Ukraine trong khi bỏ mặc người dân địa phương những người đang phải trải qua những khó khăn của suy thoái kinh tế đã dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dân chúng EU. Ngoài ra, sự xuất hiện của những trang web giả mạo, gần giống với giao diện của các trang chính thống như Le Figaro của Bộ Ngoại giao Pháp, đã đăng tin Pháp chuẩn bị một khoản thuế để hỗ trợ cuộc chiến ở Ukraine và sau đó khoảng 200 tài khoản Facebook đã được tạo ra để phát tán những thông tin này. Bằng cách truyền bá những thông điệp như vậy với số lượng lớn trên các nền tảng trực tuyến, một số chuyên gia cho rằng Nga đang sử dụng một mạng lưới được gọi là “chiến tranh kép” (tiếng Anh: hybrid warfare) nhằm mục đích tối đa hóa sự ảnh hưởng của mình của mình với EU. [2]
Và cũng chính vì điều này đã gây ra sự xáo trộn lớn bên trong nội bộ Nghị viện châu Âu. Thay vì đoàn kết để tìm ra các giải pháp tích cực cho vấn đề, các thành viên nghị viện bị cho là đã “tấn công” lẫn nhau. Ngoài ra, những tác động không chỉ đến từ bên ngoài mà còn từ bên trong nội bộ châu Âu, đặc biệt là sự trỗi dậy của các tư tưởng cực hữu. Chính phủ Hungary đã cáo buộc EU lên kế hoạch ép buộc thanh niên châu Âu tham gia quân đội để gửi quân sang Ukraine. Điều này đã làm gia tăng sự hoài nghi của công chúng đối với tính dân chủ của EU. Cuộc khủng hoảng kinh tế và hậu quả của đại dịch COVID-19 đã khiến người dân không thể chi trả cho các nhu cầu thiết yếu khi vật giá tăng cao, trong khi chính phủ chi tiêu một lượng lớn ngân sách để hỗ trợ Ukraine. Những thách thức này đã làm nổi bật sự phân hóa trong quan điểm và chính sách của các nước thành viên EU, cũng như sự bất đồng trong cách tiếp cận giải quyết các vấn đề quốc tế.
Mục đích
Mục tiêu của những hoạt động của Nga được cho không phải ảnh hưởng lên đối tượng cụ thể nào mà là làm gia tăng sự chia rẽ xã hội nội bộ châu Âu, khơi dậy sự bất đồng và ngờ vực vào chế độ dân chủ phương Tây vốn đang trên đà khủng hoảng và từ đó cũng gia tăng được ảnh hưởng tới giới truyền thông. Hơn nữa hiện nay trong nội bộ châu Âu cũng đang có nhiều tranh cãi về việc viện trợ cho cuộc chiến tại Ukraine, do đó việc gia tăng ảnh hưởng này có thể quyết định đến kết quả của Nga tại cuộc chiến này.
Tuy nhiên trước những cáo buộc như vậy, về phía mình Nga cho rằng tất cả những thông tin trên đều là nguồn tin sai lệch. Nga khẳng định phương Tây đang tham gia vào một cuộc chiến thông tin toàn diện liên quan đến những tuyên bố sai sự thật nhằm hạ bệ danh tiếng của Nga và cho biết việc này đang làm gia tăng thêm căng thẳng giữa đôi bên. Các quan chức của Nga cũng cho rằng phương Tây đang ngày càng trở nên cực đoan hơn khi không chấp nhận những quan điểm đối ngược và đã cấm một số hãng thông tấn của Nga như RIA Novosti hay tờ Izvestia và Rosiyskaya Gazeta.[3]
Giải pháp đối phó của EU
Để ngăn chặn tác động của bên ngoài, các thành viên EU cũng đang nỗ lực phối hợp với nhau để kiểm soát tốt tình hình trước, trong và sau bầu cử. Trước những thông tin từ lực lượng tình báo, nhiều quốc gia thành viên EU đang phối hợp cùng nhau để có các biện pháp để ngăn chặn sự can thiệp của Nga, không chỉ trong cuộc bầu cử Nghị viện mà còn ở nhiều vấn đề khác trong tương lai.
Nhiều thành viên đảng cực hữu tại Nghị viện EU đã bị điều tra do cáo buộc có liên quan đến việc nhận hối lộ và làm gián điệp cho Moscow. Một số thành viên như Tatjana Ždanoka – thành viên nghị viện châu Âu của Lattvia đã bị phạt 1.750 euro do vi phạm một số nguyên tắc ứng xử chung dành cho thành viên nghị viện, Maximilian Krah – thành viên đảng cực hữu Đức AfD, Clare Daly and Mick Wallace – cặp cánh tả Ireland.[4]
Các quốc gia phải đảm bảo rằng cơ sở hạ tầng quan trọng của họ, bao gồm cả công nghệ bỏ phiếu, được bảo vệ đầy đủ trước các cuộc tấn công mạng. Ví dụ điển hình là ở Ba Lan, Bộ Chuyển đổi số Ba Lan đã phân bổ hơn 3 tỷ Zloty (tương đương 760 triệu đô la Mỹ) để triển khai chương trình “lá chắn mạng” nhằm ngăn chặn các mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước này sau một bài báo sai sự thật xuất hiện trên trang thông tấn xã của Ba Lan vào ngày 31/05 vừa qua về việc nước này huy động 200.000 binh sĩ để hỗ trợ tham chiến tại Ukraina. Ngoài ra, cơ quan an ninh Ba Lan cũng đã tiến hành điều tra xuyên biên giới ở khu vực Warsaw và Tychy – phía Tây Ba Lan, và cho biết các nhà cức trách đã thu giữ 48.500 euro và 36.000 euro.[5]
Cộng hòa Séc đã trừng phạt trang tin “Đài tiếng nói Châu Âu” và đóng băng tài sản nhà tài phiệt Ukraine là Viktor Medvedchuk và một người khác có tên là Artem Pavlovich Marchevskyi được cho là có liên quan đến hoạt động này. Theo Bộ Ngoại giao Séc, quyết định trên được cho là vì lợi ích an ninh của Cộng hoà Séc cũng như để đảm bảo tính dân chủ trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.
Ngoài ra, các quốc gia thành viên cũng đã khuyến cáo người dân cảnh giác cảnh giác trước những tin giả và thông tin sai sự thật, nhưng cũng không cực đoan nghi ngờ tất cả mọi thứ vì điều đó sẽ làm gia tăng chia rẽ nội bộ trong liên minh. Những động thái này được coi là nỗ lực của Liên minh châu Âu nhằm bảo vệ không gian thông tin của họ khỏi những tác động ảnh hưởng từ Nga đối với cuộc bầu cử tại nghị viện đã được diễn ra.
Đánh giá của chuyên gia, học giả
Những tác động của chính phủ Nga đã tạo ra những thách thức nhất định trong nội bộ châu Âu. Nhà nghiên cứu khoa học chính trị tại Khoa Nghiên cứu Nga và Đông Âu của Đại học Manchester Maxim Alyukov trong cuộc phỏng vấn với tờ Aljazeera đã gọi những nỗ lực ảnh hưởng của Nga là “sự thao túng thực dụng” (pragmatic manipulation). Theo ông, các đảng cực hữu của nhiều quốc gia thành viên EU được Moscow coi như đồng minh vì họ đóng vai trò như lực lượng ly gián giúp làm xói mòn sự gắn kết trong nội bộ châu Âu và từ đó giúp Nga dễ dàng thiết lập quyền bá chủ của riêng mình. Bình luận về mức độ ảnh hưởng của những động thái này đối với kết quả cuộc bầu cử ở Nghị viện châu Âu, nhà nghiên cứu chỉ ra đây là một thực tế đã từng được thử nghiệm đối với cử tri Nga. Ví dụ như trong bối cảnh cuộc chiến với Ukraine, Nga đã truyền đi thông điệp chống lại quyền của người đồng tính, điều vốn được thúc đẩy rộng rãi trong xã hội dân chủ tự do phương Tây, thay vào đó chỉ ủng hộ các giá trị truyền thống gia đình, và điều này đã dấy lên các phản ứng trái chiều trong nội bộ Nga. Ông Alyukov chia sẻ “Tại một thời điểm nhất định, [Điện Kremlin] nhận thấy đây là một chiến lược rất hiệu quả để chia rẽ người dân ở Nga… và vũ khí hóa sự kỳ thị đồng tính cái vốn đã có ở Nga nhưng trước kia chưa từng được xem là một công cụ chính trị.”[6]
Liên quan tới những tác động của Nga trong cuộc bầu cử EU vừa qua, nhiều trang thông tin lớn cũng đã cập nhật và có các phản ứng đối với những tác động này. DW của Đức bày tỏ lo ngại “Chúng ta thấy rõ ràng mối đe doạ đang hiện hữu và hiện nay một vài những nỗ lực chung đã được đưa ra để bảo vệ cuộc bầu cử châu Âu khỏi việc phát tán thông tin sai lệch. Rõ ràng những hoạt động này dường như đã được gia tăng trong giai đoạn cuối của cuộc bầu cử vừa qua. Và các chuyên gia cũng cho rằng, Nga sẽ tiếp tục ngay cả khi cuộc bầu cử đã kết thúc”. Tờ The Guardian trích lời từ một quan chức cấp cao ở Trung Âu rằng “Người Nga chắc chắn đang gia tăng áp lực trên nhiều mặt trận với mục tiêu nhằm chia rẽ và làm suy yếu châu Âu bằng cách phá vỡ sự thống nhất xung quanh vấn đề về Ukraine. Trong mớ hỗn độn đó, họ luôn có thể nâng cao các lợi ích của mình một cách dễ dàng hơn”.[7]
Vấn đề đặt ra đối với EU
Vấn đề tấn công mạng và sử dụng tiền để gia tăng ảnh hưởng không phải là một điều mới tại khu vực này. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, EU cần phải xử lý nhiều vấn đề hơn so với thời gian trước vì những bất ổn chính trị trên thế giới cũng như chính sự trỗi dậy của nhóm cực hữu trong nội bộ châu Âu. Việc giải quyết những mâu thuẫn này và xây dựng lòng tin của công chúng là những thách thức lớn mà EU cần phải đối mặt trong thời gian tới. Cuộc bầu cử vừa qua được coi là một phép thử quan trọng để xem liệu EU có đủ năng lực đảm bảo sự thống nhất trong các vấn đề nội bộ cũng như khả năng cùng ứng phó với các mối đe dọa mà họ cho là bắt nguồn từ Nga hay không.
Kết quả của cuộc bầu cử tại Nghị viện chắc chắn sẽ góp phần định hình lại xu hướng đoàn kết nội bộ của Liên minh châu Âu, tuy nhiên, trong tương lai, không ít những yếu tố khác cũng sẽ ảnh hưởng tới vấn đề này bao gồm: những tiến bộ về công nghệ, sự thay đổi địa chính trị và các thể chế trong xã hội châu Âu./.
Tác giả: Thảo Lê
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
1. Politico EU (2024), Russian influence scandal rocks EU, https://www.politico.eu/article/voice-of-europe-russia-influence-scandal-election/Tim
2. Gosling (2024), How Russian interference is impacting Czech politics, DW, https://www.dw.com/en/how-russian-interference-is-impacting-czech-politics/a-68873286
3. John Ailen (2024), European election: How the EU says Russia is spreading disinformation, Reuters, https://www.reuters.com/world/europe/european-election-how-eu-says-russia-is-spreading-disinformation-2024-06-03/
4. Politico EU (2024), Revealed: Russia’s best friends in the EU Parliament, https://www.politico.eu/article/revealed-russias-best-friends-eu-parliament/
5. Như Hoa (2023), Ba Lan công bố kế hoạch “lá chắn mạng” trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu, VOV, https://vov.vn/the-gioi/ba-lan-cong-bo-ke-hoach-la-chan-mang-truoc-them-bau-cu-nghi-vien-chau-au-post1099293.vov
6. John T Psaropoulos (2024), ‘Pragmatic manipulation’: Is Russia playing with European voters’ minds?, Aljazeera, https://www.aljazeera.com/features/2024/6/5/pragmatic-manipulation-is-russia-playing-with-european-voters-minds
7. Jennifer Rankin and Lili Bayer (2024), Belgian police search EU parliament office over Russian interference, The Guardian, https://www.theguardian.com/world/article/2024/may/29/belgian-police-search-eu-parliament-office-russian-interference