Thế giới trong một thế kỷ qua với những thay đổi lớn chưa từng thấy, do chịu tác động của “chiến lược cạnh tranh” của Mỹ đối với Trung Quốc và hai cuộc xung đột lớn giữa Nga -Ukraine; Palestine – Israel. Trong năm 2023, những mâu thuẫn vốn có trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục âm ỉ cháy, căng thẳng và đối đầu sẽ leo thang, thách thức đối với hòa bình và ổn định trong khu vực sẽ gia tăng. Tình hình nói chung vẫn có thể kiểm soát được, nhưng nguy hiểm tiềm ẩn tiếp tục phát triển. Bài viết này đánh giá ba vấn đề tiêu điểm của tình hình trên bán đảo trong năm 2023.
“Tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh” ngày càng sâu sắc hóa dẫn đến sự leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên
Trong năm 2023, việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên tiếp tục trì trệ, cánh cửa đối thoại đóng lại và giao tranh gia tăng chưa từng có, cục diện rơi vào “tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh”, làm cho tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên nóng lên.
Năm 2019, sự sụp đổ của cuộc “đàm phán Hà Nội” giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ đã đẩy Triều Tiên quay trở lại “con đường song hành” vừa xây dựng kinh tế và thúc đẩy trang bị vũ khí hạt nhân. Trong năm 2023, Triều Tiên căn cứ nhu cầu bảo vệ chủ quyền an ninh và phán đoán tình hình quốc tế có lợi cho mình, tận dụng thời cơ tập trung vào “năm mục tiêu lớn trọng điểm phát triển lực lượng quốc phòng”, đạt được những kết quả quan trọng.
Một là phóng thành công vệ tinh trinh sát quân sự. CHDCND Triều Tiên đã vượt qua cái bóng của hai vụ phóng thất bại và cuối cùng đưa vệ tinh trinh sát quân sự “Malligyong-1” vào quỹ đạo, qua đó tăng cường khả năng tấn công chính xác của của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, gia tăng khả năng răn đe và ngăn chặn đối với Mỹ. Triều Tiên cho biết trong thời gian tới sẽ dựa trên yêu cầu “triển khai nhiều góc độ”, “ trong khoảng thời gian ngắn phóng thêm một số vệ tinh trinh sát quân sự, nâng cao “khả năng trinh sát quân sự trong không gian”.
Hai là hạ thủy thành công tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật. “Thành quả trọng đại” này đã lấp đầy khoảng trống trong khả năng tấn công hạt nhân dưới nước, cải thiện khả năng ngụy trang, phản công thứ cấp và tấn công bất ngờ của vũ khí hạt nhân. Giải quyết “vấn đề cấp bách của thời đại” về “vũ trang hạt nhân hải quân”. Bước tiếp theo sẽ là thúc đẩy việc chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và biến các tàu ngầm hạng trung hiện có thành tàu ngầm tấn công hạt nhân, thực hiện “vũ trang hạt nhân toàn diện” cho hải quân.
Ba là, công nghệ tên lửa tầm xa nhiên liệu rắn có xu hướng được hoàn thiện. Trên cơ sở thử nghiệm động cơ nhiên liệu rắn trên mặt đất năm 2022, CHDCND Triều Tiên đã bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) động cơ nhiên liệu rắn “Hwasong-18” ba lần liên tiếp trong năm 2023. Điều này cho thấy Triều Tiên đã làm chủ công nghệ của loại tên lửa này và có khả năng sản xuất hàng loạt. Khả năng che giấu và hiệu quả phóng của tên lửa đã được nâng cao, năng lực tấn công và phản kích hạt nhân đã được tăng cường.
Sự phát triển vượt bậc của vũ khí chiến lược đã củng cố đáng kể quyết tâm và sự tự tin vào vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Triều Tiên đã nhiều lần tuyên bố rằng các lực lượng hạt nhân của họ là “không thể thương lượng”, từ chối đối thoại. Sau khi ban hành “Nghị định Lực lượng Vũ trang Hạt nhân” vào năm 2022, tháng 9/2023, Hội đồng Nhân dân Tối cao CHDCND Triều Tiên đã quyết định chính thức đưa chính sách lực lượng hạt nhân vào Hiến pháp, thực hiện “pháp chế hóa” việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Đồng thời, tích cực tiến hành đào tạo khả năng chiến đấu thực tế của các lực lượng hạt nhân. Ngày 30/8, để đối phó với “cuộc diễn tập chiến tranh hạt nhân” của không quân Mỹ và Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên vào ngay tối hôm đó lấy các sở chỉ huy quan trọng, sân bay tác chiến của quân đội Hàn Quốc..v.v. làm mục tiêu tiến hành “huấn luyện tấn công hạt nhân chiến thuật mô phỏng”. Những điều trên cho thấy cuộc đối đầu giữa CHDCND Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ đã bước vào giai đoạn nguy hiểm của cuộc cạnh tranh vũ khí hạt nhân và đã bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực không gian.
Cùng với việc thúc đẩy xây dựng lực lượng hạt nhân của Triều Tiên, những lo lắng về chiến lược và an ninh của Hàn Quốc và Mỹ đã tăng lên nhanh chóng, xu thế ứng phó độc lập của Hàn Quốc và hệ thống kiểm soát chung Hàn-Mỹ đã được tăng cường chưa từng có.
Hàn Quốc triển khai toàn diện không ngừng dùng vũ lực gây áp lực đối với Triều Tiên. Khôi phục lại vị trí “kẻ thù chính”, thực hiện phương châm “thực lực hòa bình”, toàn lực xây dựng hệ thống răn đe “áp đảo”, sử dụng các mối đe dọa gây áp lực cao để buộc Triều Tiên vào khuôn khổ và loại bỏ “mối đe dọa khẩn cấp của tên lửa hạt nhân”. Trong năm qua, Hàn Quốc đã tăng cường kế hoạch và triển khai phù hợp theo yêu cầu chiến đấu thực tế. Trong 5 năm tới, họ có kế hoạch đầu tư 348,7 nghìn tỷ won để đẩy nhanh việc xây dựng “hệ thống ba trục” bao gồm chuỗi tiêu diệt, phòng thủ tên lửa kiểu Hàn Quốc, trừng phạt và trả đũa quy mô lớn. Thực hiện “Kế hoạch đổi mới quốc phòng 4.0” theo chính sách “tấn công phủ đầu”, chính thức xác định “ý tưởng tác chiến gây nhiễu loạn, tiêu diệt lực lượng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên” ; Lần đầu tiên đề xuất khái niệm tác chiến “mạng lưới tiêu diệt”, sử dụng các phương pháp trí tuệ như chiến tranh mạng, chiến tranh điện tử v. v.. thực thi “tác chiến tê liệt” chống lại các phương tiện hạt nhân và hệ thống chỉ huy và kiểm soát của Triều Tiên. Quyết định bổ sung “Bộ chỉ huy ứng phó vũ khí hủy diệt hàng loạt” ở cấp Bộ Tư lệnh Chiến lược vào Bộ Tham mưu Liên hợp, thành lập “Bộ chỉ huy máy bay không người lái” trong không quân v.v..
Chiến lược “ngăn chặn mở rộng” của Hàn Quốc và Mỹ đã được củng cố và gia tăng đáng kể. Vào tháng 4, ông Yoon Suk-yeol đã đến thăm Mỹ và hai bên đã ra “Tuyên bố Washington”, tuyên bố thực hiện “ngăn chặn mở rộng kiểu Hàn Quốc” đối với Triều Tiên. Mỹ cam kết cung cấp chiếc ô bảo vệ hạt nhân và lần đầu tiên thành lập “Nhóm tham vấn hạt nhân” Hàn Quốc-Mỹ để tiến hành tham vấn và lên kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân. Tăng cường chia sẻ thông tin tình báo với Hàn Quốc và tiến hành các cuộc tập trận chung để ứng phó với các cuộc tấn công hạt nhân. Để đối phó với “sự leo thang đe dọa hạt nhân” từ Triều Tiên, Bộ Quốc phòng hai nước lần đầu tiên sau 10 năm đã sửa đổi “Chiến lược răn đe tùy chỉnh (TDS)”, thúc đẩy cụ thể hóa hoạt động của “Nhóm tham vấn hạt nhân”. Xây dựng phương án mới để tăng cường “lực lượng ngăn chặn mở rộng”, xác định rằng quân đội Hàn Quốc sẽ cung cấp hỗ trợ chiến đấu thông thường cho các hoạt động tác chiến hạt nhân của Mỹ, tăng cường cảnh báo sớm và cung cấp thông tin tình báo vệ tinh thời gian thực với Mỹ.
Hiện tại, “Nhóm tham vấn hạt nhân” Hàn Quốc-Mỹ đã tổ chức hai cuộc họp để đánh giá tình hình và cùng thảo luận thực hiện phương án “ngăn chặn mở rộng”. Trong năm 2023, Mỹ đã nhiều lần đưa các loại máy bay ném bom chiến lược hạt nhân, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân và tàu ngầm hạt nhân vào bán đảo, tăng đáng kể quy mô, cấp độ, tần suất và thời gian lưu trú. Thể hiện “sức mạnh” và tiến hành tập trận mang tính thực chiến với hải quân, không quân Hàn Quốc. Thực hiện diễn tập đánh chặn tên lửa, đổ bộ chống tàu ngầm, “đánh phủ đầu” với ý đồ rất rõ ràng.
Mức độ Mỹ viện trợ về vũ khí và trang bị cho Hàn Quốc tăng cao. Hai bên đã ký “Hiệp định cung ứng an ninh”, Mỹ cam kết “ưu tiên và nhanh chóng cung cấp các hệ thống vũ khí và các nguồn lực quốc phòng khác”. Kể từ đầu năm 2023, tăng cường bán vũ khí và trang thiết bị tiên tiến cho Hàn Quốc, bao gồm 25 máy bay chiến đấu F35 và các thiết bị liên quan, nhiều loại tên lửa đất đối không và không đối không khác nhau, trị giá hơn 6 tỷ USD. Điều này trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh cũng rất hiếm thấy.
Chính phủ Yoon Suk-yeol thi hành chính sách áp đảo vũ lực, đặc biệt là Hàn Quốc – Mỹ không ngừng nâng cấp “ngăn chặn mở rộng”, với Triều Tiên ngày càng gia tăng cảnh giác, tâm lý thù địch, khích động nhân dân cả nước, lấy “cứng chọi cứng”. Điều này từng bước tạo lực đẩy bên ngoài thúc đẩy Triều Tiên duy trì vũ khí hạt nhân của mình, tạo ra một vòng luẩn quẩn răn đe, ngăn chặn và chống răn đe, dẫn đến căng thẳng và đối đầu nóng lên.
Điều đáng lo ngại là đánh giá sai lầm chiến lược và kiểm soát suy yếu đã trở thành yếu tố nguy hiểm dẫn đến xung đột và chiến tranh. Sau khi CHDCND Triều Tiên phóng thành công vệ tinh trinh sát quân sự, Hàn Quốc tuyên bố sẽ đình chỉ hiệu lực của một số điều khoản của “Hiệp định quân sự 19/9” giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Bình Nhưỡng tuyên bố họ “không còn bị ràng buộc bởi hiệp định” và sẽ nhanh chóng thực hiện các hành động như khôi phục các trạm giám sát khu phi quân sự, tái triển khai vũ khí hạng nặng. Việc hủy bỏ Hiệp định quân sự Bắc-Nam đồng nghĩa với việc cơ chế kiểm soát quân sự của hai bên đã sụp đổ, xác suất xảy ra xung đột hoặc thậm chí chiến tranh tăng lên.
Cần phải chỉ ra rằng mặc dù căng thẳng và đối đầu trên bán đảo không ngừng nóng lên trong năm 2023, nhưng không có sự mất kiểm soát cơ bản. Lý do chính là mâu thuẫn vẫn chưa tăng lên đến đỉnh điểm, đồng thời nhiều ràng buộc khác nhau phát huy tác dụng. Triều Tiên cần hòa bình, không phải vì họ không biết đến một sự thật rằng “chiến tranh hạt nhân không đánh được, cũng không thắng được”. Tôn chỉ hành động của họ là “gìn giữ hòa bình bằng hạt nhân” trong khi vẫn hành động một cách có kỷ luật, cố gắng tránh va chạm đối đầu. Mỹ đã thể hiện sự hung cuồng, nhưng họ không quên sự cân bằng lợi ích và bất lợi. Họ bị hạn chế bởi nhiều yếu tố trong ngoài, và không hi vọng bán đảo xuất hiện một “tâm chấn” mới. Hàn Quốc từ lời nói đến hành động kiêu ngạo nhưng biết hậu quả chiến tranh, luôn tích cực chủ động thể hiện sức mạnh hơn là chủ động “tìm kiếm chiến tranh”. Và “chính sách cứng rắn” cũng không loại trừ giải pháp thông qua đối thoại.
Sự nâng cấp và chuyển hướng của liên minh Mỹ – Hàn Quốc đã gây áp lực lên quan hệ Trung Quốc – Hàn Quốc
Yoon Suk-yeol lên nắm quyền đã làm nổi bật đường lối “thân Mỹ nhất”. Để theo đuổi lợi ích của Chính phủ và thực hiện mục tiêu xây dựng “quốc gia trung tâm toàn cầu”. Căn cứ vào phán đoán tình hình sai lầm, đã từ bỏ “chiến lược mơ hồ” của chính quyền tiền nhiệm, thực hiện chính sách gần như “một chiều” đối với Mỹ. Thông qua nâng cấp, chuyển hướng liên minh Hàn-Mỹ, cùng tham gia cạnh tranh chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc, làm trầm trọng thêm tình hình an ninh trong khu vực, khiến quan hệ Trung-Hàn không thực sự tốt đẹp.
Sau chuyến thăm của Biden tới Hàn Quốc vào năm 2022, để giải quyết “bài toán” xây dựng “Liên minh chiến lược toàn cầu”, tháng 4/2023, ông Yoon Suk-yeol thăm Mỹ và hai bên đã ra “Tuyên bố Washington”. Tuyên bố khởi động “liên minh chiến lược toàn diện toàn cầu” giữa Hàn Quốc và Mỹ. Trên cơ sở củng cố liên minh quân sự và an ninh truyền thống, mở rộng và làm sâu sắc hơn phạm vi và ý nghĩa của liên minh, củng cố “đồng minh giá trị”, phát triển “liên minh công nghệ mũi nhọn”, “liên minh an ninh kinh tế” và “liên minh an ninh mạng”, v.v., Đặc biệt công nhận liên minh Mỹ-Hàn Quốc là “trục trung tâm” của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thúc đẩy kết nối chiến lược và “tăng cường hợp tác” trong việc thực hiện “chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
An ninh của Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào Mỹ. Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, các chính quyền tiền nhiệm của Hàn Quốc cả bảo thủ hay tiến bộ đều coi trọng việc tăng cường liên minh Hàn-Mỹ. Nhưng họ cũng tuân thủ các nguyên tắc bất thành văn về “bảo đảm an ninh của Bán đảo Triều Tiên” và “tìm kiếm sự cân bằng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ” ở các mức độ khác nhau. Chính vì hai vấn đề chủ chốt này mà Yoon Suk-yeol đã liều lĩnh vượt qua ranh giới và vượt quá giới hạn. Thứ nhất, mục tiêu của “Liên minh chiến lược toàn diện” Hàn Quốc-Mỹ không còn chủ yếu là đối phó với cái gọi là “mối đe dọa khiêu khích của Triều Tiên”, mà là mở rộng ra ngoài bán đảo đến an ninh toàn cầu, bao gồm cả khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Thứ hai, “Liên minh chiến lược toàn diện” Hàn Quốc-Mỹ coi hợp tác “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” là lĩnh vực hợp tác chính, cho thấy Hàn Quốc sẵn sàng lên cỗ xe “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ. Mục đích cơ bản của “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ là kiềm chế Trung Quốc. Bất luận nó được ngụy trang và biện minh ra sao thì bản chất của “hợp tác chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” giữa Hàn Quốc và Mỹ sẽ khó thay đổi.
Khi chính phủ Tổng thống Yoon Suk-yeol chính thức công bố “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” phiên bản Hàn Quốc vào cuối năm 2022, họ đã nói rằng chiến lược này “không nhằm vào các quốc gia cụ thể” và “coi trọng hợp tác với Trung Quốc”, cố gắng làm nổi bật “sự khác biệt” với Mỹ. Tuy nhiên, chiến lược này coi “xây dựng trật tự Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dựa trên luật lệ”, “nỗ lực thúc đẩy pháp quyền và nhân quyền” là “lĩnh vực thúc đẩy trọng điểm” cho hợp tác song phương. Điều này vẫn cho thấy dấu ấn rõ ràng của Mỹ.
Chính phủ của Tổng thống Yoon Suk-yeol đã dùng những hành động thực tế từng bước tiết lộ bộ mặt thật của “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” phiên bản Hàn Quốc. Trong chuyến thăm Mỹ, ông Yoon nói rằng “để củng cố trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực, chúng tôi sẽ mở rộng hợp tác với các nước đối tác lớn một cách toàn diện và đa tầng”, đồng thời bày tỏ lập trường ủng hộ đối với “Liên minh An ninh” (AUKUS). Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol đã tăng cường nỗ lực thách thức Trung Quốc, gióng lên hồi chuông cảnh báo trong quan hệ Trung Quốc – Hàn Quốc.
Lợi ích cốt lõi và giới hạn của Trung Quốc đã nhiều lần bị đụng chạm. Trước chuyến thăm Mỹ hồi tháng 4/2023, ông Yoon nói rằng vấn đề Đài Loan là “vấn đề toàn cầu” và căng thẳng ở eo biển Đài Loan là do “nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”. Hàn Quốc sẽ “tham gia cùng cộng đồng quốc tế phản đối”. Trước thềm chuyến thăm Anh vào tháng 11/2023, ông một lần nữa phớt lờ sự phản đối của Trung Quốc và một lần nữa “nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan” và cái gọi là “trật tự dựa trên luật lệ” ở Biển Đông. Hàn Quốc thách thức “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, vi phạm tinh thần của thông cáo chung về thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hàn Quốc.Trong vấn đề Biển Đông không liên quan, Hàn Quốc đã đứng cùng vũ đài với Mỹ. Hành động sai lầm này tất nhiên đã bị Trung Quốc lên án mạnh mẽ và kiên quyết phản đối.
Xích mích ngoại giao chưa từng có đã xảy ra giữa hai nước. Vào tháng 6/2023, Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc Hình Hải Minh đã thực hiện các nhiệm vụ ngoại giao bình thường của mình và gặp gỡ các nhà lãnh đạo của các đảng đối lập về sự phát triển của quan hệ Trung Quốc-Hàn Quốc. Điều bất ngờ ngoài dự liệu là những nhận xét đúng đắn và thực tế của ông Hình đã bị phía Hàn Quốc chỉ trích vô căn cứ là “can thiệp vào công việc nội bộ”, “không giữ phép tắc ngoại giao”. Các nhà lập pháp đảng cầm quyền kêu gọi đưa ông Hình vào nhóm “người không được hoan nghênh”, và ngay cả Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng tham gia, biến vụ việc thành một cơn bão ngoại giao hiếm thấy.
Sự xuất hiện của tình trạng hỗn loạn này phản ánh sự lo lắng và nhạy cảm chính trị của chính phủ Yoon Suk-yeol khi đối mặt với các tranh chấp chính trị trong nước ngày càng gia tăng và tỷ lệ ủng hộ thấp. Đồng thời có ý định xoa dịu và đoàn kết các lực lượng bảo thủ trong nước và làm hài lòng Mỹ bên ngoài bằng cách thể hiện “ngoại giao thực lực” cứng rắn đối với Trung Quốc. Mà hậu quả xấu trực tiếp của việc này sẽ thúc đẩy xu hướng đi xuống của quan hệ Trung – Hàn, làm tổn hại lợi ích chung của hai nước, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực.
Vị thế chiến lược của quan hệ Trung Quốc-Hàn Quốc có nguy cơ bị lung lay. Định hướng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và Hàn Quốc được chính thức thiết lập dưới thời chính quyền Lee Myung-bak. Sau đó đã được chính phủ Hàn Quốc qua từng thời kỳ duy trì liên tục. Các lực lượng bảo thủ cứng nhắc ở Hàn Quốc ngay từ đầu đã cực kỳ phản cảm với điều này, luôn bịa đặt tạo ra các lý lẽ sai lệch nhằm cố gắng loại bỏ nó. Trong một thời gian dài sau khi ông Yoon Suk-yeol lên nắm quyền, biểu hiện của “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược” đã biến mất khỏi các tài liệu và cơ quan ngôn luận của Hàn Quốc, như thể nó chưa từng tồn tại. Theo phân tích, điều này không chỉ do ý định ban đầu của chính phủ Yoon Suk-yeol, mà còn do sự phản đối và cản trở mạnh mẽ của giới tinh hoa chính trị bảo thủ. Trong hoạt động của mình, chính phủ Yoon Suk-yeol đã sử dụng cụm từ “xây dựng mối quan hệ lành mạnh và trưởng thành, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi” thay vì định vị “đối tác chiến lược”, phản ánh sự miễn cưỡng và từ chối mạnh mẽ đối với việc sử dụng định vị này.
Định vị của “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược” không chỉ là sự khẳng định định hướng phát triển của quan hệ Trung Quốc-Hàn Quốc, mà còn là kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững của quan hệ song phương. Một khi các thế lực bảo thủ Hàn Quốc thực hiện được mưu đồ bãi bỏ định vị này, chắc chắn sẽ khiến quan hệ hai nước thụt lùi nghiêm trọng. Do Trung Quốc kiên trì tuân thủ nguyên tắc chung, giữ vững các nguyên tắc làm việc. Tháng 11/2023, khi Ngoại trưởng Trung Quốc và Hàn Quốc gặp nhau tại Busan, hai bên cuối cùng đã “khẳng định vị thế của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Trung Quốc-Hàn Quốc”, điều này rất quan trọng để quan hệ song phương trở lại đúng hướng.
Quan hệ Trung Quốc – Hàn Quốc xấu đi là đi ngược lại xu thế của thời đại và lợi ích của hai nước, dân tộc. Trong năm, mặc dù mâu thuẫn và xích mích giữa Trung Quốc và Hàn Quốc tăng lên, nhưng với sự giúp đỡ không ngừng gia tăng của nhiều yếu tố tích cực, định hướng chung về sự phát triển của quan hệ song phương vẫn không thay đổi, khắc phục khó khăn cùng nhau tiến lên. Sau khi xác nhận quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc – Hàn Quốc, ngày 20/12/2023, tân Ngoại trưởng Hàn Quốc Cho Tae-yul cho biết “quan hệ Hàn Quốc – Trung Quốc không kém gì liên minh Hàn – Mỹ” và ông sẽ nỗ lực tìm cách “phát triển hài hòa” quan hệ giữa hai nước. Đây là một tín hiệu điều chỉnh chính sách từ phía Hàn Quốc, hy vọng rằng quan hệ Trung Quốc-Hàn Quốc sẽ trở lại quỹ đạo phát triển lành mạnh.
Hợp tác ba bên “chặt chẽ” giữa Mỹ – Nhật – Hàn được thúc đẩy mạnh mẽ
Để duy trì vị thế bá chủ và theo đuổi chiến lược cạnh tranh chống lại Trung Quốc, Mỹ cần lôi kéo các đối tác đồng minh làm trợ thủ. Theo tư duy Chiến tranh Lạnh, trong khi tăng cường liên minh song phương giữa Mỹ – Nhật Bản, Mỹ – Hàn Quốc, chính quyền Biden đang cố gắng xây dựng một “tam giác sắt” giữa Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc, tăng cường nỗ lực tạo dựng đối đầu giữa các phe, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định trên bán đảo và trong khu vực, phá hoại trật tự quốc tế khu vực.
Theo chính sách “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ đề xuất việc tăng cường hợp tác ba bên Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc, chính quyền Biden đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động của mình. Trong năm 2022 đã đạt được những tiến bộ bước đầu, bao gồm cuộc gặp giữa lãnh đạo ba nước tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Phnom Penh. Đặc biệt là “Tuyên bố đối tác ba bên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” được đưa ra tại cuộc họp Phnom Penh, quyết định mở rộng phạm vi địa lý và chức năng của hợp tác ba bên. Trên cơ sở đó, trong năm 2023, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ tăng cường độ đáp ứng với Mỹ, phối hợp chặt chẽ giữa ba bên, đồng thời đẩy nhanh và nâng cấp hơn nữa quan hệ hợp tác ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Dư luận bảo thủ và cánh hữu trong nước Hàn Quốc và Nhật Bản lấy việc Triều Tiên và Nga tăng cường hợp tác quân sự, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Trung Quốc và Nga, giữa Trung Quốc với Triều Tiên cho rằng Trung Quốc, Triều Tiên, Nga đã hình thành một “tam giác phía bắc”. Việc này góp phần đưa bán đảo trở lại khuôn khổ đối đầu “tam giác phía nam” giữa Mỹ- Nhật Bản – Hàn Quốc với “tam giác phía bắc” giữa Liên Xô-Trung Quốc-Triều Tiên trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Sở dĩ Nhật Bản và Hàn Quốc tích cực đáp ứng Mỹ không chỉ được Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ, mà yêu cầu lợi ích của hai nước cũng là những nguyên nhân quan trọng. Nhật Bản đang cố gắng sử dụng hợp tác ba bên để tăng cường kiềm chế và chèn ép Trung Quốc, nâng cao vị thế chiến lược ở Đông Bắc Á, tham gia sâu hơn vào các vấn đề của bán đảo. Chính phủ Yoon Suk-yeol dự định loại bỏ “mối đe dọa Triều Tiên” thông qua hợp tác ba bên, làm hài lòng Mỹ và lặp lại chiến lược toàn cầu, nâng cao vị thế quốc tế và hưởng lợi từ tất cả các bên. Đồng thời thông qua cải thiện quan hệ với Nhật Bản, dọn dẹp rào cản cho sự phát triển thương mại và khoa học công nghệ Hàn Quốc – Nhật Bản. Hàn Quốc theo sau Mỹ và có một mặt nhắm vào Trung Quốc.
Năm 2023, hợp tác ba bên Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt được những tiến triển quan trọng, trở thành nhân tố trọng yếu trong sự suy thoái địa chính trị của khu vực, đáng được quan tâm và cảnh giác.
Thứ nhất, tiếp tục tiến tới xây dựng hệ thống ba bên “chặt chẽ”
(1) Sự tan băng mang lịch sử trong quan hệ Hàn Quốc – Nhật Bản. Dưới sự thúc đẩy và thao túng của Mỹ, chính phủ Yoon Suk-yeol đã không ngần ngại đi ngược lại lịch sử, theo đuổi “ngoại giao nhượng bộ” đơn phương nhượng bộ Nhật Bản và sử dụng “phương án bồi thường của bên thứ ba” để giải quyết vụ việc “cưỡng bức lao động” còn tồn đọng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, đưa quan hệ hợp tác ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc lên một tầm cao mới.
Do trở ngại trong quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản, liên minh tam giác giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản không được thành lập trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh kết thúc, hợp tác an ninh Nhật Bản-Hàn Quốc cũng đã lỏng lẻo trong một thời gian dài. Việc thực hiện hòa bình lần này của Hàn Quốc- Nhật, thắt chặt quan hệ hợp tác giữa hai bên sẽ giúp củng cố hơn nữa “lợi thế thực sự” của quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc, tăng thêm một phần quan trọng trong nỗ lực của Mỹ xây dựng một “tam giác sắt” giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
(2) Cơ chế hóa hợp tác ba bên không ngừng tăng cường. Vào tháng 8/2023, hội nghị cấp cao Mỹ – Nhật – Hàn Quốc tại trại David đã xác định rằng ba nước sẽ tổ chức ít nhất một hội nghị thượng đỉnh ba bên mỗi năm và lần lượt tổ chức hội nghị của các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng, công nghiệp và thương mại, an ninh quốc gia hàng năm. Đồng thời còn thành lập mới cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ba nước và cơ chế “Đối thoại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” v.v…
Theo thỏa thuận đạt được tại các cuộc đàm phán Trại David, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã thiết lập “đường dây nóng của Hội đồng An ninh Quốc gia” vào tháng 10 để các nguyên thủ quốc gia của ba nước nhanh chóng liên lạc và phối hợp trong “trong trường hợp khủng hoảng”. Tháng 12, ba nước đã chính thức khởi động cơ chế chia sẻ thông tin tình báo tên lửa của Triều Tiên, chia sẻ thông tin theo và phối hợp ứng phó trong thời gian thực. Điều này có nghĩa là ba nước hợp tác an ninh mang tính thực chiến đang có những bước tiến lớn trong việc thể chế hóa.
Mỹ phủ nhận sự hợp tác giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm tạo ra “NATO phiên bản châu Á-Thái Bình Dương “, tuyên bố rằng “việc thành lập liên minh ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn chưa được coi là một “mục tiêu rõ ràng”, nhưng thực tế cơ chế hóa sự hợp tác ba bên giữa Mỹ-Nhật-Hàn lại vẽ ra một bức tranh hoàn toàn khác. Có một số bình luận cho rằng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc hiện đã hình thành “liên minh chuẩn ba bên”. Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc chỉ ra rằng cuộc họp thượng đỉnh Trại David giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã thiết lập “cột mốc quan trọng trong hợp tác ba bên nhằm đối đầu với Triều Tiên, Trung Quốc và Nga”. Hợp tác ba bên Mỹ, Nhật, Hàn Quốc là “hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chủ chốt vượt trên Liên minh Ngũ nhãn và Đối thoại An ninh bốn bên”.
Thứ hai, lấy “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” nâng cấp hợp tác ba bên
Ba bên tăng cường ứng phó chung với CHDCND Triều Tiên. Năm 2022, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã nối lại hầu hết các cuộc tập trận quân sự chung đã bị gián đoạn vào năm 2017. Kể từ đầu năm 2023, dưới danh nghĩa đáp trả “mối đe dọa khiêu khích” của Triều Tiên, ba bên đã đẩy nhanh việc mở rộng các cuộc tập trận quân sự chung và tiếp tục tăng cường liên kết. Đặc biệt phạm vi các cuộc tập trận quân sự đã được mở rộng sang lĩnh vực “đối đầu hạt nhân”, bao gồm đánh chặn tên lửa, đánh chặn chống ngầm và trên biển và các cuộc tập trận mang tính thực chiến khác đã làm trầm trọng thêm tình hình đang xấu đi trên bán đảo. Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản đã đồng ý xây dựng “kế hoạch tập trận ba bên nhiều năm” và thực hiện các cuộc tập trận quân sự chung ba bên “hiệu quả cao và có hệ thống hơn”.
Hợp tác ba bên rõ ràng đã mở rộng theo hướng kiềm chế Trung Quốc. Gần đây, Nhật Bản và Hàn Quốc liên tục khuấy động và đưa ra những tuyên bố cứng rắn về vấn đề eo biển Đài Loan và Biển Đông, đằng sau thực sự đang được Mỹ ủng hộ và thúc đẩy. Hội nghị thượng đỉnh Trại David giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc vào tháng 8/2023 tiếp tục tập trung hợp tác ba bên vào việc phục vụ chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc. Các nguyên thủ quốc gia của ba nước đã lên án “các yêu sách nguy hiểm và hành động khiêu khích” của Trung Quốc tại eo biển Đài Loan và biển Đông bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất và tuyên bố rằng ba bên cần tăng cường hợp tác và cùng nhau phản đối cái gọi là “sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng” và “cưỡng ép” của Trung Quốc. Điều này cho thấy việc thực hiện “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” để kiềm chế Trung Quốc đã trở thành một trong những định hướng chiến lược chủ yếu của hợp tác ba bên ba bên Mỹ – Nhật – Hàn.
Chuỗi công nghiệp ba bên, chuỗi cung ứng hợp tác đang phát triển nhanh chóng. Việc định hình lại mối quan hệ ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã mở rộng đáng kể sang các lĩnh vực kinh tế và công nghệ mũi nhọn. Với sự thúc đẩy mạnh mẽ của Mỹ, đối thoại An ninh Kinh tế ba bên đã được khởi động. Tại Hội nghị thượng đỉnh Trại David, nguyên thủ của ba nước đã xác định tăng cường “trật tự kinh tế dựa trên luật lệ” làm kim chỉ nam. Làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế và công nghệ ba bên, nêu bật rõ các vấn đề cốt lõi như hệ thống cảnh báo sớm chuỗi cung ứng, kiểm soát xuất khẩu công nghệ tiên tiến, an ninh trí tuệ nhân tạo, ổn định tài chính, khoáng sản quan trọng và ứng phó với “cưỡng ép” kinh tế, tăng cường hợp tác mạnh mẽ trong các lĩnh vực công nghệ then chốt và mới nổi như trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới và khí hậu. Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực “bảo vệ công nghệ đột phá và tiêu chuẩn kỹ thuật”. Sự hợp tác kinh tế và công nghệ giữa ba nước vừa có tính toán lợi ích và kinh tế, đồng thời lấy kinh tế và công nghệ “chính trị hóa” và “an ninh hóa” làm vũ khí để kiềm chế Trung Quốc cũng rất rõ ràng.
Xét một cách tổng thể, những nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng một “tam giác sắt” chiến lược ở Đông Bắc Á đã có những tiến triển khả quan, xu hướng “quân doanh hóa” trong quan hệ ba bên Mỹ, Nhật Bản, và Hàn Quốc đã trở nên rõ ràng. Những hậu quả tiêu cực của việc làm xấu đi hệ sinh thái chính trị trong khu vực cũng như căng thẳng và đối đầu leo thang trên bán đảo và trong khu vực đã xuất hiện. Mặt khác, do tồn tại một số nhân tố trở ngại quan trọng, nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng liên minh an ninh ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không dễ dàng như họ hy vọng. Lý do chính là, do những thay đổi sâu sắc của thời đại và cục diện quốc tế, không còn có thể hoàn toàn quay trở lại thời Chiến tranh Lạnh. Bản thân trong và ngoài nước Mỹ cũng có những hạn chế nghiêm trọng, khả năng kiểm soát đã dần trở nên mệt mỏi. Ngoài ra, “tranh chấp chính trị” trong nội bộ Nhật Bản và Hàn Quốc rất kịch liệt, ý nguyện chủ đạo của người dân không muốn lui về “Chiến tranh Lạnh”. Đặc biệt, tâm lý đề phòng cảnh giác chiến lược giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đã ăn sâu bén rễ, vấn đề lịch sử, tranh chấp lãnh thổ v.v…có khoảng cách rất lớn khó có thể thu hẹp./.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Tào Thế Công (曹世功) là nghiên cứu viên tại Hội Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, thành viên của Hiệp hội Nghiên cứu Bán đảo Triều Tiên – Hiệp hội Châu Á – Thái Bình Dương Trung Quốc.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]