Thế giới đang trải qua những thay đổi sâu sắc và phức tạp chưa từng thấy trong một thế kỷ qua với nhiều biến động đan xen tác động đến mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc – hai nước lớn trên thế giới, đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của thế giới. Trong suốt lịch sử 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ Nga – Trung đã trải qua nhiều thăng trầm với những biến thiên của lịch sử cũng như sự phát triển của hai nước. Tuy nhiên, cùng với những thay đổi của tình hình địa chính trị thế giới trong thập kỷ qua, mối quan hệ Nga – Trung đã vượt qua nhiều thử thách và đã đi một hành trình đủ dài để đạt đến một cấp độ hợp tác chưa từng có với những bước phát triển rực rỡ thông qua việc liên tục làm sâu sắc và mở rộng phối hợp chiến lược và hợp tác thực tế, phù hợp với lợi ích của cả hai nước, đồng thời là sự đảm bảo quan trọng trong việc duy trì cân bằng chiến lược quốc tế cũng như bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định của thế giới. Ngày nay, quan hệ Nga – Trung đã đạt “mức độ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược”, phát triển lên một tầm cao mới ở một “cấp độ chưa từng có” và “đã trở thành hình mẫu về cách thức xây dựng quan hệ giữa các quốc gia trong thế giới hiện đại như lời phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS vào ngày 22/10 tại Kazan, Nga vừa qua.
Những bước phát triển lớn trong quan hệ song phương Nga – Trung trong thời gian qua cho thấy sự phát triển vượt bậc của “quan hệ đối tác không giới hạn” trước những thách thức chung và lợi ích chung trước các vấn đề liên quan đến sự phát triển của hai nước, các vấn đề khu vực và đa phương, đồng thời sẽ vẫn là đặc điểm trung tâm của trật tự địa chính trị đương đại. Cách thức phát triển quan hệ Nga-Trung trong tương lai sẽ có tác động quyết định vượt xa biên giới của hai đối tác và sẽ các tác động rất lớn đến cán cân quyền lực trên thế giới và khu vực.
HỢP TÁC NGA TRUNG NGÀY CÀNG PHÁT TRIỂN
Trung Quốc và Nga có lịch sử lâu dài và phức tạp liên quan đến nhau, được đánh dấu bằng các giai đoạn hợp tác và cạnh tranh chiến lược. Trong quá khứ, căng thẳng giữa hai nước có lúc bùng phát liên quan đến học thuyết cộng sản và đường biên giới chung dài 2.600 dặm (4.184 km) của hai nước. Tuy nhiên, kể từ đầu thế kỷ XXI, khi Nga có những bước điều chỉnh chiến lược mới, đẩy mạnh trọng tâm sang hướng Đông, quan hệ Nga – Trung đã có những bước phát triển lớn và nhất là kể từ sau khi ông Putin quay trở lại cương vị Tổng thống Liên bang Nga và ông Tập Cận Bình được bầu làm Chủ tịch nước Trung Quốc năm 2012, mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển về cả chiều rộng và chiều sâu. Kể từ năm 2022 đến nay, trong bối cảnh phải đối mặt với sức ép từ Mỹ và các nước phương Tây do tác động từ các biện pháp cấm vận kinh tế, liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraina, Nga đã chủ động chuyển hướng chính sách sang khu vực, trong đó đặc biệt chú trọng tăng cường quan hệ với Trung Quốc trên mọi lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự đến sự phối hợp và liên kết chiến lược trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Trong khi đó, về phía Trung Quốc, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược với Mỹ gia tăng, việc củng cố, thắt chặt quan hệ với Nga được cho là giúp Trung Quốc ổn định chính trị và phát triển kinh tế, đối phó với những sức ép cạnh tranh từ Mỹ và các đồng minh phương Tây của Mỹ. Ngày nay, mối quan hệ Nga – Trung được định nghĩa là “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện về sự phối hợp cho một kỷ nguyên mới” – hình thức quan hệ đối tác chiến lược cao nhất của Trung Quốc với một quốc gia khác. Sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp mà còn tạo ra một sự liên kết chiến lược mạnh mẽ, giúp hai nước có thêm đối trọng trong các vấn đề quốc tế.
Là đối tác chiến lược lớn nhất và đáng tin cậy của nhau, trước tình hình quốc tế phức tạp và đầy biến động, Nga và Trung Quốc nhất trí cùng hợp tác xây dựng mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới, phù hợp với lợi ích chung của hai nước, được thể hiện qua sự hợp tác trên các lĩnh vực chính trị – đối ngoại, kinh tế, quốc phòng – an ninh.
Về chính trị, ngoại giao
Mặc dù cuộc chiến Nga – Ukraine đã đặt Trung Quốc vào tình thế khó khăn, tuy nhiên, nó lại tạo động lực để hai nước thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực và làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới với sự hội tụ sâu sắc về chính trị và ngoại giao.
Năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 75 năm Nga và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, do đó, các tương tác ngoại giao, đặc biệt là tương tác ở cấp cao nhất diễn ra thường xuyên. Chỉ tính từ tháng 01 – 10/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov đã có tới 10 cuộc họp cấp cao với những người đồng cấp Trung Quốc ở nhiều hình thức khác nhau; trong đó ông Putin và ông Tập đã có 04 cuộc họp quan trọng. Các chuyên gia chính trị đánh giá, mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Trung đặc biệt gần gũi, do đó, về lâu dài, nếu hai nhà lãnh đạo này vẫn tiếp tục tại vị sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của quan hệ song phương. Kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập và Putin đã gặp nhau hơn 40 lần khác nhau, nhiều hơn hẳn so với các cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc với các nhà lãnh đạo thế giới khác.
Các cuộc gặp cấp cao của lãnh đạo hai nước không chỉ mang tính biểu tượng cao nhân kỷ niệm 75 thiết lập quan hệ ngoại giao mà còn tạo cơ hội để lãnh đạo hai nước thảo luận trực tiếp về các vấn đề quan trọng, thể hiện cam kết trong việc duy trì và phát triển quan hệ song phương, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược; đồng thời tần suất các cuộc họp cho thấy sự tập trung mạnh mẽ từ cả hai bên vào việc tăng cường quan hệ và mở rộng hợp tác chiến lược. Việc thể chế hóa liên lạc và hợp tác giữa các quan chức chính phủ ở nhiều cấp độ là một yếu tố quan trọng cho mối quan hệ hợp tác tương lai giữa hai nước.
Hợp tác về chính trị và ngoại giao của hai nước cũng được tăng cường thông qua việc phối hợp chặt chẽ trong các tổ chức quốc tế và các cơ chế đa phương cũng như các cơ chế hợp tác riêng như BRICS, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) nhằm tăng cường sự tin cậy chính trị, thu hút sự ủng hộ của các nước đang phát triển, đồng thời tạo thế đối trọng với các liên minh do Mỹ dẫn đầu.
Trong khi đó, cuộc chiến Ukraine cũng là một điểm nổi bật trong quan hệ Nga – Trung thời gian qua. Có thể thấy, cuộc chiến này đã mang lại sự liên kết và hợp tác sâu sắc hơn giữa hai nước, tuy nhiên, cho đến nay Bắc Kinh vẫn luôn duy trì lập trường thận trọng liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, tránh xa lập trường dứt khoát có thể làm xấu đi mối quan hệ với cả phương Tây và Nam bán cầu. Kể từ khi công bố kế hoạch hòa bình 12 điểm vào ngày 24/02/2023 – đúng một năm sau khi cuộc chiến bắt đầu, Bắc Kinh đã tích cực thúc đẩy tầm nhìn về hòa bình của mình, và tầm nhìn này vẫn đóng vai trò trung tâm trong chiến lược ngoại giao của Bắc Kinh. Trên cơ sở lập trường này, Trung Quốc đã từ chối tham gia Hội nghị hòa bình cho Ukraine được tổ chức tại Thụy Sĩ vào ngày 15/6/2024, với lý do các cuộc họp như vậy phải bao gồm 03 yếu tố: (1) sự công nhận từ cả Nga và Ukraine; (2) sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên; và (3) thảo luận công bằng về các kịch bản khác nhau cho các kế hoạch hòa bình khác nhau. Thay vào đó, Trung Quốc tích cực ủng hộ nhiều phương án thay thế khác nhau và thậm chí còn có những gợi ý về các nỗ lực tổ chức một hội nghị song song với tư cách là “người gìn giữ hòa bình” và một cường quốc toàn cầu có trách nhiệm thông qua các sáng kiến “ngoại giao con thoi”.
Gần đây, trong cuộc họp ngày 10/9/2024 với Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Sergei Shoigu trong khuôn khổ Hội nghị đại biểu cấp cao các vấn đề an ninh BRICS lần thứ 14, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã hứa sẽ thúc đẩy “những tiếng nói hợp lý” để tạo điều kiện cho một giải pháp chính trị có thể có ở Ukraine. Thông điệp đó đã được lặp lại không lâi sau tại Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 11 tại Bắc Kinh vào ngày 13/9/2024.
Các nhà quan sát đánh giá, các nỗ lực của Trung Quốc liên quan đến giải pháp hòa bình cho cuộc chiến Ukraine còn là cách để Bắc Kinh thể hiện trách nhiệm toàn cầu với Nam bán cầu. Hiện nay, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ thay đổi lập trường về cuộc chiến Ukraine. Trung Quốc sẽ duy trì tầm nhìn, lập trường hiện nay theo cách cân bằng quan hệ giữa Nga và phương Tây, trong khi tập trung hơn nữa vào việc định vị Trung Quốc là “người gìn giữ hòa bình” trung lập ở Nam bán cầu với các hoạt động “ngoại giao con thoi”.
Về kinh tế, thương mại
Trên cơ sở tin cậy chính trị được củng cố, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã đạt được những kết quả ấn tượng và là một thành phần quan trọng trong mối quan hệ song phương. Trước đây, hợp tác kinh tế Nga – Trung được mô là “hai bánh xe của một chiếc xe” trong đó một bánh xe là kinh tế, bánh xe còn lại là chính trị. Trung Quốc đã thay thế liên minh châu Âu (EU) để trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của Nga khi các lệnh trừng phạt của phương Tây được thắt chặt.
Trong những năm gần đây, thương mại song phương tăng gấp đôi với nhiều mô hình hợp tác kinh tế mới được triển khai. Cuộc chiến của Nga tại Ukraine đã thay đổi cơ bản các điều khoản trong quan hệ kinh tế Nga – Trung. Hợp tác với Trung Quốc đã trở nên quan trọng đối với phần lớn nền kinh tế Nga cũng như chế độ chính trị của Moscow. Năm 2023, thương mại Nga – Trung tăng 26,3 %, đạt mức kỷ lục là 240,11 tỷ đô la, dự kiến năm 2024 sẽ đạt 250 tỷ đô la. Cuối tháng 7 vừa qua, một quan chức cấp cao Nga của Nga cho biết, thương mại song phương có thể đạt 300 tỷ đô la vào năm 2030.
Một là, tầm quan trọng mới của Trung Quốc đối với nền kinh tế Nga không chỉ đơn thuần là sự gia tăng thương mại, mà bản thân điều này đã rất ấn tượng. Nó được thúc đẩy bởi giá dầu cao và sự chuyển đổi của thị trường Nga sang Trung Quốc để mua hàng tiêu dùng, đồ điện tử và thiết bị công nghiệp trước đó đã mua ở phương Tây. Trong thời gian qua, khối lượng xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga là rất đáng kể, vì nhiều mặt hàng tinh vi mà Nga mua từ Trung Quốc như máy móc, đồ điện tử hoặc phương tiện, không thể nhập khẩu từ bất kỳ nơi nào khác. Trung Quốc hiện chiếm 45-50% lượng dầu xuất khẩu của Nga; xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc tăng 22,5% vào năm 2023 và dự kiến năm 2025 siêu đường ống dẫn khí “Sức mạnh của Siberia” Nga – Trung Quốc sẽ đạt công suất tối đa. Tháng 6/2024, 94% ô tô mới vào Nga đến từ Trung Quốc. đã tăng mạnh trong nhiều lĩnh vực như máy móc, xe cộ, đồ điện tử, hóa chất, nhựa và cao su.
Hai là, hợp tác năng lượng vẫn là xương sống trong hợp tác song phương, trong đó dầu thô đã thống trị xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc kể từ những năm 2000. Một cột mốc quan trọng trong hợp tác năng lượng giữa hai nước là việc xây dựng đường ống Đông Siberia-Thái Bình Dương (ESPO) dài gần 5.000 km, được hoàn thành vào năm 2012. Sau một số lần mở rộng, đường ống hiện có thể vận chuyển khoảng 80 triệu tấn dầu của Nga mỗi năm, tương đương 1,6 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khí đốt tự nhiên đã ngày càng quan trọng trong hợp tác năng lượng song phương khi các phân khúc chính của đường ống “Sức mạnh Siberia” được hoàn thành. Vào năm 2023, 22,7 tỷ m3 khí đã được giao cho Trung Quốc thông qua hệ thống đường ống này. Gazprom hy vọng, Trung Quốc sẽ đồng ý tăng lượng giao hàng lên 44 tỷ m3 khí vào năm 2032; đồng thời mong muốn phát triển hơn nữa mối quan hệ với Trung Quốc thông qua các đường ống mới qua dãy núi Altai hoặc Mông Cổ. Gazprom đặt mục tiêu tăng khối lượng xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc lên 130 tỷ m3 khí trong dài hạn nhằm thay thế các thị trường nước ngoài hầu như đã bị mất đi sau khi cuộc chiến Ukraine nổ ra. Việc chuyển hướng khí đốt từ Tây Siberia sang Trung Quốc là không thể nếu không có đường ống mới. Trung Quốc cũng là một bên mua LNG lớn của Nga.
Xuất khẩu than (than non và than cứng) của Nga sang Trung Quốc cũng tăng trong những năm gần đây. Nga quan tâm đến việc tiếp tục tăng xuất khẩu than sang Trung Quốc vì các lệnh trừng phạt của phương Tây đã cắt đứt ngành công nghiệp than của nước này khỏi các thị trường châu Âu vào năm 2022. Nút thắt chính đối với xuất khẩu sang Trung Quốc là hệ thống đường sắt của Nga, phương thức vận chuyển chính cho than của Nga. Hệ thống này hiện đang hoạt động ở công suất tối đa.
Ba là, một trong những điểm nổi bật trong quan hệ kinh tế Nga – Trung là việc phi đô la hóa trong trao đổi thương mại quốc tế. Nga và Trung Quốc có lợi ích chung trong việc phi đô-la hóa trong trao đổi thương mại quốc tế. Năm 2024, hoạt động thương mại của Nga với Trung Quốc chủ yếu được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ. Bằng cách sử dụng các đồng tiền quốc gia thay vì đồng đôla, sự hợp tác giữa hai nước góp phần làm suy yếu sức mạnh của đồng đôla, đồng thời tạo ra một hệ thống tài chính độc lập hơn, qua đó giúp giảm thiểu rủi ro từ biến động tỷ giá và tăng cường sự ổn định trong quan hệ thương mại.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa tham gia Hệ thống chuyển tiền tài chính (SPFS) của Nga, được thành lập như một giải pháp thay thế cho Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) do Mỹ đứng đầu. Hơn nữa, từ cuối năm 2023, Mỹ đã đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt nhằm loại Nga khỏi hệ thống tài chính và thương mại quốc tế, đồng thời cũng là đòn giáng mạnh vào các công ty và tổ chức tài chính Trung Quốc bởi các lệnh trừng phát thứ cấp đối với xuất khẩu “lưỡng dụng” khiến các ngân hàng Trung Quốc phải rút lui và tính toán biện pháp điều chỉnh cho phù hợp. Hơn nữa, việc sử dụng và vai trò của đồng nhân dân tệ đã tăng lên ở cả Nga – trong dự trữ, thị trường chứng khoán và các khoản vay ngân hàng – và trong thương mại với cả Trung Quốc và các nước thứ ba, tạo ra sự phụ thuộc và rủi ro cho Moscow.
Về cơ bản, cấu trúc hợp tác kinh tế, thương mại song phương Nga – Trung từ đầu năm 2024 đến nay không có nhiều thay đổi.
Về quốc phòng và an ninh
Quan hệ quốc phòng và an ninh giữa Nga và Trung Quốc tương đối cân xứng hơn so với quan hệ ngoại giao và kinh tế. Trung Quốc coi Nga là đối tác an ninh và quân sự quan trọng trong việc cân bằng sự thống trị toàn cầu và áp lực chiến lược khu vực của Mỹ. Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi giữa tháng 6/2024, Nga và Trung Quốc đã nhất trí “thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực quân sự, mở rộng phạm vi các cuộc tập trận chung và huấn luyện chiến đấu; thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra chung trên biển và trên không”. Các quan chức quốc phòng hàng đầu hai nước thường xuyên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác quân sự song phương.
Nga và Trung Quốc thể hiện mức độ hợp tác cao trong hoạt động tuần tra và tập trận chung với sự gia tăng đáng kể về tần suất, phạm vi toàn cầu cũng như tính phức tạp của của các hoạt động chung. Một số cuộc tập trận lớn phải kể đến như tập trận “Hợp tác hàng hải – 2024” vào tháng 7/2024 tại Trạm Giang, Trung Quốc; tập trận chỉ huy-tham mưu chiến lược “Đại dương-2024” tại các vùng biển thuộc Thái Bình Dương, Bắc Cực, Địa Trung Hải, biển Caspi và biển Baltic, tập trận “Phương Bắc liên hợp – 2024 vào tháng 9/2024 tại thành phố Vladivostok, vùng Viễn Đông của Nga… Các cuộc tập trận chung bao gồm các nỗ lực tích hợp việc sử dụng các thiết bị và phương tiện quân sự của nhau, cũng như thiết lập các trung tâm chỉ huy chung, tạm thời nhằm mục đích tiến hành các cuộc tập trận và hoạt động cụ thể. Tất cả các hoạt động này cho phép quân đội hai nước tăng cường sự tin tưởng và hiệp đồng tác chiến thực tế; đồng thời giúp quân đội Trung Quốc cải thiện kinh thực chiến.
Trong năm 2024, các hoạt động chia sẻ thông tin tình báo nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, an ninh và đối phó với các mối đe dọa chung cũng được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, Nga và Trung Quốc đã phát triển các cơ chế tham vấn chính trị và quân sự được thể chế hóa tốt. Các cơ chế quan trọng nhất bao gồm nhiều hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập, các cuộc tham vấn an ninh song phương hàng năm giữa các quan chức cấp cao về an ninh, quốc phòng hai nước; Đối thoại An ninh châu Á cấp thứ trưởng ngoại giao thường niên; triển khai các kế hoạch hợp tác quân sự theo lộ trình 5 năm, với kế hoạch gần đây nhất được thống nhất vào năm 2021 và kéo dài đến năm 2025. Các cơ chế đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực an ninh, nhằm bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế. Hai nước đã trở nên gần gũi hơn về mặt thể chế trong lĩnh vực quốc phòng thông qua các cuộc tiếp xúc, khả năng tương tác và liên kết. Đây là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển trong tương lai, bao gồm cả thông qua sự phụ thuộc lẫn nhau tiềm tàng vào một lập trường chiến lược chung đối với phương Tây.
Mặc dù cho đến nay, việc mua bán vũ khí vẫn không phải là yếu tố quan trọng trong hợp tác quân sự Nga – Trung nhưng các dự án về công nghệ chung đã nhanh chóng trở nên ngày càng quan trọng. Hai bên đã triển khai nhiều dự án sản xuất chung, bao gồm máy bay trực thăng hạng nặng, tàu ngầm thế hệ mới, tăng cường hợp tác về phát triển tên lửa chiến thuật và các dự án công nghệ cao với các ứng dụng quân sự tiềm năng trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, cùng các hệ thống không gian. Quan trọng nhất, sự hỗ trợ của Nga trong việc phát triển hệ thống cảnh báo tên lửa của Trung Quốc làm nổi bật việc mở rộng hợp tác sang lĩnh vực phòng thủ chiến lược. Mặc dù Trung Quốc chưa chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Nga, nhưng việc xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng, máy móc, vật liệu và linh kiện của nước này tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng của ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.
CÁC THÁCH THỨC ĐỐI VỚI QUAN HỆ NGA – TRUNG
Cuộc chiến Ukraine tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ Nga – Trung lên một tầm cao mới nhưng nó cũng là phép thử quan trọng nhất đối với sự bền vững của mối quan hệ giữa hai cường quốc, đồng thời cũng cho thấy các thách thức, khó khăn lâu dài mà hai nước sẽ phải đối mặt trong tương lai.
Một là, về chính trị: Trung Quốc và Nga vẫn có những khác biệt về chính trị trong một số vấn đề. Đối với cuộc chiến Ukraine, dù có tính toán chiến lược như thế nào đằng sau vai trò “người gìn giữ hòa bình” ở Nam bán cầu nhưng Trung Quốc đã nỗ lực để thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho Ukraine. Trung Quốc đã nhiều lần thúc giục và kêu gọi ngừng bắn, đàm phán hòa bình, đồng thời cũng thể hiện rõ sự phản đối với các mối đe dọa hạt nhân từ Nga cho dù không trực tiếp đi chăng nữa.
Bên cạnh đó, dù mối quan hệ cá nhân giữa ông Putin và ông Tập gần gũi, thân thiết nhưng các quan chức, các lãnh đạo doanh nghiệp và công dân hai nước vẫn có những sự dè chừng nhất định về nhau liên quan đến các bất bình trong lịch sử cũng như phân biệt chủ nghĩa chủng tộc ở Nga.
Hơn nữa, mặc dù có sự đồng thuận rộng rãi về quản trị toàn cầu, Trung Quốc và Nga vẫn có những sự khác biệt nhất định về chức năng cụ thể của các khuôn khổ đa phương, mà có thể dẫn đến các con đường hợp tác khác nhau. Trung Quốc hoài nghi về việc bị “đồng nhất” với Nga, đặc biệt là trong các vấn đề quốc tế. Một số chuyên gia phương Tây lưu ý rằng, do các hoạt động của Nga ở Ukraine, Trung Quốc có thể gặp khó khăn trong việc cân bằng “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” với Nga và duy trì hợp tác với các quốc gia khác.
Hai là, về kinh tế, thương mại: Trong khi Trung Quốc xuất khẩu nhiều loại máy móc, phương tiện và hàng hóa khác sang Nga, Nga hầu như chỉ xuất khẩu dầu thô và các loại nhiên liệu khoáng sản khác sang Trung Quốc. Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Nga và sự khác biệt này trong các vật liệu giao dịch cho thấy sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc. Thực tế, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Nga thậm chí còn ít hơn một nửa so với những gì Kazakhstan nhận được trong giai đoạn 2016 đến 2023. Về lâu dài, vấn đề mà nhiều quan tâm hiện nay liệu Trung Quốc có đồng ý hoàn thiện việc xây dựng đường ống dẫn khí “Sức mạnh Siberia 2” được mong đợi từ lâu hay không bởi việc này sẽ rất quan trọng đối với mức độ phát triển của quan hệ thương mại. Trong khi đó, hợp tác phát triển công nghệ giữa hai nước cũng bị cản trở bởi sự nghi kỵ do hoạt động gián điệp công nghiệp của Trung Quốc hay như mối lo từ Nga về việc bị Trung Quốc “vượt mặt”. Cả Nga và Trung Quốc đều coi trọng quyền tự chủ chiến lược của mình và không muốn mạo hiểm an ninh của mình vì bên kia.
Việc Trung Quốc cân nhắc các lệnh trừng phạt thứ cấp, danh tiếng của nước này và mối quan hệ kinh tế với phương Tây cũng đặt ra những trở ngại nghiêm trọng. Về trung và dài hạn, mức độ áp lực mà các lệnh trừng phạt thứ cấp của phương Tây gây ra cho Trung Quốc và mức độ tuân thủ các lệnh trừng phạt của Bắc Kinh sẽ đóng vai trò cơ bản trong quan hệ hai nước. Hơn nữa, quá trình “phi đô la hóa” vẫn chưa tiến triển như kỳ vọng bởi mặc dù tiền nhân dân tệ của Trung Quốc chiếm ưu thế trong thương mại Nga-Trung, nhưng lại đóng vai trò rất nhỏ trong thương mại của Nga với các nước thứ ba (chỉ có 5% thanh toán được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ và đô la Mỹ vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo). Việc tích hợp sâu hơn các ngân hàng Nga với hệ thống thanh toán liên ngân hàng Trung Quốc CIPS, cung cấp chức năng tương tự như SWIFT, đạt được ít tiến triển vì Trung Quốc không muốn CIPS trở thành một lựa chọn thay thế mờ ám để trốn tránh lệnh trừng phạt.
Ba là, về an ninh, quốc phòng: Nga và Trung Quốc đã thể hiện tương đối ít khía cạnh trong hợp tác quân sự sâu sắc như cách mà Mỹ đã triển khai với các đồng minh châu Âu và châu Á, thường diễn ra thông qua việc thành lập các trung tâm chỉ huy quân sự tích hợp, triển khai chung, chia sẻ căn cứ, và ở cấp độ cao nhất, xây dựng chính sách phòng thủ chung. Hiện, hợp tác quân sự Nga – Trung mới đang dừng ở việc thành lập các trung tâm tác chiến chung theo từng giai đoạn cho các cuộc tập trận cụ thể và có khi sử dụng các cơ sở vật chất quân sự của nhau. Nga và Trung Quốc chưa cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào về kế hoạch thiết lập các cấu trúc chỉ huy chung và có thể hoạt động lâu dài. Hơn nữa, hai nước vẫn chưa cho phép nhau quyền tiếp cận các khu vực hậu cần của nước chủ nhà, cũng như không tìm cách đàm phán những thỏa thuận về việc đặt các đơn vị hoặc thiết bị quân sự trên lãnh thổ của nhau, dù là vĩnh viễn hay tạm thời. Hai bên vẫn chưa tỏ ra quan tâm đến việc thảo luận về việc xây dựng một chính sách quốc phòng chung ở bất kỳ cấp độ nào, kể cả cấp độ thấp nhất, chẳng hạn như các cam kết thực hiện và cung cấp chung.
Bốn là, về lợi ích địa chính trị và toàn cầu: Cả Nga và Trung Quốc đều muốn bên kia đóng vai trò là “sự sao nhãng” đối với phương Tây, đặc biệt là Mỹ trong các xung đột địa chính trị tương ứng của họ, qua đó tạo không gian để họ có thể triển khai được hiệu quả các muc tiêu chiến lược của mình. Hơn nữa, giữa Nga và Trung Quốc vẫn đang tiềm ẩn sự cạnh tranh ở nhiều khu vực giáp ranh của họ. Đơn cử, ở Bắc Cực, trong khi hợp tác đang gia tăng, Nga đồng thời đang cố gắng giữ khoảng cách với Trung Quốc. Ở Trung Á, sự cạnh tranh và động lực quyền lực thay đổi là những yếu tố tiêu cực trong mối quan hệ, khi ảnh hưởng của Nga giảm đi và sự hiện diện của Trung Quốc tăng lên. Trong khi Trung Quốc không tìm cách thay thế Nga trở thành nhà cung cấp an ninh cho khu vực, thì sự ủng hộ rõ ràng của Bắc Kinh đối với khoảng cách ngày càng tăng của các nước Trung Á với Nga – thể hiện rõ ở thể chế hóa “Trung Á 5 + Trung Quốc” – làm tăng thêm những thách thức này và gây lo ngại cho Moscow.
SỰ PHÁT TRIỂN QUAN HỆ NGA – TRUNG VÀ HÀM Ý ĐỐI VỚI VIỆT NAM
Sự phát triển quan hệ Nga – Trung thời gian tới
Quỹ đạo tương lai của quan hệ Nga – Trung không chỉ quyết định triển vọng kinh tế của Nga trong bối cảnh bị trừng phạt mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc chiến ở Ukraine và trật tự an ninh trong tương lai ở châu Âu. Moscow đã có thể giảm bớt một số tác động của lệnh trừng phạt của phương Tây với sự hỗ trợ của Trung Quốc. Tuy nhiên, sự hợp tác kinh tế quá chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc cũng có thể dẫn đến gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây, do đó, Bắc Kinh vẫn thận trọng trong các hợp tác với Nga và giới lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng tránh tạo ấn tượng rằng họ đang công khai ủng hộ hoạt động của Nga tại Ukraine.
Cuộc chiến của Nga lại Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế được áp dụng đã gây ra sự tách rời sâu rộng của nền kinh tế Nga khỏi phương Tây. Nga đang ở giai đoạn đầu của một quá trình chuyển đổi kinh tế khác, hậu quả của nó sẽ chỉ trở nên rõ ràng trong thời gian dài. Mặc dù chế độ trừng phạt không thay đổi nhiều kể từ năm thứ hai của cuộc xâm lược toàn diện, nhưng khoảng cách giữa phương Tây và nền kinh tế Nga đang ngày càng lớn hơn theo từng năm, vì nhiều biện pháp phải mất một thời gian mới có hiệu lực. Rất khó có khả năng, ngay cả trong dài hạn, rằng Nga và phương Tây sẽ lại xích lại gần nhau hơn về mặt kinh tế, vì các lệnh trừng phạt có khả năng sẽ vẫn được áp dụng trong một thời gian dài. Điều này có nghĩa là triển vọng hợp tác Trung – Nga sẽ tiếp tục phát triển sâu sắc hơn nữa. Triển vọng dài hạn của nền kinh tế Nga phụ thuộc vào việc Trung Quốc có thể và sẵn sàng trở thành đối tác kinh tế nào trong tương lai. Cho đến nay, quan hệ kinh tế giữa Nga và Trung Quốc đã tăng cường chủ yếu trên mặt trận thương mại, nhưng các công ty Trung Quốc đã tránh đưa ra các cam kết lâu dài với thị trường Nga. Đối với Trung Quốc, Nga là điểm đến xuất khẩu và nguồn tài nguyên thiên nhiên, thay vì là mắt xích trung gian trong chuỗi giá trị của Trung Quốc. Đối với Nga, điều này có nghĩa là Nga có thể bị hạ cấp thành nhà cung cấp tài nguyên và người mua hàng hóa thành phẩm của Trung Quốc, nghĩa là giá trị gia tăng ở Nga sẽ ít hơn.
Sự phụ thuộc kinh tế của Nga vào Trung Quốc cũng có thể ảnh hưởng đến động lực chính trị giữa Bắc Kinh và Moscow. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ sử dụng đòn bẩy kinh tế của mình cho các mục tiêu chính trị như thế nào và khi nào. Sự giúp đỡ của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nhẹ tác động của các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga.
Với các diễn biến hiện nay có thể dự đoán, mối quan hệ Nga – Trung sẽ tiếp tục được cải thiện ổn định ở mức vừa phải trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự và công nghệ – công nghiệp nghiệp quốc phòng. Trung Quốc sẽ tiếp tục cân bằng cẩn trọng giữa việc hỗ trợ Nga với việc duy trì quan hệ với phương Tây; đồng thời thúc đẩy hợp tác ngoại giao chặt chẽ hơn trên trường quốc tế, tại khu vực Nam bán cầu và tại các diễn đàn đa phương như BRICS, SCO. Hai bên cũng có thể triển khai các nỗ lực chung mạnh mẽ hơn để thúc đẩy thanh toán và thương mại bằng đồng nhân dân tệ – rúp cũng như đẩy nhanh quá trình “nhân dân tệ hóa” nền kinh tế Nga. Hơn nữa, những nỗ lực của Nga và Trung Quốc nhằm xây dựng một hệ sinh thái tài chính và thanh toán thay thế hệ thống tài chính do Mỹ dẫn đầu có thể được tăng cường hơn.
Hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, du lịch, ngôn ngữ, trao đổi và các giao lưu nhân dân cũng sẽ được chú trọng trong thời gian tới, đặc biệt liên quan đến quá trình chuyển đổi đang diễn ra của Nga khỏi định hướng xã hội – văn hóa phương Tây. Theo các cuộc thăm dò, thái độ của người Nga bình thường đối với Trung Quốc đang ngày càng nồng nhiệt. Điều quan trọng là các trường đại học Nga có chuyên môn đặc biệt về các môn như toán học và vật lý lý thuyết có giá trị đối với Trung Quốc. Tuynhiên, Trung Quốc sẽ không cung cấp hỗ trợ quân sự trực tiếp đáng kể như vũ khí hoặc đạn dược mà sẽ chỉ đẩy mạnh các hoạt động tuần tra, tập trận quân sự và hợp tác công nghệ quốc phòng chung.
Đối với Nga, hợp tác với Trung Quốc theo kịch bản này sẽ giúp Nga có được sự hỗ trợ chính trị, kinh tế và vật chất liên tục của Trung Quốc để họ không bị cô lập hoàn toàn trên trường quốc tế, duy trì nền kinh tế và cỗ máy chiến tranh cũng như ngành công nghiệp quốc phòng của mình. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Trung Quốc. Còn đối với Trung Quốc, kịch bản này sẽ khiến Trung Quốc phải rất thận trọng trong việc điều phối sự cân bằng mối quan hệ giữa Nga và phương Tây, để không dẫn đến mức tạo ra một liên minh phương Tây chống lại Trung Quốc.
Tương lai của quan hệ Nga-Trung sẽ có tác động quyết định vượt xa biên giới của hai nước. Cách thức phát triển quan hệ chiến lược, chính trị, kinh tế và quân sự của Moscow và Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng đến an ninh và thịnh vượng ở châu Âu và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cũng như trên trường quốc tế. Quỹ đạo mối quan hệ của họ trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn không phải là bất biến và sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên trong, giữa và ngoài Nga và Trung Quốc. Những yếu tố này sẽ bao gồm các yếu tố song phương mang tính cấu trúc cho phép hoặc hạn chế mối quan hệ chặt chẽ hơn, cũng như các yếu tố bên ngoài ở cả châu Âu và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Một số hàm ý đối với Việt Nam
Với sự biến động liên tục của môi trường địa chính trị quốc tế, Nga và Trung Quốc đều có sự điều chỉnh chiến lược nhất định để thích ứng với hoàn cảnh, tìm kiếm lợi ích và đồng minh với những cơ hội, thách thức đan xen đối với thế giới nói chung và khu vực nói riêng. Quan hệ Nga – Trung Quốc là quan hệ giữa hai nước lớn, có tầm ảnh hưởng quan trọng đến quan hệ quốc tế nói chung và khu vực nói riêng.
Nằm ở ở trung tâm châu Á – Thái Bình Dương, Đông Nam Á là cửa ngõ giao thương, liên kết giữa các nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế lớn trong khu vực, do đó, luôn là trọng tâm của các nước lớn khi điểu chỉnh chiến lược. Trong bối cảnh này, cơ hội và thách thức đặt ra cho các nước trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng là tương đương. Sự phát triển quan hệ Nga – Trung sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các nước trong khu vực có thể thúc đẩy phát triển quan hệ với cả hai cường quốc này về mọi mặt, qua đó tìm kiếm thêm cơ hội thúc đẩy sự phát triển bền vững và bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, tạo thế cân bằng với áp lực từ phương Tây, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn ngày càng gay gắt và Đông Nam Á luôn là trọng tâm của sự canh tranh này trong khu vực.
Sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc đang mang lại sức hút lớn với một hình mẫu hợp tác mới. Số lượng các quốc gia muốn tham gia nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) mà Nga và Trung Quốc là nòng cốt, đã tăng. Cả Nga và Trung Quốc đều muốn tăng cường sức mạnh tổng hợp giữa Sáng kiến Vành đai và Con đường và Liên minh Kinh tế Á – Âu, qua đó giúp hai nước đạt được các mục tiêu phát triển. Thực tế cho thấy, dòng chảy kinh tế đi đến đâu sẽ thúc đẩy liên kết mạnh đến đó. Các khối kinh tế mới nổi như BRICS đang mạnh lên, thúc đẩy quá trình phi đô-la hóa. Các mô hình xuất khẩu năng lượng từ Nga sang châu Âu đang chuyển hướng sang vịnh Arab, đồng thời sang Nam Á và Đông Á đã kéo theo những liên kết về chính trị.
Đối với Việt Nam, sự phát triển của mối quan hệ hợp tác Nga – Trung có ý nghĩa rất và tác động rất lớn, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng chứa đựng không ít thách thức phải vượt qua, nhất là trong bối cả Nga và Trung Quốc đều là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam.
Về thời cơ: Nga và Trung Quốc đều là hai nước có vị trí quan trọng trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam, do đó, sự phát triển trong hợp tác Nga – Trung đồng nghĩa với nguy cơ về cạnh tranh nước lớn giảm đi, tạo môi trường tốt cho việc hợp tác và phát triển giữa Việt Nam với cả Nga và Trung Quốc cũng như thế giới. Sự ổn định trong quan hệ Nga – Trung tạo điều kiện để Việt Nam có thể triển khai đường lối đối ngoại “không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải”; Việt Nam sẽ không bị rơi vào thế khó xử trong mối quan hệ với cả hai cường quốc có vai trò rất quan trọng với Việt Nam về cả kinh tế, chính trị.
Hợp tác Nga – Trung phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường phát triển của Việt Nam do không phải chịu tác động hoặc ảnh hưởng từ căng thẳng giữa các cường quốc lớn giống như việc Việt Nam đã phải chịu tác động tiêu cực từ cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung. Hơn nữa, mối quan hệ Nga – Trung càng phát triển sẽ càng thúc đẩy trật tự đa cực trong khu vực, góp phần cân bằng ảnh hưởng của các cường quốc khác trong khu vực, qua đó giảm áp lực cho Việt Nam trong vòng xoáy của cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn. Trong đó, việc Nga – Trung cùng nhau thúc đẩy BRICS hay các tổ chức quốc tế khác nhằm đối trọng với phương Tây cũng mở ra những cơ hội đối với Việt Nam. Với đường lối đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá, Việt Nam có thể có thêm những cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại với các khối như BRICS, SCO…
Về thách thức: Tuy vậy, mối quan hệ của hai cường quốc này cũng đem đến cho Việt Nam những khó khăn nhất định trong các quyết sách. Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn hiện nay ngày càng phức tạp, hợp tác Nga – Trung tạo ra xu hướng tập hợp lực lượng mạnh mẽ hơn, từ đó có thể tạo ra những lựa chọn khó khăn đối với Việt Nam trong việc cân bằng giữa hai bên. Cấu trúc an ninh toàn cầu kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra đã và đang ngày càng phân hóa. Trong bối cảnh đó, Việt Nam chắc chắn sẽ cần chủ động thích ứng, hạn chế thách thức và tận dụng các thời cơ một cách phù hợp. Và chắc chắn, đó không phải là một bài toán dễ dàng. Hơn nữa, hợp tác Nga – Trung ngày càng phát triển sẽ có tác động nhất định đến các vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông cũng như hoạt động kinh tế biển của Việt Nam. Trong đó, hợp tác Việt Nam – Nga trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông sẽ có tác động nhất định, nhất là khi Trung Quốc có thể can thiệp để phục vụ các tham vọng chủ quyền của nước này ở Biển Đông.
Do đó, Việt Nam cần tận dụng thời cơ, vượt qua các thách thức nhằm thúc đẩy mối quan hệ với cả Nga và Trung Quốc – hai đối tác chiến lược toàn diện vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
Cùng với sự suy yếu của hệ thống quản trị toàn cầu và sự gia tăng về mức độ xung đột nước lớn, thế giới đang ở trong kỷ nguyên bất định và tái sắp xếp, trong đó cam kết của Nga và Trung Quốc về xây dựng trật tự thế giới đa cực là một phần quan trọng của quá trình tái sắp xếp này. Mối quan hệ hữu nghị Nga – Trung Quốc hiện nay được đánh giá là chưa từng có trong 100 năm qua và sẽ thúc đẩy sự thay đổi của thế giới trong 50-100 năm tới. Cấu trúc của liên kết mà Nga và Trung Quốc là hạt nhân sẽ linh hoạt hơn nhiều so với các khối trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng hoàn toàn có thể làm thay đổi động lực của chính trị thế giới. Những bước phát triển lớn trong quan hệ song phương Nga – Trung trong thời gian qua nói chung và trong năm 2024 nói riêng cho thấy sự hội tụ giữa hai nước trong hầu hết các vấn đề, bao gồm cả các vấn đề khu vực và đa phương và sẽ vẫn là đặc điểm trung tâm của trật tự địa chính trị đương đại. Sự gia tăng hợp tác Trung Quốc – Nga không chỉ thể hiện sự phối hợp, hợp tác trong các vấn đề quốc tế, kinh tế hay quốc phòng, an ninh, mà còn nhằm thay đổi các quy tắc của trật tự quốc tế đơn cực hiện nay, hướng đến xác lập một hệ thống trật tự quốc tế mới đa cực, công bằng và dân chủ. Có thể thấy, mặc dù quan hệ 2 nước còn tồn tại một số hạn chế, song việc tăng cường hợp tác giữa hai bên góp phần tạo nên liên kết địa – chính trị mới, tác động đến cục diện khu vực và thế giới hiện nay, cũng như trong thời gian tới.
Sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ Nga – Trung trên mọi lĩnh vực đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội cho các nước vừa và nhỏ, đặc họ trước nhiều lựa chọn khéo léo về đa dạng đối tác để bảo vệ tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia trong việc đa dạng hóa liên kết để tối ưu hóa lợi ích. Tuy nhiên, nói cũng đặt ra thách thức đối với các nước này trong việc điều chỉnh chính sách đối ngoại đối với 2 nước lớn Trung Quốc và Nga cũng như với Mỹ, phương Tây. Do vậy, các nước cần có sự ứng biến linh hoạt trong chính sách đối ngoại để vừa tận dụng cơ hội, vừa hạn chế những khó khăn, thách thức nhằm tối ưu hóa lợi ích quốc gia – dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ và phát triển ổn định.
Như vậy có thể thấy, trong trung đến dài hạn, mức độ Nga và Trung Quốc có thể quản lý để liên kết chặt chẽ về mặt chiến lược trong nhiều vấn đề toàn cầu như thế nào và có thể cùng nhau xây dựng một giải pháp thay thế thống nhất cho trật tự thế giới tự do của phương Tây tốt như thế nào, có thể ảnh hưởng rất lớn đến tương lai quan hệ của họ cũng như tình hình địa chính trị và trật tự thế giới./.
Tác giả: Nguyên Long
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
1. China-Russia Relations: September 2024, https://www.cfr.org/article/china-russia-relations-september-2024
2. Raigirdas Boruta (2024), China review 2024-3. China and Russia relations, https://www.eesc.lt/en/publication/china-review-2024-3-china-and-russia-relations/
3. Rebekka Åsnes Sagild, Christopher Weidacher Hsiung (2024), Chinese Re-Examinations of Russia? The Strategic Partnership in the Wake of Russia’s War Against Ukraine, https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/10670564.2024.2358876
4. Amit Kumar (2024), China-Russia Relationship: Assessing the Power Asymmetry, https://takshashila.org.in/research/china-russia-relationship-assessing-power-asymmetry
5. Janis Kluge (2024), Russia-China Economic Relations, https://www.swp-berlin.org/10.18449/2024RP06/
6. Hugo von Essen (2024), Future Scenarios of Russia-China Relations: Not Great, Not Terrible?, https://sceeus.se/en/publications/future-scenarios-of-russia-china-relations-not-great-not-terrible/
7. Editorial Staff (2024), Country Report: Russia (September 2024), https://theasanforum.org/country-report-russia-september-2024/
8. Clara Fong and Lindsay Maizland (2024), China and Russia: Exploring Ties Between Two Authoritarian Powers, https://www.cfr.org/backgrounder/china-russia-relationship-xi-putin-taiwan-ukraine
9. The Economist (2024), The Xi-Putin partnership is not a marriage of convenience, https://www.economist.com/china/2024/05/14/the-xi-putin-partnership-is-not-a-marriage-of-convenience
10. Dmitry Gorenburg, Elizabeth Wishnick, Brian Waidelich, Paul Schwartz, Russian-Chinese Military Cooperation, https://www.cna.org/reports/2023/05/russian-chinese-military-cooperation
11. Dr Yu Jie (2024), China’s alignment with Putin is uneasy. But its rivalry with the US makes him too useful to abandon, https://www.chathamhouse.org/2024/05/chinas-alignment-putin-uneasy-its-rivalry-us-makes-him-too-useful-abandon
12. Christopher S. Chivvis & Jack Keating (2024), Cooperation Between China, Iran, North Korea, and Russia: Current and Potential Future Threats to America, https://carnegieendowment.org/research/2024/10/cooperation-between-china-iran-north-korea-and-russia-current-and-potential-future-threats-to-america?lang=en
13. China and Russia: A New Cold War?, https://hir.harvard.edu/chinas-aid-in-the-ukraine-war/