Bài viết thể hiện quan điểm nghiên cứu của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược.
Ngày 07/10/2023, các nhóm quân sự Palestine do Hamas lãnh đạo đã phát động một cuộc tấn công quy mô vào Israel từ Dải Gaza, vượt qua hàng rào Gaza–Israel và vượt qua các cửa khẩu biên giới Gaza, các thành phố lân cận của Israel, các cơ sở quân sự lân cận và các khu định cư dân sự. Tel Aviv đã đáp trả ngay sau đó, khởi đầu cuộc xung đột quân sự đẫm máu mà cho tới nay, sau hơn một tháng, vẫn đang diễn ra khốc liệt.
Sự kiện ngày 07/10 chỉ là diễn biến mới nhất trong lịch sử 75 năm xung đột giữa Israel với người Palestine và nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas. Để có một cách nhìn toàn diện về cuộc chiến này, Nghiên cứu Chiến lược trân trọng giới thiệu bài nghiên cứu dài kỳ có tựa đề "Xung đột Hamas – Israel từ những góc nhìn lịch đại và đồng đại" với ba phần:
PHẦN 1: LỊCH SỬ CUỘC XUNG ĐỘT
Nhận diện một số nhân tố chính trị liên quan tới lịch sử vùng đất Trung Đông, nguồn gốc của những xung đột dai dẳng và của sự kiện ngày 7/10 khi lực lượng Hamas tấn công Israel.
Cuộc xung đột hiện nay trên vùng đất Palestine lịch sử đã nổ ra sau 75 năm của bất công và không kém phần bạo lực. Dưới góc độ luật pháp quốc tế, những người Palestine có quyền, và cả bổn phận, tiến hành kháng chiến chống lại cuộc xâm lược của Israel. Về phần mình, những người Israel cũng có quyền tồn tại và đáp trả những hành vi đe dọa an ninh của mình. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế có trách nhiệm giúp giải quyết những bất công mà cả hai bên phải gánh chịu, điều không đồng nghĩa với việc ủng hộ những hành vi tàn bạo mà những cá nhân hai bên phạm phải.
Tương tự, sự ủng hộ giành cho cả hai dân tộc Palestine và Israel không nên thể hiện qua quyền miễn trừ trách nhiệm cho các lãnh đạo của mỗi bên về những tội ác mà họ phạm phải, cũng như của những cường quốc thao túng đằng sau.
Bài viết này không nhằm tổng hợp các diễn biến cụ thể và những số liệu cụ thể về cuộc xung đột hiện tại giữa Hamas và Israel đã và đang được hầu hết các phương tiện truyền thông quốc tế cập nhật đều đặn trong những ngày qua, mà hướng tới mục tiêu lý giải sơ lược tình trạng thù địch và xung đột liên miên trên mảnh đất Palestine lịch sử, những thách thức to lớn cho khát vọng hòa bình của người dân nơi đây, cũng như một số thông tin hay sự thật thường bị bỏ qua, cùng một số phân tích và dự báo triển vọng của cuộc xung đột phức tạp này.
Nhận diện một số nhân tố chính trị
Trung Đông – vùng đất đa sắc tộc, đa tôn giáo
Trung Đông là một không gian bất ổn nơi rất nhiều bè nhóm, phe phái đối đầu lẫn nhau trong nỗ lực sinh tồn. Theo một cái nhìn đơn giản hóa, thế giới bên ngoài thường nhìn nhận khu vực này gồm có người theo các đạo Do Thái, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo, nhưng thực tế phức tạp hơn rất nhiều.
Mỗi một tôn giáo hiện hữu tại Trung Đông lại được hợp thành từ rất nhiều lưu phái rất khác biệt nhau. Đơn cử, tại châu Âu và vùng Maghreb tại Bắc Phi những người theo Thiên Chúa giáo chỉ phân chia thành Cơ-đốc, Chính thống giáo và Tin lành, nhưng tại Trung Đông có hàng chục loại nhà thờ Thiên chúa giáo phân lưu khác nhau, và điều tương tự cũng diễn ra với đạo Do Thái và Hồi giáo.
Mỗi khi một chi tiết trong bàn cờ phức tạp đó thay đổi “vị trí”, tất cả những hội nhóm khác đều buộc phải dịch chuyển theo. Chính vì thế, những đồng minh ngày hôm qua rất có thể trở thành kẻ thù ngày mai, và những kẻ thù ngày hôm nay rất có thể đã từng là đồng minh trong quá khứ. Xuyên suốt nhiều thế kỷ, những lực lượng còn tồn tại ngày hôm nay đều đã từng trải qua cả thời gian sắm vai đao phủ lẫn những khi làm nạn nhân. Những người bên ngoài khi tới Trung Đông thường ưu tiên làm quen với những người có tương đồng về văn hóa hay tín ngưỡng với mình, nhưng thường bỏ qua hay ít được chuẩn bị để thấu hiểu lịch sử của những nhóm sắc tộc – tôn giáo khác.
Với những người thực sự muốn thúc đẩy hòa bình, do đó, không thể chỉ đơn giản lắng nghe những người gần gũi hơn với mình, mà phải thừa nhận rằng hòa bình đòi hỏi những giải pháp không chỉ xử lý thỏa đáng những bất công đang gây ra đau khổ cho những người bạn của mình, mà còn xóa đi những bất công khác mà cả những đối thủ của họ cũng đang phải gánh chịu.
Nhưng đây không phải là điều đang diễn ra tại đa phần của thế giới. Đơn cử như tại châu Âu, từ nhiều tháng qua người ta chỉ được nghe quan điểm của một số người Ukraine phản đối người Nga, lập trường của người Armenia về người Azerbaijan và giờ đây chỉ là lập luận của một số người Israel thù địch với người Palestine.
Cũng không nên quên rằng, trong số nhiều các nguồn thông tin được trích dẫn, một người đọc công tâm phải phân biệt được những luận điểm bảo vệ những lợi ích vật chất trước mắt với những lập luận bảo vệ quốc gia và những quan điểm khác dựa trên các nguyên tắc. Không dễ để nhận ra những khác biệt đó khi đề cập tới những nhóm người trên thực tế không theo đuổi niềm tin tôn giáo mà là chính trị thần quyền – nói cách khác là những người không bảo vệ một nguyên tắc trên hết nào mà sử dụng các chiêu bài tôn giáo để giành chiến thắng.
Dựa trên các nguyên tắc này, hãy cùng điểm lại các sự kiện vừa và đang diễn ra tại mảnh đất Trung Đông đầy đau khổ này cùng bối cảnh của chúng.
Sự kiện ngày 07/10
Vào lúc 6h sáng ngày 7/10/2023, Phong trào Kháng chiến Hồi giáo hay Hamas của Palestine tấn công Israel, đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm “Chiến tranh tháng 10/1973” hay còn gọi là “Chiến tranh Yom Kippur” theo cách gọi của Israel. Nửa thế kỷ trước, Ai Cập và Syria đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào Israel để giúp đỡ người Palestine, nhưng chính quyền Tel Aviv – đã được triều đình Jordan báo trước và được Washington hậu thuẫn – đã đánh bại quân đội của những người Arab. Kết quả, tổng thống Ai Cập khi đó Annuar el-Sadat đã quay lưng lại với những Arab, còn Syria đánh mất cao nguyên Golan.
Chiến dịch vừa qua của Hamas bao gồm việc tấn công đồng loạt bằng rốc-két, với mục đích làm quá tải hệ thống phòng thủ Vòm Sắt của Israel, phối hợp với hơn 20 cuộc tấn công đường bộ và các hoạt động thâm nhập bằng dù lượn. Đây là lần đầu tiên tại Palestine, những đợt bắn rốc-két nhắm được vào các sở chỉ huy của quân đội Israel nhằm tạo điều kiện cho cuộc đột kích trên bộ. Các hoạt động trên bộ này có mục đích trực tiếp là bắt giữ con tin nhằm đánh đổi với 1.256 tù nhân Palestine đang bị giam trong các nhà tù được bảo vệ an ninh cao của Israel. Tất nhiên, về tổng thể chiến dịch này hướng tới những mục tiêu chính trị rộng lớn hơn.
Công tác chuẩn bị cho toàn bộ chiến dịch của Hamas, nói cách khác là việc thu thập thông tin tình bào, đào tạo ít nhất 1.000 lính biệt kích và vận chuyển vũ khí cùng các phương tiện cần thiết, chắc chắn phải mất nhiều tháng, thậm chí là vài năm. Tuy nhiên, chí ít là theo những biểu hiện bên ngoài và phát biểu công khai, các bộ phận chỉ huy của Israel cùng các đồng minh phương Tây đã không lường trước được sự việc, bất chấp thực tế là toàn bộ chiến dịch được Mohammed Deif, chỉ huy cánh vũ trang của Hamas luôn trong tầm ngắm của Mossad (cơ quan tình báo Israel) và mới tái xuất sau 2 năm ẩn mình, lên kế hoạch thực hiện.
Phát hiện được nhưng không đủ khả năng đánh chặn đồng thời, Israel đã phải hứng chịu tác động từ ít nhất 3.000 quả đạn pháo trong tổng số 7.000 quả mà Hamas đã bắn trong ngày 7/10, thậm chí lực lượng Hồi giáo này còn chiếm được vài xe tăng và bọc thép hiện đại bậc nhất của quân đội Israel, và kiểm soát được một cửa khẩu biên giới trong thời gian tấn công. Hành động quân sự quy mô và lớn nhất của lực lượng Hamas trong 50 năm qua đã khiến hơn 1.400 người Israel thiệt mạng, khoảng 2.000 người khác bị thương và 200 người bị bắt đưa về Gaza. Sau đó, những hành động đáp trả của Israel đã và sẽ gây ra những con số thương vong chắc chắn cao gấp nhiều lần những con số đó.
Những gì vừa và đang diễn ra là hệ quả của 75 năm đàn áp và vi phạm luật pháp quốc tế. Trong cả giai đoạn đó, Tel Aviv đã vi phạm hàng chục nghị quyết của Hội đồng Bảo An Liên hợp quốc mà không phải chịu bất cứ hình phạt nào. Israel như một nhà nước nằm ngoài vòng kiềm tỏa của luật pháp quốc tế, và không ngần ngại trong việc mua chuộc và sát hại hầu hết các nhà lãnh đạo chính trị Palestine. Israel cũng đã bóp nghẹt con đường phát triển kinh tế của Palestine, đồng thời thúc đẩy việc tạo ra một nhà nước Palestine chia rẽ để Tel Aviv có thể trực tiếp kiểm soát một phần.
Những uất ức và chịu đựng chất chứa trong 75 năm đã chuyển hóa thành những hành vi tàn bạo của một bộ phận chiến binh Hamas, những người mang suy nghĩ rằng dù sao “cộng đồng quốc tế” cũng đã bỏ rơi họ từ lâu. Tất nhiên, không thể phủ nhận Hamas đã phạm những tội ác chiến tranh và những hành động như việc tàn sát 280 người tham dự nhạc hội tại Nova là không thể bào chữa và tha thứ, chỉ có điều những hành vi cực đoan đó không phải là vô cớ và cũng không phải là một chiều.
Câu trả lời khốc liệt được chờ đợi của quân đội Israel đến ngay lập tức. Sau lời tuyên bố, Israel “đang trong tình trạng chiến tranh” của thủ tướng Netanyahu và chiến dịch tìm diệt nhanh gọn những biệt kích Hamas đã đột nhập trong chiến dịch ngày 7/10, quân đội Israel đã bao vây hoàn toàn Dải Gaza, không kích dữ dội không ngừng nghỉ vào các công trình dân sự, thậm chí là các cơ sở nhân đạo, đúng như tôn chỉ ban đầu mà bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã đề ra: “Tôi đã ra lệnh một cuộc bao vây toàn diện Dải Gaza. Sẽ không có điện, nước, thức ăn và nhiên liệu và tất cả sẽ bị khóa kín. Chúng ta đang đấu tranh chống lại những con thú đội lốt người và chúng ta sẽ hành động tương ứng như vậy”.
Vậy khi Israel tiến hành một cuộc chiến tổng lực nhắm vào Gaza, vùng đất họ kiểm soát từ năm 1967 và cô lập cấm vận từ 17 năm qua, họ sẽ nhắm vào các mục tiêu nào? Ở đây không có căn cứ quân sự, không có hệ thống phòng quân-không quân, không có hải cảng quân sự, không có xe tăng, thiết giáp, trực thăng, tàu chiến, và thậm chí cả hệ thống đường sắt cũng chẳng có. Không hề có một sự tương xứng nào giữa bộ máy chiến tranh đồ sộ và tinh nhuệ của Israel so với Hamas và người dân Palestine.
Và nếu ai còn phân vân về ý đồ trừng phạt tập thể mà Israel tiến hành tại Gaza trước khi tiến hành cuộc công kích bằng bộ binh, thì tuyên bố của tổng thống Israel Isaac Herzog đã gạt bỏ mọi nghi ngờ đó khi khẳng định những người dân thường tại Gaza không phải là “vô tội”, với lập luận rằng họ có ý thức được và có liên quan tới cuộc tấn công của Hamas, và vì không nổi dậy lật đổ chế độ xấu xa đã cưỡng chiếm Gaza nên những người dân Palestine tại dải đất này cũng là những người có lỗi.
Những con số thương vong dân thường, trong đó có gần một nửa là trẻ em, nhẩy vọt qua từng ngày, những “kỷ lục” về số người thiệt mạng tại Gaza trong một ngày liên tục được ghi nhận, khoảng 1/3 nhà cửa và các công trình dân sự tại Gaza đã bị biến thành gạch vụn và tỷ lệ này sẽ còn tiếp tục tăng. Hoạt động viện trợ nhân đạo – một nguồn sống quan trọng của người dân Gaza ngay cả từ trước cuộc chiến do các hoạt động kinh tế tại dải đất này bị Israel chặn đứng, các thảm kịch nhân đạo diễn ra liên tục khiến các nhà quan sát còn không kịp lên án. Chính quyền Israel khuyến cáo người dân Palestine tại Gaza di dời khỏi các khu vực bị không kích mà “quên” mất rằng họ chẳng thể đi đâu được nữa khi các biên giới trên bộ, trên không và trên biển đều bị Israel phong tỏa, cửa khẩu duy nhất với Ai Cập cũng bị không kích và pháo kích, trong khi bản thân Cairo cũng đã nhiều lần tuyên bố không muốn và không thể tiếp nhận số lượng người di cư có thể lên tới hàng triệu từ nước láng giềng. Chiến lược ép buộc di cư này chính là hình thức tái hiện thảm họa Nakba (cuộc thảm sát và trục xuất ồ ạt người Palestine khỏi lãnh thổ và cũng là ngày Israel tự tuyên bố độc lập) tại vùng đất cuối cùng mà người Palestine còn có thể quyết định hành động của mình.
Trong khi đó Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vẫn loay hoay chưa đưa ra được bất kỳ một nghị quyết nào – ngay cả khi hiệu lực thực tế của nó bị nghi ngờ từ trước khi ra đời – dù chỉ mang tính tuyên bố lý thuyết khi các cường quốc có phiếu phủ quyết đều lồng ghép quan điểm chính trị của mình vào mỗi hành động; cho dù trước đó nhân dịp kỷ niệm ngày Israel tuyên bố độc lập cùng thảm họa Nakba, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tái khẳng định quan điểm rằng luật pháp quốc tế đứng về phía người Palestine – một động thái từng được cho là phản ánh thế cục mới của thế giới nơi Mỹ và phương Tây không còn chi phối hoàn toàn. Tình hình cấp bách tại Gaza cùng sự bế tắc tại Hội đồng Bảo an đã khiến Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phải thốt lên rằng cuộc tấn công tàn bạo của Hamas ngày 7/10 “không tự dưng có” và “không thể bào chữa cho sự trừng phạt tập thể với toàn bộ dân tộc Palestine”, một lời nhận xét quá chân thành cho người đại diện cao nhất của Liên hợp quốc dẫn tới những phản ứng sôi sục của Israel và các đồng minh.
Nguồn gốc xung đột
Từ trước khi bùng phát xung đột, cả hai bên của chiến tuyến ngày nay đều đối diện tình thế bế tắc không lối thoát. Sau 3/4 thế kỷ áp dụng nhiều biện pháp khốc liệt, Israel chưa giành thêm những bước chuyển chiến lược tình trạng chiếm đóng, trong khi người dân đất nước này rơi vào tình trạng chia rẽ. Trong vài tháng qua, những người theo tư tưởng phục quốc Do Thái (Zionism) và chủ nghĩa xét lại, nói cách khác là môn đệ cuồng tín của nhà tư tưởng cực đoan Do Thái – Ukraine Zeev Jabotinsky (1880 – 1940) và ủng hộ quan điểm dân tộc thượng đẳng, đã nắm được quyền lực tại Tel Aviv bất chấp sự phản đối của đa phần dân chúng và những cuộc biểu tình rầm rộ. Giới thanh niên Israel ngày nay khát vọng được sống trong hòa bình và từ chối cầm súng để đứng cùng quân đội Israel trong những hành động lạm dụng người Arab, cho dù sau những diễn biến gần đây, không ít người trong số họ đã quyết định cầm lấy vũ khí với mục tiêu bảo vệ gia đình và một Tổ quốc mà họ không còn quá tin tưởng.
Để trình bày rõ bối cảnh, xin được nhắc lại một số khái niệm cơ bản rằng Hebrew là một dân tộc, Do Thái là một tôn giáo, Israel là một nước và chủ nghĩa phục quốc Do Thái (Zionism) là một ý thức hệ hữu khuynh cực đoan, cho dù những khái niệm này trong ngôn ngữ thông thường hay bị giảm thiểu và dùng chung trong khái niệm Do Thái. Cũng cần lưu ý rằng có tới 90% người dân Israel hiện tại không thuộc sắc tộc Hebrew mà là hậu duệ của người Khazar, một dân tộc Trung Á đã cải đạo sang Do Thái vào thế kỷ thứ VII, và chính họ đã đưa Zionism trở thành hệ tư tưởng chính thức của nhà nước Israel.
Một điểm đáng chú ý là trong khi tất cả các nền văn hóa dựa trên tôn giáo độc thần, bao gồm cả Do Thái giáo, đều coi mỗi con người đều bình đẳng trước vị thần tối cao, thì những người theo tư tưởng Zionism, cũng như một số lưu nhánh cực đoan của đạo Hồi và Thiên chúa giáo, lại coi mạng sống của những người không chia sẻ cùng tín ngưỡng với họ là không đáng giá. Chính vì vậy, những gì đang diễn ra tại Gaza, dù làm thế giới kinh hoàng, lai không phải là một điều mới mẻ đối với nhà nước theo tư tưởng Zionism, vì xét cho cùng Israel luôn tồn tại được nhờ sức mạnh.
Jabotstinky, người sáng lập ra trường phái Zionism xét lại còn cực đoan hơn và tác giả của luận thuyết “bức tường sắt” – nền tảng tư tưởng của chính đảng Likud, từng bình luận rằng tinh thần và lương tâm không thể là yếu tố dẫn dắt chính trị và những người theo chủ nghĩa Zionism phải chấp nhận thực tế rằng chủ nghĩa cực đoan và sức mạnh là yếu tố quyết định trong thành tựu lập quốc và trụ vững của nhà nước Do Thái; nhà tư tưởng này không coi chủ nghĩa Zionisma đơn giản là sự trở về của người Do Thái tới tổ quốc tinh thần của họ, mà còn là một phần trong tổng thể quá trình “khai sáng văn minh” phương Tây đối với phương Đông, và tinh thần thân phương Tây đó đã được chuyển hóa trong thực hành xây dựng nhà nước Do Thái với vị thế đồng minh thường trực và thân thiết của các lực lượng thực dân châu Âu và cường quốc kế thừa (Mỹ) chống lại toàn bộ người Arab ở Trung Đông.
Về Palestine, Jabotinsky từng đưa ra nhận định thẳng thừng: “không thể chuyển hóa hòa bình một Palestine Arab thành Do Thái, vì không bao giờ quá trình thuộc địa hóa một đất nước lại diễn ra với đồng thuận của dân tộc bản địa, những người sẽ chiến đấu quyết liệt chống lại kẻ thực dân. Tất cả dân tộc đó sẽ nhìn đất nước của họ như một tổ ấm quốc gia mà họ phải làm chủ tuyệt đối và sẽ không bao giờ chấp nhận một người chủ khác. Những người Palestine sẽ nhìn Palestine với tình yêu bản năng và nhiệt huyết điển hình như những người Aztec từng ngắm nhìn Mexico và những người thổ dân Sioux từng ngắm nhìn thảo nguyên của họ. Những người Palestine sẽ đấu tranh với kẻ thực dân chừng nào vẫn còn le lói chút hi vọng có thể tránh được cuộc chinh phục và công cuộc thực dân. Đó là bản chất không thể thay đổi của sự việc. Quá trình thực dân hóa của chúng ta phải được triển khai bằng cách thử thách ý chí của dân tộc bản địa và chỉ có thể tiếp tục dưới tấm khiên của sức mạnh. Đó là đạo đức của chúng ta, không còn cách nào khác. Chừng nào người Palestine còn hi vọng dù là nhỏ nhoi nhất, họ sẽ không bao giờ bán đổi hi vọng đó với bất kỳ dụ dỗ béo bở nào, vì chúng ta không đối diện một tập thể hạ tiện mà là một dân tộc sống động, và chẳng có dân tộc nào lại chấp nhận những nhượng bộ to lớn trong những vấn đề mang tính quyết định như vậy, trừ khi họ không còn một chút hi vọng nào nữa”.
Xét về hiệu quả thực tiễn, chủ nghĩa Zionism quả đã có đóng góp to lớn trong việc tạo dựng và bảo vệ một tổ quốc cho người Do Thái sau hàng nghìn năm lưu lạc và bị xua đuổi tại nhiều nơi trên thế giới mà vẫn kiên cường tồn tại và bảo tồn các giá trị của mình, đặc biệt khi đất nước Israel ra đời và phát triển ngay trong môi trường đầy thù địch với mình từ thế giới Arab và cộng đồng Hồi giáo, nhưng như đã nói, do chưa bao giờ hướng tới việc tìm cách giảm bớt hay triệt tiêu những thù hận truyền đời đó, thậm chí còn tô đậm thêm, tư tưởng Zionism sẽ không bao giờ là lối thoát mang lại hòa bình cho vùng đất Palestine lịch sử nói riêng và Trung Đông nói chung.
Cho dù là hệ tư tưởng của nhà nước Do Thái, nhưng sẽ là nhầm lẫn lớn nếu cho rằng Zionism là tư tưởng chung của toàn bộ người Israel hay những người theo đạo Do Thái. Marek Edelman, sĩ quan duy nhất còn sống sót từ Cuộc Phá vây Warszawa (Warsaw Ghetto Uprising) huyền thoại nơi hàng nghìn chiến binh Ba Lan gốc Do Thái đã kiên cường và anh dũng chống chọi cuộc bao vây khốc liệt của phát-xít Đức với tinh thần hi sinh tới người cuối cùng và sau đó vùng dậy phá vây cùng đà tiến của Hồng quân Liên Xô – đã từng lên án Zionism là hệ tư tưởng phân biệt chủng tộc được sử dụng để cướp đất của người Palestine. Ông đã ủng hộ cuộc đấu tranh vũ trang của người Palestine với quan điểm “là người Do Thái có nghĩa là luôn ở phía những người bị áp bức, không phải ở phía kẻ áp bức”, đồng thời phản đối việc Israel “chiếm đoạt” lịch sử về cuộc thảm sát Holocaust và Cuộc Phá vây Warzsawa để bào chữa cho những hành động của mình với người Palestine khi nhận định “lịch sử thuộc về tất cả mọi người và tất cả những người bị áp bức, bao gồm người Palestine, đều có quyền đấu tranh cho công bằng, phẩm giá và tự do”. Trong khi vẫn tuyên truyền về Cuộc Phá vây Warsawa như thành tích lịch sử của mình, nhà nước Israel lại coi Edelman, thủ lĩnh duy nhất còn sống sót và anh hùng thực sự từ cuộc kháng chiến kinh điển đó, như một kẻ tâm thần lập dị, và ông đã từ chối trở về “tổ quốc tinh thần” để ở lại Ba Lan tới trọn đời.
Nhà triết học Israel Yeshayahu Leibowitz, người từng được gọi là “lương tâm của Israel”, cũng từng lên tiếng cảnh báo rằng nếu Israel không tách biệt Giáo hội Do Thái với Nhà nước, họ sẽ tạo ra một dạng nhà nước thần quyền tha hóa bóp méo chính Do Thái giáo và biến nó trở thành một giáo phái cực đoan cùng một nhà nước cảnh sát chà đạp mọi giá trị về giáo dục, tự do tư tưởng và dân chủ thể chế.
Về phần mình, từ góc độ pháp lý, những người Palestine đã thành lập một nhà nước của mình, mà hiện giờ đang giữ vị thế quan sát viên tại Liên hợp quốc. Khi nhà lãnh đạo lịch sử Yasser Arafat ra đi, ông Mahmoud Abbas được bầu làm tổng thống của nhà nước này. Sau chiến thắng của Hamas trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2007, và trước lập trường cứng rắn của phương Tây nhất quyết không công nhận một chính phủ Hamas, người Palestine đã tự đối đầu nhau trong một cuộc nội chiến. Kết quả của cuộc chiến huynh đệ tương tàn đó là phần lãnh thổ Bờ Tây nằm dưới quyền của chính phủ Al-Fatah, chính đảng thế tục do Yasser Arafat sáng lập nhưng hiện tại Mahmoud Abbas và cộng sự thân cận nhất của mình đang nhận ngân sách từ Mỹ, Liên minh châu Âu và thậm chí từ chính… Israel, trong khi Dải Gaza nằm dưới quyền quản lý của Hamas, chi nhánh tại Palestine của tổ chức Anh em Hồi giáo. Những người cầm quyền tại Gaza trên thực tế không xem đạo Hồi là một hình thức tinh thần mà là một vũ khí chinh phục, và nhận ngân sách chủ yếu từ Anh, Qatar, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Liên minh châu Âu. Hai phe phái đối địch của Palestine đã đóng băng các cuộc bầu cử mới suốt hơn 16 năm qua, và các lãnh đạo của cả hai phe có cuộc sống xa hoa tương phản với điều kiện khốn khó của đa phần người dân nước mình.
Ở thời điểm ra đời, Hamas được Anh tài trợ và nhận được sự ủng hộ của cơ quan mật vụ Israel, những người mong muốn sử dụng tổ chức này làm suy yếu phong trào dân tộc chủ nghĩa thế tục do Yasser Arafat sáng lập và dẫn dắt. Israel sau đó sát hại thủ lĩnh tôn giáo của Hamas, tộc trưởng Yasin, và rồi lại sử dụng Hamas để loại bỏ các lãnh đạo của phong trào kháng chiến Palestine theo đường lối Mác-xít. Tại Syria, các chiến binh Hamas, theo chỉ đạo gián tiếp của cơ quan Mossad của Israel, và các phần tử thánh chiến Hồi giáo của al-Qaeda năm 2012 đã tấn công vào trại tị nạn Yarmuk của người Palestine trong giai đoạn đầu của cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này. Và rồi sau đó Hamas lại chiến đấu, cho tới tận ngày nay, chống lại Israel, đồng minh của họ trước đây.
Những mối quan hệ giữa Hamas, Qatar, Iran và Israel là phức tạp và hay thay đổi theo hoàn cảnh và lợi ích mà mỗi bên theo đuổi. Hamas và Qatar duy trì một mối quan hệ chặt chẽ từ nhiều năm qua, dựa trên sự tương đồng về tư tưởng tôn giáo và hỗ trợ tài chính. Qatar là một trong những nước tài trợ chính cho Hamas, cung cấp ngân sách cho lực lượng này trả lương công chức, tái thiết cơ sở hạ tầng và xoa dịu khủng hoảng nhân đạo tại Gaza, đồng thời cũng cho phép một số lãnh đạo của Hamas được cư trú trong lãnh thổ. Qatar luôn khẳng định sự hỗ trợ của mình cho Hamas có mục đích nhân đạo và ngoại giao, và rằng họ nỗ lực tạo điều kiện cho một giải pháp hòa bình cho xung đột Palestine – Israel. Tuy nhiên, một số nước Arab, như Ai Cập, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab cáo buộc Qatar, trong tham vọng mở rộng ảnh hưởng tại khu vực nhờ tiềm lực tài chính hùng mạnh của mình, cũng hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố và gây nguy hại cho sự ổn định của khu vực.
Quan hệ giữa Hamas với Iran lại căng thẳng và biến động hơn, cho dù thường bị thổi phồng trên truyền thông quốc tế. Iran là một trong những nhà cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự quan trọng của Hamas, cũng như hỗ trợ chính trị và truyền thông, và Tehran coi Hamas như một đồng minh chiến lược trong cuộc đối đầu với kẻ thù Israel và một nhân tố gây sức ép trong thương lượng với phương Tây về chương trình hạt nhân của mình. Tuy nhiên, hai bên -vốn thuộc 2 dòng Hồi giáo khác nhau – đã có những thời khắc lạnh nhạt và thiếu tin tưởng, đặc biệt kể từ khi nổ ra cuộc nội chiến tại Syria năm 2011. Hamas từ chối hỗ trợ tổng thống Al Assad, đồng minh của Iran, và lựa chọn lập trường trung lập và có lúc nghiêng về phe đối lập Syria. Điều này khiến Iran nổi giận và từng cắt giảm viện trợ kinh tế và quân sự cho Hamas, và quan hệ giữa hai bên chỉ khôi phục phần nào trong vài năm gần đây qua vận động trung gian của nhóm Hezbollah tại Liban.
Quan hệ giữa Qatar và Israel mang tính thực dụng và kín đáo, dựa trên lợi ích chung trong việc mở rộng hợp tác khu vực. Dù không có quan hệ ngoại giao chính thức, hai bên vẫn có những kênh tiếp xúc tùy thời điểm và hợp tác trong một số lĩnh vực cụ thể. Qatar cũng đóng vai trò trung gian giữa Israel và Hamas mỗi khi có cơ hội giảm căng thẳng và đàm phán, và coi đây là một trong những nhiệm vụ ngoại giao của mình.
Xét về mặt cá nhân, Mohammed Deif, “tư lệnh” của cuộc tấn công vừa qua của Hamas và một trong thủ lĩnh của phong trào này được nhắc tới nhiều nhất thời gian qua, được biết tới như người sáng lập các biệt đội al-Qassam, và cũng như những thành viên khác của Anh em Hồi giáo, nhân vật này cũng mang tư tưởng thượng đẳng Hồi giáo. Các biệt đội mà Deif sáng lập mang tên của Izz al-Din al-Qassam (1882-1935), người từng chống lại chế độ thực dân Pháp tại Liban và thực dân Anh tại Palestine. Dù cũng theo đuổi chủ nghĩa bài Do Thái, nhưng Izz al-Din al-Qassam không liên quan tới nhà thần học kinh điển của Jerusalem, Amin al-Husseini, một đồng minh của phát-xít Đức. Năm 2010, Mohammed Deif từng viết: “Những biệt đội Izz al-Din al-Qassam được chuẩn bị tốt hơn để tiếp tục con đường riêng biệt của chúng ta, nơi không có lựa chọn thứ hai, và đó là con đường thánh chiến Hồi giáo (jihad) và đấu tranh chống lại những kẻ thù của dân tộc và nhân loại Hồi giáo. Chúng ta nói với những kẻ thù mình rằng chúng đang đi trên con đường dẫn tới sự diệt vong (zawal) và Palestine sẽ vẫn là của chúng ta, bao gồm cả Al Qods (Jerusalem), Al-Aqsa (thánh đường), những thành phố và các thị trấn biển (Địa Trung Hải), con sông thiêng (Jordan)”. Dù được truyền thông quốc tế tô vẽ, Mohammed Deif trên thực tế không phải một nhà quân sự thực thụ mà là một chuyên gia về bắt cóc con tin, và đây thường là mục tiêu hành động của nhân vật này chứ không phải là giải phóng Palestine.
Về phía Al-Fatah, trong khi sức khỏe của tổng thống Mahmoud Abbas ngày càng suy yếu, chính đảng này bị chia rẽ về quân sự thành 3 nhánh khác nhau: nhánh của Fathi Abou al-Ardat, lãnh đạo an ninh quốc gia; nhánh của Mohammed Abdel Hamid Issa (biệt danh “Lino”), người đứng đầu nhóm Kifah al-Mussallah (Đấu tranh Vũ trang), thuộc về trào lưu của Mohammed Dallan – người từng đứng đầu ngành tình báo Palestine và thực hiện ám sát lãnh tụ Yasser Arafat và hiện được Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hậu thuẫn; và nhánh của Mounir Maqdah, nhân vật gần gũi nhất với Hamas, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, và từng là lãnh đạo quân sự của Al-Fatah.
Tháng 9 vừa qua, 3 nhóm này đã phối hợp cùng nhau đối phó các phần tử Hồi giáo thuộc 3 tổ chức là Hamas, Jund el-Cham và al-Chabab al-Moslem – 2 nhánh jihad đang sát cánh cùng … NATO và Isael tham gia các hoạt động vũ trang tại Syria nhằm lật đổ chính phủ nước này. Những cuộc đối đầu này trở thành các cuộc giao tranh đẫm máu tại trại tị nạn người Palestine tại Ain el-Heloue (miền Nam Liban). Ban đầu, các nhà quan sát cho rằng cuộc đọ sức này cũng tương tự như các cuộc đụng độ năm 2007 tại Nahr el-Bared (miền Bắc Liban), trước khi nhận ra rằng trên thực tế chúng liên quan tới tình trạng sức khỏe suy yếu của Mahmoud Abbas.
Từ 75 năm qua, các chính phủ kế tiếp nhau của Israel đã làm mọi việc để chống lại việc công nhận quyền bình đẳng giữa người Do Thái và người Arab. Kể từ Lời kêu gọi Geneva, Israel đã thúc đẩy “giải pháp hai Nhà nước”, nói cách khác là kế hoạch thực dân vào phút chót của Ngài William Peel, một kế hoạch mà người Anh chưa bao giờ áp đặt được cả trên thực địa – vào năm 1937 – lẫn tại Liên hợp quốc – vào năm 1948. Chỉ có những người mác-xít trong Mặt trận nhân dân Giải phóng Palestine (PFLP) vẫn còn theo đuổi gần như trong vô vọng đề xuất Nhà nước duy nhất (cho cả người Israel và Palestine) nơi mỗi người dân đều có phiếu bầu bình đẳng.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, trước điều mà ông coi là “cuộc xâm lược của người Palestine” cho dù từ quan điểm của người Palestine thì đây chỉ là hành động “quay về nhà”, đã đưa ra lời cam đoan về một chiến thắng. Thế nhưng, chiến thắng đó chính xác sẽ là gì? Tiêu diệt tất cả những chiến binh Hamas ngày hôm nay sẽ không giải quyết được 75 năm bất công, và những người con của những người ngã xuống sẽ lại tiếp tục cầm lấy bó đuốc của cha anh, như những người hôm nay kế tục từ thế hệ trước của mình.
Về phần mình, giới lãnh đạo Hamas đã kêu gọi tất cả những người Palestine đang tị nạn tại nước ngoài, tất cả người Arab và tất cả người Hồi giáo đoàn kết với cuộc đấu tranh của họ. Khi nói tới người Palestine đang tị nạn tại nước ngoài là nói tới đa phần dân số Jordan và một phần đáng kể dân số Liban. Khi nói tới toàn bộ người Arab, ở đây là nói tới Hezbollah tại Liban và Syria, hai lực lượng đã thiết lập quan hệ với Hamas, còn những người Hồi giáo, ở đây là nhắm tới Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tới nay, mới có một vài nhóm kháng chiến tại Bờ Tây và tổ chức Thánh chiến Hồi giáo, một bộ mặt khác của Iran, đáp lại lời kêu gọi đó, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi đã tới lúc áp dụng toàn bộ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Palestine.
Nhật báo Wall Street Journal của Mỹ và nhiều phương tiện truyền thông phương Tây khác đều khẳng định Iran điều khiển Hamas. Nhưng sự thật liệu có phải vậy? Lời khẳng định đó đã bỏ qua thực tế rằng người sáng lập của tổ chức Anh em Hồi giáo, Hassan El-Banna, và người sáng lập ra Cộng hòa Hồi giáo Iran, cố Đại giáo chủ Khomeini, từng đi tới một thỏa thuận lịch sử qua đó thiết lập những khu vực ảnh hưởng riêng biệt trong thế giới Hồi giáo và cam kết không can thiệp sâu vào khu vực ảnh hưởng của đối phương. Tehran thường xuyên bày tỏ sự ủng hộ đối với sự nghiệp của người Palestine, nhưng Jihad là hình thức hành động cụ thể duy nhất của họ tại mảnh đất này.
Những lãnh đạo lịch sử của Hamas hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ, và được cơ quan mật vụ nước này bảo vệ. Và chính Ankara có lẽ mới là bên định hướng Hamas và chiến dịch “Bão táp Al-Aqsa” vừa qua. Ngày 8/10, trong lễ khánh thành một nhà thờ Chính thống giáo dòng Syria, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đưa ra tuyên bố với giọng điệu hết sức nhẹ nhàng: “Tạo dựng sự bình yên, hòa bình lâu dài và ổn định tại khu vực thông qua giải pháp cho vấn đề Palestine theo luật pháp quốc tế là ưu tiên tuyệt đối của chúng tôi trong những đối thoại với các nhà lãnh đạo các quốc gia khác… Thật không may, những người Palestine và Israel, cũng như toàn bộ khu vực, đang phải trả giá cho việc trì hoãn công lý… Thêm dầu vào lửa không mang lại lợi ích cho ai, đặc biệt là thường dân ở cả hai bên. Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đóng góp, với khả năng tối đa của mình, cho việc chấm dứt chiến sự sớm nhất có thể và xoa dịu tình trạng căng thẳng mà các vụ việc vừa qua đã gây ra”.
Ankara đã lựa chọn việc bung ra một cuộc chiến mới ngay sau khi hồi kết của cái gọi là Cộng hòa Artsakh và Nagorno Karabakh hoàn toàn thuộc về Azerbaijan, trong khi vẫn gửi khí tài quân sự tới Nga, đùa cợt các biện pháp cưỡng ép đơn phương của Mỹ. Điều này mang lại cảm giác dường như các nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã không còn e sợ Washington, bất chấp Mỹ đã từng cố sát hại tổng thống Erdogan với cuộc đảo chính bất thành năm 2016. Một khi chiến dịch hiện tại kết thúc, rất có thể Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu một chiến dịch khác nhắm vào người Kurd tại Syria và Iraq.
Nếu Hezbollah bước vào sân khấu chiến sự, Israel sẽ khó lòng chống đỡ được thế công từ hai phía và chỉ có thể tồn tại nhờ viện trợ quân sự của Mỹ. Thế nhưng dư luận công chúng Mỹ không còn ủng hộ Israel rộng rãi như trước đây, trong khi Lầu Năm Góc đang thiếu hụt vũ khí, một trong những hệ quả từ cuộc chiến tại Ukraine. Do không thể sản xuất kịp đạn dược cho đồng minh Ukraine của mình, trước đó Mỹ từng phải “vét” từ những dự trữ đặt tại Israel.
Trong những giờ xung đột đầu tiên, Hezbollah có bắt rốc-két vào Dải Shebaa, phần lãnh thổ Liban đang bị Israel tranh chấp, và những ngày sau đó vẫn tiếp tục nã pháo để bày tỏ sự ủng hộ với cuộc kháng chiến Palestine, theo lập luận “đoàn kết các mặt trận”, nhưng lực lượng này vẫn không tham chiến vì bản thân họ cũng không hoàn toàn tin tưởng Hamas, lực lượng mà họ có thời điểm phải đối đầu tại Syria và không cùng chia sẻ một hệ tư tưởng Hồi giáo.
Tất cả các nhà lãnh đạo phương Tây đều đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ và cương quyết lên án các hành động khủng bố của Hamas và khẳng định ủng hộ Israel. Cũng chính giới lãnh đạo phương Tây đó trong quá khứ đã không làm gì để giải quyết những bất công tại Palestine và bảo vệ “những lập trường nguyên tắc” mà giờ đây họ đang lớn tiếng viện dẫn. Và cả lần này, mọi dấu hiệu đều cho thấy họ cũng sẽ chẳng làm gì theo hướng đi đó. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đều cố tỏ thái độ trung lập, khi không ủng hộ công khai lập luận của Israel hay Palestine, mà chỉ tập trung vào hướng kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế. Thật khó để coi Moskva và Bắc Kinh là những người cổ súy nhiệt thành hay hình mẫu về tuân thủ luật pháp quốc tế; và những tuyên bố như vậy trong trường hợp này chỉ là một lựa chọn khác với lập trường và trật tự mà phương Tây muốn duy trì.
Thế giới đang đối diện tình trạng trong đó tất cả các tác nhân, theo cách này hay cách khác, đều đã và sẽ còn bóp nghẹt bất kỳ lối thoát khả thi nào thực sự có thể mang lại hòa bình cho Trung Đông, điều sẽ khiến cho một cuộc tắm máu nữa là không thể tránh khỏi trước khi một giải pháp – rất có thể là tạm bợ và nửa vời khác – được đưa ra.
Còn tiếp…
Tổng hợp & phân tích: Uyển My
Tài liệu tham khảo:
1. Marwan Bishara, Israel is manufacturing a case for genocide, Al Jazeera, 12/10/2023. https://www.aljazeera.com/opinions/2023/10/12/israel-is-manufacturing-a-case-for-genocide?s=09
2. The Chris Hedges Report, Palestinians speak the language of Israel’s war on Gaza in 10explainers, Al Jazeera, 28/10/2023. https://chrishedges.substack.com/p/palestinians-speak-the-language-of–Israel’s war on Gaza in 10 explainers | Israel-Palestine conflict News | Al Jazeera
3. Marwan Kabalan, Hamas’s attack on Israel has changed the Middle East, Al Jazeera, 28/10/2023. https://www.aljazeera.com/opinions/2023/10/28/hamass-attack-on-israel-has-changed-the-middle-east
4. John Lyons, Gaza is the most miserable place on Earth and in Israel, fear is everywhere. This tragedy cannot go on, ABC News, 22/10/23. https://www.abc.net.au/news/2023-10-23/gaza-most-miserable-place-israel-fear-tragedy-cannot-go-on/103002648
5. Joaquín Estefanía, Gaza: la desinformación como arma de guerra permanente, El País, 22/10/2023. https://elpais.com/ideas/2023-10-22/gaza-la-desinformacion-como-arma-de-guerra-permanente.html
6. David Rovics, The Gaza Ghetto Uprising, WRMEA, 25/10/2023. https://www.wrmea.org/israel-palestine/the-gaza-ghetto-uprising.html
7. Thierry Meyssan, Changement de paradigme en Palestine, voltairenet.org, 10/10/2023. https://www.voltairenet.org/article219777.html
8. Harriet Sherwood, Israel-Hamas war: what has happened and what has caused the conflict?, The Guardian, 08/10/2023. https://www.theguardian.com/world/2023/oct/08/israel-hamas-gaza-palestinian-territories
9. Elena Rodriguez Pedrosa, Israel y Palestina: La ocupación pasada y presente, El Generacional, 10/10/2023. https://elgeneracionalpost.com/noticias-internacionales/2023/1010/109037/israel-y-palestina-la-ocupacion-pasada-y-presente.html
10. Atilio A. Boron, Nuevo estallido en Palestina, Páginal 12, 08/10/2023. https://www.pagina12.com.ar/595973-nuevo-estallido-en-palestina
11. Franco Berardi, Ojo por ojo y el mundo está ciego, El Salto, 12/10/2023. https://www.elsaltodiario.com/opinion/ojo-ojo-mundo-ciego-guerra-israel-bifo
12. Isabella Arria y Aram Aharonian, Biden quiere globalizar la guerra, pero en Europa hay mucho miedo, Estrategia.la, 11/10/2023. https://estrategia.la/2023/10/11/biden-quiere-globalizar-la-guerra-pero-en-europa-hay-mucho-miedo/
13. Juan Torres, Asquerosa doble moral, Página web de Juan Torres López, https://juantorreslopez.com/asquerosa-doble-moral/