Ngày 14/8, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã khiến chính giới nước này chấn động khi tuyên bố sẽ không tái tranh cử nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) vào tháng 9 này, đồng nghĩa với nhiệm kỳ thủ tướng của ông cũng chấm dứt sau 3 năm nắm quyền. Mặc dù đã có nhiều đồn đoán thời gian qua về việc ông Kishida sẽ từ chức sau hàng loạt các bê bối trên chính trường Nhật Bản nhưng thời điểm ông đưa ra tuyên bố có thể coi là đột ngột vì đúng vào mùa lễ Obon vốn yên tĩnh ở Nhật Bản. Quyết định của ông Kishida mở đường cho việc bầu chọn một thủ tướng mới cho “xứ sở hoa anh đào” và với việc LDP kiểm soát cả hai viện của Quốc hội, nhà lãnh đạo đảng LDP tiếp theo chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng Nhật Bản. Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều người quan tâm hiện nay là ai sẽ đủ năng lực và tín nhiệm để có thể trở thành thủ tướng tiếp theo của nước Nhật và tương lai chính trị của Nhật Bản sẽ như thế nào trong thời gian tới?
Điều gì đã khiến ông Kishida từ chức?
Ông Kishida Fumio, hiện 67 tuổi, đã lãnh đạo đảng LDP giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10/2021 và giữ vững sự kiểm soát của liên minh của ông tại Thượng viện Quốc hội Nhật Bản trong năm sau đó. Tuy nhiên, tỷ lệ xếp hạng tín nhiệm của ông Kishida càng ngày càng sụt giảm và áp lực phải từ chức đã gia tăng trong nhiều tháng, nhất là sau khi đảng LDP vướng vào bê bối gây quỹ chính trị cũng như sự thất vọng ngày càng tăng của người dân Nhật Bản với các chính sách kinh tế kém hiệu quả của chính quyền Thủ tướng Kishida.
Ngày 14/8, trong cuộc họp báo công bố quyết định không tái tranh cử chức Chủ tịch đảng LDP, Thủ tướng Kishida Fumio phát biểu rằng: “Chính trị không thể hoạt động nếu không có lòng tin của công chúng. Tôi đã đưa ra quyết định quan trọng này khi nghĩ đến người dân, với mong muốn thúc đẩy cải cách chính trị”.
Quyết định từ chức của ông Kishida có thể bất ngờ ở tính thời điểm, tuy nhiên, nó là điều mà ông Kishida phải làm để có thể cứu vãn và lấy lại niềm tin của cử tri Nhật Bản đối với đảng LDP cũng như tương lai chính trị của đảng trên chính trường Nhật Bản. Một thủ tướng đương nhiệm không thể tham gia tranh cử chủ tịch đảng cầm quyền khi không chắc chắn sẽ giành chiến thắng, hơn nữa, điều quan trọng là cần phải giành chiến thắng một cách thuyết phục.
Những nguyên nhân chính dẫn đến sự “ra đi” của Thủ tướng Kishida phải kể đến bao gồm:
Một là, hàng loạt bê bối kéo đến dồn dập liên quan đến đảng LDP cầm quyền, các đồng minh thân cận nhất trong đảng và thậm chí cả gia đình Thủ tướng Kishida đã nhấn chìm uy tín của Thủ tướng Kishida và đảng LDP. Tháng 8/2022, dư luận Nhật Bản dậy sóng khi kết quả điều tra của LDP cho thấy có tới 50% nghị sĩ của đảng (179/379) có quan hệ nhất định với Giáo hội Thống nhất hoặc các tổ chức liên quan đến giáo hội này. Đây là tổ chức gây ra nhiều chú ý vì bị nghi ngờ có liên quan đến vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Ông Kishida đã bị chỉ trích vì xử lý kém mối quan hệ giữa LDP với Giáo hội Thống nhất gây tranh cãi và vụ bê bối quỹ đen lớn liên quan đến việc báo cáo không đầy đủ thu nhập quá mức từ các sự kiện gây quỹ. Những nỗ lực cải cách, bao gồm giải tán các phe phái chính trong đảng và thắt chặt luật kiểm soát quỹ chính trị, không mang lại cho ông sự bình yên và đảng này đã phải chao đảo.
Sóng gió này chưa qua, sóng gió khác ập đến với ông Kishida khi tháng 12/2023, các đồng minh thân cộng với ông trong đảng LDP phải từ chức vì bị cáo buộc bỏ túi hàng triệu đôla tiền quỹ của đảng. LDP và bản thân ông Kishida đã bị chỉ trích nặng nề vì không chịu trách nhiệm về vụ bê bối gây quỹ. Những nỗ lực nhằm khôi phục lòng tin của công chúng bằng cách trừng phạt một số nhà lập pháp và sửa đổi luật kiểm soát quỹ chính trị bị đánh giá là chưa đạt yêu cầu cần thiết. Bên cạnh đó, trong năm 2023, ông Kishida đã phải cách chức vị trí Trợ lý thủ tướng của con trai mình là Kishida Shotaro vì “cư xử không phù hợp”.
Hai là, áp lực buộc ông Kishida phải từ chức đã gia tăng trong nhiều tháng khi tỷ lệ tín nhiệm cho chính phủ của ông đã giảm xuống dưới 30% kể từ cuối năm 2023, lại bị đè nặng bởi vụ bê bối gây quỹ chính trị nhấn chìm LDP. Với việc thủ tướng được yêu cầu phải triệu tập một cuộc bầu cử toàn quốc chậm nhất là vào tháng 10/2025, các thành viên LDP ngày càng lo lắng trước viễn cảnh phải đối mặt với các cuộc bỏ phiếu với ông Kishida là người lãnh đạo của Đảng. Hơn nữa, sau một chuỗi thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương, hồi kết đã đến với ông Kishida khi ông đã không giành được sự ủng hộ từ các đối thủ nặng ký trong đảng, những người đang có quan hệ căng thẳng với ông vì cách ông xử lý vụ bê bối quỹ đen. Do đó, việc làm cấp bách hiện nay của LDP là phải tạo ra sự thay đổi thực chất trong đảng LDP để khôi phục niềm tin, sự ủng hộ của người dân Nhật Bản với đảng nhằm đảm bảo chiến thắng trong các cuộc bầu cử sắp tới và sự “ra đi” của ông Kishida là điều tất yếu.
Ba là, người dân Nhật Bản ngày càng thất vọng với cách điều hành kinh tế của chính quyền Thủ tướng Kishida khi tình trạng giá cả ngày càng leo thang do đồng Yên yếu. Ông Kishida từng là thành viên cốt lõi trong nội các của Thủ tướng Shino Abe, giữ chức ngoại trưởng, nhưng khi ngồi vào ghế thủ tướng, ông đã hứa sẽ xây dựng một “chủ nghĩa tư bản mới” nhằm phân phối của cải quốc gia một cách công bằng hơn và thúc đẩy tăng trưởng, như một giải pháp thay thế cho “Abenomics” đặc trưng của người tiền nhiệm – tập trung vào chi tiêu tài chính, chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, và cải cách cơ cấu.
Các nhà phê bình cho rằng, chủ nghĩa tư bản mới của Thủ tướng Kishida chưa bao giờ thực sự thành công. Nhà kinh tế học Jesper Koll, đồng thời là Đại sứ toàn cầu của Tập đoàn tư vấn đầu tư Monex Group đánh giá, đã có những sự thay đổi nhỏ nhưng khi nhìn sâu vào vấn đề thì đó lại chỉ là “chi tiêu tài chính nhiều hơn”. Hơn nữa, việc ngân hàng Trung ương Nhật Bản quyết định tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 15 năm qua, và ra tín hiệu sẵn sàng tăng chi phí vay hơn nữa do triển vọng lạm phát đạt mục tiêu 2% trong thời gian dài đã “gây chấn động” không chỉ giới tài chính Nhật Bản mà cả giới tài chính toàn cầu.
Đáng chú ý, ông Kishida càng mất uy tín khi ép các công ty thực hiện đợt tăng lương lớn nhất trong 30 năm ở mức 5,1% đối với các tập đoàn lớn. Tuy nhiên, trớ trêu thay, mức tăng lương này vẫn không theo kịp lạm phát do đồng yên yếu. Hơn nữa, việc giảm thuế mà chính quyền Thủ tướng Kishida đưa ra và có hiệu lực từ tháng 6 vẫn không thể ngăn được tỷ lệ ủng hộ Kishida ngày càng sụt giảm. Bên cạnh đó, tỷ lệ ủng hộ thủ tướng ngày càng sụt giảm còn liên quan đến 04 cam kết chính sách tốn kém mà không có câu trả lời rõ ràng về cách đất nước sẽ chi trả như thế nào. Các sáng kiến về quốc phòng, tỷ lệ sinh và phi carbon của ông Kishida đòi hỏi chi tiêu công kéo dài nhiều năm. Nhưng các kế hoạch tài trợ rộng rãi được đưa ra cho từng sáng kiến thường không có lộ trình thực hiện rõ ràng hoặc phải đối mặt với sự phản đối của công chúng.
Hơn nữa, Thủ tướng Kishida không thể đứng vững trên chính trường, một phần còn bởi sự thiếu quyết đoán của ông trong cách xử lý các vấn đề tranh cãi và các bê bối xung quanh mình. Các nhà phân tích cũng đánh giá rằng, sự rút lui khỏi cuộc đua lãnh đạo LDP của ông Kishida còn phản ánh một thực tế là, những thay đổi chiến lược về chính sách an ninh và đối ngoại của ông Kishida đã không thể chuyển thành sự ủng hộ trong nước bởi các sáng kiến như chiến lược kinh tế của ông – cái mà ông gọi là “hình thức chủ nghĩa tư bản mới”, bao gồm thị trường lao động và các cải cách khác – không được công chúng ủng hộ.
Di sản chính trị của Thủ tướng Kishida Fumio
Với gần ba năm tại vị, mặc dù không được lòng dân nhưng khách quan đánh giá, ông Kishida đã để lại di sản về sự thay đổi lịch sử trong chính sách quốc phòng và an ninh quốc gia của Nhật Bản, khi xây dựng được một liên minh chặt chẽ hơn với Mỹ và quan hệ nồng ấm hơn với Hàn Quốc. Trong một tuyên bố được đưa cùng ngày 14/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ca ngợi “sự lãnh đạo dũng cảm” của ông Kishida đã “biến đổi vai trò của Nhật Bản trên thế giới”.
Một là, về an ninh quốc gia: Nhiệm kỳ thủ tướng của ông Kishida cũng được đánh dấu bằng môi trường an ninh thay đổi nhanh chóng, thúc đẩy Nhật Bản xem xét lại chính sách hòa bình truyền thống của mình. Ông Kishida đã thúc đẩy kế hoạch tăng cường quân sự lớn nhất của Nhật Bản kể từ Thế chiến thứ hai với cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng nhằm đối phó với những nguy cơ an ninh trong khu vực.
Các chiến lược an ninh quốc gia và quốc phòng của chính phủ Thủ tướng Kishida Fumio được công bố vào tháng 12/2022, là những tài liệu lịch sử cho thấy những những thay đổi mang tính đột phá của Nhật Bản nhằm ứng phó với môi trường an ninh khu vực đang xấu đi nhanh chóng. Thủ tướng Kishida đã phá vỡ tiền lệ 50 năm khi quyết định tăng chi tiêu quốc phòng lên gần 2% GDP. Quyết định mua vũ khí tấn công chính xác tầm xa của ông đảo ngược chính sách đã có từ những năm 1950 và ông là người ủng hộ hợp tác quân sự sâu rộng hơn, tích hợp hơn với Mỹ.
Hai là, về chính sách đối ngoại: Dù tín nhiệm của người dân Nhật Bản với Thủ tướng Kishida lao dốc theo thời gian nhưng uy tín của ông cũng như chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời gian ông tại vị được đánh giá cao. Ông Kishida là nhà ngoại giao kỳ cựu, là ngoại trưởng tại vị lâu nhất của Nhật Bản trước khi trở thành Thủ tướng. Trên cương vị lãnh đạo đất nước, ông Kishida đã giúp Nhật Bản nâng cao uy tín và vị thế trên trường quốc tế, thắt chặt quan hệ đồng minh với Mỹ, “làm tan băng” quan hệ với Hàn Quốc, đồng minh quan trọng của Nhật Bản ở Đông Á. Với sự ủng hộ và khuyến khích của Mỹ, mối quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc được cải thiện rõ rệt, cho phép hai nước và đồng minh chung của họ là Mỹ theo đuổi hợp tác an ninh sâu sắc hơn. Các nhà quan sát chính trị đánh giá, có lẽ điều quan trọng nhất là ông Kishida đã nắm bắt được viễn cảnh tái thiết mối quan hệ với Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Yoon Suk Yeol. Ngày nay, mối quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc mạnh mẽ hơn bất kỳ thời điểm nào trong thời gian qua, với sự nhấn mạnh lớn hơn vào các lợi ích chung và hợp tác ba bên với Mỹ.
Những thành công về ngoại giao của ông Kishida không chỉ bao gồm việc củng cố liên minh với Mỹ, Hàn Quốc mà còn là với các đối tác trong khuôn khổ Quad là Úc và Ấn Độ. Mối quan hệ giữa Nhật Bản với Mỹ và EU cũng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Vai trò lãnh đạo của Thủ tướng Kishida với tư cách là chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima năm 2023 là một mô hình định hình các chuẩn mực quản trị toàn cầu và thu hút thế giới đang phát triển.
Ai sẽ là người kế nhiệm ông Kishida?
Việc Thủ tướng Kishida Fumio quyết định không tái tranh cử chức Chủ tịch đảng LDP cầm quyền vào tháng 9/2024 tạo điều kiện để các gương mặt tiềm năng trong đảng tham gia cuộc đua giành vị trí này. Người thắng cử sẽ trở thành lãnh đạo LDP và trở thành thủ tướng vì đảng này đang chiếm đa số trong Quốc hội Nhật Bản.
Theo quy định, các ứng viên tham gia cuộc đua giành chức Chủ tịch đảng LDP phải đảm bảo sự ủng hộ từ 20 nghị sĩ của họ trong Quốc hội. Các ứng viên tiềm năng có thể kể đến bao gồm Tổng thư ký LDP Motegi Toshimitsu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ishiba Shigeru và Bộ trưởng Kỹ thuật số Kono Taro. Những ứng viên khác gồm Bộ trưởng Môi trường Koizumi Shinjiro, Bộ trưởng An ninh Kinh tế Takaichi Sanae…
Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ishiba Shigeru, 67 tuổi đang là người dẫn đầu. Trong những tuần vừa qua, ông Ishiba đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản bình thường hóa chính sách tiền tệ và khôi phục nhu cầu trong nước để thúc đẩy tăng trưởng, thay vì dựa vào thương mại. Mặc dù từng 4 lần tranh cử chức chủ tịch LDP nhưng ông Ishiba hiện vẫn đang rất thận trọng và chưa lên tiếng chính thức về việc có tiếp tục tham gia cuộc đua lần này hay không.
Trong khi đó, Tổng thư ký LDP Motegi Toshimitsu, 68 tuổi, là người từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Nội các Nhật Bản như Bộ trưởng Ngoại giao; Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp cũng là ứng viên tiềm năng sáng giá vì có ảnh hưởng lớn và quan điểm cứng rắn trong đảng. Ông Motegi đã tốt nghiệp Đại học Harvard, gần đây đã công khai kêu gọi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản thể hiện rõ hơn ý định bình thường hóa chính sách tiền tệ. Các nhà phân tích chính trị cho biết ông Motegi có thể tái tạo mối quan hệ cá nhân được vun đắp dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe với cựu Tổng thống Donald Trump nếu ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 và đây là điều rất có lợi cho mối quan hệ giữa hai nước.
Ứng viên tiềm năng thứ ba là Bộ trưởng Kỹ thuật số Taro Kono, người có uy tín lớn trong đảng LDP, từng kinh qua chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng và được người dân Nhật Bản yêu mến. Ông Taro từng tham gia tranh cử nhưng đã thua ông Kishida trong cuộc bầu cử Chủ tịch đảng gần đây nhất do thiếu sự ủng hộ từ những nghị sĩ của đảng trong Quốc hội. Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị đánh giá, hình ảnh trong sạch của ông có thể khiến LDP quay sang ủng hộ ông để cải thiện uy tín của đảng, vốn đang bị hoen ố bởi một loạt các vụ bê chính trị trong thời gian vừa qua.
Ứng viên tiềm năng tiếp theo là nữ Bộ trưởng Ngoại giao Yoko Kamikawa. Là một sinh viên tốt nghiệp Harvard, từng là giám đốc một công ty tư vấn trước khi tham gia chính trường, bà Yọko được biết đến với những nỗ lực trao quyền lớn hơn cho phụ nữ, một cuộc chiến khó khăn vì chỉ có khoảng 12% các nhà lập pháp của LDP là phụ nữ. Nếu được chọn và giành chiến thắng, bà Yoko sẽ trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản.
Một số ứng viên tiềm năng khác bao gồm ông Shinjiro Koizumi – con trai của cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi, đang xây dựng hình ảnh một nhà cải cách, tuy nhiên, cũng khá thận trọng để không làm mất lòng các nhà lãnh đạo kỳ cựu của LDP. Nữ Bộ trưởng An ninh kinh tế Sanae Takaichi với quan điểm bảo thủ cứng rắn cũng được đánh giá cao. Nếu bà Sanae giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới của LDP và trở thành Thủ tướng Nhật Bản, chắc chắn tiến trình hòa giải giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không suôn sẻ và mối quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc cũng sẽ xấu đi bởi bà là người thường xuyên đến thăm đền Yasukuni, nơi các nước coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt trong quá khứ của Nhật Bản. Hơn nữa, việc bầu ra nữ thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản chắc chắn có thể là một bước tiến lớn trong nền chính trị Nhật Bản vốn chủ yếu do nam giới thống trị.
Nhìn chung, các ứng cử viên tiềm năng cho vị trí lãnh đạo đảng LDP có thể được chia thành hai nhóm: (1) các ứng viên nhận được sự ủng hộ của đảng như Tổng thư ký LDP Toshimitsu Motegi, Bộ trưởng An ninh Kinh tế Sanae Takaichi, Bộ trưởng Kỹ thuật số Taro Kono và (2) những ứng cử viên cấp tiến hơn không nhận được nhiều sự ủng hộ của lãnh đạo đảng như Bộ trưởng Ngoại giao Yoko Kamikawa hay Bộ trưởng An ninh kinh tế Sanae Takaichi. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để biết liệu “gương mặt lãnh đạo mới” của đảng LDP sẽ là một nhà lập pháp kỳ cựu hay một thành viên của thế hệ tiếp theo. Kết quả có thể phụ thuộc phần lớn vào sự chứng thực của những người có ảnh hưởng lớn trong đảng như cựu Thủ tướng Aso Taro và Suga Yoshihide. Hiện tại, cuộc đua giành vị trí lãnh đạo Nhật Bản vẫn đang rộng mở cho các ứng viên tiềm năng.
Tương lai chính sách đối ngoại của Nhật Bản
Trong cuộc họp báo ngày 14/8, Thủ tướng Kishida cho biết ông hy vọng một “đội hình trong mơ” của LDP sẽ xuất hiện để đưa đất nước tiến lên. Nếu LDP tiếp tục thống trị nền chính trị Nhật Bản, thì các lập trường chính sách đối ngoại lớn, bao gồm cả liên minh của Nhật Bản với Mỹ có khả năng sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, LDP hiện đang ở ngã ba đường khi tìm cách lấy lại lòng tin của công chúng và danh sách các ứng cử viên tiềm năng tranh cử vị trí lãnh đạo của đảng đang phản ánh rất rõ điều này.
Những thách thức mà đảng LDP đang phải đối mặt khi uy tín ngày càng sụt giảm sau hàng loạt các bê bối chính trị thời gian qua cũng như những khó khăn về kinh tế mà chính quyền Thủ tướng Kishida chưa tìm ra lời giải sẽ là những thách thức không hề nhỏ với người kế nhiệm Thủ tướng Kishida. Tuy nhiên, phải đến tận Quý 3 năm 2025, cuộc tổng tuyển cử tiếp theo ở Nhật Bản mới được tổ chức sẽ là một thuận lợi, giúp người kế nhiệm ông Kishida và đảng LDP có thêm thời gian để lấy lại niềm tin của công chúng và vạch ra các chương trình nghị sự về kinh tế phù hợp, hiệu quả hơn. Nếu nhà lãnh đạo mới của LDP giành lại được một số sự ủng hộ của công chúng, một cuộc bầu cử bất thường cũng có thể được triệu tập và đây là lợi thế cho LDP bởi khi đó các đảng đối lập ở Nhật Bản vẫn còn yếu.
Giới quan sát nhận định, có một sự đồng thuận chính thống về quỹ đạo chiến lược của Nhật Bản đó là tăng cường năng lực quốc phòng, củng cố liên minh với Mỹ và đảm nhận vai trò lãnh đạo trên trường quốc tế, vốn đã được cựu Thủ tướng Shinzo Abe đề ra và được xác định rõ ràng hơn dưới thời Thủ tướng Kishida Fumio. Chính sách tăng cường tiềm lực quốc phòng đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi về mặt chính trị, mặc dù các mục tiêu chi tiêu sau năm 2027 có thể bị giám sát chặt chẽ hơn khi phải điều chỉnh để đảm bảo sự cân bằng với các ưu tiên khác. Các ưu tiên an ninh quốc gia khác, chẳng hạn như khuyến khích xuất khẩu quốc phòng và luật an ninh mạng cũng có thể bị trì hoãn nếu các vấn đề khác lấn át.
Trong tương lai gần, việc Thủ tướng Kishida rút lui cũng có thể làm lộ ra những chia rẽ trong đảng LDP, từ đó dẫn đến những tác động đến quan hệ đối ngoại của Nhật Bản. Tuy nhiên, trên bình diện quốc tế, sự liên tục về chính sách đối ngoại và quốc phòng là điều được mong đợi. Chính quyền Thủ tướng Kishida đã triển khai các chính sách hiệu quả về an ninh, quốc phòng và đối ngoại nhằm củng cố hơn nữa vị thế quốc tế của Nhật Bản và đã hưởng lợi rất nhiều từ sự kết hợp đúng đắn giữa ý chí chính trị và biến động địa chính trị để đảm bảo sự ủng hộ cần thiết nhằm thay đổi các chính sách đối ngoại và quốc phòng sau chiến tranh của Nhật Bản. Nhưng với áp lực trong nước ngày càng tăng nhằm cắt giảm chi tiêu của chính phủ trong bối cảnh kinh tế hỗn loạn, không chắc liệu Nhật Bản có thể thực hiện được tất cả các cam kết về an ninh quốc gia và toàn cầu được đưa ra dưới thời chính quyền Thủ tướng Kishida hay không.
Điều quan trọng là, nếu thủ tướng Nhật Bản tiếp theo muốn hy vọng tiếp tục con đường mà chính quyền tiền nhiệm đã chọn thì họ phải chứng tỏ thiện chí lắng nghe và giải quyết các mối quan ngại trong nước, đồng thời truyền đạt hiệu quả tầm quan trọng của việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ tới người dân Nhật Bản.
Mặc dù tự nhận là “ngọn hải đăng” cho nền dân chủ trong giai đoạn biến động toàn cầu dữ dội, nhưng hiệu quả điều hành nền kinh tế yếu kém cùng hàng loạt vụ bê bối chính trị liên tiếp trong đảng LDP đã khiến Thủ tướng Kishida Fumio phải đi đến quyết định không tái tranh cử lãnh đạo đảng LDP nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 9 này, đồng nghĩa với nhiệm kỳ thủ tướng của ông cũng chấm dứt sau 3 năm nắm quyền. Vì LDP đã thống trị cả hạ viện và thượng viện của Nhật Bản gần như liên tục kể từ năm 1955 đến nay, nên người kế nhiệm ông Kishida gần như chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản. Vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là ứng viên tiềm năng nào của đảng LDP sẽ được bầu làm Chủ tịch và trở thành thủ tướng Nhật Bản và liệu tân thủ tướng có thể giúp LDP lấy lại niềm tin của người dân Nhật Bản, giúp đất nước vượt qua những hạn chế về chính trị và kinh tế trong nước để đáp ứng được kỳ vọng của người dân cũng như các kỳ vọng của những nhà lãnh đạo tiền nhiệm về sự đóng góp của Nhật Bản vào sự phát triển, thịnh vượng của đất nước cũng như sự phát triển và an ninh toàn cầu hay không?
Việc một nhà lãnh đạo mới có hồi sinh được vận may đang lụi tàn của LDP hay không còn phụ thuộc vào việc ai sẽ thắng cử, và thắng bằng cách nào, cũng như phụ thuộc vào cuộc đấu tranh của đảng đối lập trên chính trường Nhật Bản. Quá trình chuyển đổi chính trị sắp tới ở Nhật Bản có thể gây ra một số bất ổn về tốc độ thực hiện tầm nhìn chiến lược của đất nước, nhưng về cơ bản các trụ cột chính sách chính của Nhật Bản khả năng vẫn được duy trì, tuy nhiên, sẽ có những điều chỉnh theo hướng phù hợp và hiệu quả hơn trong bối cảnh thế giới và khu vực đang trải qua những biến động địa chính trị to lớn như ngày nay./.
Tác giả: Nguyên Long
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]