Nghiên Cứu Chiến Lược
  • Trang Chủ
  • Lĩnh vực
    • Kinh tế
    • Xã hội
    • Quốc phòng – an ninh
    • Chính trị
  • Khu vực
    • Châu Á
    • Châu Âu
    • Châu Mỹ
    • Châu Phi
    • Châu Đại Dương
  • Phân tích
    • Ý kiến độc giả
    • Chuyên gia
  • Thư viện
    • Sách
    • Tạp chí
    • Media
  • Podcasts
  • Giới thiệu
    • Ban Biên tập
    • Dịch giả
    • Đăng ký cộng tác
    • Thông báo
No Result
View All Result
  • Trang Chủ
  • Lĩnh vực
    • Kinh tế
    • Xã hội
    • Quốc phòng – an ninh
    • Chính trị
  • Khu vực
    • Châu Á
    • Châu Âu
    • Châu Mỹ
    • Châu Phi
    • Châu Đại Dương
  • Phân tích
    • Ý kiến độc giả
    • Chuyên gia
  • Thư viện
    • Sách
    • Tạp chí
    • Media
  • Podcasts
  • Giới thiệu
    • Ban Biên tập
    • Dịch giả
    • Đăng ký cộng tác
    • Thông báo
No Result
View All Result
Nghiên Cứu Chiến Lược
No Result
View All Result
Home Phân tích

Nhật Bản sẽ sớm tham gia AUKUS?

12/04/2024
in Phân tích, Quốc phòng - an ninh
A A
0
Nhật Bản sẽ sớm tham gia AUKUS?
0
SHARES
501
VIEWS
Share on FacebookShare on Twitter
@nghien-cuu-chien-luoc

Theo một báo cáo từ Nikkei, quan hệ đối tác an ninh AUKUS giữa 3 quốc gia Mỹ, Anh và Australia đang thảo luận khả năng Nhật Bản có thể trở thành một phần của khuôn khổ này khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tới Washington để gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 10/4/2024. Liệu Nhật Bản sẽ tham gia AUKUS và điều này sẽ tác động như thế nào đến tình hình an ninh khu vực?

Động thái từ các thành viên AUKUS

AUKUS được tuyên bố thành lập năm 2021 vì một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, nhưng cụ thể hơn là một khuôn khổ an ninh để đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực này. Luôn có những giả thuyết về việc mở rộng AUKUS, trong đó, Nhật Bản luôn được kỳ vọng sẽ mang lại lợi thế cho liên minh này thông qua vị trí địa lý chiến lược của Tokyo. 

Mỹ

Theo báo cáo của Nikkei[1], Mỹ đã bắt đầu các cuộc thảo luận với Anh và Australia về việc mời Nhật Bản hợp tác về công nghệ quốc phòng trong khuôn khổ đối tác an ninh AUKUS. Chính quyền Biden đang thúc đẩy đàm phán với hy vọng có thể đạt được việc này tại Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vào ngày 10/4/2024. Mira Rapp-Hooper, Giám đốc cấp cao phụ trách Đông Á và Châu Đại Dương tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ chia sẻ rằng Washington sẵn sàng mời một quốc gia mới tham gia trụ cột 2 trong thời gian rất gần: “Chúng tôi sẽ xem xét các dự án khác nhau, có tiềm năng mang lại những đối tác khác. Có một loạt đồng minh và đối tác có thể góp phần phát triển các công nghệ tiên tiến.” Bà cũng đã bày tỏ sự lạc quan về khả năng mở rộng Trụ cột 2 của AUKUS và nhấn mạnh triển vọng có thêm các đối tác: “Chúng tôi hy vọng sẽ đạt được tiến bộ tốt trong thời gian tới”.[2]

AUKUS là liên minh được thành lập với hai trụ cột chính: Trụ cột thứ nhất là chia sẻ năng lực hạt nhân cho Australia bằng cách cung cấp các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trụ cột thứ hai là hợp tác phát triển “các năng lực quốc phòng tân tiến” liên quan tới 8 lĩnh vực, gồm: Các năng lực dưới biển, công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo (AI), các năng lực mạng tân tiến, năng lực vũ khí siêu thanh cũng như chống vũ khí siêu thanh, tác chiến điện tử, đổi mới sáng tạo và chia sẻ thông tin.

Nhật Bản được xem là một ứng cử viên lý tưởng do vị trí địa lý gần Đài Loan, là đồng minh thân thiết của Mỹ và là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, sẵn sàng và có khả năng chi trả cho những hợp tác về các công nghệ quốc phòng quan trọng và mới nổi. Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Kurt Campbell, một chuyên gia kỳ cựu về châu Á, từng là điều phối viên về các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ chia sẻ rằng: “Rõ ràng có những lĩnh vực mà Nhật Bản có thể mang lại năng lực đáng kể để theo đuổi an ninh và công nghệ nhằm thúc đẩy các mục tiêu chung ở ADD-TBD. Chúng bao gồm robot tiên tiến, sáng kiến ​​an ninh mạng và một số công việc trong chiến tranh chống tàu ngầm.”[3]

Anh

Ủy ban Hạ viện Anh đã đề xuất chính phủ Anh “nên đề xuất với Australia và Mỹ mời Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia thỏa thuận hợp tác quốc phòng công nghệ AUKUS” trong báo cáo về nghiên cứu AĐD-TBD được công bố tháng 8/2023[4]. Việc mở rộng được đề xuất có thể sẽ tập trung vào các hoạt động như công nghệ mạng, AI, lượng tử và siêu thanh nhưng không bao gồm tàu ngầm hạt nhân. AUKUS mang lại cho Anh những lợi ích về kinh tế cũng như an ninh và công nghệ, đồng thời, Ủy ban cũng khẳng định những điều này sẽ được tăng cường nếu hợp tác trong trụ cột hai được mở rộng sang các đối tác khác bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc. Thậm chí, sự hợp tác về công nghệ tiên tiến trong trụ cột hai có thể mang lại kết quả hữu hình nhanh hơn cả so với trụ cột một là chương trình tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhật cho Australia.

Marion Messmer, một chuyên gia an ninh tại tổ chức tư vấn Chatham House có trụ sở tại London, cho biết: “Việc mở rộng trụ cột 2 là hợp lý, bởi vì đó là điều mà rất nhiều quốc gia khác quan tâm và đặc biệt là Nhật Bản có ý nghĩa rất lớn với vị trí của nó”.[5]

Australia

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles đã bày tỏ mong muốn Tokyo tham gia vào việc phát triển quốc phòng trong quan hệ đối tác an ninh AUKUS[6]. Ông Marles cho biết Australia muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Nhật Bản về phát triển công nghệ và thừa nhận rằng quốc gia châu Á này là nơi đi đầu về công nghệ và đổi mới: “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ nói về mức hộ hợp tác lớn hơn giữa Mỹ, Anh, Australia và Nhật Bản về mặt hợp tác chung trong tương lai.”[7]

Trước đó, khi Tham vấn Bộ trưởng Australia – Mỹ (AUSMIN) diễn ra cuối năm 2022, một báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, có trụ sở tại Washington) có đồng tác giả là Chủ tịch CSIS Australia Charles Edel và 24 chuyên gia khác, cũng đã đề xuất AUKUS nên xem xét mở rộng các khả năng hợp tác với Nhật Bản, vì có sự chồng chéo đáng kể giữa chương trình nghị sự về năng lực tiên tiến của AUKUS và các khả năng mà Nhật Bản tìm kiếm như một phần của việc xây dựng quốc phòng của nước này.

Động lực thúc đẩy Nhật Bản tham gia AUKUS

Nhật Bản trong bối cảnh an ninh Đông Á

Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản về kinh tế và cả quân sự, sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến vị thế hàng đầu Đông Á không còn là Nhật Bản và quan trọng hơn những tham vọng của Bắc Kinh đã đe dọa và xung đột trực tiếp với lợi ích của Tokyo.

Trung Quốc và Nhật Bản hiện đang có tranh chấp về chủ quyền quần đảo Điếu Ngư / Senkaku tại vùng biển Hoa Đông (Trên thực tế Nhật Bản đang kiểm soát quần đảo Senkaku và Trung Quốc cũng đồng thời khẳng định chủ quyền, gọi nó là Điếu Ngư). Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường gia tăng áp lực hàng hải đối với Nhật Bản ở vùng biển này. Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện quân sự tại Biển Hoa Đông xung quanh Đài Loan và gần Nhật Bản thông qua việc tuần tra quân sự, tập trận hải – không quân trên vùng biển này. Bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho biết các máy bay quân sự, tàu tuần tra của Trung Quốc đã nhiều lần xâm nhập vùng biển thuộc chủ quyền của Nhật Bản và tần suất ngày một tăng. Cùng với đó, sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc càng làm gia tăng thách thức đối với Nhật Bản. Các nhà lãnh đạo ở Tokyo cũng lo ngại nếu Trung Quốc dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan đồng thời tiện tay giành lấy quyền kiểm soát quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư từ tay Nhật Bản.

Nhật Bản là một thành viên của Bộ tứ QUAD, tuy nhiên trên thực tế QUAD chỉ là một diễn đàn đối thoại an ninh đa lĩnh vực. Mặc dù một số nhà phê bình xem QUAD như “NATO châu Á”, đây không phải là một liên minh quân sự, không có sự thỏa thuận quân sự giữa 4 thành viên, và cũng không có sự hợp tác trong lĩnh vực quân sự có thể tạo nên giá trị hoặc lợi thế quân sự cho các nước thành viên. Do đó, QUAD không có nhiều ý nghĩa đối với Nhật Bản về mặt nâng cao năng lực quốc phòng của mình trước thách thức lớn nhất là Trung Quốc. Điều này sẽ thúc đẩy Nhật Bản tìm kiếm các cơ hội hợp tác khác để đạt được mục tiêu nâng cao năng lực quốc phòng của nước này theo chiến lược an ninh mới được điều chỉnh cuối năm 2022.

Mối quan hệ giữa Nhật Bản và các thành viên AUKUS hiện tại

Nhật Bản và Mỹ duy trì quan hệ đồng minh thân thiết đặc biệt dưới thời của Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida. Hai bên thường xuyên tiếp đón, gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh để mở rộng và tăng cường hợp tác trên toàn diện các lĩnh vực bao gồm phòng thủ tên lửa đạn đạo, không gian mạng, không gian vũ trụ và an ninh hàng hải. Tại cuộc gặp mặt Ủy ban Tham vấn An ninh Mỹ – Nhật giữa Ngoại trưởng Mỹ Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hayashi và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Hamada tháng 11 năm ngoái, hai bên tuyên bố tăng cường hợp tác song phương hướng tới việc sử dụng hiệu quả khả năng phản công của Nhật Bản với sự phối hợp chặt chẽ với Mỹ. Và đặc biệt các bộ trưởng cam kết thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác với Australia bằng cách dựa trên kết quả từ Đối thoại chiến lược ba bên vào tháng 8/2022 và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ba bên vào tháng 6 và tháng 10/2022 đồng thời tận dụng các hoạt động mở rộng theo Tuyên bố chung Nhật Bản-Australia về Hợp tác An ninh được ký kết vào tháng 10/2022[8]. Những điều này tạo tiền đề cho sự hợp tác xa hơn giữa Mỹ, Nhật và Australia thông qua AUKUS. Theo ông Da Zhigang, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tại Học viện Khoa học Xã hội tỉnh Hắc Long Giang và là chuyên gia trưởng của Viện Nghiên cứu Chiến lược Đông Bắc Á (Trung Quốc), để đạt được mục tiêu chiến lược là chống lại Trung Quốc, Mỹ cần tích hợp nhiều đồng minh hơn vào AUKUS. Do đó, có thể dự đoán rằng Mỹ sẽ thúc đẩy các đồng minh trung thành như Canada và Nhật Bản tham gia trụ cột hai[9].

Nhật Bản và Australia cũng đang tích cực tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quân sự giữa hai nước. Hai nước đã nhanh chóng phát triển quan hệ quốc phòng chặt chẽ trong những năm gần đây và Nhật Bản coi Australia là một nửa đồng minh, đối tác an ninh thân cận nhất sau Mỹ. Đầu năm 2024, Australia và Nhật Bản đã ký một thỏa thuận nhằm tăng cường năng lực chiến lược trong các hệ thống robot và tự động cho chiến tranh dưới biển[10]. Bộ Quốc phòng Australia đã đồng ý bắt đầu nghiên cứu chung về phương tiện không người lái dưới nước (AUV) để phát hiện mìn dưới nước và các hoạt động khác. Dự án nghiên cứu dự kiến kéo dài 4 năm đến năm 2028, nhằm phát triển công nghệ liên lạc âm thanh dưới nước giữa các UUV của hai nước. Tháng 6/2023, thỏa thuận nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và đánh giá song phương (RDT&E) đã được ký kết. Trước đó, Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cùng nhau ký kết Quan hệ Đối tác chiến lược đặc biệt và Tuyên bố chung về hợp tác an ninh cập nhật vào năm 2022, củng cố mối quan hệ hợp tác khoa học và công nghệ quốc phòng ngày càng bền chặt giữa hai nước. Sau đó, Nhật Bản và Australia đã đồng ý mở rộng hơn nữa quan hệ quốc phòng, bao gồm cả các cuộc tập trận quân sự chung, theo hiệp ước an ninh được nâng cấp.

Trong những năm gần đây, Anh và Nhật Bản cũng đã phát triển mối quan hệ quốc phòng và an ninh ngày càng chặt chẽ. Nhật Bản một lần nữa được mô tả là “một trong những đối tác chiến lược gần gũi của Anh” trong Đánh giá tổng hợp về an ninh, quốc phòng, phát triển và chính sách đối ngoại năm 2021 của Chính phủ Anh[11]. Ngày 11/1/2023, Thủ tướng Anh và Nhật Bản đã ký Thỏa thuận tiếp cận đối ứng tại London biết họ cho phép Anh và Nhật Bản triển khai lực lượng tại các quốc gia của nhau, lập kế hoạch và thực hiện các cuộc tập trận và triển khai quân sự quy mô lớn hơn, phức tạp hơn. Như vậy Anh và Australia trở thành 2 quốc gia duy nhất có Thỏa thuận tiếp cận đối ứng với Nhật Bản.

Tình hình hợp tác tốt đẹp giữa Nhật Bản và các quốc gia thành viên AUKUS là cơ sở và đồng thời tạo điều kiện để mở rộng hợp tác đa phương thông qua liên minh này.

Tầm nhìn chủ động phòng thủ của Nhật Bản

Tham vọng của Nhật Bản về một quốc gia có tầm ảnh hưởng về cả kinh tế và quân sự ngày càng lớn và Nhật Bản đang từng bước để đạt được điều này thông qua các hành động của mình. Dù tiếp tục duy trì chính sách định hướng phòng thủ, Nhật Bản đang bổ sung vào chính sách này sự chủ động chưa từng có.

Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 10/2021, Thủ tướng Fumio Kishida tiếp tục kế thừa chính sách đối ngoại và an ninh từ người tiền nhiệm Thủ tướng Abe, đồng thời mở rộng và tăng cường hơn nữa quan hệ của Nhật Bản với các quốc gia sự do hàng đầu ở Châu Á và các Châu lục khác. Thủ tướng Kishida đã trở thành lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên tham gia hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 6/2022 và 2023, làm sâu sắc mối quan hệ của Nhật Bản với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Cuối tháng 10/2022, Nhật và Úc đã ký tuyên bố chung về hợp tác an ninh, dù không phải là một hiệp ước phòng thủ chính thức, thỏa thuận này vẫn tăng cường quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt của 2 quốc gia, sau đó ký thỏa thuận tiếp cận đối ứng quân sự, giảm bớt các thủ tục cho các lực lượng thăm viếng và cho phép quân đội Úc và Nhật Bản tổ chức các cuộc tập trận chung và làm việc cùng nhau về cứu trợ thiên tai, bao gồm cả với Mỹ. Cuối năm 2022, Nhật Bản đã có sự điều chỉnh chiến lược An ninh Quốc gia, trong đó nổi bật là việc cam kết tăng mạnh chi tiêu quốc phòng từ 1% GDP từ năm 2022 lên mức 2% GDP năm 2027, đồng thời thắt chặt mối quan hệ hợp tác an ninh với Mỹ và các đồng minh trong đó có EU và Úc. Đại sứ Quán Nhật Bản tại Australia cho biết nước này quan tâm đến khả năng hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực năng lực tiên tiến, và do đó tiếp tục tăng cường hợp tác với Úc, Mỹ và Anh: “Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các đối tác quốc phòng và an ninh quan trọng Australia, Mỹ và Anh để hiện thực hóa một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở””[12]. 

Những hành động của Nhật Bản đang hướng đến tăng cường sức mạnh quốc phòng và ảnh hưởng của nó trước môi trường an ninh mà nước này xem là “phức tạp nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II” và đặc biệt là chủ động hơn trước “thách thức lớn nhất” của nước này là Trung Quốc. Chính phủ Nhật bản đã tuyên bố trong Chiến lược quốc phòng 2022 rằng việc tận dụng các công nghệ tiên tiến cho quốc phòng đã trở nên quan trọng. Từ đó, việc Nhật Bản hợp tác với AUKUS thông qua trụ cột 2 là có khả năng, vì nó cho phép Nhật Bản, quốc gia có năng lực công nghệ cao tiếp thu và khai thác tốt hơn các công nghệ quan trọng và mới nổi một cách hiệu quả để chuyển thành lợi thế quân sự và chuẩn bị cho cuộc chạy đua lâu dài về công nghệ quốc phòng. Chuyên gia an ninh Đông Á Rena Sasaki đã viết trong một phân tích gần đây rằng “Tăng cường quan hệ giữa các ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản và các thành viên AUKUS là cơ hội tốt để cải thiện ngành công nghiệp quốc phòng của Tokyo”[13].

Nếu Nhật Bản tham gia AUKUS?

Quan hệ đối tác hữu hạn

Sự tham gia của Nhật Bản vào quan hệ đối tác với AUKUS sẽ chỉ giới hạn trong các dự án cụ thể và không thể mở rộng đến tư cách thành viên đầy đủ, đồng thời sẽ không bao gồm các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân theo trụ cột một của thỏa thuận này.

Bị ảnh hưởng nặng nề bởi vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki năm 1945 cũng như bản sắc Yuiitsu No Hibakukoku (quốc gia duy nhất từng hứng chịu các vụ đánh bom nguyên tử), Nhật Bản nhạy cảm với tất cả những gì liên quan đến hạt nhân. Mặc dù phải đối mặt với các mối đe dọa từ nước láng giềng là Trung Quốc và Triều Tiên, cách tiếp cận của Nhật Bản đối với chính sách hạt nhân vẫn luôn được giữ vững. Nhật Bản luôn nổi lên như một nước ủng hộ mạnh mẽ cho việc giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, trụ cột 1 của AUKUS bị chỉ trích là một phương pháp để phổ biến vũ khí hạt nhân qua tàu ngầm. Đồng thời cả ba quốc gia AUKUS đều không có ý định chia sẻ thêm cho bất kỳ quốc gia nào về hạt nhân. Do đó, kể cả khi trở thành đối tác hợp tác chính thức của AUKUS, Nhật Bản sẽ chỉ tham gia vào các lĩnh vực ở trụ cột 2, liên quan đến nâng cao năng lực các công nghệ quốc phòng tiên tiến. 

Trong khi vị trí địa lý của Nhật Bản là thứ mà AUKUS coi trọng, Nhật Bản cũng cần lưu ý rằng chính vị trí gần Trung Quốc sẽ khiến nước này phải đối mặt với những rủi ro lớn hơn từ Trung Quốc trong bất kỳ xung đột nào xảy ra. Trong khi những thành viên có vị trí cách xa Bắc Kinh, sự cam kết giữa Tokyo và AUKUS có thể trở thành điều kiện để nước này trở thành những người xung trận nếu có xung đột quân sự xảy ra ở Đông Á. Do đó, Nhật Bản cũng sẽ cân nhắc về các nội dung hợp tác.

Đâu là thời điểm thích hợp?

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Anh cho biết: “Chúng tôi tiếp tục tìm kiếm cơ hội để thu hút các đồng minh và đối tác thân cận khi công việc xây dựng Trụ cột 2 của AUKUS tiến triển. Bất kỳ quyết định nào về việc đưa các quốc gia khác vào các dự án cụ thể trong việc nâng cao năng lực tiên tiến của AUKUS sẽ được đưa ra ba bên và công bố vào thời điểm thích hợp”.[14]

Trong bối cảnh các cuộc bầu cử tại cả 3 quốc gia liên minh AUKUS đang tới gần, đặc biệt là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm nay, chính quyền Biden đang thúc đẩy mạnh mẽ các cuộc đàm phán để mở rộng trụ cột 2 của AUKUS trước tháng 11. Do cả 3 quốc gia Mỹ, Anh và Australia đều lo ngại ông Donald Trump có thể hủy bỏ thỏa thuận AUKUS nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử”. Marion Messmer, một chuyên gia an ninh tại tổ chức tư vấn Chatham House có trụ sở tại London cảnh báo rằng nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump là một “rủi ro lớn” đối với tương lai của toàn bộ thỏa thuận AUKUS[15].

Trong chuyến thăm tới Nhật Bản từ ngày 19/3/2024, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell đã tiết lộ rằng “Các nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản tại hội nghị thượng đỉnh tháng 4 dự kiến ​​​​sẽ thảo luận về cách Tokyo có thể hợp tác về mặt công nghệ với khuôn khổ AUKUS”.[16] Trong cuộc gặp ngày 10/4/2024, hai bên đã có sự thảo luận về cơ hội hợp tác giữa AUKUS và Nhật Bản. Nếu thuận lợi, Nhật Bản sẽ là quốc gia đầu tiên được mời làm việc trong khuôn khổ AUKUS kể từ khi nó được công bố vào tháng 9/2021. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận. Bên cạnh đó, dù bày tỏ mong muốn Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn trong hợp tác AUKUS, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles cũng chia sẻ quan điểm rằng sự hợp tác với Nhật Bản có thể sẽ không diễn ra sớm, vì trụ cột thứ hai của AUKUS vẫn đang trong giai đoạn hình thành[17]. Ông chia sẻ: “Khi trụ cột hai trở nên trưởng thành hơn, sẽ mất vài năm… Tôi nghĩ rằng có một cơ hội vào thời điểm đó để xem xét làm thế nào chúng ta có thể hợp tác với Nhật Bản liên quan đến điều đó”.

Jasmin Alsaied là Sĩ quan Tác chiến của Hải Quân Mỹ và là Chuyên gia phát triển quốc phòng và an ninh YPFP năm 2023, cho rằng AUKUS có thể mất nhiều năm nữa mới đạt được sự mở rộng với các đối tác khác, nhưng đối thoại sớm về tương lai của khu vực là điều quan trọng nhất. Mặc dù việc hình thành liên minh phần lớn bị bỏ qua trong thời bình, nó là một công cụ mang lại  lợi ích chứ không phải gánh nặng. Khi nhu cầu khu vực về sự lãnh đạo đa phương ngày càng tăng, việc thừa nhận những lo ngại về phòng thủ, ngoại giao và năng lực của một liên minh như vậy sẽ là chìa khóa thành công của mối quan hệ AUKUS+. Các đồng minh và đối tác khác trong khu vực sẽ theo dõi chặt chẽ để xem Mỹ và các đồng minh châu Á hợp tác như thế nào trong những năm tới khi căng thẳng gia tăng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương[18].

Thách thức của Nhật Bản và AUKUS

Ngoài sự phản đối về chủ đề hạt nhân, Nhật Bản cũng đang gặp một số khó khăn về các biện pháp an ninh mạng để bảo vệ dữ liệu và công nghệ bảo mật. Chính phủ Nhật Bản đang giải quyết mối quan tâm này bằng một dự luật mới, dự kiến sẽ thông qua quốc hội trong phiên họp sắp tới. Hệ thống giải phóng mặt bằng an ninh được đề xuất, phù hợp với các quốc gia G7 khác, bao gồm các hình phạt lên đến 5 năm tù hoặc phạt tiền lên tới 5 triệu yên (33,220 USD) nếu gây rò rỉ thông tin mà được coi là quan trọng đối với an ninh và kinh tế quốc gia. Các chuyên gia cho rằng Nhật Bản cần một hệ thống giải phóng mặt bằng an ninh trước khi gia nhập AUKUS. Biện pháp này được coi là rất quan trọng để đảm bảo các nhà sản xuất Nhật Bản có thể tiếp cận thông tin mật trong các dự án phát triển chung và đóng góp hiệu quả vào các nỗ lực hợp tác được nêu trong Trụ cột 2 của AUKUS.

Nhật Bản và các AUKUS cũng sẽ phải đối mặt với sự chỉ trích và thậm chí là trả đũa từ Trung Quốc khi nước này bị đe dọa bởi sự tham gia của Nhật Bản, nước láng giềng của Trung Quốc, vào liên minh mà Bắc Kinh xem là mang nặng tư tưởng chiến tranh lạnh và đe dọa đến môi trường an ninh toàn khu vực. Theo một bài viết trên Thời báo Hoàn cầu (Global Times), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, khi AUKUS được thành lập, Trung Quốc xem đây là việc tạo ra một liên minh quân sự – an ninh toàn diện trong Chiến lược ADD-TBD để kiềm chế sự trỗi dậy của các cường quốc mới nổi trong khu vực cụ thể là Trung Quốc[19].

Sự không chắc chắn của kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ đặt ra những câu hỏi về tính bền vững của vai trò lãnh đạo của Mỹ và độ tin cậy của các cam kết liên minh. Về vấn đề này, lập trường “Nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Trump và thái độ của ông đối với các đồng minh hiệp ước đã làm tổn hại đáng kể niềm tin của Nhật Bản vào cam kết liên minh của Mỹ. Nếu Nhật Bản trở thành đối tác của AUKUS nhưng dự án này bị đóng băng trong 4 năm tiếp theo, đây không phải là những điều Nhật Bản kỳ vọng. “Có những lo ngại rõ ràng về tính bền vững của sự tham gia của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nếu ông Trump tái đắc cử”, Robert Ward, Chủ tịch Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết[20]. Tuy nhiên, nếu chính quyền Trump 2.0 bác bỏ đi sáng kiến của người tiền nhiệm và sự nỗ lực của các đồng minh thân cận, nó sẽ ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo của Mỹ không chỉ đối với các đồng minh mà trên toàn thế giới, và ở bất kỳ chính quyền nào, điều này luôn đi ngược lại tham vọng bá chủ toàn cầu của mình. Do đó, Mỹ sẽ tìm cách để cân bằng cả hai.

Tác động nếu Nhật Bản trở thành đối tác của AUKUS

Ngay từ khi mới thành lập, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ rằng đây là một biểu hiện của tâm lý Chiến tranh Lạnh điển hình và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh của khu vực và toàn cầu. Với tính chất định hướng quân sự của AUKUS, việc Nhật Bản hợp tác cao hơn với AUKUS sẽ báo hiệu cho Trung Quốc rằng nước này là một phần của mạng lưới “răn đe tổng hợp” mà Mỹ thúc đẩy, và việc đưa AUKUS đến gần hơn tới Trung Quốc về khoảng cách địa lý sẽ khiến Bắc Kinh bị đe dọa và thách thức nghiêm trọng… Từ đó, những hành động răn đe hoặc trả đũa sẽ được thực hiện phô trương sức mạnh lẫn nhau, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng, gia tăng bất ổn và nguy cơ xảy ra xung đột quân sự trong khu vực.

Sự hợp tác giữa Nhật Bản và AUKUS sẽ cho thấy tham vọng lớn hơn của AUKUS là không chỉ dừng lại ở mục tiêu chính là hỗ trợ Australia mua tàu ngầm hạt nhân, mà mở rộng hơn sang các lĩnh vực quốc phòng tiên tiến khác dành cho các thành viên và đối tác thông qua thúc đẩy trí tuệ nhân tạo, máy bay không người lái dưới biển, khả năng siêu thanh và công nghệ tác chiến điện tử. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là trong khi các quốc gia lớn hợp tác với nhau để nâng cao năng lực quốc phòng và đối trọng nhau, các quốc gia bé hơn trong khu vực sẽ phải chịu một áp lực an ninh cực kỳ lớn mà khó có thể tự mình giải quyết. Trong bối cảnh đó, nó sẽ đẩy các quốc gia bé hơn vào áp lực phải chọn bên để nhận được sự bảo hộ hoặc tăng cường chi tiêu quân sự để đảm bảo an ninh quốc gia. Như vậy, môi trường an ninh khu vực ngày càng căng thẳng, làm giảm khả năng phục hồi kinh tế của các nước đang phát triển nhất là trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn./.

Tác giả: Thi Thi

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected] 

Tài liệu tham khảo:

[1] AUKUS weighs Japan’s participation in defense tech development, Ryo Nakamura, Nikkei Asia, https://asia.nikkei.com/Politics/Defense/AUKUS-weighs-Japan-s-participation-in-defense-tech-development

[2] Defense Mirrow, “Japan to be Invited into AUKUS Partnership, But for Non-nuclear Projects”, https://www.defensemirror.com/news/36257/Japan_to_be_Invited_into_AUKUS_Partnership__But_for_Non_nuclear_Projects

[3] SADAYASU SENJU, U.S., Japan to discuss how Tokyo can work with AUKUS: Kurt Campbell, Nikkei Asia, https://asia.nikkei.com/Editor-s-Picks/Interview/U.S.-Japan-to-discuss-how-Tokyo-can-work-with-AUKUS-Kurt-Campbell

[4] UK Parliament, “Tilting horizons: the Integrated Review and the Indo-Pacific”, https://publications.parliament.uk/pa/cm5803/cmselect/cmfaff/172/report.html#heading-3

[5] Paul McLeary, Britain and US race to expand Pacific defense pact before election turmoil, Politico, https://www.politico.eu/article/aukus-donald-trump-joe-biden-david-cameron-britain-us-pacific-defense-pact/

[6]  Stephen Dziedzic and James Oaten, Australia’s ‘indispensable’ partnership with Japan could see it join AUKUS pact as strategic links grow, ANC News, https://www.abc.net.au/news/2022-12-09/aukus-australia-japan-richard-marles-pact/101757248

[7] Rachael Bayliss-chan, Australia wants Japan to collaborate with AUKUS on defense tech, The Japan Times, https://www.japantimes.co.jp/news/2024/02/18/japan/politics/australia-looks-to-japan-aukus/

[8] U.S. Department of Defense, “Joint Statement of the 2023 U.S.–Japan Security Consultative Committee (“2+2”)”, https://www.defense.gov/News/Releases/Release/Article/3265559/joint-statement-of-the-2023-usjapan-security-consultative-committee-22/

[9] Global Times, “Can possible expansion save the struggling and faltering AUKUS?”,  https://www.globaltimes.cn/page/202403/1309297.shtml

[10] Australia Government, “Australia and Japan sign research agreement for undersea warfare”, https://www.defence.gov.au/news-events/releases/2024-01-23/australia-and-japan-sign-research-agreement-undersea-warfare

[11] UK Government, “Global Britain in a Competitive Age: the Integrated Review of Security, Defence, Development and Foreign Policy”, https://www.gov.uk/government/publications/global-britain-in-a-competitive-age-the-integrated-review-of-security-defence-development-and-foreign-policy

[12]  Rena Sasaki, Now is the time for Japan to join AUKUS,  East Asia Forum, https://eastasiaforum.org/2023/11/22/now-is-the-time-for-japan-to-join-aukus/

[13]  The Jakarta Post, “Japan signals interest in AUKUS defence”, partnershiphttps://www.thejakartapost.com/world/2024/03/06/japan-signals-interest-in-aukus-defence-partnership.html.

[14] Paul McLeary, Britain and US race to expand Pacific defense pact before election turmoil, Politico, https://www.politico.eu/article/aukus-donald-trump-joe-biden-david-cameron-britain-us-pacific-defense-pact/

[15]  Paul McLeary, Britain and US race to expand Pacific defense pact before election turmoil, Politico, https://www.politico.eu/article/aukus-donald-trump-joe-biden-david-cameron-britain-us-pacific-defense-pact/

[16] SADAYASU SENJU, U.S., Japan to discuss how Tokyo can work with AUKUS: Kurt Campbell, Nikkei, https://asia.nikkei.com/Editor-s-Picks/Interview/U.S.-Japan-to-discuss-how-Tokyo-can-work-with-AUKUS-Kurt-Campbell

[17] First Post, “Japan to collaborate on defense technology under AUKUS next month? US in talks with Britain, Australia”, https://www.firstpost.com/world/japan-defence-technology-aukus-us-britain-australia-13745068.html

[18] Jasmin Alsaied, Japan plus South Korea equals AUKUS+2, Asia Times, https://asiatimes.com/2023/08/japan-plus-south-korea-equals-aukus2/

[19] Global Times, “Can possible expansion save the struggling and faltering AUKUS?”,  https://www.globaltimes.cn/page/202403/1309297.shtml

[20] GABRIEL DOMINGUEZ, Kishida heads to U.S. with a mission — maintain alliance momentum amid challenges, The Japan Times, https://www.japantimes.co.jp/news/2024/03/31/japan/politics/fumio-kishida-us-state-visit-preview/

Tags: Ấn Độ Dương - Thái Bình DươngAUKUSchia sẻ hạt nhânhợp tác an ninhhợp tác quốc phòng
ShareTweetShare
Bài trước

Mục tiêu và tác động của kế hoạch nâng cấp lực lượng hải quân Australia

Next Post

Iran tấn công Israel – nguyên nhân, tác động và một số dự báo

Next Post
Iran tấn công Israel – nguyên nhân, tác động và một số dự báo

Iran tấn công Israel - nguyên nhân, tác động và một số dự báo

  • Thịnh Hành
  • Bình Luận
  • Latest
Tình hình xung đột tại Myanmar sau 3 năm: Diễn biến, tác động và dự báo

Tình hình xung đột tại Myanmar sau 3 năm: Diễn biến, tác động và dự báo

30/01/2024
Châu Á – “thùng thuốc súng” của Chiến tranh thế giới thứ ba

Châu Á – “thùng thuốc súng” của Chiến tranh thế giới thứ ba

18/09/2024
Tình hình Biển Đông từ đầu năm 2024 đến nay và những điều cần lưu ý

Tình hình Biển Đông từ đầu năm 2024 đến nay và những điều cần lưu ý

06/05/2024
Dấu hiệu cách mạng màu trong khủng hoảng chính trị ở Bangladesh?

Dấu hiệu cách mạng màu trong khủng hoảng chính trị ở Bangladesh?

07/08/2024
Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc – một thập kỷ phát triển và một số chỉ dấu chính sách đối với Việt Nam (Phần I)

Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc – một thập kỷ phát triển và một số chỉ dấu chính sách đối với Việt Nam (Phần I)

04/10/2023
Triển vọng của dự án kênh đào Funan tại Campuchia

Triển vọng của dự án kênh đào Funan tại Campuchia

02/11/2023
Chính sách cân bằng nước lớn của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung

Chính sách cân bằng nước lớn của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung

24/07/2023
Một số vấn đề về việc Trung Quốc tuyên bố xác lập “đường cơ sở ở Vịnh Bắc Bộ”

Một số vấn đề về việc Trung Quốc tuyên bố xác lập “đường cơ sở ở Vịnh Bắc Bộ”

30/03/2024
Triển vọng phát triển tuyến đường thương mại biển Á – Âu qua Bắc Băng Dương

Triển vọng phát triển tuyến đường thương mại biển Á – Âu qua Bắc Băng Dương

2
Khả năng phát triển của các tổ chức an ninh tư nhân Trung Quốc trong những năm tới

Khả năng phát triển của các tổ chức an ninh tư nhân Trung Quốc trong những năm tới

2
4,5 giờ đàm phán cấp cao Mỹ – Nga: cuộc chiến tại Ukraine liệu có cơ hội kết thúc?

Những điều đáng chú ý trong cuộc đàm phán Ngoại trưởng Nga – Mỹ tại Saudi Arabia

2
Liệu đã đến thời điểm nghĩ tới đàm phán hòa bình với Nga và các điều khoản sẽ thế nào?

Liệu đã đến thời điểm nghĩ tới đàm phán hòa bình với Nga và các điều khoản sẽ thế nào?

1
Quan hệ Nga-Trung-Triều phát triển nhanh chóng và hệ lụy đối với chiến lược của phương Tây

Quan hệ Nga-Trung-Triều phát triển nhanh chóng và hệ lụy đối với chiến lược của phương Tây

1
Campuchia triển khai Chiến lược Ngũ giác và những hàm ý đối với Việt Nam

Campuchia triển khai Chiến lược Ngũ giác và những hàm ý đối với Việt Nam

1
Nhìn nhận về quan hệ Nga – Triều hiện nay: Vị thế của một tiểu cường sở hữu vũ khí hạt nhân

Nhìn nhận về quan hệ Nga – Triều hiện nay: Vị thế của một tiểu cường sở hữu vũ khí hạt nhân

1
Điểm mới trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam

Điểm mới trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam

1
Cục diện tài chính toàn cầu trong kỷ nguyên chiến tranh thương mại

Cục diện tài chính toàn cầu trong kỷ nguyên chiến tranh thương mại

19/05/2025
Nỗ lực đảo ngược chính sách Trung Đông của Mỹ nhìn từ chuyến công du của Donald Trump

Nỗ lực đảo ngược chính sách Trung Đông của Mỹ nhìn từ chuyến công du của Donald Trump

18/05/2025
Tiêm kích thế hệ VI F-47: Thanh gươm quyền năng mới của không quân Mỹ hay chỉ là một sản phẩm truyền thông?

Tiêm kích thế hệ VI F-47: Thanh gươm quyền năng mới của không quân Mỹ hay chỉ là một sản phẩm truyền thông?

17/05/2025
Kim loại biển sâu: Cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung dưới đáy đại dương

Kim loại biển sâu: Cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung dưới đáy đại dương

16/05/2025
Chiến lược “hai mặt” của Trung Quốc tại Myanmar

Chiến lược “hai mặt” của Trung Quốc tại Myanmar

15/05/2025
Quan hệ quốc phòng Nga – Indonesia trong bối cảnh hiện nay

Quan hệ quốc phòng Nga – Indonesia trong bối cảnh hiện nay

14/05/2025
Triển vọng hoàn tất đàm phán COC 2026

Triển vọng hoàn tất đàm phán COC 2026

13/05/2025
Liệu thỏa thuận khoáng sản với Ukraine có giúp Mỹ thoát khỏi sự kiểm soát của Trung Quốc?

Liệu thỏa thuận khoáng sản với Ukraine có giúp Mỹ thoát khỏi sự kiểm soát của Trung Quốc?

12/05/2025

Tin Mới

Cục diện tài chính toàn cầu trong kỷ nguyên chiến tranh thương mại

Cục diện tài chính toàn cầu trong kỷ nguyên chiến tranh thương mại

19/05/2025
48
Nỗ lực đảo ngược chính sách Trung Đông của Mỹ nhìn từ chuyến công du của Donald Trump

Nỗ lực đảo ngược chính sách Trung Đông của Mỹ nhìn từ chuyến công du của Donald Trump

18/05/2025
117
Tiêm kích thế hệ VI F-47: Thanh gươm quyền năng mới của không quân Mỹ hay chỉ là một sản phẩm truyền thông?

Tiêm kích thế hệ VI F-47: Thanh gươm quyền năng mới của không quân Mỹ hay chỉ là một sản phẩm truyền thông?

17/05/2025
54
Kim loại biển sâu: Cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung dưới đáy đại dương

Kim loại biển sâu: Cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung dưới đáy đại dương

16/05/2025
115

Cộng đồng nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế.

Liên hệ

Email: [email protected]; [email protected]

Danh mục tin tức

  • Bầu cử tổng thống mỹ
  • Châu Á
  • Châu Âu
  • Châu Đại Dương
  • Châu Mỹ
  • Châu Phi
  • Chính trị
  • Chuyên gia
  • Khu vực
  • Kinh tế
  • Lĩnh vực
  • Media
  • Phân tích
  • Quốc phòng – an ninh
  • Sách
  • Sự kiện
  • Sự kiện
  • Thông báo
  • Thư viện
  • TIÊU ĐIỂM – ĐẠI HỘI ĐẢNG XX TQ
  • Xã hội
  • Ý kiến độc giả
No Result
View All Result
  • Trang Chủ
  • Lĩnh vực
    • Kinh tế
    • Xã hội
    • Quốc phòng – an ninh
    • Chính trị
  • Khu vực
    • Châu Á
    • Châu Âu
    • Châu Mỹ
    • Châu Phi
    • Châu Đại Dương
  • Phân tích
    • Ý kiến độc giả
    • Chuyên gia
  • Thư viện
    • Sách
    • Tạp chí
    • Media
  • Podcasts
  • Giới thiệu
    • Ban Biên tập
    • Dịch giả
    • Đăng ký cộng tác
    • Thông báo

© 2022 Bản quyền thuộc về nghiencuuchienluoc.org.