Cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine tháng 02/2022 cùng các mối đe dọa hạt nhân có liên quan đã thúc đẩy một làn sóng quân sự hóa mới ở châu Âu. Ngoài việc thúc đẩy quá trình kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào NATO, nhận thức về một nước Nga ngày càng khó đoán và theo chủ nghĩa phục thù đã khiến liên minh này phải tăng cường khả năng răn đe của mình. Những nỗ lực này chủ yếu tập trung vào các lực lượng thông thường, nhưng hiện tại cũng đang đưa ra thảo luận về việc tăng cường khả năng răn đe hạt nhân.
Những lời kêu gọi nhiều nhất đến từ Ba Lan, nơi các nhà lãnh đạo nói rằng đất nước của họ muốn có vũ khí hạt nhân của Mỹ. Cụ thể hơn, Ba Lan muốn tham gia các thỏa thuận “chia sẻ hạt nhân” của NATO. Từ đó gia nhập cùng với Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước sở hữu bom hạt nhân phi chiến lược B-61 của Mỹ và sử dụng máy lưỡng dụng (DCA) có thể mang những quả bom này. Trong khi Ba Lan quan tâm đến việc chia sẻ hạt nhân từ trước tháng 02/2022, và càng được xem xét nghiêm túc hơn kể từ khi xảy ra cuộc xung đột cộng thêm việc Nga thông báo vào tháng 03/2023 rằng họ sẽ tham gia chia sẻ hạt nhân với Belarus, nơi họ tuyên bố đã triển khai vũ khí hạt nhân. Các đề xuất khác đang được thảo luận bao gồm phát triển và triển khai các loại vũ khí hạt nhân mới, phân tán vũ khí hạt nhân phi chiến lược của Mỹ đến nhiều địa điểm hơn trong cuộc “khủng hoảng” nhằm tăng cường khả năng tồn tại của vũ khí hạt nhân phi chiến lược ở châu Âu sau các cuộc phản công.
Nhiều bài báo đã phản đối những đề xuất như vậy, cho rằng NATO không cần phải củng cố sức mạnh thông thường vốn đã vượt trội của mình bằng cách tăng cường sự phụ thuộc vào vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong khi cần có đủ lực lượng phòng thủ, đặc biệt là ở biên giới phía Đông của liên minh mà trên thực tế đã được củng cố nhờ sự mở rộng Bắc Âu của NATO – thì người châu Âu nên tránh mở rộng quá mức trong lĩnh vực hạt nhân để tránh leo thang, tạo động lực chạy đua vũ trang cũng như thúc đẩy các giải pháp lâu dài cho các thách thức an ninh của lục địa.
Cơ sở lý luận ban đầu đằng sau vũ khí hạt nhân phi chiến lược của Mỹ ở châu Âu
Vũ khí hạt nhân phi chiến lược lần đầu tiên được triển khai ở châu Âu vào những năm 1950, đảm bảo với các đồng minh về cam kết của Mỹ đối với quốc phòng của họ. Không giống với vũ khí chiến lược – nhằm vào các mục tiêu có giá trị cao nằm sâu trong lãnh thổ của đối phương – vũ khí phi chiến lược được thiết kế để sử dụng một cách chiến thuật trên chiến trường hoặc khu vực chiến tranh. Do đó chúng đôi khi còn được gọi là vũ khí hạt nhân “chiến thuật”. Phản ánh mối quan hệ Liên Xô/Nga-Mỹ, những vũ khí này thường được phân biệt với vũ khí chiến lược dựa trên tầm bắn ngắn hơn. Mặc dù định nghĩa này không áp dụng cho các quốc gia có vũ khí hạt nhân khác có vị trí địa lý nằm gần đối thủ của họ. Tuy ở địa phương, những loại vũ khí này có thể gây ra nỗi kinh hoàng tương tự hoặc tồi tệ hơn những gì đã xảy ra ở Hiroshima và Nagasaki năm 1945, nhưng trong Chiến tranh Lạnh, vũ khí hạt nhân phi chiến lược được coi là đã cung cấp các lựa chọn cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân “có kiểm soát” để không dẫn đến ngày tận thế, một thảm họa hạt nhân toàn cầu liên quan đến lực lượng chiến lược của cả hai bên.
Các chiến lược gia của NATO tin rằng bằng cách hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân theo cách này, vũ khí hạt nhân phi chiến lược sẽ làm cho mối đe dọa răn đe của NATO đáng tin cậy hơn và do đó có thể hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn Liên Xô. Trong khi đó, logic cơ bản của việc kiểm soát leo thang giả định rằng nếu NATO sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược, hoặc ngăn cản Liên Xô phản ứng theo cách tương tự, hoặc dẫn đến cuộc chiến tranh hạt nhân thì có thể hạn chế được hoặc thậm chí giành chiến thắng. Nó phản ánh sự thay đổi cán cân quyền lực ở châu Âu sau Chiến tranh Lạnh. Những dấu hiệu logic tương tự bắt đầu xuất hiện trong các học thuyết và tranh luận quân sự của Nga vào đầu những năm 2000.
Tuy nhiên, logic kiểm soát leo thang này dựa trên nền tảng không vững chắc. Các giả định rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân lần đầu tiên không nhất thiết kích hoạt phản ứng hạt nhân và rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân thực sự vẫn có thể ở mức hạn chế luôn là vấn đề đáng nghi ngờ. Hơn nữa, như các nghiên cứu gần đây đã nhấn mạnh, tác động nhân đạo và môi trường của vũ khí hạt nhân không thể bị giới hạn bởi biên giới quốc gia. Thậm chí một cuộc trao đổi hạt nhân trong khu vực cũng có thể gây ra những tác động tàn khốc trên toàn cầu bằng cách tạo ra một mùa đông hạt nhân.
Vũ khí hạt nhân phi chiến lược là công cụ đảm bảo
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cán cân quyền lực thông thường chuyển sang có lợi cho NATO, vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Âu gần như mất đi tầm quan trọng về mặt quân sự. Theo Sáng kiến Hạt nhân của Tổng thống năm 1991 và thông qua quyết định của Nhóm Kế hoạch Hạt nhân NATO cùng năm đó, số lượng vũ khí hạt nhân phi chiến lược mà Mỹ triển khai trên lục địa này đã giảm từ hàng nghìn xuống còn hàng trăm. Chỉ còn lại bom B-61 có thể phóng từ trên không, trong khi các loại vũ khí phi chiến lược khác đã bị Mỹ tháo dỡ và phá hủy. Hai nước chủ nhà cũ của loại vũ khí này là Hy Lạp và Anh cuối cùng đã chấm dứt tham gia việc chia sẻ hạt nhân. Các quan chức cấp cao của giới lãnh đạo Đức cũng đề xuất làm điều tương tự. Tuy nhiên, số lượng bom B-61 – hiện ước tính khoảng 100 quả – vẫn còn ở châu Âu, chủ yếu là do giá trị biểu tượng của việc chia sẻ hạt nhân trong việc thể hiện mối liên kết xuyên Đại Tây Dương. Đặc biệt hơn nữa là sau “Khái niệm chiến lược NATO” năm 2010, các tuyên bố của đồng minh đã liên kết việc cắt giảm thêm những hạng mục này với nhu cầu về các biện pháp tương hỗ của Nga, quốc gia có kho vũ khí phi chiến lược lớn hơn nhiều so với Mỹ.
Tầm quan trọng mang tính biểu tượng của việc chia sẻ hạt nhân đã được gia tăng hơn nữa bởi việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và cuộc tấn công quân sự toàn diện vào Ukraine vào năm 2022. Trong bối cảnh châu Âu ngày càng bất an, việc hiện đại hóa bom B-61 và các phương tiện vận chuyển chúng bao gồm cả máy bay F-35 hiện đại đã trở nên cấp bách hơn. Trong khi cuộc tập trận thường niên ít được chú ý trước đây nhằm mô phỏng việc sử dụng các loại vũ khí này đã nhận được nhiều sự chú ý hơn. Mặc dù tình hình hiện tại đã làm tăng vai trò của vũ khí hạt nhân phi chiến lược như một phương tiện trấn an các đồng minh châu Âu của Mỹ, nhưng nó hầu như không tạo ra được lý do quân sự mới nào cho những vũ khí này.
Răn đe có tác dụng nhưng không nhờ bom B-61
Cuộc chiến ở Ukraine đã gây cú sốc sâu sắc cho người châu Âu nhưng không có nghĩa là khả năng răn đe của NATO đã thất bại. Việc Nga tấn công Ukraine dường như được thúc đẩy bởi nỗi lo “mất” Ukraine vào tay NATO. Nhận thức về mối đe dọa của Nga bị chi phối bởi viễn cảnh NATO tiếp tục mở rộng vào phạm vi ảnh hưởng của họ và được thể hiện rõ khi giới lãnh đạo nước này biện minh lý do cho cuộc chiến.
Nguồn sức mạnh răn đe quan trọng nhất của NATO là kết hợp giữa đoàn kết chính trị và các lực lượng thông thường tiên tiến mà các đồng minh có thể huy động để phòng thủ tập thể trong một cuộc khủng hoảng. NATO vốn đã vượt trội so với Nga về lực lượng thông thường trước năm 2022, nhưng sức mạnh tương đối của họ sau đó đã tăng lên cùng với sự chuyển hướng sang “phòng thủ biên giới” với làn sóng mở rộng Bắc Âu gần đây. Những diễn biến này củng cố khả năng răn đe, đặc biệt là ở vùng Baltic, nơi được coi là địa điểm có khả năng xảy ra sự cố tiềm tàng. Theo đó, Nga sẽ sử dụng lợi thế quân sự địa phương của mình để nhanh chóng kiểm soát lãnh thổ trước khi đồng minh có thể huy động lực lượng. Hơn nữa, cuộc chiến ở Ukraine không chỉ tiêu tốn nguồn lực thông thường khổng lồ của Nga mà còn cho thấy vũ khí tấn công chính xác của Nga không tiên tiến như như dự tính trước đó.
Ngoài ra, Nga còn bị cản trở bởi kho vũ khí khổng lồ của các lực lượng hạt nhân chiến lược của Mỹ như tàu ngầm trang bị hạt nhân, máy bay ném bom chiến lược tầm xa và tên lửa xuyên lục địa…khiến Nga luôn cảm thấy mối đe dọa hiện hữu. Dưới sự chỉ đạo của NATO, những vũ khí này tạo thành xương sống của hệ thống “răn đe hạt nhân mở rộng”. Các lực lượng chiến lược của Mỹ cũng bao gồm các lựa chọn hạn chế về tấn công hạt nhân chiến thuật phù hợp với logic kiểm soát leo thang. Ngoài máy bay ném bom chiến lược có thể mang bom B-61 mà không cần tham khảo ý kiến đồng minh, Mỹ còn triển khai đầu đạn W76-2 trên các tàu ngầm chiến lược của mình. Kể từ năm 2022, Mỹ đã tăng cường phát tín hiệu hạt nhân liên quan đến các lực lượng này, bao gồm cả việc tăng cường máy bay ném bom chiến lược bay và hạ cánh trên lãnh thổ các nước đồng minh, đôi khi rất gần biên giới Nga.
Vũ khí hạt nhân phi chiến lược của Mỹ theo thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của NATO không phải là một biện pháp răn đe đáng tin cậy so với các lực lượng thông thường của NATO và các lực lượng hạt nhân chiến lược của Mỹ. Mặc dù trong trường hợp NATO tiến hành tấn công hạt nhân vào Belarus hoặc Nga, việc thay thế DCA cũ bằng F-35 làm tăng khả năng xâm nhập vào hệ thống phòng không của đối thủ, nhưng quyết định làm như vậy không chỉ đòi hỏi sự cho phép của nguyên thủ quốc gia Mỹ và Anh, mà còn đòi hỏi sự đồng thuận giữa Nhóm Kế hoạch Hạt nhân của liên minh. Điều đó có nghĩa là 30 nền dân chủ châu Âu khó có thể đạt được thỏa thuận ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên hoặc đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân theo cách tương tự, dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân. Ngay cả khi các đồng minh có thể đưa ra quyết định như vậy, bất kỳ nỗ lực nào của NATO nhằm kiểm soát sự leo thang của tình hình đều bị ảnh hưởng bởi tính dễ bị tấn công của các căn cứ không quân đồng minh trước các cuộc tấn công đáp trả của lực lượng Nga. Moscow có hàng nghìn vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng để tiêu diệt những căn cứ này, ngay cả khi NATO tấn công thành công vào lãnh thổ Nga.
Do đó, việc mở rộng mô hình chia sẻ hạt nhân hiện tại bao gồm các quốc gia mới không có nhiều ý nghĩa như một biện pháp tăng cường răn đe. Ngoài việc làm gia tăng căng thẳng, một căn cứ vũ khí hạt nhân mới ở Ba Lan sẽ bổ sung thêm một địa điểm nữa vào danh sách mục tiêu của đối thủ trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân. Vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Ba Lan trong chừng mực nào đó sẽ góp phần ngăn chặn. Điều này không liên quan nhiều đến bản thân vũ khí mà đến từ việc Mỹ triển khai các lực lượng trên mặt đất đi kèm với bom B-61.
Giải quyết vấn đề tồn tại bằng việc phân tán
Phản ánh sự thừa nhận một phần về vấn đề độ tin cậy được mô tả ở trên, các cuộc thảo luận đang diễn ra đằng sau cánh cửa đóng kín của NATO về các cách tăng khả năng sống sót của các lực lượng hạt nhân phi chiến lược. Cuộc tranh luận dường như tập trung vào chiến lược “phân tán”. Theo đó các lực lượng hạt nhân phi chiến lược của Mỹ sẽ được dàn trải phân tán ở nhiều địa điểm của châu Âu trong các cuộc khủng hoảng. Từ đó làm phức tạp thêm mục tiêu nhắm bắn của lực lượng đối kháng.
Ý tưởng này cũng được thảo luận trong một báo cáo của IISS vào tháng 9/2023. Một giải pháp thay thế khả thi hơn cho việc triển khai vũ khí hạt nhân ở Ba Lan trong thời bình. Họ đề xuất rằng NATO có thể “chỉ định một số sân bay của Ba Lan làm căn cứ tác chiến phân tán tiềm năng” để cung cấp “các tùy chọn bổ sung để phân tán máy bay có chức năng kép trong thời chiến và trong các tình huống cận chiến”. Nó cũng cho thấy rằng ngay cả khi Ba Lan không có bom B-61, máy bay F-35 của Ba Lan vẫn được chứng nhận để cung cấp các loại vũ khí này và các nước thành viên khác có thể thực hiện các biện pháp tương tự. Cho đến nay, chỉ những đồng minh của Mỹ có sở hữu vũ khí hạt nhân mới được phép vận hành DCA theo thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của NATO.
Đây là những dấu hiệu cho thấy một số yếu tố của chiến lược phân tán đã được thực hiện ở Anh. Nước này duy trì lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược quốc gia trên biển nhưng không sở hữu vũ khí hạt nhân phi chiến lược của riêng mình. Theo báo cáo của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, các tài liệu ngân sách của Không quân Mỹ cho thấy 15 năm sau khi Mỹ rút vũ khí hạt nhân phi chiến lược khỏi Anh, cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân tại căn cứ không quân RAF Lakenheath đang được nâng cấp. Các quan chức Mỹ phủ nhận kế hoạch tái triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ Anh. Báo cáo của FAS chỉ ra rằng căn cứ này “có thể nhận vũ khí hạt nhân trong tương lai hoặc trong một cuộc khủng hoảng mà không nhất thiết phải quyết định triển khai chúng vĩnh viễn”. Báo cáo cũng lưu ý các dự án xây dựng các căn cứ vũ khí hạt nhân ở các nước sở tại khác “được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển nhanh chóng của vũ khí trong và ngoài căn cứ nhằm tăng cường tính linh hoạt trong hoạt động”.
Tùy thuộc vào mức độ thực hiện, chiến lược phân tán thực sự sẽ làm phức tạp việc lựa chọn mục tiêu của đối thủ bằng cách tạo ra sự không chắc chắn về vị trí của lực lượng hạt nhân NATO. Tuy nhiên, trên thực tế, Nga có thể ngăn chặn sự không chắc chắn này bằng cách mở rộng danh sách các mục tiêu của châu Âu trong một cuộc chiến tranh hạt nhân giả định bao gồm các cơ sở vũ khí hạt nhân tiềm năng chứ không chỉ những cơ sở đã được biết đến. Điều đó khiến phần lớn hơn của lục địa châu Âu phải chịu tác động tàn phá của một vụ nổ hạt nhân. Hơn nữa, phổ biến vũ khí hạt nhân không loại bỏ nhân tố chính làm suy yếu mối đe dọa hạt nhân phi chiến lược của NATO. Rất khó để mong đợi một nhóm các nước lớn dân chủ châu Âu nhất trí quyết định biến lục địa của họ thành chiến trường chiến tranh hạt nhân.
Kêu gọi châu Âu sở hữu vũ khí hạt nhân mới
Trong những năm gần đây, một số nhà phân tích đã tranh luận việc đưa tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất vào châu Âu. Những vũ khí chiến lược này có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km, được coi là nằm giữa vũ khí chiến lược và vũ khí phi chiến lược đã bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987, mà Nga và Mỹ đã rút khỏi năm 2019. Những người ủng hộ lưu ý rằng hiệp ước này chỉ được thực hiện sau khi NATO triển khai tên lửa tầm trung trang bị vũ khí hạt nhân vào năm 1983 nhằm đáp trả việc Liên Xô triển khai SS-20 trước đó. Họ tin rằng một động thái tương tự ngày nay có thể đẩy Nga vào bàn kiểm soát vũ khí.
Tuy nhiên, sự so sánh lịch sử này rất khó đứng vững trước sự kiểm soát chặt chẽ. Hiệp ước về lực lượng hạt nhân tầm trung INF là kết quả của một số điều kiện may mắn phù hợp vào thời điểm đó. Những yếu tố này bao gồm tính cách của các nhà lãnh đạo Liên Xô và Mỹ, tham vọng chung của họ trong việc theo đuổi giải trừ hạt nhân, và quan điểm về sự đối xứng của lực lượng hạt nhân tầm trung. Từ đó tạo ra lợi ích chung trong việc loại bỏ vũ khí hạt nhân. Khả năng xảy ra ngày hôm nay là rất nhỏ. Ngược lại, việc triển khai tên lửa tầm trung ở châu Âu càng có khả năng dẫn đến phản ứng đáp trả của Nga. Điều này chỉ làm trầm trọng thêm động lực chạy đua vũ trang trong khu vực. Theo đề xuất của một số người, ngay cả khi được trang bị đầu đạn thông thường, tên lửa tầm trung cũng có rủi ro leo thang đặc biệt. Bởi vì chúng vừa có khả năng đi sâu vào lãnh thổ đối phương, lại rất khó phân biệt giữa đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường trong thời kỳ khủng hoảng.
Báo cáo tháng 10 của Ủy ban Quốc hội Mỹ về Tình hình Chiến lược đã đề xuất một đề nghị có lợi thế hơn về vũ khí hạt nhân loại mới của châu Âu. Đề nghị tăng thêm năng lực hạt nhân khu chiến trường để “có thể triển khai, có thể sống sót, có thể thay đổi tùy chọn tương đương”. Mặc dù các tác giả không nói rõ loại vũ khí mà họ nghĩ đến, nhưng các cuộc tranh luận gần đây của Mỹ cho thấy những vũ khí này có thể bao gồm tên lửa tầm trung trên đất liền và tên lửa hành trình phóng từ biển trang bị vũ khí hạt nhân (SLCM-N) .
Không giống như chiến lược phân tán, không liên quan đến những thay đổi trong việc triển khai vũ khí hạt nhân trong thời bình và do đó có thể không gây ra phản ứng lớn từ công chúng. Việc xây dựng lực lượng hạt nhân liên quan đến vũ khí hạt nhân mới sẽ khó phổ biến ở châu Âu. Điều này đặc biệt đúng nếu các tên lửa đất đối không mới được đưa vào lục địa này. Việc triển khai SLCM-N trên các tàu ngầm tấn công của Mỹ sẽ ít được chú ý hơn và do đó cũng ít gây tranh cãi hơn giữa các nước đồng minh. Tuy nhiên, nó sẽ đặt ra thách thức đối với mối quan hệ và hợp tác quân sự của Mỹ với các thành viên NATO (như Đan Mạch và Na Uy) không cho phép vận chuyển vũ khí hạt nhân qua lãnh thổ của họ hoặc các chuyến thăm của các tàu vũ trang hạt nhân tại cảng của họ. Như các nhà phân tích Mỹ đã chỉ ra, SLCM-N nếu được triển khai cũng sẽ gây ra các phản ứng từ các đối thủ của Mỹ, làm tăng nguy cơ leo thang và trầm trọng thêm động lực chạy đua vũ trang. Hơn nữa, do kho vũ khí chiến lược của Mỹ đã cung cấp các phương án sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật nên khó có thể thấy được giá trị răn đe bổ sung của việc triển khai vũ khí hạt nhân trên chiến trường mới được đề xuất.
Cần có tầm nhìn dài hạn về an ninh châu Âu
Bất chấp ưu thế quân sự của NATO so với Nga, cảm giác bất an vẫn tồn tại ở châu Âu, điều này có thể khiến các nhà phân tích và quan chức Chính phủ dễ tiếp thu các đề xuất tăng cường phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân. Ngoài các hành động của Nga ở Ukraine, điều này phần nào có thể được giải thích bởi bản chất của biện pháp răn đe thông thường. Mặc dù không còn nghi ngờ gì nữa rằng các mối đe dọa hạt nhân nếu được thực hiện sẽ dẫn đến thiệt hại không thể chấp nhận được cho đối phương. Nhưng tác động của việc sử dụng vũ lực thông thường khó dự đoán hơn. Đó là do khả năng tiến hành một cuộc chiến tranh thông thường không chỉ phụ thuộc vào khả năng quân sự mà còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như chiến lược, chiến thuật và tinh thần. Hơn nữa, thông tin về các lực lượng thông thường hiện có còn bị phân tán và không dễ dàng có được. Vì vậy nó làm phức tạp các đánh giá so sánh góp phần tạo ra xu hướng đánh giá thấp sức mạnh tương đối của NATO so với Nga.
Một yếu tố khác làm nổi bật sự bất an của châu Âu là lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, mối đe dọa hạt nhân của Nga đã bộc lộ điểm yếu của châu Âu trước vũ khí hạt nhân. Các tín hiệu chiến lược của Mỹ và kế hoạch tăng cường lực lượng hạt nhân phi chiến lược của NATO đã trấn an các đồng minh châu Âu của họ, nhưng cũng làm gia tăng ảo tưởng rằng điểm yếu của châu Âu đối với vũ khí hạt nhân của Nga có thể được giảm bớt bằng cách tăng cường đầu tư vào răn đe hạt nhân. Trên thực tế, như đã đề cập ở trên, chiến lược phân tán vũ khí hạt nhân trong một cuộc khủng hoảng sẽ chỉ làm cho một cuộc chiến tranh hạt nhân ở châu Âu trở nên tàn khốc hơn, và việc triển khai vũ khí hạt nhân mới có thể khiến cho cuộc chiến nhiều khả năng xảy ra hơn.
Thay vì tìm kiếm an ninh tuyệt đối một cách vô ích, người châu Âu nên nhận ra sức mạnh của các lực lượng thông thường hiện có của NATO. Điều này có thể làm xoa dịu những giả định tồi tệ nhất về hành động gây hấn của Nga chống lại NATO. Nhược điểm của sự mất cân bằng quyền lực phổ biến có lợi cho châu Âu là Nga có thể tiếp tục phụ thuộc nhiều hơn vào vũ khí hạt nhân trong khi xây dựng lại các lực lượng thông thường của mình. Tuy nhiên, không có giải pháp quân sự nào cho vấn đề này. Cuối cùng, nhận thức về mối đe dọa của cả hai bên cần được giải quyết bằng cách tạo ra một trật tự an ninh khu vực bền vững hơn, không chỉ đảm bảo chủ quyền của Ukraine và các quốc gia khác có thể trở thành nạn nhân bị xâm chiếm của Nga, mà còn làm giảm nhận thức về mối đe dọa phóng đại của Nga đối với NATO. Mặc dù điều này dường như không thể đạt được dưới sự lãnh đạo hiện tại của Nga, nhưng căng thẳng có thể được kiểm soát trong ngắn hạn bằng cách thúc đẩy ổn định biên giới Nga-NATO. Sự tự giới hạn lâu dài của Na Uy đối với các cuộc diễn tập quân sự của các đồng minh trên lãnh thổ phía Bắc của họ gần bán đảo Kola cung cấp một mô hình có thể được mở rộng cho các thành viên mới của NATO ở Bắc Âu. Đặc biệt là Phần Lan, nơi các chính sách được nới lỏng hơn đối với các chuyến bay qua vùng lãnh thổ của đồng minh có thể làm suy yếu các giới hạn của Na Uy.
Đối với những rủi ro hạt nhân ở châu Âu, cách duy nhất để thoát khỏi chúng là các đối thủ có vũ khí hạt nhân giảm căng thẳng lẫn nhau và cuối cùng là tham gia kiểm soát vũ khí và giải trừ vũ khí hạt nhân. Do đó, thúc đẩy kiểm soát vũ khí giữa Nga và Mỹ là chìa khóa cho an ninh châu Âu. Các đồng minh NATO ở châu Âu cũng nên thực hiện phần việc của mình bằng cách tìm cách giảm sự phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân để răn đe, bắt đầu từ vũ khí hạt nhân phi chiến lược. Các mối đe dọa dựa trên sự thiếu tin cậy và cơ sở quân sự thuyết phục. Điều đó có nghĩa là NATO có thể hướng tới chính sách không sử dụng trước và chấm dứt chia sẻ hạt nhân mà không có tác động thực sự đến khả năng răn đe. Mặc dù hiện tại không khả thi về mặt chính trị, nhưng những bước đi như vậy sẽ không chỉ thúc đẩy an ninh khu vực ở châu Âu mà còn giúp chống lại xu hướng toàn cầu nguy hiểm. Theo đó vũ khí hạt nhân được coi là liều thuốc chữa bách bệnh cho những tình thế an ninh khó xử phức tạp./.
Biên dịch: Nguyên Nguyễn
Tác giả: Tiến sĩ Tytti Erästö là Nhà nghiên cứu cấp cao tại Chương trình Vũ khí hủy diệt hàng loạt của SIPRI.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]