Ngày 25.3.2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, nước này đã ký một thỏa thuận về việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ nước láng giềng Belarus. Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga với Mỹ/phương Tây tiếp tục gia tăng căng thẳng liên quan tới việc Anh có kế hoạch cung cấp đạn chứa uranium nghèo cho Ukraine và khả năng sẽ nổ ra những trận đánh lớn trong khuôn khổ một “chiến dịch tấn công/phản công mùa Xuân” mà cả hai bên tham chiến được cho là đang chuẩn bị, động thái này của Nga đã đẩy xu hướng nguy hiểm trong quan hệ giữa Nga với Mỹ/phương Tây lên một nấc thang mới với nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân ngày càng hiện hữu trong tương lai. Vậy, ý đồ thực sự của Nga đằng sau tuyên bố trên là gì và những nguy cơ, thách thức nào đặt ra đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường quốc tế hòa bình, ổn định trong tương lai là điều mà chúng ta cần quan tâm nghiên cứu.
Những tuyên bố biện minh của Tổng thống Vladimir Putin cho kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus
Tuyên bố trong cuộc phỏng vấn trên chương trình truyền hình “Moscow. Kremli. Putin” ngày 25/3/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Moscow có thể triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của quốc gia đồng minh Belarus trước tháng 7/2023.
Tổng thống Nga khẳng định, tất cả các cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc triển khai như vậy sẽ được thực hiện trước ngày 01/7/2023. 10 máy bay quân sự của Lực lượng Không quân Belarus đã được cải hoán/trang bị thêm các bộ phần cần thiết để có khả năng vận chuyển vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, các hệ thống tên lửa tầm ngắn Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cũng đã được triển khai tại Belarus. Ngay trong tháng 4/2023, Nga sẽ bắt đầu huấn luyện quân nhân Belarus về cách sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Tuy nhiên, Tổng thống Nga cũng chỉ rõ, những vũ khí này sẽ nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng vũ trang Nga, điều đó có nghĩa là Moscow “không vi phạm các cam kết quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân”. Đồng thời, cho biết thêm, Mỹ đã triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của các đồng minh NATO, bao gồm Đức, Hà Lan, Bỉ, Italia và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ông Putin, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko từ lâu đã đặt vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, nơi giáp biên giới với Ba Lan.
Đôi điều về vũ khí hạt nhân chiến thuật
Theo các chuyên gia, vũ khí hạt nhân chiến thuật (còn được gọi là vũ khí hạt nhân phi chiến lược) là những đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ, có sức công phá thấp, được thiết kế để sử dụng trong các cuộc tấn công hạn chế trên chiến trường, thay vì phá hủy những thành phố lớn hoặc gây ra sự tàn phá trên diện rộng. Tuy nhiên, chúng vẫn cần được bảo quản tại những cơ sở đặc biệt, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, do rủi ro rất lớn. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bất cứ vũ khí hạt nhân chiến thuật nào được sử dụng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật được phát triển trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh như một biện pháp răn đe. Ngoài Nga, Mỹ, các nước châu Âu cũng sở hữu vũ khí này như một phần của “phản ứng linh hoạt” trước các mối đe dọa bên ngoài. Hiện chưa rõ Nga sở hữu bao nhiêu vũ khí hạt nhân này. Theo đánh giá của Mỹ, Moscow có khoảng 2.000 đầu đạn hạt nhân chiến thuật, gấp 10 lần so với Washington. Chưa kể, kho vũ khí hạt nhân của Nga rất lớn. Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, tính đến năm 2022, Nga có 5.977 đầu đạn hạt nhân. Trong khi Mỹ có 5.428 đầu đạn hạt nhân, Trung Quốc có 350 đầu đạn như vậy, Pháp có 290 và Anh có 225 đầu đạn. Pakistan và Ấn Độ lần lượt có 165 và 160 đầu đạn, tiếp theo là Israel có 90 đầu đạn. Triều Tiên có 20 đầu đạn hạt nhân và nước này đang tìm cách gia tăng kho dự trữ.
Phản ứng của những quốc gia liên quan về kế hoạch của Nga
Sau khi kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân của Nga được công bố, các quốc gia phương Tây, đặc biệt là những quốc gia ở châu Âu đã kịch liệt phản đối động thái mới này của Nga, đe dọa sẽ gia tăng trừng phạt Nga và Belarus. Theo đó: (i) Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 26/3/2023 ngay lập tức lên án thông báo của Nga về việc chuyển vũ khí hạt nhân tới Belarus là “hành động nguy hiểm và vô trách nhiệm”. Người phát ngôn của NATO – bà Oana Lungescu cho biết: “Liên minh đang theo dõi chặt chẽ vấn đề này. Việc Nga ám chỉ vấn đề chia sẻ hạt nhân của NATO là hoàn toàn hiểu lầm. Các thành viên của NATO luôn hành động với tất cả sự tôn trọng cho những cam kết quốc tế. Trong khi đó, Nga liên tục phá vỡ các cam kết về kiểm soát vũ khí, gần đây là đình chỉ việc tham gia Hiệp ước New START”; (ii) Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 26/3 cho rằng, Belarus không nên hỗ trợ Nga trong vấn đề vũ khí hạt nhân, đồng thời cảnh báo có thể áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Minsk; (iii) Một quan chức đối ngoại giấu tên của Đức đã chỉ trích một quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin; nhấn mạnh, quyết định này là một “nỗ lực khác nhằm đe dọa hạt nhân của Nga”, và Đức sẽ không tự cho phép “bị chệch hướng” do động thái của Nga; (iv) Bộ Ngoại giao Litva cho biết, nước này sẽ kêu gọi áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm đáp trả việc Nga quyết định đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus.
Đáng chú ý, giới quan chức Mỹ đưa ra phản ứng thận trọng đối với tuyên bố này của Nga. Điều thú vị là chính quyền Biden đã khéo léo gạt sang một bên vấn đề, thay vào đó tập trung vào việc Mỹ chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đã chuyển vũ khí hạt nhân đến Belarus hay bất kỳ nơi nào khác. Cụ thể, ngày 26/3/2023, Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia của Mỹ John Kirby cho biết, nước này chưa nhận thấy dấu hiệu về việc Nga chuyển vũ khí hạt nhân sang nước khác. Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố, không có dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân sau khi Moscow tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Trong khi đó, Hạ Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Gallagher cho rằng, Tổng thống Putin luôn đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra và khẳng định không thể để lời đe dọa này làm trì hoãn việc Mỹ hỗ trợ Ukraine các hệ thống vũ khí quan trọng. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul cũng nhận định, căng thẳng đang gia tăng và do lỗi của ông Putin. Thượng Nghị sĩ Mark Warner của Đảng Dân chủ mô tả ông Putin là người nguy hiểm và coi lời đe dọa này ảnh hưởng đến lợi ích của nước Mỹ.
Phản ứng trước tuyên bố này của Nga, ngày 26/3/2023, Oleksiy Danilov, người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, gọi đây là “một bước tiến tới sự bất ổn nội bộ của đất nước” và nói thêm rằng, nó tối đa hóa cái gọi là mức độ “nhận thức tiêu cực và sự từ chối của công chúng” đối với Nga và ông Putin trong xã hội Belarus. Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Zelensky đã chế giễu kế hoạch của ông Putin trên Twitter; nói rằng, nhà lãnh đạo Nga “quá dễ đoán” và nhấn mạnh: “Điện Kremlin đã biến Belarus thành con tin hạt nhân” và yêu cầu cộng đồng quốc tế thực hiện “các biện pháp quyết liệt” để ngăn Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.
Bình luận về kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân của Nga tới Belarus, Trung Quốc tái khẳng định rằng không có người chiến thắng nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning cho rằng, trong hoàn cảnh hiện tại, tất cả các bên nên tập trung vào các nỗ lực ngoại giao để giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Ukraine và cùng nhau thúc đẩy tình hình lắng dịu.
Ý nghĩa đằng sau tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin
Việc Nga tuyên bố sẽ triển khai vũ khí hạt nhân ẩn chứa những ý nghĩa sau:
Một là, thông báo này của ông Putin đánh dấu sự thay đổi lớn trong quan điểm về việc sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga; là một lời khẳng định việc Nga đã từ bỏ một cách có hệ thống tất cả các hiệp ước kế thừa từ Chiến tranh Lạnh nhằm khống chế năng lực hạt nhân quân sự. Nikolai Sokol, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Giải trừ Vũ khí và Không phổ biến Vũ khí hạt nhân Vienna, nhận định quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus là một động thái quan trọng đối với Nga. “Nga luôn tự hào rằng họ không có vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ. Bây giờ, họ đang thay đổi điều đó và đây sẽ là một thay đổi lớn”. Trước đó, cuối tháng 02/2023, Nga đã đình chỉ việc tham gia Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới New Start được ký với Mỹ, với lời hứa sẽ tôn trọng giới hạn kho vũ khí hạt nhân của mình cho đến khi hiệp định này kết thúc hiệu lực ngày 05/02/2026.
Hai là, Nga muốn khẳng định quyết tâm sẽ sử dụng mọi nguồn lực để đạt được mục tiêu trong “chiến dịch quân sự đặc biệt”, tiếp tục gây sức ép nhằm buộc Mỹ/phương Tây ngừng viện trợ vũ khí, trang bị cho Ukraine để nhanh chóng kết thúc cuộc chiến. Trên thực tế, ngay từ khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/02/2022, sự nghi ngại về vũ khí hạt nhân đã được đặt ra. Moscow thậm chí còn viện dẫn rằng, mong muốn sở hữu vũ khí hạt nhân của Kiev là một trong những động lực để Nga phát động cuộc tấn công “phòng ngừa”. Sau đó, giới chức Nga liên tục đe dọa về nguy cơ đối đầu hạt nhân với phương Tây. Chuyên gia hạt nhân Maxim Starchak thuộc Đại học Queen’s của Canada nhận định: “Đây là một nỗ lực để thu hút sự chú ý của Washington. Đẩy căng thẳng leo thang bằng cách sử dụng một chủ đề được cho là quan trọng đối với Mỹ, Moscow muốn buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán và công nhận những lợi ích của Nga ở Ukraine”. Tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin về việc Nga có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus được cho nhằm chứng minh lời cảnh báo trước đó rằng, Moscow sẵn sàng sử dụng “mọi phương tiện sẵn có” để chống lại các cuộc tấn công vào lãnh thổ của mình. Nhà phân tích quân sự Ukraine Oleh Zhdanov nhận định, mục tiêu của Tổng thống Putin là ngăn cản các đồng minh phương Tây của Ukraine cung cấp thêm vũ khí cho Kiev trước bất kỳ cuộc phản công nào. Theo ông Zhdanov, Tổng thống Putin đang “muốn gây ảnh hưởng đến tình hình chiến sự, và buộc các đối tác phương Tây giảm cung cấp vũ khí cũng như thiết bị quân sự trước mối lo leo thang nguy cơ hạt nhân”. Hành lang hạt nhân của Belarus sẽ “xuất hiện lờ mờ” không chỉ ở Ukraine mà cả ở châu Âu, tạo ra mối đe dọa thường trực, làm gia tăng căng thẳng và khiến người dân Ukraine cùng các đối tác phương Tây phải lo lắng.
Ba là, tuyên bố này bộc lộ những hạn chế trong chiến lược và thất bại trong chiến thuật khi thực thi kế hoạch của Nga tại Ukraine. Thực vậy, tuyên bố lặp đi lặp lại về việc sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân của giới lãnh đạo Nga là không mới. Bản chất lặp đi lặp lại của những lời đe dọa này và thời điểm đưa ra động thái mới nhất đó đặt ra những nghi ngờ: Tuyên bố này giống như lời thừa nhận của Moscow về sự yếu kém, khi nhận thấy các lựa chọn của mình trên lãnh thổ Ukraine ngày càng bị thu hẹp. Kể từ khi Ukraine giành lại thế chủ động sau các cuộc phản công thắng lợi vào mùa Hè và mùa Thu năm 2022, các lực lượng Nga dường như đang bị sa lầy, với thành công duy nhất – rất khiêm tốn – là chiếm được Soledar vào tháng 01/2023.
Trên lĩnh vực ngoại giao, các quan sát cho thấy rõ hơn sự lúng túng của Nga. Thông báo triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus được đưa ra vài ngày sau chuyến thăm Moscow của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Putin dường như nhận ra rằng, sự hỗ trợ của Bắc Kinh, thực tế vẫn chưa biết rõ mức độ thế nào, không có khả năng làm thay đổi đáng kể tình hình, dù phía Nga rất kỳ vọng vào Trung Quốc. Thông điệp mà Moscow gửi tới Bắc Kinh cũng đặt ra nhiều câu hỏi. Tuyên bố chung được Tập Cận Bình và Putin thông qua đề cập rõ ràng đến việc không phổ biến vũ khí hạt nhân. Văn bản mới được ký ngày 21/03/2023 khẳng định rõ: “Tất cả các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cần kiềm chế không triển khai các vũ khí này ở nước ngoài”. Việc John Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ phát biểu rằng, Washington “không thấy có dấu hiệu” nào chứng tỏ Nga đã chuyển vũ khí hạt nhân cho Belarus, hoặc thậm chí là Vladimir Putin có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Phản ứng này được xem như sự từ chối tham gia vào “trò chơi” của Nga từ phía Washington, một biểu hiện thực sự của chủ nghĩa hoài nghi. Cũng giống như việc Moscow đã từng hứa hẹn trong 7 năm về việc xây dựng một địa điểm lưu trữ vũ khí hạt nhân trong vùng đất Kaliningrad của mình.
Ảnh hưởng, tác động tiềm tàng thời gian tới
Kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Moscow ở nước láng giềng Belarus có thể làm phức tạp thêm nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm trung gian hòa bình trong cuộc chiến Ukraine
Zhou Chenming, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ quân sự Yuan Wang có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Moscow và phương Tây, đồng thời khiến việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình trở nên khó khăn hơn. Ông nói: “Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán, nhưng Putin rõ ràng đang cố gắng đạt được nhiều đòn bẩy hơn trước khi quay lại đàm phán”. Bất luận mối liên kết ngày càng tăng của Trung Quốc với Nga, hai nước có thể không để mắt đến mọi vấn đề chiến lược. Ông nói: “Chúng tôi chia sẻ những quan ngại của Moscow rằng, Mỹ có thể tìm cách phá hoại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine và hiểu được tình thế tiến thoái lưỡng nan chiến lược của Putin tại Ukraine. Tuy nhiên, Nga đã không hoàn toàn cởi mở với Trung Quốc như chúng tôi mong đợi”. Zhou cho rằng, kế hoạch triển khai hạt nhân của Putin dường như không phù hợp với cam kết của ông ra trong thông cáo chung Trung-Nga mà nhà lãnh đạo Nga đã ký với Tập Cận Bình tại Moscow tuần trước.
Cựu đại sứ Mỹ tại Nga, nhà khoa học chính trị Michael McFaul lưu ý, hành động của Nga đã vi phạm lời hứa trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là kiềm chế triển khai vũ khí hạt nhân ở nước ngoài. Cuối cùng, “Putin đã làm điều ngược lại”, mà theo McFaul, “không mấy tôn trọng ‘người bạn tốt’ của mình là ông Tập Cận Bình”.
Nguy cơ cuộc xung đột Nga – Ukraine sẽ gia tăng căng thẳng và lan rộng sang các khu vực khác, trong đó có Belarus trong tương lai
Phản ứng trước tuyên bố của Nga, ông David Arakhamia, lãnh đạo Đảng Đầy tớ của Nhân dân cầm quyền Ukraine cho rằng, Belarus nhận vũ khí hạt nhân từ Nga sẽ dẫn tới nguy cơ xuất hiện mặt trận thứ hai ở miền Bắc Ukraine. Điều này có nghĩa là quân đội phải tuyển mộ thêm binh lính và Ukraine cần ít nhất 8 lữ đoàn để kiểm soát mặt trận này; cảnh báo, người dân Ukraine nên chuẩn bị tinh thần cho những đợt huy động quân dịch tăng cường trong thời gian tới. Trong khi đó, Chiến dịch Quốc tế về xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) cho rằng, tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga sẽ tạo ra một bước leo thang cực kỳ nguy hiểm: “Trong bối cảnh xung đột đang diễn ra tại Ukraine, khả năng tính toán sai lầm hoặc việc hiểu sai ý định của các bên là rất cao. Quyết định chia sẻ vũ khí hạt nhân của Nga sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn’.
Đối với Việt Nam, xu hướng căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ/phương Tây với Nga nói chung, trong đó có nguy cơ về chiến tranh hạt nhân nói riêng đã và tiếp tục đặt ra nhiều khó khăn, thách thức hơn đối với Việt Nam trong duy trì chính sách ngoại giao cân bằng với cả Mỹ, các quốc gia phương Tây và Nga. Trong bối cảnh diễn biến cuộc chiến Nga – Ukraine ngày càng phức tạp và cục diện thế giới đang trong giai đoạn biến chuyển nhanh chóng, ẩn chứa nhiều yếu tố bất ngờ, khó đoán định, Việt Nam cần tiếp tục kiên định với quan điểm nhất quán là kêu gọi các bên chấm dứt hành động sử dụng vũ lực, nối lại đối thoại và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các bất đồng. Kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ phát ngôn và hành động nào của Việt Nam đề cập đến việc ủng hộ việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đột xung đột giữa Nga và Ukraine và Việt Nam cũng không “thiên vị” hay đứng về bất kỳ một bên nào xoay quanh xung đột giữa Nga và Ukraine. Đây sẽ tiếp tục là một “mỏ neo” để Việt Nam không bị lôi cuốn vào tình thế buộc phải “chọn bên” trong cuộc xung đột, cạnh tranh chiến lược hiện nay.
Tổng hợp và phân tích: Đức Minh