Kể từ khi cuộc xung đột ở Dải Gaza bắt đầu vào tháng 10, Biển Đỏ đã trở thành chiến trường thứ hai. Phong trào Houthis, một nhóm vũ trang có trụ sở tại Yemen và được Iran hậu thuẫn đã phóng tên lửa và máy bay không người lái có vũ trang tấn công các tàu thương mại đi qua tuyến đường hàng hải. Họ đã đánh chìm hai tàu và làm hư hại hàng chục tàu khác. Bằng cách làm gián đoạn tuyến đường mà ít nhất 12% tổng lượng cung ứng thương mại quốc tế đi qua trong một năm, các cuộc tấn công của phong trào này đã khiến chi phí vận chuyển tăng vọt và làm đảo lộn hệ thống thương mại. Nhóm này đã cam kết tiếp tục nhắm mục tiêu vào các tàu buôn cho đến khi Israel kết thúc các hoạt động quân sự ở Gaza. Có thể sự hỗn loạn mà phong trào này gây ra sẽ làm tăng áp lực quốc tế lên chính phủ Israel để chấm dứt chiến tranh.
Phong trào Houthi có thể dẫn đầu cuộc tấn công này, nhưng họ không hành động đơn lẻ. Phong trào này là một phần của “trục kháng chiến” (Iran cũng là một phần của trục này), một mạng lưới gồm hầu hết các đối tác phi nhà nước mà Tehran huy động để phục vụ các mục tiêu của họ trong khu vực. Iran đã cung cấp vũ khí và thông tin tình báo để hỗ trợ chiến dịch Biển Đỏ của phong trào Houthis và các nhà lãnh đạo nước này đã tán thành các cuộc tấn công vào các tàu thương mại.
Đối với Iran, hỗ trợ các cuộc tấn công của Houthi chỉ là một phần của sự thay đổi chiến lược lớn hơn, một sự thay đổi ngày càng dựa vào các hoạt động hàng hải để khiến kẻ thù của Iran phải lùi bước. Cho đến khoảng 4 năm trước, các hoạt động trên biển của Iran chủ yếu chỉ giới hạn ở các tàu cao tốc của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) tuần tra ở Vịnh Ba Tư và đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz, một điểm nghẽn quan trọng đối với các chuyến hàng dầu khí toàn cầu. Tuy nhiên, gần đây lực lượng hải quân Iran đã mua được nhiều tàu hiện đại hơn, bao gồm cả tàu ngầm mới và tàu chiến trang bị tên lửa. Họ cũng đã bắt đầu tiến xa tới Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Những thay đổi này phù hợp với học thuyết “phòng thủ từ xa” của Iran, được thông qua sau Chiến tranh Iran-Iraq năm 1988 và được củng cố vào đầu những năm 2000 nhằm mục đích tấn công những kẻ thù ở xa biên giới Iran trước khi chúng có thể gây ra mối đe dọa cho đất nước.
Hải quân được tân trang của Iran hiện là trung tâm của chiến lược quân sự của nước này. Các công cụ từ lâu đã trở thành trọng tâm trong hệ thống phòng thủ tiền phương của Iran trên đất liền, đó là các hệ thống tên lửa, máy bay không người lái và lực lượng dân quân ủy quyền nay đang được triển khai trên biển. Để tăng cường hơn nữa sức mạnh của mình, Tehran đã thiết lập quan hệ đối tác hải quân với Trung Quốc và Nga. Bằng cách tăng cường sự hiện diện trên biển, Iran không chỉ nhằm mục đích ngăn chặn các cuộc tấn công của các tác nhân nước ngoài có thể gây hại cho mình mà còn làm như vậy bằng cách đe dọa trực tiếp những đối thủ đó, chủ yếu là Mỹ.
Những hành động đe dọa hàng hải của Iran đòi hỏi Washington phải có phản ứng để giảm bớt các rủi ro cho hệ thống vận tải biển quốc tế bằng cách phát triển các tuyến thương mại thay thế và có thể làm giảm mong muốn của Tehran trong việc làm gián đoạn quá trình vận chuyển hàng hải ngay từ đầu bằng cách cho phép Iran hội nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu theo những phương thức hạn chế. Ngoài ra, khi các đối tác của Mỹ ở vùng Vịnh cải thiện quan hệ với Iran, Washington nên khuyến khích họ sử dụng ảnh hưởng của mình để kiềm chế các hành động khiêu khích của nước này. Trên mặt trận quân sự, Mỹ phải hợp tác chặt chẽ với các đồng minh để đề phòng và kiềm chế sức mạnh hải quân của Iran.
Phòng thủ từ xa
Iran đã đưa ra một số thay đổi đáng chú ý khi phát triển chiến lược hải quân của mình. Đầu tiên, Hải quân Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo đã đảm nhận vai trò tối quan trọn. Hải quân Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo trong lịch sử bao gồm một đội tàu cao tốc nhanh nhẹn chuyên quấy rối các tàu Mỹ ở Vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz. Trong khi đó, lực lượng hải quân thông thường của Iran với các tàu lớn hơn tiến hành tuần tra, thực hiện các hoạt động chống cướp biển và thu thập thông tin tình báo ở những vùng biển xa hơn, về cơ bản là các nhiệm vụ phòng thủ. Tuy nhiên, sự chênh lệch về năng lực của hải quân hai nước đã bị thu hẹp một cách đáng kể vào tháng 1, khi Hải quân Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo nhận được hai tàu chiến tiên tiến mới và dự kiến họ sẽ có được số lượng lớn hơn trong những năm tới. Các tàu này sẽ cho phép Hải quân Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo tiến hành các hoạt động ngoài Vịnh Ba Tư và vượt ra ngoài phạm vi nhiệm vụ của lực lượng hải quân thông thường. Vào năm 2020, Lãnh đạo tối cao Ali Khamenei đã giao nhiệm vụ đặc biệt cho Hải quân Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo mở rộng khả năng của Iran trong việc tiếp cận kẻ thù ở vùng biển xa xôi, phù hợp với chiến lược được khác được gọi là “bàn tay dài”.
Năng lực công nghệ của các lực lượng mới là một trong những sự thay đổi đáng chú ý khác. Iran đã phát triển chương trình tên lửa trong nhiều thập kỷ, nhưng giờ đây nước này đang ngày càng trang bị thêm cho hạm đội hải quân của mình những công nghệ mới nhất. Các tàu chiến của Hải quân Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo được trang bị hệ thống tên lửa tiên tiến có tầm bắn lên tới 430 dặm. Trước đây, tên lửa phóng từ mặt đất của Iran có thể tiếp cận các mục tiêu chỉ cách lãnh thổ Iran 2.200 dặm. Khả năng cơ động của hạm đội hàng hải sẽ mở rộng đáng kể phạm vi của các mục tiêu tiềm năng.
Trong vài tháng qua, Iran đã tiến hành các nhiệm vụ hải quân nhằm hỗ trợ các thành viên của trục kháng chiến với tần suất ngày càng tăng. Theo một báo cáo trên The Telegraph, một đơn vị trong Lực lượng Quds của IRGC, một lực lượng tinh nhuệ của tổ chức được giao nhiệm vụ hoạt động ngoài lãnh thổ đã gửi vũ khí cho Hezbollah bằng cách chất chúng lên các tàu chở hàng khởi hành từ thành phố cảng Bandar Abbas của Iran. Các tàu dừng tại cảng Latakia của Syria, nơi dỡ vũ khí trước khi tiếp tục các tuyến đường thương mại. Iran cũng đã sử dụng “tàu chở dầu ma”, là những tàu tắt hệ thống theo dõi, thay đổi tên và “đăng ký” để tránh bị phát hiện để vận chuyển dầu tới Syria, nơi Tổng thống Syria Bashar al-Assad duy trì liên minh chặt chẽ với Tehran và được coi là một quốc gia thành viên quan trọng của trục kháng chiến. Cùng với đó, ở Biển Đỏ, tàu Behshad của Iran đã cung cấp thông tin tình báo và hỗ trợ giám sát cho các cuộc tấn công của Houthi nhắm vào hệ thống hàng hải quốc tế.
Iran ngày càng tận dụng khả năng hàng hải để quấy rối đối thủ
Một điều quan trọng khác trong hoạt động hàng hải của Iran là thắt chặt quyền kiểm soát các tuyến đường thủy chiến lược của nước này. Vị trí địa lý của Iran cho phép lực lượng hải quân của nước này tiếp cận Vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz, cần lưu ý rằng, hơn 20% lượng dầu tiêu thụ trên toàn cầu được vận chuyển qua đây. Quan hệ đối tác của nước này với phong trào Houthi mở rộng phạm vi hoạt động tới eo biển Bab el Mandeb, tuyến đường giữa Yemen và vùng Sừng châu Phi ở cửa ngõ phía nam của Biển Đỏ. Năm 2018, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngụ ý rằng Iran đã thống trị Bab el Mandeb khi ông nói: “Chúng tôi có nhiều eo biển, eo biển Hormuz chỉ là một trong số đó”. 5 năm sau đó là các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào các tàu đi qua tuyến đường thủy này và những lời của Rouhani giống như một lời cảnh báo. Các phương tiện truyền thông liên kết với nhà nước ở Iran đưa tin rằng Tehran đã gửi tên lửa đạn đạo chống hạm do Iran sản xuất tới lực lượng Houthi và công nghệ của Iran đã giúp lực lượng Houthi tấn công các tàu ở Biển Đỏ. Có thể Iran đã chuyển giao công nghệ tên lửa tương tự cho Hezbollah, lực lượng được cho là sở hữu tên lửa chống hạm do Nga sản xuất. Kết hợp các vị trí ven biển và khả năng hàng hải của trục các thành viên kháng chiến với chính mình, Iran có thể triển khai sức mạnh vượt ra ngoài Vịnh Ba Tư tới Biển Đỏ và phía đông Địa Trung Hải.
Quan hệ đối tác với Trung Quốc và Nga là trụ cột cuối cùng trong chiến lược hàng hải của Iran. Kể từ năm 2019, ba nước đã tiến hành 4 cuộc tập trận hải quân chung, gần đây nhất là ở Vịnh Oman vào tháng 3. Màn trình diễn này cho thấy dấu hiệu về khả năng và ý định thách thức sự thống trị của hải quân phương Tây trong khu vực. Đây cũng là một phần trong mối quan hệ hợp tác quân sự ngày càng tăng giữa Iran và Nga kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, Iran cũng đã tìm kiếm sự hỗ trợ của Nga trong việc phát triển các tên lửa hải quân tầm xa và tầm trung tiên tiến hơn.
Biển cả – Không gian đầy hứa hẹn đối với Iran
Chiến lược hàng hải được phát triển của Iran chủ yếu là phản ứng trước những thay đổi trong môi trường an ninh của đất nước. Thứ nhất, Tehran nhận thấy cần phải đa dạng hóa các lựa chọn của mình để chống lại Mỹ. Trước đây, các căn cứ quân sự của Mỹ ở các nước vùng Vịnh đưa ra những mục tiêu dễ dàng; khi căng thẳng ngoại giao leo thang và Washington tăng cường áp lực lên Tehran, Iran có thể đe dọa tấn công căn cứ của Mỹ. Nhưng trong hai năm qua, Iran đã thực hiện các bước để hòa giải với các nước láng giềng Ả Rập và giờ đây họ càng cố gắng hạn chế hơn các hành động có khả năng gây nguy hiểm cho các mối quan hệ đó. Kết quả là các mối đe dọa của Tehran đối với các căn cứ của Mỹ trong khu vực đã giảm đáng kể. Trong một ví dụ điển hình về sự thận trọng của Iran, trước cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái quy mô lớn vào Israel vào tháng 4, Iran đã thông báo cho một số quốc gia vùng Vịnh về kế hoạch trấn an họ rằng hoạt động này sẽ chỉ giới hạn ở Israel và sẽ không mở rộng sang lãnh thổ của họ.
Để tránh khiến các nước láng giềng tức giận, Iran đã bắt đầu tập trung các mối đe dọa vào lợi ích của Mỹ ở xa hơn. Ví dụ, vào tháng 5, Tư lệnh Hải quân Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Ali Reza Tangsiri tuyên bố rằng một trong những tàu chiến được trang bị tên lửa mới của lực lượng này đã đi qua Diego Garcia, một hòn đảo xa xôi ở Ấn Độ Dương, nơi quân nhân Mỹ đóng quân. Cuộc diễn tập này là một thông điệp rõ ràng gửi tới Mỹ rằng hạm đội hải quân Iran đang mở rộng phạm vi hoạt động.
Chiến lược mới của Iran cũng nhằm vào Israel. Các lực lượng ủy nhiệm của Iran và lực lượng dân quân đồng minh ở Lebanon và Syria đã gây ra mối đe dọa quân sự dọc biên giới Israel và bằng cách cung cấp cho Hezbollah và Houthi các máy bay không người lái và tên lửa chống hạm, Iran đang cung cấp cho các đối tác của mình phương tiện để gây ra những tổn thất đáng kể lên Israel bằng cách nhắm mục tiêu vào các cảng và tàu vận chuyển của nước này. Trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột, các nhóm được Iran hậu thuẫn có thể tấn công các mục tiêu của Israel cả trên bộ và trên biển. Mỹ cũng có thể gặp khó khăn hơn trong việc cung cấp viện trợ và hỗ trợ hậu cần cho Israel, vì tàu của nước này sẽ dễ bị Iran và đồng minh tấn công. Chỉ cần thiết lập những khả năng này sẽ tăng cường đòn bẩy của Iran đối với Israel, quốc gia hiện phải tính đến nguy cơ chống lại các cuộc tấn công trên nhiều mặt trận vào kế hoạch chiến lược của riêng mình.
Một số động cơ của Tehran là mang tính phòng thủ. Iran tìm cách sử dụng sự hiện diện trên biển của mình để tăng chi phí xung đột cho các đối thủ của mình, cho dù là Israel, Mỹ hay một thế lực thù địch khác. Họ có thể làm được điều này bằng cách mài giũa khả năng cản trở các tuyến đường vận chuyển quốc tế, như phong trào Houthi đã làm trong cuộc chiến ở Gaza. Để củng cố khả năng này hơn nữa, Iran đã cố gắng dù là không thành công đi chăng nữa, thiết lập một căn cứ hải quân trên bờ Biển Đỏ của Sudan để đổi lấy việc cung cấp vũ khí tiên tiến cho Lực lượng Vũ trang Sudan. Cùng với ảnh hưởng của mình đối với phong trào Houthi, một căn cứ ở Sudan sẽ giúp Iran tiếp cận một điểm nghẽn trên biển từ hai hướng. Theo tính toán của Tehran, nếu kẻ thù của họ được đảm bảo rằng một cuộc giao tranh trong khu vực sẽ thúc đẩy thương mại toàn cầu, thì họ sẽ ít gặp rủi ro hỗn loạn kinh tế hơn khi đụng độ với lực lượng Iran hoặc tiến hành một cuộc tấn công vào đất Iran.
Cuối cùng, hoạt động trên biển đã trở nên hấp dẫn hơn, vì sự giám sát của Israel khiến Iran ngày càng gặp khó khăn trong việc buôn lậu vũ khí cho các đồng minh bằng đường bộ và đường hàng không. Các tuyến đường truyền thống như “cầu đất liền” nối Iran với Syria và Lebanon qua Iraq và “hành lang trên không” nối Iran với Syria qua Iraq đã trở nên nguy hiểm khi các hoạt động tình báo của Israel xác định các chuyến vận tải này và các cuộc không kích của Israel làm gián đoạn chúng. Trái ngược với những tuyến đường trên, vận tải hàng hải ít bị giám sát chặt chẽ hơn và mang lại sự linh hoạt hơn trong việc thay đổi tuyến đường và sử dụng các loại tàu khác nhau, cho phép Iran duy trì nguồn cung cấp vũ khí ổn định cho các đồng minh của mình.
Hướng tới việc giảm thiểu các mối đe dọa
Ngay cả khi Iran định hướng lại chiến lược hàng hải của mình, sức mạnh hải quân thông thường của nước này vẫn thua kém so với Mỹ và hầu hết các đồng minh của Washington Nhưng điều đó không có nghĩa là các hoạt động của Iran trên biển không gây ra mối đe dọa. Mối nguy hiểm thực sự là khả năng ngày càng tăng của Tehran trong việc tiến hành chiến tranh bất đối xứng trong các lĩnh vực hàng hải, sử dụng kết hợp các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái, hoạt động thông qua lực lượng dân quân ủy quyền và kiểm soát các tuyến đường thủy chiến lược nhằm nhắm vào lợi ích của Mỹ.
Mối quan hệ ngày càng sâu sắc của Iran với Trung Quốc và Nga làm tăng thêm mối đe dọa. Tehran không chỉ có thể có được công nghệ hải quân tiên tiến và kinh nghiệm tiến hành chiến tranh hải quân hiệu quả thông qua các mối quan hệ đối tác này, mà các hoạt động hàng hải của mỗi quốc gia, dù được tổ chức có phối hợp hay không cũng có thể phục vụ mục tiêu chung là thách thức sự thống trị của Mỹ trên biển. Như được thể hiện qua sự thất bại của chiến dịch quân sự do Mỹ và Anh dẫn đầu nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của phong trào Houthi nhằm vào các tàu ở Biển Đỏ, các hoạt động hải quân bất đối xứng rất khó chiến đấu, đặc biệt là khi chúng diễn ra ở vùng biển xa. Nếu Iran, Trung Quốc và Nga chỉ đạo các cuộc tấn công hàng hải vào tài sản hải quân và tàu thương mại của Mỹ cùng lúc và trên nhiều khu vực địa lý, họ có thể áp đảo lực lượng hải quân Mỹ.
Mỹ phải hành động để giảm thiểu mối đe dọa hàng hải của Iran. Bằng cách thúc đẩy các sáng kiến ngoại giao nhằm phát triển các tuyến đường quá cảnh quốc tế thay thế, Washington và các đối tác có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào các tuyến đường dễ bị tổn thương. Một sáng kiến như vậy là hành lang Ấn Độ – Trung Đông – Châu Âu. Mỹ nên tập hợp các chủ thể liên quan bao gồm Ấn Độ, Israel, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Liên minh Châu Âu để đảm bảo nguồn tài trợ, đặt ra các cột mốc cụ thể và đẩy nhanh việc xây dựng đường sắt, bến cảng và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác. Washington cũng có thể thúc đẩy dự án kinh tế này bằng cách khuyến khích các công ty Mỹ đầu tư thông qua quan hệ đối tác công tư. Theo cách tương tự, Mỹ có thể hỗ trợ cho dự án Con đường Phát triển, kết nối Vịnh Ba Tư với Thổ Nhĩ Kỳ và Châu Âu thông qua Iraq. Washington có thể hỗ trợ hoạt động liên doanh này bằng cách hỗ trợ chính phủ Iraq trong nỗ lực tăng cường an ninh dọc tuyến đường và bằng cách thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn giữa Baghdad và Ankara. Mỹ cũng có thể giúp Iraq đảm bảo các khoản vay hoặc trợ cấp cho dự án thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
Tehran nhận thấy cần phải đa dạng hóa các lựa chọn để chống lại Mỹ
Washington có thể khuyến khích các đối tác của mình ở vùng Vịnh sử dụng mối quan hệ đang được cải thiện với Tehran để giảm nguy cơ xung đột trên biển. Cả Iran và các thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh đều bày tỏ mối quan tâm của họ đối với an ninh khu vực và bước tiếp theo là họ phải phát triển một khuôn khổ có sự đảm bảo rằng tất cả các bên sẽ tôn trọng thương mại và vận chuyển quốc tế ở Vịnh Ba Tư và Eo biển Hormuz. Một hiệp ước không xâm lược giữa Iran và các nước láng giềng có thể là bước đầu tiên hướng tới khuôn khổ an ninh khu vực, vì nó sẽ thúc đẩy niềm tin và giảm nguy cơ đụng độ trên biển. Mỹ cần nói rõ với các đối tác của mình rằng họ ủng hộ các cuộc đàm phán như vậy.
Chính quyền Biden cũng nên cố gắng đưa Iran vào nền kinh tế toàn cầu, mặc dù theo những cách hạn chế. Các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu đã hạn chế thương mại quốc tế của nước này, khiến Tehran ít bị tổn thất hơn khi cản trở các tuyến đường quá cảnh. Việc tăng chi phí làm gián đoạn thương mại toàn cầu đối với Iran có thể giúp thay đổi tính toán của nước này. Một bước mà Washington có thể thực hiện theo hướng này là gia hạn miễn trừ trừng phạt, cho phép Ấn Độ tiến hành các kế hoạch phát triển và quản lý cảng Chabahar của Iran.
Cùng với những nỗ lực ngoại giao của mình, Mỹ nên thúc giục các đối tác trong khu vực thực hiện các biện pháp quân sự để ngăn chặn thách thức hàng hải của Iran. Các cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ Ả Rập – Israel mang đến cơ hội đảm bảo những cam kết như vậy. Một liên minh quân sự chính thức bao gồm Israel, Ả Rập Saudi và các quốc gia vùng Vịnh chắc chắn sẽ khiêu khích Iran, nhưng những cuộc đàm phán này có nhiều khả năng mang lại các hình thức hợp tác hẹp hơn, chẳng hạn như các điều khoản về chia sẻ thông tin tình báo hàng hải thường xuyên và hỗ trợ kỹ thuật, hậu cần. Những nỗ lực này sẽ đặc biệt có ý nghĩa nếu một thỏa thuận an ninh hàng hải khu vực bao gồm cả Tehran không thành hiện thực. Trong kịch bản đó, các quốc gia vùng Vịnh sẽ tìm kiếm những cách khác để kiềm chế sức mạnh của Iran trên biển, bao gồm cả hợp tác quân sự với Mỹ.
Mối quan hệ hợp tác với các đồng minh châu Âu của Washington cũng quan trọng không kém. Các lực lượng châu Âu đã tham gia chiến dịch chống lại lực lượng Houthi ở Biển Đỏ, nhưng khả năng triển khai nhanh chóng và duy trì các hoạt động xa căn cứ của họ còn hạn chế. Để trang bị cho quân đội của họ khả năng ứng phó nhanh chóng với các mối đe dọa hải quân bất đối xứng trong tương lai, các chính phủ châu Âu phải tăng số lượng tàu được triển khai ở phía trước trong hạm đội của họ và cải thiện hỗ trợ hậu cần.
Khi hệ thống phòng thủ hàng hải của Iran hình thành, Mỹ và các đồng minh cần phải chuẩn bị sẵn sàng. Chiến lược của Iran được thiết kế một cách linh hoạt, cho phép nước này nâng cao nguy cơ xung đột trong khu vực và đe dọa lợi ích của Mỹ ở nhiều nơi cùng một lúc. Washington sẽ cần sử dụng đầy đủ các công cụ ngoại giao và quân sự của mình để kiềm chế việc Tehran tìm kiếm lợi thế trên biển./.
Biên dịch: Duy Hưng
Tác giả: Hamidreza Azizi là Nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Viện các vấn đề quốc tế và an ninh Đức và là Nghiên cứu viên không thường trú tại Hội đồng Trung Đông về các vấn đề toàn cầu.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]