Sau cuộc đảo chính đầu năm 2021, Myanmar bước vào vòng xoáy của cuộc nội chiến chưa có dấu hiệu kết thúc. Chính quyền quân sự của tướng Min Aung Hlaing đã gặp nhiều khó khăn trong quản lý kinh tế và ổn định tình hình đất nước, khi các nhóm vũ trang đối lập, bao gồm các nhóm sắc tộc đang lớn mạnh lên từng ngày. Họ đang chiếm đóng các khu vực rộng lớn sát biên giới của Myanmar với các nước láng giềng và đang tiến xuống vùng đồng bằng trung tâm, càng làm trầm trọng thêm tình hình đất nước, mà không có giải pháp nào được nhìn thấy. Năm 2024 là năm đặc biệt khó khăn đối với quân đội Myanmar, đánh dấu những tổn thất tồi tệ nhất trong lịch sử. Sự sụp đổ của các thành trì quân sự quan trọng ở Lashio và Ann là những sự kiện quan trọng nhất nhưng chỉ là một phần của một mô hình tổn thất rộng hơn; 91 thị trấn và 167 tiểu đoàn quân đội đã bị mất, báo hiệu một cuộc khủng hoảng ở quy mô chưa từng có đối với chế độ. Sự dễ tổn thương của quân đội Myanmar đặt ra nghi ngại rất lớn cho năng lực quân sự của chính quyền của Thống tướng Min Aung Hlaing.
Tình hình quân đội của chính quyền quân sự Myanmar
Trang phân tích quân sự độc lập Global Firepower mới đây đã công bố “Bảng xếp hạng sức mạnh quân sự thế giới năm 2025”. Kể từ năm 2006, trang tin quân sự này đã xếp hạng sức mạnh của 145 lực lượng vũ trang trên toàn cầu, dựa trên các yếu tố như nhân lực, khí tài, ngân sách quốc phòng, và vị trí địa lý. Bảng xếp hạng này không tính đến kho vũ khí hạt nhân, và các yếu tố được tổng hợp thành giá trị “PowerIndex” để đánh giá (chỉ số càng gần 0 thì xếp hạng càng cao).
Trong bảng xếp hạng năm 2025, quân đội Myanmar được xếp hạng ở ví trí 37/145 lực lượng vũ trang trên toàn cầu được xếp hạng. Theo đó, Myanmar hiện có khoảng 325.000 quân nhân tại ngũ, lực lượng dự bị có 20.000 người. Lực lượng mặt đất của Myanmar hiện nay có 445 xe tăng, thiết giáp Myanmar được đánh giá là lực lượng đông đảo và chủng loại phong phú, với 8 loại xe tăng chính gồm: T-55; T-72 ; Type 59D; Type 69-II; Type 63; Type 62; MBT-2000 và Comet, cùng với hơn 3.000 xe bọc thép và xe chở quân. Lực lượng pháo binh của quốc gia này có trong biên chế 95 khẩu pháo tự hành, khoảng 210 khẩu pháo kéo và 180 pháo phản lực phóng loạt.
Lực lượng Hải Quân của Myanmar hiện nay có khoảng 16.000 nhân viên phục vụ, biên chế của lực lượng này gồm 6 tàu khu trục, 2 tàu chống mìn và 146 tàu tuần tra; đáng kể nhất là 3 chiếc tàu ngầm có xuất xứ từ nhiều nguồn và đều đã qua sử dụng từ Ấn Độ, Trung Quốc và Nga. Trong đó, tàu ngầm INS Sindhuvir có độ giãn nước 3000 tấn và có khả năng mang theo loại tên lửa hành trình cực kỳ nguy hiểm. Tàu trang bị động cơ diesel-điện cho phép đạt tốc độ tối đa khi nổi 10 hải lý/h, khi lặn là 17 hải lý/h, dự trữ hành trình khoảng 9.000 km, lặn sâu tối đa 300 m. Ngoài ra, một tàu ngầm diesel-điện Type 035 (lớp Minh) đã qua sử dụng. Tàu được đặt tên là UMS Minye Kyaw Htin, sẽ hoạt động như một tàu ngầm huấn luyện và tạm thời đảm nhận cả nhiệm vụ tấn công khi cần thiết. Theo thống kê của Global Firepower, Myanmar có 3 chiếc tàu ngầm, tuy nhiên chiếc thứ 3 vẫn đang trong quá trình đàm phán với Nga để mua lại một tàu ngầm thuộc lớp Kilo (cải tiến – được gọi là đề án 636.3).
Lực lượng Không quân của Myanmar hiện có khoảng 15.000 nhân viên, với biên chế khoảng 58 máy bay chiến đấu, 30 vận tải cơ, trực thăng 83 chiếc trong đó có 9 trực thăng tấn công. Nhưng đây là những máy bay phản lực cũ, sao chép của Nga do Trung Quốc sản xuất từ những năm 1990. Chúng đã quá cũ so với yêu cầu thực tế của chiến tranh hiện đại.
MAF được cho là có 20 chiếc Nanchang Q-5, phiên bản Trung Quốc của MiG-19, giảm so với 36 chiếc mà họ nhập khẩu từ năm 1994-2001. Họ cũng có khoảng 21 chiếc Chengdu J-7, phiên bản MiG-21 do Trung Quốc sản xuất. Con số này giảm so với khoảng 60 chiếc mà họ đã mua từ năm 1990-1999. Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu máy bay trong số này còn có thể bay được.
Quân đội Myanmar đã dựa vào 18 máy bay huấn luyện Yak-130 do Nga chế tạo cho phần lớn các hoạt động chiến đấu của mình. Kể từ cuộc đảo chính tháng 2 năm 2021, Myanmar đã tiếp nhận khoảng sáu máy bay huấn luyện phản lực Guizhou JL-9, được gọi là FTC-2000G, không có thành tích về hiệu suất và an toàn thực sự ấn tượng.
Mới đây nhất, Myanmar tiếp nhận 6 máy bay chiến đấu Su-30 của Nga được mua theo hợp đồng năm 2018 trị giá 400 triệu đô la Mỹ. Việc mua lại được tài trợ thông qua khoản vay của Nga và hai máy bay chiến đấu cuối cùng đã được đưa vào hoạt động vào ngày 15/12/2024 tại Căn cứ không quân Meiktila ở Mandalay. Trung tướng Alexander Fomin, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, đã thông báo với hãng thông tấn Nga TASS rằng những máy bay phản lực Su-30 này sẽ đóng vai trò là máy bay chính của Myanmar để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chống lại các mối đe dọa khủng bố. Các máy bay Su-30SME được bố trí tại Căn cứ Không quân Naypyidaw, cho phép bao phủ toàn bộ đất nước.
Cùng ngày, quân đội đã đưa vào hoạt động sáu trực thăng Mi-17 do Nga sản xuất, sáu máy bay chiến đấu FTC-2000G do Trung Quốc sản xuất, một máy bay chiến đấu K-8W và một máy bay hỗ trợ Y-8.
Ngoài ra, năng lực của nền công nghiệp quốc phòng của đất nước này cũng là điều cần lưu ý. Theo một số nguồn thạo tin Myanmar có thể chế tạo được nhiều loại vũ khí, khí tài có tính kĩ thuật và chính xác cao. Từ vũ khí cá nhân cho tới các loại vũ khí hiện đại như xe tăng, thiết giáp hay thậm chí là cả tên lửa đạn đạo, lực lượng Quân đội Myanmar đều có thể tự chủ động sản xuất trong nước. Đây là một ưu thế vượt trội của Myanmar so với các quốc gia khác trong khu vực. Việc tự chủ sản xuất được trong nước giúp nước này bảo đảm về mặt quân số, cũng như khả năng tự cường trong mọi trường hợp.
Đầu tiên phải kể đến loại xe tăng do Myanmar tự sản xuất, mặc dù chỉ là xe tăng hạng nhẹ, tuy nhiên có thể khẳng định đây là một trong số ít những quốc gia ở khu vực Đông Nam Á có thể tự làm được xe tăng. Loại xe tăng này được trang bị nòng pháo cỡ 105mm, lần đầu lộ diện năm 2017, tuy nhiên tới nay vẫn không rõ số lượng của loại xe tăng này. Kế đến phải nhắc tới xe chiến đấu bộ binh kiêm thiết giáp chở quân BTR-3U, đây là loại thiết giáp được Myanmar kết hợp sản xuất cùng với Ukraine. Myanmar đã mua ít nhất 10 chiếc xe chiến đấu bộ binh loại này từ năm 2001 với hợp đồng trị giá nửa tỷ USD. Tới năm 2004, Ukraine chuyển giao cho Myanmar ít nhất 1000 bộ phụ tùng để nước này có thể tự lắp ráp. Tương tự, Ukraine cùng Myanmar cũng cùng nghiên cứu và phát triển xe thiết giáp chở quân BTR-4E.
Đáng nể hơn, Myanmar còn có khả năng tự sản xuất pháo phản lực phóng loạt cỡ lớn. Loại pháo phản lực được nước này tự sản xuất mang định danh MAM-02. Sở hữu cỡ nòng lên tới 240mm, nhiều nguồn tin khẳng định loại pháo phản lực này được Myanmar thiết kế dựa trên chuyển giao công nghệ từ Triều Tiên.
Nhưng những con số thống kê trên dường như đang tỉ lệ nghịch với thực tiễn đạt được trong cuộc chiến. Những thất bại trên chiến trường trước các nhóm vũ trang đối lập đang dần đẩy quân đội Myanmar rơi vào thế khó. Những động thái hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là các hợp động vũ trang nhằm hiện đại hóa lực lượng không quân mạnh mẽ, đang cho thấy sự mong mỏi giành được ưu thế trước phiến quân nhờ sự hỗ trợ của không quân – nơi mà họ có ưu thế tuyệt đối về cả địa hình lẫn trang bị.
Nguyên nhân dẫn đến sự mong manh của quân đội Myanmar
Trên thực tế những thống kê về vũ khí, khi tài quân sự của một quốc gia không phản ánh đúng đắn về năng lực và trình độ tác chiến, chiến đấu của quốc gia đó. Điều này càng chính xác khi chúng ta nhìn vào tình hình trên thực địa của cuộc nội chiến tại Myanmar.
Sau khi quân đội Myanmar thực hiện cuộc đảo chính năm 2021, thậm chí đã xuất hiện thêm các lực lượng nổi dậy mới cũng như các liên minh vũ trang mới. Ví dụ: Lực lượng phòng vệ nhân dân (PDF) một lực lượng chống chính quyền quân sự hiện nay với quân số đông đảo tới 65.000 người ở thời điểm năm 2022. Quân Giải phóng nhân dân Bamar được thành lập bởi nhà hoạt động Maung Saungkha. Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Chin (CNDF) được tổ chức bởi Tổ chức Quốc gia Chin (CNO). Lực lượng Phòng vệ dân tộc Karenni (KNDF) được lãnh đạo bởi nhà hoạt động Khun Bedu… và nhiều lực lượng đối lập khác.
Bên cạnh đó, các liên minh giữa nhiều nhóm nổi dậy cũng từng bước được mở rộng, phát triển như: Liên minh Huynh đệ (hoặc Liên minh ba anh em) bao gồm: Quân đội Arakan (AA) có lực lượng đông đảo và hoạt động rộng khắp nhiều bang Myanmar, Đội quân Liên minh Dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA) từng tách ra từ Đảng Cộng sản Miến Điện (CPB), Quân đội Giải phóng Dân tộc Ta’ang (TNLA) hoạt động chủ yếu ở khu tự trị của người Pa Laung. Ba lực lượng này còn liên kết với Quân đội độc lập Kachin (KIA) trong một liên minh gọi là Liên minh phương Bắc (Myanmar). Một liên minh đáng chú ý khác là 4 lực lượng của người Karen bao gồm: Quân đội Giải phóng Quốc gia Karen, Quân đội Karenni, Mặt trận Giải phóng Nhân dân Quốc gia Karenni, Lực lượng Phòng vệ Dân tộc Karenni đã hợp lại tạo thành tổ chức có tên gọi là Liên minh 4K.
Những lực lượng nêu trên chưa phải là tất cả “kẻ thù” của chính quyền quân sự Myanmar hiện nay. Số nhóm nổi dậy thực tế đông hơn rất nhiều. Một điều quan trọng đối với tình hình hiện nay là các nhóm nổi dậy này đang có xu hướng chuyển từ hoạt động đơn lẻ sang mở rộng liên kết, liên minh, cùng nhau đối phó với quân đội Myanmar. Điều này đang ngày càng tạo ra mối đe dọa lớn đối với quyền lực của chính quyền quân sự. Việc đoàn kết các nhóm vũ trang và bán vũ trang đối lập khiến họ trở nên mạnh hơn, có thể thực hiện các chiến dịch quy mô lớn hơn nhằm đánh bật quân đội Myanmar ra khỏi các khu vực ở biên giới và mở rộng phạm vi kiểm soát của mình. Thậm chí, họ cũng có thể triển khai các chiến dịch quy mô, tiến sâu về phía đồng bằng trong thời gian tới.
Việc phải căng mình ra để chống lại các lực lượng vũ trang trên khắp lãnh thổ, khiến cho sức mạnh của quân đội chính quyền quân sự bị dàn mỏng một cách “đáng thương”. Khi lực lượng Không quân chỉ mang đến sự hỗ trợ không đáng kể, thì lực lượng Lục quân phải chiến đấu ở những địa hình mà tăng thiết giáp cũng không thể mang lại ưu thế tuyệt đối cho người lính. Việc phải rút bỏ khỏi nhiều vùng quan trọng và lập phòng tuyến tại vùng cận đô thị cho thấy quân đội đang rơi vào tình thế vô cùng khó khăn trên thực địa.
Bên cạnh đó, nội bộ quân đội cũng có nhiều vấn đề. Nạn đào ngũ cũng là vấn đề lớn của quân đội Myanmar, một số nguồn ước tính rằng 3.000 quân nhân và 7.000 cảnh sát đã chuyển sang phe kháng chiến. Một quan chức của Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) tuyên bố rằng 3.236 quân nhân và 9.091 cảnh sát đã đào ngũ tính đến tháng 2/2023. Hàng nghìn binh lính Sit-Tat đã đơn giản là bỏ đi. Mặc dù dữ liệu hiện tại không thể hỗ trợ cho ước tính có độ tin cậy cao, nhưng đánh giá hiện tại binh lính đã đào ngũ hoặc bỏ ngũ kể từ cuộc đảo chính là con số cao khủng khiếp cho một quân đội đang gặp nhiều vấn đề như Myanmar.
Cùng với đó là thương vong lớn từ các cuộc giao tranh ngày càng lớn giữa quân đội và các nhóm đối lập, càng làm trầm trọng thêm tình hình lực lượng của quân đội nước này. Mặc dù, Myanmar tuyên bố thực thi đạo luật cho phép quân đội yêu cầu tất cả đàn ông 18-35 tuổi và phụ nữ 18-27 tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự ít nhất 2 năm, trong bối cảnh giao tranh ác liệt với quân nổi dậy. Tuy nhiên, họ đều chưa được huấn luyện để sử dụng vũ khí và chiến đấu.
Những lý do trên cho chúng ta thấy được vấn đề của quân đội Myanmar đang gặp phải rất nhiều vấn đề rất từ chính trong nội bộ và nghiêm trọng nhất là phải đổi mặt với quá nhiều kẻ thù. Hiện nay, Chính phủ của chính quyền quân đội Myanmar vẫn được xem là chính danh và được quốc tế công nhận, nhưng chính quyền quân sự cũng phải hứng chịu sự chỉ trích rất lớn từ nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là từ các quốc gia phương Tây. Những khó khăn từ nhiều phía và sự hỗ trợ khiêm tốn từ số ít quốc gia như Trung Quốc đang khiến cho tình trạng trên chiến trường gặp rất nhiều khó khăn cho quân đội nước này.
Tác động từ những thay đổi trong cách tiếp cận chính trị của chính quyền quân sự Myanmar tới cuộc chiến.
Như đã nói ở trên, ngày 15/12/2024 tại Căn cứ không quân Meiktila ở Mandalay. Trung tướng Alexander Fomin, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, đã thông báo với hãng thông tấn Nga TASS rằng những máy bay phản lực Su-30 này sẽ đóng vai trò là máy bay chính của Myanmar để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chống lại các mối đe dọa khủng bố. Cùng với đó là những hợp đồng khí tài đi kèm, đã khiến sức mạnh lực lượng Không quân nước này tăng lên một cách đáng kể.
Cùng với đó chính quyền quân sự cũng có những nước đi chính trị đầy tính toán. Hãng tin Reuters ngày 8-3 dẫn lời lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar cho biết nước này sẽ chính thức tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào tháng 12 năm nay hoặc tháng 1-2026.
Đây cũng là lần đầu tiên chính quyền quân sự Myanmar đưa ra khung thời gian cụ thể cho cuộc bầu cử đã được hứa hẹn từ lâu, trong bối cảnh nước này đang trải qua thời gian nội chiến. “Chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức một cuộc bầu cử công bằng và tự do trong thời gian tới”, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar Min Aung Hlaing thông báo trong cuộc viếng thăm Belarus, tờ báo Global New Light of Myanmar cho biết. “Hiện có 53 đảng phái chính trị đã nộp danh sách tham gia bầu cử”, ông nói thêm.
Trước đó, ngày 14/8/2024, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có cuộc gặp lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar Min Aung Hlaing tại thủ đô Naypyitaw và thảo luận về “cuộc bầu cử toàn diện”, báo Global New Light Of Myanmar đưa tin. Ông Vương Nghị và lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar cũng thảo luận về tình hình bất ổn ở các khu vực biên giới, sự cần thiết phải dẹp nạn cờ bạc và lừa đảo trên mạng, cũng như vấn đề hợp tác kinh tế giữa hai bên.
Các hành động mới đây của chính quyền quân sự cho thấy rằng họ đang thay đổi cách tiếp cận đối với cuộc nội chiến này một cách chủ động hơn và có tính toán rất cụ thể:
Thứ nhất, chính quyền quân sự đa dạng hóa nguồn cung vũ khí và tiếp nhận các viện trợ từ nhiều hướng. Việc tiếp nhận 6 máy bay chiến đấu Su-30SME của Nga không chỉ là việc bổ sung khí tài đơn thuần, theo sau những chiếc máy bay là đội ngũ kĩ thuật, hậu cần và chuyên gia quân sự của Nga sẽ trực tiếp hỗ trợ và huấn luyện tác chiến và hợp đồng tác chiến cho lực lượng không quân của Myanmar nói riêng và lực lượng quân đội nói chung.
Thứ hai, việc tướng Min Aung Hlaing kêu gọi một cuộc bầu cử vào cuối năm hoặc đầu năm sau như một sự hợp thức hóa tính chính danh của của chính quyền quân sự. Tuy nhiên, một cuộc bầu cử và một lệnh ngừng bắn giữa các bên có thể là mục đích phía sau, khi mà các cuộc chiến đang tiến về đô thị.
Cuối cùng, cùng với Trung Quốc, Nga mang lại sự hẫu thuẫn rất lớn đối với chính quyền quân sự Myanmar khi phải đối đầu với quá nhiều bên cùng một lúc như bây giờ, chính quyền của Tổng thống Putin đã từng bước gây dựng lại mối quan hệ xưa, chủ yếu thông qua các thỏa thuận về vũ khí. Và cuộc chính biến tại Myanmar năm 2021 là một cơ hội mới để Nga thay thế ảnh hưởng của phương Tây ở Myanmar.
Trên hết, một Myanmar bất ổn là mang lại lo lắng nhiều hơn cho Trung Quốc, khi đây là một tuyến đường đặc biệt quan trọng cho kinh tế vùng Tây Nam của Bắc Kinh và cũng là quốc gia mắt xích trong chiến lược Vành đai con đường về phía Tây của quốc gia này. Vai trò của Myanmar trong chiến lược của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở mức độ một quốc gia láng giềng thông thường. Nó là chìa khóa mở ra cánh cửa ảnh hưởng rộng lớn của Trung Quốc tại Đông Nam Á, là bàn đạp để Bắc Kinh tiếp cận Ấn Độ Dương, và là một mắt xích quan trọng trong tham vọng thống trị khu vực của cường quốc này.
Myanmar hiện đang đứng trước ngã ba đường then chốt. Các lực lượng kháng chiến, được củng cố, sự ủng hộ của công chúng và động lực bền vững, đang chuẩn bị leo thang xung đột vào các thành trì đô thị và vùng trung tâm vào năm 2025. Chính quyền quân sự, bị suy yếu bởi những tổn thất lịch sử và ngày càng phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Trung Quốc, phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong và ngoài nước. Kinh tế trong nước suy yếu nghiêm trọng. Tuy nhiên, chính quyền của Thống tướng Min Aung Hlaing cũng đã nhìn ra được các hạn chế của mình. Quân đội Myanmar đang cải thiện năng lực của họ thông qua các hợp đồng với Nga. Myanmar cũng đang có những động thái giải quyết sự thiếu hụt về năng lượng, cải thiện tình hình kinh tế. Hiện tại, rất khó có thể khẳng định tính hiệu quả của các nỗ lực này, nhưng ít nhất, chính quyền quân sự đang cho thấy những thay đổi đáng kể theo chiều hướng tích cực đối với họ. Sự lớn mạnh nhanh chóng của một bên có thể khiến cuộc chiến sớm đi đến thời điểm hạ màn hơn./.
Tác giả: Lục Đình Lộc
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
1. Ritu Sharma (2025), JF-17 Thunder: Myanmar Takes Delivery Of 6 Russian Su-30 Fighters As China-Pak Jet “Remains Troubled”, https://www.eurasiantimes.com/jf-17-thunder-myanmar-takes-delivery/#google_vignette
2. Global Firepower (2025), 2025 Myanmar Military Strength, https://www.globalfirepower.com/country-military-strength-detail.php?country_id=myanmar#google_vignette
3. Ye Myo Hein (2023), Myanmar’s Military Is Smaller Than Commonly Thought — and Shrinking Fast, https://www.usip.org/publications/2023/05/myanmars-military-smaller-commonly-thought-and-shrinking-fast
4. Ye Myo Hein (2025), Myanmar’s Escalating Crisis: A Year in Review and the Road Ahead, https://www.usip.org/publications/2025/01/myanmars-escalating-crisis-year-review-and-road-ahead
5. Hoàng Hải (2024), Sự suy yếu của quân đội và tương lai cuộc khủng hoảng Myanmar, Nghiên cứu Chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/su-suy-yeu-cua-quan-doi-va-tuong-lai-cuoc-khung-hoang-myanmar/
6. Tri thức và cuộc sống (2021), Quân đội Myanmar có khả năng tự sản xuất vũ khí khủng ra sao?, https://kienthuc.net.vn/quan-su/quan-doi-myanmar-co-kha-nang-tu-san-xuat-vu-khi-khung-ra-sao-1494201.html?gidzl=dIk_J__jbWwTCRn8_l6K29enk47ZfPC9W63fIk7qnGo4OEn9vFR6NT8qkK_W_yPRr3NhIpLNyXjn-UcH1W
7. Hà Đào (2025), Myanmar ấn định thời gian tổ chức bầu cử bất chấp nội chiến, https://tuoitre.vn/myanmar-an-dinh-thoi-gian-to-chuc-bau-cu-bat-chap-noi-chien-20250308123513718.htm
8. Bình Giang (2024), Trung Quốc cam kết hỗ trợ Myanmar tổ chức bầu cử, https://tienphong.vn/trung-quoc-cam-ket-ho-tro-myanmar-to-chuc-bau-cu-post1663996.tpo
9. VOV (2021), Bất ngờ về sự hỗ trợ to lớn của Nga dành cho chính quyền quân sự Myanmar, https://vov.gov.vn/bat-ngo-ve-su-ho-tro-to-lon-cua-nga-danh-cho-chinh-quyen-quan-su-myanmar-dtnew-282649