Tuyên bố của Tổng thống Nga về việc đình chỉ Hiệp ước START-3 đã trở thành tin quan trọng nhất trong Thông điệp Liên bang hàng năm và là thông điệp chính của người lãnh đạo nước Nga cho thế giới. Điều này là dễ hiểu, bởi quyết định trên có ảnh hưởng tới “sự ổn định chiến lược” – hệ thống gìn giữ hoà bình giữa các cường quốc hạt nhân.
Thông điệp Liên bang của Tổng thống dành phần lớn thời lượng để kêu gọi nước Nga hãy tự lo cho công việc của mình và tự phát triển. Không có kế hoạch nào về trật tự thế giới được đề cập trong bài phát biểu của ông. Tình hình thế giới bên ngoài chỉ chiếm một vị trí rất khiêm tốn trong đó, miễn sao phương Tây không can thiệp vào các vấn đề của Nga và mong muốn tiếp cận các thị trường, các hành lang hậu cần mới để hợp tác cùng tất cả các nước khác.
Hệ thống quan hệ với các nước phương Tây được mô tả trong thông điệp được phân chia thành nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, tài chính và cả những vấn đề đạo đức. Nội dung báo cáo không có gì lạ thường. Trung tâm của hệ thống ấy là vấn đề Ukraine. Nga và phương Tây có quan điểm đối lập và không tương thích về vấn đề này, nên vũ lực đã được áp dụng và có thể sẽ kéo dài lâu nữa. Bối cảnh này là cần thiết để xem xét lại quyết định về Hiệp ước START cũng như việc nối lại thử nghiệm hạt nhân. Vấn đề này có nhiều khía cạnh, cần được xem xét kỹ lưỡng bởi các chuyên gia quân sự. Nhìn chung, quyết định tạm đình chỉ Hiệp ước của Tổng thống Nga mang tính chính trị.
Hiệp ước START, chỉ mới được gia hạn gần đây vào năm 2021 trong 5 năm tiếp theo, là hiệp định mới nhất trong chuỗi các hiệp định bắt đầu từ nửa cuối những năm 1960-đầu những năm 1970. Giai đoạn cuối của Chiến tranh Lạnh được biết đến là giai đoạn mà đối đầu được tiết chế một cách tối đa; các văn kiện về phòng thủ tên lửa, hạn chế và sau đó là cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược đã hình thành cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các siêu cường hạt nhân. Cuộc đối đầu chính thức kết thúc vào đầu những năm 1990, thời điểm quan hệ chính trị, kinh tế và ý thức hệ giữa Moskva và Washington đã thay đổi. Mặc dù sự hiện diện của các vũ khí hạt nhân đã giảm song chúng vẫn đóng vai trò nền tảng cho việc định hình quan hệ Nga-Mỹ. Rõ ràng, vì những kho vũ khí này tồn tại để chống lại ai? Đơn giản là không có mục tiêu nào khác (ngoài hai siêu cường này).
Kể từ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo ABM vào năm 2002 thì chính sách tháo gỡ những ngòi nổ từ Chiến tranh Lạnh đã được định đoạt trước. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi của “tái thiết lập” (reset) quan hệ Nga-Mỹ, Hiệp ước START được thông qua, song các quan sát viên chính trị quốc tế đã lưu ý rằng, rất có thể đây là văn kiện cuối cùng thuộc loại này. Không phải vì bản chất mối quan hệ Nga-Mỹ thay đổi mà mô hình của các thoả thuận song phương như vậy đã không phù hợp với thực tế thế giới đang biến động mạnh mẽ.
Duy trì hợp tác ổn định chiến lược là cơ hội cuối cùng để có thể tiếp tục mối quan hệ giữa Nga và Mỹ với tư cách là những bên chịu trách nhiệm chính để tránh thảm hoạt về một cuộc đối đầu hạt nhân. Nghĩa là các lĩnh vực khác có thể không tương thích nhưng riêng vấn đề này thì cả Nga và Mỹ đều thấu hiểu lẫn nhau. Tuy nhiên, sự thấu hiểu ấy, ở một thời điểm nào đó, đã trở nên mơ hồ. Khi chiến dịch quân sự đặc biệt nổ ra vào năm 2022 thì việc duy trì cách tiếp cận cũ cho quan hệ hai nước đã hoàn toàn sụp đổ. Một tình huống độc đáo và khá nguy hiểm đã nảy sinh về một cuộc đối đầu quân sự gay gắt giữa hai siêu cường hạt nhân, trong đó một bên tham gia trực tiếp, bên còn lại can dự gián tiếp nhưng rất tích cực.
Việc đình chỉ Hiệp ước có nghĩa là gì trên thực tế (Theo thông lệ của những thập kỷ gần đây, nó như là bước thang đầu tiên dẫn đến một lối thoát)? Đương nhiên, cuộc chạy đua vũ trang vô nghĩa và cực kỳ tốn kém của những năm 70-80 của thế kỷ trước ngay lập tức hiện lên trong ký ức của các chuyên gia. Nhưng rất hy vọng trải nghiệm này sẽ không lặp lại. Nhân tiện cần nói, ở Washington luôn có một phe cánh tương đối có ảnh hưởng – những người luôn coi tất cả hiệp ước chỉ mang lại bất lợi và họ ủng hộ quyền tự do tối đa. Trong hệ thống quốc tế đương đại chủ yếu dựa trên các mối quan hệ bất đối xứng và mất cân bằng, những lời kinh kệ trước đây về sự cân bằng có vẻ đã lỗi thời.
Tuyên bố của V. Putin là một dấu hiệu có chủ đích, rằng cuộc xung đột ở Ukraine và yếu tố hạt nhân cùng nằm trên một bình diện. Việc gợi nhớ lại các vụ thử nghiệm hạt nhân cần được hiểu là Nga có thể nối gót NATO và Mỹ để leo thang hơn nữa – nhu cầu mà các thế lực này đã đề cập nhiều lần trong các ngày diễn ra Hội nghị An ninh Munich.
Sự kết thúc của kỷ nguyên các hiệp ước song phương, và có thể là cả các thỏa thuận trước đó (đa phương do Liên Xô và Mỹ khởi xướng), chắc chắn không mang lại niềm vui. Các điều khoản cam kết giữa các nước lớn về môi trường quốc tế nhằm củng cố nền tảng của văn hoá chính trị dĩ nhiên vẫn là tốt hơn so với sự lên ngôi của các hành động bản năng, thiếu kiềm chế. Nhưng không có thoả thuận nào là vĩnh viễn. Mô hình quan hệ cũ với xuất phải điểm từ Khủng hoảng Caribe đã hết khả năng sử dụng. Chúng ra sẽ phải sớm tìm ra một mô hình mới.
Biên dịch: Giang Đinh
Về tác giả: Bài viết của tác giả Fedor Lukyanov, Tổng biên tập Tạp chí “Russia in Global Affairs”, Chủ tịch Hội đồng chính sách đối ngoại và quốc phòng.