Chiến lược kiềm chế Bắc Kinh ở thời điểm hiện tại và trong những năm tới của Mỹ chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như những hệ quả của cuộc chiến tại Ukraine. Để thích ứng, Washington buộc phải có những bước đi mới nhằm “gia cố” thêm lực lượng trên vành đai Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. QUAD hay AUKUS dường như vẫn chưa thể thỏa mãn yêu cầu của Mỹ trong mục tiêu lớn nhằm ngăn chặn đối thủ chiến lược của họ. Trong bối cảnh đó, Philippines có thể là một lựa chọn tiếp theo của Washington. Câu hỏi đặt ra là: liệu Mỹ sẽ tạo ra một liên minh quân sự mới lấy Philippines là trung tâm của liên minh đó, hay chỉ đơn giản là nâng cấp mối quan hệ đồng minh song phương? Và liệu Manila sẽ đưa ra lựa chọn như thế nào trước những tính toán lợi ích từ phía đồng minh?
Động lực của Washington
Chiến lược toàn cầu của Mỹ đang phải chịu áp lực chưa từng có từ hai mặt trận Á – Âu. Tuy nhiên, khác với mặt trận châu Âu, nơi Mỹ đã có Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bố trí lực lượng của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lại tỏ ra rời rạc, thiếu tổ chức. Các quốc gia đồng minh, gần gũi với Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Australia, Thái Lan, Singapore… không có mối liên kết ràng buộc chặt chẽ như các thành viên NATO ở châu Âu. Điều này khiến cán cân lực lượng tại Đông Á chưa đáp ứng được chiến lược của Washington trong việc kiềm chế Trung Quốc.
Để từng bước khắc phục điểm yếu này, Mỹ đang đẩy mạnh quá trình thiết lập các khối liên kết mới song hành cùng Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở. Đối thoại Tứ giác An ninh (QUAD) và Thỏa thuận Quốc phòng ba bên Mỹ, Anh, Australia (AUKUS) là hai đại diện tiêu biểu cho những tính toán của Washington. Chỉ có điều, QUAD chưa phải là một liên minh quân sự và rất khó để nâng cấp Bộ Tứ trở thành một khối quân sự đúng nghĩa. Trong khi đó, AUKUS tuy là một thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, nhưng mục tiêu chung mà thỏa thuận này hướng đến nhằm hỗ trợ, phát triển lực lượng tàu ngầm chiến lược cho Australia. Do vậy, liên minh ba nước Mỹ, Anh, Australia rất khó có thể mở rộng thành viên liên quan đến mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng hạt nhân khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Nhìn chung, QUAD và AUKUS không đủ để thỏa mãn được đại chiến lược của Mỹ giống như cách mà NATO đã và đang đảm nhiệm ở phía Tây. Đây chính là động lực lớn nhất, thúc đẩy Mỹ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp mới cho tham vọng quân sự hóa khu vực Đông Á trong bối cảnh Washington từ lâu đã xác định Trung Quốc là đối thủ chiến lược cho thế kỷ XXI.
Về phía đối thủ chiến lược của Mỹ, trong ba vùng biển: Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông, bố trí lực lượng Mỹ tại Biển Đông tỏ ra yếu nhất. Bắc Kinh đã và đang triệt để tận dụng điểm yếu này. Mặc dù đây là vùng biển đang diễn ra quá trình tranh chấp và giải quyết tranh chấp hết sức phức tạp, nhưng Biển Đông lại là nơi có được tự do hàng hải hơn so với hai vùng biển phía Đông còn lại đối với Trung Quốc. Điều đó có đóng góp không nhỏ cho đà phát triển của cường quốc Á Đông trong những thập niên vừa qua.
Washington hiểu rằng, chính sách kiềm chế Trung Quốc sẽ không hiệu quả như ý muốn nếu không tăng cường lực lượng tại điểm yếu Đông Nam Á. Mặc dù vậy, cho dù bối cảnh quốc tế những năm gần đây đã chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang không chính thức tại các điểm nóng xung đột (trong đó có khu vực Biển Đông), nhưng thực tiễn cho thấy, để quá trình quân sự hóa đó đi theo quỹ đạo mà Mỹ mong muốn là điều không hề dễ dàng bởi vai trò trung tâm của ASEAN đang ngày càng gia tăng.
Những động thái của Mỹ với Philippines
Bố trí lực lượng ở khu vực Đông Á hiện nay cho thấy quan hệ liên minh Mỹ – Philippines ít được chú trọng hơn các đối tác như Nhật Bản hay Hàn Quốc, hoặc thậm chí là đảo Đài Loan. Washington và Manila vốn có Hiệp ước Phòng thủ chung từ năm 1951, mặc dù chưa bị xóa bỏ nhưng dường như nó đang được gác sang một bên. Quan hệ Mỹ – Philippines bộc lộ sự thiếu ổn định liên quan tới ý chí của các nhiệm kỳ lãnh đạo từ hai phía.
Đặc biệt, sự việc Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough từ tay Philippines năm 2012 vẫn chưa tạo ra một lí do đủ lớn để Mỹ tái khởi động Hiệp ước Phòng thủ chung với đồng minh. Đáp lại, các đời lãnh đạo Philippines cũng tỏ vẻ thận trọng trong việc hâm nóng lại mối quan hệ song phương với Mỹ. Đến thời Tổng thống Marcos (con) lên nắm quyền, chính sách cân bằng quan hệ với hai siêu cường Mỹ – Trung Quốc tiếp tục được đề cao. Ông Marcos tiếp tục cố gắng duy trì mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc từ thời ông Duterte nhưng đồng thời cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội cải thiện quan hệ với đồng minh. Điều đó có thể sẽ mang đến những cơ hội cho Mỹ.
Cụ thể, cuối năm 2022, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã có chuyến thăm chính thức tới Manila nhằm khởi động quá trình hâm nóng quan hệ đồng minh giữa hai nước. Tại chuyến thăm này, điều đáng chú ý là bà Kamala Harris đã nhắc lại Hiệp ước Phòng thủ chung 1951 và những khả năng có thể kích hoạt trở lại các điều khoản trong hiệp ước, điều vốn đã không được coi trọng trong những năm trước đó.
Trong một động thái đáng quan tâm khác, ông Ely Ratner – Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nhận định năm 2023 có thể là năm có nhiều thay đổi nhất về bố trí lực lượng của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Muốn hiện thực hóa điều đó, việc nâng cấp mối quan hệ song phương với các đồng minh trong đó có Philippines là điều Washington chắc chắn sẽ phải triển khai. Những biểu hiện gần đây của Mỹ đã cho thấy nhận định của ông Ely Ratner có cơ sở rất rõ ràng. Mỹ đã phân bổ hơn 82 triệu USD cho việc phát triển cơ sở hạ tầng tại các địa điểm nằm trong Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng nâng cao Mỹ – Philippines (EDCA), đáng chú ý có căn cứ không quân Basa, Pháo đài Magsaysay ở Luzon và căn cứ không quân Antonio Bautista ở Palawan… Ngoài ra, 2 bên cũng đã thảo luận việc phát triển hạ tầng tại một số địa điểm mới ở phía Bắc Luzon, chẳng hạn như tỉnh duyên hải Cagayan – nơi có khả năng hỗ trợ giám sát, bố trí sẵn trang thiết bị và hỗ trợ khu vực hậu phương khi xảy ra các tình huống bất ngờ ở Đài Loan.
Quan hệ Mỹ – Philippines đang có những tiến triển tích cực bất chấp những lo ngại về câu chuyện quá khứ của gia tộc tổng thống đương nhiệm, nhưng có vẻ còn quá sớm để tin tưởng vào một bước đột phá bất ngờ trong quan hệ đồng minh giữa hai bên.
Những rào cản đối với tham vọng thiết lập một liên minh quân sự mới ở Châu Á – Thái Bình Dương
Mặc dù Mỹ đang đạt được những thành công trong quá trình tăng cường quan hệ với các đối tác, đồng minh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhưng không dễ để có thể xây dựng một liên minh quân sự tương tự như NATO. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, việc đảm bảo giữ nguyên trạng lực lượng tại khu vực Đông Bắc Á (Nhật Bản và Hàn Quốc) có ý nghĩa sống còn trong việc duy trì tình thế chính trị trên bán đảo Triều Tiên. Việc mở rộng liên minh quân sự ở khu vực này có thể kích hoạt chiến tranh liên Triều bùng nổ trở lại. Một cuộc chiến như vậy trong bối cảnh hiện tại hoàn toàn không có lợi đối với Mỹ khi Washington đang phải căng mình trên hai mặt trận lớn.
Thứ hai, không dễ để xây dựng liên minh quân sự ở khu vực Đông Nam Á, nơi vai trò trung tâm của ASEAN đã và đang được thể hiện. Nguyên tắc đồng thuận cùng định hướng ngoại giao phòng ngừa của khu vực sẽ không cho phép các lực lượng quân sự bên ngoài làm phức tạp thêm tình hình của Đông Nam Á. Mặc dù Mỹ có mối quan hệ an ninh – quốc phòng gần gũi với Philippines, Thái Lan và Singapore, nhưng chừng đó là không đủ để có được cái gật đầu của toàn bộ 10 thành viên ASEAN (và dự kiến sẽ là 11 thành viên trong năm 2023).
Thứ ba, Châu Á – Thái Bình Dương đã xuất hiện hai liên kết QUAD và AUKUS, nhưng cả hai đều bị giới hạn trong định hướng phát triển. Như đã nêu trên, QUAD chỉ đơn thuần là một diễn đàn hợp tác về an ninh, khó có khả năng trở thành một liên minh quân sự. Trong khi đó, mối lo ngại về an ninh hạt nhân là rào cản khiến AUKUS khó có thể mở rộng, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Việc có thêm các khối liên kết mới sẽ tạo thêm gánh nặng về nhiều mặt từ tài chính, công nghệ tới công tác quản lý và vấn đề xử lý các mối quan hệ liên quan khác.
Thứ tư, lo ngại về phản ứng từ phía Trung Quốc là một yếu tố quan trọng trong quá trình xây dựng chính sách của các quốc gia Đông Á. Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của các nước trong khu vực này. Việc chấp nhận đánh đổi lợi ích kinh tế để tham gia vào một liên minh quân sự trong tương lai không phải là một lựa chọn được ưu tiên.
Thế khó cho Manila
Thực tiễn, Philippines gặp nhiều khó khăn trong việc tự giải quyết các thách thức an ninh, quốc phòng. Ví dụ, cuộc khủng hoảng an ninh tại Marawi năm 2017 cho thấy thực lực của lực lượng quân đội Philippines tồn tại nhiều hạn chế. Xa hơn, sự kiện mất bãi cạn Scarborough vào năm 2012 cũng đã chứng minh mối quan hệ đồng minh với Mỹ tại thời điểm đó là không đủ để bảo vệ lợi ích cho Manila. Rõ ràng, Philippines đang rất cần nâng cấp chất lượng quân đội cũng như tìm kiếm thêm những cơ hội hợp tác quốc phòng với các đối tác bên ngoài.
Với vai trò đồng minh và là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Manila, Mỹ không ngừng đáp ứng những nhu cầu quân sự của quốc gia đồng minh. Tuy nhiên, dấu ấn đáng kể trong quan hệ quân sự giữa hai bên vẫn chỉ dừng lại ở những hợp đồng thương mại quân sự, những cuộc tập trận chung và những tuyên bố chính trị. Liên quan đến các mâu thuẫn, căng thẳng của Philippines với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền trên biển, Mỹ chưa sẵn sàng kích hoạt trở lại những nội dung trong Hiệp ước Phòng thủ chung. Lợi ích thực tế từ mối quan hệ đồng minh truyền thống dường như không đáp ứng được kỳ vọng của Manila.
Philippines đang ở một tình thế tiến thoái lưỡng nan khi đồng minh không đáp ứng được mong muốn của họ nhưng Manila lại không thể tìm kiếm được một giải pháp hoặc một đối tác thay thế. Ngoài việc tiếp tục cải thiện mối quan hệ đồng minh, Manila không còn nhiều lựa chọn trong việc nâng cao năng lực quốc phòng.
Một là, các đối tác có đủ tiềm lực, có khả năng bù đắp những khoảng trống quân sự mà quân đội Philippines cần lấp đầy đặc biệt là Nga và chính Trung Quốc lại có mối quan hệ không tốt đẹp với Mỹ. Trong khi đó, các cường quốc tầm trung khác khó có thể làm thỏa mãn những nhu cầu thực tiễn của Manila.
Hai là, với tư cách một thành viên tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), Philippines có trách nhiệm đảm bảo và duy trì định hướng ngoại giao phòng ngừa tại khu vực Đông Nam Á. Lựa chọn tham gia vào bất kỳ một liên minh quân sự mới nào sẽ trực tiếp khởi động quá trình tan rã của ASEAN, đồng thời đưa Manila vào một tình thế nguy hiểm trong cuộc đối đầu căng thẳng với Bắc Kinh và thậm chí là cả các quốc gia Đông Nam Á khác.
Ba là, liên quan đến khả năng mở rộng của các liên kết hiện có tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cơ chế hợp tác an ninh đơn thuần như QUAD không có nhiều giá trị đối với nhu cầu quân sự của Philippines. Mặt khác, chương trình nâng cấp năng lực hạt nhân mà AUKUS hướng đến không phải là lựa chọn phù hợp. Bởi nó sẽ trực tiếp đưa Manila lâm vào tình thế nguy hiểm của một cuộc khủng hoảng hạt nhân mới, có thể so sánh với khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962.
Và cuối cùng, nguy cơ tụt hậu về kinh tế đối với Philippines đang nghiêm trọng không kém gì những nguy cơ về an ninh, quốc phòng. Đối tác lớn nhất có thể hỗ trợ quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế đối với Manila lại chính là quốc gia láng giềng. Trong hoàn cảnh như vậy, Philippines khó có thể đi đến một lựa chọn toàn vẹn được cả đôi đường: mạnh về quân sự, giàu về kinh tế.
Một số kết luận
Các động thái của Mỹ cho thấy tham vọng quân sự hóa khu vực Đông Á của Washington đang ngày càng hiện hữu. Việc xây dựng được một tổ hợp lực lượng tương tự như NATO ở Đông Á sẽ có ích cho chiến lược kiềm chế Trung Quốc trong thế kỷ XXI. Tuy nhiên, việc thiết lập các liên minh quân sự ở Châu Á – Thái Bình Dương là điều không dễ dàng. Chưa có một lý do chung đủ lớn để thuyết phục các quốc gia Đông Á cùng tham gia một tổ chức quân sự tương tự như Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.
Quan hệ Mỹ – Philippines kể từ khi Tổng thống Marcos (con) nắm quyền đã có những biểu hiện được hâm nóng, khác với sự lạnh nhạt trong thời kỳ của người tiền nhiệm Duterte. Điều này có thể giúp Philippines cải thiện được năng lực quốc phòng, nhưng có vẻ vẫn không đủ để thỏa mãn nhu cầu thực tế của Manila.
Philippines mặc dù không phải là nhân tố quan trọng nhất trong tham vọng quân sự hóa Đông Á, nhưng là một nhân tố quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Việc đưa quốc gia này vào một liên minh bất kỳ có lợi đối với Washington nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với Manila. Đó có thể là một cuộc chơi có tổng bằng 0 với bên chịu thiệt thòi là Philippines. Việc đưa Philippines trở thành trung tâm của một liên kết quân sự đa phương mới sẽ vấp phải phản ứng dữ dội của nhiều bên không riêng gì Trung Quốc. Bản thân Manila cũng không mong muốn điều đó xảy ra.
Hiện tại, không có nhiều lựa chọn đối với Manila, họ đang đứng vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, khó có thể toàn vẹn được hai mục tiêu lớn. Lựa chọn khả dĩ nhất là cải thiện quan hệ đồng minh, tận dụng cơ hội tăng cường hợp tác với các đối tác bên ngoài. Trong lựa chọn đó, Manila cần phải đảm bảo được cả 2 yếu tố: (1) duy trì vị thế “hòn đá tảng” của mối quan hệ đồng minh Mỹ – Philippines. (2) không gia nhập vào các liên minh quân sự mới. Khó cho chiến lược phát triển của Manila, nhưng dường như đó là tất cả những gì mà họ có thể làm được ở thời điểm hiện tại./.
Tác giả: Hoàng Hải