Kể từ khi Trump trở lại Nhà Trắng, trước bối cảnh xung đột Nga – Ukraine kéo dài cùng với sự thu hẹp chiến lược của Mỹ, Châu Âu liên tục nhấn mạnh yêu cầu “tự chủ chiến lược” và gấp rút tìm kiếm “tự chủ về quốc phòng”. Trong vòng chưa đầy ba tuần, EU đã tổ chức ba cuộc họp Hội đồng, thông qua kế hoạch “Tái vũ trang Châu Âu” và công bố “Sách Trắng Quốc phòng” của EU. Điều này phản ánh rõ ràng sự lo lắng về an ninh và sự thức tỉnh chiến lược của Châu Âu. Nhưng liệu EU có thể biến những kế hoạch này thành hành động thực tế để đạt được mục tiêu “một Châu Âu an toàn và kiên cường” hay không thì không hề dễ dàng. Con đường “tái vũ trang” này chắc chắn sẽ phức tạp và gập ghềnh hơn nhiều so với dự đoán.
Ngày 19/3/2025, Liên minh Châu Âu chính thức công bố “Sách Trắng Quốc phòng Châu Âu – Chuẩn bị cho năm 2030” (sau đây gọi là “Sách Trắng Quốc phòng”). Đây là Sách Trắng Quốc phòng đầu tiên của EU được ban hành trong bối cảnh nhiều cuộc khủng hoảng chồng chéo như xung đột Nga – Ukraine tiếp tục kéo dài, tình hình Trung Đông bất ổn vẫn chưa được giải quyết, Mỹ đẩy nhanh quá trình thu hẹp chiến lược và gây áp lực buộc Châu Âu phải gánh vác nhiều trách nhiệm quốc phòng hơn. “Sách Trắng Quốc phòng” dài 22 trang (bản tiếng Anh), bao gồm lời nói đầu và 8 chương. Mục đích của việc công bố Sách Trắng Quốc phòng là nhằm xây dựng “một Châu Âu an toàn và kiên cường” trong bối cảnh “Châu lục này đang đối mặt với những mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng”. Mục tiêu ngắn hạn là đối phó “khẩn cấp” với cuộc khủng hoảng Ukraine, trong khi mục tiêu dài hạn là nâng cao tính tự chủ chiến lược của Châu Âu, giảm sự phụ thuộc quá mức vào Mỹ, thúc đẩy tiến trình xây dựng nhất thể hóa quốc phòng EU.
Nội dung chính của “Sách Trắng Quốc phòng Châu Âu”
“Sách Trắng Quốc phòng” đã đánh giá môi trường chiến lược mà Châu Âu đang phải đối mặt và cho rằng “Các mối đe dọa đối với an ninh của châu lục này đang gia tăng mạnh mẽ”. Do đó, “Châu Âu phải thực hiện các biện pháp đối phó mang tính chiến lược”, và đưa ra một lộ trình chuẩn bị cho năm 2030 với các trọng tâm chính. Đó là thu hẹp khoảng cách năng lực quốc phòng, củng cố ngành công nghiệp quốc phòng, tăng chi tiêu quốc phòng và đẩy mạnh hợp tác với các đối tác.
Đánh giá tình hình an ninh Châu Âu
“Sách Trắng Quốc phòng” cho rằng “Trật tự quốc tế đang trải qua những biến đổi to lớn chưa từng thấy kể từ năm 1945, và những biến đổi này đặc biệt sâu sắc ở Châu Âu”. “Mối đe dọa đối với an ninh Châu Âu đang ngày càng gia tăng” và môi trường chiến lược đang xấu đi nhanh chóng. “Nga là mối đe dọa căn bản đối với an ninh Châu Âu”. Xung đột Nga – Ukraine “buộc Châu Âu phải đối mặt với thực tế về một cuộc chiến tranh cường độ cao chưa từng thấy trên lục địa này kể từ năm 1945”. “Mỹ là đồng minh truyền thống mạnh mẽ của Châu Âu”, nhưng hiện tại họ cho rằng cam kết của mình đối với Châu Âu là quá nhiều, cần phải tái cân bằng lại. Điều này sẽ làm suy giảm vai trò lịch sử của nước này với tư cách là người bảo đảm an ninh chính của Châu Âu. Mỹ cũng đang chuyển trọng tâm chiến lược từ Châu Âu sang khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. “Sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng mang lại những ảnh hưởng an ninh có ý nghĩa chiến lược”. Thách thức từ Trung Quốc mang tính hệ thống vì nó dựa trên một hệ thống tập quyền phi dân chủ, hoàn toàn khác biệt với EU. Cạnh tranh địa chính trị đang làm trầm trọng thêm sự bất ổn ở một số khu vực trên thế giới, trong đó chiến sự tại Trung Đông và Bắc Phi vẫn tiếp diễn không ngừng. Cạnh tranh địa chính trị cũng dẫn đến một cuộc chạy đua công nghệ toàn cầu. Các mối đe dọa từ chiến tranh mạng, chiến tranh hỗn hợp, nhập cư trái phép và biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và ổn định của Châu Âu và thế giới. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã phải thốt lên rằng: “Thế giới đầy rẫy nguy hiểm. Thời kỳ hưởng lợi từ hòa bình đã kết thúc. Cấu trúc an ninh mà chúng ta từng phụ thuộc không còn được đảm bảo, kỷ nguyên tranh giành phạm vi ảnh hưởng cùng quan hệ quyền lực đã quay trở lại”. Đã đến lúc châu Âu cần tái vũ trang và sẵn sàng chuẩn bị cho năm 2030.
Thu hẹp khoảng cách năng lực
“Sách Trắng Quốc phòng” chỉ ra rằng, từ những bài học kinh nghiệm trên chiến trường Ukraine. Hiện nay “các quốc gia thành viên EU đang tồn tại những khoảng cách năng lực nghiêm trọng, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các chiến dịch quân sự phức tạp và dài hạn.”
Để nâng cao năng lực quốc phòng của Châu Âu, “Sách Trắng Quốc phòng” đã xác định bảy lĩnh vực ưu tiên dựa trên các khoảng cách năng lực mà các quốc gia thành viên đã xác nhận:
(1) Phòng không và phòng thủ tên lửa: Cần xây dựng một hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa tích hợp, đa tầng để bảo vệ trước các mối đe dọa từ trên không.
(2) Hệ thống pháo binh: Bao gồm pháo binh hiện đại và các hệ thống tên lửa tầm xa.
(3) Đạn dược và tên lửa: Xây dựng kho dự trữ chiến lược về đạn dược, tên lửa và các bộ phận của chúng, đảm bảo năng lực sản xuất đủ lớn để đáp ứng nhu cầu trong tình huống khẩn cấp.
(4) Hệ thống máy bay không người lái (UAV) và chống UAV: Bao gồm các thiết bị không người lái hoạt động trên không, trên mặt đất, trên mặt nước và dưới nước.
(5) Khả năng cơ động quân sự: Xây dựng một mạng lưới vận tải Châu Âu hoạt động hiệu quả, bao gồm đường bộ, sân bay và cảng biển, nhằm tăng cường khả năng vận chuyển nhanh chóng quân đội và trang thiết bị quân sự.
(6) Trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ lượng tử, chiến tranh mạng và tác chiến điện tử: Ứng dụng các công nghệ tiên tiến như AI quân sự, tính toán lượng tử, chiến tranh mạng và điện tử vào lĩnh vực quốc phòng.
(7) Bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng: Bao gồm nhưng không giới hạn ở vận tải chiến lược và tiếp dầu trên không, thu thập tình báo và giám sát, không gian, cơ sở hạ tầng truyền thông và các cơ sở nhiên liệu quân sự.
Tăng cường ngành công nghiệp quốc phòng
“Sách Trắng Quốc phòng” khẳng định ngành công nghiệp quốc phòng là điều kiện tiên quyết không thể thiếu để chuẩn bị cho chiến tranh và duy trì khả năng răn đe hiệu quả.
Mặc dù Châu Âu sở hữu nhiều doanh nghiệp quốc phòng có sức cạnh tranh toàn cầu, nhưng nền tảng của ngành công nghiệp quốc phòng EU vẫn tồn tại những điểm yếu mang tính cấu trúc, chưa đáp ứng được nhu cầu về quốc phòng và quân đội. Để khắc phục, EU sẽ
(1) Tăng cường và nâng cao năng lực tổng thể của ngành công nghiệp quốc phòng EU.
(2) Đảm bảo an ninh cung ứng trong các ngành quan trọng, giảm sự phụ thuộc từ bên ngoài.
(3) Xây dựng một thị trường trang thiết bị quân sự thực sự thống nhất trong EU.
(4) Đơn giản hóa các quy định hiện hành, giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà.
(5) Tăng cường nghiên cứu và phát triển (R&D), thúc đẩy đổi mới công nghệ.
(6) Duy trì, thu hút và mở rộng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quốc phòng, nâng cao kỹ năng và trình độ chuyên môn.
“Sách Trắng Quốc phòng” đặc biệt nhấn mạnh rằng việc xây dựng một thị trường quân sự thống nhất của EU là vô cùng quan trọng. Nó không chỉ giúp nâng cao tính cạnh tranh của các loại vũ khí và trang thiết bị Châu Âu, mà còn mở rộng quy mô ngành công nghiệp quốc phòng, cải thiện khả năng phối hợp tác chiến của các lực lượng vũ trang trong Châu Âu.
EU đặt ra mục tiêu đến năm 2030, 65% trang thiết bị quân sự của các quốc gia thành viên phải được mua từ các nhà cung cấp trong EU hoặc từ các quốc gia đối tác liên quan, thay vì từ Mỹ hoặc Anh.
Tăng cường đầu tư quốc phòng
“Sách trắng Quốc phòng” chỉ ra rằng, trong những năm gần đây, mặc dù chi tiêu quốc phòng của các quốc gia thành viên EU đã tăng lên, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ, Nga và chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình an ninh hiện nay.
Để giải quyết vấn đề này, Ủy ban châu Âu đã đề ra kế hoạch “Tái vũ trang châu Âu”, đặt mục tiêu huy động 800 tỷ Euro trong vòng bốn năm. Chương trình “Tái vũ trang châu Âu” sẽ phá vỡ các giới hạn hiện có thông qua năm sáng kiến.
(1) Kích hoạt cơ chế miễn trừ trong “Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng”. Lần đầu tiên cho phép các nước thành viên tăng chi tiêu quốc phòng thêm tối đa 1,5% GDP mà không bị coi là vi phạm quy tắc thâm hụt ngân sách. Biện pháp này dự kiến sẽ tạo ra 650 tỷ Euro không gian tài chính trong bốn năm tới, tạo điều kiện tăng đầu tư quốc phòng.
(2) Thiết lập công cụ vay vốn “An ninh và Hành động châu Âu” (SAFE) với quy mô khoảng 150 tỷ Euro, nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên mua sắm các loại vũ khí và trang thiết bị quân sự tiên tiến hơn được sản xuất trong Châu Âu.
(3) Cho phép các nước thành viên sử dụng quỹ từ các chương trình hiện có, chẳng hạn như “quỹ chính sách đoàn kết”, để tăng cường đầu tư vào nghiên cứu quốc phòng và ngành công nghiệp quân sự.
(4) Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) sẽ gỡ bỏ quy định “không tài trợ vũ khí sát thương”. Qua đó cung cấp các khoản tín dụng cho xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự, an ninh mạng, công nghệ lượng tử và các lĩnh vực quan trọng khác.
(5) Cải cách các quy tắc của thị trường tài chính để thúc đẩy đầu tư tư nhân vào lĩnh vực quốc phòng, đẩy nhanh tốc độ huy động vốn từ khu vực tư nhân.
Đẩy mạnh quan hệ đối tác sâu rộng
Sách trắng Quốc phòng nhấn mạnh rằng, “các thách thức an ninh mang tính toàn cầu và đòi hỏi sự hợp tác quốc tế”. Việc hợp tác với các tổ chức quốc tế và các quốc gia đối tác là chìa khóa giúp EU đối phó với những thách thức trong lĩnh vực quốc phòng và công nghiệp quốc phòng.
EU sẽ cho phép các đối tác có cùng chí hướng tham gia vào các dự án quốc phòng châu Âu. Điều này giúp giảm bớt sự phụ thuộc quá mức vào chuỗi cung ứng vũ khí, củng cố an ninh kinh tế của châu Âu, nâng cao năng lực quốc phòng của EU và tăng cường khả năng cạnh tranh của thiết bị quân sự châu Âu.
EU sẽ mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế và quốc gia sau:
(1) NATO vẫn là nền tảng phòng thủ tập thể của các nước thành viên châu Âu. Quan hệ hợp tác giữa EU và NATO là trụ cột không thể thiếu trong chiến lược an ninh và quốc phòng của EU.
(2) Anh là một đồng minh quan trọng của châu Âu, cần tăng cường hợp tác về an ninh và quốc phòng giữa hai bên.
(3) Na Uy hiện đã là đối tác trong các kế hoạch quốc phòng của EU, cần tiếp tục củng cố quan hệ hợp tác này.
(4) Canada là đối tác chiến lược, cần thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác để duy trì an ninh xuyên Đại Tây Dương.
(5) Các nước như Albania, Montenegro, Moldova, Bắc Macedonia, Thụy Sĩ, Iceland và Thổ Nhĩ Kỳ cần được tiếp cận và hợp tác trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng.
(6) Trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, EU sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ trong ngành công nghiệp quốc phòng.
Một số nhận định về “Sách trắng Quốc phòng châu Âu”
“Sách trắng Quốc phòng” đã phác thảo lộ trình chuẩn bị cho năm 2030. Đây là động thái quan trọng của EU nhằm giảm phụ thuộc an ninh vào Mỹ và tái định hình vị thế chiến lược toàn cầu. Tuy nhiên, đường đi còn nhiều chông gai, nói thì dễ nhưng làm mới khó, EU sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Sự khác biệt trong mối quan tâm an ninh và lợi ích quốc gia
Trong thời gian dài, sự khác biệt về kinh tế, xã hội, văn hóa và vị trí địa lý giữa các nước Đông Âu, Tây Âu và Nam Âu, đặc biệt là sự khác biệt trong nhận thức về “bản sắc châu Âu”, đã khiến các nước EU khó đạt được đồng thuận trong các vấn đề quan trọng.
Đối với kế hoạch “Tái vũ trang châu Âu”, Ba Lan và bốn nước Baltic không chỉ ủng hộ kế hoạch này mà còn tuyên bố sẽ tăng chi tiêu quốc phòng. Ba Lan thậm chí cam kết nâng tỷ lệ chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP vào năm 2025.
Trong khi đó, Hungary, Czech, Slovakia và một số quốc gia khác lại không mấy quan tâm đến kế hoạch này, thậm chí Hungary còn phản đối. Các nước Nam Âu như Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha cũng không quá mặn mà với sáng kiến này.
Các nước Đông Âu giáp hoặc gần Nga, từng là tiền tuyến trong cuộc đối đầu giữa Đông và Tây, nên cảm thấy không an toàn hơn. Các nước Nam Âu lại có ưu tiên khác hơn là chi tiêu quân sự đối phó với Nga. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez từng nhấn mạnh rằng “thách thức mà các quốc gia Nam Âu phải đối mặt không giống với các đồng minh Đông Âu, chúng tôi cần tăng cường kiểm soát biên giới, đấu tranh chống di cư bất hợp pháp, khủng bố và tấn công mạng”. Ngoài ra, trong vấn đề khoản vay 150 tỷ Euro cho các nước thành viên EU trong chương trình “tái vũ trang châu Âu” để đầu tư quốc phòng, mỗi nước cũng có lợi ích khác nhau. Đức muốn mở rộng chương trình này cho các nước đối tác ngoài EU. Pháp kiên quyết phản đối việc dùng quỹ này để mua vũ khí do nước ngoài sản xuất, nhằm bảo vệ ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu.
Tăng cường đầu tư quốc phòng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và xã hội
Kể từ năm 2021, chi tiêu quốc phòng của các quốc gia thành viên EU đã tăng 30%, đạt 326 tỷ Euro vào năm 2024 (tương đương 1,9% GDP của khối). Trong đó, các quốc gia thành viên EU thuộc NATO chiếm 1,99% GDP năm 2024, dự kiến đạt 2,04% vào 2025. Trong những năm gần đây, sau cú sốc năng lượng và lạm phát, nền kinh tế khu vực đồng Euro đã phục hồi tăng trưởng vào đầu năm 2024, nhưng quý IV năm 2024 lại rơi vào tình trạng đình trệ. Hai nền kinh tế lớn nhất của Châu Âu, Pháp và Đức rơi vào suy thoái với tăng trưởng âm: Pháp -0,1% và Đức -0,2%.
Mặc dù một số quốc gia như Pháp, Đức cam kết tăng cường chi tiêu quốc phòng, nhưng trong bối cảnh kinh tế suy thoái, việc tăng cường đầu tư quốc phòng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và xã hội. Vì khi chi tiêu quốc phòng tăng, sẽ phải cắt giảm ngân sách ở các lĩnh vực khác.
Nhiều nước có tỷ lệ nợ công cao như Pháp (113% GDP), Ý (130% GDP) và Tây Ban Nha (103% GDP), đã phản đối kế hoạch EU cung cấp 150 tỷ Euro dưới dạng khoản vay để đầu tư quốc phòng. Các quốc gia này muốn EU hỗ trợ bằng viện trợ không hoàn lại thay vì khoản vay, để không làm gia tăng gánh nặng nợ công quốc gia. Mặc dù chi phí vay vốn của EU thấp hơn so với hầu hết các nước thành viên, nhưng các khoản vay do EU cấp vẫn bị tính vào nợ công quốc gia, làm giảm hiệu quả gói hỗ trợ.
Xây dựng một thị trường vũ khí thống nhất là điều không dễ dàng
Ngành công nghiệp quốc phòng Châu Âu khá phát triển. Với 581.000 lao động, doanh thu đạt 158,8 tỷ Euro vào năm 2023. Đặc biệt là Pháp, Đức, Italy sở hữu các ngành công nghiệp quốc phòng khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, ngành công nghiệp quốc phòng của Châu Âu lại đang phân tán và chồng chéo, gây lãng phí về nhân lực, vật lực và tài chính.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, các hệ thống vũ khí của các quốc gia Châu Âu quá phân tán. Chẳng hạn Châu Âu có 62 loại hệ thống vũ khí mặt đất, trong khi Mỹ chỉ có 8 loại. Trong lĩnh vực hải quân, Châu Âu có 47 loại tàu, trong khi Mỹ chỉ có 6 loại. Về xe tăng chiến đấu chủ lực, Châu Âu có hơn 10 loại xe tăng với các đặc tính khác nhau. Sự phân tán này không chỉ lãng phí tài nguyên, mà còn khó có thể tạo ra một thị trường vũ khí thống nhất. Về mục tiêu trong “Sách Trắng Quốc phòng” yêu cầu 65% vũ khí quân sự của các quốc gia thành viên EU phải được mua từ nội khối EU vào năm 2030, điều này là không dễ dàng.
Mặc dù Châu Âu sở hữu các công ty quốc phòng hàng đầu như MBDA (tên lửa), Thales, Dassault (hàng không vũ trụ), nhưng thực tế lại phụ thuộc rất nhiều vào vũ khí Mỹ. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm, trong giai đoạn 2020 – 2024, 64% vũ khí nhập khẩu của các quốc gia thành viên NATO ở Châu Âu đến từ Mỹ.
Ví dụ về máy bay chiến đấu, chỉ có Hy Lạp, Croatia và Serbia mua máy bay chiến đấu Rafale của Pháp, trong khi Đức, Ý, Ba Lan và hơn mười quốc gia Châu Âu khác chọn mua F-35 của Mỹ. Theo thống kê, các quốc gia Châu Âu chiếm khoảng 57% tổng đơn đặt hàng xuất khẩu F-35 của Mỹ.
Sách trắng Quốc phòng có nhận thức sai lệch về Trung Quốc là điều đáng chú ý
Sau khi Trump trở lại Nhà Trắng, trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ – Trung Quốc – EU, để đạt được “tự chủ chiến lược”, nâng cao tiếng nói trong các vấn đề quốc tế và trở thành một cực quan trọng trong thế giới đa cực, EU cần hợp tác với Trung Quốc để cân bằng ảnh hưởng của Mỹ. Tuy nhiên, chính sách hiện tại của EU lại đi ngược hướng này, với lập trường chống Nga, đề phòng Mỹ và xa lánh Trung Quốc.
“Sách trắng Quốc phòng” thể hiện một khoảng trống nhận thức về Trung Quốc, khi tiếp tục cổ xúy “thuyết mối đe dọa từ Trung Quốc”. Trong chương “Môi trường chiến lược ngày càng xấu đi”, tài liệu này sử dụng nhiều luận điệu tiêu cực, như coi “ảnh hưởng an ninh từ sự trỗi dậy của Trung Quốc mang tính chiến lược, thách thức từ Trung Quốc là có hệ thống”.
Cáo buộc Trung Quốc thiếu minh bạch trong chi tiêu quốc phòng. Nói rằng Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng năng lực quân sự, bao gồm vũ khí hạt nhân, không gian và mạng, qua đó thay đổi cán cân chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chỉ trích chính sách của Trung Quốc đối với Đài Loan, Biển Đông và Biển Hoa Đông, cho rằng Trung Quốc đe dọa Đài Loan bằng chính trị, kinh tế và quân sự, đồng thời gây mất ổn định khu vực, ảnh hưởng đến lợi ích chiến lược và kinh tế của châu Âu.
Trên thực tế, Trung Quốc và Châu Âu cách nhau hàng chục nghìn km, vấn đề an ninh của châu Âu không có liên hệ trực tiếp với Trung Quốc. Nhận thức sai lệch này là điều đáng lo ngại. Châu Âu cần nhìn nhận Trung Quốc một cách khách quan và hợp lý, thay vì bị ảnh hưởng bởi Mỹ. Chỉ khi thiết lập một chính sách độc lập với Trung Quốc, quan hệ Trung Quốc – EU mới có thể phát triển bền vững và lâu dài.
Hơn hai tháng sau khi Trump quay lại Nhà Trắng, với sự kéo dài của xung đột Nga – Ukraine và sự rút lui chiến lược của Mỹ, châu Âu đã liên tục nhấn mạnh “tự chủ chiến lược”, đồng thời gấp rút tìm kiếm “tự chủ quốc phòng”. Trong chưa đầy ba tuần, Liên minh Châu Âu đã tổ chức ba cuộc họp hội đồng chuyên về quốc phòng, thông qua kế hoạch “Tái vũ trang châu Âu” và công bố “Sách trắng Quốc phòng EU”. Điều này phản ánh mối lo ngại về an ninh và sự thức tỉnh chiến lược của châu Âu.
Tuy nhiên, liệu EU có thể chuyển những kế hoạch trên giấy thành hành động thực tế, đạt được mục tiêu “Một châu Âu an toàn và kiên cường” là điều không dễ dàng. Châu Âu sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình thực hiện. Con đường “tái vũ trang” này chắc chắn sẽ phức tạp và gập ghềnh hơn nhiều so với dự đoán./.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả Trương Lâm Sơ là Nghiên cứu viên Quỹ Nghiên cứu Các vấn đề Quốc tế Trung Quốc.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: nghiencuuchienluoc.org@gmail.com