Ngày 14 tháng 2 vừa qua, một trong những cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất thế giới đã diễn ra khi hơn 200 triệu cử tri Indonesia tiến hành bỏ phiếu bầu Tổng thống mới, người sẽ kế nhiệm vị trí hiện tại của Joko Widodo. Thông qua kết quả kiểm phiếu nhanh, Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto được cho sẽ nhiều khả năng trở thành tân Tổng thống của quốc gia đông dân thứ tư thế giới. Nhiều nhà phân tích lo ngại rằng chiến thắng của Prabowo sẽ là một mối đe dọa đối với nền dân chủ của Indonesia bởi ông là một người theo chủ nghĩa dân tộc và trong quá khứ, Prabowo từng nhiều lần bị cáo buộc có liên quan tới các vụ việc vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, trái với những lo ngại này, vẫn có cơ sở để tin rằng, sự ủng hộ nhiệt tình của cử tri Indonesia đối với Prabowo không thể hiện sự xuống cấp của nền dân chủ; ngược lại, nó phản ánh niềm tin của người dân rằng Prabowo có đủ khả năng để kế thừa những di sản của Jokowi. Bên cạnh đó, hệ thống quyền lực phi tập trung hiện tại của Indonesia vẫn đang cho thấy được sự hiệu quả trong việc kiềm chế quyền lực của người đứng đầu, ngay cả khi cá nhân đó là một người có ý chí cứng rắn như Prabowo.
Năm 1985, trong bản đánh giá tình báo nội bộ, Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) đã đưa ra nhận định về người có thể kế nhiệm Suharto, tổng thống độc tài đã nắm quyền tại Indonesia kể từ năm 1967. Cá nhân được CIA đề cập khi đó là Prabowo Subianto, một vị tướng 33 tuổi và là chỉ huy của lực lượng quân đội đặc biệt tại Đông Timor, khu vực mà Indonesia đang chiếm đóng vào thời điểm đó. Bản đánh giá đã cung cấp những thông tin cơ bản về Prabowo, rằng ông xuất thân từ một gia đình thuộc tầng lớp tinh hoa và là người nổi tiếng với khả năng lãnh đạo. Bên cạnh đó, CIA cũng đưa ra nhận định rằng triển vọng trong sự nghiệp chính trị của Prabowo đã được gia tăng đáng kể sau khi ông kết hôn với một trong những người con gái của Tổng thống Suharto.
Gần 40 năm sau, tham vọng trở thành người đứng đầu của quốc gia đông dân thứ tư thế giới của Prabowo Subianto cuối cùng cũng sắp trở thành hiện thực. Khi người dân Indonesia tiến hành bỏ phiếu trong cuộc bầu cử vào ngày 14 tháng 2, Prabowo được cho sẽ nhiều khả năng trở thành tân Tổng thống của quốc gia vạn đảo này. Nhiều nhà phân tích lo ngại rằng chiến thắng của Prabowo sẽ là một mối đe dọa đối với nền dân chủ non trẻ của Indonesia. Lý do là bởi trong những năm cuối cùng của chế độ Suharto, Prabowo đã bị buộc tội đồng lõa trong các vụ việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Ngoài ra, ông cũng nổi tiếng là một người theo chủ nghĩa dân tộc và sở hữu tính cách nóng nảy. Những lo ngại này càng trở nên phức tạp hơn khi Prabowo tuyên bố sẽ chọn Gibran Rakabuming Raka, con trai của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joko Widodo (Jokowi) làm ứng cử viên phó Tổng thống của mình. Quyết định được đưa ra sau khi tòa án hiến pháp Indonesia loại bỏ điều luật giới hạn độ tuổi tối thiểu đối với các ứng cử viên Tổng thống và phó Tổng thống vào năm ngoái.
Khả năng của Prabowo là điều đã được kiểm chứng và trái ngược với lo ngại của nhiều người, chiến thắng của Prabowo khó có thể dẫn đến sự xuống cấp của nền dân chủ Indonesia. Lý do là bởi trong vòng 25 năm qua, Indonesia đã phát triển một loạt các chuẩn mực chính trị, thứ đã định hình chiến dịch tranh cử của Prabowo và cũng có thể sẽ hạn chế quyền lực của chính Prabowo nếu ông đắc cử Tổng thống. Nó có thể không giống với tầm nhìn của phương Tây về một nền dân chủ tự do, nhưng có thể khẳng định những nỗ lực nhằm dân chủ hóa hệ thống chính trị sẽ không kết thúc sau cuộc bầu cử lần này. Bên cạnh đó, bất kì ai kế nhiệm Jokowi sẽ chịu áp lực rất lớn để bắt kịp những thành tựu mà Jokowi đã đạt được trong suốt hai nhiệm kỳ của ông. Mặc cho một số biện pháp kiểm tra và cân bằng đã xuống cấp dưới thời Jokowi, nền dân chủ của Indonesia vẫn đang cho thấy sự ổn định trên nhiều phương diện, đặc biệt là hệ thống phân quyền đã và đang giúp hạn chế quyền lực của người đứng đầu.
Indonesia hiện là nền dân chủ đông dân thứ ba thế giới và quốc gia này có khả năng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trên thực tế, sự ủng hộ nhiệt tình của cử tri Indonesia đối với Prabowo không thể hiện sự xuống cấp của nền dân chủ; ngược lại, nó phản ánh niềm tin của người dân rằng Prabowo sẽ tiếp nối những di sản của Jokowi, và rằng các thể chế dân chủ hiện tại có đủ khả năng để kiềm chế quyền lực của ngay cả một Tổng thống có ý chí cứng rắn như Prabowo.
Sự nghiệp chính trị
Cha của Prabowo là một nhà kinh tế có sức ảnh hưởng, phải chịu cảnh sống lưu vong sau khi có sự xung đột với chính phủ của tổng thống sáng lập Indonesia, Sukarno. Sau khi Suharto lật đổ Sukarno vào năm 1967, gia đình ông trở về Indonesia và cha của Prabowo giữ chức bộ trưởng thương mại và tài chính. Năm 1970, Prabowo gia nhập quân đội, lực lượng có vị trí đặc biệt dưới thời Suharto. Trong thời gian này, Prabowo bị buộc tội có liên quan đến một số hành vi đàn áp tàn bạo tại Đông Timor, nơi mà quân đội Indonesia chiến đóng vào thời điểm đó. Năm 1998, sau khi chính quyền Suharto sụp đổ và dưới tác động của những cáo buộc rằng ông đã dàn dựng các vụ bắt cóc sinh viên biểu tình, Prabowo đã bị cách chức.
Tuy nhiên, trong thập kỷ tiếp theo, Prabowo bắt đầu gây dựng sự nghiệp chính trị với phương châm thúc đẩy một hình thức của chủ nghĩa dân tộc nhằm “giải phóng” Indonesia khỏi sự bóc lột của các quốc gia bên ngoài. Khi Jokowi, một nhà sản xuất đồ nội thất, bước vào chính trường quốc gia bằng cách tranh cử chức Thống đốc Jakarta vào năm 2012, Prabowo đã trở thành một trong những người ủng hộ chính của ông. Bằng cách tận dụng mức độ được tín nhiệm cao của Jokowi, Prabowo mong muốn có thể nâng cao triển vọng trở thành Tổng thống của bản thân. Tuy nhiên, trái với kì vọng của Prabowo, năm 2014, Jokowi lại tiến hành chiến dịch tranh cử Tổng thống của riêng mình. Động thái này đã khiến Prabowo nảy sinh hiềm khích với Jokowi. Bằng chứng là trong các bài diễn văn tranh cử của mình, Prabowo đã gọi Jokowi là một “con rối” của các quốc gia bên ngoài và bày tỏ sự nghi ngờ về sắc tộc cũng như tôn giáo của ông.
Bất chấp những công kích từ Prabowo, Jokowi vẫn nhận được sự ủng hộ to lớn từ phía người dân. Với tư cách là Tổng thống, Jokowi đã giữ cho nền kinh tế tăng trưởng khoảng 5% một năm và cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế của Indonesia, với việc hoàn thành dự án đường sắt cao tốc đầu tiên của đất nước, cũng như xây dựng vô số sân bay, bến cảng và đường thu phí. Mặc cho sự tín nhiệm ở mức cao dành cho Jokowi, Prabowo vẫn phát động chiến dịch tái tranh cử vào năm 2019. Kết quả lần này vẫn là một thất bại dành cho Prabowo với tỷ lệ phiếu bầu thậm chí còn thấp hơn năm 2014. Đáng chú ý, sau khi kết quả của hai cuộc bầu cử được công bố, Prabowo đều bày tỏ sự phản đối, cho rằng các kết quả đã bị thay đổi, mặc dù ông không đưa ra được bất kỳ bằng chứng xác thực nào.
Với lịch sử đối đầu gay gắt như vậy, dường như khả năng Prabowo trở thành người kế nhiệm được Jokowi ủng hộ là điều khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, sau cuộc bầu cử năm 2019, Jokowi đã bổ nhiệm Prabowo giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. 5 năm sau, với việc con trai của Jokowi là ứng cử viên phó Tổng thống của Prabowo, bộ đôi dường như đã lại trở thành đồng minh, mặc dù Jokowi chưa chính thức lên tiếng về việc ủng hộ Prabowo. Trên thực tế, kiểu liên minh giữa những cựu thù này đã trở nên phổ biến trong kỷ nguyên dân chủ của Indonesia. Jokowi, cũng như người tiền nhiệm Susilo Bambang Yudhoyono, đã xây dựng các liên minh lớn trong Quốc hội nhằm giảm bớt số lượng các phe đối lập, qua đó giúp tăng quyền lực của họ. Khi Jokowi được bầu làm tổng thống lần đầu tiên vào năm 2014, ông chỉ có 40% số nhà lập pháp ủng hộ. Giờ đây, ông đã tập hợp được 82% đại biểu Hạ viện Indonesia vào liên minh của mình, cho phép ông thực hiện những thay đổi về mặt lập pháp với sự phản đối ở mức tối thiểu.
Lý do cử tri Indonesia ủng hộ Prabowo
Prabowo đang nhận được sự tín nhiệm cao từ phía người dân Indonesia, một phần nguyên nhân đến từ việc hơn một nửa số cử tri hiện tại có độ tuổi dưới 40 và nhiều người trong số họ không sinh ra và lớn lên trong thời kì mà Suharto cầm quyền. Bên cạnh đó, các khía cạnh lịch sử gây tranh cãi cũng ít được thảo luận trong hệ thống giáo dục hoặc trong xã hội nói chung. Kể từ khi Suharto từ chức, những người kế nhiệm ông đã thực hiện một chính sách cải cách thực dụng, tập trung vào dân chủ hóa, phân quyền và phát triển. Trong nền dân chủ mới của Indonesia, những cá nhân của chế độ cũ như Prabowo có thể tiếp tục tham gia vào trò chơi quyền lực, miễn là họ tuân theo những quy tắc mới đã được đề ra
Quan trọng hơn cả, sự ủng hộ của người dân Indonesia dành cho Prabowo chủ yếu đến từ niềm tin của họ rằng ông là nhân vật phù hợp để tiếp nối những chính sách dưới thời Jokowi. Cuộc thăm dò gần đây của Indikator Politik, một tổ chức khảo sát uy tín ở Jakarta, đã chỉ ra rằng có tới 80% người dân Indonesia cảm thấy hài lòng với các chính sách của Jokowi. Nắm bắt được tâm lý này, trong các bài diễn văn tranh cử của mình, Prabowo đã từ bỏ lối hùng biện theo hướng kích động quần chúng. Thay vào đó, ông tự thể hiện mình là ứng cử viên phù hợp để kế thừa những di sản của người tiền nhiệm, bao gồm cả dự án xây dựng thủ đô mới trong khu rừng rậm Borneo trị giá 33 tỷ USD, qua đó nhận được sự tín nhiệm của nhiều cử tri. Bên cạnh đó, các nhà tư vấn chiến dịch tranh cử của ông cũng đặc biệt tích cực trong các hoạt động trực tuyến, sử dụng TikTok, Instagram và phim hoạt hình kỹ thuật số để giới thiệu vị cựu tướng quân như một nhân vật đáng mến.
Tuy nhiên, liệu vị chính khách thân thiện và là đồng minh tận tụy của Jokowi có thực sự là Prabowo hay không? Những người phản đối Prabowo lập luận rằng các bằng chứng trong quá khứ về sự tàn bạo và phản dân chủ của Prabowo chỉ đang bị che mờ bởi một chiến dịch truyền thông khôn ngoan và rằng quyền lực sẽ trở nên nguy hiểm nếu nằm trong tay ông. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc ông lựa chọn con trai của Jokowi làm người đồng hành khi tranh cử cũng thể hiện sự thụt lùi về mặt dân chủ.
Hệ thống quyền lực phi tập trung
Có cơ sở để lo lắng rằng Prabowo có thể “bẻ cong” hệ thống chính trị hiện tại của Indonesia theo hướng mà ông mong muốn. Tuy nhiên, cũng có những bằng chứng phản bác mạnh mẽ rằng nếu trở thành Tổng thống, Prabowo sẽ gặp khó khăn trong việc giành quyền kiểm soát hoàn toàn đối với một hệ thống chính trị mà quyền lực đã trở nên phân tán hơn nhiều so với 25 năm trước. Hệ thống quyền lực phi tập trung của Indonesia vận hành khá phức tạp và yếu tố này cũng khiến các cá nhân trong hệ thống chính trị khó có thể tích lũy được quá nhiều tầm ảnh hưởng, qua đó góp phần tạo nên sự bền vững của nền dân chủ đất nước. Chính Prabowo có lẽ cũng là người hiểu hơn ai hết điều này. Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dưới thời Jokowi, Prabowo, mặc dù đã có những lời hứa đanh thép khi nhậm chức, nhưng lại không thể tiến hành những cải cách đáng kể trong quân đội Indonesia.
Để các chính sách đạt được sự đồng thuận, các tổng thống Indonesia cần quản lý tốt nhiều đảng phái thường xuyên có sự bất đồng quan điểm trong liên minh của mình. Bên cạnh đó, các quyết định cũng cần nhận được sự phê duyệt từ nhiều cấp chính quyền địa phương. Các cấp chính quyền này nắm giữ quyền lực tương đối lớn và thường cố gắng trở thành đối trọng của chính quyền Trung ương. Hơn thế nữa, các bộ, ban, ngành trong hệ thống chính trị của Indonesia có vai trò chồng chéo và thường có sự cạnh tranh với nhau về các lợi ích quan liêu. Do đó, trong cấu trúc chính trị hiện tại, việc một cá nhân sở hữu đủ quyền lực để trở thành một “Suharto thứ hai” là điều khó có thể xảy ra. Dư luận Indonesia cũng đang cho thấy được sự hiệu quả trong việc kiềm chế quyền lực của tổng thống. Bằng chứng là việc những nỗ lực của các đồng minh Jokowi nhằm giữ ông tại vị lâu hơn đều đã thất bại khi không nhận được sự ủng hộ từ phía công chúng.
Một số dự báo về chính sách dưới thời Prabowo
Trong trường hợp đắc cử, Prabowo nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì cách tiếp cận thực dụng của Jokowi đối với Trung Quốc, nhằm tận dụng nguồn vốn của Bắc Kinh trong việc phát triển cơ sở hạ tầng cũng như thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác như thương mại điện tử, khai thác khoáng sản và sản xuất pin xe điện, v.v. Tuy nhiên, với nền tảng là chủ nghĩa dân tộc, Prabowo có thể sẽ triển khai những động thái cứng rắn hơn đối với các hành vi vi phạm của tàu cá Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Bên cạnh đó, Indonesia dưới thời Prabowo khả năng cao vẫn sẽ tiếp tục thực hiện đường lối tự chủ chiến lược giữa bối cảnh Mỹ và Trung Quốc ngày càng đối đầu gay gắt tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trong quan hệ với phương Tây, Prabowo có thể sẽ triển khai những chính sách mang tính độc lập hơn so với người tiền nhiệm Jokowi bởi ông đã từng nhiều lần công khai chỉ trích tiêu chuẩn kép của các nước phương Tây trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền. Thậm chí, vào tháng 11, Prabowo đã phát biểu rằng Indonesia sẽ không còn cần châu Âu với tư cách là đối tác kinh tế và ngoại giao bởi cán cân quyền lực toàn cầu hiện tại đã chuyển dịch sang khu vực châu Á.
Kết luận
Với những ý đồ của giới tinh hoa xoay quanh liên minh mới giữa Prabowo và Jokowi, một số người chế nhạo Indonesia là một “nền dân chủ thủ tục”, chứ không phải một nền văn hóa dân chủ thực sự. Tuy nhiên, bản thân nền dân chủ này vẫn đang cho thấy được sự hiệu quả trong việc hạn chế quyền lực của người đứng đầu. Trong trường hợp Prabowo đắc cử sau nhiều lần thất bại, điều đó có nghĩa rằng phần lớn cử tri Indonesia nhìn thấy ở ông điều mà họ mong muốn, đó là sự tiếp nối các nỗ lực phát triển kinh tế của Jokowi, cùng với đó là khả năng lãnh đạo quyết đoán. Bất cứ ai trở thành Tổng thống kế nhiệm của Indonesia đều sẽ nhận ra rằng việc điều hành đất nước là một công việc khó khăn, và sẽ càng phức tạp hơn khi đất nước đó là một nền dân chủ./.
Lược dịch: Hải Hoàng
Tác giả: Ben Bland – giám đốc chương trình châu Á-Thái Bình Dương tại Viện Quan hệ Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) và là tác giả cuốn sách: “Con người của những mâu thuẫn: Joko Widodo và cuộc đấu tranh tái thiết Indonesia.”
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]