Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang tận dụng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và khủng hoảng của phương Tây và Moscow để tăng cường sức mạnh của mình ở trong và ngoài nước.
Thụy Điển và Phần Lan đã từ bỏ lịch sử trung lập lâu đời khi cả hai nước quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO. Tuy nhiên, hai quốc gia Bắc Âu đang phải đối mặt với một trở ngại lớn trên con đường trở thành thành viên của liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới, đó là Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố ông sẽ không chấp nhận kết nạp Thụy Điển và Phần Lan vào NATO. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chính sách “mở cửa” của liên minh, quyền phủ quyết của Ankara phản ánh mục tiêu của họ là thay đổi hiện trạng và tạo ra lợi ích ở ba khu vực: Đông Địa Trung Hải, Syria và chính trị trong nước.
Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ “không mấy êm đềm” với NATO. Năm 2009, Ankara đã phản đối việc bổ nhiệm cựu Thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen làm Tổng thư ký NATO. Vào năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiến dịch quân sự chống lại lực lượng người Kurd ở Syria. Điều này khiến Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chỉ trích Ankara vì đã “gây trở ngại” cho cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Chiến sự Nga – Ukraine đang diễn ra trong bối cảnh các thực tế địa chính trị khác nhau, bao gồm sự xấu đi trong mối quan hệ giữa phương Tây và Nga cũng như bối cảnh chính trị trong nước mới ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp
Cuộc đối đầu giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến căng thẳng giữa Washington và Ankara, vốn đã hình thành trong một khoảng thời gian.
Năm 2017, khi Tổng thống Erdogan và Tổng thống Vladimir Putin đồng ý về một thỏa thuận mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga, Mỹ đã đáp trả bằng việc loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình phát triển máy bay chiến đấu F-35 và cấm Ankara mua loại tiêm kích này.
Chính quyền Tổng thống Biden được cho là đang xem xét bỏ lệnh cấm này trong những tháng gần đây, khiến Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đề nghị Quốc hội Mỹ xem xét lại.
Hy Lạp đóng vai trò quan trọng trong năng lượng ở phía Đông Địa Trung Hải. Việc tìm kiếm các nguồn năng lượng ở vùng biển tranh chấp phía Đông Địa Trung Hải cũng như nhu cầu vận chuyển khí đốt tự nhiên xuất khẩu sang châu Âu của Ai Cập đã tạo nên liên minh giữa Hy Lạp, Israel, Ai Cập và Cộng hòa Síp, một khối không bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi việc tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế cho châu Âu tiếp tục diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ với Nga rạn nứt vì cuộc chiến ở Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ nhận thấy đây là cơ hội để phá vỡ sự cô lập của mình bằng cách trở thành một trung tâm năng lượng cho phương Tây.
Tuy nhiên, Thỗ Nhĩ Kỳ cho rằng việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO có thể là gia tăng sự phản đối về lợi ích năng lượng của Ankara trong liên minh có lợi cho Hy Lạp và Cộng hòa Síp.
Thổ Nhĩ Kỳ và YPG
Trong khi đó, Thụy Điển và Phần Lan đã thực hiện lệnh cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2019, được thúc đẩy bởi các hoạt động quân sự của Ankara chống lại Lực lượng Phòng vệ Nhân dân người Kurd (YPG) ở miền Bắc Syria. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng YPG là chi nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và EU coi là khủng bố.
Thụy Điển là nơi có số lượng lớn người Kurd tị nạn, ước tính hơn 100.000 người. Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã lo ngại về mối quan hệ giữa giới lãnh đạo Thụy Điển và Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD).
Những lo ngại này trở nên sâu sắc hơn sau khi bà Magdalena Andersson được bầu làm Thủ tướng Thụy Điển vào năm 2021, một phần là kết quả của sự ủng hộ của một thành viên người Kurd ở Quốc hội. Có nguồn tin cho rằng sự hỗ trợ đã được đảm bảo để đổi lấy sự hợp tác ngày càng tăng giữa Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển và PYD.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố rằng Thụy Điển cung cấp thiết bị quân sự cho người Kurd, điều Ankara chỉ trích là đi ngược lại “tinh thần của liên minh”.
Giống như ở phía Đông Địa Trung Hải, bối cảnh địa chính trị mới tạo cơ hội cho Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi hiện trạng có lợi cho mình. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo được sự nhượng bộ của Thụy Điển và Phần Lan về việc giảm hỗ trợ cho người Kurd ở Syria, đây sẽ được coi là một chiến thắng quan trọng đối với Ankara.
Bên cạnh đó, đảm bảo rằng Thụy Điển và Phần Lan sẽ không phản đối việc chuyển giao thiết bị quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ hoặc phủ quyết việc kích hoạt Điều 5 NATO trong trường hợp Ankara bị tấn công, cũng sẽ là một lợi ích đáng kể.
Chính trị trong nước
Chính trị trong nước đóng một vai trò quan trọng trong các hoạt động ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo các cuộc thăm dò mới nhất, Tổng thống Erdogan đang phải đối mặt với sự phản đối gay gắt trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2023. Đảng Công lý và Phát triển của Tổng thống Erdogan có thể mất đa số nghị viện vào tay một liên minh đối lập do khủng hoảng kinh tế tại nước này ngày càng sâu sắc và lạm phát cao.
Việc thể hiện lập trường cứng rắn chống lại Thụy Điển và sự ủng hộ của Phần Lan đối với lực lượng người Kurd ở Syria cũng có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Tất cả tạo nên chiến lược “tâm lý bao vây”, có thể sẽ là xương sống của chiến dịch bầu cử của chính phủ Tổng thống Erdogan trong những tháng tới. Chính phủ có thể tạo ra các liên kết chặt chẽ giữa các đảng đối lập và các mối đe dọa bên trong và bên ngoài để chuyển trọng tâm khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc đang bao trùm đất nước.
Thổ Nhĩ Kỳ không thể trì hoãn tư cách thành viên của Thụy Điển và Phần Lan mãi mãi, nhưng có thể Ankara sẽ nhận được một số đảm bảo mà họ tìm kiếm./.
Nguồn: Mai Trang/VOV.VN
Xem thêm tại: VOV.VN