Theo bài viết mới đây trên trạng Foreign Affairs, trong bối cảnh quân đội Nga đang từng bước củng cố ưu thế tại Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky và các đồng minh dường như vẫn nhất trí rằng Ukraine phải chiến đấu cho tới khi giành thắng lợi và đưa đất nước trở lại tình trạng trước chiến tranh. Nga phải rút khỏi các vùng lãnh thổ vừa chiếm được từ tháng 2/2022. Ukraine phản đối việc sát nhập Crimea vào lãnh thổ của Nga, không công nhận các nhà nước tự trị vùng Donbass, và đang tiến tới gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Những người ủng hộ Ukraine cho rằng có hai con đường dẫn đến thắng lợi. Con đường thứ nhất thông qua Ukraine. Với sự hỗ trợ của phương Tây, Ukraine có thể đánh bại Nga trên chiến trường bằng cách làm tổn hao dần lực lượng của Nga hoặc đơn giản là đè bẹp quân đội Nga. Con đường thứ hai là thông qua Moskva. Với ưu thế trên chiến trường kết hợp với sức ép về kinh tế, phương Tây có thể thuyết phục Tổng thống Nga đồng ý chấm dứt chiến tranh hoặc lôi kéo một thành viên trong đội ngũ thân tín của Putin lật đổ ông.
Tuy nhiên, cả hai lý thuyết này đều dựa trên những cơ sở không vững chắc. Quân đội Nga khó có thể bị đánh bại và Chính quyền Putin khó có thể sụp đổ. Kịch bản khả thi nhất là cuộc chiến sẽ kéo dài, đẫm máu, không có hồi kết, gây tổn thất lớn về sinh mạng và thiệt hại đáng kể về kinh tế, đồng thời có khả năng leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân. Trong tình hình này, Ukraine và phương Tây cần xem xét lại tham vọng của mình và điều chỉnh chiến lược theo hướng từ chỗ tìm kiếm chiến thắng sang áp dụng một cách tiếp cận thực tế hơn. Đó là tìm kiếm giải pháp ngoại giao để chấm dứt chiến sự.
Trước hết, với con đường thứ nhất là chiến thắng về quân sự, nhiều khả năng quân đội Nga có đủ sức mạnh để bảo vệ hầu hết những vùng lãnh thổ chiếm được ở Ukraine. Sau những thất bại và tổn thất ban đầu ở mức độ lớn hơn so với dự tính, Nga có thể đã tìm được cách để duy trì khả năng chiến đấu của mình. Bằng cách này hay cách khác, Nga vẫn tìm được lực lượng bổ sung, dù đã công khai tuyên bố không điều lính nghĩa vụ hay huy động đội ngũ dự bị tới mặt trận. Tuy nhiên, nếu bị đẩy tới đường cùng, Nga sẽ buộc phải làm điều này. Khả năng quân đội Ukraine đè bẹp quân đội Nga cũng rất khó xảy ra. Quân đội Nga vẫn có ưu thế hơn. Quy mô dân số và kinh tế của Nga lớn gấp 3 lần quy mô dân số và kinh tế của Ukraine. Viện trợ vũ khí của phương Tây dành cho Ukraine có thể giúp nước này chiếm ưu thế khi phòng thủ, chứ không phải tấn công.
Với con đường thứ hai, khả năng giành chiến thắng qua Moskva cũng không khả thi. Nga có đủ khả năng tự chủ về kinh tế. Bên cạnh đó, Putin vẫn duy trì khả năng kiểm soát ở mức độ đủ để không bị buộc phải từ bỏ những gì đã đạt được ở Ukraine. Các lệnh cấm vận của phương Tây có thể khiến cuộc sống của dân Nga khó khăn hơn và ngăn cản các công ty sản xuất vũ khí của Nga tiếp cận nguồn cung cấp các linh kiện điện tử tinh vi, nhưng những kết quả này không đủ để làm lay chuyển chế độ của Putin. Nga là một đất nước rộng lớn, có nguồn nhân lực dồi dào, giàu tài nguyên thiên nhiên và sở hữu một cơ sở công nghiệp rộng lớn. Các chính sách trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran – một nước nhỏ hơn, kém phát triển hơn nhưng có khả năng độc lập về năng lượng – còn không đạt được kết quả như mong muốn, huống hồ là Nga.
Cũng khó có thể nói chính xác tác động của mức độ thương vong đối với tính toán của Putin. Trước khi chiến tranh nổ ra, nhiều nhà phân tích ở phương Tây đã kêu gọi Ukraine chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh du kích chống lại Nga. Họ hy vọng rằng kịch bản chiến tranh du kích sẽ ngăn chặn Nga tiến hành chiến tranh, hoặc sẽ buộc quân đội Nga phải trả giá đắt nếu chiến tranh nổ ra. Tuy nhiên, vấn đề với chiến lược này là lực lượng nổi dậy cũng sẽ phải chịu hậu quả nặng nề. Không rõ Ukraine có thể chịu đựng tổn thất này tới lúc nào. Trong khi đó, người dân Nga có khả năng chịu đựng cao, chưa kể chính quyền đang kiểm soát chặt dư luận trong nước về cuộc chiến. Không ít người dân Nga đang nhìn nhận cuộc chiến theo cách của Putin, coi đây là một cuộc chiến then chốt vì an ninh quốc gia. Chưa kể Nga đông dân hơn Ukraine.
Về phía phương Tây, trước ảnh hưởng của cuộc chiến và các lệnh trừng phạt, dư luận có thể mất dần kiên nhẫn về cuộc chiến tranh. Phương Tây có thể không còn hào phóng hỗ trợ cuộc chiến như lúc đầu. Tất cả các nhân tố trên sẽ dẫn đến một cuộc giằng co trên chiến trường. Đến một lúc nào đó, hai nước sẽ phải tìm cách trở lại bàn đàm phán để có các cuộc thương thảo thật sự, mà ở đó mỗi bên phải đưa ra những nhượng bộ.
Nếu đây là kết cục khả thi nhất, thì việc phương Tây tiếp tục đổ tiền và vũ khí vào cuộc chiến là hành động không hợp lý, bởi điều đó sẽ làm tăng thiệt hại về người và của. Các đồng minh của Ukraine một mặt cần tiếp tục viện trợ cho Ukraine để giúp họ tự vệ trước các cuộc tấn công từ phía Nga, mặt khác không nên cổ vũ Ukraine tiếp tục tiêu tốn nguồn lực vào các cuộc phản công mà chắc chắn sẽ thất bại. Thay vào đó, ngay bây giờ, phương Tây cần xúc tiến một giải pháp ngoại giao.
Dù một giải pháp cho cuộc chiến là điều không dễ gì đạt được, song hình hài của nó đã tương đối rõ ràng. Mỗi bên sẽ buộc phải đưa ra những nhượng bộ, dù điều này có thể gây tổn thất cho chính họ. Ukraine sẽ phải từ bỏ một phần đáng kể lãnh thổ và cam kết điều này bằng văn bản. Nga sẽ phải từ bỏ một số vùng mới chiếm được và các yêu sách lãnh thổ trong tương lai. Để ngăn chặn một cuộc tấn công từ Nga, Ukraine cần nhận được đảm bảo rằng Mỹ và châu Âu sẽ hỗ trợ quân sự, bao gồm cả việc cung cấp vũ khí tự vệ, cho họ. Nga sẽ phải công nhận các thỏa thuận này. Về phần mình, phương Tây cần phải nới lỏng hầu hết các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Còn NATO và Nga sẽ phải tiến hành vòng đàm phán mới nhằm hạn chế mức độ triển khai quân sự dọc theo đường biên giới của mình. Trong giải pháp ngoại giao này, sự lãnh đạo của Mỹ đóng vai trò chủ chốt. Với tư cách là nước ủng hộ Ukraine nhiều nhất và là bên tổ chức chiến dịch trừng phạt nhằm vào Nga, Mỹ có ảnh hưởng lớn nhất đối với cả hai bên trong tiến trình ngoại giao này.
Câu hỏi cũng được đặt ra trên trạng Foreign Affairs là: Làm thế nào để ngăn chặn Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến này? Ban đầu, các nhà quan sát phương Tây thường loại trừ khả năng Tổng thống Putin sử dụng vũ khí hạt nhân, với lập luận rằng điều này sẽ mang lại nhiều rủi ro vì đối thủ sẽ đáp trả với mức độ tấn công bằng hoặc cao hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp cuộc chiến ở Ukraine, không gì là không thể và các nước phương Tây cần có kế hoạch kỹ lưỡng để chuẩn bị cho kịch bản Tổng thống Putin sẽ triển khai vũ khí hạt nhân một cách có chiến thuật, nhất là nếu chiến sự diễn biến theo chiều hướng có lợi cho Ukraine trên chiến trường.
Nhìn lại lịch sử về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân
Dưới thời Chiến tranh Lạnh, khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật đã được đặt ra, nhưng đối tượng áp dụng là NATO – vì khi đó lực lượng quân sự của phương Tây ở thế yếu so với lực lượng của Liên minh Vacsava do Liên Xô đứng đầu. Ngày nay, học thuyết về khả năng Nga sử dụng chính sách “leo thang để xuống thang chiến sự” phản ánh chính lựa chọn chính sách này của NATO vài thập kỷ trước.
Trên thực tế, ở thời điểm đó, việc NATO sử dụng vũ khí hạt nhân chỉ dừng lại ở lời nói, chứ chưa thành hành động. Giải pháp này khó có thể đạt được sự đồng thuận trong liên minh, vì việc một bên sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ kích động đòn đáp trả từ phía đối thủ, cuối cùng sẽ gây ra thảm họa. Hy vọng sự lo lắng này sẽ khiến Nga từ bỏ ý nghĩ sử dụng vũ khí hạt nhân ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của NATO không nên chỉ dựa vào sự kiềm chế của Nga. Putin có nhiều thứ để mất hơn so với những nước sở hữu vũ khí hạt nhân đang ủng hộ Ukraine. Putin cũng có thể đặt cược rằng các nước này chưa ở thế thuận lợi để sử dụng vũ khí hạt nhân như Nga. Và do đó, Tổng thống Putin hoàn toàn có thể “giả điên” – viện đến vũ khí hạt nhân, chấp nhận một mức rủi ro nhất định nhưng lại có khả năng kết thúc được cuộc chiến.
Các kịch bản có thể diễn ra nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật
Nếu khả năng đó thành hiện thực, thì nó sẽ đẩy nước Mỹ vào kịch bản mà Washington ít mong chờ nhất và do đó khiến Mỹ phải phản ứng, cho dù một cách yếu ớt: lên án mạnh mẽ hành động của Nga và áp dụng mọi biện pháp trừng phạt kinh tế hiện có chứ không thực hiện bất kỳ hành động quân sự nào. Khi đó, Nga càng rảnh tay để hành động quân sự. Kịch bản này mới nghe có vẻ không khả thi, nhưng sẽ được người dân Mỹ ủng hộ vì họ không muốn phải đối mặt với nguy cơ bị hủy diệt.
Nếu muốn ngăn chặn Putin hành động, các nước cần phải nói rõ rằng hành động của Putin sẽ buộc NATO phải đáp trả. Trong trường hợp các nước quyết định phản công, những khả năng sau sẽ xảy ra: Thứ nhất, nếu các nước NATO phản ứng lại bằng cách tấn công Nga, thì điều này có thể dẫn đến các đòn “ăn miếng trả miếng” tiếp theo và kết cục là tất cả các bên sẽ bị hủy diệt. Thứ hai, trong trường hợp phản công hạt nhân ở quy mô áp đảo, một số hệ lụy có thể xảy ra: Một là, nếu tấn công xảy ra trên lãnh thổ của Nga, thì điều này sẽ kích hoạt một cuộc trả đũa ở quy mô lớn hơn từ phía Nga và cuộc chiến sẽ không có hồi kết. Hai là, do Nga sở hữu số lượng đầu đạn hạt nhân chiến thuật nhiều hơn Mỹ, nên Mỹ sẽ phải huy động các loại vũ khí chiến lược (như tên lửa và máy bay ném bom xuyên lục địa) và điều này có thể dẫn đến một cuộc tấn công ở cả Nga và Mỹ. Thứ ba, nếu Mỹ sử dụng vũ khí thông thường để đáp trả vũ khí hạt nhân, thì điều này thoạt tiên có thể khiến dư luận các nước phương Tây bớt lo sợ, nhưng Nga sẽ càng có lý do để tiếp tục tấn công bằng vũ khí hạt nhân, vì họ hiểu phương Tây ngoài việc sở hữu kho vũ khí hủy diệt hàng loạt còn có thế mạnh về vũ khí thông thường. Nếu muốn Nga xuống thang, các nước phương Tây sẽ phải đưa ra một số đề xuất có lợi cho Nga vì việc sử dụng vũ khí thông thường thực chất chỉ mang tính hình thức.
Bế tắc của phương Tây và giải pháp
Như vậy, nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, thì NATO sẽ phải đạt được hai mục đích đối lập nhau: Một là loại bỏ khả năng Nga đạt được lợi ích chiến lược từ việc châm ngòi cho một cuộc chiến tranh hạt nhân và hai là tránh làm leo thang chiến tranh. Tình huống bế tắc này cho thấy các nước phương Tây hiện phải ngăn chặn mọi khả năng Nga nghĩ đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Để đạt được điều này, NATO cần phải huy động sự hỗ trợ từ các bên thứ ba – những đối tượng mà Tổng thống Putin đã cố gắng cách ly khỏi các liên minh chống Nga do phương Tây dẫn dắt. Đến nay, Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác vẫn chưa tham gia lực lượng trừng phạt kinh tế Nga. Những nước đang giữ lập trường trung dung này có lợi ích nhất định trong việc giữ cho Nga không sử dụng vũ khí hạt nhân. Các nước này có thể bị thuyết phục để tuyên bố với Moskva rằng hợp tác kinh tế với Nga sẽ chỉ diễn ra nếu Nga không tính đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Cho đến nay, đây có thể là giải pháp ít gây tổn thất nhất. Tổng thống Putin cần phải nhận ra điều mà đôi khi ông có thể quên mất rằng nước Nga cũng sẽ dễ bị hủy diệt nếu nhận đòn phản công hạt nhân và trong chiến tranh hạt nhân không ai là người chiến thắng./.
(Theo TTXVN)