Châu Phi có vị trí địa lý đặc biệt, trữ lượng tài nguyên chiến lược phong phú, đặc biệt xu hướng phát triển tự chủ tự cường đã giúp châu Phi không ngừng nâng cao vị thế, vai trò của mình trong các vấn đề quốc tế. Kể từ khi các nước châu Phi giành được độc lập, Trung Quốc đã thiết lập các mối quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa ngày càng chặt chẽ. Hợp tác Trung Quốc-Châu Phi có liên quan mật thiết với chiến lược toàn cầu của Trung Quốc. Trong giai đoạn quan trọng khi trật tự thế giới đang có những thay đổi sâu sắc, Trung Quốc đẩy mạnh hơn nữa quan hệ với các nước ở “Nam bán cầu” trong đó có châu Phi, lấy phát triển làm trục chính, tăng cường quan hệ với các cường quốc trong khu vực, các nước có bề dày lịch sử sâu sắc và các quốc gia có bản sắc chiến lược tương đối mơ hồ, trao đổi và tăng cường kết nối hợp tác chiến lược với nhau.
Trong cuốn sách “The year 1000: The Beginning of Globalization”, nhà sử học Valerie Hansen của Đại học Yale đề xuất rằng năm 1000 sau Công nguyên, thời điểm sớm nhất khi người Viking đặt chân lên Bắc Mỹ, được coi là thời điểm khởi đầu của toàn cầu hóa. Tuy nhiên, tại sao sự mở rộng và di cư liên tục của người châu Phi ra toàn thế giới lại không thể được định nghĩa là toàn cầu hóa? Tại sao sự bành trướng của người Ả Rập vào Tây Á, Bắc Phi và Nam Âu trong thế kỷ thứ 7 và thứ 8 không thể được coi là toàn cầu hóa? Kiểu “chủ nghĩa châu Âu” này trong nghiên cứu lịch sử thế giới cần được xem xét và phê phán. Trên thực tế, châu Phi có một vị trí quan trọng trong các vấn đề quốc tế, cả về tiến trình phát triển của lịch sử thế giới lẫn thực tế địa chính trị. Trung Quốc luôn coi trọng sự phát triển quan hệ với châu Phi từ góc độ chiến lược, và đưa ra các khái niệm về sự chân thành, thân thiện và thiện chí, quan điểm đúng đắn về công lý và lợi ích chung, phản ánh sâu sắc bản chất của sự bình đẳng, hỗ trợ lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi trong quan hệ Trung Quốc-châu Phi. Trong thời điểm trật tự thế giới có sự thay đổi to lớn, mối quan hệ giữa chính sách châu Phi của Trung Quốc và chiến lược toàn cầu của nước này sẽ được tăng cường hơn nữa.
Vị thế và ảnh hưởng của châu Phi trên thế giới
Tầm quan trọng của địa chính trị châu Phi là điều hiển nhiên. Từ góc độ địa lý, khu vực Ả Rập ở Bắc Phi, khu vực Sahel, Sừng châu Phi (Đông Bắc Phi), Vịnh Guinea, miền Nam châu Phi và các khu vực khác có ý nghĩa địa chính trị rất quan trọng. Toàn bộ lục địa châu Phi là cửa ngõ nối liền giữa Đông và Tây, bao gồm eo biển Gibraltar, eo biển Bab el-Mandeb, kênh đào Suez, eo biển Mozambique, mũi Hảo Vọng và các đảo Madagascar, nối Đại Tây Dương với Ấn Độ Dương. Do đó, vị trí địa lý của lục địa châu Phi quyết định tầm ảnh hưởng chiến lược của nó đối với hai đại dương và ba vùng biển (Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và biển Địa Trung Hải, Biển Đỏ, Biển Ả Rập). Lấy vùng Sahel làm ví dụ, nó nằm giữa sa mạc Sahara và miền thảo nguyên trung tâm, dài 3.800 km bao gồm 10 quốc gia trong đó có Senegal, Mauritania và Mali… Năm 2014, nhóm 5 nước G5 Sahel bao gồm Burkina Faso, Chad, Mali, Mauritania và Niger được thành lập để thúc đẩy phát triển bền vững và hợp tác trong khu vực. Trong lịch sử, khu vực Sahel là một nút giao thương quan trọng cho thương mại, đóng vai trò quan trọng trong việc di cư sắc tộc, truyền bá tôn giáo và trao đổi văn hóa trên khắp lục địa. Mỹ và châu Âu có sự hiện diện chiến lược quan trọng ở khu vực Sahel. Châu Âu tập trung vào việc huấn luyện quân đội của các quốc gia trong khu vực Sahel, Mỹ can thiệp bằng các căn cứ quân sự hoặc viện trợ. Vì khu vực này chủ yếu là các nước châu Phi nói tiếng Pháp, là thuộc địa cũ trước đây nên Pháp đã làm mọi thứ trong khả năng của mình để gây sức ảnh hưởng quân sự và văn hóa trong khu vực.
Tầm quan trọng của các tôn giáo châu Phi được thể hiện trong sự hiện diện của họ và sự ảnh hưởng lẫn nhau của các tôn giáo. Kitô giáo, Hồi giáo và các tôn giáo bản địa mỗi tôn giáo chiếm khoảng một phần ba tổng dân số. Người nhập cư cũng tin vào các tôn giáo khác nhau như Ấn Độ giáo, Phật giáo, v.v. Lấy Kitô giáo làm ví dụ, tính đến năm 2020, có 667 triệu người theo đạo Kitô ở Châu Phi. Hồi giáo cũng có ảnh hưởng rất lớn ở châu Phi, các quốc gia theo đạo Hồi chủ yếu tập trung ở Tây và Bắc Phi. Quan hệ giữa các tôn giáo là chung sống hòa hợp hay xung đột đối đầu biểu hiện có sự khác nhau. Senegal là một trong những điển hình của hòa hợp tôn giáo. Hơn 90% công dân Senegal là người Hồi giáo, và tổng thống đầu tiên của Senegal, Senghor là một người Công giáo. Dưới sự lãnh đạo của ông, đất nước có nền chính trị ổn định, kinh tế phát triển.
Châu Phi rất giàu tài nguyên khoáng sản. Nơi đây có trữ lượng tài nguyên khoáng sản đa dạng đứng đầu thế giới như quặng mangan, cromit, bauxite, quặng vàng, khoáng sản nhóm bạch kim v.v. Tài nguyên dầu mỏ và khí đốt ở Châu Phi cũng rất phong phú. Hầu hết trữ lượng dầu của châu Phi tập trung ở 5 quốc gia: Libya, Nigeria, Algeria, Nam Sudan và Angola. Trữ lượng dầu của 5 quốc gia này chiếm hơn 90% trữ lượng dầu đã được thăm dò xác định của lục địa. Các mỏ khí đốt chính (91, 5% trữ lượng đã được thăm dò) nằm ở Algeria, Ai Cập, Libya và Nigeria. Châu Phi cũng có nguồn tài nguyên rừng dồi dào với ít nhất 40.000 loài thực vật. Diện tích rừng chiếm 21% tổng diện tích của châu Phi, có nhiều loại cây rừng rất giàu kinh tế như gỗ gụ, gỗ mun, cẩm lai… Thảo nguyên rộng lớn, diện tích chiếm 27% tổng diện tích châu Phi, đứng đầu các châu lục. Nguồn lợi thủy sản của châu Phi chủ yếu tập trung ở Tanzania, Nam Phi, Ma-rôc, Angola, Nigeria, Kenya, Ghana và các nước khác, trong đó sản lượng thủy sản của Ma-rôc đứng đầu ở châu Phi và thứ 13 trên thế giới.
Xét từ tiến trình phát triển của lịch sử thế giới, lấy Anh là đại diện hệ thống chủ nghĩa tư bản cận đại được xác lập dưới sự hy sinh của nhân dân châu Phi và đã chuẩn bị vật chất tốt cho hệ thống chủ nghĩa thực dân. Trong thế kỷ tiếp theo, sự thống trị và bóc lột tàn bạo của các nước thực dân đối với các thuộc địa, bao gồm cả châu Phi tiếp tục thúc đẩy sự mở rộng của chủ nghĩa tư bản trên toàn thế giới. Cho đến ngày nay, nhiều nước thực dân cũ đã tìm cách duy trì ảnh hưởng của họ ở châu Phi. Ví dụ, Pháp có các căn cứ quân sự ở các nước như Chad, cung cấp huấn luyện quân sự cho các nước liên quan và sẽ gửi lực lượng vũ trang đến châu Phi để can thiệp vào các cuộc xung đột khu vực “trong các tình huống khẩn cấp”. Một ví dụ khác là đảo Diego Garcia, nằm trong quần đảo Chagos ở phía tây Ấn Độ Dương, ban đầu là thuộc địa của Anh, sau đó cho Mỹ thuê và được xây dựng thành căn cứ quân sự duy nhất của quân đội Mỹ ở Ấn Độ Dương. Mauritius đã nỗ lực để đòi lại hòn đảo này. Mauritius yêu cầu Anh trả lại quần đảo Chagos và được Tòa án Quốc tế và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ủng hộ tán thành. Mặc dù ngày trao trả theo quy định đã đến, nhưng dưới sự bảo hộ của Mỹ và các nước khác Anh từ chối trả lại quần đảo Chagos.
Tác động của nền độc lập các nước châu Phi đối với chính trị quốc tế chủ yếu thể hiện ở việc phân bố các phe phái, lập trường quốc tế của Tổ chức Thống nhất châu Phi/Liên minh châu Phi, vị thế chiến lược quân sự của châu Phi và sự độc lập ngày càng nổi bật của châu Phi trong các vấn đề quốc tế. Kể từ chuyến thăm châu Phi của Thủ tướng Chu Ân Lai tháng 12/1963 đến tháng 2/1964, các nước châu Phi luôn dành cho Trung Quốc sự ủng hộ vững chắc và mạnh mẽ. Khi Trung Quốc trở lại Liên Hợp Quốc, lục địa châu Phi đã bỏ phiếu ủng hộ nhiều nhất. Ngược lại, Mỹ đã thành lập Bộ Tư lệnh Châu Phi của Mỹ vào năm 2007, nhưng hầu hết các nước châu Phi đều tỏ ra dè dặt về việc này. Tháng 11/2007, Hội đồng Nguyên thủ quốc gia của Liên minh Ả Rập Maghreb đã đưa ra tuyên bố kiên quyết phản đối việc thành lập các bộ chỉ huy quân sự nước ngoài ở khu vực Maghreb và các nước châu Phi khác. Các quốc gia Đông Phi như Uganda và Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi cũng đã bày tỏ sự miễn cưỡng trở thành trụ sở Bộ Tư lệnh châu Phi của quân đội Mỹ. Năm 2007, Tổng thống Nigeria khi đó là Yar’Adua đã phản đối việc thành lập các căn cứ quân sự của Mỹ ở Tây Phi. Nam Phi và Libya cũng có thái độ dè dặt. Cuối cùng, vào năm 2008, Mỹ đã thành lập Bộ Tư lệnh Châu Phi tại Stuttgart, Đức.
Sự nhất quán của Liên minh châu Phi trong việc giải quyết các vấn đề nội bộ và quốc tế trên lục địa đen là rất nổi bật. Việc phân định biên giới giữa các nước châu Phi là một trong những hệ quả của chế độ thực dân. Ngay từ khi bắt đầu độc lập, các nhà lãnh đạo chính trị châu Phi đã rất quan tâm đến vấn đề biên giới như một “nhân tố gây bất hòa nghiêm trọng và lâu dài”. Hiến chương Tổ chức Thống nhất châu Phi quy định rõ ràng rằng “Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia thành viên và quyền tồn tại độc lập bất khả xâm phạm… Các quốc gia thành viên cam kết giải quyết tất cả các tranh chấp giữa họ bằng các biện pháp hòa bình…Tất cả các quốc gia thành viên long trọng tuyên bố cam kết tôn trọng các đường biên giới đã tồn tại khi giành được độc lập dân tộc”. Trên cơ sở đó, hơn 60 năm sau khi châu Phi độc lập, các quốc gia đã cố gắng hết sức tránh những mâu thuẫn gây ra bởi các đường biên giới bất hợp lý do chế độ thực dân để lại, xung đột biên giới tương đối ít. Ngoài ra, châu Phi có ba ghế không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và có số lượng bỏ phiếu khu vực lớn nhất trong Liên Hợp Quốc và các cơ quan quốc tế khác. Với lượng phiếu bầu chiếm đa số và chủ trương tập thể thống nhất làm cho châu Phi trở thành một lực lượng quan trọng không thể bỏ qua trong các vấn đề quốc tế. Tại phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 10 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 27/10/2023, các nước châu Phi đã thúc đẩy việc thông qua nghị quyết chống lại cuộc xung đột Israel-Palestine với đa số áp đảo (120 phiếu thuận, 14 phiếu chống và 45 phiếu trắng) bất chấp sự phản đối của Mỹ. Ngày 02/11/2023, Khóa họp 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua dự thảo nghị quyết do Cuba đệ trình với chủ đề “Sự cần thiết phải chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế thương mại và tài chính do Mỹ áp đặt đối với Cuba”. Trong quá trình này, hành động phối hợp của các nước châu Phi đã thể hiện sức mạnh của ý chí tập thể.
Thực tiễn chính sách của Trung Quốc đối với Châu Phi
Quan hệ Trung Quốc-châu Phi có một lịch sử lâu đời. Kể từ khi các nước châu Phi giành được độc lập đến nay, sự tương tác giữa chính sách châu Phi của Trung Quốc và chiến lược toàn cầu là rất rõ ràng. Hợp tác Trung Quốc-châu Phi là một phần quan trọng trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân và phân biệt chủng tộc của Trung Quốc trên trường quốc tế. Về điểm này đã được các học giả châu Phi nhìn nhận rất rõ ràng. Một số thực tế đã chứng minh Trung Quốc rất coi trọng châu Phi: tại hội nghị thương mại quốc tế được tổ chức tại Bắc Kinh vào giữa những năm 50 của thế kỷ 20, Trung Quốc cam kết giúp các nước châu Phi trong cuộc đấu tranh giành độc lập; ủng hộ phong trào Mao Trạch Đông khởi xướng mà Trung Quốc coi là lực lượng chống lại chủ nghĩa đế quốc. Những tuyên bố nổi tiếng của Thủ tướng Chu Ân Lai trong chuyến thăm châu Phi cuối năm 1963 và đầu năm 1964: “Cuộc cách mạng ở châu Phi đã chín muồi”, lên án “tuyên bố đơn phương độc lập” của người da trắng Rhodesia (11/11/1965). Ủng hộ phong trào dân tộc chủ nghĩa mở rộng đến các thuộc địa của Bồ Đào Nha, Zimbabwe, Nam Phi và Tây Nam Phi. Trung Quốc liên tục lên án các chế độ phân biệt chủng tộc và ủng hộ những người phản đối chế độ này, đặc biệt là hỗ trợ cho Đại hội chủ nghĩa liên Phi.
Trung Quốc và châu Phi luôn có chung vận mệnh. Năm 1959, Chủ tịch Mao Trạch Đông khi gặp gỡ những người bạn châu Phi đã nêu rõ: “Bạn cần ủng hộ, chúng tôi cũng cần ủng hộ, và tất cả các nước xã hội chủ nghĩa đều cần ủng hộ.” Ai sẽ ủng hộ chúng ta? Chưa phải là các phong trào giải phóng dân tộc của châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh, mà đây là những lực lượng chính ủng hộ chúng ta..các bạn có thể xem xét. Bạn có thể coi Trung Quốc như một người bạn của bạn. Chúng ta có thể kiềm chế chủ nghĩa đế quốc và phân tán lực lượng của nó, để nó không thể tập trung sức mạnh đi đàn áp châu Phi. Năm 1961, khi gặp gỡ bạn bè ở châu Phi, ông nói: “Châu Phi là tiền tuyến của cuộc đấu tranh… Bạn ủng hộ cuộc đấu tranh của chúng tôi, chúng tôi ủng hộ cuộc đấu tranh của bạn”. Thái độ của Chủ tịch Mao Trạch Đông mang nét tươi mới nổi bật của thời đại, ông không chỉ ủng hộ khái niệm đối xử bình đẳng giữa Trung Quốc và châu Phi, mà còn bày tỏ rõ ràng Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau với châu Phi. Trong chuyến thăm Ai Cập tháng 12/1963, Thủ tướng Chu Ân Lai đã đưa ra 5 nguyên tắc cho quan hệ của Trung Quốc với các nước châu Phi và Ả Rập. Trong chuyến thăm Ghana, ông đã công bố 8 nguyên tắc của Chính phủ Trung Quốc về hỗ trợ kinh tế kỹ thuật đối với nước ngoài. Hợp tác Trung Quốc-châu Phi đã đạt được những kết quả đáng kể dựa trên các nguyên tắc chân thành, hữu nghị và bình đẳng. Bằng chứng là việc Trung Quốc hỗ trợ xây dựng tuyến đường sắt Tanzania-Zambia. Các học giả châu Phi đã chỉ ra: “Đóng góp lớn đầu tiên của Trung Quốc cho quá trình phi thực dân hóa ở châu Phi là việc xây dựng tuyến đường sắt Tanzania-Zambia cực kỳ tốn kém”.
Nói một cách so sánh, ngoài việc can thiệp quân sự thô bạo vào các nước châu Phi và áp đặt các chiến lược phù hợp với lợi ích riêng của mình, Mỹ và phương Tây đã sử dụng viện trợ như một cái cớ để cản trở sự phát triển kinh tế của các nước châu Phi. Chẳng hạn để hạn chế sự phát triển công nghiệp của châu Phi, họ lấy danh nghĩa “dân chủ hóa” cố tình can thiệp vào chính trị châu Phi hoặc thông qua thao túng các vấn đề như nhân quyền, môi trường…nhằm quấy nhiễu sự phát triển bình thường của các nước châu Phi, bôi nhọ quan hệ giữa châu Phi và các nước thị trường mới nổi khác. Từ lý thuyết hiện đại hóa của Rostow đến các “chiến lược phát triển” khác nhau sau này, từ “điều chỉnh cơ cấu” đến “Đồng thuận Washington” và làn sóng “dân chủ hóa”… Một số quốc gia châu Phi để nhận được viện trợ chỉ có thể thực hiện các loại “cải cách” không phù hợp với thực tế của nước mình theo ý muốn của Mỹ và phương Tây, nhưng có rất ít trường hợp thành công. Các nhà lãnh đạo của một số quốc gia châu Phi có tư tưởng độc lập đã cố gắng thoát khỏi sự kiểm soát của Mỹ và phương Tây và khám phá con đường phát triển độc lập. Nhưng họ thường xuyên gặp phải những thất bại như ám sát, lật đổ chế độ và buộc phải lưu vong như Lumumba ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Amilka Cabral ở Guinea-Bissau và Nkrumah ở Ghana. Kwesi Pura học giả người Ghana cho rằng: “Nếu người châu Phi có kẻ thù tồi tệ nhất của riêng họ, thì đó là một hệ thống do thế giới phương Tây giám sát, một mặt cản trở sự tiến bộ và phát triển kinh tế của châu Phi, mặt khác thì không ngừng tồn tại những cuộc đàm luận liên quan đến việc cung cấp “viện trợ” cho châu Phi nghèo đói cùng cực.”
Kể từ khi bắt đầu cải cách và mở cửa, chính sách của Trung Quốc đối với châu Phi đã dần hoàn thành quá trình chuyển đổi ba bước từ nhấn mạnh hình thái ý thức hệ sang không vạch ra đường lối ý thức hệ, từ lĩnh vực trao đổi đơn lẻ sang đa dạng hóa, từ chú trọng hỗ trợ kinh tế sang nhấn mạnh lợi ích chung và hợp tác đôi bên cùng có lợi. Từ những năm 80 của thế kỷ 20, hợp tác kinh tế giữa hai bên ngày càng được mở rộng. Kể từ năm 1991, điểm đến đầu tiên mà Ngoại trưởng Trung Quốc tới thăm trong dịp năm mới là châu Phi. Nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Trung Quốc và các nước châu Phi trong tình hình mới, cùng nhau ứng phó với những thách thức của toàn cầu hóa kinh tế, tìm kiếm sự phát triển chung. Dưới sáng kiến chung của hai bên Trung Quốc và châu Phi, hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi đã được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 10/2000 và Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi chính thức được thành lập. Hội nghị thượng đỉnh Bắc Kinh năm 2018 của Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) đã thông qua hai văn kiện với thành quả quan trọng: “Tuyên bố Bắc Kinh về xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc-châu Phi gần gũi hơn” và “Kế hoạch hành động Bắc Kinh của Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) (2019-2021)”. Tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 8 Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi năm 2021, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, với nỗ lực chung của hai bên, Trung Quốc – châu Phi sẽ cùng nhau thúc đẩy xây dựng một cộng đồng cấp cao với tương lai chung.
Quan hệ hợp tác Trung Quốc – châu Phi được xây dựng trên cơ sở bình đẳng cùng phát triển. Kể từ năm 2013 khi Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Hợp tác của Trung Quốc với châu Phi luôn tuân thủ khái niệm chân thành, thân thiện và nguyên tắc tham vấn sâu rộng, cùng xây dựng và chia sẻ lợi ích. Đồng thời, châu Phi có những lợi thế rất riêng trong việc xây dựng sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Quan hệ Trung Quốc – châu Phi có lịch sử lâu đời, nhiều giá trị văn hóa và kinh nghiệm lịch sử tương đồn. Lãnh đạo các nước châu Phi đã tích cực thúc đẩy quan hệ song phương bình đẳng và cùng có lợi, cơ chế hợp tác chín chắn, ổn định. Cộng đồng Hoa kiều và người Hoa ở nước ngoài có vốn tài nguyên phong phú, nền tảng hữu nghị nhân dân sâu sắc. Người dân châu Phi đánh giá cao thành tựu xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở châu Phi. Tại Hội nghị thượng đỉnh Johannesburg năm 2015 của Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – châu Phi, các nhà lãnh đạo châu Phi đã đồng ý rằng sáng kiến “Vành đai và Con đường” rất quan trọng đối với châu Phi. Các nước hoan nghênh sự tham gia tích cực của Trung Quốc vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng và kết nối như đường sắt, đường cao tốc, cảng biển… cũng như chuyển giao năng lực sản xuất chất lượng cao cho châu Phi. Trong số đó, châu Phi có tiềm năng lớn trong các lĩnh vực như quy mô dân số, diện tích đất canh tác, phát triển công nghiệp, chuyển đổi và nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện sinh kế của người dân, phù hợp với nhu cầu chuyển vốn, công nghiệp và công nghệ ra nước ngoài của Trung Quốc. Tổng thống Namibia Geingob nói rằng Trung Quốc luôn đối xử bình đẳng với các nước châu Phi vừa và nhỏ, Trung Quốc trong lịch sử ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của châu Phi và ngày nay tiếp tục giúp đỡ sự phát triển của châu Phi. Tổng thống Rwanda Kagame tin rằng Trung Quốc luôn đối xử bình đẳng với châu Phi, điều này “có giá trị hơn tiền bạc”.
Mối quan hệ giữa hợp tác Trung Quốc-châu Phi và chiến lược toàn cầu của Trung Quốc
Từ góc độ lịch sử, hợp tác Trung Quốc-châu Phi có mối tương quan rõ ràng với chiến lược toàn cầu của Trung Quốc. Châu Phi là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện quan trọng của Trung Quốc, và chính sách của Trung Quốc đối với châu Phi là một phần quan trọng trong chiến lược ngoại giao của Trung Quốc. Châu Phi không chỉ là nhà cung cấp nguyên liệu chiến lược quan trọng cho Trung Quốc, mà còn là điểm đến chủ yếu cho đầu tư nước ngoài và xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc. Là đối tác năng lực sản xuất quan trọng, châu Phi cung cấp con đường mới cho các doanh nghiệp Trung Quốc vươn ra thế giới. Bên cạnh đó, hợp tác giữa các nước châu Phi và Trung Quốc đã thu được khá nhiều thành quả. Không chỉ cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao mức sống của người dân, mà còn được hưởng lợi rất nhiều từ việc trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong quản lý nhà nước, tăng cường tiếng nói trên trường quốc tế, cho thấy được tầm quan trọng của hợp tác Nam-Nam.
Trật tự quốc tế đang ở một thời kỳ quan trọng của sự thay đổi lớn, trong khi Mỹ và phương Tây vẫn thống trị trật tự quốc tế, đặc biệt là Mỹ sử dụng các biện pháp trừng phạt như một công cụ chính trị và ngoại giao, tiếp tục “vũ khí hóa” chúng. Nhưng sự phản tác dụng ngày càng trở nên rõ ràng. Mike Billington thuộc Viện Schiller cho rằng: “Bối cảnh toàn cầu đã hoàn toàn thay đổi, các nước BRICS hiện đang đoàn kết chống lại các chính sách chiến tranh và chính sách trừng phạt của các nước Anh-Mỹ, NATO. Về cơ bản toàn bộ “Nam bán cầu” đang công khai tìm cách gia nhập BRICS hoặc tham gia vào hợp tác “Vành đai và Con đường”, phá vỡ quyền bá chủ của đồng đô la trong thương mại thế giới”. Philip Lee, một chuyên gia Mỹ về Trung Quốc, cho biết: “Năm thế kỷ bá quyền châu Âu-Đại Tây Dương đã kết thúc, Mỹ là người kế thừa chủ nghĩa thực dân châu Âu. Các thể chế thay thế như BRICS liên tục xuất hiện. Người ta cũng có thể đề cập đến Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Ngân hàng Phát triển Mới trực thuộc BRICS, sự mở rộng rộng rãi của quyền tự do di chuyển ở các quốc gia trung bình như Ả Rập Saudi, hiện có lựa chọn không còn bị ràng buộc bởi lòng trung thành của họ với Mỹ”. Như nhà nghiên cứu người Bangladesh Rahman chỉ ra: “Thế giới đang ở một thời điểm quan trọng, khi trật tự quốc tế đơn cực dưới quyền bá chủ của Mỹ có dấu hiệu nhường chỗ cho chủ nghĩa đa phương đang phát triển”.
Ngày nay, khi trật tự thế giới đang có những thay đổi sâu sắc, ý nghĩa chiến lược của hợp tác Trung Quốc-châu Phi thậm chí càng trở nên quan trọng hơn. Mối liên hệ giữa quan hệ Trung Quốc-châu Phi và chiến lược toàn cầu của Trung Quốc chủ yếu thể hiện ở việc thúc đẩy chiến lược toàn cầu thông qua chính sách của Trung Quốc đối với châu Phi. Đồng thời thúc đẩy cải cách hệ thống quản trị toàn cầu thông qua hợp tác Trung Quốc-châu Phi, hình thành một mặt trận quốc tế thống nhất với “Nam bán cầu”. Từ đó thúc đẩy quá trình dân chủ hóa quan hệ quốc tế. Cụ thể, mối quan hệ giữa hai bên chủ yếu được thể hiện ở ba khía cạnh: hợp tác hành động, phù hợp khái niệm và thay đổi thể chế.
Một là hợp tác trong hành động. Kể từ khi bắt đầu kỷ nguyên mới, nhiều khái niệm và kế hoạch chiến lược lớn do Trung Quốc đề xuất như thúc đẩy xây dựng một cộng đồng với tương lai chung cho nhân loại, Sáng kiến Vành đai và Con đường, Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, Sáng kiến An ninh Toàn cầu và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu, cần được thực hiện ở các quốc gia hoặc khu vực khác nhau. Châu Phi và Trung Quốc có lịch sử hợp tác lâu dài, là những người bạn chân thành và đối tác đáng tin cậy của nhau. Chính sách của Trung Quốc đối với châu Phi và các hành động hợp tác của họ cũng đã được một số người có tầm nhìn ở phương Tây tán thành. Nhà kinh tế học người Mỹ Jeffrey Sachs cho biết: “Tỷ lệ tiết kiệm của người dân châu Phi rất thấp, cần được sự giúp đỡ tài chính quốc tế bên ngoài, chẳng hạn như Ngân hàng Phát triển châu Phi hoặc Sáng kiến Vành đai và Con đường, có thể cung cấp nguồn tài chính cho xây dựng cơ sở hạ tầng châu Phi”. Trong những năm gần đây, các dự án hợp tác Trung Quốc-châu Phi đã đơm hoa kết trái, chẳng hạn như Đường sắt Mombasa-Nairobi ở Kenya, nhà ga mới của Sân bay Quốc tế Bole ở Ethiopia, dự án nhà máy quang điện ở Algeria, mạng lưới kỹ thuật số và truyền thông nông thôn ở Ghana, các cơ sở chiếu sáng công cộng thành phố Loxa ở Benin, dự án Thủy điện Zongalo ở Nigeria và trung tâm dữ liệu đám mây của Bộ Tài chính Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC). Tất cả đều là những biểu hiện cụ thể của sự hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc và Châu Phi. Đồng thời, mức độ mở cửa của Trung Quốc với châu Phi liên tục gia tăng. Các sản phẩm nông nghiệp châu Phi như trà đen Kenya, vừng Ethiopia, quế Madagascar và bột trái cây baobab Namibia cũng đã vào thị trường Trung Quốc. Các nguyên tắc được đề xướng bởi Sáng kiến Phát triển Toàn cầu đã được thể hiện sâu sắc và thực hiện cụ thể trong hợp tác Trung Quốc-Châu Phi.
Hai là sự phù hợp của khái niệm. Thúc đẩy việc xây dựng một cộng đồng với tương lai chung cho nhân loại là một mô hình liên kết Trung Quốc-Châu Phi. Tháng 11/2012, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề xuất “ủng hộ nhận thức về một cộng đồng có tương lai chung cho nhân loại”. Vào 25/03/2013, ông Tập Cận Bình lần đầu tiên đề xuất trong bài phát biểu của mình tại Dar es Salaam – Tanzania, rằng Trung Quốc và châu Phi luôn là một cộng đồng có tương lai chung. Tháng 9/2015, ông Tập đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp chung khóa 70 Đại hội đồng Liên hợp quốc, nhấn mạnh việc xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới với hợp tác cùng có lợi là nòng cốt và xây dựng một cộng đồng có tương lai chung cho nhân loại. Ngày 3-4/9/2018, Hội nghị thượng đỉnh Bắc Kinh của Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – châu Phi (FOCAC) với chủ đề “Hợp tác cùng có lợi, cùng nhau xây dựng cộng đồng Trung Quốc-châu Phi gần gũi hơn với tương lai chung” đã được tổ chức thành công. Hai bên nhất trí quyết định xây dựng Cộng đồng cùng chung vận mệnh Trung Quốc – châu Phi gắn bó hơn, thực thi “8 hành động lớn” hợp tác Trung Quốc – châu Phi. Vào tháng 10/2023, Ủy ban Giải trừ quân bị và An ninh quốc tế thuộc Khóa họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (Ủy ban thứ nhất Đại hội đồng) đã bỏ phiếu thông qua các nghị quyết như “Các biện pháp thiết thực hơn nữa để ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang ngoài vũ trụ” và “Không đặt vũ khí đầu tiên ngoài vũ trụ”. Cả hai đều được đưa vào tầm nhìn của Trung Quốc về việc xây dựng một cộng đồng với tương lai chung cho nhân loại. Đây là năm thứ bảy liên tiếp khái niệm xây dựng một cộng đồng với tương lai chung cho nhân loại được ghi vào nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Ba là thay đổi thể chế. Châu Phi là lực lượng thúc đẩy quan trọng cho cải cách hệ thống quản trị toàn cầu. Các quốc gia nói chung yêu cầu cải cách đối với trật tự quốc tế hiện tại và các quy tắc của nó. Chủ yếu là do hầu hết các tổ chức quốc tế có liên quan và các quy tắc cơ bản cấu thành trật tự quốc tế hiện tại phần lớn được tạo ra hoặc xây dựng sau Thế chiến II. Khi đó hầu hết các nước châu Phi vẫn nằm dưới sự cai trị của thực dân, các lợi ích và yêu cầu của họ không được phản ánh và bảo vệ đầy đủ. Trung Quốc đề xướng chủ nghĩa đa phương thực sự và xây dựng thể chế cho hợp tác quốc tế, tích cực thúc đẩy “Nam bán cầu” có nhiều tiếng nói và quyền ra quyết định hơn trong các vấn đề quốc tế và đóng một vai trò quan trọng hơn nữa. Trên cơ sở duy trì hệ thống quốc tế với Liên hợp quốc làm nòng cốt, Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ các cải cách sáng tạo đổi mới của các nước châu Phi, kêu gọi thiết lập quan hệ quốc tế công bằng và bình đẳng. Tích cực tham gia thúc đẩy việc thiết lập và phát triển các cơ chế hợp tác Nam-Nam mới. Đồng thời cung cấp nhiều cơ hội phát triển hơn nữa cho các nước ở Nam bán cầu. Trung Quốc là nước đang phát triển lớn nhất thế giới còn châu Phi là lục địa tập trung nhiều nhất các nước đang phát triển. Trung Quốc-châu Phi, với tư cách là hình mẫu đoàn kết và hợp tác ở “Nam bán cầu”, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc cải cách hệ thống quản trị toàn cầu.
Trong bối cảnh trật tự thế giới có những thay đổi sâu sắc, Trung Quốc cần tập trung làm tốt các mặt khi tăng cường giao lưu trao đổi với châu Phi và các nước đang phát triển. Trước hết, lấy phát triển làm trục chính, theo đuổi hòa bình, ổn định và phát triển là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước đang phát triển. Trung Quốc kiên định giúp các nước này cùng nhau phát triển, đó là sự khác biệt cơ bản giữa Trung Quốc và các cường quốc phương Tây. Bản chất cốt lõi của việc thúc đẩy xây dựng một cộng đồng với tương lai chung cho nhân loại nằm ở điều này. Hơn nữa làm nổi bật trọng điểm, mở rộng tư tưởng, không ngừng tăng cường trao đổi, học hỏi lẫn nhau giữa Trung Quốc với các cường quốc khu vực, các nước có bề dày lịch sử sâu sắc cũng như các nước có bản sắc chiến lược tương đối mơ hồ để nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác. Bên cạnh đó, cần nắm bắt những cơ hội lớn do việc kết nối các chiến lược phát triển Trung Quốc – châu Phi và hợp tác Vành đai và Con đường chất lượng cao mang lại. Khai thác tiềm năng hợp tác, xác định phương hướng, nỗ lực và liên tục thúc đẩy sự phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-châu Phi lên một tầm cao mới và phạm vi lĩnh vực rộng rãi hơn./.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Lý An Sơn (李安山) là Giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc, Giáo sư danh dự tại Đại học Bắc Kinh và là Chủ tịch danh dự của Hội nghiên cứu Lịch sử Châu Phi Trung Quốc.
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]