Theo trang voachinese.com mới đây, việc nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định kiên trì chính sách “Không COVID” bằng mọi giá đã khiến người dân oán thán. Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với VOA, Kerry Brown – Giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc và Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc Lau ở King’s College, London (Anh), nói rằng nếu chính sách “Không COVID” kéo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc xuống dưới 5,5%, gây tổn hại cho tầng lớp trung lưu và khiến họ tức giận thì bất ổn xã hội sẽ bùng phát. Mặc dù Tập Cận Bình rất có khả năng tiếp tục liên nhiệm sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội XX), nhưng nếu chính sách của ông khiến nền kinh tế tiếp tục suy giảm thì Tập Cận Bình có thể bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bỏ rơi một cách tàn nhẫn.
Trong cuốn sách mới “Xi: A Study in Power” (tạm dịch Tập Cận Bình: Một nghiên cứu về quyền lực) sắp được xuất bản vào tháng 7, Giáo sư Brown lập luận rằng Tập Cận Bình thực sự tin tưởng vào sứ mệnh của ĐCSTQ, bác bỏ hoàn toàn mô hình phương Tây, chuyên tâm vào việc duy trì chế độ độc tài một đảng bền vững, làm rõ vị trí và vai trò của Trung Quốc trên thế giới. Tập Cận Bình đã xóa bỏ sự mơ hồ mà các nhà lãnh đạo tiền nhiệm để lại, làm được những điều mà họ (bao gồm cả Mao Trạch Đông) không thực hiện được và thậm chí khiến Mỹ phải nể sợ ông. Brown viết: “Tập Cận Bình đã thanh trừng mọi phe đối lập, hoàn toàn đứng một mình, giống như một người khổng lồ giữa một vùng đồng bằng trống trải. Mọi thứ thuộc về đất nước rộng lớn này đều thu hút sự chú ý của ông ấy và chịu sự kiểm soát của ông ấy”.
Đại hội XX sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh vào nửa cuối năm 2022 và một danh sách các nhà lãnh đạo cốt lõi mới của ĐCSTQ sẽ được đưa ra. Brown nhấn mạnh rằng việc không thể đáp ứng kỳ vọng của tầng lớp trung lưu sẽ là vấn đề lớn nhất mà Tập Cận Bình phải đối mặt, trong khi phe đối lập trong đảng, quân đội, các công ty tư nhân và các dân tộc thiểu số khó có thể lay chuyển được địa vị thống trị của ông.
Trong cuốn sách sắp xuất bản của mình, Brown nói rằng sự “lên ngôi” của Tập Cận Bình vẫn còn đầy bí ẩn. Mọi thứ ông làm sau này đều lấy đảng làm trung tâm, toàn bộ nền kinh tế và thị trường đều chịu sự ràng buộc của các mục tiêu chính trị. Một phần quyền uy của Tập Cận Bình bắt nguồn từ mục tiêu vĩ đại của ông là duy trì sự cai trị của đảng. Sau đây là nội dung trích đoạn cuộc phỏng vấn:
Phóng viên (-): Tập Cận Bình là chính trị gia như thế nào?
Brown (+): Tôi cho rằng Tập Cận Bình là một chính trị gia có niềm tin kiên định, mặc dù các nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và châu Âu khó có thể chấp nhận những niềm tin đó. Việc ông ấy tôn thờ nền chính trị dân tộc chủ nghĩa khiến các nước bên ngoài nhận thấy đây là một vấn đề rất đặc biệt.
Ông ấy có thể còn là một chính trị gia bảo thủ, không phải là người muốn có sự thay đổi lớn trong niềm tin và phương châm chính sách của đảng. Ông ấy không giống Đặng Tiểu Bình, người đã tạo ra một cách tiếp cận hoàn toàn khác đối với chính trị Trung Quốc và việc hoạch định chính sách của Đảng Cộng sản.
Cuối cùng, Tập Cận Bình có thể là một chính trị gia ưu tú. Ông xuất thân từ một gia đình tinh hoa chính trị, cha ông là Tập Trọng Huân, cựu Phó Thủ tướng và cũng là nhà lãnh đạo chủ chốt dưới thời Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Tôi cho rằng điều này khiến ông ấy có cảm giác được thừa hưởng. Như những người bạn cùng lớp với Tập Cận Bình đã nói trong một cuộc phỏng vấn cách đây vài năm, thế hệ lãnh đạo ưu tú này xuất thân từ các gia đình ưu tú, họ muốn thực sự lãnh đạo đảng và có quyền sở hữu đảng.
– Ông có nghĩ rằng việc xem Tập Cận Bình là một nhà độc tài chỉ biết lợi ích cá nhân sẽ làm hỏng bức tranh lớn hơn. Ông lý giải thế nào về sứ mệnh lịch sử của Tập Cận Bình?
+ Vào thời điểm mà Trung Quốc dường như đang trên đà đạt được vị thế địa chính trị mạnh mẽ, tôi nghĩ ông ấy là một nhà lãnh đạo thích hợp. Xét về quy mô, Trung Quốc rất có khả năng trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vài năm tới. Gần như lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, Trung Quốc thực sự trở thành trung tâm của toàn bộ trật tự địa chính trị. Do quy mô kinh tế và tầm ảnh hưởng của mình, Trung Quốc hiện có đủ đòn bẩy để thay đổi trật tự này. Phong cách lãnh đạo tự tin, quyết đoán, giao tiếp giỏi của Tập Cận Bình rất phù hợp để truyền tải thông điệp đó.
Sở dĩ tôi nói Tập Cận Bình không phải là nhà độc tài thực sự như mọi người nghĩ là vì mạng lưới mà ông ấy điều hành không chỉ vì lợi ích của riêng mình, mà còn vì ông ấy ở trong một hệ thống mà quyền lực và thông tin rất tập trung và đó là lý do tại sao ông ấy cần phải giao tiếp rất tự tin. Tôi cho rằng tính cách của ông ấy cũng có thể giúp được điều đó. Những yếu tố này đã định hình nên một nhà lãnh đạo như Tập Cận Bình.
– Thượng Hải – đầu mối kinh tế trọng yếu của Trung Quốc – đã bị tê liệt trong một thời gian do bị phong tỏa. Ông có thể giải thích logic và tâm thái đằng sau chính sách “Không COVID” của Tập Cận Bình không?
+ Trung Quốc cho biết sẽ kiên trì chính sách “Không COVID” ngay sau khi đại dịch bắt đầu bùng phát. Khi Trung Quốc nhận thấy tỷ lệ tử vong và lây nhiễm cao ở phần còn lại của thế giới, đặc biệt là các nước phát triển như Mỹ và châu Âu, ĐCSTQ dường như coi đó là cơ hội tuyên truyền để chứng tỏ rằng hệ thống của Trung Quốc có thể chăm sóc người dân tốt hơn so với hệ thống của phương Tây.
Tôi cho rằng vấn đề bây giờ là rất khó xoay chuyển cục diện này. Một vấn đề đặt ra là nếu Trung Quốc nới lỏng công tác phòng chống dịch không đúng thời điểm thì có thể xảy ra tỷ lệ tử vong rất cao, do vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc dường không hiệu quả bằng vaccine ngăn ngừa biến thể Omicron của nước ngoài. Ở Hong Kong, có rất nhiều người cao tuổi chưa tiêm phòng và họ là một nhóm rất dễ bị tổn thương. Vì vậy, tôi cho rằng nới lỏng chính sách “Không COVID” là không thể chấp nhận được về mặt chính trị.
Thượng Hải luôn là trung tâm của chiến lược dọn sạch COVID, nhưng điều này đã khiến nhiều người dân bất mãn. Nếu đây là một thử nghiệm mang tính toàn quốc thì nó sẽ gây thiệt hại tương đối lớn về mặt kinh tế.
– Phải chăng chính sách “Không COVID” càng có xu hướng hướng tới Cách mạng Văn hóa 2.0 và nó sẽ gây nguy hiểm cho sự cai trị của Tập Cận Bình?
+ Tôi đoán rằng giữa hai điều này có những điểm tương đồng, một số nhóm thực hiện cuộc phong tỏa giống như Hồng vệ binh. Nhưng Trung Quốc ngày nay về kinh tế đã không như trước đây và về chính trị cũng có nhiều khác biệt, vì vậy nên cảnh giác khi so sánh nó với Cách mạng Văn hóa. Khi Cách mạng Văn hóa bắt đầu, Tập Cận Bình khoảng 16 tuổi, thậm chí có thể chỉ hơn 13 tuổi và thời niên thiếu ông đã từng đến các căn cứ cách mạng như Sơn Tây và Vân Nam. Cách mạng Văn hóa có thể không phải là một mô hình tốt để nhân rộng. Bề ngoài, sự chia rẽ này tương tự như Cách mạng Văn hóa, nhưng tôi sẽ thận trọng để không xây dựng các mối liên hệ quá sâu.
Những gì chúng ta đang thấy bây giờ là một cuộc đấu tranh rất phức tạp, với việc Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng làm điều gì đó với một dịch bệnh tiềm ẩn ngoài tầm kiểm soát, gần như hoảng loạn và tấn công mạnh mẽ. Nhưng điều đó không có nghĩa là Chính phủ Trung Quốc không thể kiểm soát được tình hình, miễn là họ không kéo dài lệnh “phong tỏa” vô thời hạn và mở rộng ra phần còn lại của đất nước.
Đối với Tập Cận Bình và giới lãnh đạo xung quanh ông, vấn đề khó khăn nhất và mối đe dọa lớn nhất vẫn là kinh tế. Họ không bị ám ảnh và quan tâm đến sự tăng trưởng của nền kinh tế như các nhà lãnh đạo tiền nhiệm, chẳng hạn như Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Nhưng sự lãnh đạo của ĐCSTQ hiện tại, cũng như trong quá khứ, có thể gặp vấn đề nếu không góp phần ổn định hoặc cải thiện mức sống vật chất. Nếu việc phong tỏa gây thiệt hại nghiêm trọng cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và giữ nó ở mức thấp hơn 5,5% dự kiến, điều này sẽ có tác động lớn đến tầng lớp trung lưu. Nếu có tới 500 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu cảm thấy họ đang mất tiền tiết kiệm, không thể kiếm tiền và cuộc sống của họ hiện đang tồi tệ hơn bao giờ hết, thì điều đó sẽ tàn phá sự lãnh đạo của ĐCSTQ. Vì đối với địa vị lãnh đạo, sự thịnh vượng chung và các ý tưởng khác của Tập Cận Bình, tầng lớp trung lưu là nhóm mà ông đang cố gắng thu hút để nhận được sự ủng hộ.
– Tập Cận Bình còn có thể kiên trì đặt chính sách “Không COVID” lên trên nền kinh tế và dư luận trong bao lâu? Liệu nền kinh tế Trung Quốc có rơi vào khủng hoảng sâu sắc và gây ra tình trạng bất ổn xã hội quy mô lớn?
+ Báo cáo của một số chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Trung Quốc kiến nghị nên có một cách tiếp cận hạ cánh nhẹ nhàng hơn. Cũng có thông tin cho rằng Bộ Chính trị đã họp và quyết định tiếp tục chủ trương “Không COVID”. Tôi dự đoán đây sẽ là một cuộc chiến để tiêm phòng cho người cao tuổi cũng như tùy thuộc vào việc các đợt phong tỏa ở Thượng Hải và Bắc Kinh có thực sự hiệu quả và không phá hủy hoàn toàn nền kinh tế hay không.
Tôi hình dung một lúc nào đó Chính phủ Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách “Không COVID”. Nếu tiếp tục chính sách “Không COVID” trong một vài tháng và kéo dài tới sang năm thì nó sẽ có tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế, logistic và chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc. Đây sẽ không phải là một bức tranh quá hấp dẫn. Dưới thời Tập Cận Bình, Chính phủ Trung Quốc còn rất nhiều việc phải làm để kiểm soát người dân, nhưng không thể kiểm soát được mọi thứ. Tôi cho rằng đó là khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa đến giai đoạn bất ổn đó. Vẫn còn một chặng đường dài phía trước, nhưng tất nhiên không thể xem nhẹ tình hình.
– Trước Đại hội XX, xung quanh Tập Cận Bình còn có những yếu tố gây phiền phức nào nữa?
+ Vào thời điểm này, vấn đề lớn nhất đối với Tập Cận Bình và êkip của mình, ở một khía cạnh nào đó là kỳ vọng của người dân. Tầng lớp trung lưu và những người ở nông thôn có những kỳ vọng khác nhau. Họ muốn có giao thông tốt, nước sạch, không khí, nhà ở tốt và hàng hóa giá cả phải chăng. Nếu những kỳ vọng đó bị cản trở, họ sẽ không hài lòng. Trong lịch sử, tầng lớp tuyệt vọng nhất thường không phải là vấn đề. Tôi nghĩ mọi người về cơ bản đồng ý rằng tầng lớp trung lưu mới là vấn đề. Nhóm người này có thể sẽ lên tiếng nếu quyền lợi bị ảnh hưởng. Tôi cho rằng Tập Cận Bình đã dành nhiều thời gian để suy nghĩ về những kỳ vọng của tầng lớp trung lưu mà ông ấy có thể không đáp ứng được. Đó sẽ là câu hỏi lớn nhất đối với ông ấy khi bước vào Đại hội XX vào cuối năm nay.
Ngoài ra, có thể có một số người trong đảng cảm thấy bất an với phong cách lãnh đạo của Tập Cận Bình, nhưng không có nhiều bằng chứng cho điều đó. Thời đại Tập Cận Bình không giống như thời đại Đặng Tiểu Bình hay Giang Trạch Dân, có những người như Kiều Thạch.
Bất chấp những tin đồn mới về việc Lý Khắc Cường hiện có thể có quyền lực hơn và Vương Kỳ Sơn đã không còn được sủng ái, những chia rẽ cơ bản này trong tầng lớp lãnh đạo cấp cao Trung Quốc vẫn luôn tồn tại. Tuy nhiên, điều đó dường như không thể tạo thành mối đe dọa vì Tập Cận Bình quá nổi trội nên không ai có được mối liên hệ và uy tín như ông. Nếu ông quyết định từ chức vào tháng 10 hoặc tháng 11 tới đây, ai có thể tiếp quản? Tập Cận Bình đã đầu tư rất nhiều công sức vào việc xây dựng tính cách, địa vị nên thật khó tưởng tượng làm thế nào ông ấy có thể bị thay thế mà không tạo ra nhiều bất ổn.
Một số nhóm khác, chẳng hạn như các công ty ngoài quốc doanh, có thể rất tức giận với cách họ bị đối xử gần đây, chẳng hạn như công ty gọi xe Didi và Alibaba. Quân đội lại càng không thể chống lại Tập Cận Bình vì quân đội đã bị “thanh lọc” trong các chiến dịch chống tham nhũng và rất trung thành về mặt chính trị. Sẽ có ngày càng nhiều người thiểu số ở Tân Cương, Tây Tạng và Nội Mông không hài lòng với ông, nhưng liệu điều đó có đe dọa địa vị lãnh đạo của Tập Cận Bình? Không thể.
Hiện giờ, tôi cho rằng tầng lớp trung lưu là vấn đề lớn, là nguồn gốc của hầu hết vấn đề. Giới tinh hoa chính trị có thể là nhóm thứ hai gây rối, nhưng thật khó để đoán được liệu họ sẽ có bất kỳ hành động nào vào lúc này hay không. Một khi tầng lớp trung lưu không hài lòng, giới tinh hoa chính trị sẽ ngay lập tức gặp rắc rối. Nhưng tôi không nghĩ rằng trật tự sẽ bị đảo ngược.
– Những kế hoạch, ưu tiên và thách thức nào sẽ có trong nhiệm kỳ thứ ba dự kiến của Tập Cận Bình?
+ Vấn đề của chính sách trong nước là sự thịnh vượng. Tập Cận Bình đang phải giải quyết vấn đề bất bình đẳng giàu nghèo, giải quyết các vấn đề một cách công bằng, đảm bảo một mô hình kinh tế cân bằng hơn.
Vấn đề thứ hai là “vòng tuần hoàn kép” (vòng tuần hoàn trong nước-kinh tế trong nước và vòng tuần hoàn bên ngoài-mở cửa) khiến Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ và thị trường bên ngoài. Trung Quốc không thể sản xuất chất bán dẫn, nhưng vẫn hy vọng có khả năng đó trong vài năm tới.
Về quan hệ quốc tế, vấn đề Đài Loan chắc chắn trở nên cấp bách và quan trọng hơn đối với Tập Cận Bình. Tôi không cho rằng Trung Quốc sẽ có hành động quân sự nhằm vào Đài Loan trong 5 năm tới, nhưng chắc chắn sẽ tiếp tục tập trung vào việc gây áp lực nhiều hơn để Đài Loan có vẻ ràng buộc chặt chẽ hơn với Trung Quốc.
– Ai sẽ là người có tiềm năng kế nhiệm Tập Cận Bình?
+ Bộ Chính trị có 25 thành viên, một số người sẽ nghỉ hưu vào cuối năm nay và một số người sẽ tiếp tục làm việc. Như vậy, chỉ khoảng một nửa số ủy viên Bộ Chính trị hiện nay có khả năng trở thành lãnh đạo trong tương lai. Đây là một nhóm khá nhỏ. Những người thường được nhắc đến, chẳng hạn như Phó thủ tướng Hồ Xuân Hoa và Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc Uông Dương, đều có độ tuổi phù hợp và kinh nghiệm dày dặn. Tuy nhiên, Tập Cận Bình đã phá vỡ một số quy tắc và giới hạn tuổi dường như không còn quan trọng nữa. Tuổi nghỉ hưu là 68 và Tập Cận Bình sẽ 70 tuổi vào năm tới. Nếu ông ấy vẫn tiếp tục là Tổng bí thư, quy tắc này không còn được áp dụng nữa.
Đại hội XX rất quan trọng và có thể cho chúng ta biết rõ hơn ai là người chiếm ưu thế và được đón nhận nồng nhiệt. Trong 5 năm tới, họ sẽ chuẩn bị kỹ càng hơn vì Tập Cận Bình không thể sống đến trăm tuổi. Tuy nhiên, hiện tôi không nhận thấy dấu hiệu ông ấy sẽ bàn giao quyền lực vào cuối năm nay. Có thể có một bất ngờ lớn, nhưng tôi không nghĩ rằng ĐCSTQ thích rủi ro, bất ổn và bất ngờ. Nếu Tập Cận Bình có khả năng từ chức thì đã sớm có tín hiệu.
Sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường nghỉ hưu, Bí thư thành ủy Thượng Hải Lý Cường từng được xem như một người kế nhiệm tiềm năng. Nhưng việc quản lý dịch bệnh gần đây của Thượng Hải có thể làm hỏng cơ hội của Lý Cường.
– Ở cuối cuốn sách mới của mình, ông nói Tập Cận Bình là người độc đoán chuyên quyền? Phải chăng Tập Cận Bình đã loại bỏ những người không tỏ rõ quan điểm?
+ Tập Cận Bình là một chính trị gia tài giỏi, luôn đề cao vai trò của Trung Quốc trên thế giới. Việc Tập Cận Bình đưa ra Sáng kiến “Vành đai và Con đường” có nghĩa là Trung Quốc muốn đóng một vai trò lớn hơn trên thế giới. Tập Cận Bình từ chối “nhập khẩu” các ý tưởng phương Tây vào Trung Quốc. Việc được ưu tiên nhất ở trong nước đó chính là tiếp tục thực hiện chuyên chế độc đảng bền vững. Hồ Cẩm Đào chưa bao giờ nói về tầm nhìn của Trung Quốc trên thế giới.
Theo tôi, Tập Cận Bình là một nhân vật gây chia rẽ. Nhiều người cho rằng một Trung Quốc mạnh cần một nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Những người khác lại coi ông là một người độc đoán chuyên quyền. Không ai trong số này nắm bắt được thực chất Tập Cận Bình là gì.
Đó là lý do tại sao tôi nói rằng vẫn còn một khu vực mơ hồ, đó là Đảng là gì và Tập Cận Bình là gì. Tập Cận Bình đã thôn tính hoàn toàn ĐCSTQ chưa? Hay đảng vẫn hiện diện mang tính chủ chốt? Tôi cho rằng đảng vẫn là then chốt và Tập Cận Bình chỉ là một nhà lãnh đạo thích hợp.
– Ông viết trong cuốn sách của mình rằng Tập Cận Bình chính là đảng của ngày hôm nay và quan trọng hơn đảng chính là ông ấy. Nhưng ông ấy nên và phải nhớ rằng một ngày nào đó, ông ấy sẽ biến mất. ĐCSTQ thì vẫn tiếp tục. Nếu ĐCSTQ có thể thể tồn tại sau Mao Trạch Đông, nó có thể tồn tại sau bất kỳ ai – kể cả Tập Cận Bình. Ranh giới giữa Tập Cận Bình và ĐCSTQ nằm ở đâu?
+ Theo tôi, câu hỏi đặt ra là liệu phong cách cai trị của ông ấy có làm tổn hại đến khả năng nắm quyền và độc quyền của ĐCSTQ hay không. Nếu Tập Cận Bình tiếp tục tái đắc cử và thực hiện các chính sách gây bất ổn xã hội và chính ông ấy trở thành vấn đề, thì đảng và ông ấy sẽ xảy ra xung đột.
Tôi không cho rằng đây là xung đột giữa Mao Trạch Đông và ĐCSTQ trong Cách mạng Văn hóa. Mao Trạch Đông có uy tín và khả năng chiến đấu trực diện với đảng và giành chiến thắng và ông ấy đã làm được điều đó. Tôi không chắc liệu Tập Cận Bình có thể nhận được sự ủng hộ như vậy hay không. ĐCSTQ hiện đã chăm lo cho lợi ích của chính mình tốt hơn. Khi các chính sách của Tập Cận Bình được coi là liều lĩnh và gây bất lợi cho đảng cũng như việc tiếp tục nắm quyền, ông ta có thể vấp phải sự phản đối và bị xử lý.
– Rốt cuộc thì điều mà ĐCSTQ và Tập Cận Bình muốn là gì? Nếu Tập Cận Bình thất bại, liệu ông ấy có phải đối mặt với hậu quả chết người không?
+ Những gì họ muốn là những gì đã được đề cập trong một thời gian dài, đó là đưa Trung Quốc trở thành một nước lớn hùng mạnh. Tuy nhiên, nếu kinh tế xuất hiện suy giảm nghiêm trọng do một loạt chính sách của Tập Cận Bình dẫn tới, đặc biệt là việc phong tỏa và chèn ép hoạt động kinh doanh tư nhân, thì sẽ tạo ra sự khó đoán định. Tập Cận Bình lúc đó trở thành vấn đề chứ không phải là giải pháp. Tầm nhìn của ĐCSTQ là muốn để đảng lãnh đạo Trung Quốc đến một vị trí mạnh mẽ, một tầm nhìn đã có từ thời Mao Trạch Đông. Tập Cận Bình đã giúp Trung Quốc giàu hơn và mạnh hơn, nhưng nếu ông ấy không thể tiếp tục làm như vậy, thì đâu là điểm quan trọng? Đảng và nhà nước cho rằng đây không phải là điều họ cần.
Sau đó, một người khác có thể thay thế Tập Cận Bình làm lãnh đạo. Đó là một lựa chọn nhẹ nhàng hơn, nhưng có thể xảy ra một cuộc nội chiến hủy diệt; sự sụp đổ của chế độ ĐCSTQ và Trung Quốc cũng có thể được thay thế bằng một hệ thống chính quyền rất khác. ĐCSTQ cầm quyền ở Trung Quốc là một sự thật lịch sử, nhưng có thể thay đổi.
Kết quả có thể thấy trước là Tập Cận Bình nắm quyền và giải quyết tất cả những vấn đề này, quá độ sang tương lai. Kết quả khó lường nhất là sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ ĐCSTQ và mọi thứ sau đó. Đây không chỉ là vấn đề của riêng Trung Quốc, mà là vấn đề của toàn thế giới./.
(Theo TTXVN)