Một số nhận định của dịch giả Hiện tại, Việt Nam chưa đưa ra một chính sách cụ thể nào liên quan trực tiếp tới khu vực “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Tuy nhiên, trong giới nghiên cứu và học giả đã bàn khá nhiều đến vấn đề này. Việt Nam vẫn cần có thêm thời gian để đánh giá thực tiễn triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Đức. Mặc dù vậy, chiến lược của Đức có thể mang tới những cơ hội mới thúc đẩy sự phát triển của mối quan hệ hiện có giữa Việt Nam và Đức trên tất cả các lĩnh vực. Đức là một đối tác quan trọng đối với Việt Nam. Năm 2011, hai nước đã ký hiệp định đối tác chiến lược. Kể từ đó, quan hệ song phương không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực. Về kinh tế, thương mại và đầu tư, Đức tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh Châu Âu (EU)[1]. Việt Nam cũng trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á. Chuyến thăm tới Việt Nam năm 2022 của Thủ tướng Đức đã mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, là cột mốc để khẳng định hai nước đã vượt qua nhiều khó khăn và thách thức. Nhân chuyến thăm đó, Việt Nam và Đức đã ký bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng, thỏa thuận có tầm quan trọng chiến lược và là thỏa thuận hợp tác quốc phòng đầu tiên giữa hai nước. Ngoài ra hai nước cũng có thể sẽ hợp tác thêm trong các lĩnh vực mới như: chuyển đổi năng lượng bền vững, bảo vệ môi trường, đào tạo nghề, hợp tác lao động. Việt Nam hiện có một cộng đồng tương đối lớn mạnh tại Đức gồm khoảng 170.000 người, đóng góp tích cực cho quan hệ hai nước cũng như đóng góp cho nhà nước Cộng hòa Liên bang Đức. Với những lợi thế hiện tại, có thể khẳng định hai nước đang đứng trước cơ hội vàng để đẩy mạnh hợp tác chiến lược trên nhiều lĩnh vực, đưa mối quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Việt Nam hiện nay đang có một vị thế tương đối quan trọng trong cấu trúc khu vực cũng như toàn cầu. Việc xác định đúng vị thế, đồng thời hiểu rõ bản chất của sự điều chỉnh trong chiến lược của các nước lớn, trong đó có Đức, có thể giúp Việt Nam tận dụng được tối đa những cơ hội và giảm thiểu tối đa thách thức. Vì vậy, việc thúc đẩy quan hệ với Đức sẽ là một trong những định hướng chiến lược đối ngoại quan trọng của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Để hiểu thêm về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Đức, từ đó đánh giá động lực phát triển mối quan hệ Việt Nam - Đức trong những năm tiếp theo, Nghiên cứu Chiến lược trân trọng giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Rafal Ulatowski - Phó Giáo sư, Tiến sĩ tại Khoa Khoa học Chính trị và Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Warsaw. Nội dung bài viết cụ thể như sau:
Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang ngày càng có tầm quan trọng về kinh tế và chính trị. Cùng với Đức, nhiều quốc gia thành viên EU khác và bản thân EU đang ngày càng tham gia nhiều hơn vào khu vực này. Kể từ đầu những năm 1990, chính phủ Đức đã đầu tư thời gian và nguồn lực để phát triển quan hệ song phương chặt chẽ với các quốc gia tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trật tự quốc tế tự do (LIO) đã tạo ra môi trường thuận lợi cho chính sách này bằng cách hỗ trợ sự ổn định của chính trị và thị trường mở. Trung Quốc, quốc gia lớn nhất trong khu vực xét theo diện tích lãnh thổ, quy mô nền kinh tế và dân số (tính đến năm 2023), đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất cũng như là một trong những đối tác chính trị quan trọng nhất của Đức. Hợp tác Trung Quốc-Đức vượt xa hợp tác kinh tế và chính trị, bao gồm cả những lĩnh vực khác như giáo dục, nghiên cứu và trao đổi văn hóa. Hai nước cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tham vấn liên chính phủ. Mạng lưới kết nối chặt chẽ được phát triển trong những thập kỷ gần đây khiến Trung Quốc trở thành một trong những đối tác đáng chú ý nhất khu vực.
Tuy nhiên, mối quan hệ đối tác Đức-Trung đã đạt đến giới hạn khi Trật tự quốc tế tự do kết thúc. Giờ đây, Đức phải đối mặt với việc phải định hình lại vai trò của mình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhu cầu này đã được chứng minh qua ba tài liệu: “Những nguyên tắc về Chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” năm 2020, “Chiến lược an ninh quốc gia” năm 2023 và “Chiến lược đối với Trung Quốc” năm 2023. Khi cạnh tranh Mỹ-Trung gia tăng, Đức đang đa dạng hóa quan hệ chính trị và kinh tế ở các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm ưu tiên hơn các đối tác trong khu vực có chung các “giá trị dân chủ”.
Lợi ích và các đối tác của Đức trong khu vực
Gần đây nhất là vào năm 2014, quan hệ Đức-Trung đã được nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Tuy nhiên vào năm 2019, giới tinh hoa trong lĩnh vực kinh tế của Đức bắt đầu đặt ra hoài nghi về hậu quả của mối quan hệ đối tác này. Trong một bài viết về chính sách, Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) đã mô tả Trung Quốc là “đối tác và đối thủ cạnh tranh”. Từ ngữ này ngay lập tức được giới tinh hoa trong giới chính trị Đức tiếp thu và phát triển. Đức, cùng với các nước châu Âu khác như Ý đã có quan điểm khắt khe hơn về mối quan hệ với Trung Quốc trong vài năm qua. Hiện tại, chính quyền Đức có xu hướng nhìn nhận Trung Quốc theo ba hướng: một là đối tác quan trọng, hai là đối thủ cạnh tranh hay thậm chí là đối thủ mang tính hệ thống.
“Đức có quân sự quá yếu để thay đổi cán cân quyền lực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sự hiện diện quân sự của nước này đáp ứng mong đợi của các cường quốc tầm trung trong khu vực và Hoa Kỳ mà không mang lại quá nhiều tác động tiêu cực đến mối quan hệ của Đức với Trung Quốc”.
Một dấu hiệu khác về chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới của Đức là sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Đức trong khu vực. Vào tháng 8/2021, Đức cử tàu khu trục nhỏ Bayern thực hiện sứ mệnh tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và vào tháng 8/2022, một đội máy bay đã được cử tham gia Chiến dịch Rapid Pacific. Năm 2023, lực lượng vũ trang Đức cũng tham gia tập trận tại Australia. Kể cả khi Trung Quốc phản đối sự hiện diện chủ yếu mang tính biểu tượng này, Đức có vẻ không thay đổi chính sách của mình và tiếp tục lên kế hoạch gửi một con tàu khác đến khu vực vào năm 2024. Bên cạnh đó, các chính trị gia Đức cũng tích cực chú trọng việc phát triển quan hệ ngoại giao với các cường quốc tầm trung trong khu vực.
Từ năm 2020, đã có một cuộc trao đổi ngoại giao lớn với các quốc gia dân chủ trong khu vực: Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore và Úc. Trong các tài liệu chiến lược của Đức và các chính trị gia Đức lập luận rằng Đức mong muốn có các đối tác là những quốc gia dân chủ của người Hồi giáo và các quốc gia mang nhiều giá trị chung với nước này, vì các mối quan hệ đối tác như vậy có cả tiềm năng về cả phát triển kinh tế và chiến lược. Họ có thể hỗ trợ Đức trong việc tạo ra chuỗi cung ứng bền vững và tạo ra thị trường quan trọng cho xuất khẩu vũ khí của Đức. Điều này ngụ ý rằng một khoảng cách lớn hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc sẽ được tạo ra. Đức muốn duy trì những giá trị của trật tự thế giới dựa trên luật lệ trong khu vực nhưng đồng thời phải xem xét sự leo thang của cạnh tranh Mỹ-Trung.
Hạn chế của chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Đức
Chính sách của Đức đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải đối mặt với những hạn chế về kinh tế, chính trị và quân sự.
Thứ nhất, trong số các nền kinh tế lớn ở châu Âu, Đức phụ thuộc nhiều nhất vào Trung Quốc. Trung Quốc không chỉ là đối tác thương mại lớn nhất của Đức mà còn là thị trường quan trọng cho các khoản đầu tư của Đức. Xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc vào năm 2022 trị giá 106,853 tỷ Euro, lớn hơn tổng xuất khẩu của Đức sang 9 quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Đài Loan, Singapore, Hồng Kông, Malaysia và Thái Lan với tổng trị giá 105,451 tỷ Euro. Trung Quốc là điểm đến thu hút FDI lớn thứ ba của Đức (chỉ sau Hoa Kỳ và Luxembourg), trị giá gần 103 tỷ Euro. Kết quả là, bất kỳ sự sụt giảm đáng kể nào trong thương mại giữa Đức với Trung Quốc đều có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Đức. Đó là lý do tại sao Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Ngoại trưởng Annalena Baerbock tin rằng Trung Quốc không nên bị cô lập và sự hợp tác Đức-Trung nên tiếp tục, nhưng sẽ giảm bớt nguy cơ phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc. Như đã lập luận trong văn bản “Chiến lược đối với Trung Quốc”, “việc giảm thiểu rủi ro là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, chúng tôi không theo đuổi việc tách rời sự liên hệ khỏi nền kinh tế của nhau”. Tài liệu cuối cùng có cái nhìn nhẹ nhàng hơn nhiều đối với Trung Quốc so với tài liệu ban đầu do Bộ Ngoại giao ban hành. Đảng Xanh muốn có những chính sách “diều hâu” hơn nhiều so với Đảng Dân chủ Xã hội, đặc biệt liên quan đến các khoản đầu tư của các công ty Đức vào Trung Quốc, bao gồm cả lệnh cấm các công ty Đức sản xuất các công nghệ nhạy cảm ở Trung Quốc.
Thứ hai, Đức không phải là cường quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như không giống như Vương quốc Anh, Đức không phải là một phần quan trọng của cấu trúc khu vực. Đức không có các lãnh thổ hải ngoại hay các căn cứ quân sự trong khu vực. Các lực lượng vũ trang của nước này (Bundeswehr) mới bắt đầu hợp tác với quân đội của các nước khác trong khu vực kể từ năm 2021, họ đã tham gia nhiều cuộc tập trận khác nhau và các bên đều mong muốn tăng cường sự hợp tác này trong những năm tới.
Thứ ba, Đức không thể hiện quyền lực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đây là một điểm yếu đáng kể khi sự cạnh tranh trong khu vực ngày càng liên quan mật thiết đến an ninh. Lực lượng vũ trang của Đức tương đối yếu. Thủ tướng Scholz đã khởi xướng việc tăng cường quân đội như trong “Zeitenwende” sau khi Nga tấn công Ukraine và Đức có kế hoạch đầu tư 100 tỷ Euro trong những năm tới để đạt được mục tiêu 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng của NATO. Tuy nhiên, các báo cáo hiện tại cho thấy tốc độ tăng chi tiêu quốc phòng đang diễn ra chậm hơn dự kiến và nguồn vốn bổ sung sẽ chỉ đáp ứng những nhu cầu cấp thiết nhất.
Những thách thức an ninh chính của Đức là ở châu Âu. Các lực lượng vũ trang Đức sẽ không thể đóng bất kỳ vai trò có ý nghĩa lớn nào ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên thực tế, Đức cũng không có nguyện vọng như vậy. Berlin muốn chuyển trách nhiệm kiềm chế Trung Quốc cho Hoa Kỳ và các cường quốc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cùng với những nước có lợi ích đang bị đe dọa trực tiếp bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc. Điều này cho phép Đức tránh mọi cuộc đối đầu trực tiếp với Trung Quốc và tiếp tục hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Đức có mong muốn hỗ trợ các cường quốc trong khu vực bằng cách bán vũ khí cho họ. Các lợi ích kinh tế và chiến lược gắn liền với nhau vì những giao dịch đó nhằm đảm bảo việc làm trong nước, củng cố ngành công nghiệp quốc phòng trong nước và hỗ trợ các khía cạnh liên quan đến an ninh của các đồng minh. Theo dữ liệu của SIPRI (Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm), từ năm 2010 đến năm 2021, các nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Đức vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là Hàn Quốc (2,397 tỷ USD), Singapore (532 triệu USD) và Ấn Độ (456 triệu USD). Từ năm 2010 đến năm 2021 Đức là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ năm trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu đạt 17,765 tỷ USD. Chỉ riêng Hàn Quốc đã chiếm gần 13,5% lượng xuất khẩu vũ khí của Đức trong giai đoạn này. Quan trọng hơn nữa, khi cạnh tranh an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng gia tăng và các nền kinh tế trong khu vực hoạt động tốt, các quốc gia trong khu vực này rất có khả năng sẽ trở thành khách hàng của Đức trong tương lai.
Hướng tới một “đại chiến lược” mới?
Kể từ năm 2020, khi văn bản “Những nguyên tắc về Chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” được phát hành, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã nổi lên là một khu vực quan trọng trong chiến lược chính sách đối ngoại của Đức và điều này đã gây ra sự thay đổi trong mối quan hệ của Đức với Trung Quốc cùng các cường quốc trong khu vực. Hai năm sau, vào năm 2022, sự bất ngờ trước cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đã khiến Thủ tướng Scholz đã tuyên bố “Zeitenwende” và một kế hoạch nhằm thay đổi sâu rộng chính sách đối ngoại của Đức. Quan hệ đối tác của Đức với Nga đã đột ngột kết thúc. Cuộc xung đột cũng bộc lộ điểm yếu về quân sự của Đức và sự phụ thuộc của nước này vào sự đảm bảo an ninh của Mỹ. Đức cần suy nghĩ lại về mối quan hệ của mình với các cường quốc ngày nay: Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc. Họ hy vọng sẽ đa dạng hóa các mối quan hệ chính trị và kinh tế ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngoài Trung Quốc mà không làm suy yếu mối quan hệ kinh tế và chính trị với Trung Quốc. Đức không muốn chịu bất kỳ thiệt hại chính trị hoặc kinh tế nào từ việc làm ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ đối tác đó. Biểu tượng của chính sách này là chuyến thăm Trung Quốc của Olaf Scholz vào tháng 11/2022; Scholz là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên đến thăm Trung Quốc kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Đồng thời, Đức đang phát triển quan hệ chính trị và kinh tế với các quốc gia khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Quan hệ chính trị của nước này với Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đã trở nên rất sâu sắc kể từ năm 2020. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn thống trị các mối quan hệ kinh tế của Đức với khu vực và sự hiện diện quân sự của Đức ở đây chỉ có giá trị biểu tượng. Đức có quân sự quá yếu để thay đổi cán cân quyền lực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sự hiện diện quân sự của nước này đáp ứng mong đợi của các cường quốc tầm trung trong khu vực và Hoa Kỳ mà không mang lại quá nhiều tác động tiêu cực đến mối quan hệ của Đức với Trung Quốc.
Trái ngược với những tuyên bố táo bạo của các chính trị gia Đức về quan điểm của họ đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tác động của Đức đối với thực tế trong khu vực là rất hạn chế. Nước này có thể có những phản ứng trước những thay đổi trong cán cân quyền lực khu vực nhưng không tạo ra những sự thay đổi đó. Nước này có rất ít công cụ quyền lực mà họ có thể sử dụng để gây ảnh hưởng ở khu vực. Tuy nhiên, vị thế của Đức vẫn rất quan trọng vì nước này vẫn là một trong những quốc gia giàu có và có ảnh hưởng nhất trên thế giới, đặc biệt là trong Liên minh châu Âu, nơi dù có sự chuyển dịch quyền lực sang phía đông nhưng vẫn đóng một vai trò quan trọng trong nền chính trị toàn cầu.
Biên dịch và bình luận: Duy Hưng
Tiểu sử tác giả: Rafal Ulatowski là Phó Giáo sư, Tiến sĩ tại Khoa Khoa học Chính trị và Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Warsaw. Ông đã được trao học bổng bởi Quỹ Konrad Adenauer (2007–2011), Cơ quan trao đổi học thuật Đức (2013 và 2014–2015), Viện Văn hóa Ba Lan Đức (2015) và chính phủ Pháp (2015). Các nghiên cứu của ông tập trung vào chính sách đối ngoại của Đức và nền kinh tế chính trị quốc tế của các nước đang phát triển.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Chú thích:
[1] Đại sứ quán nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức, Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức: Thực chất, hiệu quả và bền vững, http://www.vietnambotschaft.org/quan-he-doi-tac-chien-luoc-viet-nam-duc-thuc-chat-hieu-qua-va-ben-vung/