Quan hệ Nga – Mỹ từ lịch sử đến hiện tại luôn là một trong những trụ cột định hình nên trật tự quốc tế. Ngay sau Chiến tranh Lạnh, mọi hiềm khích giữa Moscow với Washington không lùi về quá khứ cùng sự tan rã của Liên Xô mà tồn tại, phát triển thành một hình thức cạnh tranh chiến lược mới, được đặc trưng bởi tính mâu thuẫn giữa đối đầu và hợp tác. Kể từ cuộc khủng hoảng Crimea năm 2014 và đỉnh điểm với cuộc chiến nổ ra tại Ukraine từ 24/2/2022 đã đẩy quan hệ Nga – Mỹ vào trạng thái trượt dài xuống mức thấp chưa từng có. Tuy nhiên, sau nhiều năm căng thẳng, quan hệ Nga – Mỹ dường như bắt đầu xuất hiện những tín hiệu tích cực khi các kênh liên lạc cấp cao được nối lại và bước ngoặt đó mang tên Donald Trump. Giờ đây, viễn cảnh thiết lập một chu trình mới trong quan hệ Nga – Mỹ tiến vào thời kỳ “tan băng” không còn xa vời. Câu hỏi đặt ra là liệu “Trump 2.0” có thực sự mang lại một thời kỳ hòa hoãn hơn hay tiếp tục đẩy Nga – Mỹ vào vòng xoáy bất định mới?
Những vấn đề lớn trong quan hệ Nga – Mỹ thời Joe Biden
Bên cạnh những biến động của tình hình quốc tế, khu vực và những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Mỹ sau khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền đã tạo ra không ít những vấn đề trở lại trong quan hệ với các quốc gia đối trọng với Mỹ. Kết thúc 4 năm đầy sóng gió trong quan hệ Mỹ – Trung dưới thời Trump, chính quyền Tổng thống Biden quyết định lựa chọn chiến lược “ngăn chặn kép” đối với cả Nga và Trung Quốc cùng lúc mở ra các mặt trận để kiềm chế hai đối thủ địa chính trị này[1]. Dù có phần tập trung hơn vào chạy đua với Bắc Kinh nhưng Washington vẫn song song thực hiện gia tăng áp lực ngoại giao lên mối quan hệ “duyên nợ” với Moscow.
Sau sự kiện Crimea năm 2014, Mỹ và phương Tây bắt đầu tăng cường áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga, trực tiếp đẩy quan hệ song phương Nga – Mỹ vào tình trạng suy thoái. Mặc dù có nhiều bất đồng song Nga và Mỹ vẫn tìm thấy tiếng nói chung trong công cuộc chống khủng bố tại Trung Đông vì lợi ích an ninh toàn cầu. Tuy nhiên, từ năm 2021 dưới thời nắm quyền của Tổng thống Biden, quan hệ Nga – Mỹ dần chìm sâu hơn vào những mâu thuẫn và leo thang tới đỉnh điểm khi cuộc chiến tranh tại Ukraine nổ ra ngày 24/2/2022.
Một cuộc chiến toàn diện đã khiến quan hệ Nga – Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden được đặc trưng bởi sự đối đầu sâu sắc, với hàng loạt vấn đề mang tính chiến lược và hệ quả toàn cầu. Từ sau khi chiến tranh Nga – Ukraine khởi phát đến nay, các lệnh trừng phạt kinh tế, đến kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa hai cường quốc này liên tục ở thế đối lập tạo nên bầu không khí căng thẳng trong trật tự quốc tế.
Tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Ukraine hiện nay đang được chính quyền Mỹ đặt lên ưu tiên triển khai hàng đầu với sự chấp nhận rằng đây thực chất là cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Mỹ và Nga[2]. Sự đối diện này chỉ mới được chính quyền Trump 2.0 đưa ra với vai trò bên hòa giải nhằm kiểm soát tình hình chiến sự và tìm kiếm lợi ích chiến lược. Bởi trước đó, dưới thời chính quyền Biden, nếu Mỹ thực sự muốn ngăn chặn một cuộc chiến tại châu Âu thì đã không trở thành nước viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine để chống lại Nga và biến đó trở thành một trong những nguyên nhân chính khiến quan hệ Nga – Mỹ rơi vào tình trạng đối đầu nghiêm trọng. Ngay từ khi chiến sự bùng nổ vào cuối tháng 2/2022, chính quyền Biden đã nhanh chóng phản ứng với hàng loạt chính sách cứng rắn bao gồm viện trợ quân sự quy mô lớn cho Kiev cùng với loạt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt lên Nga. Cho tới hết nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, nước Mỹ vẫn duy trì áp đặt trừng phạt kinh tế khiến cho nền kinh tế thời chiến Nga gặp phải một số khó khăn nhất định.
Bên cạnh vấn đề chiến sự Ukraine, trở ngại trong quan hệ Nga – Mỹ còn nằm trọng tâm ở lĩnh vực chính trị, ngoại giao. Đây không chỉ là hệ quả kéo dài do xung đột ý thức hệ kéo dài thời Chiến tranh Lạnh mà còn có sự cộng hưởng bởi những chính sách đối địch qua nhiều đời Tổng thống Mỹ. Qua hai nhiệm kỳ của Obama, quan hệ Nga – Mỹ có phần bước vào giai đoạn ổn định khi ông Trump lên nắm quyền năm 2018. Tuy nhiên, mối quan hệ này kéo dài không lâu. Ngay từ khi nhậm chức, chính quyền Biden đã thể hiện lập trường cứng rắn đối với Nga, phản ánh qua việc duy trì và tăng cường các biện pháp trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine năm 2014 và các vấn đề nhân quyền. Thậm chí, trong một cuộc phỏng vấn với đài CBS khi mới đắc cử, ông Biden đã chỉ trích Moscow là “mối đe dọa chính” đối với an ninh của Mỹ và các liên minh[3]. Năm 2021, tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nga ở Geneva đánh dấu cuộc gặp mặt sau cùng gần đây nhất giữa hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ nhưng không có tiến triển nào so với thượng đỉnh Helsinki 2018, cả hai bên đều thừa nhận rằng quan hệ song phương đang ở mức thấp và đứng bên bờ vực sụp đổ chỉ một năm sau đó[4].

Ngoài ra, một vấn đề không kém phần quan trọng trong quan hệ Nga – Mỹ là kiểm soát vũ khí hạt nhân đặc biệt xoay quanh Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START). Ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1/2021, Tổng thống Biden đã nhanh chóng đồng ý gia hạn Hiệp ước New START thêm 5 năm, đến ngày 5/2/2026, nhằm duy trì các giới hạn đối với kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới[5]. Đây là hiệp ước cuối cùng còn lại giữa hai cường quốc nhằm giới hạn kho vũ khí hạt nhân chiến lược, được ký kết vào năm 2010 và chính thức có hiệu lực từ năm 2011. Tuy nhiên, đến ngày 21/2/2023, Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ đình chỉ tham gia Hiệp ước New START, nhưng không rút hoàn toàn khỏi hiệp ước. Trong bối cảnh Nga đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cảm thấy an ninh quốc gia bị đe dọa trong khi Mỹ liên tục nhấn mạnh cam kết bảo vệ đồng minh NATO. Điều này phản ánh sự xói mòn niềm tin nghiêm trọng giữa hai cường quốc hạt nhân khi nhìn nhận về hành động của nhau trước các thách thức an ninh hiện hữu.
Bên cạnh những vấn đề cốt lõi trên, căng thẳng giữa hai nước còn lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác như an ninh mạng, tình báo và năng lượng. Nhà Trắng cáo buộc Nga thực hiện nhiều cuộc tấn công mạng nhằm can thiệp vào các cơ sở dữ liệu quan trọng của chính phủ Mỹ đặc biệt trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Điện Kremlin phản bác đồng thời cho rằng phía Washington đang sử dụng vấn đề an ninh mạng để làm giảm uy tín quốc tế của Nga [6]. Về mặt năng lượng, các biện pháp cấm vận của Mỹ nhằm vào ngành dầu khí Nga không chỉ tác động đến sự vận hành của nền kinh tế Nga mà còn làm biến đổi thị trường năng lượng toàn cầu, đặc biệt tạo động lực thúc đẩy Nga mở rộng tìm kiếm các thị trường thay thế ở châu Á – Thái Bình Dương.
Tổng thể, quan hệ Nga – Mỹ trong 4 năm nhiệm kỳ Biden không chỉ bị chi phối bởi những mâu thuẫn mang tính chiến lược mà còn phản ánh sự phân cực rõ rệt trong trật tự thế giới hiện nay. Với việc cả hai bên đều duy trì lập trường cứng rắn và thiếu các kênh đối thoại hiệu quả cho thấy triển vọng cải thiện quan hệ Nga – Mỹ dưới thời Trump 2.0 trước mắt có một số chuyển biến tích cực so với thời Biden song tương lai gần vẫn còn rất mờ mịt.
Sự điều chỉnh trong cách tiếp cận của Trump đối với Nga so với Biden
Những điều chỉnh trong cách tiếp cận dưới góc độ cá nhân của Tổng thống Trump và Tổng thống Biden đối với Nga phản ánh rõ nét trong đó sự khác biệt trong tầm nhìn chiến lược và định hướng đối ngoại của hai chính quyền, đồng thời cho thấy cách nước Mỹ định vị vị thế của mình trước một đối thủ lớn trên trường quốc tế.
Trước hết, Trump cẩn trọng trước những diễn ngôn nhắc tới nước Nga thể hiện sự mềm mỏng hơn so với Biden. Điều này đã được thể hiện ngay cả trước khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2024. Trong cuộc tranh luận đầu tiên khi hai “lão tướng” tranh cử diễn ra vào ngày 27/6/2024, ông Trump đã đề cập đến nước Nga tới 16 lần, trong khi ông Biden không đề cập lần nào[7]. Điều đó cho thấy ông Trump thể hiện quan điểm coi trọng Nga hơn và thậm chí ghi dấu ấn với tuyên bố có thể giải quyết xung đột Nga – Ukraine chỉ trong 24 giờ. Trong các tuyên bố đầu tiên sau khi nhậm chức, Trump đã thể hiện lập trường ôn hòa hơn đối với Nga so với chính quyền tiền nhiệm. Ngoài ra sự thúc đẩy tự chủ hóa an ninh đối với NATO cũng được Trump liên tục nhắc lại như một cách để nhấn mạnh rằng Mỹ nên tìm cách cải thiện quan hệ với Moscow thay vì tiếp tục chính sách đối đầu.
Dưới thời Trump 2.0, chính sách đối ngoại của Mỹ với Nga được định hình bởi một cách tiếp cận linh hoạt nhưng tính toán kỹ lưỡng. Cách tiếp cận tổng thể của ông Trump với Nga và Tổng thống Putin thiên về đối thoại linh hoạt, khai thác tối đa các kênh tiếp để tạo không gian chiến lược cho thương lượng, tránh rơi vào hiểu lầm không đáng có. Bề ngoài, quan hệ song phương mang dáng dấp “hòa dịu có kiểm soát”, nhưng về thực chất, chính quyền Trump vẫn giữ nguyên nguyên tắc nền tảng là “cạnh tranh chiến lược trong khuôn khổ đối thoại”. Điều này phản ánh nỗ lực giữ thế cân bằng giữa việc bảo vệ lợi ích quốc gia và duy trì kênh liên lạc với một đối thủ địa chính trị quan trọng.
Đối với viện trợ cuộc xung đột tại Ukraine, chính quyền Trump không rút hoàn toàn sự hỗ trợ đối với Ukraine nhưng thu hẹp cam kết, ưu tiên hỗ trợ phòng thủ và buộc Kiev phải tính toán lại chiến lược, đồng thời mở ra không gian cho đàm phán với Nga. Bên cạnh đó, chính quyền Trump đã gắn viện trợ quân sự với các điều kiện chính trị cụ thể. Cách tiếp cận này phản ánh sự chuyển hướng rõ rệt từ chính sách hỗ trợ không giới hạn và không ràng buộc của chính quyền tiền nhiệm, sang một chính sách có điều kiện, giới hạn và hướng tới giải pháp ngoại giao. Về chính sách trừng phạt Nga, Tổng thống Trump không mở rộng thêm các biện pháp cấm vận mạnh tay như chính quyền tiền nhiệm. Dù vẫn duy trì lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính đã được áp đặt từ 2014 đến nay, chính quyền Trump 2.0 cũng đã cân nhắc thận trọng hơn trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới có thể gây tổn hại đến chuỗi cung ứng toàn cầu và lợi ích kinh tế của Mỹ.
Đối với NATO Trump vẫn tiếp tục duy trì quan điểm hoài nghi NATO trong nhiệm kỳ mới. Ông nhiều lần chỉ trích các nước châu Âu, đặc biệt là Đức và Pháp, vì không đóng góp đủ ngân sách quốc phòng theo cam kết. Trong các phát biểu vào đầu năm 2025, Trump cảnh báo rằng Mỹ sẽ không mãi là “người bảo trợ an ninh miễn phí” cho châu Âu, và ám chỉ khả năng xem xét lại vai trò của Mỹ trong NATO nếu gánh nặng chi tiêu quốc phòng không được chia sẻ công bằng[8].
Một trong những lý do khác khiến chính quyền Trump nhiệm kỳ hai theo đuổi chính sách linh hoạt với Nga bởi ông Trump không rời bỏ mục tiêu coi Trung Quốc mới là mối đe dọa chiến lược dài hạn nghiêm trọng nhất đối với Mỹ. Tổng thống Trump nhìn nhận rằng việc đẩy Nga ngả hoàn toàn về phía Trung Quốc sẽ làm gia tăng nguy cơ hình thành một liên minh đối trọng với Mỹ trên toàn cầu. Sự tương hỗ lẫn nhau giữa Moscow và Bắc Kinh tạo ra vòng tuần hoàn khép kín làm suy giảm các nỗ lực bao vây, kiềm tỏa của Washington dày công xây dựng. Do đó, ông Trump xác định chủ trương giảm đối đầu với Nga, khuyến khích đối thoại và hợp tác trong một số lĩnh vực có qua có lại nằm trong chiến lược tổng thể nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại Trung Á và Đông Âu. Cách tiếp cận này thể hiện rõ trong các cuộc gặp cấp cao Nga – Mỹ tổ chức từ tháng 2/2025, nơi ông Trump bày tỏ thiện chí xây dựng lại “mối quan hệ thực dụng” với Điện Kremlin.
Ngược lại, trong 4 năm nhiệm kỳ vừa qua, chính quyền Biden mang đến một bước ngoặt hoàn toàn khác trong cách tiếp cận với Nga, với lập trường thiên về đối đầu toàn diện. Khác với Trump, Biden đặc biệt coi trọng việc củng cố các liên minh truyền thống của Mỹ. Ông nhanh chóng tái khẳng định cam kết với NATO và EU, khôi phục lòng tin về hệ thống quyền lực xuyên Đại Tây Dương nhằm đối phó với Moscow.
Khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt”, chính quyền Biden đã lập tức kích hoạt phản ứng can dự gián tiếp thể hiện qua nỗ lực duy trì chiến tranh cho Kiev. Từ đầu năm 2022 đến cuối năm 2024, Mỹ đã cung cấp 69 tỷ USD viện trợ quân sự, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kiel (Đức)[9]. Vào tháng 06/2024, cựu Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh NATO rằng tiến trình Ukraine gia nhập NATO là “không thể đảo ngược”[10]. Washington xác định rõ mục tiêu tài trợ chiến tranh cho Ukraine không chỉ với mục đích phòng thủ mà còn giành lại thế chủ động trên chiến trường, đồng thời làm suy yếu khả năng quân sự và nền kinh tế của Nga trong dài hạn.
Nước Mỹ của Donald Trump không phải như nước Mỹ của Joe Biden. Ngay cả trong nội bộ Washington, sự chia rẽ sâu sắc cũng hiện rõ ở Quốc hội khi quá trình thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine ngày càng vấp phải nhiều tranh cãi. Nhìn tổng thể, trong khi Trump theo đuổi chính sách linh hoạt hơn, đặt lợi ích thực dụng của Mỹ lên hàng đầu và muốn cải thiện quan hệ cá nhân với Putin, thì Biden lại chọn cách đối đầu trực diện, coi Nga là đối thủ cần bị kiềm chế toàn diện. Trump tin rằng có thể mở ra cơ chế tham vấn cùng với Nga từ góc độ lợi ích chung, còn Biden nhìn nhận chỉ khi áp đặt sức mạnh tổng lực từ Mỹ và đồng minh mới kiềm chế buộc Moscow thay đổi hành vi. Sự khác biệt này không chỉ phản ánh chiến lược đối ngoại của từng chính quyền mà còn thể hiện hai cách nhìn khác nhau về vai trò của Mỹ trên trường quốc tế. Ông Trump đặt ưu tiên số một vào “nước Mỹ trên hết”, trong khi ông Biden đề cao vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trong việc bảo vệ trật tự thế giới tự do trước những thách thức từ các cường quốc đối thủ như Nga hay Trung Quốc. Sự chuyển hướng mạnh mẽ này đã làm thay đổi căn bản cục diện quan hệ Mỹ – Nga, đồng thời góp phần tái định hình trật tự quốc tế trong những năm tiếp theo.
Những biểu hiện đầu tiên của quan hệ Nga – Mỹ thời Trump
Những biểu hiện đầu tiên của quan hệ Nga – Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump đã cho thấy sự chuyển biến đáng kể so với giai đoạn trước. Ngay sau khi ông Trump tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, các quan chức cấp cao của Nga đã bày tỏ hy vọng về việc thiết lập lại quan hệ giữa Moscow và Washington. Ông Kirill Dmitriev, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư quốc gia của Nga, nhận định rằng chiến thắng của ông Trump mở ra những cơ hội mới để cải thiện quan hệ song phương, đặc biệt trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine đã đẩy quan hệ hai nước xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh[11].
Một trong những biểu hiện rõ ràng nhất cho thấy quan hệ Nga – Mỹ có dấu hiệu tan băng trong năm 2025 chính là việc hai bên chính thức nối lại các cuộc đối thoại cấp cao sau hơn hai năm gián đoạn. Bước đi đầu tiên của ông Trump trong nhiệm kỳ mới bao gồm tiến hành cuộc điện đàm kéo dài hơn 2 giờ với Tổng thống Nga Putin vào ngày 12/2 cũng như xúc tiến cho một cuộc gặp Thượng đỉnh Nga – Mỹ thời gian tới. Cuộc trò chuyện này được mô tả “dài và rất hiệu quả”. Đáng chú ý, hai bên đã đồng ý bắt đầu ngay lập tức các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột quân sự ở Ukraine[12].

Sau nhiều năm căng thẳng, quan hệ Nga – Mỹ dường như xuất hiện những tín hiệu tích cực khi các kênh liên lạc cấp cao được nối lại. Đây là sự thay đổi rõ rệt so với giai đoạn 2022 – 2024, khi Washington kiên quyết ủng hộ Kiev bằng mọi giá. Các cuộc điện đàm giữa quan chức cấp cao Nga – Mỹ không chỉ đánh dấu sự khởi động lại đối thoại giữa hai nước mà còn tạo ra một cú sốc đối với Ukraine và châu Âu.
Cuộc họp cấp cao giữa các quan chức Nga và Mỹ tại Riyadh hôm 18/2 cho thấy những hình ảnh về cơ chế quản lý xung đột từ thời Chiến tranh Lạnh vẫn còn tác dụng. Chỉ khi có đối thoại trực tiếp mới tìm ra hướng giải quyết bất đồng, mâu thuẫn thay vì những nghi ngại lẫn nhau. Tính chất chiến lược của cuộc đàm phán đánh dấu bước đi lớn nữa của chính quyền Tổng thống Trump trong việc đảo ngược chính sách cô lập Nga mà Washington xây dựng từ thời Tổng thống Joe Biden. Việc Washington chủ động nối lại tiếp xúc cấp cao, cùng với những tuyên bố mang tính xây dựng từ phía Nga, cho thấy cả hai bên đều nhận thức được rằng đối thoại là cần thiết để kiểm soát rủi ro và tìm kiếm lối thoát cho mối quan hệ đang lún sâu vào khủng hoảng.
Gần đây, những tuyên bố tích cực từ cả phía Nga và Mỹ sau cuộc đàm phán dài 12 tiếng trong hai ngày 25 và 26/3 dường như cho thấy sự dịch chuyển đáng kể trong mối quan hệ song phương, với những nỗ lực đàm phán và trao đổi về đa dạng vấn đề, không chỉ xoay quanh xung đột ở Ukraine, mà còn mở rộng ra các vấn đề thương mại và an ninh hàng hải[13].
Đối với chính quyền Tổng thống Trump, việc khôi phục đối thoại với Nga phản ánh cách tiếp cận thực dụng, thiên về thương lượng và giảm căng thẳng thay vì đối đầu kéo dài. Trong khi đó, việc được Washington chủ động mở lại cánh cửa đối thoại là thắng lợi lớn về mặt ngoại giao, giúp Điện Kremlin phá vỡ thế cô lập mà phương Tây áp đặt từ sau cuộc khủng hoảng Ukraine. Cũng từ đây, một thực tế cho thấy Nga vẫn đang đủ sức chiến đấu kiểm soát tình hình chiến trường, do vậy, mọi đề xuất hòa bình bất lợi cho Nga đều không được chấp thuận. Mặt khác, Moscow cho thấy vẫn còn lối đi để đối thoại trực tiếp với Washington, qua đó nâng cao vị thế của Nga trên bàn đàm phán trong bất kỳ tiến trình đàm phán về Ukraine trong tương lai.
Tuy nhiên, lịch sử đối đầu giữa hai nước cho thấy đối thoại không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với sự thay đổi căn bản trong quan hệ. Những bất đồng sâu sắc về an ninh, lợi ích chiến lược và vị thế toàn cầu vẫn là rào cản lớn giữa hai bên. Trong ngắn hạn, các cuộc đàm phán sắp tới sẽ là phép thử quan trọng, cho thấy liệu Nga – Mỹ có thực sự muốn điều chỉnh chính sách hay chỉ đang tìm cách tận dụng ngoại giao để đạt được lợi thế tạm thời.
Ngoài ra, chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Nga và cuộc chiến tại Ukraine dưới thời Trump 2.0 đã chứng kiến một bước ngoặt lớn khi Washington quyết định điều chỉnh lập trường tại Liên Hợp Quốc. Mỹ không còn đề xuất các nghị quyết chỉ trích hay yêu cầu Nga rút quân, mà thay vào đó là nghị quyết kêu gọi chấm dứt xung đột, tránh quy trách nhiệm rõ ràng cho bất kỳ bên nào[14]. Nếu như trong giai đoạn 2022 – 2024, Mỹ kiên quyết ủng hộ Ukraine và dẫn đầu các nỗ lực trừng phạt, cô lập Nga trên trường quốc tế, thì nay, chính quyền Trump đã lựa chọn một cách tiếp cận mang màu sắc thực dụng khi Washington chuyển sang lập trường trung lập mang tính xây dựng.
Việc Mỹ thay đổi lập trường với Nga phản ánh sự chuyển hướng tích cực trong chiến lược đối ngoại dưới thời Tổng thống Trump. Thay vì tiếp tục đổ hàng chục tỷ Đô la vào viện trợ quân sự cho Ukraine, chính quyền Mỹ tập trung vào thương lượng nhằm tìm kiếm một lối thoát cho cuộc chiến ngày càng sa lầy. Đồng thời chuyển gánh nặng sang vai trò của Ukraine và các đồng minh châu Âu. Sự điều chỉnh này cho thấy sự đồng nhất với quan điểm của Tổng thống Trump về việc “ưu tiên lợi ích nước Mỹ”, bởi lẽ khi cuộc chiến chưa thực sự tàn canh nhưng Mỹ đã thảo sẵn ra những tấm bản đồ về vị trí mỏ khoáng sản dự định khai thác cũng như chuẩn bị cho một khoản nợ khổng lồ treo trên đầu Ukraine.
Động thái trên của Washington đã lập tức nhận được phản ứng tích cực từ Moscow. Điện Kremlin, thông qua người phát ngôn ông Dmitry Peskov, hoan nghênh lập trường “cân bằng và thực tế hơn” của Mỹ, cho thấy dấu hiệu rằng Washington sẵn sàng công nhận những vùng kiểm soát thực tế chiến trường mà Nga đã tạo ra sau hơn 3 năm xung đột[15]. Giới chức Nga coi đây như một cơ hội để phá vỡ thế cô lập trên trường quốc tế và khẳng định vị thế cường quốc của mình trong trật tự an ninh châu Âu. Truyền thông Nga đồng loạt ca ngợi bước đi của Mỹ như “một dấu hiệu của lý trí” và cho rằng Washington cuối cùng cũng chấp nhận rằng việc ép buộc Nga rút lui hoàn toàn là điều không thể[16].
Tuy nhiên, trái với lập trường mềm mỏng hơn đối với Nga, Mỹ đồng thời thực hiện gia tăng áp lực lên chính quyền Zelensky. Từ cuộc họp tại Saudi Arabia ngày 11/3, Washington đã chủ động cắt giảm dần các gói viện trợ quân sự cho Ukraine cũng như không bàn tới cam kết đảm bảo an ninh cho Kiev[17]. Chính quyền Tổng thống Trump thậm chí còn gửi đi thông điệp rõ ràng rằng việc Ukraine gia nhập NATO trong tương lai không còn nằm trong ưu tiên chính sách của Mỹ. Song song với đó, Mỹ cũng thúc ép Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán với Nga để hướng về một thỏa thuận ngừng bắn. Bước đi này của Mỹ đã trực tiếp làm gia tăng áp lực lên giới lãnh đạo Ukraine, khiến chính quyền Tổng thống Zelensky lâm vào thế khó. Bởi lẽ, việc mất đi sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Washington đồng nghĩa với việc Ukraine phải chịu nhiều bất lợi hơn trong cuộc chiến không cân sức với Nga.
Mặc dù vậy, không phải tất cả các nước phương Tây đều hoan nghênh những động thái xích lại gần nhau giữa Mỹ và Nga. Sự thay đổi này được diễn giải rằng sẽ làm suy yếu sự đoàn kết trong nội bộ các đồng minh phương Tây, khi các đồng minh bên kia Đại Tây Dương cảm thấy không được tham vấn đầy đủ trong các quyết định quan trọng. Một số thành viên NATO coi các nước cờ đàm phán mà Mỹ đã thực hiện với Nga là dấu hiệu của sự nhượng bộ trước mối đe dọa thường trực đối với an ninh châu Âu. Một số nước như Pháp hay Ba Lan, đã bỏ phiếu trắng hoặc phản đối nghị quyết chống chỉ trích Nga của Mỹ tại Liên Hợp Quốc, cho rằng động thái này có nguy cơ làm xói mòn các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế. Điển hình với quan điểm trên, Thủ tướng Anh ông Keir Starmer, người đã trực tiếp đến Mỹ để thuyết phục Tổng thống Trump không vội vàng ký kết thỏa thuận hòa bình về Ukraine[18].
Tác động với các cuộc xung đột và trật tự thế giới hiện nay
Quan hệ Nga – Mỹ dưới nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump vào năm 2025 được nhiều nhà phân tích dự báo sẽ được điều chỉnh theo hướng hòa dịu hơn. Tuy nhiên, sự đối lập về lợi ích giữa hai quốc gia vẫn tồn tại đặc biệt trong các cuộc xung đột hiện thời tại châu Âu hay cuộc chạy đua ảnh hưởng ở Trung Đông, châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, quan hệ Nga – Mỹ trong bối cảnh mới còn tạo ra những tác động sâu rộng đối với trật tự thế giới mà mỗi bên có định hướng khác nhau. Khi Trump trở lại Nhà Trắng, ông tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại mang đậm dấu ấn thực dụng, đặt lợi ích Mỹ lên hàng đầu, đồng thời củng cố trật tự luật lệ do Mỹ chi phối. Ngược lại, Nga muốn thúc đẩy một thế giới đa cực, công bằng và duy trì vị thế ảnh hưởng của Nga tập trung chủ yếu tại các khu vực ảnh hưởng truyền thống.
Trước mắt, vấn đề lớn đặt ra cho mối quan hệ Nga – Mỹ dưới nhiệm kỳ mới của Trump chính là thách thức đi tìm hòa bình cho cuộc chiến tại Ukraine. Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn nhanh chóng với Nga[19]. Tuy nhiên, cách tiếp cận của ông dựa trên nguyên tắc thực dụng, sẵn sàng chấp nhận nhượng bộ để đổi lấy hòa bình. Tất nhiên, nhượng bộ của Trump dựa trên lập trường tối đa lợi ích cho Mỹ khi chia sẻ miếng bánh Ukraine với Nga. Theo đó, xung đột Ukraine có thể rơi vào trạng thái “đóng băng” theo một thỏa thuận ngừng bắn thực dụng thay vì một nền hòa bình toàn diện.

Trong thỏa thuận ngừng bắn xây dựng cùng Mỹ, Nga sẽ được quyền quản lý các vùng lãnh thổ đã chiếm đóng. Ở chiều ngược lại, mặc dù tránh được chiến tranh toàn diện kéo dài, Ukraine sẽ phải ở trong thế bị ép buộc chấp nhận hiện trạng một “hòa bình lạnh” đầy bất trắc. Ngoài ra, Ukraine sẽ phải thay đổi chiến lược quân sự hiện tại để thích ứng với tình hình mới. Thay vì tiến hành tập trung nguồn lực vào các chiến dịch nhằm chiếm lại lãnh thổ trong tay Nga. Ukraine dựa vào nguồn viện trợ đang bị thắt chặt cần chuyển sang một chiến lược phòng thủ giữ vị trí đang có và chính quyền Kiev sẽ tìm cách duy trì sự ủng hộ cần thiết nếu không muốn bị thay thế.
Việc Mỹ gác lại xung đột Ukraine để ưu tiên các vấn đề chiến lược khác dẫn đến gánh nặng viện trợ cho Ukraine được đặt lên vai các đồng minh phương Tây. Lập trường của các nước châu Âu sẽ bị chia rẽ sâu sắc khi Mỹ không còn là “bảo trợ tuyệt đối” thậm chí sẵn sàng rút khỏi trong việc đảm bảo an ninh cho châu Âu. Điều này là tác động rất lớn Ba Lan, các nước vùng Baltic và phần nào cả Đức tỏ rõ những lo ngại về tính ổn định đối với cam kết an ninh của Washington. Tuy nhiên, lập trường trên của Mỹ không đồng nghĩa với chấm dứt mâu thuẫn địa chính trị dai dẳng giữa phương Tây và Nga mà còn đẩy nguy cơ dẫn đến sự hình thành cục diện “Chiến tranh Lạnh” cục bộ ở châu Âu nơi Mỹ sẽ đứng ngoài quan sát.
Bên cạnh những diễn biến mới tại Ukraine, Trung Đông tiếp tục trở thành điểm nóng xung đột tiếp theo phản ánh sự biến thiên quan hệ giữa Nga và Mỹ. Trong trường hợp chiến sự tại Ukraine có dấu hiệu hạ nhiệt nhờ một thỏa thuận ngừng bắn với chính sách “deal-making”, Washington hoàn toàn có thể chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực Trung Đông.
Trong bối cảnh đó, Mỹ có thể tìm cách thúc đẩy Nga bắt tay thực hiện một thỏa thuận ngừng bắn tương tự, nhằm tái khẳng định ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực vốn đang chứng kiến sự can dự ngày càng rõ rệt của Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Trump nhiều khả năng sẽ ủng hộ một giải pháp mà trong đó Mỹ đóng vai trò chủ chốt trong việc kiểm soát tình hình tại Gaza, đảm bảo an ninh cho Israel và hạn chế ảnh hưởng của các nhóm vũ trang thân Iran. Điều này đồng nghĩa với việc Washington sẽ gia tăng trở lại hiện diện tại khu vực, duy trì quyền kiểm soát Eo biển Hormuz và Biển Đỏ – nơi đang bị đe dọa bởi lực lượng Houthi tại Yemen. Đồng thời tìm cách cân bằng quan hệ với các đồng minh Ả Rập như Saudi Arabia.
Ngoài những ảnh hưởng trực tiếp đến các điểm nóng xung đột như Ukraine hay Trung Đông, mối quan hệ giữa Nga và Mỹ thời Trump 2.0 còn có tác động sâu rộng đến trật tự thế giới và khu vực. Về cơ bản sẽ có những thay đổi quan trọng trong cán cân quyền lực toàn cầu:
Thứ nhất, Việc Nga – Mỹ xích lại gần nhau đồng nghĩa với thế chân vạc Nga – Mỹ – Trung được tái thiết lập, định hình trật tự thế giới. Trong vài năm trở lại đây, ít nhất là kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, chính sách đối đầu của Washington đã thúc đẩy Nga – Trung Quốc xích lại gần nhau, hình thành những phản ứng của hai nước trước sức ép của Mỹ và đồng minh. Mỹ coi Nga là mối đe dọa chính, còn Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh hàng đầu. Nhà Trắng xây dựng chính sách đối ngoại dựa trên những quan điểm này. Thế nhưng, chính quyền Trump 2.0 đang gửi đi tín hiệu tìm cách giảm căng thẳng với Moscow nhằm hướng tới chiến lược dài hạn. Từ đây, một trật tự thế giới mới có thể manh nha hình thành với đặc trưng bởi tính linh hoạt và cạnh tranh đa chiều, trong đó không còn ranh giới rạch ròi giữa các khối ý thức hệ như thời Chiến tranh Lạnh, mà thay vào đó là sự liên kết – tách rời luân phiên giữa các cường quốc tùy theo từng vấn đề cụ thể.
Ở góc độ rộng hơn, các quốc gia vừa và nhỏ sẽ phải nhanh chóng thích nghi với thế giới đa cực mới, nơi “các trung tâm quyền lực” không còn cố định và lợi ích quốc gia sẽ cần được định vị lại trong một cấu trúc mới nơi các cam kết của nước lớn không hoàn toàn ổn định. Trật tự thế giới theo hướng cân bằng động, với ba cực quyền lực lớn cùng tham gia điều tiết sẽ tạo ra nhiều cơ hội hợp tác nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn không ít bất ổn khó đoán định.
Thứ hai, chính quyền Trump 2.0 theo đuổi cách tiếp cận mềm mỏng với Nga đặt ra những thách thức lớn đối với cấu trúc an ninh châu Âu. Trong suốt nhiều thập kỷ, Mỹ đóng vai trò trụ cột chính của hệ thống quyền lực xuyên Đại Tây Dương mà điển hình là trong khuôn khổ NATO. Tuy nhiên, sự thay đổi chính sách của Washington đối với Nga có thể khiến châu Âu rơi vào tình thế buộc phải tự định đoạt số phận an ninh của mình. Trong những năm gần đây, môi trường an ninh tại châu Âu đã xấu đi một cách rõ rệt. Trước những sức ép từ Nhà Trắng, đặc biệt với những điều chỉnh chiến lược của Tổng thống Trump, châu Âu đang đứng trước bước ngoặt buộc phải tự điều chỉnh để thích nghi với thực tế mới.
Một là, châu Âu sẽ đứng trước lựa chọn hoặc điều chỉnh theo chính sách của Trump bằng cách tìm kiếm thỏa hiệp với Nga để duy trì ổn định, hoặc tăng cường quyền tự chủ chiến lược nhằm tiếp tục đối đầu với Moscow. Hai là, NATO buộc phải tái định hình vai trò của mình. Nếu các nước thành viên không đạt được sự đồng thuận về kế hoạch hành động chung với Nga, liên minh này có nguy cơ suy yếu, thậm chí dần mất đi vị thế trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực[20]. Ba là, châu Âu sẽ phải thích ứng chấp nhận thực tế rằng Nga sẽ gia tăng ảnh hưởng tại Đông Âu, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ giảm cam kết an ninh đối với khu vực.
Sự vận động trong chính sách của Mỹ đối với Nga và NATO dưới thời Trump 2.0 làm xoay chuyển căn bản cấu trúc an ninh châu Âu hiện tại. Dù châu Âu có lựa chọn điều chỉnh theo Washington hay củng cố năng lực tự chủ quốc phòng thì bức tranh địa chính trị khu vực ít nhất trong bốn năm tới vẫn khó tránh khỏi những biến động lớn.
Thứ ba, đối với châu Á – Thái Bình Dương, mối quan hệ giữa Washington và Moscow thời Trump 2.0 hứa hẹn mang theo nhiều tác động lan tỏa không chỉ giới hạn trong quan hệ song phương mà còn định hình lại các cấu trúc an ninh, cạnh tranh chiến lược, và cơ chế hợp tác khu vực.
Quan hệ Nga – Mỹ có dấu hiệu “ấm lên” sẽ tạo ra những phản ứng đáng chú ý từ các quốc gia đang duy trì quan hệ cân bằng với cả hai bên như Ấn Độ. Lâu nay, Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi luôn theo đuổi chính sách “đa phương không liên kết” với mục tiêu bảo đảm lợi ích quốc gia trong thế giới đầy biến động[21]. Việc vừa duy trì quan hệ đối tác truyền thống với Nga, vừa đẩy mạnh hợp tác chiến lược với Mỹ đã giúp Ấn Độ giữ được vai trò trung tâm trong nhiều sáng kiến an ninh khu vực như Bộ Tứ (Quad), đồng thời không đánh mất vai trò trong các cơ chế hợp tác Á – Âu như BRICS hay Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Tuy nhiên, bất kỳ dấu hiệu “tái cấu trúc” trật tự quốc tế nào xuất phát từ thỏa hiệp giữa các cường quốc lớn đều sẽ tác động đến cán cân quan hệ ba bên, buộc xuất hiện những điều chỉnh nhất định. New Delhi có thể đứng trước nguy cơ mất dần vị thế “cầu nối”, đồng thời phải tái cân nhắc cách tiếp cận trong các vấn đề nhạy cảm như hợp tác quốc phòng hay tham gia các cơ chế do Mỹ hoặc Nga dẫn dắt.
Tác động của diễn biến quan hệ Nga – Mỹ đối với Đông Nam Á cũng không nhỏ. Một mặt, việc có thêm một cường quốc như Nga tham gia sâu hơn vào cấu trúc an ninh khu vực có thể giúp làm “trung hòa” thế đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, tạo thêm dư địa chiến lược cho các nước nhỏ. Mặt khác, nếu cả ba cường quốc Nga – Trung – Mỹ cùng lúc gia tăng hiện diện và tìm cách mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thì khu vực này rất có thể sẽ trở thành một “mặt trận chiến lược” mới, nơi cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt và phức tạp hơn. Trong bối cảnh đó, các quốc gia vừa và nhỏ buộc phải điều chỉnh chính sách đối ngoại linh hoạt hơn để tránh rơi vào thế bị cuốn theo các cực quyền lực. Điều này đặc biệt nhạy cảm với các quốc gia đang theo đuổi chính sách cân bằng ngoại giao như Việt Nam, Indonesia hay Malaysia, bởi không gian trung lập sẽ ngày càng bị thu hẹp khi các nước lớn gia tăng can thiệp. Trong kịch bản đó, ASEAN cần củng cố vai trò trung tâm của mình và đẩy mạnh hơn nữa đoàn kết nội khối để tránh bị phân phe, chia rẽ trước các áp lực ảnh hưởng từ cạnh tranh nước lớn.
Thứ tư, Mỹ có cơ sở để chủ động nối lại quan hệ hợp tác với Nga trong một số lĩnh vực hai bên cùng có lợi. Trong nhiều năm, quan hệ Nga – Mỹ rơi vào tình trạng đóng băng trên tất cả phương diện. Nhiều quan điểm khẳng định không gì có thể phá vỡ cục diện này, Moscow và Washington đã bị kẹt trong một quỹ đạo xung đột không thể thay đổi. Tuy nhiên, dưới thời mà chủ nghĩa thực dụng được đẩy lên cao, nước Mỹ nhận thấy việc thúc đẩy một mối quan hệ kinh tế với Nga có khả năng là một chiến lược hữu hiệu nhằm làm suy yếu trục đối trọng Bắc Kinh – Moscow. Mỹ đặt mục tiêu tái cấu trúc mạng lưới ảnh hưởng toàn cầu, trong đó, việc nối lại một phần quan hệ kinh tế với Nga trong các lĩnh vực ít nhạy cảm như năng lượng, khoáng sản hiếm, hàng không – vũ trụ hay vận tải được xem là bước đi nhằm giảm thiểu xu hướng Nga phụ thuộc phần lớn vào nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, nỗ lực này không dễ để hiện thực hóa. Sau hơn một thập kỷ xích lại gần nhau, Nga và Trung Quốc đã hợp nhất nhiều điểm đồng phát triển quan hệ kinh tế – chính trị chặt chẽ, đặc biệt chung chí hướng trong nỗ lực xây dựng trật tự thế giới hài hòa, đa cực.
Một mặt, Nga cũng nhận thức được việc trở thành đối tác chiến lược của Trung Quốc giúp họ tạo ra sức mạnh đủ đối trọng với phương Tây. Mặt khác, Bắc Kinh vốn đang trong chu kỳ cạnh tranh chiến lược toàn diện với Washington sẽ ít nhiều cảm thấy quan ngại dù không trực tiếp lên tiếng nếu Moscow thể hiện thiện chí hòa hoãn với Washington. Do đó, Moscow sẽ cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích và đồng minh để tránh bị chi phối trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung. Trong trường hợp Mỹ – Nga thực sự tìm được điểm đồng về hợp tác, đây sẽ là một thay đổi lớn có thể làm dịch chuyển chuỗi cung ứng và định hình lại cục diện chiến lược tại cả châu Âu lẫn châu Á.
Sau cùng, Ngoài những tác động rõ nét đến các điểm nóng xung đột và trật tự thế giới, việc định vị quan hệ Nga – Mỹ thời Trump 2.0 còn mang ý nghĩa chiến lược trong việc kiểm soát và quản trị rủi ro vũ khí hạt nhân toàn cầu. Là hai cường quốc sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, mọi chuyển động trong quan hệ song phương đều ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ chế kiểm soát vũ khí như Hiệp ước New START vốn đang tiến tới thời hạn hết hiệu lực. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược gia tăng, việc duy trì đối thoại về kiểm soát vũ khí giữa Washington và Moscow không chỉ nhằm ngăn ngừa một cuộc chạy đua vũ trang mới, mà còn củng cố lòng tin chiến lược và giữ cho các thiết chế an ninh toàn cầu không rơi vào thế bị động.
Tổng quan mối quan hệ Nga – Mỹ thời Trump 2.0 phản ánh sự hài hòa giữa đối thoại chiến lược, thỏa hiệp kinh tế nhưng vẫn giữ tính chất cạnh tranh quyền lực vốn có. Đối với các điểm nóng xung đột toàn cầu, chính quyền Trump đã cho thấy những nỗ lực nhằm giảm căng thẳng và đưa ra dấu hiệu mang màu sắc thực dụng sẵn sàng thỏa thuận nếu có lợi ích cho Mỹ. Cách tiếp cận này tuy gây ra tranh cãi xoay quanh mức độ ổn định từ những cam kết của Washington, nhưng lại mở ra cơ hội để Mỹ sử dụng quan hệ với Nga như một công cụ cân bằng trước Trung Quốc. Bên cạnh đó, sự thờ ơ của Mỹ đối với NATO khiến cho hệ thống trục đồng minh xuyên Đại Tây Dương đứng trước nguy cơ lâm vào khủng hoảng và mở ra giai đoạn tái cấu trúc trật tự thế giới theo xu hướng đa cực, nhiều trung tâm.
Những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
Đối với Việt Nam, những biến động trong quan hệ giữa hai cường quốc Nga, Mỹ từ trong lịch sử cho đến nay đều mang tới nhiều tác động sâu sắc đối với sự nghiệp phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Bởi lẽ, cả Nga và Mỹ đều là những đối tác có sức ảnh hưởng lớn đến gần như tất cả cả các lĩnh vực như chính trị – ngoại giao, kinh tế thương mại, an ninh – quốc phòng trên cơ sở lấy lợi ích quốc gia làm trọng tâm được xác định trong nội hàm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện mà Hà Nội thiết lập cùng Moscow và Washington.
Trước những diễn biến mới trong quan hệ song phương Nga – Mỹ khi ông Trump trở lại đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy cả hai quốc gia sẵn sàng đối thoại và tìm kiếm tiếng nói chung. Mặc dù vậy, Tổng thống Trump cũng luôn cho thấy ông không phải người dễ đoán, nhất là trong những lựa chọn chính sách tiếp theo. Quan hệ Nga – Mỹ thời Trump 2.0 sẽ đặt ra hàng loạt vấn đề phức tạp đối với Việt Nam trong bối cảnh cục diện thế giới ngày càng khó lường. Sự thay đổi trong cách tiếp cận của Trump đối với Nga tạo ra sự xáo trộn các cấu trúc quyền lực hiện có, kéo theo những hệ lụy đáng kể về chính trị, kinh tế và an ninh mà Việt Nam khó tránh khỏi phải đối mặt.
Thách thức lớn nhất mà Việt Nam đối mặt hiện nay là làm sao tìm ra lời giải cho bài toán cân bằng trong chính sách ngoại giao. Đường lối đối ngoại của Việt Nam, như được xác định trong Văn kiện Đại hội 13 của Đảng, rõ ràng nhấn mạnh việc “kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng”[22]. Với nguyên tắc này, Việt Nam đã và đang khéo léo duy trì mối quan hệ cân bằng với các cường quốc, tạo ra một không gian chiến lược rộng lớn để thúc đẩy hợp tác với nhiều đối tác quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình quốc tế ngày càng phức tạp và những thay đổi cục diện liên tục xảy ra, Việt Nam cũng cần phải chuẩn bị để phản ứng nhanh chóng và linh hoạt. Điều này không chỉ đòi hỏi một chiến lược ngoại giao linh hoạt mà còn cần đến khả năng phân tích và đánh giá đúng các xu hướng toàn cầu, từ đó đưa ra các quyết sách phù hợp, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và duy trì sự ổn định trong quan hệ quốc tế. Việc quản lý và cân bằng mối quan hệ giữa các thế lực lớn, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc và Nga, sẽ là yếu tố quyết định trong việc duy trì ổn định và phát triển của Việt Nam trong tương lai.
Vấn đề quan hệ kinh tế quốc tế của Việt Nam cũng trở nên phức tạp hơn trước những biến chuyển trong quan hệ Nga – Mỹ. Chính quyền Trump 2.0 đã xác định mục tiêu theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết” đặc thù bởi “vũ khí” thuế quan, áp dụng các chính sách bảo hộ thương mại và định hướng rút lui khỏi các hiệp định đa phương. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ – đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Đồng thời, nếu cuộc đối đầu Nga – Mỹ có xu hướng giảm dần mức độ nhưng cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc tiếp tục leo thang, Việt Nam sẽ tiếp tục chịu áp lực trong việc giữ cân bằng lợi ích giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vừa muốn tận dụng sự dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, vừa tránh bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh thương mại.
Bên cạnh những thách thức, Việt Nam cũng có thể tranh thủ bối cảnh mới này để tích cực tìm kiếm những cơ hội phát triển đáng kể. Thời gian tới, quan hệ Nga – Mỹ có thể bước vào chu kỳ hòa hoãn đặt đối thoại làm ưu tiên sẽ góp phần dịu đi bầu không khí căng thẳng của một số điểm nóng xung đột.
Khi đó, Việt Nam sẽ có điều kiện mở rộng thêm không gian để thúc đẩy hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư với cả hai cường quốc. Với Nga là đối tác truyền thống trong nhiều lĩnh vực phát triển chủ đạo của quốc gia kể từ khi tiến hành Đổi Mới đến nay. Sự nới lỏng lệnh trừng phạt từ Mỹ đối với Nga giúp Việt Nam có cơ hội được tiếp cận chuyển giao công nghệ mà Nga có thế mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật cao như dầu khí, chế tạo quốc phòng và năng lượng hạt nhân. Mặt khác, Mỹ vẫn giữ vị trí là thị trường xuất khẩu lớn và đồng thời đóng góp nguồn đầu tư FDI quan trọng cho sự phát triển kinh tế hàng hóa. Trong trường hợp doanh nghiệp Mỹ và Nga cùng thúc đẩy tái cấu trúc chuỗi cung ứng tìm kiếm các thị trường mới ngoài Trung Quốc, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng làn sóng dịch chuyển này để nổi lên trở thành trung tâm sản xuất mới.
Cuối cùng, về mặt chiến lược dài hạn, Việt Nam cũng cần tính toán đến sự thay đổi trong trật tự thế giới mà quan hệ Nga – Mỹ thời Trump 2.0 có thể tạo ra. Nếu trường hợp Nga và Mỹ xích lại gần nhau, sự đối đầu gay gắt giữa các khối quyền lực có thể giảm nhiệt, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Việt Nam cũng hoàn toàn thể hiện được vai trò như một cầu nối chiến lược, thúc đẩy hợp tác ba bên Việt Nam – Nga – Mỹ trong một số lĩnh vực đòi hỏi sự chung tay như biến đổi khí hậu, an ninh khu vực và phát triển bền vững. Tuy nhiên, một trật tự thế giới đang dần hình thành với những mối quan hệ xoay quanh cạnh tranh, hợp tác giữa bộ ba chủ thể Mỹ – Nga – Trung Quốc. Dù cho các nước lớn đối đầu hay hòa hoãn, các nước nhỏ vẫn sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định. Trước tình hình đó, Việt Nam cần tích cực tham gia hơn nữa vào các cơ chế khu vực như ASEAN và đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia tầm trung khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc nhằm đảm bảo thế cân bằng trong khu vực./.
Tác giả: Phạm Quang Hiền
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Tribune. (2023). America’s Dual Containment Policy. https://tribune.com.pk/story/2409708/americas-dual-containment-policy
[2] Ngô Hoàng. (2025). Tác động từ việc Mỹ thừa nhận xung đột Ukraine là cuộc chiến ủy nhiệm. Dân trí https://dantri.com.vn/the-gioi/tac-dong-tu-viec-my-thua-nhan-xung-dot-ukraine-la-cuoc-chien-uy-nhiem-20250307095141815.htm
[3] VOV. (2025). Triển vọng quan hệ Nga-Mỹ dưới thời ông Joe Biden. https://vov.gov.vn/trien-vong-quan-he-nga-my-duoi-thoi-ong-joe-biden-dtnew-217251
[4] VietnamPlus. (2025). Lãnh đạo Nga-Mỹ hy vọng hội nghị thượng đỉnh mang lại kết quả. https://www.vietnamplus.vn/lanh-dao-nga-my-hy-vong-hoi-nghi-thuong-dinh-mang-lai-ket-qua-post720504.vnp
[5] Arms Control Association. (2021). US, Russia Extend New START for Five Years. https://www.armscontrol.org/act/2021-03/news/us-russia-extend-new-start-five-years
[6] Anh Ngọc. (2017). Trump nêu lại nghi ngờ về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ. VnExpress https://vnexpress.net/trump-neu-lai-nghi-ngo-ve-cao-buoc-nga-can-thiep-bau-cu-my-3514198.html
[7] CNN. (2024). Read: Biden-Trump Debate Rush Transcript. https://edition.cnn.com/2024/06/27/politics/read-biden-trump-debate-rush-transcript/index.html
[8] NBC News. (2024). Trump considering major NATO policy shift. https://www.nbcnews.com/politics/national-security/trump-considering-major-nato-policy-shift-rcna195089
[9] Rachel Wilson và Soph Warnes. (2025). Ukraine Military Aid: Trump Visualized. CNN https://edition.cnn.com/2025/03/08/world/ukraine-military-aid-trump-visualized-dg/index.html
[10] ELLEN KNICKMEYER và LORNE COOK. (2025). Ukraine NATO Membership Summit. AP News https://apnews.com/article/ukraine-nato-membership-summit-4156df4062e69e0da38e7c18bf657285
[11] TBS News. (2025). Head of Russia’s Sovereign Wealth Fund Casts Trump Win as Reset Opportunity. https://www.tbsnews.net/world/head-russias-sovereign-wealth-fund-casts-trump-win-reset-opportunity-986091
[12] Trung Phạm. (2025). Chỉ một cuộc diện đàm ông Trump đã tặng cho ông Putin món quà quý giá. Dân trí https://dantri.com.vn/the-gioi/chi-mot-cuoc-dien-dam-ong-trump-da-tang-cho-ong-putin-mon-qua-quy-gia-20250213122415258.htm
[13] Thùy Trang. (2025). Đàm phán tại Arab Saudi: Động thái tan băng trong quan hệ Nga – Mỹ. CAND https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/dam-phan-tai-arab-saudi-dong-thai-tan-bang-trong-quan-he-nga-my–i763178/
[14] El País. (2025). Trump Cambia de Bando. https://elpais.com/opinion/2025-03-02/trump-cambia-de-bando.html?ut
[15] Quỳnh Chi. (2025). Nga hoãn nghênh lập trường của Mỹ về Ukraine. VTV https://vtv.vn/the-gioi/nga-hoan-nghenh-lap-truong-cua-my-ve-ukraine-20250226211811106.htm?
[16] VietnamPlus. (2025). Mỹ gây bất ngờ khi bỏ phiếu chống lại nghị quyết LHQ yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine. https://www.vietnamplus.vn/my-gay-bat-ngo-khi-bo-phieu-chong-lai-nghi-quyet-lhq-yeu-cau-nga-rut-quan-khoi-ukraine-post1014136.vnp
[17] Daphne Psaledakis and Pesha Magid. (2025). US-Ukraine meet Saudi Arabia after disastrous White House talks. Reuters https://www.reuters.com/world/us-ukraine-meet-saudi-arabia-after-disastrous-white-house-talks-2025-03-11/
[18] Politico. (2025). Keir Starmer, Donald Trump Call on Ukraine War Intelligence Sharing, Military Aid. https://www.politico.eu/article/keir-starmer-donald-trump-call-ukraine-war-intelligence-sharing-military-aid/
[19] New York Times. (2025). Trump Promise Ending Ukraine War. https://www.nytimes.com/2025/01/19/us/politics/trump-promise-ending-ukraine-war.html
[20] Nguyễn Như Việt Anh. (2025). Con đường từ chủ quốc phòng đầy gian nan của EU và hàm ý đối với Việt Nam. Nghiên cứu chiến lược https://nghiencuuchienluoc.org/con-duong-tu-chu-quoc-phong-day-gian-nan-cua-eu-va-ham-y-doi-voi-viet-nam/
[21] Nguyễn Xuân Trung và Lê Thị Hằng Nga. (2022). Quốc phòng an ninh đối ngoại. Tạp chí Cộng Sản https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/824944/view_content
[22] Báo Điện tử Chính Phủ. (2025). Đường lối đối ngoại Đại hội XIII với khát vọng phát triển của đất nước. https://baochinhphu.vn/duong-loi-doi-ngoai-dai-hoi-xiii-voi-khat-vong-phat-trien-cua-dat-nuoc-102290246.htm