Mặc dù về mặt vị trí địa lý, Australia nằm tách biệt ở châu Đại Dương. Nhưng xét về mặt quan hệ đối ngoại, nước này có một mối liên kết chặt chẽ với các quốc gia châu Á nhất là khu vực Đông Nam Á. Năm 2024 đánh dấu kỷ niệm tròn 50 năm đặt quan hệ ngoại giao ASEAN – Australia (1974-2024), các bên đã tổ chức thành công Hội nghị lãnh đạo cấp cao đặc biệt với chủ đề “Đối tác cho tương lai”. Điều đó khẳng định một dấu mốc mới trong thời kỳ hợp tác giữa ASEAN và Australia đang ở đỉnh cao. Bài viết sau đây sẽ cùng nhìn lại những thành tựu hợp tác giữa hai bên trước những biến động của tình hình quốc tế, đánh giá tổng thể những thách thức chi phối đến mối quan hệ ASEAN – Australia trong thời gian tới, đồng thời đưa ra những dự báo cho tương lai chính sách đối với Đông Nam Á của Australia.
Vai trò của Đông Nam Á đối với Australia trong bối cảnh hiện nay
Australia vốn luôn coi họ là một phần không thể thiếu với thế giới phương Tây. Tuy nhiên do sự gần gũi về mặt địa lý, Đông Nam Á là khu vực có những lợi ích kinh tế, an ninh chiến lược trực tiếp và căn bản. Do đó chính phủ Australia qua các thời kỳ luôn có sự quan tâm, đặc biệt là đối với vấn đề an ninh và ổn định của khu vực. Trong bối cảnh hiện nay khi cuộc chiến giữa Nga – Ukraine song hành với cặp cạnh tranh được ví như “Chiến tranh Lạnh 2.0” giữa Mỹ và Trung Quốc mà mặt trận chủ yếu ở châu Á – Thái Bình Dương càng đẩy vai trò ASEAN lên cao hơn. Từ đầu thế kỷ XXI, Đông Nam Á đang ngày một vươn trở thành điểm sáng cho phát triển triển kinh tế, an ninh toàn cầu. Là giao điểm của những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới kết nối lục địa châu Á với châu Đại Dương và Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, Đông Nam Á được xem như cửa ngõ để các nước vươn mình ra thế giới.
Về mặt gắn kết an ninh – chính trị, những quan ngại về tình hình an ninh chính trị ở Đông Nam Á giữ một vị trí quan trọng đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Australia từ sau Chiến tranh thế giới thứ II đến nay. Sách Trắng Quốc phòng Australia 1987 đề cập đến Đông Nam Á là “một trong những khu vực quan tâm chiến lược hàng đầu cho việc kiến tạo một môi trường an ninh ổn định”[1] và được nhắc lại trong Sách Trắng Quốc phòng 2016, trong đó nêu bật “vùng biển ở Đông Nam Á sẽ luôn đóng vai trò quan trọng đặc biệt đối với an ninh của Australia”[2].
Về mặt quan hệ kinh tế, sự phát triển kinh tế năng động của các quốc gia thành viên ASEAN từ giữa thập niên 1970 đến nay đã làm thay đổi căn bản diện mạo khu vực và tạo nên những cơ hội to lớn cho sự phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại đa phương. ASEAN cũng đồng thời là đầu mối quan trọng trong các hiệp định thương mại tự do, hợp tác kinh tế và đầu tư, là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của nền sản xuất[3].
Về mặt đối ngoại, trong xu thế toàn cầu hóa gia tăng trong đời sống quốc tế, việc Australia tăng cường liên kết với khu vực ASEAN hoàn toàn phù hợp với xu thế chung. Trong khoảng nửa thế kỷ hợp tác, hai bên đã từng bước nâng cấp mối quan hệ hợp tác bền chặt lên mức cao nhất – Đối tác chiến lược toàn diện. Hơn hết, thông qua ASEAN, Australia có thể phát triển ảnh hưởng của mình ở châu Á như một cường quốc tầm trung có tiếng nói nhất định.
Nhìn nhận tổng quan về vị trí của các nước ASEAN trong chính sách đối ngoại của nhiều quốc gia khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương luôn có vị trí cao kể từ sau khi cựu Tổng thống Obama xác định chiến lược xoay trục cùng sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc. Do vậy, Australia với mối liên hệ đặc biệt với châu Âu nhưng tham gia vào gần như toàn bộ đời sống kinh tế – chính trị tại châu Á càng không thể đứng ngoài xu thế. Điều đó càng khiến vai trò của ASEAN trong chính sách của quốc gia châu Đại Dương được phản ánh rõ nét. Đánh giá về điều này, Giáo sư Hal Hill của Đại học Quốc gia Australia (ANU) cho rằng tương lai của Australia nằm ở ASEAN[4].
Quan hệ của Australia với các quốc gia Đông Nam Á
Tổng quan các thành tựu chung
Australia là một trong những đối tác đầu tiên lập quan hệ ngoại giao với ASEAN vào giai đoạn thập niên 70 của thế kỷ trước, Australia tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) năm 2005, nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược năm 2014 và Đối tác chiến lược toàn diện (CSP) năm 2021. Đặc biệt tại Melbourne ngày 5 – 6/3/2024, Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Australia được tổ chức thành công đã cho thấy những bước tiến trong mức độ đối thoại, hợp tác giữa hai bên ngày càng được nâng cao.
Như đã đề cập, quan hệ của Australia với các quốc gia Đông Nam Á đã được thực tế hóa qua một số thành tựu sau: Các cơ chế ngoại giao bao gồm Đối thoại thường niên cấp lãnh đạo (SOM) và Ủy ban Hợp tác chung (JCC). Về hợp tác chính trị – an ninh, Australia hoạt động tích cực vào các khuôn khổ do ASEAN chủ trì như Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và Diễn đàn biển ASEAN mở rộng (EAMF). Về hợp tác kinh tế, Australia là đối tác kinh tế – thương mại quan trọng của ASEAN: Tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 101,08 tỷ USD năm 2022. Đầu tư FDI từ Australia vào ASEAN đạt 2,01 tỷ USD năm 2022. Australia là một trong năm nước Đối tác của ASEAN phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Tháng 9/2023, Australia ra mắt “Chiến lược Kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040”[5].
Các mối quan hệ riêng
Đông Nam Á được cấu thành bởi hai phần gồm Đông Nam Á lục địa (Tiểu vùng sông Mekong) với 5 quốc gia – Đông Nam Á hải đảo với 6 quốc đảo. Mỗi nước đều quy tụ những giá trị, lợi ích chiến lược riêng mà hầu hết các nước trong và ngoài khu vực đều muốn có, trong đó nổi lên một số quốc gia tiếp giáp trong khu vực biển Đông có quan hệ gắn kết hơn cả với Australia.
Nhóm Đông nam á hải đảo
Philippines: Quốc gia quần đảo ở Đông Nam Á này có sợi dây liên kết truyền thống, bền chặt với Mỹ. Do vậy, các nước liên minh với Mỹ như Australia và phương Tây sẽ là những đối tượng có quan hệ rất thân thiết với Philippines. Mặc dù đến nay hai nước vẫn chỉ duy trì mức độ quan hệ ở Đối tác chiến lược, song về bản chất đã hơn cả một đồng minh. Điều này xuất phát từ hai yếu tố, thứ nhất cả hai đều có chung một đối tượng làm mục tiêu đấu tranh chính là Trung Quốc. Thứ hai, việc cả hai nước đều ngả về phương Tây và tích cực hoạt động trong các cơ chế hợp tác an ninh dẫn đầu bởi Mỹ. Australia hiện là đối tác lớn thứ hai xét về an ninh quốc phòng thường xuyên cùng tham gia tập trận cùng Philippines. Tổng thống Ferdinand Marcos đánh giá quan hệ giữa Philippines – Australia là cực kỳ quan trọng. Mối quan hệ “cặp bài trùng” giữa Manila và Canberra bổ sung cho mạng lưới quan hệ đối tác và đối tác chiến lược mà từng nước đã gây dựng được ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thúc đẩy khuôn khổ hợp tác 4 bên với Mỹ và Nhật Bản đặc biệt về chính trị an ninh ở khu vực.
Indonesia: Đứng thứ hai trong khu vực về hướng ưu tiên trong chính sách Đông Nam Á của Australia chính là Indonesia. Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Australia – Indonesia đang ngày càng phát triển sâu sắc, góp phần bảo đảm ổn định và thịnh vượng tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hoạt động thương mại giữa hai nước đã phục hồi kể từ sau đại dịch Covid-19, với kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 23,3 tỷ AUD. Với nền kinh tế hàng đầu khu vực, Indonesia đóng vai trò trung tâm trong Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040 mà Australia đang xây dựng[6]. Đối với vấn đề biển Đông, Indonesia đề cao tự chủ dựa vào các cơ chế ASEAN. Trong thời gian tới, quan hệ Jakarta – Canberra có thể sẽ có những điều chỉnh bởi sự thay đổi trong chính trường khi ông Joko Widodo sẽ kết thúc nhiệm kỳ, nội các mới của Prabowo Subianto – Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia sẽ chính thức điều hành các chính sách lớn của nước này. Chính sách đối ngoại của “xứ vạn đảo” dưới chính phủ do một Bộ trưởng Quốc phòng có thể chuyển hướng đối ngoại theo hướng tập trung hơn vào củng cố sức mạnh quân sự và tiếp tục tăng cường hợp tác mọi mặt với Australia trong tương lai.
Malaysia: Ngày 27/1/2021, quan hệ giữa Malaysia và Australia đã được nâng cấp lên mức Đối tác chiến lược toàn diện sau hơn 6 năm giữ thiết lập Đối tác chiến lược. Giai đoạn 2019 – 2020, Malaysia là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Australia trong ASEAN. Chính sách đối ngoại của Malaysia được đánh giá rộng mở và ôn hòa trước các mâu thuẫn khu vực. Malaysia hiện đang xảy ra tranh chấp với Trung Quốc tại mỏ khí Kasawari thế nhưng nước này không chủ trương đẩy cao tranh chấp thành căng thẳng. Trong phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN hồi tháng 3, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nhấn mạnh “Malaysia là một quốc gia độc lập, độc lập quyết liệt và không muốn bị thế lực nào kiểm soát”[7]. Vì vậy, trong khi Malaysia đề cao mối quan hệ với Australia nhưng cũng đưa ra thông điệp không nên áp đặt Kuala Lumpur vào mặt trận chống Trung Quốc. Malaysia giữ nguyên tắc duy trì ASEAN như một Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN). Australia sẽ cần thay đổi cách tiếp cận với Malaysia thay vì sử dụng vấn đề biển Đông để thúc ép.
Singapore: Australia và Singapore là hai quốc gia có quan hệ thân thiết, đồng thời là đối tác kinh tế và chiến lược lâu dài, với mối quan hệ song phương không ngừng được tăng cường để cùng giải quyết những thách thức và nắm bắt cơ hội chung tại khu vực. Hiện nay cả hai nước đều trở thành nền kinh tế phát triển bậc nhất Đông Nam Á – châu Đại Dương, trở thành cặp thúc đẩy quan hệ thương mại – đầu tư, làm sâu sắc và bền vững hợp tác an ninh – quốc phòng, đồng thời thảo luận về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm. Hai nước đạt mức Đối tác chiến lược toàn diện từ 2015 và hoạt động tích cực trong một khuôn khổ cấp cao đặc biệt Singapore – Australia họp thường niên thảo luận các vấn đề liên quan đến vai trò trung tâm của ASEAN, Singapore hoan nghênh các thỏa thuận an ninh mới như hợp tác 4 bên QUAD và hợp tác 3 bên AUKUS trong giải quyết các vấn đề an ninh khu vực.
Brunei: Với diện tích khiêm tốn nhưng nhờ trữ lượng dầu khí đáng kể, Brunei trở thành đối tác kinh tế giàu tiềm năng tạo sức hút cho các đối tác cả trong và ngoài ASEAN. Đối với Australia, có được sự hợp tác của Brunei trong đa lĩnh vực là lợi thế rất lớn để mở rộng sức mạnh cho của cả hai bên. Ngày 20/6/2023, lãnh đạo hai nước đã ký kết Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác toàn diện, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ giữa hai quốc gia. Ngoài trao đổi hợp tác kinh tế, Brunei đề cao sức mạnh quân sự của Australia trong vai trò đảm bảo an ninh song phương, an ninh khu vực. Về phía Australia, Thủ tướng Albanese nhấn mạnh trong tương lai hợp tác sẽ cho không chỉ dành hai nước mà còn cả các đối tác trong khu vực qua đó nhấn mạnh sự ủng hộ chung của Australia và Brunei đối với ASEAN.
Đông Ti-mo: Là quốc gia trẻ nhất trong 11 quốc gia Đông Nam Á, bỏ qua điều kiện kinh tế – xã hội còn rất khó khăn, quan hệ Đông Ti-mo – Australia đã có sự gắn kết nhất định trong lịch sử và hiện tại. Australia từng kêu gọi độc lập cho Đông Ti-mo, đồng thời luôn coi nước này là đối tác quốc phòng quan trọng trong khu vực. Đông Ti-mo có vị trí địa lý mang tính chiến lược đặc biệt nằm giữa Australia với hai nước Indonesia và Singapore. Nối tiếp hiệp định phân định lãnh hải ký năm 2018, cuối năm 2023, Australia và Đông Ti-mo tiếp tục ký Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tiếp cận đối ứng (DCA) đánh dấu một bước phát triển mang tính lịch sử trong quan hệ song phương[8].
Nhóm Đông Nam Á lục địa
Thái Lan: Trong các nước tiểu vùng Mekong, Thái Lan là quốc gia phát triển mạnh nhất về cả kinh tế và quân sự. Đồng thời, Bangkok cũng duy trì vai trò một trong những đồng minh của Mỹ tại châu Á. Đối với Australia, năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 70 năm quan hệ hai nước và triển khai bản kế hoạch hành động chung Đối tác chiến lược 2022 – 2025. Đại sứ Thái Lan tại Australia Busadee Santipitaks mô tả đây là “mối quan hệ hữu nghị và hợp tác lâu đời”[9]. Trong chương trình nghị sự của mình hai bên tích cực tìm cách phối hợp trong trong những lĩnh vực giàu tiềm năng nhưng vấp phải hạn chế trong chiến lược đối ngoại chung. Sự khác biệt cơ bản trong cách Australia và Thái Lan nhìn nhận Mỹ và Trung Quốc trở thành một hạn chế cho sự hợp tác này. Mặc dù cùng có lập trường cứng rắn với Trung Quốc song Thái Lan vẫn ủng hộ tích cực dự án BRI và ưu tiên thực hiện “cân bằng chiến lược” dựa vào liên kết đa phương nhiều hơn so với các dạng liên kết tiểu đa phương như AUKUS, QUAD mà Australia tham gia. Điều này tạo ra sự bất đồng nhỏ giữa hai bên về mức độ hợp tác trong những cơ chế liên minh như vậy.
Việt Nam: Quan hệ song phương giữa Canberra – Hà Nội đã phát triển vượt bậc qua nhiều thăng trầm trong 50 năm qua. Hiện nay, mối quan hệ hợp tác Việt Nam với Australia đã phát triển tới một cấp độ mới. Đầu năm 2024, hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hợp tác an ninh, quốc phòng ngày càng hiệu quả. Hợp tác kinh tế – thương mại phát triển mạnh, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia. Việt Nam và Australia đã hợp tác rất hiệu quả tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, APEC, ASEM, Liên Hợp Quốc… Đứng trên vai trò một đồng minh của Mỹ, Australia hiểu được vị trí địa chính trị có tính chi phối của Việt Nam đến lợi ích an ninh – kinh tế của Australia trước sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Đồng thời, Australia mong muốn có tiếng nói ủng hộ từ nước đang có vai trò, vị thế ở Đông Nam Á củng cố cho sức mạnh cường quốc tầm trung trong khu vực nhằm thúc đẩy tối đa lợi ích chiến lược.
Campuchia: Campuchia là một trong số hiếm hoi nước Đông Nam Á có quan hệ ngoại giao sớm và kéo dài với Australia qua hơn 70 năm (từ năm 1952). Đến nay, hai nước cam kết tiếp tục duy trì, tăng cường hơn nữa hợp tác song phương. Australia đóng góp lớn trong tiến trình tìm kiếm hòa bình cho Campuchia trong quá khứ. Hiện tại, an ninh khu vực một lần nữa gặp khó khăn với cuộc khủng hoảng Myanmar, Campuchia lo ngại nguy cơ xuất hiện chủ nghĩa khủng bố đe dọa nước này, do đó bên cạnh hợp tác kinh tế, Phnôm Pênh mong muốn được Canberra hỗ trợ tăng cường năng lực an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, Australia vẫn còn bỏ ngỏ đề xuất đó do lo ngại trước thái độ ngày càng ngả về Bắc Kinh hiện tại của chính quyền Hun Manet, Hun Sen. Mặc dù Campuchia đang đứng trong “Cộng đồng chung vận mệnh” mà Trung Quốc tạo ra nhưng nước này cũng luôn tận dụng các cơ hội đầu tư bên ngoài vào phát triển đất nước.
Lào: Nhân dịp Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Australia. Đại diện Lào Thủ tướng Sonexay Siphandone và Thủ tướng Albanese nhất trí cùng nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác toàn diện. Trong khi Lào đang trên cương vị chủ tịch ASEAN có tác động dẫn dắt khối chung một tầm nhìn khu vực thì Australia lại đóng vai trò đối tác lớn hỗ trợ lào trong khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19. Quan hệ Đối tác toàn diện cũng sẽ hỗ trợ Lào tối đa hóa sự phát triển bền vững trong các lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, tài nguyên và năng lượng xanh. Australia trong Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040 đã xác định những lĩnh vực tiềm năng chính cho doanh nghiệp Australia tại Lào. Tăng cường đầu tư phản ánh cam kết của Australia trong việc đưa quan hệ Australia và Lào đến gần nhau hơn nữa đồng thời cũng là cách Canberra tiếp cận gần hơn vào ASEAN để đối chọi với BRI của Trung Quốc khi những nước kinh tế yếu như Lào có nguy cơ vỡ nợ cao.
Myanmar: Quan hệ ngoại giao giữa Australia với Myanmar đã có những rạn nứt kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021. Sau sự việc đó, Australia đã cho đình chỉ chương trình hợp tác quốc phòng song phương với Myanmar và có thể sẽ không chỉ định Đại sứ mới tại quốc gia này. Nguyên nhân đến từ sự đảo ngược chính sách của chính quyền quân sự so với thời kỳ cầm quyền của bà Aung San Suu Kyi. Đảo chính không phải là lý do duy nhất khiến quan hệ với Australia đi xuống. Đầu tiên, Myanmar đang trở thành mối đe dọa đến an ninh trong nội bộ ASEAN đến từ bạo loạn vũ trang, nguy cơ hình thành các tổ chức khủng bố. Tiếp đến, việc Myanmar đang rất tích cực phát triển quan hệ với Trung Quốc, ủng hộ các dự án trong BRI chấp nhận để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng. Điều này gây ra phản ứng tiêu cực của không chỉ Australia mà cả thế giới phương Tây lên Myanmar trong những nỗ lực hỗ trợ đồng minh Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc tại khu vực.
Mặc dù tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều nằm trong hướng ưu tiên hàng đầu trong chính sách của Canberra nhưng vì mặt lợi ích chiến lược nên Australia có quan hệ đặc biệt hơn với nhóm những quốc gia ASEAN có tiếp giáp với biển Đông. Ngược lại, nhóm quốc gia lục địa (Tiểu vùng sông Mekong) lại tỏ rõ sự phân hóa trong quan hệ với Australia. Nguyên nhân nằm ở việc, Đông Nam Á lục địa là vùng ảnh hưởng truyền thống của Trung Quốc dựa vào hai trụ cột chính trị ngoại giao và kinh tế mà điển hình với chiến lược “Vành đai Con đường” (BRI). Trong khi nhóm đảo quốc có quan điểm cởi mở về hợp tác vượt xa ngoài khu vực.
Các nhân tố chi phối tới mối quan hệ giữa Australia – Đông Nam Á trong những năm tới
Giống như những nước Cộng hòa đa nguyên khác, hệ thống chính trị Australia mang đậm dấu ấn phương Tây. Do đó, việc một Đảng chính trị với người đại diện được chọn lên nắm quyền sẽ ít nhiều phản ánh trong chính sách của Đảng đó trong đối nội và đối ngoại. Hiện tại, Thủ tướng Anthony Albanese là nhà lãnh đạo Australia. Người tiền nhiệm, ông Scott Morrison rời nhiệm sở từ tháng 5/2022, tuy nhiên những di sản mà ông để lại trong quan hệ Australia – ASEAN vẫn phát triển. Năm 2021 được cho là năm chứng kiến sự gắn kết chặt chẽ giữa Australia với ASEAN thông qua hàng loạt các dự án mà Australia triển khai trong khu vực*[10]. Nối tiếp thành quả đó, chính phủ Công đảng mới của Australia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN trong chính sách đối ngoại. Ngay khi lên nắm quyền, Thủ tướng Anthony Albanese đã thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Indonesia, tiếp đến Singapore và Việt Nam[11]. Trọng tâm Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Canberra xuất phát từ vai trò của khu vực trong các vấn đề liên quan tới lợi ích cốt lõi được ông Albanese nhận thấy. Do đó, nhân tố chủ quan chi phối chính đầu tiên nằm ở hệ thống bộ máy hoạch định chính sách của Australia.
Một nhân tố khách quan tác động lớn chi phối quan hệ Australia – Đông Nam Á trong những năm tới đến từ cặp cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong thế trận đó nổi trội lên hai vấn đề gồm cạnh tranh trên mặt trận an ninh – chính trị đi cùng với mặt trận kinh tế nhằm gây tối đa ảnh hưởng đến các quốc gia trong khu vực có tính chất địa chính trị nhạy cảm. Australia với tư cách một đồng minh lâu năm bền chặt sẽ đóng vai trò “cánh tay nối dài” cho các chính sách của Mỹ.
Về mặt an ninh chính trị, Australia tích cực vạch đường cho lực lượng bên ngoài tăng cường quan hệ với ASEAN. Một số nước ASEAN đã tỏ thái độ không hài lòng. Bởi khi chính sách “Châu Á – Thái Bình Dương” thời Obama được nâng lên thành Chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” thời Trump đã xác định ASEAN là vùng hoạt động nhằm kiềm tỏa Trung Quốc. Với bốn trụ cột Mỹ – Nhật Bản – Ấn Độ – Australia tạo lên “bộ tứ kim cương” QUAD tác động nhiều đến cấu trúc an ninh châu Á nói chung và ASEAN nói riêng. Ấn Độ tích cực mở rộng phạm vi của chính sách hướng Đông. Nhật Bản tăng thêm những nỗ lực để có thêm vai trò chính trị – quân sự trên thế giới. Philippines đang ngày càng rời xa khu vực và ngả về phía các liên kết mới do Mỹ đứng đầu. Việc thiết lập QUAD, AUKUS cho thấy Mỹ muốn xây dựng một cơ chế an ninh vượt ra khỏi khuôn khổ hiện tại với ASEAN làm trung tâm. Mỹ thực sự cảm thấy rằng cấu trúc an ninh khu vực hiện tại đã hạn chế vai trò lãnh đạo và chi phối chiến lược của mình. Trong khi ASEAN đề cao chủ nghĩa đa phương dựa trên nhu cầu hợp tác thực chất thì các kiểu quan hệ tiểu đa phương khép kín làm suy giảm tính tự chủ, vai trò ASEAN tạo ra sự chia rẽ nội bộ đi ngược với các giá trị tổ chức hướng tới.
Về mặt kinh tế, Australia trở thành bên ủng hộ kết nối hạ tầng, kinh tế với Đông Nam Á đặc biệt qua Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) thúc đẩy mạnh mẽ thương mại Australia – ASEAN. Trong khi “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” (IPS) của Mỹ lại lấy Đông Nam Á làm giao điểm của hai đại dương giữ vai trò kết nối tuyến hàng hải Đông – Tây. Trung Quốc coi Đông Nam Á là điểm khởi phát sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI), là đường tiến ra biển ở phía Nam. Cả hai chiến lược đều mang tầm vóc toàn cầu, hiệu quả triển khai được chứng minh qua sức mạnh của hai quốc gia này trong trật tự thế giới. Đông Nam Á có ý nghĩa quyết định sự thành bại của từng chiến lược, vì thế trở thành địa bàn tranh chấp, lôi kéo quyết liệt của các bên. Theo ông Roland Rajah nhà kinh tế hàng đầu Viện Lowy (Australia) “Căng thẳng địa chiến lược ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây cũng cho thấy sự tập trung ngày càng tăng vào việc sử dụng tài chính, đặc biệt là cơ sở hạ tầng như một phương tiện để cạnh tranh ảnh hưởng”[13]. Cả hai cường quốc đều đưa ASEAN vào các khuôn khổ hợp tác kinh tế giành ảnh hưởng từ địa kinh tế đến địa chính trị.
Đối với các vấn đề khác, đặc biệt trong quan hệ ba bên ASEAN – Australia – Trung Quốc, gần đây, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã có chuyến thăm Trung Quốc nhằm “cài đặt lại” mối quan hệ vốn xuống dốc trầm trọng vì một loạt bất đồng. Dù không đạt được kết quả đột phá, sự kiện này đã khẳng định thiện chí của Canberra và Bắc Kinh, sẵn sàng “phá băng” để thúc đẩy hợp tác song phương trong những lĩnh vực có mối quan tâm chung[14]. Australia không có tranh chấp quyền lợi trực tiếp với Trung Quốc, song nước này luôn đứng sau ASEAN kêu gọi phản ứng lại với các hành vi được cho là tiêu cực của Trung Quốc ở biển Đông. Quá trình tìm kiếm tiếng nói chung với Bắc Kinh được Canberra thúc đẩy khi nhiều tranh chấp đã leo thang thành căng thẳng trong khu vực ảnh hưởng ít nhiều đến đầu tư, lợi ích chiến lược của Australia. Đó không hẳn là một hành động tăng cường sức mạnh cho mối liên kết Đông Nam Á – châu Đại Dương, mà chủ yếu nhằm tạo ổn định tạm thời để cân bằng trước hàng loạt các vấn đề cần can thiệp giải quyết trong ASEAN như khủng hoảng chính trị Myanmar, an ninh phi truyền thống, khủng bố, rạn nứt đoàn kết khối…
Dự báo chính sách Đông Nam Á của Australia
Chính sách của Australia đối với ASEAN từ khi tổ chức này ra đời năm 1967 đến nay thay đổi qua từng giai đoạn dưới tác động của nhiều yếu tố. Năm 1974, ASEAN và Australia thiết lập quan hệ đối tác. Thời điểm này đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị khu vực quan trọng dẫn đến những bất đồng. Bối cảnh khu vực ngày nay có nhiều thuận lợi hơn cho Australia trong việc phát triển quan hệ toàn diện với ASEAN khi tổ chức này đã tập hợp đủ các thành viên dưới mái nhà chung, tầm nhìn chung. Dựa vào 2 văn kiện “Tuyên bố Tầm nhìn của các nhà lãnh đạo ASEAN – Australia: Đối tác vì hòa bình và thịnh vượng” và “Tuyên bố Melbourne: Đối tác vì tương lai” cùng với sự biến đổi của tình tình khu vực và thế giới có thể đưa ra một số dự báo về trọng tâm chiều hướng chính sách Đông Nam Á của Australia cụ thể:
Thứ nhất, Australia sẽ tiếp tục triển khai chiến lược an ninh – chính trị hiện tại nhưng sẽ có những điều chỉnh đề phù hợp với hoàn cảnh mới. Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh nước lớn điển hình giữa Trung Quốc với Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Australia sẽ tăng cường sự hợp tác về an ninh đặc biệt là an ninh hàng hải với các quốc gia Đông Nam Á nhằm đảm bảo ổn định, hòa bình cũng như thiết lập tầm ảnh hưởng như một cường quốc tầm trung. Tại Diễn đàn An ninh Shangri-La lần thứ 20 diễn ra ở Singapore vào tháng 6 năm ngoái, ông Anthony Albanese đưa ra quan điểm về tầm nhìn chiến lược nêu rõ Australia cam kết mở rộng và làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các đối tác ở khu vực Đông Nam Á[15].
Australia là đối tác an ninh chính thức của gần như toàn bộ các thành viên ASEAN thể hiện vai trò đối với cấu trúc an ninh của khu vực với nền quân sự, quốc phòng phát triển mạnh cùng chung hàng ngũ với các cường quốc phương Tây. Do vậy, khả năng triển khai quốc phòng song phương với ASEAN không phải điều khó khăn với Australia. Điều quan trọng cần hết sức chú ý nằm ở cách triển khai sức mạnh, cơ hội hợp tác đó ra sao để không tạo ra sự phụ thuộc và làm lu mờ đi vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các vấn đề an ninh điều cốt yếu tạo nên sự đoàn kết của 11 quốc gia.
Thứ hai, sau khi định hình được vấn đề an ninh, Australia sẽ bao phủ nền kinh tế ASEAN qua cơ chế hợp tác cùng có lợi được xác định trong “Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến 2040. Theo Thông tấn xã Việt Nam, kế hoạch xác định 10 lĩnh vực ưu tiên có tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao nhất, bao gồm nông nghiệp và thực phẩm, cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục. Thủ tướng Albanese nhấn mạnh: “Các nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của Đông Nam Á mang đến cơ hội lớn cho doanh nghiệp Australia. Chiến lược này đưa ra những cách thức để có thể tận dụng đà tăng trưởng này, nắm bắt các cơ hội đầu tư và thương mại rộng lớn mà khu vực mang lại”[16].
Chiến lược kinh tế này một mặt vạch ra lộ trình cho sự gia nhập của Australia vào nền kinh tế Đông Nam Á nhằm thúc đẩy thương mại hai chiều và tăng cường đầu tư của Australia vào khu vực. Mặt khác, Australia xác định đây là chiến lược dài hơi để cạnh tranh với các dự án “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc mà Australia đã chậm chân để đối thủ bước trước nhanh hơn trong 10 năm qua.
Trước sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Đông Nam Á trong khi Canberra nhận định Bắc Kinh như một thách thức đe dọa tới lợi ích an ninh và kinh tế thì đa số các nước ASEAN lại coi sự vươn lên của Trung Quốc chứa đựng cả thời cơ và thách thức. Do đó, Australia sẽ tăng cường can dự nghiêm túc, lâu dài và kiên định vào ASEAN là ưu tiên hàng đầu, hợp tác với các bạn bè và đối tác để định hình tương lai mà tất cả các bên mong muốn[17]. Với lợi thế nằm trong cơ chế hợp tác chẳng hạn Tiến trình ASEAN +N, các Diễn đàn, Hội nghị, qua đây Australia hiểu và nắm được cách vận động cũng như “tính cách” của từng quốc gia từ đó tăng cường các đề xuất hợp tác xoáy sâu vào một số nước tiềm năng (Malaysia, Indonesia, Việt Nam…) nhằm thúc đẩy nhanh cho tiến trình xoay trục sang ASEAN. Ngoài việc giúp tăng cường tiếng nói, đây còn là cách thức tiếp cận nhằm “du nhập” các cơ chế hợp tác bên ngoài như AUKUS, Quad vào khu vực. Trong thông cáo AUKUS gần đây vào tháng 3/2023 đã cho thấy phản ứng “trầm lặng” hơn từ các quốc gia Đông Nam Á, cho thấy sự chấp nhận một phần đối với AUKUS và hy vọng của họ được hưởng lợi từ nó[18]. Về thực tế, Australia đề cao mối quan hệ truyền thống với phương Tây hơn với ASEAN. Mục tiêu của chiến lược ưu tiên ASEAN nhằm chủ yếu ở mong muốn tập hợp lực lượng chống Trung Quốc.
Như vậy, với những mục tiêu và lợi ích chung về kinh tế và an ninh – chính trị, mối quan hệ giữa Australia và ASEAN trong tương lai được dự báo sẽ tiếp tục phát triển, nâng tầm cao mới. Hợp tác sâu rộng và bền vững trong nhiều lĩnh vực khác như chống khủng bố, hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng với ASEAN là xu hướng tất yếu và là cơ hội để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như năng lượng sạch, công nghệ xanh bất chấp những thách thức từ bên ngoài.
Một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
Việt Nam – một quốc gia ngày càng có tiếng nói quan trọng trong ASEAN và trên trường quốc tế. Việt Nam dần trở thành cầu nối gắn kết không chỉ giữa các nước ASEAN với nhau mà cả ASEAN với thế giới. Thực tiễn quan hệ Việt Nam – Australia những năm qua và triển vọng của mối quan hệ này trong thời gian tới trong chính sách đối ngoại của Việt Nam cần lưu ý đến vai trò lớn của Mỹ đối với khu vực, nhất là trong bối cảnh Mỹ gia tăng tập hợp lực lượng để kiềm chế Trung Quốc. Biển Đông đóng vai trò trọng yếu đối với an ninh, ổn định của châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Các chiến lược gia phương Tây cho rằng quốc gia nào kiểm soát được toàn bộ Biển Đông sẽ chi phối toàn bộ Đông Nam Á.
Trong 10 nước thuộc ASEAN, Việt Nam có nhiều nhiều lợi ích gắn với biển Đông, do đó liên tục vướng vào những tranh chấp các thực thể trên biển với một số quốc gia khác. Trước tình hình đang ngày càng nhiều sự can dự của các nước có lợi ích gián tiếp ở biển Đông trong đó Mỹ và Australia hoạt động mạnh mẽ nhất, điều này đưa ra một vấn đề khó khăn cho ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Hiện nay, vai trò trung tâm của ASEAN đang ở ngã rẽ. Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ với Trung Quốc đang dâng cao trong khoảng vài năm trở lại đây. Với sức ảnh hưởng đến an ninh, kinh tế từ hai quốc gia này, nội bộ ASEAN đang dần xuất hiện xu hướng chia rẽ, chính vì vậy đã đến lúc ASEAN cần xem xét lại các khuôn khổ quy chuẩn, các quy trình không chính thức có còn phù hợp với môi trường an ninh mới.
Việt Nam chủ trương coi trọng mối quan hệ với Australia nhưng cần hết sức lưu ý đến những biến đổi khu vực để hoạch định và triển khai đường lối, chính sách đối ngoại. Thực tế cho thấy đã có những đề xuất kêu gọi Việt Nam trở thành một phần của những dạng liên kết liên khu vực nhằm đảm bảo và được hưởng các đặc quyền tiếp cận an ninh với các nền quốc phòng tân tiến nhất, nhưng thực chất đó là những hàm ý cho quá trình tập hợp lực lượng vào một khối liên minh để chống quốc gia khác. Do đó, song song cùng sự mở rộng quan hệ ngoại giao với các cường quốc bên ngoài khu vực, Việt Nam cần có quan điểm rõ ràng và duy trì sự tự chủ chiến lược. Ưu tiên chính sách “bên trong” hàng đầu của Việt Nam hiện nay là duy trì độc lập, tự chủ, không liên kết, kiên định các chính sách đã được vạch ra tối đa lợi ích cho quốc gia, dân tộc. Với “bên ngoài”, Việt Nam thực hiện đường lối hội nhập tích cực, đề cao đa phương hóa, phát triển quan hệ tốt đẹp với bạn bè quốc tế, duy trì một khu vực không liên minh, dựa vào luật pháp quốc tế cùng biện pháp hòa bình trong các vấn đề tranh chấp./.
Tác giả: Phạm Quang Hiền
(*)Australia sẽ chi hơn 1 tỷ đô la Australia (AUD) để hỗ trợ khu vực đối phó với các thách thức, chưa kể đến việc Australia cho Indonesia vay 1,5 tỷ AUD để giúp nước này tháo gỡ những khó khăn trong ngân sách.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected].
Tài liệu tham khảo:
[1] [3] Trịnh Thị Định (2004), “ASEAN trong Chiến lược đối ngoại của Australia: Lịch sử và hiện tại”, Đại học Khoa học Huế. https://vnu.edu.vn/home/?C1635/N4637/ASEAN-trong-chien-luoc-doi-ngoai-cua-Australia:-Lich-su-va-hien-tai.htm
[2] Xem pdf tại: Australia Government Defence (2016), “2016 Defence White Paper”.https://www.defence.gov.au/sites/default/files/2021-08/2016-Defence-White-Paper.pdf
[4] Thanh Tú, Văn Linh, Lê Đạt (2024), “Giáo sư Hal Hill: Tương lai của Australia nằm ở ASEAN”, Vietnamplus. https://www.vietnamplus.vn/giao-su-hal-hill-tuong-lai-cua-australia-nam-o-asean-post933568.vnp#google_vignette
[5] Mạnh Hùng (2024), “Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Australia: “Đối tác cho tương lai”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. https://dangcongsan.vn/thoi-su/hoi-nghi-cap-cao-dac-biet-asean-australia-doi-tac-cho-tuong-lai-660444.html
[6] Minh Anh (2023), “Australia và Indonesia đẩy mạnh hợp tác vì thịnh vượng chung”, Báo Nhân Dân. https://nhandan.vn/australia-va-indonesia-day-manh-hop-tac-vi-thinh-vuong-chung-post761914.html
[7] Rod Mcguirk (2024), “Malaysia’s prime minister resists US pressure and says Malaysians don’t have a problem with China”, AP News. https://apnews.com/article/malaysia-china-australia-anwar-ibrahim-b4d75a8423b5265bec1a05d69231965f
[8] Australian Government Department of Foreign Affairs and Trade (), “Timor-Leste country brief”. https://www.dfat.gov.au/geo/timor-leste/timor-leste-country-brief
[9] Royal Thai Embassy, Canberra (2022), “The Official Visit to Thailand of Minister for Foreign Affairs of Australia 1-2 November 2022”. https://canberra.thaiembassy.org/the-official-visit-to-thailand-of-minister-for-foreign-affairs-of-australia-1-2-november-2022/
[10] Việt Nga (2021), “Australia ngày càng gắn kết hơn với Đông Nam Á”, VOV. https://vov.vn/the-gioi/australia-ngay-cang-gan-ket-hon-voi-dong-nam-a-838137.vov
[11] [18] Tùng Dương (2023), “Chính sách Đông Nam Á của Australia thời Thủ tướng Anthony Albanese”, Nghiên cứu Chiến lược. https://nghiencuuchienluoc.org/chinh-sach-dong-nam-a-cua-australia-thoi-thu-tuong-anthony-albanese/
[12] Ngô Minh Trí (2013), “Thế trận liên minh Nhật Bản”, Báo Thanh niên. https://thanhnien.vn/the-tran-lien-minh-nhat-ban-18540561.htm
[13] Roland Rajah (2023), “Indo-Pacific infrastructure development financing: an agenda for Australia and Europe”, Lowy Institute. https://www.lowyinstitute.org/publications/indo-pacific-infrastructure-development-financing-agenda-australia-europe
[14] Quỳnh Dương (2023), “Thủ tướng Australia thăm Trung Quốc: “Phá băng” để thúc đẩy hợp tác”, Hà Nội mới. https://hanoimoi.vn/thu-tuong-australia-tham-trung-quoc-pha-bang-de-thuc-day-hop-tac-647395.html
[15] Australian Government Department of the Prime Minister and Cabinet (2023), “Prime Minister visits Singapore”. https://www.pmc.gov.au/news/prime-minister-visits-singapore
[16] Văn Linh (2023), “Australia công bố chiến lược mới thúc đẩy thương mại với Đông Nam Á”, VietnamPlus. https://www.vietnamplus.vn/australia-cong-bo-chien-luoc-moi-thuc-day-thuong-mai-voi-dong-nam-a-post892774.vnp
[17] TTXVN (2024), “Tuyên bố Melbourne” khẳng định quan hệ đối tác ASEAN – Australia vì tương lai”. https://vtv.vn/the-gioi/tuyen-bo-melbourne-khang-dinh-quan-he-doi-tac-asean-australia-vi-tuong-lai-2024030615133838.htm