Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhóm tác giả: Taylor Fravel, Henrik Stålhane Hiim, Magnus Langset Trøan, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược.
Liên quan đến quá trình hiện đại hóa quân sự đang diễn ra của Trung Quốc, có lẽ không có vấn đề nào nghiêm trọng hơn chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Trong nhiều thập kỷ, chính phủ Trung Quốc đã bằng lòng với việc duy trì một lực lượng hạt nhân tương đối nhỏ. Thống kê gần nhất vào năm 2020 cho thấy, kho vũ khí của Trung Quốc ít thay đổi so với những thập kỷ trước, ước tính có khoảng 220 đầu đạn, bằng khoảng 5 đến 6% kho dự trữ đầu đạn đã được triển khai và dự trữ của Mỹ hoặc Nga.
Tuy nhiên, kể từ đó, Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng và hiện đại hóa kho vũ khí của mình. Năm 2020, nước này bắt đầu xây dựng ba hầm chứa để chứa hơn 300 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Một năm sau, họ đã thử nghiệm thành công một phương tiện lượn siêu thanh di chuyển được 21.600 dặm, đây một cuộc thử nghiệm có thể chứng tỏ khả năng của Trung Quốc trong việc triển khai các loại vũ khí có thể bay quanh trái đất trước khi tấn công các mục tiêu, các loại vũ khí này được gọi là “hệ thống bắn phá quỹ đạo từng phần”. Đồng thời, chính phủ Trung Quốc cũng đẩy nhanh việc theo đuổi “bộ ba hạt nhân hoàn chỉnh” – bao gồm vũ khí hạt nhân phóng từ mặt đất, trên biển và trên không, đồng thời phát triển các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và trên không mới. Đến năm 2030, theo ước tính của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc có thể sẽ có hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân có thể hoạt động được, tăng hơn 4 lần so với một thập kỷ trước đó.
Việc mở rộng hạt nhân của Trung Quốc dường như không phải là trọng tâm trong cuộc gặp dự kiến sắp tới của Tổng thống Mỹ Joe Biden với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương. Nhưng vì việc này quan trọng nên không thể giao hoàn toàn trách nhiệm cho các chiến lược gia quốc phòng. Thay vì chỉ duy trì đủ lực lượng để có thể trả đũa nếu bị tấn công, chính sách của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ khiến nhiều người Mỹ lo ngại việc xây dựng lực lượng hạt nhân của Trung Quốc cũng sẽ mang lại cho nước này những lựa chọn tấn công. Vào năm 2021, Charles Richard, khi đó đang là lãnh đạo Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ đã mô tả việc mở rộng hạt nhân của Trung Quốc là một “đột phá chiến lược” sẽ mang lại cho nước này “khả năng thực hiện bất kỳ chiến lược sử dụng hạt nhân hợp lý nào”.
Để hiểu lý do cơ bản của sự thay đổi đổi này, một số người ở Washington đã xem xét tính chất cụ thể của sự mở rộng này. Ví dụ, Bộ trưởng Không quân Frank Kendall đã góp ý rằng bất kể ý định của Trung Quốc là gì, việc xây dựng hàng trăm hầm chứa ICBM cũng đồng nghĩa với việc phát triển khả năng tấn công phủ đầu, tức có đủ vũ khí để phá hủy kho vũ khí hạt nhân của đối thủ bằng cách tấn công trước. Nhưng việc suy diễn động cơ từ năng lực có thể tạo ra những giả định sai lầm trong trường hợp xấu nhất, đặc biệt là với xu hướng áp đặt chiến lược của Mỹ vào các đối thủ tiềm năng, một cạm bẫy phân tích có thể được đặt ra gọi là “hình ảnh phản chiếu”.
Trên thực tế, các chiến lược gia và chuyên gia hạt nhân của Trung Quốc đưa ra một cái nhìn khác về suy nghĩ của Trung Quốc. Các bài viết và phân tích của họ kể từ năm 2015 cho thấy rằng việc mở rộng hạt nhân của Trung Quốc không phải là một sự thay đổi có sẵn trong ý định của Trung Quốc mà là một phản ứng trước những gì Bắc Kinh coi là những thay đổi mang tính đe dọa trong chiến lược hạt nhân của Mỹ, phản ánh tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh. Các nhà phân tích Trung Quốc lo ngại rằng Mỹ đã hạ thấp “ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân”, bao gồm cả việc cho phép sử dụng lần đầu một cách hạn chế trong cuộc xung đột ở Đài Loan và rằng quân đội Mỹ đang có được những khả năng mới để có thể được sử dụng để tiêu diệt hoặc làm suy giảm đáng kể lực lượng hạt nhân của Trung Quốc. Vì vậy, nhiều chuyên gia Trung Quốc đã kết luận rằng Trung Quốc cần một kho vũ khí mạnh mẽ hơn.
Do lo ngại của Trung Quốc và Mỹ về chương trình hạt nhân của nhau, việc tăng cường liên lạc có thể giúp phá vỡ vòng xoáy này. Dựa trên những lo ngại của Trung Quốc, Mỹ nên thấu hiểu được những thay đổi trong khả năng hạt nhân và học thuyết của mình đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc định hình sự nhận thức về mối đe dọa và đặt ra các yêu cầu về sự nhận thức của Trung Quốc. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ tiếp tục đáp trả những tiến bộ của Mỹ được coi là làm suy yếu khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc. Tương tự, Bắc Kinh nên hiểu rằng sự thiếu minh bạch của họ xoay quanh việc mở rộng hạt nhân nhanh chóng đã thúc đẩy Mỹ đưa ra những đánh giá về trường hợp xấu nhất. Việc tiếp tục thiếu minh bạch sẽ khiến Mỹ nghi ngờ nhiều hơn nữa và thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang ngày càng gay gắt giữa hai nước.
Tác nhân của phản ứng
Kể từ khoảng năm 2018, các chuyên gia Trung Quốc đã kết luận rằng vị thế hạt nhân của Washington hiện đặt ra những thách thức ngày càng tăng đối với khả năng răn đe của Trung Quốc. Đặc biệt, họ lo ngại về những thay đổi trong chiến lược của Mỹ được nêu trong Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân năm 2018 của Lầu Năm Góc. Nhiều chuyên gia Trung Quốc cho rằng đánh giá này nhấn mạnh Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh chiến lược và lập luận về việc hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm cả việc đáp trả một số cuộc tấn công phi hạt nhân. Họ cũng nghĩ đến việc báo cáo nhấn mạnh đến vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp, có thể được sử dụng để ép buộc Trung Quốc. Có thể thấy quan điểm của các nhà phân tích như Elbridge Colby, người từng là Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về chiến lược và phát triển lực lượng dưới thời chính quyền Tổng thống Trump cho rằng các chuyên gia Trung Quốc coi tình hình mới của Mỹ là cách để thích ứng với cán cân quân sự ở Đông Á đang chuyển dịch theo hướng có lợi cho Trung Quốc.
Cụ thể hơn, bản đánh giá năm 2018 đã làm tăng thêm lo ngại của Trung Quốc rằng Mỹ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân lần đầu một cách hạn chế trong một cuộc xung đột quy ước với Trung Quốc, rất có thể là ở Đài Loan. Theo chuyên gia kiểm soát vũ khí Trung Quốc Lý Bân, tài liệu ngụ ý rằng “Mỹ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân của mình để đáp trả các hành động xâm lược phi hạt nhân của Trung Quốc. Một phân tích rõ ràng hơn đến từ La tịch, một chuyên gia từ Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc của Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Hoa, báo cáo trực tiếp với Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và giúp xây dựng chiến lược và học thuyết quân sự của mình, bà viết: “Trung Quốc không thể không lo ngại về khả năng Mỹ sử dụng hạt nhân đầu tiên trong một cuộc khủng hoảng khu vực”. Một vị tướng về hưu của Trung Quốc, Phan Chấn Cường thậm chí còn tuyên bố thẳng thừng hơn, ông nói vào năm 2018: “Trung Quốc phải tính đến một kịch bản chiến tranh trong đó Mỹ có thể tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân, có thể là xung đột trên eo biển Đài Loan”. Một chuyên gia khác của Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc nhấn mạnh rằng bằng cách hạ thấp ngưỡng hạt nhân, Washington có thể “thúc đẩy sự leo thang của các cuộc xung đột cường độ thấp thành chiến tranh hạt nhân”. Bắc Kinh cũng lo lắng về việc Mỹ phát triển cả hệ thống vũ khí tấn công và phòng thủ có thể vô hiệu hóa khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc. Đầu tiên là khả năng Mỹ đang chế tạo các loại vũ khí thông thường mới có thể dùng để tấn công lực lượng hạt nhân của Trung Quốc, một chiến lược được gọi là “lực lượng phản công theo lối truyền thống”. Ngược lại với đó là việc sử dụng vũ khí hạt nhân để tiêu diệt lực lượng hạt nhân của đối thủ, một hành động gần như chắc chắn sẽ dẫn đến sự trả đũa hạt nhân. Những vũ khí này cho phép phe tấn công làm suy giảm hoặc thậm chí phá hủy kho vũ khí hạt nhân của đối thủ mà không vượt qua ngưỡng hạt nhân. Mối đe dọa về một cuộc tấn công quy ước nhằm vào kho vũ khí của Trung Quốc càng tăng cao bởi hàng loạt hệ thống có thể được triển khai, đặc biệt là vũ khí tấn công chính xác tầm xa cũng như các hình thức chiến tranh mạng và chiến tranh điện tử. Một nhà nghiên cứu từ Đại học Quốc phòng Quân đội Giải phóng Nhân dân của Trung Quốc đã chỉ ra khả năng phản công ngày càng tăng của Mỹ có thể “khiêu khích phe tấn công tiến hành một cuộc tấn công trước trong tình huống không sử dụng vũ khí hạt nhân, làm suy yếu sự ổn định về mặt chiến lược”.
Trung Quốc lo ngại các hệ thống vũ khí mới của Mỹ sẽ vô hiệu hóa khả năng răn đe hạt nhân của nước này
Cùng thời điểm, các chuyên gia Trung Quốc cũng lo ngại rằng việc tăng cường phòng thủ tên lửa của Mỹ có thể làm suy yếu chiến lược lâu dài của Trung Quốc về “sự trả đũa hiển nhiên”, tức khả năng tiến hành một cuộc phản công hạt nhân sau cuộc tấn công được thực hiện trước bởi kẻ thù. Mặc dù các chuyên gia Trung Quốc coi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại của Mỹ còn hạn chế, nhưng mối lo ngại lâu nay của họ về các hệ thống này đã tăng lên trong những năm trước khi Bắc Kinh bắt đầu xây dựng các hầm chứa mới. Để xoa dịu Trung Quốc (và Nga), Mỹ từ lâu đã biện minh rằng hệ thống phòng thủ tên lửa là nhằm mục đích chống lại các mối đe dọa từ các “quốc gia bất hảo” như Triều Tiên hay Iran. Tuy nhiên, Đánh giá Phòng thủ Tên lửa năm 2019 của Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh việc đặt yêu cầu về một cái nhìn toàn diện đối với các mối đe dọa tên lửa trong khu vực, bao gồm cả từ Trung Quốc, đồng thời tuyên bố rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ được sử dụng để chống lại bất kỳ cuộc tấn công tên lửa nào vào Mỹ, bao gồm cả bất kỳ cuộc phản công nào của Trung Quốc. Theo La Tịch, học giả của Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc, Mỹ có thể sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa để “triệt tiêu năng lực đánh trả lần hai của Trung Quốc”.
Tóm lại, hai diễn biến này cho thấy Mỹ đặt ra mối đe dọa ngày càng cao đối với khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc. Thực tế, Mỹ có thể sử dụng các hệ thống vũ khí thông thường (hoặc vũ khí hạt nhân) để phá hủy hầu hết kho vũ khí hạt nhân nhỏ của Trung Quốc và sau đó sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa của mình để hạn chế khả năng trả đũa của Trung Quốc bằng bất kỳ tên lửa nào còn sót lại. Hai học giả của Lực lượng Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã viết vào năm 2019, “việc sử dụng kết hợp các hệ thống phòng thủ chiến lược và tấn công chiến lược này sẽ mang lại cho Mỹ một lợi thế chiến lược độc quyền”.
Trong khi đó, những lo ngại của Trung Quốc càng trở nên trầm trọng hơn do sự sụp đổ của Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) Mỹ-Liên Xô năm 1987, vốn cấm sử dụng các hệ thống tên lửa thông thường và hạt nhân tầm ngắn đến tầm trung phóng từ mặt đất. Bằng cách loại bỏ giới hạn tầm bắn đối với tên lửa phóng từ mặt đất, sự sụp đổ của hiệp ước vào năm 2019 đã khiến các chuyên gia từ Đại học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc mô tả các tên lửa được triển khai trước đó của Mỹ là “mối đe dọa lớn” đối với tên lửa di động của Trung Quốc mà họ cho rằng rất dễ bị đe dọa khi ở cố định cũng như các vị trí trong giai đoạn khởi động. Vì lý do này, một chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Trung Quốc cùng năm đó đã cảnh báo rằng việc Mỹ triển khai tên lửa tầm trung có thể gây ra căng thẳng lớn với Trung Quốc, thậm chí có thể gây ra “Khủng hoảng tên lửa Cuba ở châu Á”.
Nhiều cách đáp trả hơn
Nói một cách rõ ràng hơn, Trung Quốc đã không minh bạch về mục đích và mục tiêu xây dựng hạt nhân của mình. Ví dụ, sách trắng quốc phòng cuối cùng của họ đã được xuất bản vào năm 2019, trước khi việc thiếp lập các chứa phóng hạt nhân được tiến hành. Tuy nhiên, những tín hiệu từ Trung Quốc có sự khác biệt đáng kể so với cách giải thích đáng báo động nhất của Mỹ. Các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ đã lập luận rằng việc xây dựng lực lượng của Trung Quốc mang lại cho nước này những lựa chọn tấn công khiến nước này trở thành mối đe dọa lớn hơn nhiều đối với Mỹ và điều đó đặt ra những thách thức mới cho chiến lược hạt nhân của Mỹ. Nhưng các bài viết của các nhà phân tích Trung Quốc cũng như các tuyên bố của các quan chức Đảng Cộng sản bao gồm cả Tập Cận Bình, cho thấy rằng cuộc thảo luận của Trung Quốc cho đến nay xoay quanh việc làm thế nào để thực hiện tốt hơn chiến lược trả đũa tất yếu của Trung Quốc, đồng thời đảm bảo rằng nước này có đủ lực lượng hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân. Nếu những dấu hiệu này là đúng thì chúng cho thấy rằng sự bành trướng của Trung Quốc mang ít tính đe dọa khẩn cấp hơn những gì người ta tưởng và phản ứng mạnh mẽ của Mỹ sẽ chỉ làm trầm trọng thêm động lực chạy đua vũ trang không cần thiết.
Ví dụ, hãy xem xét nhận xét của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XX vào tháng 10/2022. Trong một bài phát biểu, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kêu gọi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa thiết lập “một hệ thống răn đe chiến lược mạnh mẽ”. Tháng sau, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương sắp mãn nhiệm, Hứa Kì Lượng đã cảnh báo rằng cách tiếp cận răn đe chiến lược của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa nên dựa trên “cân bằng bất đối xứng” – ngụ ý rằng Trung Quốc sẽ không tìm kiếm sự ngang bằng về hạt nhân với Mỹ hoặc Nga.
Trước khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng các hầm chứa mới, các chiến lược gia Trung Quốc cũng nhấn mạnh sự cần thiết trong việc củng cố khả năng răn đe của nước này, lưu ý rằng quy mô lực lượng của Trung Quốc luôn là một con số tương đối dựa trên những gì cần thiết cho một cuộc tấn công thứ hai an toàn. Ví dụ, vào năm 2018, hai học giả về kiểm soát vũ khí tại Đại học Thanh Hoa đã lập luận rằng quy mô tương đối nhỏ của kho vũ khí hiện tại của Trung Quốc đã tạo ra cơ hội mới cho đối thủ “thực hiện các mối đe dọa hạt nhân”. Những lo ngại này cũng được lặp lại bởi các chuyên gia Trung Quốc khác, những người lập luận rằng năng lực đánh trả lần hai của Trung Quốc “còn lâu mới được đảm bảo”. Cũng đáng chú ý là điều mà các tài liệu hiện có của Trung Quốc đã bỏ qua là bất kỳ cuộc thảo luận nào liên quan tới việc hướng tới chiến lược sử dụng lần đầu, thậm sử dụng lần đầu một cách hạn chế.
Nhiều khả năng mới mà Trung Quốc đang phát triển nhằm tăng cường khả năng chống chịu, khả năng của các lực lượng hạt nhân của nước này có thể chịu được những đòn tấn công đầu tiên và có thể tiến hành một cuộc tấn công trả đũa. Chẳng hạn, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thừa nhận rằng mục đích chính của hệ thống bắn phá quỹ đạo từng phần của Trung Quốc là tránh được các radar phòng thủ tên lửa của Mỹ, có lẽ là để sử dụng trong một cuộc tấn công trả đũa tiềm tàng.
Đã có những lời kêu gọi ở Trung Quốc về việc phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật
Bắt đầu từ năm 2018, các học giả liên kết với Đại học Kỹ thuật Lực lượng Tên lửa Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã bắt đầu xuất bản các bài báo nghiên cứu cách bảo vệ tốt hơn các tên lửa phóng từ mặt đất vốn là xương sống trong khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc. Như một bài báo đã mô tả, bằng cách nâng cao khả năng sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân của đất nước, các lực lượng đóng tại hầm ngầm có thể giúp “đảm bảo khả năng răn đe hiệu quả”. Ấn bản năm 2020, “Khoa học chiến lược quân sự” của Đại học Quốc Phòng Trung Quốc cũng mô tả việc kết hợp tên lửa trên các bệ phóng di động, vốn có thể phân tán rộng rãi, với tên lửa đặt trong hầm chứa có thể mang lại cho Trung Quốc nhiều cách hơn để trả đũa.
Các chuyên gia Trung Quốc cũng đã thảo luận những cách khác để tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc. Những điều này bao gồm việc giảm thời gian phản ứng, tức thời gian cần thiết để lực lượng hạt nhân của Trung Quốc phản ứng trước một cuộc tấn công. Các chiến lược gia Trung Quốc đã thảoluận về ưu điểm và nhược điểm của hệ thống “phóng cảnh báo” một phần hoặc toàn bộ, theo đó Bắc Kinh sẽ bắn tên lửa sau khi tên lửa của đối thủ đã được phóng nhưng trước khi va chạm và phát nổ. Một bước đi tiềm năng khác bao gồm triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa để bảo vệ cơ sở hạ tầng hạt nhân của Trung Quốc. Các chuyên gia Trung Quốc cũng tranh luận về việc có nên dự tính tấn công vào các hệ thống hỗ trợ chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ, chẳng hạn như các vệ tinh cảnh báo sớm của Mỹ bất chấp việc nhiều khả năng một động thái như vậy có thể gây ra sự bất ổn lớn. Tất nhiên là các động thái kể trên có thể mục đích của việc mở rộng và hiện đại hóa hạt nhân của Trung Quốc trong việc tạo ra một “lá chắn hạt nhân” cho phép thực hiện các hoạt động tấn công quy ước lên Đài Loan. Theo quan điểm này, bằng cách sở hữu khả năng răn đe mạnh mẽ, Trung Quốc có thể bắt đầu hoặc leo thang một cuộc xung đột quy ước với Đài Loan đồng thời ngăn chặn sự ép buộc hạt nhân hoặc các cuộc tấn công hạt nhân hạn chế của Mỹ, từ đó làm tăng khả năng chiến thắng cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, các nguồn tài liệu sẵn có của Trung Quốc được viết trước khi việc mở rộng hạt nhân bắt đầu và không có nội dung thảo luận trực tiếp nào về mục tiêu đó.
Cũng có những lời kêu gọi ở Trung Quốc về việc phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật. Phá vỡ điều cấm kỵ trong quá khứ, một số chuyên gia nổi tiếng đã công khai đề xuất rằng Trung Quốc có thể cần bổ sung vũ khí hạt nhân chiến thuật vào kho vũ khí của mình để ngăn chặn việc sử dụng hạt nhân giới hạn trước của Mỹ. Nếu mối lo ngại của Trung Quốc về chiến lược hạt nhân của Mỹ tiếp tục gia tăng, Bắc Kinh có thể chấp nhận quan điểm này, với việc tên lửa tầm xa DF-26 có độ chính xác cao có khả năng trở thành phương tiện mang đầu đạn hiệu suất thấp hơn. Nhưng hầu hết các chuyên gia hạt nhân Trung Quốc dường như phản đối những loại vũ khí này và không có bằng chứng nguồn mở nào tiết lộ bất kỳ kế hoạch nào về việc triển khai chúng.
Sự nguy hiểm của các hoạt động leo thang mới
Việc mở rộng hạt nhân của Trung Quốc rõ ràng được thúc đẩy bởi cảm giác dễ bị tổn thương và sự bất an ngày càng tăng trước “những bước đi ngày càng xa” của Mỹ. Nhưng kho vũ khí lớn hơn và đa dạng hơn của Trung Quốc cũng sẽ mang lại cho Bắc Kinh nhiều lựa chọn hơn ngoài việc “phải” tấn công trả đũa. Giả sử như việc Trung Quốc phát triển vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp để ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân hạn chế của Mỹ. Khi đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể có một sự cám dỗ không thể cưỡng lại được là sử dụng những vũ khí như vậy để ép buộc trong một cuộc khủng hoảng ở Đài Loan. Quỹ đạo tương lai của chiến lược hạt nhân của Trung Quốc là không chắc chắn và nó có khả năng chuyển sang hướng thực hiện một cuộc tấn công hơn (dưới hình thức phi hạt nhân).
Hơn nữa, ngay cả khi chiến lược tổng thể của Trung Quốc tiếp tục tập trung vào việc ngăn chặn cuộc tấn công trước thay vì đe dọa tấn công, một số hành động mới của nước này có thể sẽ làm xói mòn tính ổn định địa chính trị. Có lẽ đáng chú ý nhất là nếu Trung Quốc thực hiện việc “phóng khi cảnh báo”, rủi ro trong một cuộc khủng hoảng sẽ tăng lên đáng kể. Kinh nghiệm hạn chế của Trung Quốc trong việc vận hành các lực lượng hạt nhân đang trong tình trạng báo động cao khiến khả năng xảy ra tai nạn hoặc tính toán sai lầm hay thậm chí còn nghiêm trọng hơn thế.
Mặc dù những “yếu tố không ngờ” về kiểm soát vũ trang giữa Washington và Bắc Kinh là rất khó để xảy ra, nhưng cả hai có thể thực hiện những bước đi để ngăn chặn sự leo thang lớn hơn. Đối với Trung Quốc, sự minh bạch hơn về quan điểm hạt nhân của nước này và lý do hợp lý cho việc xây dựng hạt nhân của nước này có thể giúp giảm bớt một số giả định về trường hợp xấu nhất mà các chiến lược gia Mỹ đưa ra. Đối với các chiến lược gia quốc phòng ở Washington, việc hiểu được vị thế hạt nhân và các nỗ lực phòng thủ tên lửa của Mỹ định hình nhận thức về mối đe dọa của Trung Quốc như thế nào có thể giúp họ xây dựng các chính sách hạt nhân mà Bắc Kinh coi là ít khiêu khích hơn và do đó ít có khả năng phải đáp trả hơn.
Nhưng thật không may, sự cạnh tranh toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc cùng căng thẳng ngày càng gia tăng về vấn đề Đài Loan cho thấy rằng những mục tiêu này sẽ khó đạt được. Quả thực, việc mở rộng hạt nhân của Trung Quốc có nhiều khả năng gây ra những căng thẳng hơn là dẫn đến bất kỳ một hình thức giảm căng thẳng nào. Mặc dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể coi những nỗ lực hiện đại hóa hạt nhân của họ chỉ mang tính phòng thủ, các nhà hoạch định chính sách và chiến lược gia ở Washington đang kêu gọi phản ứng mạnh mẽ. Với sự quan tâm rất lớn về Trung Quốc, vào tháng 10 năm 2023, Ủy ban Tư thế Chiến lược lưỡng đảng đã khuyến nghị nhiều thay đổi khác nhau đối với lực lượng hạt nhân của Mỹ, chẳng hạn như chuẩn bị đưa các đầu đạn hiện đang được dự trữ lên các phương tiện vận chuyển hiện có, tăng cường số lượng và đa dạng các loại hệ thống phân phối cũng như triển khai nhiều hệ thống tên lửa tầm xa tới Châu Á – Thái Bình Dương. Tương tự, một nhóm chuyên gia lưỡng đảng do Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore triệu tập gần đây đã khuyến nghị Mỹ “lên kế hoạch và chuẩn bị triển khai thêm đầu đạn và bom”.
Những bước đi như vậy gần như chắc chắn sẽ chỉ củng cố nỗ lực mở rộng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Bắc Kinh có thể tăng thêm kho dự trữ vũ khí hạt nhân, triển khai các hệ thống phân phối mới và phát triển đầu đạn hạt nhân hiệu suất thấp, hay có thể tất cả các bước đi mà Mỹ coi là mối đe dọa. Do đó, phản ứng của Mỹ đối với các kế hoạch gần đây của Trung Quốc (vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi những thay đổi trong chiến lược hạt nhân của Mỹ) có thể đẩy nhanh tốc độ phản ứng (vốn đã nguy hiểm) ngày càng gây ra những hành động nguy hiểm và có khả năng gây ra một cuộc chạy đua hạt nhân lớn.
Biên dịch: Nguyễn Duy Hưng
Bản quyền dịch thuật thuộc về dịch giả và Nghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Về các tác giả:
- M. Taylor Fravel là Giáo sư Khoa học Chính trị của Viện Arthur & Ruth Sloan, phụ trách Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts.
- Henrik Stålhane Hiim là Phó Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy, Đại học Quốc phòng Na Uy.
- Magnus Langset Trøan là Nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Na Uy.