Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 7 (EEF 2022) tổ chức ở Vladivostok (Nga), Chủ tịch Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga Alexander Shokhin, cho rằng mục tiêu của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA), ký năm 2015, vẫn chưa đạt được.
Giáo sư Vladimir Mazyrin, chuyên gia hàng đầu của Nga về kinh tế Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam-ASEAN của Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết mục tiêu của VN-EAEU FTA là nhằm tăng cường thương mại giữa Việt Nam với Nga và các quốc gia thành viên của EAEU trong thời gian ngắn nhất có thể. VN-EAEU FTA được lên kế hoạch để đưa kim ngạch thương mại Nga-Việt lên 10 tỷ USD vào năm 2020, nhưng thực tế chỉ đạt 5,6 tỷ. Năm 2021, theo số liệu của Nga, kim ngạch thương mại Nga-Việt đạt trên 7 tỷ USD, còn theo thống kê của Việt Nam đạt khoảng 5,5 tỷ USD.
Giáo sư Mazyrin lưu ý: “Tốc độ tăng trưởng thương mại đang tăng hàng năm. Nếu chúng ta tiến lên với tốc độ tương tự, có thể trong một vài năm nữa chúng ta sẽ đạt được con số 10 tỷ USD kim ngạch thương mại như dự kiến ban đầu cho năm 2020. Thế nhưng, các đối thủ cạnh tranh chính của Nga là Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng thương mại với Việt Nam với tốc độ nhanh hơn nhiều. Nếu ví kim ngạch thương mại Nga-Việt như chiếc xe đạp, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ với Việt Nam giống như một chiếc xe đua Ferrari. Như vậy, trong danh sách các đối tác thương mại của Việt Nam, Nga đang tụt xuống vị trí thấp hơn bao giờ hết”.
Điều này không phù hợp với Nga, đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi cần phải định hướng lại dòng chảy thương mại của mình từ phương Tây sang hướng châu Á. Đồng thời, đa dạng hóa các dòng chảy này để không chỉ hướng đến Trung Quốc và Ấn Độ, mà còn đến các nước ASEAN, trong đó Nga coi Việt Nam là nước đầu tiên trong ưu tiên.
Giáo sư Mazyrin cho rằng: “Hiện các nước trong khu vực như Thái Lan và Malaysia đang nỗ lực phát triển quan hệ thương mại với Nga ở mức độ lớn hơn Việt Nam. Nguyên nhân là do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, bắt đầu từ năm 2014. Việt Nam không tham gia các lệnh trừng phạt, nhưng cũng không lên tiếng ủng hộ việc lên án các lệnh trừng phạt. Người ta có ấn tượng trong một số trường hợp, Việt Nam có tính đến các khuyến nghị chống Nga của Washington.
Năm 2014, Nga đã bỏ dự án sản xuất súng trường tấn công Kalashnikov cho Việt Nam, một nhà sản xuất Israel đã được tuyên bố chiến thắng trong cuộc đấu thầu quốc tế do Việt Nam công bố.
Năm 2016, Việt Nam đã gây bất ngờ với lãnh đạo Nga khi chặn một số dự án chung quan trọng với Nga trong lĩnh vực xây dựng tàu điện ngầm, vũ trụ, sản xuất khí đốt, cũng như hiện đại hóa nhà máy lọc dầu Dung Quất và mua máy bay Sukhoi Superjet 100 của Nga. Một đơn đặt hàng lớn cho nhà máy nhiệt điện Long Phú-1, do công ty Power Machines của Nga thực hiện, đã tan thành mây khói. Việc Hà Nội từ chối xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận là một đòn giáng vào Moskva và thương mại Nga-Việt.
Những dự án chiến lược này được cho sẽ làm tăng đáng kể kim ngạch thương mại hai nước. Riêng nhà máy điện hạt nhân, do việc cung cấp thiết bị để tạo ra nó, sẽ làm tăng xuất khẩu của Nga sang Việt Nam ít nhất từ 1-2 tỷ USD/năm về mặt giá trị”.
Đặc điểm xuất khẩu của Việt Nam sang Nga
Ý tưởng của VN-EAEU FTA là các nhà sản xuất và thương nhân khi nhận thấy lợi ích của việc giảm hoặc cắt giảm thuế quan sẽ bắt đầu tích cực hợp tác và tăng nguồn cung của họ cho nhau.
Theo Giáo sư Vladimir Mazyrin, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đang phát triển nhanh hơn và thành công hơn nhiều so với xuất khẩu của Nga sang Việt Nam. Điều này thể hiện hiệu quả tích cực của VN-EAEU FTA, nhưng chỉ là một sớm một chiều. Với sự gia tăng không ngừng trong xuất khẩu của Việt Nam sang Nga khiến thâm hụt thương mại của Nga với Việt Nam ngày càng tăng, hiện lên tới khoảng 1,5 – 2 tỷ USD. Điều đó cũng nói lên tình hình không thuận lợi trong quan hệ thương mại giữa hai nước.
Ngoài ra, VN-EAEU FTA có các điều khoản kìm hãm xuất khẩu của Việt Nam. Ví dụ, gạo Việt Nam có thể được cung cấp cho Nga với số lượng không hạn chế và Việt Nam quan tâm đến điều này, nhưng VN-EAEU FTA quy định Việt Nam chỉ được cung cấp cho Nga tối đa 10.000 tấn gạo/năm với thuế suất bằng không. Đối với tất cả các chuyến hàng vượt quá khối lượng này, các mức thuế trước đây sẽ được áp dụng và điều này không có lợi cho Việt Nam.
Điều này không chỉ áp dụng cho gạo, mà còn áp dụng cho các mặt hàng tiêu dùng như hàng dệt, quần áo và một số mặt hàng khác. Cơ chế này là hợp lý đối với Nga để bảo vệ nhà sản xuất trong nước và là một cơ chế quốc tế được chấp nhận chung, nhưng nó hạn chế cơ hội xuất khẩu của Việt Nam ở nhiều lĩnh vực ưu tiên. Trong khi cơ chế này không áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Nga sang Việt Nam.
Đặc điểm xuất khẩu của Nga sang Việt Nam
Xuất khẩu của Nga sang Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngay cả với một vài tập đoàn nông nghiệp lớn, nỗ lực của họ cũng không thể dẫn đến sự gia tăng đáng kể về thương mại. Một lý do khác khiến hoạt động giao hàng của Nga đến Việt Nam tăng nhưng chậm là do một bộ phận đáng kể doanh nhân Nga không mong muốn mở rộng quan hệ đối tác thương mại với Việt Nam. Trong một thời gian dài, họ tập trung vào thương mại với phương Tây, ở châu Á là với Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng với Việt Nam thì không. VN-EAEU FTA được cho là sẽ thay đổi tình hình này và thực sự, trong vài năm đầu, đã có một sự chuyển biến tích cực nhất định, nhưng hóa ra lại vô cùng đáng kể.
Những trở ngại chính đối với tăng trưởng thương mại giữa Nga và Việt Nam
Nga có thể và mong muốn tăng xuất khẩu sang Việt Nam, ví dụ như thép cuộn, phân bón, các sản phẩm dầu…, nhưng trong điều kiện trừng phạt chống Nga của phương Tây, việc giao hàng vô cùng khó khăn. Các mặt hàng này đang bị trừng phạt và bất kỳ hoạt động nào để Việt Nam mua hàng đều phải chịu các biện pháp trừng phạt thứ cấp của phương Tây. Có nghĩa là, những công ty Việt Nam mua các sản phẩm này có nguy cơ bị đưa vào danh sách đen, bị trừng phạt từ các đối tác phương Tây, những nước có kim ngạch thương mại lớn hơn nhiều so với các công ty Nga.
Giáo sư Vladimir Mazyrin cho rằng: “Thương mại Nga-Việt bị cản trở không chỉ bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Vào cuối năm 2021, Rosneft đã rút khỏi một dự án sản xuất và chế biến khí rất lớn, có lợi nhuận cực cao, do Rosneft lo ngại nếu tiếp tục công việc ở đó thì họ sẽ phải chịu các lệnh trừng phạt của Trung Quốc, quốc gia coi khu vực (Biển Đông) là của riêng mình. Hệ thống thanh toán lẫn nhau theo hợp đồng cũng khó khăn, nếu không thông qua Ngân hàng Việt-Nga thì không thể thực hiện được, vì các ngân hàng đại lý phương Tây tham gia vào quá trình chuyển tiền, vốn được hướng dẫn nghiêm ngặt bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây”.
Giáo sư Vladimir Mazyrin nhấn mạnh: “Tôi không mất hy vọng về sự phát triển tích cực của kim ngạch thương mại Nga-Việt, đặc biệt là khi các dự án địa chính trị như ‘Đại Á-Âu’ đang được hình thành, mà nòng cốt có thể là Nga và các nước thuộc Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) khác, trong đó một vị trí quan trọng sẽ được trao cho ASEAN và đặc biệt là Việt Nam.
Tôi tin Việt Nam cần phải hiểu đầy đủ về thực trạng đang nổi lên khi chia cắt thế giới thành 2 phe: một bên là các nước châu Á với Nga và một bên là phương Tây. Nếu nhìn nhận một cách khách quan, có tất cả những tiền đề kinh tế để tăng trưởng kim ngạch thương mại Nga-Việt. Có những lĩnh vực mà chúng ta có thể phát triển các mối quan hệ. Có những thỏa thuận ở các cấp độ khác nhau. Tôi hy vọng sự hiểu biết về nơi mà mọi thứ đang diễn ra ở Việt Nam, bao gồm cả việc chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất ở phương Tây, chắc chắn sẽ tác động đến các dòng thương mại chính hiện tại ở Việt Nam”.
(Theo TTXVN)
Tác giả: Nguyễn Thọ Anh