Giới thiệu
Sri Lanka đang chìm trong một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Trong nhiều tháng, nước này đã quay cuồng trong một cuộc khủng hoảng ngoại hối nghiêm trọng. Đầu tháng 5/2022, Ngoại trưởng Sri Lanka Ali Sabry cho biết dự trữ ngoại hối khả dụng của họ chỉ còn 50 triệu USD. Do đó, Sri Lanka buộc phải trì hoãn việc thanh toán khoản nợ 51 tỷ USD cho Trung Quốc, Nhật Bản và các nước khác. Sri Lanka cũng không thể thanh toán các hợp đồng nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu từ nước ngoài và do đó rơi vào giai đoạn thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men trầm trọng. Khủng hoảng kinh tế đã dẫn đến khủng hoảng chính trị. Sự giận dữ của dân chúng đã biến thành các cuộc biểu tình trên đường phố. Những người biểu tình đã kêu gọi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và anh trai ông, Thủ tướng Mahinda Rajapaksa, từ chức. Gia tộc Rajapaksa đã chi phối chính trường Sri Lanka trong nhiều thập kỷ và một số thành viên của gia tộc này đang nắm giữ các vị trí quyền lực như bộ trưởng, thành viên Quốc hội hay nhà lãnh đạo các tập đoàn. Người dân Sri Lanka muốn toàn bộ gia tộc Rajapaksa rời bỏ quyền lực. Trong những tháng gần đây, một vài người trong số họ, bao gồm cả Mahinda, đã từ chức dưới áp lực của dư luận. Mặc dù Gotabaya vẫn đứng đầu hệ thống hành pháp của Sri Lanka, nhưng ảnh hưởng của gia tộc Rajapaksa rõ ràng đã suy giảm.
Tác động của các cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Sri Lanka đã vượt ra ngoài phạm vi hòn đảo này. Trung Quốc là một trong những bên cho vay nhiều nhất và đóng vai trò lớn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng của nước này. Sri Lanka nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc cam kết BRI sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của Sri Lanka bằng cách biến nước này thành trung tâm của Ấn Độ Dương, nhưng nhiều người cho rằng các khoản vay từ Trung Quốc đã đẩy họ vào “bẫy nợ”. Các cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng như thế nào đến hình ảnh của Trung Quốc ở Sri Lanka và sự suy tàn của gia tộc Rajapaksa, vốn được nhiều người cho là thân Trung Quốc, sẽ tác động như thế nào đến quan hệ Trung Quốc-Sri Lanka? Cuối cùng, liệu các cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka có ảnh hưởng đến số phận của BRI hay không?
Quan hệ Trung Quốc-Sri Lanka
Quan hệ giữa Trung Quốc và Sri Lanka, vốn có truyền thống gần gũi nhau, đã ấm lên nhiều kể từ năm 2005, khi Mahinda bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình. Trung Quốc là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất các cuộc tấn công quân sự của Chính quyền Mahinda nhằm vào tổ chức Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE) và cung cấp vũ khí cho chính quyền này. Sau thất bại của LTTE hồi tháng 5/2009, chế độ Rajapaksa phải chịu áp lực của phương Tây vì bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh chống lại người Tamil trong giai đoạn cuối của cuộc nội chiến. Mặc dù những cáo buộc vi phạm nhân quyền ngày càng lan rộng, nhưng Trung Quốc nhìn chung đã che chắn cho Sri Lanka trước sức ép của cộng đồng quốc tế.
Trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Mahinda (2010-2015), Trung Quốc đã mở rộng đáng kể vai trò của họ ở Sri Lanka. Trung Quốc đã mở rộng các khoản vay khổng lồ ở Colombo cho các dự án cơ sở hạ tầng bao gồm cảng, sân bay, cầu, đường cao tốc và xây dựng một thành phố trên đất khai hoang. Các nhà phân tích cảnh báo rằng các dự án không được hoạch định một cách cẩn thận, tiêu tốn nhiều tiền của và gây tổn hại cho môi trường gần như không mang lại lợi ích gì cho Sri Lanka. Ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc ở Sri Lanka cũng tăng lên. Ví dụ, trong năm 2014, tàu ngầm Trung Quốc đã cập cảng Colombo hai lần, bất chấp sự phản đối của Ấn Độ.
Tháng 1/2015, Mahinda đã thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống và đảng Mặt trận Nhân dân Sri Lanka (SLPP) của ông cũng thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội vài tháng sau đó. Sự kết thúc của chế độ Rajapaksa, giai đoạn mà quan hệ Trung Quốc-Sri Lanka có những bước phát triển đáng kể, được dự đoán sẽ khiến sự hiện diện của Trung Quốc ở Sri Lanka giảm sút và quan hệ của nước này với các cường quốc khác trở nên cân bằng hơn. Cuối cùng, Tổng thống Maithripala Sirisena khi đó đã cam kết duy trì quan hệ bình đẳng với Ấn Độ và Trung Quốc. Bên cạnh đó, tân Thủ tướng Ranil Wickremesinghe được cho là người gần gũi với phương Tây và Ấn Độ. Chính quyền của ông đã thúc đẩy việc thông qua các thỏa thuận an ninh với Mỹ.
Tuy nhiên, vai trò và sự kiểm soát chiến lược của Trung Quốc đối với nền kinh tế Sri Lanka không hề suy giảm trong giai đoạn 2015-2019, khi gia tộc Rajapaksa thuộc phe chính trị đối lập. Sri Lanka tiếp tục vay mượn Trung Quốc trong thời gian đó. Khi khả năng trả nợ của Sri Lanka giảm, Trung Quốc đã thắt chặt sự kiểm soát đối với hòn đảo này. Chính quyền Wickremesinghe đã hy vọng có thể đàm phán lại với Trung Quốc về các điều khoản trả nợ liên quan đến cảng Hambantota, nhưng các cuộc đàm phán đã lên đến cao trào khi Sri Lanka để Trung Quốc mua 70% cổ phần kiểm soát và bàn giao cảng chiến lược này cho Trung Quốc theo hợp đồng thuê có thời hạn 99 năm cùng với việc cung cấp 15.000 mẫu đất cho một khu đầu tư như một hình thức thanh toán các khoản nợ chưa trả.
Sự trở lại của gia tộc Rajapaksa
Tháng 11/2019, Gotabaya, người từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong nhiệm kỳ tổng thống của Mahinda, đã đắc cử tổng thống trong khi Mahinda trở lại làm thủ tướng. Việc gia tộc Rajapaksa thân Trung Quốc trở lại nắm quyền đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở New Delhi. Mối quan ngại này không phải là không có cơ sở khi New Delhi chịu thua thiệt trước Bắc Kinh trong cuộc cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc xung quanh các dự án cơ sở hạ tầng ở hòn đảo này. Có thể lấy dự án Cảng container phía Đông (ECT) tại cảng Colombo làm ví dụ. Năm 2019, Ấn Độ, Nhật Bản và Sri Lanka đã ký Biên bản ghi nhớ về việc cùng phát triển dự án này. Viện dẫn sự phản đối của các công đoàn tại cảng về việc Ấn Độ và Nhật Bản nắm giữ 49% cổ phần trong dự án ECT, Chính quyền Gotabaya đã hủy bỏ thỏa thuận vào tháng 2/2021 và giao dự án này cho Công ty Kỹ thuật cảng Trung Quốc vào tháng 11/2021. Ấn Độ đã được đền bù bằng một thỏa thuận phát triển và vận hành Cảng container phía Tây (WCT) cùng với 51% cổ phần trong dự án.
Trong khi vai trò của Trung Quốc trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở Sri Lanka tiếp tục gia tăng dưới thời Tổng thống Gotabaya, thì sự hiện diện kinh tế và chiến lược của Ấn Độ cũng đã được mở rộng trong những năm gần đây. Tháng 1/2022, Ấn Độ đã ký thỏa thuận với Sri Lanka về việc tân trang và sử dụng Trang trại bể chứa dầu Trincomalee, tiếp giáp cảng chiến lược Trincomalee. Với thỏa thuận này, Ấn Độ đã giành quyền ưu tiên trước một số cường quốc đang tìm cách tăng cường sự hiện diện của họ ở khu vực này. Sự hiện diện của Ấn Độ ở đây được dự báo sẽ tạo đối trọng với sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Sri Lanka. Do đó, không giống như trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Mahinda, khi Ấn Độ nhanh chóng để tuột mất vị thế kinh tế và chiến lược vào tay Trung Quốc, việc gia tộc Rajapaksa trở lại nắm quyền vào năm 2019 đã vấp phải sự phản kháng của Ấn Đột trên mặt ngoại giao, dẫn đến việc New Delhi khôi phục phần nào vị thế trên hòn đảo này. Do đó, trong khi Chính quyền Mahinda, nhất là trong nhiệm kỳ thứ hai, nhiệt tình đi theo Trung Quốc, thì Chính quyền Gotabaya sau năm 2019 lại tìm kiếm một mối quan hệ cân bằng hơn. Cách tiếp cận thận trọng của chính quyền gia tộc Rajapaksa có lẽ bắt nguồn từ vai trò của các cơ quan tình báo của Ấn Độ trong việc hàn gắn một liên minh từng đánh bại Mahinda vào năm 2015.
Trung Quốc và cuộc khủng hoảng kinh tế của Sri Lanka
Không giống như Ấn Độ, Trung Quốc chưa phải đối mặt với tư tưởng chống đối và các cuộc biểu tình ở Sri Lanka, nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây đã khiến mọi thứ thay đổi. Bắc Kinh bị nhiều người cho là nguyên nhân khiến Sri Lanka rơi vào “bẫy nợ”. Một quan chức chính phủ Sri Lanka cho biết: “Hành vi tham nhũng, sự gần gũi của gia tộc Rajapaksa với Trung Quốc và việc gia tộc này vay mượn nhiều khoản tiền lớn từ Trung Quốc để tài trợ cho các dự án mà gần như không mang lại lợi lộc cho Sri Lanka đang bị cho là nguyên nhân khiến nền kinh tế Sri Lanka sụp đổ và gây ra tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu”.
Dưới thời gia tộc Rajapaksa, Sri Lanka đã vay mượn nhiều tiền để tài trợ cho các dự án phù phiếm xa hoa nhằm mục đích nâng cao hình ảnh của gia tộc Rajapaksa trong mắt những người ủng hộ hơn là củng cố nền kinh tế quốc gia nói chung hay đáp ứng nhu cầu của dân thường ở Sri Lanka. Các dự án như cảng Hambantota và sân bay Matalla gần như không thu hút sự chú ý của giới doanh nghiệp và không mang lại lợi ích cụ thể nào cho Sri Lanka. Ngay từ đầu, cảng Hambantota đã phải chịu thua lỗ.
Các nhà phân tích nhấn mạnh rằng nợ Trung Quốc chỉ chiếm 10% tổng số nợ nước ngoài của Sri Lanka, tương đương số tiền nợ Nhật Bản và ít hơn nhiều so với khoản nợ trái phiếu quốc tế và nợ Ngân hàng Phát triển châu Á. Tuy nhiên, các khoản vay Trung Quốc đáng chú ý bởi chúng đi kèm với các điều khoản bất lợi. Ví dụ, các khoản vay Trung Quốc có lãi suất trung bình là 3,3% – cao hơn nhiều so với mức 0,7% của các khoản vay Nhật Bản. Thời gian đáo hạn đối với các khoản vay Ấn Độ và Nhật Bản lần lượt là 24 năm và 34 năm, dài hơn so với thời hạn 18 năm đối với các khoản vay Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc cho rằng các thông lệ tài chính của Trung Quốc gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế ở Sri Lanka là quan điểm sai lầm. Nhà phân tích an ninh Nilanthi Samaranayake lập luận: “Việc Sri Lanka rơi vào khủng hoảng kinh tế và không thích ứng được với các phương pháp quản lý nợ diễn ra trước khi Trung Quốc trỗi dậy và phản ánh một vài trong số những thách thức liên quan đến những nước sắp sửa trở thành các quốc gia có thu nhập trung bình. Đáng chú ý là hầu hết các khoản vay nước ngoài của Sri Lanka đều được thực hiện dưới hình thức trái phiếu quốc tế có chủ quyền và các khoản vay từ các ngân hàng phát triển đa phương. Các khoản vay này chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với các khoản vay Trung Quốc”.
Mặc dù gia tộc Rajapaksa quả thực đã đẩy Sri Lanka vào “bẫy nợ”, nhưng gốc rễ của cuộc khủng hoảng kinh tế ở nước này lại là các chính sách mà chính phủ các nhiệm kỳ kế tiếp nhau đã theo đuổi trong nhiều thập kỷ. Hơn nữa, một nền kinh tế định hướng nhập khẩu, phụ thuộc vào du lịch và có năng lực sản xuất kém chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong trường hợp xảy ra khủng hoảng như đại dịch COVID-19 bùng phát gần đây.
Tương lai quan hệ của Sri Lanka với Trung Quốc
Hình ảnh và uy tín của Trung Quốc ở Sri Lanka đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong những tháng gần đây. Trong bối cảnh biểu tình xuất hiện ở nhiều nơi, giá cổ phiếu của Trung Quốc tại Sri Lanka đã rơi xuống mức thấp chưa từng thấy. Một quan chức Sri Lanka cho biết: “Không ai chú ý đến việc Trung Quốc tỏ ra kém hào phóng hơn Ấn Độ”. Ông nói rằng tình hình chính trị ở hòn đảo này đang xấu đi dẫn đến việc Gotabaya từ chức, như vậy Trung Quốc sẽ mất đi “thần hộ mệnh” của họ – gia tộc Rajapaksa nhiều quyền lực.
Cho dù triển vọng ảm đạm, nhưng cuộc khủng hoảng hiện tại không phải là điểm kết thúc cho ảnh hưởng của Trung Quốc ở Sri Lanka vì một số lý do. Thứ nhất, gia tộc Rajapaksa có thể thất bại nhưng không bị đánh bại. Gia tộc này đã vươn lên từ những thất bại chính trị trong quá khứ và không loại trừ khả năng họ sẽ lại trỗi dậy một lần nữa. Thứ hai, Sri Lanka đã chuyển hướng sang Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để tìm kiếm các khoản vay kèm theo các điều kiện, vốn sẽ không được lòng dân chúng. Tâm lý chống IMF/phương Tây và các cuộc biểu tình quần chúng có khả năng xuất hiện sau đó có thể giúp xoa dịu tâm trạng giận dữ đối với Trung Quốc. Thứ ba, Sri Lanka chuyển sang tìm kiếm các khoản vay từ Trung Quốc vì các nước và tổ chức tín dụng khác hoặc thiếu nguồn lực, hoặc không sẵn sàng cho vay vô điều kiện. Samaranayake lưu ý: “Bất kỳ ai trong ban lãnh đạo chính trị trong nước [tức là dù gia tộc Rajapaksa có nắm quyền hay không] và bất kỳ nhà lãnh đạo Sri Lanka nào cũng cần phải làm việc với Trung Quốc như một đối tác phát triển quan trọng”.
Những bài học từ cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka
Sri Lanka là tấm gương cho những nước cũng tham gia BRI. Nguồn tài chính dồi dào cùng với việc Trung Quốc sẵn sàng sẵn sàng tài trợ cho việc phát triển cơ sở hạ tầng đã thu hút một số nước châu Á và châu Phi tham gia BRI. Tất nhiên, các nước này đã quan sát các diễn biến ở Sri Lanka trong những năm gần đây, bao gồm cả việc nước này bàn giao cảng Hambantota cho Trung Quốc, và đã rút ra bài học từ đó. Samaranayake nhận xét: “Bangladesh đã cẩn trọng duy trì dự trữ ngoại hối lành mạnh, trong khi Nepal đã thảo luận về cách tiếp cận ưa thích của họ là dựa vào trợ cấp và tránh các khoản vay thương mại vì quốc gia này đã từng bước chuyển từ nước thu nhập thấp sang nước thu nhập trung bình thấp”. Những nước này sẽ theo dõi cuộc khủng hoảng hiện tại để tìm hiểu vai trò của các khoản vay Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka. Nếu Sri Lanka, một nước có các chỉ số kinh tế-xã hội tương đối tốt, sụp đổ, thì số phận của các nước kém phát triển hơn tham gia BRI như Myanmar hay Ethiopia sẽ ra sao? Các nước châu Á và châu Phi sẽ theo dõi phản ứng của Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka.
Tháng 1/2022, Chính quyền Gotabaya đã kêu gọi Trung Quốc tái cơ cấu các khoản cho vay. Việc Bắc Kinh không sẵn sàng làm vậy – bởi đại dịch COVID-19 khiến kinh tế trong nước khó khăn và do tâm lý không muốn sa lầy vào tình hình chính trị rối ren ở Sri Lanka – hẳn sẽ không nằm ngoài sự chú ý của các bên đi vay khác trong BRI. Chắc chắn cuộc khủng hoảng kinh tế ở Sri Lanka sẽ khiến các nước cũng tham gia BRI thận trọng hơn trong việc vay mượn. Tuy nhiên, do cần có các nguồn tài chính, nên họ có thể vẫn tiếp tục can dự với Trung Quốc.
Kết luận
Các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị ở Sri Lanka là một thất bại đối với Trung Quốc. Chúng làm hoen ố hình ảnh của Trung Quốc với tư cách là một bên cho vay trong mắt người dân Sri Lanka, cũng như chính phủ và người dân các nước đang phát triển khác, đặc biệt là những nước tham gia BRI. Tuy nhiên, do Trung Quốc là quốc gia duy nhất có nguồn tài chính dồi dào để hỗ trợ những nước này phát triển cơ sở hạ tầng, nên họ vẫn phải phụ thuộc vào Bắc Kinh. Cách Sri Lanka quản lý các khoản vay từ IMF và đối phó với các cuộc khủng hoảng trong nước cũng sẽ tác động đến tương lai quan hệ của họ với Trung Quốc./.