Ngày 21 tháng 2 năm 2023, Tổng thống Nga V. Putin gửi đi Thông điệp Liên bang, lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Người đứng đầu Điện Kremli đã nêu rõ những thách thức hiện nay, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến những biến động của nền kinh tế và mối đe doạ của một cuộc xung đột hạt nhân.
Thông điệp Liên bang của Tổng thống Nga mang âm hưởng địa chính trị vì nó được công bố nhân dịp tròn một năm nước này triển khai chiến dịch đặc biệt tại Ukraine. Dưới đây là tóm tắt những nội dung nổi bật nhất:
Về chiến dịch quân sự đặc biệt
Ngay trong phần mở đầu, người lãnh đạo nước Nga V. Putin đã khẳng định toàn cầu đang trải qua những biến động mạnh mẽ, bắt đầu bằng chiến dịch đặc biệt trên “vùng đất lịch sử” của nước này. Ông nói: “Moskva từ lâu đã cố gắng tránh sự leo thang của các sự kiện như vậy, do đó đã tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán tìm kiếm giải pháp hoà bình cho xung đột ở Donbass”. Thế nhưng “các quốc gia phương Tây không quan tâm đến điều này, họ nhắm mắt làm ngơ trước sự vô pháp của chính quyền Ukraine, bao gồm cả việc xây dựng các quân đoàn dân tộc chủ nghĩa và còn có ý định muốn sở hữu vũ khí hạt nhân”.Tháng 2 năm 2022, Ukraine lên kế hoạch tấn công Donbass, phá bỏ hoàn toàn các thoả thuận Minsk, “buộc Nga dùng vũ lực để ngăn chặn hành động gây hấn của Ukraine”.
Về các âm mưu “chống Nga”
Trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Nga sử dụng những lời lẽ gay gắt hướng tới các chính trị gia phương Tây, gọi họ là “những kẻ thiếu trung thực và đạo đức giả”. Ông chỉ rõ: “Trải qua hàng thế kỷ dài là thực dân, họ đã quen với việc bị cả thế giới phỉ báng. Đồng thời, giới tinh hoa phương Tây tìm cách lừa dối lại cả chính đồng bào của họ”. Ở phương Tây, các vấn đề nội bộ đang leo thang mà chính quyền địa phương không có cách giải quyết. Để chuyển hướng sự chú ý của người dân, họ buộc phải thực hiện “dự án chống Nga” ở Ukraine. Tổng thống Nga khẳng định: “nước Nga không gây chiến tranh với người dân Ukraine. Kẻ thù của Nga là chế độ Kiev – con rối trong tay các nước phương Tây”.
Về các lệnh trừng phạt và kinh tế Nga
Tổng thống Nga V. Putin tố cáo phương Tây đang “cố gắng huỷ hoại nền kinh tế Nga để làm cho người Nga đau khổ, nhưng hậu quả là chính họ phải chịu trận”. Ở châu Âu và Mỹ, giá cả lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp đang tăng lên, kèm với đó là khủng hoảng năng lượng. Trong khi đó, “nền kinh tế Nga lại tỏ ra mạnh mẽ hơn nhiều so với dự tính của phương Tây”. Cụ thể, tổng thu nhập GDP của Nga có giảm nhưng không phải 25% như phương Tây dự đoán mà chỉ 2,1%. Nga tích cực hạn chế giao dịch ngoại tệ bằng đồng đô la và đang xây dựng một hệ thống tài chính độc lập. Nông nghiệp Nga tăng trưởng hai con số: sản lượng ngũ cốc đạt kỷ lục với 150 triệu tấn. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,7% – mức thấp lịch sử.
Tổng thống Nga cho biết cơ cấu nền kinh tế nước này đang có sự thay đổi, trong đó ưu tiên các thị trường châu Á – Thái Bình Dương và thị trường nội địa. Chính phủ Nga đã thông qua các quyết định nhằm phát triển các cảng thuộc biển Đen và biển Azov, đặc biệt chú ý tới hành lang “Bắc-Nam”, đẩy mạnh hiện đại hoá các hệ thống đường sắt Trans-Siberia và Baikal-Amur, đầu tư mới vào dự án Đường biển phương Bắc. Vào năm 2023, một chương trình khổng lồ để xây dựng và sửa chữa nhà ở và các dịch vụ công cộng sẽ bắt đầu – trong 10 năm tới sẽ đầu tư ít nhất 4,5 nghìn tỷ RUB vào lĩnh vực này. Đồng thời, Nga sẽ chú trọng phát triển công nghệ thông tin, các sản phẩm trí tuệ nhân tạo.
Kế hoạch khôi phục Donbass
Tổng thống Nga V. Putin gửi những lời đặc biệt tới cư dân của Cộng hoà Nhân dân Donetsk và Lugansk, vùng Zaporozhye và Kherson. Ông nói: “Các bạn đã tự quyết định tương lai của mình qua các cuộc trưng cầu dân ý, thực hiện quyền bỏ phiếu, mặc cho những hiểm nguy và khủng bố của những kẻ phát xít mới. Không có gì mạnh mẽ hơn quyết tâm của các bạn để song hành với nước Nga – Tổ quốc của các bạn”. Đồng thời, ông thông báo chính quyền liên bang đã bắt đầu và sẽ tiếp tục xây dựng một chương trình phục hồi kinh tế-xã hội quy mô lớn cho các chủ thể mới này của nước Nga. Cụ thể là khôi phục lại các nhà máy, xí nghiệp, các cảng biển Azov, xây dựng các con đường mới hiện đại như đã làm ở Crimea. Các thành phố và thị trấn bị phá huỷ đang được cả nước xây dựng lại.
Đình chỉ Hiệp ước START-3
Điều đáng chú ý nhất trong Thông điệp Liên bang của V. Putin là việc ông tuyên bố Nga tạm ngưng Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược START với Mỹ. Tổng thống Nga giải thích rằng phương Tây đang sử dụng Hiệp ước này như một công cụ để làm suy yếu nước Nga. Vài tuần trước, NATO đã yêu cầu Nga cho phép các chuyên gia của họ tiếp cận với các cơ sở hạt nhân của nước này. Người lãnh đạo Nga cảm thấy điều này thật phi lý: “Rõ ràng phương Tây đã can dự trực tiếp và hỗ trợ cho chế độ Kiev tấn công các căn cứ không quân chiến lược của chúng ta. Máy bay không người lái được sử dụng cho việc này đã được trang bị và hiện đại hoá bằng sự hỗ trợ của các chuyên gia NATO. Và bây giờ họ còn muốn kiểm tra các cơ sở quốc phòng của chúng ta… Đây là đỉnh cao của đạo đức giả, hoặc đỉnh cao của sự ngu ngốc”. Ông cũng lên tiếng cáo buộc các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ và NATO đang nhắm vào Nga; đồng thời tỏ ra lo ngại về dự án phát triển các loại đạn mới của họ. Trong tình huống này, Tổng thống Nga yêu cầu Bộ quốc phòng phải đảm bảo sẵn sàng cho việc thử nghiệm hạt nhân của Nga như một biện pháp đáp trả khi cần thiết.
Việc Tổng thống Nga V. Putin tuyên bố tạm ngừng tham gia Hiệp ước hạn chế vũ khí tấn công chiến lược là chủ đề nghị sự quốc tế nóng nhất hiện nay. Hiệp ước START được ký kết tại Prague (Czech) năm 2010, có hiệu lực sau đó một năm và được gia hạn thêm 5 năm vào năm 2021. Hiệp ước này giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược cùng các phương tiện vận chuyển của chúng mà cả Nga và Mỹ có thể triển khai. Hai cường quốc này nắm giữ khoảng 90% đầu đạn hạt nhân của thế giới, đủ để huỷ diệt hành tinh nhiều lần. Nga hiện có số lượng vũ khí lớn nhất với 6000 đầu đạn.
Tuy nhiên, hành động của ông V. Putin là hoàn toàn lô-gíc. Hiệp ước START được ký kết vào thời điểm cả Nga và Mỹ đang nỗ lực “tăng cường hợp tác chiến lược trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau, cởi mở, có thể dự đoán và được hướng dẫn bởi nguyên tắc an ninh tập thể không chia cắt”. Nhưng trong bối cảnh Mỹ tiến hành chiến tranh uỷ nhiệm tại Ukraine và đưa ra hàng loạt các biện pháp chống Nga thì các nỗ lực đó đã thất bại và Nga không cần thiết phải tuân thủ các điều khoản đã ký kết.
Song rõ ràng, bản thân Nga không muốn phá huỷ hoàn toàn cơ chế kiểm soát vũ khí chiến lược với Mỹ, đó là lý do tại sao mà Tổng thống Nga không rút khỏi Hiệp ước mà chỉ nói đình chỉ tham gia. Sau tuyên bố của Tổng thống V. Putin, Bộ Ngoại giao Nga đã đưa thêm lưu ý rằng, Nga sẽ tiếp tục tuân thủ các hạn chế định lượng do START quy định cho đến hết thời hạn đã được ký kết. Tuy nhiên, việc đình chỉ Hiệp ước này khiến cho các bên đối đầu càng thêm nghi kỵ lẫn nhau, có thể thúc đẩy hơn nữa cuộc chạy đua vũ trang trong thời gian tới.
Tổng hợp: Giang Đinh