Ngày 18/2, thủ đô Riyadh của Saudi Arabia trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế khi tại đây diễn ra cuộc đàm phán cấp cao giữa hai phái đoàn Nga – Mỹ, trong nỗ lực khôi phục mối quan hệ rạn nứt giữa hai bên và bàn giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine. Phái đoàn Nga do Ngoại trưởng Sergey Lavrov dẫn đầu, Yury Ushakov trợ lý chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Putin và Kirill Dmitriev Tổng giám đốc điều hành của Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF). Phái đoàn Mỹ gồm Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump – Mike Waltz, và Steve Witkoff đặc phái viên về Trung Đông[1]. Cuộc đàm phán không chỉ dành phần thảo luận về cuộc xung đột kéo dài tại Ukraine mà còn là quá trình để Nga – Mỹ cùng ngồi lại để tháo gỡ những bất đồng đã đẩy quan hệ đôi bên lên bờ vực thẳm trong thời kỳ Tổng thống Biden.
Vị thế trung gian hòa giải của Saudi Arabia
Những khoảnh khắc mang tính biểu tượng của công thức ngoại giao và quản lý xung đột thời Chiến tranh Lạnh được tái hiện một lần nữa trong thế kỷ XXI. Ở lần này, cả hai đoàn đàm phán đều thống nhất lựa chọn quốc gia Trung Đông – Saudi Arabia làm địa điểm tổ chức. Việc Mỹ và Nga chọn Riyadh làm nơi tổ chức đàm phán không phải là một sự tình cờ, mà phản ánh vị thế ngày càng quan trọng của quốc gia Trung Đông này trong nền chính trị toàn cầu.
Dưới thời Thái tử Bin Salman, vai trò trung gian hòa giải của Saudi Arabia trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa Mỹ và Nga đã làm nổi bật lên chiến lược ngoại giao khéo léo trong cách tiếp cận nước lớn và chính sách mở cửa mà ông theo đuổi. Saudi Arabia nổi lên ở một số ít quốc gia ở Trung Đông thành công xây dựng quan hệ an ninh chặt chẽ với Mỹ đặc biệt dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bên cạnh đó, vương quốc này cũng giữ mối quan hệ chặt chẽ với Nga khi vẫn duy trì hợp tác kinh tế năng lượng với Moscow thông qua liên minh dầu mỏ OPEC+. Dù chịu áp lực từ phía Mỹ và phương Tây đồng thời giữ quan điểm trung lập trong xung đột Ukraine. Điều này giúp Riyadh trở thành một kênh đối thoại hiệu quả giữa hai cường quốc.
Bên cạnh đó, còn có lý do lớn hơn để Saudi Arabia trở thành nhà môi giới hòa bình sẵn sàng đảm nhận vai trò trung gian hòa giải giữa hai cường quốc nằm ở lợi ích kinh tế. Trước đó, Saudi Arabia đã bày tỏ mong muốn đầu tư 600 tỷ USD vào Mỹ để nhận được sự chú ý đối ngoại từ tân Tổng thống Trump[2]. Về việc Nga trao cho Riyadh quyền tổ chức đàm phán một mặt giúp Saudi Arabia nâng cao vị thế và sức mạnh mềm của mình trên trường quốc tế, mặt khác nhằm đổi lại chính sách dầu mỏ cởi mở trong bối cảnh thị trường dầu mỏ đang có nhiều biến động. Ngoài ra, việc thu hút truyền thông thế giới vào cuộc đàm phán Nga – Mỹ đã khẳng định vị thế lãnh đạo của Thái tử Mohammed trong nỗ lực thúc đẩy hòa bình toàn cầu. Đồng thời giải tỏa tình hình căng thẳng tại Dải Gaza trước các tuyên bố của ông Trump về ý định Mỹ muốn “kiểm soát Gaza” một vấn đề có tính nguyên tắc mà người Arab không thể thỏa hiệp.
Các vấn đề về ngoại giao giữa hai cường quốc
Cuộc đàm phán giữa ngoại trưởng Nga và Mỹ trước hết ưu tiên xác định là cơ hội để trao đổi trực tiếp giữa hai nước sau nhiều biến động gần một thập kỷ qua trên nhiều mặt trận. Theo trưởng phái đoàn Ngoại giao Nga ông Sergey Lavrov “cuộc đàm phán rất hữu ích và cả hai phái đoàn đều đã làm việc khá thành công để cải thiện quan hệ”[3]. Một trong những thỏa thuận trong cuộc họp là giải quyết dứt điểm vấn đề phái bộ ngoại giao, nối lại kênh liên lạc giữa Moscow và Washington vốn bị gián đoạn dưới thời chính quyền Biden.
Điện Kremlin đã tranh thủ tận dụng cuộc đàm phán để thúc đẩy Mỹ về tiềm năng hợp tác song phương và nới lỏng một số lệnh trừng phạt kinh tế, vốn đã ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế Nga. Theo đài CNN, Tổng giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) ông Kirill Dmitriev được đưa vào thành phần đàm phán của đoàn Nga để triển khai khôi phục mối quan hệ kinh tế. Nhà khoa học chính trị Nga Anastasia Gafarova bình luận trên Gazeta: “Thành phần của đoàn đàm phán nói lên nhiều điều, cả hai phía bao gồm những chuyên gia về chiến lược và ngoại giao hơn là quốc phòng, an ninh và các hoạt động quân sự. Cuộc họp ở Riyadh là vòng ngoại giao toàn diện đầu tiên, nơi các bên sẽ cố gắng trình bày lập trường khởi đầu đầy đủ nhất cho đối thoại”[4].
Trong khuôn khổ này, Ngoại trưởng Mỹ Rubio đã tuyên bố rằng Nga và Mỹ đã đồng ý khôi phục số lượng nhân viên ngoại giao trước đây tại các đại sứ quán tương ứng của họ ở Moscow và Washington sau nhiều năm cắt giảm ngoại giao ăn miếng trả miếng. Tuy nhiên, đằng sau các thỏa thuận về nối lại ngoại giao, Washington tỏ ra vẫn chưa sẵn sàng thỏa hiệp các vấn đề sâu rộng hơn như giảm lệnh trừng phạt đối với Nga. Đây có thể không phải chủ ý khước từ của Mỹ mà nhằm tạo ra nhiều hơn nữa sự tiếp xúc song phương ở cấp nhỏ hơn để dần chấm dứt những vấn đề bất đồng, trong đó có việc tịch thu bất động sản của Nga tại Mỹ và các hạn chế đối với chuyển khoản ngân hàng đối với phía Nga.
Lập trường đôi bên về an ninh châu Âu
Trong quá trình hội đàm, phái đoàn Nga bày tỏ trân trọng đối với ông Trump vì đã trở thành nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên thừa nhận rằng tham vọng gia nhập NATO của Ukraine là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến xung đột.
Về phía Nga, phát biểu tại cuộc họp báo sau hội đàm, Ngoại trưởng Lavrov nhắc lại lập trường của Nga về xung đột Ukraine, đặc biệt là việc Ukraine gia nhập NATO sẽ là mối đe dọa trực tiếp đối với Nga. Trong suốt ba năm chiến sự Ukraine, châu Âu và Mỹ chung lập trường đối phó Nga, nhưng mọi thứ đã thay đổi đáng kể từ khi ông Trump nhậm chức. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth nói việc Ukraine gia nhập NATO là không thực tế và an ninh châu Âu không còn là ưu tiên đối với Mỹ. “Những tuyên bố từ chính quyền Trump đẩy châu Âu vào vùng bất định”, theo ông Gould-Davies nhà nghiên cứu về Nga và Âu – Á tại Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược (IISS)[5].
Đối với Mỹ, NATO cần phải tự lo cho mình khi đã được sự bảo trợ từ Washington trong suốt hơn 70 năm qua. Châu Âu từng phụ thuộc nhiều vào Mỹ để đảm bảo an ninh, nhưng sự trở lại của Trump cho thấy đã tới lúc phải thay đổi. Điều này được thể hiện ra trước cả cuộc đàm phán tại Riyadh khi những chỉ trích của Phó Tổng thống Mỹ James Vance tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 61 diễn ra ở Đức vào ngày 14/2, đã gây ra cú sốc lớn đối với cả châu Âu và Ukraine.

Một số lãnh đạo châu Âu tuyên bố không chấp nhận bị loại khỏi các cuộc đàm phán và Mỹ, Nga không thể thảo luận tương lai của Ukraine hoặc cấu trúc an ninh châu Âu mà không có người châu Âu. Ngày 17/2, trước khi Nga – Mỹ gặp nhau, các nước châu Âu và lãnh đạo EU nhóm họp tại Pháp nhất trí sẽ đảm bảo an ninh cho Ukraine và cảnh báo về khả năng cuộc xung đột có lệnh ngừng bắn nhưng không có thỏa thuận hòa bình. Bất chấp sự đe dọa của Mỹ về việc buộc tự chủ, châu Âu vẫn quyết tâm đồng hành cùng Ukraine chống Nga thậm chí đã lên cả những kế hoạch hậu chiến cho Kiev.
Có thể thấy, cả Mỹ và Nga đang có chung lập trường khi nhìn về tương lai của an ninh châu rằng NATO đang có những hành động đi quá chức năng hoạt động của mình và Ukraine không nên được vào NATO.
Tương lai của Ukraine
Một trong những vấn đề cốt yếu trọng tâm của cuộc đàm phán được mong đợi nhất là tương lai của Ukraine sẽ được hai bên “ngã giá” ra sao. Diễn ra trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine vẫn đang trong trạng thái giằng co trên chiến trường. Trong các vòng đàm phán cấp cao như vậy Nga sẽ có thể chiếm ưu thế hơn nếu có được những bước đột phá quân sự nhưng điều đó đã chưa đạt được từ đầu năm 2025 đến nay. Mặc dù vậy, kết quả của cuộc đàm phán này có thể có tác động sâu rộng đến tương lai của Ukraine, đặc biệt khi Mỹ đang càng cho thấy rõ ràng hơn những dấu hiệu hối thúc Ukraine hay chính quyền Kiev xuống thang căng thẳng để đổi lấy hòa bình với Nga. Điều đó vô hình trung tạo lợi thế lớn cho phía Nga trong trường hợp Ukraine chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, khi đó, Nga sẽ không cần thiết phải đổ thêm quân vào chiến trường để giành lợi thế đàm phán.
Mặt khác, trong cùng thời điểm Nga và Mỹ cùng ngồi lại ở Riyadh, tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra những phát biểu cho rằng Ukraine nên tổ chức các cuộc bầu cử mới khi ám chỉ đổ lỗi cho sự lãnh đạo thời chiến của ông Zelensky về cuộc chiến đang diễn ra với Nga[6]. Theo đó, tương lai của Ukraine còn đứng trước một bước ngoặt lớn hơn không chỉ còn ở vấn đề hòa bình hay tiếp tục chiến tranh mà còn ở việc Mỹ còn chấp nhận chính quyền Kiev hiện tại còn hợp pháp hay không. Theo Hiến pháp Ukraine, nhiệm kỳ Tổng thống của ông Zelensky đã kết thúc, nhưng từ khi chiến sự bùng nổ, bầu cử bị đình chỉ nên ông Zelensky vẫn đang lãnh đạo đất nước và chỉ huy cuộc chiến. Do đó, Mỹ càng củng cố cho Nga cơ sở để khẳng định lực lượng hiện đang chỉ huy cuộc chiến là phi pháp.
Như vậy, một áp lực lớn hơn được đặt lên chính quyền Kiev khi không ngoại trừ khả năng sẽ bị thay thế bởi một chính quyền mới ngay trước khi cuộc chiến ngã ngũ. Tuy nhiên, Nga không muốn kiểm soát toàn bộ Ukraine mà dừng ở các mục tiêu của “chiến dịch quân sự đặc biệt” đề ra trong đó đặt ra như phi quân sự hóa và không để Ukraine gia nhập được NATO. Nga muốn tương lai của Ukraine được xác định bằng một hiệp định hòa bình chứ không phải bằng vũ lực, ông Dmitry Peskov ngày 18/2 xác nhận Tổng thống Nga Putin sẵn sàng đàm phán với người đồng cấp Zelensky[7].
Về phần mình, nhà lãnh đạo Ukraine Zelensky tuyên bố không chấp nhận bất cứ kết quả nào từ cuộc đàm phán bởi Kiev không có mặt và hoãn kế hoạch thăm Saudi Arabia ngày 19/2 sang một thời điểm khác ở tháng 3[8]. Đây có thể xem như phản ứng không hài lòng của ông Zelensky đối với cả hai quốc gia Nga, Mỹ khi đang đứng trên lập trường lợi ích mà thỏa thuận sau lưng thay cho quyền tự quyết tương lai của Ukraine nơi đang xảy ra xung đột.
Các đồng minh châu Âu của Ukraine cũng bày tỏ lo ngại rằng họ đang bị gạt ra ngoài kế hoạch mà ông Trump đang vạch ra. Điều này ảnh hưởng rất lớn đối với sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine bởi các điều chỉnh từ cách tiếp cận của Mỹ sau đàm phán. Thực tế, dòng viện trợ sẽ bị cắt đứt mà chính quyền Trump luôn tuyên bố trước cả khi đắc cử vẫn đang nằm ở những lời nói. Washington vẫn duy trì cung cấp vũ khí và tài chính cho Ukraine để tiếp tục cuộc chiến. Chưa đủ cơ sở khẳng định liệu Mỹ sẽ hoàn toàn bỏ rơi Ukraine hay không nhưng nếu Mỹ bắt đầu ưu tiên các lợi ích chiến lược khác và thúc đẩy Kiev nhượng bộ trong đàm phán, theo đó Ukraine sẽ đối mặt với áp lực phải chấp nhận một giải pháp chính trị không có lợi.
Về khả năng gia nhập NATO của Ukraine, Trưởng đoàn Nga ông Lavrov phát biểu tại cuộc họp báo sau hội đàm nhắc lại lập trường của Nga về xung đột Ukraine, đặc biệt việc Ukraine gia nhập NATO sẽ luôn đe dọa trực tiếp đối với Nga[9]. Phía Mỹ không đưa ra nhiều bình luận về tương lai trao tư cách thành viên NATO của Ukraine nhưng trước mắt câu trả lời sẽ là không thể kết nạp. Không giống thời Biden, NATO hiện đang phải tự chống chọi trước cơn bão “tự chủ hóa” khi Trump 2.0 trở lại chứ chưa nói đến nghĩa vụ bảo đảm an ninh cho một quốc gia có nguy cơ thất bại đang hiện hữu như Ukraine.
Nhìn chung, dù cuộc đàm phán tại Saudi Arabia chưa mang lại thay đổi tức thì, nhưng đó là dấu hiệu quan trọng cho thấy sự chi phối của các thỏa thuận lớn hơn giữa Mỹ và Nga. Đại diện đoàn Nga ông Ushakov cho biết mặc dù Nga cùng với Mỹ đã nêu rõ lập trường của mình về Ukraine, nhưng việc đạt được tiến bộ trong vấn đề này sẽ phụ thuộc vào các nhóm đàm phán của hai nước trong thời gian tới. Ông Ushakov cho rằng “phía Mỹ cần chỉ định đại diện của mình, chúng tôi cũng sẽ cử người và sau đó có thể các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu”[10]. Như vậy, tương lai của Ukraine sẽ tiếp tục phụ thuộc vào cục diện trên chiến trường hiện tại và cách nước lớn tái định hình trật tự an ninh châu Âu.
Triển vọng quan hệ Nga – Mỹ
Đây là cuộc đàm phán quan trọng nhất từ trước đến nay giữa hai nước từ sau thời Chiến tranh Lạnh. Tính chất chiến lược của cuộc đàm phán đánh dấu bước đi lớn nữa của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc đảo ngược chính sách cô lập Nga mà Washington xây dựng từ thời cựu Tổng thống Joe Biden. Các phái đoàn Nga và Mỹ đã “không chỉ đưa ra các quan điểm có thiện chí mà còn lắng nghe lẫn nhau”. Mỹ đã bắt đầu hiểu rõ hơn về lập trường của Nga đã nhiều lần nêu ra trong những năm xung đột Ukraine diễn ra[3].
Trong bối cảnh quan hệ song phương vẫn hàm chứa những căng thẳng do bị chi phối bởi cạnh tranh địa chính trị và các lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp đặt lên Nga. Tuy nhiên, việc hai bên đồng ý ngồi lại đàm phán cho thấy vẫn còn dư địa đối thoại nhằm tránh những leo thang nguy hiểm và tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác khả thi. Triển vọng quan hệ Nga – Mỹ sau cuộc đàm phán tại Saudi Arabia sẽ biến chuyển ra sao còn phụ thuộc vào ba yếu tố chính: vấn đề cốt lõi an ninh châu Âu, lợi ích chiến lược mỗi bên và ngoại giao giữa cá nhân lãnh đạo.

Thứ nhất, về những mức độ mà hai bên có thể nhượng bộ trong các vấn đề cốt lõi là an ninh. Trong cấu trúc an ninh châu Âu, phần phía Đông được trụ cột bởi Nga và phần còn lại đứng đầu bởi Mỹ dẫn dắt thông qua các cơ chế như EU, NATO. Nếu trong tương lai, hai bên tiếp tục một số thỏa thuận tối thiểu về kiểm soát vũ khí hạt nhân, tìm tiếng nói chung về việc mở rộng NATO thì quan hệ Nga – Mỹ có thể vào trạng thái “tan băng” ở mức trước thời điểm chiến tranh Nga – Ukraine. Khi được hỏi liệu Mỹ có thể dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Moscow được áp dụng dưới thời tổng thống Biden hay không, ông Rubio lưu ý rằng “để chấm dứt xung đột, tất cả các bên phải đưa ra những nhượng bộ nhưng chúng tôi sẽ không xác định trước những nhượng bộ đó là gì”[11]. Phía Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của việc loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của xung đột, tạo điều kiện thích hợp để đạt được hòa bình bền vững và an ninh của tất cả các quốc gia trong khu vực. Do đó, một mặt Mỹ nhất trí bình thường hóa hoạt động ngoại giao của hai nước nhưng tránh đề cập đến vấn đề an ninh. Mặt khác Mỹ nhiều khả năng vẫn duy trì hòn đá tảng NATO để ứng phó Nga, trong khi Moscow sẽ tiếp tục tìm cách tự đảm bảo an ninh trước phương Tây.
Thứ hai, lập trường lợi ích của mỗi bên tuy không được “ngả bài” trực tiếp trên bàn đàm phán những có thể nhìn thấy ẩn sau cả hai bên đều hướng tới mục tiêu gây ảnh hưởng ở châu Á. Mặc dù, Mỹ bày tỏ mong muốn nối lại nhịp đập kinh tế với Nga nhưng chứa đựng sau đó là tách Nga ra khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc. Nga trong 3 năm chiến sự cũng nhận thấy việc phụ thuộc vào Bắc Kinh không phải chiến lược có thể duy trì lâu dài. Với sự trỗi dậy của Trung Quốc đang ấp ủ khoảng trống mà Mỹ cùng Nga để lại Afghanistan và Syria khiến hai cường quốc đều cần đánh giá lại chính sách của mình để thích ứng với cục diện mới. Nếu Washington ưu tiên cạnh tranh với Bắc Kinh nên Mỹ có thể tạm thời tìm kiếm một mô hình quan hệ ổn định với Moscow để tập trung vào khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Ngược lại, Nga đang đối mặt với những khó khăn kinh tế nhất định do trừng phạt kéo dài buộc có thể linh hoạt hơn trong các cuộc đàm phán với Mỹ để giảm bớt sức ép từ phương Tây. Bộ trưởng Lavrov thừa nhận rằng điều đó không có nghĩa là lợi ích quốc gia của hai nước sẽ không còn xung đột nữa, nhưng điều quan trọng là hai bên đang nỗ lực thiết lập một cuộc đối thoại xóa bỏ các rào cản đối với hợp tác đã thể hiện quyết tâm “tiến lên” trong quan hệ song phương sau khi xung đột Ukraine được giải quyết[12].
Cuối cùng, yếu tố ngoại giao cá nhân giữa các nhà lãnh đạo luôn đóng vai trò quan trọng trong định hình quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong quan hệ giữa Nga và Mỹ. Tổng thống Trump có xu hướng ưu tiên đối thoại trực tiếp với Putin và thể hiện lập trường thực dụng hơn trong chính sách đối ngoại với Nga. Điều này có thể giúp hai nước tái khởi động các kênh liên lạc chiến lược trong nhiệm kỳ đầu của ông. Về phía Nga, Tổng thống Putin tỏ ra mong muốn được hội đàm cùng người đồng cấp Trump để giải quyết những vấn đề đã đẩy quan hệ hai nước bên bờ vực thời Biden. Ngày 13/2, ông Trump và ông Putin đã có cuộc điện đàm kéo dài 1,5 tiếng, trong đó hai nhà lãnh đạo đồng ý bắt đầu đàm phán chấm dứt ngay cuộc xung đột tại Ukraine. Tiến trình tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột đã chính thức bước vào giai đoạn mới. Ngoài ra, việc ngoại trưởng hai nước gặp nhau tại ASaudi Arabia có thể cho thấy tín hiệu hai bên đã sẵn sàng cho một cuộc gặp cấp cao giữa Trump và Putin, nơi hai nhà lãnh đạo có thể trao đổi trực tiếp về lập trường lợi ích chiến lược của mỗi bên.
Tóm lại, cuộc đàm phán tại Saudi Arabia tuy chưa đủ để tạo ra một bước ngoặt trong quan hệ Nga – Mỹ, nhưng nó là tín hiệu cho thấy hai bên vẫn duy trì các kênh liên lạc ngoại giao. Quan hệ song phương trong thời gian tới vẫn sẽ xoay quanh hai thái cực cạnh tranh và hợp tác nhưng mức độ để đạt được còn phụ thuộc vào cách cả hai nước điều chỉnh chiến lược trước những thay đổi của trật tự thế giới.
Kết luận
Cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Nga và Mỹ tại Saudi Arabia ngày 18/2 vừa qua không chỉ mang động thái một sự kiện ngoại giao đơn thuần mà còn phản ánh những nội hàm sâu sắc trong quan hệ song phương giữa hai cường quốc. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, việc hai bên bắc cầu đối thoại cho thấy nỗ lực tìm kiếm điểm chung, dù những khác biệt chiến lược vẫn còn sâu sắc. Dù chưa thể giải quyết ngay lập tức những mâu thuẫn dai dẳng, cuộc gặp này vẫn mở ra hy vọng về một lộ trình ngoại giao nhằm giảm thiểu đối đầu và tạo tiền đề cho các thỏa thuận hợp tác lâu dài.
Tuy nhiên, ý nghĩa thực sự của cuộc đàm phán này không chỉ nằm ở những tuyên bố ngoại giao mà còn phụ thuộc vào những hành động cụ thể trong thời gian tới. Những bất đồng về xung đột khu vực, lệnh trừng phạt kinh tế và cạnh tranh chiến lược vẫn là những rào cản lớn trên con đường đối thoại. Dù còn nhiều thách thức, việc duy trì kênh đối thoại giữa hai bên là điều cần thiết để giảm thiểu nguy cơ đối đầu, đồng thời tạo tiền đề cho những sáng kiến ngoại giao trong tương lai./.
Tác giả: Phạm Quang Hiền
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] U.S Embassy in Serbia (2025), “Secretary Rubio’s Meeting with Russian Foreign Minister Lavrov”. https://rs.usembassy.gov/secretary-rubios-meeting-with-russian-foreign-minister-lavrov/
[2] Jom Gambrell (2025), “Saudi crown prince says kingdom intends to invest $600 billion in US during call with Trump”, AP News. https://apnews.com/article/saudi-arabia-us-investment-trump-6730a89f93b44ed8d705638f95700cbb
[3] Hiền thảo (2025), “Bước ngoặt quan hệ Nga – Mỹ và chấm dứt xung đột Ukraine”, Đài Hà Nội. https://hanoionline.vn/nhung-ket-qua-noi-bat-nhat-cua-dam-phanmy-nga-303904.htm
[4] Duy Văn (2025), “Nga – Mỹ kết thúc đàm phán ở Riyadh: Khởi đầu cho cuộc mặc cả mới”, Báo Tuổi trẻ. https://tuoitre.vn/nga-my-ket-thuc-dam-phan-o-riyadh-khoi-dau-cho-cuoc-mac-ca-moi-20250219074615616.htm
[5] Như Tâm (2025), “Tính toán của châu Âu khi họp khẩn về Ukraine”, VNExpress. https://vnexpress.net/tinh-toan-cua-chau-au-khi-hop-khan-ve-ukraine-4850732.html
[6] Matthew Mpoke Bigg (2025), “Trump Falsely Says Ukraine Started the War With Russia. Here Is What to Know”, The New York Times. https://www.nytimes.com/2025/02/19/world/europe/trump-zelensky-ukraine-comments.html
[7] Reuters (2025) “Putin is serious about negotiating peace in Ukraine, Kremlin says”. https://www.reuters.com/world/europe/putin-is-serious-about-negotiating-peace-ukraine-kremlin-says-2025-02-18/
[8] Reuters (2025), “Zelenskiy postpones his visit to Saudi Arabia, says no talks behind Kyiv’s back” back. https://www.reuters.com/world/europe/zelenskiy-postpones-his-visit-saudi-arabia-says-no-talks-behind-kyivs-back-2025-02-18/
[9] Reuters (2025), “Russia praises Trump for saying NATO was a major cause of the war in Ukraine”. https://www.reuters.com/world/europe/russia-praises-trump-saying-nato-was-major-cause-war-ukraine-2025-02-19/
[10] Thùy Dương (2025), “Điểm lại những vấn đề chính trong hội đàm giữa Liên bang Nga và Mỹ tại Saudi Arabia”, báo Tin Tức. https://baotintuc.vn/the-gioi/diem-lai-nhung-van-de-chinh-trong-hoi-dam-giua-lien-bang-nga-va-my-tai-saudi-arabia-20250219084417448.htm
[11] US Department of States (2025), “Secretary of State Marco Rubio, National Security Advisor Mike Waltz, and Special Envoy to the Middle East Steve Witkoff with Jennifer Hansler of CNN and Matthew Lee of the Associated Press”. https://www.state.gov/secretary-of-state-marco-rubio-national-security-advisor-mike-waltz-and-special-envoy-to-the-middle-east-steve-witkoff-with-jennifer-hansler-of-cnn-and-matthew-lee-of-the-associated-press/
[12] Thành Đạt (2025), “Những điểm quan trọng trong hơn 4 giờ đàm phán giữa phái đoàn Nga, Mỹ”, Báo Dân Trí. https://dantri.com.vn/the-gioi/nhung-diem-quan-trong-trong-hon-4-gio-dam-phan-giua-phai-doan-nga-my-20250219054017463.htm