Hội nghị thượng đỉnh NATO 2024 được tổ chức tại Washington, Mỹ trong ba ngày 9-11/7 nhân kỷ niệm 75 năm Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Theo tuyên bố chung 38 điểm, lãnh đạo các nước thành viên NATO nhất trí sẽ tiếp tục thực hiện ba nhiệm vụ cốt lõi của khối bao gồm (i) tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và phòng thủ, (ii) củng cố sự hỗ trợ lâu dài cho Ukraine và (iii) làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn cầu. Đáng chú ý, cuộc họp lần này cũng tái khẳng định sự hỗ trợ của NATO dành cho Ukraine. Theo đó, NATO cam kết sẽ viện trợ quân sự cho Ukraine ít nhất 40 tỷ euro (hơn 43 tỷ USD) trong năm 2025. Theo Tổng thư ký NATO, sự hỗ trợ này sẽ khiến Ukraine mạnh mẽ hơn và có năng lực hơn trong cuộc chiến với Nga. Cam kết này nhằm đảm bảo duy trì nguồn viện trợ cho Ukraine, song không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý và có thể bị lãnh đạo tương lai của các nước thành viên bỏ qua.
Kết quả hội nghị được đánh giá là không có nhiều đột phá đặc biệt khi các diễn biến chính phần lớn bị lu mờ bởi cuộc xung đột tại Ukraine, những rủi ro đối với NATO nếu cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là sự góp mặt tại hội nghị của các đại diện quốc gia đồng minh, đối tác của NATO, nhất là các nước ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. NATO đã cam kết xác định “sự hợp tác mạnh mẽ và sâu sắc” với các đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thể hiện tham vọng của NATO mở rộng ảnh hưởng ra ngoài khu vực truyền thống sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhằm đối phó Trung Quốc. Vì mục đích này, 4 đối tác khu vực chính của liên minh, hay là nhóm IP4 (các nước Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand) đã được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh.
Xu hướng mở rộng “NATO châu Á – Thái Bình Dương”
Việc NATO mở rộng hợp tác và xích lại gần các đối tác bên ngoài khu vực Đại Tây Dương, trong đó có các đối tác châu Á không phải là diễn biến mới. Washington không hề giấu giếm động cơ thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ hơn giữa NATO và các đồng minh châu Á nhằm củng cố an ninh tập thể do Mỹ lãnh đạo [1]. Trục quan hệ Trung – Nga – Triều đang được hình thành và ngày càng được củng cố. Trung Quốc đang nhanh chóng tăng ảnh hưởng của họ ra khu vực cũng như toàn cầu. Để cân bằng với trục quan hệ mới, từ lâu việc liên kết chặt chẽ hơn giữa NATO và các đồng minh của Mỹ ở Châu Á nhằm tăng cường hợp tác an ninh giữa các đồng minh đã trở thành trọng tâm chiến lược của Mỹ và các đối tác châu Âu và Đông Á [1]. Mỹ – NATO muốn xây dựng một liên kết chặt chẽ, có đủ sức mạnh, tiềm lực nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.
Các nước thành viên và đại diện của NATO từng nhiều lần khẳng định vai trò quan trọng cốt lõi của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, sự liên kết chặt chẽ giữa khu vực châu Âu-Đại Tây Dương (Euro – Atlantic) và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, với các động lực an ninh của khu vực này có thể ảnh hưởng đến khu vực kia. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã phát biểu khi gặp gỡ các quan chức của bốn đối tác IP4, khẳng định NATO và đồng minh cần tăng cường hợp tác giải quyết các thách thức an ninh chung, bao gồm cuộc chiến tại Ukraine, sự hỗ trợ của Trung Quốc cho nền kinh tế chiến tranh của Nga và sự liên kết ngày càng tăng của “các cường quốc độc tài” – theo như cách gọi của phương Tây [1]. Michael Carpenter, giám đốc cấp cao phụ trách châu Âu tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ trong hội nghị NATO đã tái khẳng định an ninh của châu Âu gắn liền với an ninh của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương [2]. Trước đó, trong bài xã luận trên Foreign Affairs năm 2023, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã nhấn mạnh những nỗ lực của chính quyền Biden nhằm phát triển “Mối liên kết giữa các liên minh của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và ở châu Âu”. Theo đó, vị chuyên gia quân sự Mỹ đã gợi ý các nước đồng minh châu Á của Mỹ đóng góp vào an ninh của khu vực Euro – Atlantic bằng cách hỗ trợ cho Ukraine và đóng góp vào an ninh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bằng cách hợp tác với Mỹ đảm bảo và duy trì an ninh trên eo biển Đài Loan.
Trong hội nghị NATO vừa rồi, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp riêng bên lề cuộc họp với Phó Thủ tướng Úc Richard Marles, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol để thảo luận về việc tăng cường kết nối giữa an ninh Euro – Atlantic và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Theo dự kiến, Ngoại trưởng các nước Mỹ, Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc sẽ gặp nhau vào cuối năm 2024 nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa các nước [3][4].
Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2024 là năm thứ ba liên tiếp các lãnh đạo và đại biểu của các quốc gia IP4, những nước không phải là thành viên NATO, đã tham dự cuộc họp cấp cao của liên minh quân sự 75 năm tuổi của các nước châu Âu và Bắc Mỹ. Trong hai cuộc họp trước, hợp tác công nghiệp quốc phòng không được đề cập đến như một trong những chủ đề được NATO và các đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thảo luận. Bốn quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tham dự hội nghị thượng đỉnh đã ra tuyên bố chung “lên án mạnh mẽ sự hợp tác quân sự bất hợp pháp” giữa Nga và Triều Tiên, cho thấy liên minh quân sự này và các đối tác Thái Bình Dương đang xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn để chống lại những gì họ coi là mối đe dọa an ninh chung. Tại Washington năm nay, NATO và IP4 đã khởi động các dự án hợp tác hàng đầu bao hàm nhiều lĩnh vực về Ukraine, thông tin sai lệch, an ninh mạng và trí tuệ nhân tạo [5].
Mỹ đang tăng cường hợp tác quốc phòng trong những năm gần đây. Trong bài phát biểu có tựa đề “Sự hội tụ mới ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết Mỹ cùng các đồng minh và đối tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang phá bỏ các rào cản quốc gia và tích hợp tốt hơn các ngành công nghiệp quốc phòng của quốc gia. Ý tưởng này là khai thác các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc, Úc và Nhật Bản để nhanh chóng mở rộng năng lực sản xuất. Hàn Quốc và Úc lần lượt là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 10 và thứ 16 thế giới trong giai đoạn 2019-2023 [2].
Về cơ bản, các vị lãnh đạo của các nước Đông Á chia sẻ góc nhìn tương đồng với các đối tác NATO rằng an ninh Euro-Atlantic và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, và cần phải có sự hợp tác an ninh chặt chẽ hơn tại khu vực này [1]. Đó là mối lo ngại về an ninh – kinh tế nhằm đối trọng với trục an ninh kinh tế là Trung Quốc và Nga. Việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự vào Ukraine bất chấp rủi ro liên quan đã khiến Tokyo và Seoul lo ngại về khả năng Trung Quốc hoặc Triều Tiên thực hiện động thái tương tự của Nga, do đó thúc đẩy thắt chặt quan hệ an ninh với Mỹ và các đối tác NATO.
Mối quan tâm của Nhật Bản trong việc hợp tác với NATO đã được định hướng xung quanh việc ngăn chặn Trung Quốc đang tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản trên quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, nhiệt tình thúc đẩy việc mở rộng quan hệ an ninh Nhật Bản-NATO. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio khẳng định rằng “Ukraine có thể là Đông Á của ngày mai” và “an ninh của Châu Âu – Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là không thể tách rời”. Theo đài truyền hình NHK của Nhật Bản, Thủ tướng Kishida nói với các phóng viên rằng Nhật Bản và NATO sẽ tăng cường các thủ tục chia sẻ thông tin tình báo cực kỳ nhạy cảm và Nhật Bản sẽ tiến hành một cuộc tập trận chung với NATO ở khu vực Euro-Đại Tây Dương.
Với Hàn Quốc, mối quan tâm hàng đầu trong quan hệ với NATO là kiềm chế Triều Tiên, quốc gia đang có mối quan hệ đối tác ngày càng phát triển với Nga. Tổng thống Yoon Suk-yeol và nhóm an ninh của ông hy vọng rằng mối quan hệ đối tác Hàn Quốc – NATO được nâng cao sẽ gây thêm áp lực lên Triều Tiên ngày càng hiếu chiến hơn. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol phát biểu với các nhà lãnh đạo khác rằng sự đoàn kết giữa các quốc gia có cùng chí hướng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi phải đối mặt với những thách thức liên quan như chiến tranh ở Ukraine và các hành động khiêu khích từ Bình Nhưỡng.
Rõ ràng, tồn tại một niềm tin về một mạng lưới an ninh chặt chẽ đang phát triển giữa Washington, các đối tác châu Âu và các đối tác Đông Á, được hiện thực hóa thành nhiều lần hợp tác trong nhiều năm qua. Trên thực tế, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tăng cường vai trò là nhà cung cấp viện trợ quan trọng cho Ukraine chống lại Nga. Seoul được biết là đã gián tiếp cung cấp nhiều đạn pháo 155mm cho Ukraine hơn tất cả các nước châu Âu cộng lại. Còn Tokyo là một trong những nhà viện trợ phi quân sự lớn nhất cho đến nay. Mặc dù cho đến nay vẫn tránh cung cấp vũ khí trực tiếp cho Ukraine, cả hai nước đều đã đóng góp vào việc tái cung cấp hàng hóa quốc phòng của Mỹ và châu Âu, cho phép Mỹ và các nước NATO linh hoạt hơn trong việc cung cấp kho dự trữ cho Ukraine.
Ở Châu Á – Thái Bình Dương, các quốc gia NATO, bao gồm Vương quốc Anh, Ý, Đức, Pháp và Tây Ban Nha, đã hợp tác với Nhật Bản và Mỹ để tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung nhằm phản đối các hoạt động quyết đoán của Trung Quốc xung quanh Eo biển Đài Loan, Biển Hoa Đông và Biển Đông. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik đã đưa ra một kịch bản đầy hy vọng trong đó “NATO sẽ hỗ trợ Hàn Quốc trong trường hợp bất trắc xảy ra trên bán đảo Triều Tiên”.
Phản ứng của giới chuyên gia
Ngay sau một loạt hoạt động hợp tác của NATO và IP4 được công bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiến cho biết Trung Quốc phản đối gay gắt việc NATO mở rộng hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cho rằng điều này gây tổn hại đến lợi ích của Bắc Kinh và phá vỡ hòa bình và ổn định trong khu vực. Phía Trung Quốc cho rằng sự mở rộng của NATO đang đẩy nhanh tiến trình của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới [6]. Các chuyên gia Trung Quốc cũng nhận định sẽ khó có bước đột phá về chiến lược “NATO châu Á – Thái Bình Dương” của Mỹ bởi sự khác nhau về hệ tư tưởng, giá trị và khu vực địa lý giữa Mỹ và các đồng minh thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hầu hết các quốc gia ở Châu Á – Thái Bình Dương trước đây đều là thuộc địa hoặc bán thuộc địa, trong khi nhiều quốc gia phương Tây là những quốc gia thực dân không thể thông cảm với các quốc gia trong khu vực và sẽ chỉ sử dụng tư duy thực dân cũ để kiểm soát khu vực [7].
Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về hậu quả của chiến lược kéo đồng minh của Mỹ có thể chỉ làm trầm trọng thêm vòng xoáy leo thang hiện tại với Nga, Trung Quốc và Triều Tiên và đưa các quốc gia này sát lại gần nhau hơn. Những diễn biến như vậy có thể dẫn đến leo thang hơn nữa các điểm nóng hiện tại và tạo ra các điểm nóng mới [1]. Tuy nhiên khi đặt trong bối cảnh chính trị phức tạp như hiện nay, đây là nhu cầu ngày càng cấp thiết. Bởi lẽ một NATO, một Liên minh châu Âu độc lập và tự chủ hơn về an ninh cũng như mở rộng mối quan hệ hợp tác là mong muốn của nhiều lãnh đạo thành viên NATO. Trong bối cảnh nước Mỹ chuẩn bị có sự thay đổi về quyền lực chính trị, việc mở rộng thành viên và đa dạng hóa lựa chọn hợp tác sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho bản thân NATO và các đối tác [8].
Giới chuyên gia cho rằng Mỹ cùng các đồng minh châu Âu và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương phải hợp tác chặt chẽ, và NATO cần có hành động thể hiện cam kết tham gia nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Động thái lần này của NATO và các quốc gia IP4 tại hội nghị đại diện cho bước tiến quan trọng trong mối quan hệ giữa NATO và các đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, “từ cấp độ chính trị, tuyên bố đến cấp độ cụ thể hơn” [2].
Chuyên gia kiến nghị, liên minh xuyên Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nên được cấu trúc xung quanh một trụ cột rõ ràng là sức mạnh quân sự của Mỹ, khiến liên minh trở nên đoàn kết hơn và mang lại lợi thế chiến lược so với các quan hệ đối tác đan xen giữa Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên. Tuy nhiên, để tận dụng lợi thế này, NATO và các đối tác IP4 phải suy nghĩ lớn, vượt qua các tuyên bố chỉ mang tính chất biểu tượng về việc giải quyết các thách thức xuyên quốc gia, và xây dựng mối quan hệ đối tác dựa trên nhu cầu ngăn chặn sự thay đổi quyền lực lớn. Dù tập trung vào các khu vực riêng của mình, NATO và các đối tác IP4 cần cân nhắc về việc phát triển một hệ sinh thái răn đe xuyên khu vực với các khái niệm, học thuyết, khả năng, công nghệ và tiêu chuẩn chung, nhằm đạt được quy mô cần thiết để vượt trội so với đối thủ, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh tiêu hao và kéo dài. Mỹ và các đồng minh xuyên Đại Tây Dương của mình nên phối hợp để kiểm soát các đỉnh cao chỉ huy của công nghệ thế kỷ 21, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, giới quân sự phương Tây cho rằng Mỹ và đồng minh cần chuẩn bị kịch bản cho một cuộc chiến lớn giữa Mỹ và Trung Quốc [9].
Mặt khác, có chuyên gia cũng cho rằng thay vì kéo đồng minh, Washington và các đồng minh của mình ở cả hai khu vực nên ưu tiên giải quyết và quản lý xung đột ở châu Âu và Đông Á mà không cần liên kết hai bên một cách không cần thiết. Việc thúc đẩy hợp tác hiện tại giữa NATO và các đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nên hướng đến tạo ra sự đoàn kết ngoại giao lớn hơn trước các vấn đề của nhau và nâng cao nhận thức tình huống toàn cầu và xuyên khu vực. Đây là việc NATO hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chứ không phải là hiện diện trực tiếp trong khu vực. Thực tế, dường như chỉ có Trung Quốc lo ngại về việc NATO hiện diện trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nước này đang tiếp thu và khuếch đại các tham chiếu của Nga về khuynh hướng mở rộng của NATO là nguồn gốc gây bất ổn ở châu Âu, và áp dụng tư duy đó vào các cấp độ toàn cầu và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các nước châu Âu, Mỹ và các quốc gia khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dường như không quan tâm đến việc NATO hiện diện trực tiếp trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương./.
Tác giả: Khánh Ly
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
1. The Folly of Interlinking NATO and US Asian Alliances. (n.d.). Thediplomat.com. Retrieved July 15, 2024, from https://thediplomat.com/2024/07/the-folly-of-interlinking-nato-and-u-s-asian-alliances/
2. KEN MORIYASU. (2024, July 9). NATO to expand defense industrial cooperation to Indo-Pacific. Nikkei Asia. https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/Indo-Pacific/NATO-to-expand-defense-industrial-cooperation-to-Indo-Pacific
3. Michael Gabriel Hernandez . (2024, July 12). NATO chief says alliance, Indo-Pacific partners “must work ever more closely together.” Www.aa.com.tr. https://www.aa.com.tr/en/asia-pacific/nato-chief-says-alliance-indo-pacific-partners-must-work-ever-more-closely-together/3272689
4. By David Brunnstrom and Michael Martina. (2024, July 10). Why Indo-Pacific countries are joining the NATO summit. Reuters. https://www.reuters.com/world/why-indo-pacific-countries-are-joining-nato-summit-2024-07-10/
5. MATTHEW LEE. (2024, July 12). The NATO summit was about Ukraine and Biden. Here are some key things to know. AP News. https://apnews.com/article/nato-summit-ukraine-biden-china-d9f2b83dc0956d75f6f75efe85cbefb4
6. Regional countries urged not to spearhead NATO’s extension into Asia-Pacific: spokesperson-Xinhua. (2024, July 11). English.news.cn. https://english.news.cn/20240712/20e03afd9ae14bbda5f41d24c2372c8a/c.html
7. Times, G. (n.d.). NATO extending tentacles into Asia-Pacific will only end in failure – Global Times. Www.globaltimes.cn. Retrieved July 15, 2024, from https://www.globaltimes.cn/page/202407/1315705.shtml
8. Hồng Nhung. (2024, July 11). Thượng đỉnh NATO nhấn mạnh tình đoàn kết và mở rộng hợp tác. VOV.VN. https://vov.vn/the-gioi/thuong-dinh-nato-nhan-manh-tinh-doan-ket-va-mo-rong-hop-tac-post1107262.vov
9. LUIS SIMÓN. (2024, July 1). NATO Should Think Big About the Indo-Pacific. War on the Rocks. https://warontherocks.com/2024/07/nato-should-think-big-about-the-indo-pacific/