Cùng nghiencuuchienluoc.org nhìn lại những sự kiện nổi bật của thế giới trong tuần qua.
Thống đốc bang Indiana của Mỹ tới thăm Đài Loan
Ngày 21/8, Thống đốc bang Indiana Eric Holcomb đã đến Đài Loan (Trung Quốc), bất chấp các áp lực tới từ Trung Quốc đại lục. Đây là phái đoàn quan chức Mỹ thứ ba đến Đài Loan trong vòng chưa đầy một tháng qua. Các quan chức của Mỹ và Đài Loan đã có những trao đổi quan trọng về hợp tác sản xuất bán dẫn và công nghệ điện tử. Đồng thời, phía Đài Loan khẳng định sẽ tiếp tục coi Mỹ là đồng minh quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hiện Trung Quốc chưa lên tiếng về chuyến thăm của ông Holcomb. Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận gần Đài Loan kể từ khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có chuyến thăm hai ngày đến Đài Bắc vào đầu tháng này.
Xem thêm tại: Reuters, Tuổi trẻ Online.
Nga mở cuộc điều tra sau vụ con gái đồng minh Tổng thống Putin thiệt mạng
Các nhà chức trách Nga ngày 21/8 đã mở một cuộc điều tra về cái chết của Daria Dugina, con gái của nhà triết học Nga Alexander Dugin, người được mệnh danh là “bộ não của ông Putin”, bởi những tư tưởng của ông có ảnh hưởng đáng kể lên thế giới quan của ông Putin và các quan chức trong chính quyền Moscow.
Ủy ban điều tra Nga cho biết một quả bom được gắn dưới gầm xe Toyota Land Cruiser ở phía ghế tài xế đã phát nổ khiến cô Dugina thiệt mạng vào tối 20/8 ở gần làng Bolshie Vyazemy, ngoại ô thủ đô Moscow, đồng thời cho rằng vụ cài bom đã được lên kế hoạch trước. Ủy ban cho biết các nhân viên điều tra đang khám nghiệm hiện trường và chiếc xe đã được di dời khỏi khu vực này để phục vụ công tác điều tra. Hiện cơ quan điều tra đang tiến hành giám định nhiều vấn đề, như pháp y, gen di truyền, giám định chất nổ.
Ngày 21/8, Ukraine phủ nhận cáo buộc nước này liên quan đến vụ việc. Cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak khẳng định: “Tôi xác nhận rằng Ukraine không liên quan gì đến vụ việc vì chúng tôi không phải là một quốc gia tội phạm và hơn nữa chúng tôi không phải là một quốc gia khủng bố”.
Xem thêm tại: New York Times, Pháp luật
Nga sẽ cắt cung khí đốt trong 3 ngày, gia tăng sức ép lên EU
Trong thông báo ngày 19.8, Gazprom, công ty khí đốt thuộc sở hữu nhà nước của Nga, cho biế kế hoạch ngừng hoạt động ống dẫn khí đốt tự nhiên từ 31/8 – 2/9 để “bảo trì định kỳ” một máy nén quan trọng dọc theo đường ống Nord Stream 1, nối miền Tây nuocs Nga và Đức. Đức coi đây là một động thái chính trị của Nga nhằm đẩy giá cả lên cao trong bối cảnh xung đột ở Ukraine. Việc ngừng bảo trì mới công bố đã làm dấy lên thêm lo ngại rằng Nga có thể cắt hoàn toàn khí đốt để đạt được đòn bẩy chính trị đối với châu Âu khi các quốc gia này đang cố gắng tăng mức dự trữ cho mùa đông.
Xem thêm tại: AP News, Thanh niên
Australia phản đối việc Indonesia ân xá cho kẻ đánh bom ở Bali
Ngày 19/8, Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết việc Indonesia xem xét giảm thêm án tù cho kẻ đánh bom trong vụ tấn công ở Bali khiến 202 người thiệt mạng sẽ có ảnh hưởng “tàn khốc” đối với các gia đình đang chuẩn bị tưởng niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Bali. Thủ tướng Australia khẳng định tiếp tục đối thoại với phía Indonesia để thảo luận về bản án dành cho những kẻ đánh bom và một loạt các vấn đề khác. Theo ông, Australia sẽ truyền đạt thông điệp “rất rõ ràng” tới Chính phủ Indonesia rằng không nên thả Umar Patek. Umar Patek, biệt danh “kẻ hủy diệt,” thành viên cao cấp của tổ chức khủng bố ở Đông Nam Á Jemaah Islamiah đã bị tuyên án 20 năm tù vào tháng 6/2012 sau vụ đánh bom đẫm máu hộp đêm Sari và quán bar Paddy’s Irish tại Bali ngày 12/10/2002.
Xem thêm tại: AP News, Vietnam+
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin có thể gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh Samarkand, Uzbekistan vào tháng 9 tới
Theo The Wall Street Journal, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ tới Samarkand vào ngày 15/9 để dự cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Vào tháng 6/2022, Hãng Thông tấn TASS của Nga cũng cho biết Tổng thống Putin có dự định tham dự hội nghị này. Nguyên thủ hai nước cũng dự kiến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali vào tháng 11. Hai hội nghị quan trọng này sẽ là cơ hội để hai bên thảo luận về cuộc chiến Nga – Ukraine và việc Trung Quốc triển khai quân đội xung quanh Đài Loan. Trung Quốc và Nga đã nâng cao hợp tác về nhiều mặt trong những năm gần đây. Ngay trước khi chiến sự Ukraine bùng phát hồi tháng 2, Tổng thống Putin đã đến Trung Quốc để ký thỏa thuận hợp tác và tuyên bố không có giới hạn trong mối quan hệ song phương.
Xem thêm tại: The Guardian, VTC News
Thổ Nhĩ Kỳ khôi phục quan hệ ngoại giao với Israel, trong khi vẫn ủng hộ người Palestine
Ngày 17/8, sau cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Israel Yair Lapid và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, chính phủ hai nước đã đồng ý khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao và sẽ sớm đưa các Đại sứ, Tổng Lãnh sự quay trở lại khi quan hệ song phương được cải thiện dần. Thông cáo chính thức từ văn phòng của Thủ tướng Israel Yair Lapid cho biết, “việc khôi phục quan hệ ngoại giao sẽ góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa nhân dân hai nước, mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại và văn hóa, đồng thời củng cố sự ổn định trong khu vực”.
Tuy nhiên, ngay sau khi Thủ tướng Israel tuyên bố nối lại quan hệ ngoại giao hoàn toàn với Thổ Nhĩ Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết quyết định khôi phục quan hệ sau một thập kỷ căng thẳng không có nghĩa là nước này sẽ từ bỏ sự ủng hộ đối với người Palestine. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn có thể vận động hành lang cho các lợi ích của người Palestine ở Gaza, Bờ Tây và Jerusalem.
Xem thêm tại: The Guardian, Aljazeera, New York Times.
Mỹ, Đài Loan khởi động đàm phán thương mại theo sáng kiến mới
Ngày 17/8, Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) đã thống nhất bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại theo sáng kiến mới nhằm đạt được các thỏa thuận có ý nghĩa về kinh tế. Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ cho biết hai bên đã đi đến đồng thuận về các nhiệm vụ đàm phán và vòng đàm phán đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra vào đầu mùa thu năm nay. Các cuộc đàm phán dự kiến sẽ xoay quanh 11 chủ đề, bao gồm “thuận lợi hóa thương mại, các công cụ điều tiết hiệu quả, phòng chống tham nhũng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp, tiêu chuẩn, thương mại kỹ thuật số, lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, các phương thức và chính sách phi thị trường”. Theo các nhà phân tích, việc Mỹ thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại với Đài Loan là để thể hiện sự ủng hộ chính trị đối với Đài Loan và đảm bảo chuỗi cung ứng cho thị trường Mỹ. Trước đó, hai bên đã cam kết sẽ tổ chức các cuộc đàm phán thường xuyên và gặp gỡ trực tuyến trong tháng 6 để thảo luận về Sáng kiến Hoa Kỳ- Đài Loan về Thương mại Thế kỷ 21. Phía phân tích Đài Bắc cho biết Bắc Kinh sẽ phản đối bất kỳ hiệp ước thương mại Đài Loan – Hoa Kỳ nào để “hạn chế Đài Loan theo bất kỳ cách nào có thể”.
Xem thêm tại: Reteurs, CNN, SCMP, Tuổi trẻ Online.
Trung Quốc và Nhật Bản thống nhất tăng cường đối thoại
Vào ngày 17/8, tại thành phố Thiên Tân (Trung Quốc), Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Cố vấn an ninh quốc gia Nhật Bản Takeo Akiba đã đồng chủ trì Đối thoại chính trị cấp cao Trung Quốc-Nhật Bản lần thứ 9. Tại cuộc họp kéo dài bảy giờ, ông Dương Khiết Trì đã thể hiện lập trường rằng Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc. Trong khi đó, ông Takeo Akiba đã bày tỏ lo ngại về các cuộc tập trận quân sự của Bắc Kinh, đặc biệt về vấn đề năm tên lửa đạn đạo của nước này đã rơi tại vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan. Theo Tân Hoa Xã, cuộc họp được cho là đã diễn ra trong không khí thẳng thắn, sâu sắc và mang tính xây dựng. Đây cũng là cuộc đối thoại chính trị cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ năm 2020.
Xem thêm tại: Vietnam+, SCMP, Japan Times.
Mali đề nghị LHQ họp khẩn về hành động gây hấn của Pháp
Ngày 17/8, Mali đã đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ tổ chức phiên họp khẩn cấp để ngăn chặn những “hành động gây hấn” của Pháp, bao gồm cáo buộc gián điệp, vi phạm chủ quyền và hỗ trợ các chiến binh thánh chiến. Trong thư gửi Chủ tịch HĐBA, Ngoại trưởng Mali Abdoulaye Diop tuyên bố nước này “có quyền tự vệ” nếu hành động của Pháp tiếp diễn. Ông lên án hành động mà ông gọi là “sự vi phạm lặp đi lặp lại và thường xuyên” của lực lượng Pháp đối với không phận Mali. Ông cũng cáo buộc các chuyến bay của Pháp đã tham gia “những hoạt động bị coi là gián điệp” và chỉ trích Paris là mối “đe dọa”. Theo bức thư, Bamako đang nắm giữ “một số bằng chứng cho thấy Pháp thực hiện hành vi vi phạm không phận của Mali để thu thập thông tin tình báo, phục vụ lợiích của các nhóm khủng bố hoạt động ở Sahel, đồng thời thả vũ khí và đạn dược cho chúng”. Pháp hiện chưa đưa ra bất kỳ phản hồi nào đối với các cáo buộc.
Trước đó, ngày 15/8, quân đội Pháp cho biết những binh sĩ cuối cùng của họ đã rời khỏi Mali, hoàn tất quá trình rút quân kéo dài 6 tháng theo chỉ đạo của Tổng thống Emmanuel Macron, cũng như kết thúc quá trình triển khai quân sự kéo dài 9 năm tại quốc gia vùng Sahel này.
Xem thêm tại: Reteurs, Aljazeera, Washington Post.
Tổng hợp: Khánh Linh