Đầu năm 2024, Trung Quốc đã ban hành văn bản nhằm lấy ý kiến xây dựng chính sách “phát triển ‘nền kinh tế tóc bạc’ để cải thiện phúc lợi cho người cao tuổi”. Đối với thực trạng dân số của Trung Quốc hiện nay, nhu cầu phát triển kinh tế đối với nhóm dân số cao tuổi đang trở thành một vấn đề có tính cấp thiết lớn. “Kinh tế tóc bạc” đang được coi là một chính sách có tính thực tế cao, song hành và bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội dành cho người cao tuổi ở Trung Quốc.
Thực trạng nền “kinh tế tóc bạc” Trung Quốc
Dân số Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu giảm từ năm 2022, và Liên Hợp Quốc dự báo sẽ giảm xuống còn 1,3 tỷ vào năm 2050 và dưới 800 triệu vào năm 2100. Đồng thời, già hóa dân số sẽ sớm trở thành vấn đề của nước này. Theo dự báo của Chính phủ Trung Quốc, tới năm 2035, cứ 3 người tại Trung Quốc thì sẽ có một người trên 60 tuổi. Điều này không chỉ tác động lên thị trường lao động, an sinh xã hội mà còn cả thị trường tiêu dùng. Chính vì thế, chính phủ Trung Quốc đã tích cực đẩy mạnh một loại hình kinh tế, đó chính là nền “kinh tế tóc bạc”[1].
Giới chuyên gia ước tính nền “kinh tế tóc bạc” sẽ có giá trị từ 19 nghìn tỷ đến 30 nghìn tỷ nhân dân tệ (2,6 nghìn tỷ đến 4,1 nghìn tỷ USD) và chiếm 10% GDP của Trung Quốc vào năm 2035.
Ngày càng có nhiều người già ở Trung Quốc, đặc biệt là ở khu vực đô thị, chú trọng đến chất lượng cuộc sống và duy trì sức khỏe tốt. Họ không chỉ có mong muốn mà còn có khả năng theo đuổi cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhu cầu của người già ở thành phố sẽ phong phú và đa dạng hơn so với các khu vực khác. Theo dữ liệu chính thức, năm 2020, khoảng 47% người trên 60 tuổi sống ở nông thôn, và chỉ có 10% trong số họ dựa vào lương hưu làm nguồn thu nhập chính. Phần lớn phụ thuộc vào công việc của bản thân và hỗ trợ từ gia đình[2].
Nhiều địa phương ở Trung Quốc đang thí điểm và thực hiện các mô hình cung cấp dịch vụ dưỡng lão cho người cao tuổi ngay tại nhà và khu dân cư bằng việc áp dụng công nghệ cao và thu hút nguồn lực xã hội. Chính phủ Trung Quốc cũng đã công bố chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính cho các sản phẩm và dịch vụ dành cho người cao tuổi, với cam kết sẽ tăng cường nỗ lực để phát triển nền “kinh tế tóc bạc”.
Không thể phủ nhận tiềm năng của nền “kinh tế tóc bạc”. Tuy nhiên, có một thực trạng là lượng dân số về hưu khổng lồ của Trung Quốc cũng sẽ tiêu tốn một nguồn lực lớn. Lực lượng lao động ngày càng suy giảm trong khi các quỹ hưu trí dần cạn kiệt và hệ thống y tế có nguy cơ quá tải là điều đang xảy ra ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Chính vì vậy, song song với việc phát triển nền “kinh tế tóc bạc”, Chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra những biện pháp, chính sách khuyến khích các gia đình kết hôn sớm và sinh con, ví dụ như miễn giảm nhiều loại thuế và trợ giá mua nhà[3].
Chính sách của chính phủ Trung Quốc và kết quả đạt được
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã thực hiện chiến lược quốc gia tích cực đối phó với sự già hóa dân số. “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về phát triển sự nghiệp người già và hệ thống dịch vụ dưỡng lão quốc gia” nhấn mạnh, ra sức phát triển “kinh tế tóc bạc”, thúc đẩy sự phát triển hài hòa sự nghiệp người già với công nghiệp, dịch vụ công cơ bản và đa dạng hóa dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng, nhiều cấp độ của người cao tuổi. Điều này đã tạo sự xem trọng cho các địa phương phát triển “kinh tế tóc bạc”.
Vào ngày 15/1/2024, Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành “Ý kiến về phát triển “kinh tế tóc bạc” để thúc đẩy phúc lợi cho người cao tuổi”. “Ý kiến” bao gồm 26 biện pháp cụ thể trong 4 lĩnh vực, gồm: giải quyết những thách thức cấp bách mà người cao tuổi phải đối mặt, mở rộng nguồn cung cấp sản phẩm và dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cũng như thúc đẩy các ngành công nghiệp có tiềm năng to lớn. Đây là văn kiện chính sách đầu tiên của Trung Quốc đặt tên bằng “kinh tế tóc bạc”, là việc thực hiện các yêu cầu có liên quan tại Hội nghị công tác kinh tế Trung ương của nước này, khẳng định việc coi trọng của Chính phủ Trung Quốc đối với loại hình kinh tế này, đồng thời cũng phát ra một tín hiệu rõ ràng trong việc đẩy nhanh việc xây dựng sự nghiệp người già và hệ thống dịch vụ dưỡng lão. Theo “Ý kiến về phát triển ‘kinh tế tóc bạc’ để thúc đẩy phúc lợi cho người cao tuổi” của Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc, các doanh nghiệp nhà nước sẽ được khuyến khích và hướng dẫn tích cực mở rộng kinh doanh liên quan đến “kinh tế tóc bạc”. Đồng thời, các doanh nghiệp tư nhân cũng sẽ được trao toàn bộ vai trò trong nền kinh tế này và chính quyền cũng sẽ xoá bỏ những rào cản tiếp cận thị trường chưa hợp lý để mở cửa cho khối này. Ngoài ra, một trong số những nội dung chính là kế hoạch thành lập 10 “khu công nghiệp kinh tế tóc bạc cấp cao” ở các khu vực như: Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc, đồng bằng sông Dương Tử và Khu vịnh lớn Quảng Đông-Hồng Kông-Macao. “Ý kiến” cũng cam kết hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho phát triển công nghiệp, bao gồm tối ưu hóa ngân sách chính phủ trung ương để hỗ trợ nâng cấp các cơ sở dịch vụ chăm sóc người cao tuổi mới đủ tiêu chuẩn và thúc đẩy việc sử dụng thiết bị thông minh. Bên cạnh việc kêu gọi cải thiện các dịch vụ trong nước, “Ý kiến” này còn khuyến khích các công ty du lịch và công ty văn hóa phát triển thêm các sản phẩm phục vụ nhu cầu của người cao tuổi [4].
Với ưu tiên là phúc lợi cho công dân cao tuổi, quốc gia này cần cải thiện các dịch vụ ăn uống và chăm sóc sức khỏe cho dân số và thúc đẩy nhanh quá trình phát triển các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, theo như hướng dẫn. Hướng dẫn này dự kiến sẽ thiết lập khoảng mười công viên công nghiệp trên toàn quốc để phát triển nền kinh tế người cao tuổi, đồng thời kêu gọi nỗ lực bồi dưỡng các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành và thúc đẩy tiêu dùng của người cao tuổi. Các nỗ lực cũng nên tập trung vào việc nuôi dưỡng các mô hình kinh doanh mới liên quan đến sức khỏe thông minh và chăm sóc người cao tuổi, như được minh chứng qua sự phát triển của các robot chăm sóc và làm việc nhà, cùng với các công nghệ sinh học giúp giảm nhẹ các bệnh liên quan đến tuổi già, theo như hướng dẫn đề cập. Các tổ chức tài chính được khuyến khích tung ra nhiều sản phẩm hơn dành cho người cao tuổi và tăng cường hỗ trợ cho việc phát triển các cơ sở và chương trình chăm sóc người cao tuổi. Hướng dẫn này nhấn mạnh rằng kinh tế người cao tuổi bao gồm các hoạt động kinh tế phục vụ người cao tuổi với các sản phẩm và dịch vụ được thiết kế riêng, và chuẩn bị cho các thách thức của một dân số già hóa[5].
Bên cạnh đó, thị trường tiềm năng này cũng được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ. Chẳng hạn, chính phủ đã công bố ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính cho các sản phẩm và dịch vụ dành cho người cao tuổi vào tháng 1/2024. Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường vào tháng 3/2024 cũng đã cam kết nỗ lực hơn nữa để phát triển “kinh tế tóc bạc”. Ngoài ra, chính quyền tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) đã cung cấp không gian cho chi nhánh Thương Châu (tỉnh Hà Bắc) của Mama Sunset như một phần của chương trình xóa đói giảm nghèo[6].
Cùng với đó, Chính phủ Trung Quốc đặc biệt chú trọng đến “cuộc sống ảo” của người cao tuổi. Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã ban hành “Kế hoạch Hành động Đặc biệt về Thích ứng và Cải thiện Khả năng Truy cập Ứng dụng Internet” vào cuối năm 2020, khởi động dự án kéo dài một năm nhằm thích ứng và cải thiện khả năng truy cập ứng dụng Internet cho người cao tuổi, có hiệu lực từ tháng 1 năm 2021[7]. Không chỉ vậy, trong năm 2024, Trung Quốc cũng sẽ tăng cường quỹ an sinh xã hội trị giá 2,88 nghìn tỷ nhân dân tệ (406 tỷ USD), khiến quỹ này “lớn hơn và mạnh hơn” để hỗ trợ dân số già[8].
Với nhu cầu đáng kể và ngày càng tăng của dân số cao tuổi, cả về số lượng và chất lượng, việc đáp ứng những nhu cầu này sẽ đòi hỏi sự đổi mới liên tục và đầu tư lớn. “Kinh tế người cao tuổi” là một phần không thể thiếu của hệ thống công nghiệp hiện đại. Do đó, khi dân số cao tuổi tiếp tục tăng, “kinh tế người cao tuổi,” nhờ sự phát triển xa hơn, sẽ trở thành một thành phần quan trọng hơn nữa của hệ thống công nghiệp hiện đại [9].
Quy mô “nền kinh tế tóc bạc” của Trung Quốc ở mức khoảng 7.000 tỷ nhân dân tệ, chiếm khoảng 6% tổng GDP của nước này và dự báo quy mô của nền kinh tế này có thể đạt 30.000 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 4,18 nghìn tỷ USD) vào năm 2035, chiếm khoảng 10% tổng GDP của cả nước. Số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cũng cho thấy, cuối năm 2023, số người trên 60 tuổi trở lên đạt 296,97 triệu người, chiếm 21,1% dân số. Vì thế, việc Chính phủ Trung Quốc tích cực đẩy mạnh nền “kinh tế tóc bạc”, được xem là động lực mới thúc đẩy phát triển nền kinh tế của nước này.
Với những người già tại Trung Quốc, họ có tiền tiết kiệm và lương hưu. Ngoài ra, họ cũng có sự hỗ trợ từ con cái. Và quan trọng, họ là nhóm khách hàng vô cùng tiềm năng trên các nền tảng bán hàng trực tuyến, chẳng hạn như trên nền tảng mua sắm Taobao và T-mall, có tới 30 triệu người dùng là trên 50 tuổi với mức chi tiêu hơn 5.000 Nhân dân tệ, tương đương 17 triệu đồng mỗi tháng. Một trong những thị trường tiềm năng nhất chính là các dịch vụ, ứng dụng công nghệ chăm sóc sức khoẻ[10]. Theo một báo cáo do JD.com, một trong những nền tảng thương mại điện tử hàng đầu tại Trung Quốc, doanh số mua sắm trực tuyến của người dùng Internet cao tuổi trong ba quý đầu tiên của năm 2021 đã tăng gấp 4,8 lần so với cùng kỳ năm 2020, biến “thế hệ tóc bạc” thành một động lực tăng trưởng quan trọng cho thị trường tiêu dùng của quốc gia [11].
Điều này khiến cho rất nhiều những công ty trước đây từng tập trung vào kinh doanh các mặt hàng liên quan đến trẻ em hiện chuyển sang sản xuất sản phẩm cho người già. Công ty chăm sóc cá nhân Kao của Nhật Bản đã ngừng sản xuất tã lót ở Trung Quốc vào mùa hè này. Abbott Laboratories, công ty sở hữu các thương hiệu dinh dưỡng như Similac và Ensure, mới đây cho biết sẽ chấm dứt hoạt động kinh doanh thực phẩm dành cho trẻ em tại Trung Quốc và chuyển sang bán các sản phẩm dinh dưỡng dành cho người lớn tuổi. Công ty thực phẩm Danone của Pháp, nơi sản xuất sữa bột Aptamil cho trẻ sơ sinh, đã ra mắt thương hiệu thực phẩm dinh dưỡng y tế dành cho người lớn Fortimel tại Trung Quốc vào tháng 12/2023. Trong ngành F&B, Yum China, nơi điều hành nhiều cửa hàng KFC, Pizza Hut và Taco Bell tại Trung Quốc, đang cải tiến thực đơn để thu hút khách hàng lớn tuổi. Từ năm 2023, KFC đã tung ra một ứng dụng di động tối giản được thiết kế cho người dùng từ 50 tuổi trở lên. Với lĩnh vực công nghệ, WeChat, ứng dụng trò chuyện được sử dụng rộng rãi thuộc sở hữu của công ty Internet khổng lồ Tencent và Taobao, nền tảng mua sắm trực tuyến thuộc sở hữu của Alibaba, cũng có các phiên bản ứng dụng của họ với phông chữ lớn hơn và nút bấm lớn hơn. Người dùng WeChat có thể chọn đọc to tin nhắn văn bản bằng giọng nói. Ứng dụng Douyin của ByteDance (TikTok phiên bản tiếng Trung) đã thiết kế một “chế độ người cao tuổi”, với phông chữ lớn hơn, nút bấm rõ ràng hơn và độ tương phản màu sắc sắc nét hơn.
Các công ty Nhật Bản, vốn có kinh nghiệm ứng phó với tình trạng dân số già ở nước mình, cũng đang tận dụng các cơ hội tăng trưởng của Trung Quốc. Hãng điện tử khổng lồ Panasonic đã phát triển khu nhà ở cho người già Yada Panasonic với 149.000 m2 với 1.170 phòng ở được trang bị các thiết bị gia dụng và điện tử, bao gồm máy đo nhịp tim và thiết bị công nghệ thông minh gửi dữ liệu đến điện thoại di động[12].
Tác giả: Phương Ngân
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Như Anh (2024), Trung Quốc phát triển nền kinh tế “tóc bạc”, VTV, https://vtv.vn/kinh-te/trung-quoc-phat-trien-nen-kinh-te-toc-bac-20240118181824468.htm
[2] Khánh Tú (2024), Trung Quốc và sự phát triển của nền kinh tế ‘tóc bạc’, https://nhipcaudautu.vn/the-gioi/trung-quoc-va-su-phat-trien-cua-nen-kinh-te-toc-bac-3359301/
[3] Ban Thời sự (2024), Già hóa dân số ở Trung Quốc có thể là cơ hội, https://vtv.vn/the-gioi/gia-hoa-dan-so-o-trung-quoc-co-the-la-co-hoi-20240405054004541.htm
[4] Tuấn Đạt (2024), Trung Quốc thúc đẩy “kinh tế tóc bạc”, Trung Quốc thúc đẩy “kinh tế tóc bạc” (vov.vn)
[5] China unveils measures to develop ‘silver’ economy (www.gov.cn)
[6] Trí Đỗ (2024), ‘Thị trường tóc bạc’ tỉ USD nở rộ ở Trung Quốc, ‘Thị trường tóc bạc’ tỉ USD nở rộ ở Trung Quốc (thanhnien.vn)
[7] China Focus: “Silver-haired surfers” add momentum to China’s biggest shopping spree – Xinhua (xinhuanet.com)
[8] China plans ‘bigger, stronger’ social security fund to aid ageing society | Reuters
[9] ‘Silver economy’ can be a driver of China’s growth – Opinion – Chinadaily.com.cn
[10] Tuấn Đạt (2024), Trung Quốc thúc đẩy “kinh tế tóc bạc”, Trung Quốc thúc đẩy “kinh tế tóc bạc” (vov.vn)
[11] China Focus: “Silver-haired surfers” add momentum to China’s biggest shopping spree – Xinhua (xinhuanet.com)
[12] Tuệ Mỹ (2024), Nền “kinh tế tóc bạc” sẽ mang về 4,2 nghìn tỷ USD cho Trung Quốc, Nền “kinh tế tóc bạc” sẽ mang về 4,2 nghìn tỷ USD cho Trung Quốc – Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới (vneconomy.vn)