Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới về các khoản nợ của “các nước đang phát triển” được công bố ngày 13/12 vừa qua, phơi bầy một hiện thực đáng báo động: trong năm 2022, các nước đang phát triển đã chi tiêu lượng tiền kỷ lục 443,5 tỷ USD để thanh toán các nghĩa vụ nợ ngoài nước. Cũng trong năm 2022, nhóm 75 nước có thu nhập thấp nhất được quyền tiếp cận tín dụng của Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) – thể chế trực thuộc Ngân hàng Thế giới cung cấp tín dụng cho các nước nghèo nhất – đã phải trang trải cho các chủ nợ của mình tổng cộng 88,9 tỷ USD. Tổng giá trị các khoản nợ nước ngoài của nhóm 75 quốc gia này trong cùng năm đạt mức 1.100 tỷ USD, nói cách khác là hơn gấp đôi mức ghi nhận trong năm 2012. Theo một thông cáo của Ngân hàng Thế giới, từ 2012 – 2022, tổng các khoản nợ nước ngoài của các nước này đã tăng 134%, chỉ số vượt xa mức tăng trưởng 53% của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chính các quốc gia này trong cùng thời kỳ.
Ngân hàng Thế giới nhận định thêm: “Mức tăng lãi suất chóng mặt đã làm trầm trọng hơn mức độ nhậy cảm gắn liền với tình trạng nợ của toàn bộ các nước đang phát triển. Chỉ trong vòng 3 năm qua, đã có 18 đợt ngừng thanh toán nợ tự chủ tại 10 nước đang phát triển, con số cao hơn mức ghi nhận trong suốt 2 thập kỷ trước đó. Tại thời điểm này, gần 60% các nước có thu nhập thấp đang đứng trước rủi ro mắc nợ quá mức hoặc đã rơi vào tình trạng này”.
Trước thực trạng này, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra cảnh báo: một cuộc khủng hoảng nợ mới đã bắt đầu. Các nước đang phát triển đã phải giải ngân những khoản khổng lồ cho các chủ nợ và do vậy buộc phải giảm mạnh chi tiêu đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của hàng trăm triệu người trong hoàn cảnh khó khăn cần những trợ giúp thiết yếu. Cần nhớ là trong một báo cáo khác của Ngân hàng Thế giới do tạp chí Financial Times trích dẫn, từ 2019 tới 2022, hơn 95 triệu người trên thế giới đã rơi vào tình trạng nghèo cùng cực.
Ngân hàng Thế giới thừa nhận rằng từ năm 2022, giới chủ nợ tư nhân đã thắt chặt tín dụng cho các nước đang phát triển và áp dụng các chính sách khắc nghiệt để đạt mức giải ngân thanh toán nợ tối đa từ các nước này. Hệ quả là, cũng theo Ngân hàng Thế giới, các khoản tín dụng mới do chủ nợ tư nhân cấp từ năm 2022 đã giảm 23%, xuống còn 371 tỷ USD, mức thấp nhất trong 10 năm qua. Ngược lại, họ đã thu về 556 tỷ USD từ các khoản thanh toán nghĩa vụ nợ từ các nước đang phát triển. Điều này đồng nghĩa với việc trong năm 2022, giới chủ nợ tư nhân đã thu về từ các khoản thanh toán nghĩa vụ nợ 185 tỷ USD nhiều hơn so với mức tín dụng họ bỏ ra cho các nước đang phát triển, và đây là lần đầu tiên kể từ năm 2015, chỉ số này đạt mức dương.
Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới không giải thích những nguyên nhân dẫn tới hiện trạng này, vì rõ ràng chúng sẽ bao hàm những nghi vấn về mô hình và hệ thống kinh tế mà chính thể chế toàn cầu này quảng bá, thậm chí còn cho là lựa chọn khả thi duy nhất. Hơn nữa, việc nêu rõ nguyên nhân cũng buộc phải chỉ rõ trách nhiệm của các ngân hàng trung ương tại Bắc Mỹ và Tây Âu, nói cách khác là giới lãnh đạo của các cường quốc phương Tây – những thế lực đang kiểm soát cả Ngân hàng Thế giới lẫn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Vậy có thể giải thích cuộc khủng hoảng nợ đang ảnh hưởng tới những mắt xích yếu nhất của nền kinh tế tư bản toàn cầu như thế nào? Để hiểu được cuộc khủng hoảng hiện tại, cần phải nhìn lại những gì đã diễn ra vận động tài chính 15 năm qua.
Kể từ giai đoạn 2010 – 2012, quá trình giảm dần lãi suất tại các nước “phương Bắc” đã giảm bớt chi phí nợ cho các nước “phương Nam”. Các ngân hàng trung ương của các nước có mức độ công nghiệp hóa cao nhất đã từng bước đưa mức lãi suất cơ bản của mình tiện cận mức 0%. Chính sách này đã giúp các thị trường tài chính nói riêng và các doanh nghiệp tư nhân lớn nói chung vận hành được trơn tru trong giai đoạn này, đồng thời cũng giúp các nước phát triển quản lý và trang trải các khoản nợ công của mình thuận lợi hơn. Chính sách lãi suất rất thấp tại các cường quốc tư bản lớn đã khuyến khích hoạt động thanh toán chi phí nợ và hoạt động tín dụng nói chung, tạo ra bước tăng vọt về mức độ nợ trên toàn cầu, cả công lẫn tư và tại cả hai khối các nước phát triển và đang phát triển. Chính sách này cũng giảm bớt chi phí tài chính cho các nước đang phát triển; và hiện trạng tín dụng giá rẻ, càng được nhân rộng với các luồng vốn chẩy ra từ các nước “phương Bắc” khi tìm kiếm mức lợi nhuận cao hơn mức lãi suất đang rất thấp tại các nước phát triển, cùng thu nhập khá dồi dào từ xuất khẩu nguyên liệu thô (với mức giá vẫn khá cao trong giai đoạn này), đã mang lại cho chính phủ các nước đang phát triển, gồm cả những nước nghèo nhất, một cảm giác an toàn giả tạo và nguy hiểm. Thậm chí, cả một số quốc gia nghèo nhất tại châu Phi vùng cận Sahara, vốn chưa từng có cơ hội phát hành trái phiếu nợ tự chủ trên thị trường tài chính quốc tế, cũng dễ dàng tìm thấy khách hàng cho trái phiếu của mình. Các quỹ đầu tư và các ngân hàng từ các nước phát triển thu mua các văn bản nợ từ các nước đang phát triển vì chúng có lãi suất cao hơn so với trái phiếu của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) hay trái phiếu chính phủ của Nhật Bản, Đức, Pháp và các nước châu Âu khác – thường ở mức sát 0% và không bao giờ vượt qua mức 2-3%.
Kết quả là, các nước nghèo đã không mấy khó khăn phát hành và tiêu thụ các văn bản nợ của mình trên thị trường quốc tế. Rwanda là một ví dụ điển hình: dù là một trong những nước nghèo nhất thế giới cùng vết đen là cuộc thảm sát diện rộng năm 1994, lần đầu tiên trong lịch sử nước này phát hành được trái phiếu nợ tự chủ và công bán tại Wall Street trong các năm 2013, 2019, 2020 và 2021. Tình trạng tương tự diễn ra với Senegal khi quốc gia này đã có 6 đợt phát hành trái phiếu quốc tế vào các năm 2009, 2011, 2014, 2017, 2018 và 2021. Ethiopia, một quốc gia kém phát triển khác, cũng thành công phát hành trái phiếu quốc tế vào năm 2014. Benin tiếp cận được thị trường này muộn hơn với 3 đợt phát hành liên tiếp vào các năm 2019, 2020 và 2021. Bờ Biển Ngà, bỏ lại đằng sau một cuộc nội chiến đẫm máu vài năm trước, cũng đều đặn phát hành trái phiếu quốc tế vào mỗi năm trong giai đoạn 2014 – 2021, bất chấp vẫn nằm trong số các nước nghèo và mắc nợ nhiều nhất thế giới. Tương tự, có thể kể đến các trường hợp của Kenya (2014, 2018, 2019 và 2021), Zambia (2012, 2014, 2015), Ghana (từ 2013 đến 2016 và từ 2018 đến 2021), Gabon (2007, 2013, 2015, 2017, 2020, 2021), Nigeria (2011, 2013, 2014, 2017, 2018, 2021, 2022), Angola (2015, 2018, 2019, 2022) và Cameroon (2014, 2015, 2021). Đây là hiện tượng chưa từng thấy trong suốt 6 thập kỷ trước đó, xuất phát từ một thực trạng quốc tế rất riêng biệt: các nhà đầu tư tài chính “phương Bắc” dồi dào thanh khoản và trước các tỷ lệ lãi suất thấp tại các thị trường quen thuộc, đã tìm kiếm lợi nhuận hấp dẫn hơn. Senegal, Zambia và Rwanda từng đặt ra mức lãi suất 6 – 8% cho trái phiếu của mình: ngay lập tức họ thu hút được các tổ chức tài chính đang muốn đầu tư thanh khoản của mình bất chấp rủi ro cao. Chính phủ các nước kém phát triển trở nên lạc quan và hồ hởi thuyết phục dân chúng rằng chân trời hạnh phúc đã gần kề, bất chấp thực tế rằng xu hướng đầu tư đó có thể đảo chiều vào thời điểm bất kỳ. Các phương tiện truyền thông quốc tế ca ngợi viễn cảnh tươi sáng của châu Phi sau đêm trường đen tối, trong khi các nhà lãnh đạo tại lục địa này nhiệt tình chia sẻ những “câu chuyện thành công” huyễn hoặc của mình, gắn chúng với khả năng thích nghi với quá trình toàn cầu hóa theo kiểu tự do mới và quá trình mở cửa các thị trường. Ngân hàng Thế giới, IMF và Ngân hàng Phát triển châu Phi không ngừng gửi những lời chúc mừng và ca ngợi thành tích của họ. Cứ như vậy, những chính phủ này đã tích lũy nợ một cách thái quá mà không qua quá trình tham vấn nhân dân cần thiết. Và tới khi các ngân hàng trung ương của các nước “phương Bắc”, từ năm 2022, đảo ngược xu thế và nâng mức lãi suất của mình, tình hình tài chính của họ nhanh chóng bị bào mòn tới mức suy sụp.
Sự kết hợp của dịch bệnh, các hệ quả của cuộc chiến tại Ukraine, lạm phát và quá trình gia tăng lãi xuất tại các nước công nghiệp hóa đã làm bùng nổ một cuộc khủng hoảng nợ tổng thể tại các nước “phương Nam”. Từ năm 2020, đặc biệt là từ 2022, thế giới đứng trước bối cảnh mới, một cuộc khủng hoảng nợ trên diện rộng bắt nguồn từ 4 cú sốc từ hệ thống tư bản thế giới. Nhìn nhận một cách khách quan, đây đều là những cú sốc ngoại sinh đối với các nước chậm phát triển nhất, nhưng họ lại hứng chịu hậu quả nặng nề nhất. Đầu tiên, là đại dịch Covid-19 với số ca tử vong hàng loạt tại khắp nơi trên thế giới, cùng với tình trạng phong tỏa, hạn chế và sự đứt gẫy các chuỗi cung ứng.
Tiếp đó, cuộc khủng hoảng kinh tế bị dịch bệnh làm cho trầm trọng hơn tác động mạnh tới các nước đang phát triển tại Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi. Các nước lựa chọn phát triển nền kinh tế dựa trên du lịch, như Sri Lanka và Cuba, bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề từ việc ngắt quãng các đường bay dân dụng.
Sự cộng hưởng từ 2 cú sốc này chính là tiền đề cho một cuộc khủng hoảng nợ có chủ quyền mới. Vào thời điểm các Nhà nước phải tăng chi tiêu công để đối phó dịch bệnh, nền kinh tế của họ bước vào tình trạng trì trệ, tác động mạnh theo hướng tiêu cực tới các nguồn thu tài chính. Hệ quả là bong bóng nợ chủ quyền của các nước này nổ vỡ.
Cú sốc thứ 3 là cuộc chiến mà Nga phát động tại Ukraine vào tháng 2/2022. Ngay lập tức, giá cả các mặt hàng ngũ cốc, điển hình là lúa mì, tăng vọt trước hết là do hoạt động đầu cơ – có thể nói như vậy vì trong những tháng xung đột đầu tiên, các kho ngũ cốc tại Ukraine và Nga chưa suy giảm. Sau đó, tình trạng khan hiếm ngũ cốc thực sự trở nên nghiêm trọng khi hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn và giá ngũ cốc trên thị trường quốc tế còn bị đẩy cao hơn nữa, cho tới khi một thỏa thuận đa phương cho phép nối lại các hoạt động xuất khẩu nông sản từ Nga và Ukraine. Cũng dưới tác động tương tự, giá cả của phân bón hóa học, dầu thô và khí đốt cũng bị đẩy lên cao.
Xu hướng tăng giá trên toàn thế giới này tác động nặng nề nhất lên các nước phải nhập khẩu phần lớn lương thực, phân bón và nhiên liệu mà mình tiêu thụ. Tại nhiều nước châu Phi và châu Á, lạm phát đã tác động mạnh tới dân chúng, vốn đã nghèo đi do tình trạng kinh tế trì trệ. Một con số lớn người dân tại các nước này không thể “kham” nổi tình trạng tăng giá thực phẩm và nhiên liệu.
Và cú sốc thứ 4, cũng là nguyên nhân quan trọng nhất (đối với cuộc khủng hoảng nợ công), chính là những quyết định đơn phương của FED, Ngân hàng trung ương châu Âu và Ngân hàng Anh về việc nâng mức lãi suất tiêu chuẩn. Tại Mỹ, FED nâng mức lãi suất cơ sở từ gần 0% lên 5%, các ngân hàng trung ương của Anh và Canada cũng tiến hành bước đi tương tự, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng nâng mức lãi suất cơ sở lên 4,5%.
Những quyết định này gây ra hiệu ứng tàn phá đối với các nước “phương Nam”. Những nước như Zambia hay Ghana, từng có lúc được ca ngợi là hình mẫu thành công, đã rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ. Các quỹ đầu tư, mà trước đó từng thu mua các trái phiếu và văn bản nợ chủ quyền của các nước này, hiểu rõ rằng việc tăng lãi suất tại các nước “phương Bắc” mở ra cơ hội kiếm lợi nhuận an toàn hơn cho họ, và ồ ạt hồi vốn tài chính từ “phương Nam” về “phương Bắc”.
Nghiêm trọng hơn, nhiều quỹ đầu tư còn thông báo với các nước “phương Nam” rằng nếu họ muốn tái cơ cấu các khoản nợ của mình, họ phải trả mức lãi suất lên tới 9 – 15%, trong một số trường hợp còn là 26% (như tại Zambia và Ai Cập), và nếu không chấp nhận, các nhà đầu tư này sẽ ngừng mua trái phiếu chính phủ – những chiếc cọc tài chính ít ỏi mà các nước này còn bám vào trong bối cảnh nhu cầu chi tiêu tăng vọt và nguồn thu tụt dốc không phanh, trong khi hiệu quả tích cực của làn sóng đầu tư trước đó vẫn “bặt vô âm tín”. Kết quả tất yếu là một cuộc khủng hoảng mới về nợ chủ quyền trên diện rộng.
Ngân hàng Thế giới không phủ nhận vai trò rất tiêu cực của quyết định nâng mạnh mức lãi suất tại các nước phát triển, nhưng cũng cẩn trọng không chỉ rõ trách nhiệm của những người đứng đầu các ngân hàng trung ương của các cường quốc vốn nắm quyền kiểm soát các thể chế tài chính toàn cầu theo các thỏa thuận Bretton Woods.
Ngân hàng Thế giới cũng không khuyến cáo chính phủ các nước mắc nợ tự bảo vệ mình bằng cách tuyên bố ngừng thanh toán các nghĩa vụ nợ một cách đồng thời và có phối hợp với nhau. Theo luật pháp quốc tế, các nước này hoàn toàn có quyền tiến hành bước đi này. Trên thực tế, họ có thể tuyên bố ngưng thực hiện các nghĩa vụ tài chính do những thay đổi bước ngoặt về bối cảnh tài chính, hệ quả của những cú sốc từ bên ngoài xuất phát từ các nước phát triển, đặc biệt là quyết định đơn phương của các ngân hàng trung ương tại Bắc Mỹ và Tây Âu tăng mạnh lãi suất cơ bản, vì trong trường hợp này, họ sẽ không có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện các hợp đồng vay mượn được ký trong những điều kiện hoàn toàn khác.
Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới cũng không đứng ra nhận trách nhiệm của mình trong cuộc khủng hoảng mới này. Vì chính thể chế này, cùng IMF, từng khuyến khích các nước đang phát triển ngập trong nợ nần hiện tại tìm kiếm và cam kết tín dụng mới một cách tối đa và mở cửa hết mức nền kinh tế của họ, bước đi khiến cho các nền kinh tế này trở nên mong manh và dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc từ bên ngoài – rủi ro đã trở thành thực tế trong 3 năm qua.
Nếu quan sát với tầm nhìn dài hạn và làm một tổng kết về hoạt động của Ngân hàng Thế giới và IMF ta sẽ thấy trong 80 năm qua, kể từ thời điểm được thành lập theo các thỏa thuận Bretton Woods năm 1944, hai thể chế đa phương này đã thất bại hoàn toàn trong các nhiệm vụ cơ bản vốn là mục đích thành lập, đó là tạo điều kiện cho một sự phát triển bền vững và gia tăng việc làm tại các nước thành viên hưởng tín dụng.
Báo cáo Tổng quan kinh tế thế giới (World Economic Outlook) do chính IMF công bố vào tháng 4 năm 2023 đã gián tiếp thừa nhận thất bại toàn diện này, khi nhận định cần tới 130 năm để các nước đang phát triển giảm một nửa khoảng cách hiện tại về thu nhập tính theo đầu người so với các nước phát triển. Xin nhắc lại con số khủng khiếp này: 130 năm để giảm một nửa khoảng cách, trong bối cảnh mà nhân loại còn đang đối diện ngay trong ngắn hạn những nguy cơ tác động tới khả năng sinh tồn của mình, khi cuộc khủng hoảng sinh thái đang diễn biến ngày càng cực đoan. Nhưng điều đáng nói là trong phiên bản năm 2008 của chính báo cáo này, IMF từng nhận định cần 80 năm để giảm bớt một nửa khoảng cách giầu nghèo nói trên. Kết luận thật đơn giản: từ 2008 tới 2023, khoảng cách thu nhập bình quân đầu người giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển vẫn tiếp tục gia tăng, trái ngược với nhiệm vụ ban đầu đề ra cho các thể chế tài chính Bretton Woods và những lợi ích lan tỏa giả định mà hệ thống tư bản chủ nghĩa mang lại.
Cũng cần nhắc lại những chính sách điều chỉnh cơ cấu hướng tới tư nhân hóa các hệ thống y tế tại các nước “phương Nam” và một sự phụ thuộc ngày càng lớn của các nước này vào ngũ cốc, nguyên liệu và các sản phẩm nhập khẩu khác. Các chính sách được Ngân hàng Thế giới và IMF liên tục quảng bá và áp đặt trong suốt 40 năm qua đã tước bỏ nhiều công cụ của các nước đang phát triển trước những tác động mạnh ngoại lai như đại dịch Covid-19, đợt tăng giá bất thường của các sản phẩm ngũ cốc hay tăng lãi suất tại các nước phát triển như đã nêu.
Cách đây 2 thế kỷ, ở thời điểm khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp tư bản chủ nghĩa, khoảng cách thu nhập bình quân đầu người giữa các nước đang phát triển ngày nay và các nước phát triển là khá nhỏ. Chủ nghĩa tư bản chiến thắng hiện tại đã gia tăng tới mức chưa từng có khoảng cách giầu nghèo này, đó là chưa kể tới khoảng cách giầu nghèo trong mỗi quốc gia, cho dù là phát triển hay đang phát triển, giữa 1% dân số giầu có nhất và 50% dân số có thu nhập thấp nhất trong xã hội.
Nếu thế giới thực sự muốn hướng tới sự phát triển đồng đều, bao trùm và bền vững, có lẽ đã tới lúc phải xây dựng một kiến trúc tài chính kinh tế khác tôn trọng quyền con người và thiên nhiên hơn, cùng một cuộc cách mạng sinh thái xã hội chủ nghĩa và quốc tế chủ nghĩa theo đúng nghĩa./.
Biên tập và chuyển ngữ: Uyển My
Tác giả: Eric Toussaint là Tiến sĩ Khoa học chính trị người Pháp. Bài viết được đăng trên CADTM International.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ ban biên tập qua địa chỉ: [email protected]